a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

THẠCH LAM – NGƯỜI NGHỆ SĨ NẶNG TÌNH CỦA ĐẤT HÀ THÀNH

 


Trong số những người yêu Hà Nội, Thạch Lam là người yêu hơn cả. Đọc “Hà Nội băm sáu phố phường” của ông, độc giả bắt gặp một tâm hồn đồng điệu với Thăng Long cổ kính, tinh tế đến nhã nhặn, thanh tao.


Cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa

Thạch Lam sinh năm 1910 tại ấp Thái Hà, Hà Nội và chỉ sống một cuộc đời vỏn vẹn 32 năm trên dương thế.

Ông sinh vào tháng sáu âm lịch, là con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường có bảy anh chị em. Lúc nhỏ có tên là Sáu. Ông mất vào tháng sáu dương lịch năm 1942 vì bệnh lao tại nhà cây liễu ở đầu làng Yên Phụ, Hồ Tây, Hà Nội.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình Thạch Lam đã để lại sáu cuốn sách nhỏ: Ba tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941), một truyện dài “Ngày mới” (1939), tập tiểu luận “Theo dòng” (1941) và tập bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943). Đặc biệt, cuốn sách cuối cùng này được Tự lực văn đoàn cho xuất bản sau khi Thạch Lam qua đời như lời nhắn nhủ ông gửi lại, rằng: “Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”.

Đọc Thạch Lam, tôi hình dung ông là một người Hà Nội hào hoa, phong nhã, nhẹ nhàng trong hành động, nhân từ trong suy nghĩ, một nhà văn bằng cả cái tinh tế của hồn mình để cảm nhận những gì dịu dàng, bé nhỏ nhất trong đời. Ông yêu mến và hiểu biết tường tận Hà Nội trong mọi ngõ ngách của đời sống.

Tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” của ông đã làm rung động con tim những người mến thương Hà Nội. Có lẽ đây là cuốn tùy bút đầu tiên, mở ra một thể văn mới, viết về Hà Nội, về món ăn và sự gắn bó của ẩm thực với đời sống văn hóa xã hội con người trong văn chương Việt Nam.

Sinh thời, nhà văn Nhất Linh và nhiều người khác đều cho rằng Thạch Lam viết hay hơn cả trong Tự lực văn đoàn. Năm 1937, khi tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” của Thạch Lam xuất bản, Khái Hưng là người đầu tiên nhận ra Thạch Lam là nhà văn của cảm giác. Đến năm 1943, khi viết lời Tựa cho tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” chính Khái Hưng cũng là người đầu tiên phát hiện: “Thạch Lam thực sự là một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị”.

Văn Thạch Lam đẹp, tinh tế; con người Thạch Lam hồn hậu và rất mực tài hoa. Đó là lý do vì sao Thạch Lam luôn chiếm được cảm tình đặc biệt của người đọc nhiều thế hệ.

Đến nay, sau gần 8 thập kỷ kể từ ngày qua đời nhưng những tác phẩm của Thạch Lam vẫn được độc giả yêu mến tìm đọc. Theo GS Hà Minh Đức, sở dĩ văn của Thạch Lam chịu được sự thử thách của thời gian vì hai yếu tố cơ bản. Trước hết, về phía chủ quan, đó là con người thành thực, thành thực với bản thân và với cuộc sống. Chính vì thế trên trang viết không có những ý tưởng, lối thể hiện cầu kỳ kiểu cách, giả tạo, mơ hồ. Về phía khách quan, cuộc sống trên dòng chảy đời thường luôn hỗ trợ cho văn chương không xa lạ, lạc điệu.

Trong hồi ức của người con út

Người con út của nhà văn Thạch Lam là bác sĩ Nguyễn Tường Giang, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Hiện bác sĩ Giang cùng gia đình sống ở Mỹ.

Trong “Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng”, Nguyễn Tường Giang kể: “Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán số tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai thì người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi đi sinh, cha tôi đang đau nặng. Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy nghĩ nhiều, ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27-6-1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn”.

