a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Trạng Nguyên Hoàng Văn Tán Và Câu Đối “Kiến Bò Đĩa Thịt, Đĩa Thịt Bò”

 Bất ngờ cậu bé Hoàng Văn Tán từ bếp chạy lên, tay vẫn xách siêu nước bốc hơi nghi ngút, cậu kính cẩn xin phép thầy được đối lại, thầy gật đầu bằng lòng. Cụ Chánh và đám nho sinh đứng ngây như phỗng nhìn cậu bé Tán với vẻ ngờ vực. Nhưng Tán đã dõng dạc đọc: Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào cuối thời Lê Sơ (đầu thế kỷ XVI) ở làng Xuân Lôi, huyện Vũ Ninh, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có cậu bé tên là Hoàng Văn Tán. Gia cảnh tuy nghèo túng nhưng cậu rất thông minh và giỏi đối đáp.

Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm mẹ Tán đi chợ ở làng Thị Cầu thấy đám rước “Vinh quy bái tổ” của một vị tiến sĩ về làng Kim Đôi rất đông vui, trang trọng, lộng lẫy và bà ao ước con trai mình cũng được học hành đỗ đạt như vậy. Về nhà nhìn vào hoàn cảnh gia đình bà chỉ biết than thở rồi kể lại chuyện đó với con trai. Cậu bé Tán bèn sà vào lòng mẹ và nói như đinh đóng cột rằng: Con mà được đi học thời con sẽ đỗ cao hơn!


Trạng nguyên Hoàng Văn Tán và câu đối “Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò”.

Thấy Tán còn nhỏ mà ăn nói khảng khái khác thường, bà mẹ quyết tâm đưa con tìm thầy học chữ. Nghe tiếng thầy đồ làng Vị (nay thuộc làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) nổi tiếng hay chữ, bà đưa Tán đến xin “nhập môn”. Ngắm đi ngắm lại tướng mạo cậu bé, thầy đồ vui vẻ nhận lời. Lớp học có hơn chục nho sinh nhưng thầy chưa cho Hoàng Văn Tán được học chữ ngay, cậu chỉ được giao làm những việc vặt như quét nhà, dọn dẹp, nước nôi, điếu đóm phục vụ lớp học. Cậu bé Tán chỉ đứng ở bên ngoài học lỏm, nhưng với trí thông minh bẩm sinh nên cậu “nhập tâm” và thuộc bài làu làu còn giỏi hơn các nho sinh ở trong lớp. Một hôm có cụ Chánh mang lễ và dẫn con trai đến nhập học. Nhìn lên mâm lễ lớn vừa đặt trên hương án, thầy đồ tức thì ra một vế đối có ý thử tài trò mới và các nho sinh. Vế đối như sau: Ruồi đỗ mâm xôi, mâm xôi đỗ.

Vì thầy chơi chữ nên vế này rất khó đối, cả đám học trò ngơ ngác im lặng, thầy đồ lắc đầu, hết hy vọng. Bất ngờ cậu bé Tán từ bếp chạy lên, tay vẫn xách siêu nước bốc hơi nghi ngút, cậu kính cẩn xin phép thầy được đối lại, thầy gật đầu bằng lòng. Cụ Chánh và đám nho sinh đứng ngây như phỗng nhìn cậu bé Tán với vẻ ngờ vực. Nhưng Tán đã dõng dạc đọc: Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò.

Thầy đồ giật mình vì vế đối của Tán chữ và nghĩa rất chỉnh. Còn cánh nho sinh thì phục lắm! Từ hôm đó, thầy cho cậu “nhập môn” chính thức. Với bản chất con nhà nghèo vốn cần cù, chịu khó cộng với sự thông minh sẵn có nên Tán học một biết mười. Hoàng Văn Tán miệt mài ngày đêm luyện bút, rèn văn dùi mài kinh sử. Năm sau nhà vua mở khoa thi và lớp học thì đông nên thầy đồ muốn chọn những môn sinh đã học lâu năm có nhiều học vấn, kinh nghiệm để lên kinh đô ứng thí. Hoàng Văn Tán không được xếp trong diện đó.