Đọc mà xót xa. Đứa trẻ côi cút tình cha ấy chỉ biết nhớ về cha qua những dòng hồi ức của mẹ. “Mẹ tôi thường kể rằng, cha tôi yêu hoa cẩm chướng, viết văn thật sớm vào buổi sáng, dạy học thêm một tuần đôi ba giờ, đến tờ báo vào những giờ đẹp nhất trong ngày… Người thích thơ Nguyễn Nhược Pháp, yêu văn Nguyễn Tuân, hay ngồi đánh cờ tướng với bạn bè ở tòa soạn khi rảnh rỗi, hoặc ông với cây đàn tranh để lên bàn, lơ đãng và thanh thản gẩy lên những thanh âm theo cảm hứng, một bản cò lả hay nam ai. Thi sĩ Huy Cận, khi tôi gặp ông năm 1995 để tìm kiếm một số kỷ niệm về cha tôi, đã kể với tôi rằng, có lần ông đến tòa báo tìm cha tôi, khi nghe tiếng đàn tranh vọng ra, đã đứng nép vào bên cửa để nghe, chỉ dám gõ cửa khi tiếng đàn đã dứt. Ông nói với tôi: “Cha anh đánh đàn rất hay”, rồi ông vội vã lật vài trang sách khoe tôi về những kỷ niệm ông viết về cha tôi: “Tôi đã từng quen Thạch Lam, con người mảnh khảnh tưởng như chỉ một làn gió có thể đẩy đi, một thân hình tưởng như chỉ làm bằng cảm giác, cái khối cảm giác ấy đã hóa thân vào văn”…

Nhà văn Vũ Bằng, khi nhận xét về lối sống tao nhã của Thạch Lam, đã viết rằng: “Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng: Nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi… dường như nếu bước mạnh thì đất nó đau”.

Nguồn gien văn chương của dòng họ Nguyễn Tường, nhất là Thạch Lam không còn tồn tại ở lớp hậu duệ. Con cháu nội, ngoại của ông đều nghiêng về khoa học kỹ thuật. Duy có bác sĩ Nguyễn Tường Giang là có viết văn, làm thơ. Bên những bận rộn của một bác sĩ sản khoa ông vẫn đi tiếp con đường chữ nghĩa thừa hưởng từ thân phụ. Những sáng tác của ông nói lên bao nỗi niềm của một người nặng lòng với quê hương, trong đó, nỗi cô đơn sầu xứ như một mạch ngầm chủ đạo không ngừng dào dạt chảy qua từng ký ức, từng khung cảnh làng quê vời vợi nghìn trùng, nhất là Hà Nội – nơi yên nghỉ của người cha tài hoa và lịch lãm có quá nhiều dấu ấn nhớ thương.

Trong cuộc đời, bác sĩ Giang có một niềm mơ ước cháy bỏng, như ông từng thổ lộ: “Tôi vẫn mơ có một buổi chiều nào tôi cùng cha tôi thơ thẩn trên một con đường ở Hà Nội, một con đường từ đê Yên Phụ đến Cổ Ngư, hay một ngã rẽ vào vườn hoa hàng Đậu, chúng tôi cùng 32 tuổi, cùng nói với nhau các chuyện đời thường, chuyện vợ con, cuộc sống và bạn bè, và chuyện văn chương… Cha tôi có lẽ có một tâm hồn rất yếu đuối, rất thương người và hy sinh cả cuộc đời để chăm chút đến những số phận nhỏ bé nhưng đáng quý, một tâm tình nhân bản và hiền dịu biết bao. Tôi có thể kể cho ông những khó khăn ông để lại cho vợ con vào thời kỳ bắt đầu của súng ống và hận thù, của những cái nghèo đói thật sự mà ông đã phơi bầy trên nhiều trang sách… Tôi có thể kể bao nhiêu chuyện xẩy ra từ ngày ông mất đi… nhưng có hề chi, vì tôi biết rằng, ông sẽ nhẹ nhàng nói với tôi: Không có chuyện gì là sai hay phải, là xấu hay tốt, khi người ta cư xử với nhau bằng một tấm lòng”…

Vâng, cuộc đời và những tác phẩm của Thạch Lam, đặc biệt là cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tấm lòng gắn bó sâu nặng và thái độ trân trọng của ông đối với văn hóa Hà Nội.

Tình yêu với cái Đẹp và Con người, cùng những giá trị đích thực trong văn chương của Thạch Lam sẽ sống mãi.

Sưu Tầm

Nhà thơ duy nhất của Việt Nam từng được đề cử giải Nobel Văn học, tên tuổi vươn tầm quốc tế

Nhà thơ này là gương mặt nổi bật trong phong trào Thơ mới, từng được gọi là “Thi bá Việt Nam”. Cho đến nay, ông vẫn là nhà thơ duy nhất của nước ta được đề cử giải Nobel.
Tháng 2/2023, Ủy ban Nobel công bố danh sách 100 cái tên được đề cử trao giải Nobel Văn học vào năm 1972. Điều này là phù hợp với quy định của tổ chức này (giữ kín thông tin đề cử trong 50 năm). Điều gây bất ngờ là ở Việt Nam có một người xuất hiện trong danh sách 100 cái tên đó. Viện Hàn lâm Thụy Điển chú thích ông là nhà thơ, Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam, lần đầu được đề cử và người giới thiệu là Thang Lang. Nhà thơ đó chính là Vũ Hoàng Chương.

Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976), là cái tên nổi bật trong phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Ông có trình độ học vấn cao, từng theo học trường Albert Sarraut nổi tiếng tại Hà Nội. Đến năm 1937, Vũ Hoàng Chương đỗ tú tài rồi theo học ngành luật. Thế nhưng chỉ được 1 năm, ông chuyển hướng sang làm ngành đường sắt.

Năm 1941, Vũ Hoàng Chương lại quyết định đi học cử nhân toán rồi sau đó đi dạy học. Ông có thời gian gắn bó với nghề dạy toán, văn tại Nam Định, Hà Nội trước khi vào TP.HCM sinh sống.


Thực tế, làng văn nghệ sĩ Việt Nam từng có một người khác cũng được đề cử giải Nobel Văn học là ông Hồ Hữu Tường (1910 – 1980). Tuy nhiên, ông Hồ Hữu Tường là nhà văn, nhà báo. Vì vậy, có thể nói ông Vũ Hoàng Chương là nhà thơ duy nhất đến nay được đề cử giải thưởng này.

Nói đến Vũ Hoàng Chương là nói đến phong trào Thơ mới. Ông có 15 tập thơ, các vở kịch như Trương Chi, Vân muội, Hồng diệp… Sinh thời, nhà thơ này từng có thời gian giữ chức Chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam.


Lại nói đến lần Vũ Hoàng Chương được đề cử giải thưởng Nobel Văn học, người đề cử ông khi ấy theo tài liệu của Viện Hàn lâm Thụy Điển là Thang Lang. Nhưng có thể đây là nhầm lẫn về chính tả. Người đó nhiều khả năng là linh mục Thanh Lãng (1924 – 1978), là tiến sĩ văn chương ở Thụy Sĩ, từng giảng dạy đại học ở Sài Gòn và có nhiều công trình nghiên cứu.





CÁC BẠN NỮ LƯU Ý 



1. Quan sát cẩn thận xung quanh
Những nơi phổ biến để lắp camera theo dõi là: thiết bị báo động khói; thiết bị lọc không khí; sách, hộp khăn giấy, gấu nhồi bông, đồng hồ treo tường (báo thức), móc quần áo; Ổ cắm điện, đèn bàn, giá đỡ máy sấy tóc; dưới mặt bàn, ghế, kệ, bút mực (bi); vỏ DVD, hộp tivi kỹ thuật số.
Thậm chí khu vực ngoài phòng như: cây lau nhà, lỗ trên cửa, mái nhà, chuông cửa cũng đều có thể lắp camera theo dõi.

2. Tắt hết đèn để quan sát camera ban đêm
Hầu hết các camera đều được trang bị đèn LED màu đỏ hoặc màu xanh lá cây, nó sẽ nhấp nháy hoặc tỏa sáng đèn LED khi ở điều kiện ánh sáng yếu.