Khi các môn sinh khác chuẩn bị “lều chõng” lên đường đi thi thì trời nổi cơn mưa, nhân lúc đó thầy đồ muốn khảo thí các môn sinh lần cuối bèn ra một vế đối:

– Lác đác mưa sa làng Vị Vũ (Vị Vũ – làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh ngày nay – quê thầy đồ).

Một lần nữa cả môn trường im lặng, thầy trầm tư với vẻ mặt không vui. Bỗng nhiên có tiếng xin thầy được đối vang lên từ phía sau, thầy ngoảnh lại thấy Hoàng Văn Tán. Thấy vậy thầy vui vẻ đồng ý nhận lời và Tán thưa lại rằng: Ầm ầm sấm động đất Xuân Lôi (Xuân Lôi là quê của Hoàng Văn Tán). Và cậu bé Tán vừa đọc dứt vế đối thì trên trời lóe chớp và tiếp theo là một tiếng sấm rất lớn. Thầy đồ sung sướng reo lên: Trạng nguyên của ta đây rồi!

Quả nhiên, đến khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên 2-1523, đời vua Lê Cung Hoàng, Hoàng Văn Tán đi thi và đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh Trạng nguyên (khoa này lấy đỗ 36 người, trong đó có 3 tiến sĩ cập đệ, 8 tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 25 đồng tiến sĩ xuất thân). Sau này ông được giao cùng với Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho Mặc Đăng Dung và làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang bộ Lễ.

Lời bàn về Hoàng Văn Tán và lịch sử khoa cử Việt Nam

Lịch sử các kỳ thi Nho học ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919, đời vua Khải Định. Trong 845 năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 khoa thi có 2.898 sĩ tử đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên), trong đó có 56 người đỗ trạng nguyên. Người đỗ trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cửu, xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang (nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên của nước Đại Việt.

Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, việc thi cử ngày xưa không phải chỉ có mang lại niềm vui, vinh dự cho người có tên trong bảng vàng mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ, quê hương người đỗ đạt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục nho học không còn tồn tại, nhưng tấm gương hiếu học của Trạng nguyên Hoàng Văn Tán vẫn là một điểm sáng cho con cháu hậu thế noi theo. Tên tuổi của ông gắn liền với truyền thống hiếu học và khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc văn hiến. Nơi người đời vẫn truyền tụng rằng: Một giỏ sinh đồ, một bồ ông cống, một đống trạng nguyên, một thuyền bảng nhỡn. Và vấn đề đặt ra sau giai thoại trên là tuổi trẻ ngày nay làm gì để nối bước tổ tiên để Việt Nam sớm sánh vai với các cường quốc năm châu?

N.N (Theo Báo Bình Phước)


CÓ MỘT BẾN XE BUS KỲ LẠ Ở NHẬT BẢN, NƠI SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÓ MỘT CHUYẾN XE NÀO CHẠY ĐẾN

Ở Toyohashi thuộc tỉnh Aichi, có một bến xe bus nhỏ nằm tĩnh lặng tại một con phố. Nơi đây thoạt nhìn thì giống như bao bến xe bus thông thường, có nhà chờ, có biển báo, có lịch trình... Nhưng nơi đây lại là bến xe bus kỳ lạ nhất Nhật Bản - nơi sẽ không có một chuyến xe bus nào chạy đến. Bến xe này mang theo một câu chuyện cực kì ý nghĩa và cảm động.

Cô Tomoka Sugino (53 tuổi) là người đã dựng nên bến xe đặc biệt này. Từng là một giáo viên dạy lái xe bình thường, cô đón nhận biến cố lớn khi người cha thân yêu qua đời sau một tai nạn. Kể từ đó, cô theo học và làm việc trong ngành điều dưỡng, tận mắt chứng kiến những hậu quả của căn bệnh mất trí nhớ. Cô nhủ rằng, mình cần làm một điều gì đó...