3. Sử dụng đèn flash của điện thoại
- Bật đèn flash và tắt hết đèn, kéo rèm trong phòng.
- Cầm đèn pin rọi khắp nơi trong phòng và kiểm trả. Nếu bạn nhận thấy ánh sáng phản chiếu từ một vật thể nào đó thì có thể ở đó có một camera ẩn.

4. Gọi điện thoại
Đi dạo bộ trong phòng, vừa nói chuyện qua điện thoại vừa quan sát, tìm kiếm. Khi bạn nhận thấy điện thoại bị nhiễu tín hiệu thì có thể khu vực đó được gắn camera quan sát.

5. Dùng remote điều khiển từ xa
Hãy đưa remote tivi, máy lạnh,... vào các hốc tường hoặc những nơi mà bạn nghi ngờ, rồi bấm bất kỳ nút nào trên điều khiển. Nếu tín hiệu đèn led trên remote phát sáng thì có thể khu vực đó có lắp camera.

6. Kiểm tra các gương trong phòng
- Đặt móng tay của bạn lên gương.
- Quan sát khoảng cách giữa ngón tay của bạn và gương. Nếu có một khoảng cách giữa ngón tay của bạn và hình ảnh, đó là một tấm gương thực sự. Còn nếu ngón tay của bạn và hình ảnh đầu ngón tay chạm vào nhau, không có khoảng cách, thì ắt hẳn tấm gương không bình thường, có thể sẽ có một camera trong gương.

7. Sử dụng camera điện thoại
Hãy tắt hết đèn và kéo rèm lại để phòng tối. Sau đó bật camera điện thoại lên, di chuyển chậm xung quanh căn phòng. Nếu bạn thấy màn hình điện thoại có điểm sáng thì có thể khu vực ấy có lắp đặt camera hồng ngoại. 