Bến xe bus đặc biệt mà cô đã dựng nên, thực chất là một điểm tựa cho những bệnh nhân mất trí nhớ. Những người mắc chứng sa sút trí tuệ thường có xu hướng đi khắp nơi, tìm đến những bến xe vì nghĩ rằng họ có thể tự đi đến nơi họ muốn. Hoặc chí ít, họ nghĩ rằng họ có thể trở về nhà nếu chờ một chuyến xe bus. Bến xe này chính là cách giúp ngăn họ đi lang thang quá xa, giúp họ tránh khỏi những sự cố, tai nạn...

Dân số Nhật Bản đang ngày một già đi, kéo theo đó là số người bị sa sút trí tuệ tăng nhanh theo từng năm. Bến xe bus đặc biệt này được ví như "một lời nói dối tốt lành", bảo vệ những người mất trí nhớ. Nếu bạn bắt gặp một ai đó đến và ngồi lại tại bến xe này, hãy dành cho họ một lời hỏi han, giúp đỡ. Vì rất có thể họ là một bệnh nhân sa sút trí tuệ, đang mong muốn tìm về với gia đình. Đó là thông điệp mà cô Yuka Sugino mong muốn truyền tải thông qua bến xe bus kỳ lạ nhất Nhật Bản này.

Nguồn: FNN

Nữ đại gia giàu thứ 2 thời xưa ở Việt Nam, sở hữu tài sản khủng, được chúa Trịnh phong 'Phú gia địch quốc'


Bà là người giàu thứ 2 được nhắc đến trong những câu thơ: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng/Thứ ba Thạch Sùng". Người phụ nữ này sở hữu hàng nghìn mẫu ruộng, hàng vạn xâu tiền, thóc lúa và gia súc nhiều vô kể.

Bà là người giàu thứ 2 được nhắc đến trong những câu thơ: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng/Thứ ba Thạch Sùng". Người phụ nữ này sở hữu hàng nghìn mẫu ruộng, hàng vạn xâu tiền, thóc lúa và gia súc nhiều vô kể.

Người phụ nữ giàu thứ 2 thiên hạ được ví như "Phú gia địch quốc"

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có nhiều người giàu có nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ. Trong đó, người giàu thứ 2 được ví như “Phú gia địch quốc” được nhắc đến trong những câu thơ: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng/Thứ ba Thạch Sùng", đó chính là nữ doanh nhân Bổi Lạng.

Theo dấu tích được ghi lại, bà Bổi Lạng sinh giữa thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Thuở nhỏ bà có tên là Thuyết, khi trưởng thành đổi tên là Trị. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm nhưng bà là người chịu thương, chịu khó. Ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với ông Sái Đắc Lộc, quê ở Hà Tĩnh.


Bà được chúa Trịnh phong là “Phú gia địch quốc” (Ảnh minh họa)

Xung quanh cuộc đời của bà có nhiều câu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong dân gian. Riêng chuyện bà trở nên giàu có đã có nhiều dị bản. Theo đó, thuở hàn vi, bà thường ra sông mò hến bán. Một buổi chiều, trong lúc mò hến, bà tìm được rất nhiều vàng bạc, châu báu. Bà mang về nhà lấy vốn làm ăn. Nhiều người lý giải, vào cuối thế kỷ XVI, quân Lê - Trịnh và nhà Mạc đã có trận chiến ở khúc sông xã Bình Lãng. Thuyền chở vàng bạc của quân nhà Lê - Trịnh bị đắm rơi hết xuống sông.

Năm Quý Mùi (1703), thóc như ngọc quý, bà lấy của tích lũy được mua ruộng ở các nơi. Có ruộng, bà còn chăn nuôi gia súc. Với sự cần cù, chăm chỉ và kinh doanh giỏi, bà Bổi Lạng nhanh chóng trở nên giàu có. Bà sở hữu hàng nghìn mẫu ruộng, hàng vạn xâu tiền, thóc lúa và gia súc nhiều vô kể.

Không chỉ giàu có, bà còn nổi tiếng giàu lòng nhân đức. Phía trước nhà bà có nhánh sông, muốn giúp đỡ kẻ khó, bà bảo họ ra đó mò cua, bắt hến bán cho bà. Khi ốc hến cạn kiệt, họ mò cả sỏi về bán song bà vẫn mua. Người ta đồn bà Bổi nhìn sỏi ra vàng. Từ đó khúc sông được gọi là sông Vàng.

Một lần qua bến Vạn thuộc làng La Tỉnh, thấy cây cầu đã đổ nát, người qua sông phải lội, bà liền cho đóng 2 con thuyền, lại sai Phạm Cân và Đỗ Văn Ha là người bản xã lái đò miễn phí cho dân. Bà còn cho mỗi người 5 mẫu ruộng để lấy lộc điền sinh sống. Bà còn bỏ tiền công đức bắc trên 30 cây cầu đá cho dân trong huyện Tứ Kỳ.

Sự giàu có và những việc thiện của doanh nhân Bổi Lạng nhanh chóng truyền đã đến tai chúa Trịnh Sâm. Để tìm hiểu thực hư, chúa đã dẫn quan quân đi đường thủy về Bình Lãng. Đến đoạn sông quê bà, thấy bụi bay mù mịt, vua sai người đi tìm hiểu thì được biết bụi bay là do người làm trong nhà bà Bổi Lạng xay giã gạo.

Bà Bổi Lạng thấy mình phận nhỏ ở chốn thôn quê mà lại được chúa đến thăm bèn xin phép khao quân 3 ngày để tỏ lòng biết ơn. Được chúa đồng ý, bà liền sai gia nhân làm trên trăm mâm cỗ thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, có thể đập mua vui. Suốt 3 ngày tiệc tùng linh đình như thế, nhà chúa bái phục nên phong cho bà “Phú gia địch quốc” (người giàu có nhất thiên hạ) hay “Thạc nhân” (người đàn bà vĩ đại).

Chứng tích còn theo năm tháng

Bà Bổi Lạng mất ngày 27/9/1721, năm Tân Sửu. Lăng mộ của bà ở cánh đồng Vông, thôn Đông Phong (xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Khu lăng mộ nằm trên một gò đất khá bằng phẳng rộng gần một sào ở cánh đồng thôn Đông, 2 bên có 2 cây bàng.

Phía trước lăng mộ là đôi nghê đá ngồi chầu được chạm khắc tinh xảo. Phía sau là một sập đá lớn. Sau sập đá là lăng đá 2 tầng 8 mái được ghép bằng các phiến đá xanh lớn. Phần lăng được tạo tác công phu, chạm các ô hộc, chữ Vạn, tản vân. Bên trên tầng 2 là mái úp chạm hoa sen.

Khu lăng mộ bà Bổi Lạng có diện tích nhỏ hẹp ở cánh đồng Vông (Ảnh: Báo Hải Dương)

Công trình toát lên sự cổ kính, độc đáo và gần như còn nguyên vẹn hình dáng nguyên sơ ngoại trừ một vài phần bị hư hại. Bên trái lăng là bia đá hình tứ trụ có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720) có ghi chữ Nho ghi về cuộc đời của nữ doanh nhân Bổi Lạng, bản phân chia tài sản cho các con nuôi, công đức ruộng cho các làng, xã để lo việc thờ cúng cho gia đình mình.

Cùng với khu lăng mộ, ở Tứ Kỳ còn rất nhiều cây cầu đá mà ngày nay người dân vẫn gọi là cầu đá bà Bổi. Theo đó, trong cuộc đời bà Bổi Lạng đã công đức xây dựng cho nhân dân trong vùng 36 cây cầu đá. Trên mỗi cây cầu này đều có chạm một bàn chân.


Cận cảnh phần mái lăng mộ

Theo thống kê, hiện nay huyện Tứ Kỳ còn lại 18 cầu đá, bia ký bắc cầu đã thất lạc chỉ còn lại những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Trong đó có cầu đá Mốt tại thôn Mũ, xã Phượng Kỳ, bắc trên đồng làng ra chùa Khánh Linh được nhân dân gọi là cầu bà Bổi. Cùng với hệ thống cầu đá, hiện nay bến đò Vạn, nơi bà đóng đò chở miễn phí cho dân qua lại vẫn là nơi thuyền bè neo đậu.

Theo H.A (Kienthuc.net.vn)