"Qua" và "Bậu" đều là đại từ nhân xưng đặc trưng của miền Trung và miền Nam ngày xưa. Nhưng nó được dùng nhiều nhất là ở vùng đất phương Nam.
"Qua" là ngôi thứ nhất, nếu dùng riêng lẻ là từ xưng hô của người lớn tuổi với người nhỏ tuổi, nghĩa là tôi (là cô, chú, bác, anh, chị), nhưng khi dùng chung với "Bậu" thì nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai với người yêu hoặc với người mà họ có ngỏ ý thương mến.
"Bậu" là ngôi thứ hai, là từ thân thương mà người con trai dùng để gọi vợ hay người yêu hay người con gái mà họ đem lòng thương mến.
"Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ
Qua đây xa Bậu đêm ngày chờ trông."
Theo GS Lê Ngọc Trụ (1909-1979) gốc của từ "Qua" do chữ wá, hay đọc đúng hơn là u_á đọc theo giọng Triều Châu của chữ "ngã" tức là "tôi". Cũng có giả thiết khác rằng sự liên hệ từ "Qua" với tiếng Mường và tiếng Nhật nhưng có lẽ lối giải thích của GS Lê Ngọc Trụ dễ chấp nhận hơn bởi sự giản dị.
“Hôm qua Qua nói Qua qua mà Qua hổng qua
Hôm nay Qua nói Qua hổng qua mà Qua qua.”
Từ "Qua" được dùng rất nhiều trong các tác phẩm của Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) như: Thầy Chung trúng số, Tơ hồng vương vấn, Sống thác với tình, Ai làm được... và nhiều tác phẩm khác nữa.
Nếu "Qua" đã là từ Triều Châu thì "Bậu" cũng rất có thể do âm Triều Châu mà ra. Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) có đưa ra gốc từ tiếng Mạ nhưng sau khi bàn luận với người Triều Châu, thì trong tiếng Triều Châu "pa_u" hay "pấu" (giọng đọc khác nhau tùy vùng) là vợ, một danh từ bình thường và khi ghép vào một chữ nữa mới phân rõ ngôi thứ như "cha pấu", "cha pa_u" (vợ tôi) "deo pa_u" (vợ yêu) như ta dùng Hán Việt "tệ phu, tệ nội, hiền phụ, hiền thê...” Người Việt chung sống với người Triều Châu đọc trại là "bậu" và "Bậu" trở thành đại từ ngôi thứ hai.
"Bậu có chồng chưa, Bậu thưa cho thiệt
Kẻo Qua lầm tội nghiệp cho Qua."
Dù với cách lý giải nào thì từ "Qua" và "Bậu" cũng đều là từ ngoại lai. Tuy nhiên, khi được Việt hóa, "Qua" và "Bậu" trở thành những từ ngữ độc đáo của tình cảm thương yêu đôi lứa thật súc tích.
"Bậu qua phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau.”
Qua- Bậu tiêu biểu cho ngôn từ Việt hóa của miền đất phương Nam, trong đó bên cạnh tiếng Hoa còn phải kể tiếng Pháp, tiếng Miên... Từ ngữ Việt hóa gốc Hoa phần nhiều được sử dụng giới hạn ở miền đất phương Nam là vì điều kiện chung sống, hội nhập nơi đây. Mặc dù, số từ ngữ Việt hóa rất nhiều nhưng đi vào ca dao, văn chương phương Nam mạnh mẽ nhất có lẽ là hai từ "Qua" và "Bậu" (chiếm hơn phân nửa).
"Trách mẹ với cha chớ Qua không trách Bậu
Cha mẹ ham giàu gả Bậu đi xa.”
"Bậu có chồng như cá vô lờ,
Tương tư nhớ Bậu, dật dờ năm canh."
"Bậu về kẻo mẹ Bậu trông,
Kẻo con Bậu khóc, kẻo chồng Bậu ghen."
"Ví dầu tình Bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rời Bậu ra
Bậu ra Bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu.”
Nhà thơ Phạm Hải Đăng cũng sáng tác rất nhiều bài thơ có "Qua" và "Bậu" như:
BẼ BÀNG TÌNH QUA
Nói hoài Bậu hổng thèm nghe
Để Qua ấm ức đầy ghe đem dìa!
Vô tình trong buổi chiều kia
Bậu theo người khác, tình chia cách tình
Mình ên Qua đứng lặng thinh
Nhìn theo con nước lục bình trôi theo
Trách ên Qua kiếp bọt bèo
Sóng xô sóng đập, sóng leo mạn thuyền
Mé sông bến đợi mình ên
Bông Bần bông Mắm rơi lền trắng sông
Đường tình bạc bẽo long đong
Tình duyên dang dở đắng lòng Qua đau
Bậu ơi! còn có thương nhau
Cửa Vàm Qua đợi, trái sầu Qua mang
Sông năm bảy ngã đò ngang
Bậu không dìa nữa bẽ bàng tình Qua.
BẬU THÔI ĐƯA ĐÒ
Mưa chiều, Qua dõi mắt theo
Bến xưa tình cũ ai gieo câu thề
Bậu còn nhớ đến tình quê
Để Qua trông ngóng, khi về cô đơn
Bậu đi mưa gió dỗi hờn
Lòng Qua trĩu nặng như con đò chiều
Ngày nào tíu tít lời yêu
Tay Qua Bậu nắm nói điều mộng mơ
Sông Cửa Vàm thuở tình thơ
Qua thương Bậu nói: “mình chờ nhé Qua!"
Nào dè đâu, Bậu đã xa
Trầu cau chưa thắm, người ta lấy chồng
Đứng nhìn chim sáo sang sông
Để Qua lẻ bạn đau lòng Bậu ơi
Giờ đây, cách biệt phương trời
Quê nghèo miệt thứ, Bậu thôi đưa đò.

Ngày nay, "Qua" và "Bậu" đã trở thành dĩ vãng nhưng đối với những người con vùng đất phương Nam xưa, hai từ Qua - Bậu bình dị, chân quê này luôn gợi nhớ về một thời sơ khai với những tình cảm êm đềm, mộc mạc nhưng thấm đượm chân tình của những năm tháng cũ thân thương.

#GOTA sưu tầm