Mẹ tôi thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy tôi hoặc con dâu, bà chỉ khẽ cười. Đôi khi tôi hỏi mẹ đang nói gì vậy thì bà trả lời: “Mẹ có nói gì đâu!”
Vợ tôi thường phàn nàn: “Em sợ cái cảnh này quá”!
Thậm chí có những đêm, vợ tôi thức dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy một cái bóng đen đen lù lù trong phòng khách, thì sợ đến nỗi hồn bay phách lạc. May đúng lúc đó, tôi cũng tỉnh dậy, ra bật điện, thấy mẹ đang ngồi đó không nói năng gì. Tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại ngồi đây thế?” Bà đứng dậy, lắc đầu, đến bản thân bà cũng không biết vì sao mình lại ngồi đây.
Quay về phòng, vợ tôi vẫn thao thức. Cô giận dỗi: “Ngày nào cũng như thế này thì làm sao mà sống nổi đây”. Nói xong, cô đề nghị: “Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.
Tôi suy nghĩ mãi rồi vẫn phải lắc đầu, thở dài, quyết định thế nào cũng không xong.
Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha, chỉ có mẹ tôi một mình tần tảo nuôi tôi nên người. Tôi nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi bước nữa, và đó đều là những đàn ông tương xứng với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi nhất quyết cự tuyệt, mẹ tôi sợ rằng lấy người khác rồi thì tôi sẽ chịu ấm ức.
Mẹ tôi hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi tôi, một đời ngậm đắng nuốt cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ tôi cũng nuôi tôi học đến đại học, dạy tôi thành trang nam tử, cho tôi kĩ năng phấn đấu trong sự nghiệp. Đến nay mẹ tôi vẫn chưa được hưởng ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà chẳng lẽ tôi lại nhẫn tâm đưa mẹ vào viện dưỡng lão sao? Vợ tôi thấy chồng nói vậy thì thôi không nói gì, nhưng trong tâm thì không hài lòng, thường quay mặt tránh nhìn tôi.
Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Cơm đã chín, nhưng bà lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Vợ tôi vừa nhìn nồi cơm vừa trách: “Mẹ, sao mẹ lại ấn nút hai lần?”
Bà nín nhịn hồi lâu, cuối cùng nói một câu: “Mẹ quên”.
Lần khác, mẹ tôi ra ngoài, khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.
Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm tôi cũng bắt đầu dao động. Tôi nghĩ: “Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…” Hôm đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, tôi bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.
Mẹ tôi ngồi lặng thinh, không nói lời nào.
Vợ anh ngồi bên, được thể nói: “Mẹ, mẹ đến đó rồi, nếu thực sự không quen, thì chúng con lại đón mẹ về nhà mà”.
Bà thở dài gật đầu, tối đó bà thu dọn. Đồ đạc được chuẩn bị cũng rất đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho nhỏ. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng. Vợ tôi nói: “Mẹ, để nó ở nhà đi”. Bà đáp trả: “Không, mẹ phải mang nó theo!”
Tôi vừa nghe vậy, tự nhiên thấy động lòng. Tôi biết, nhà ngoại tôi trước kia là địa chủ giàu có. Nếu thực sự trong hộp có thứ gì đáng giá, đưa mẹ tôi mang theo rồi bị mất hay bị kẻ trộm lấy thì thật đáng tiếc.
Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ, mẹ đưa hộp đây con xem được không?”
Bà lắc đầu, giữ khư khư bên mình và nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ tôi nhìn thấy vậy thì lầm bầm vài câu. Hôm đó vợ chồng tôi chưa đưa mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Đến đêm khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi và vợ mới nhẹ nhàng mở hộp ra, bất chợt tôi nhìn thấy những vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, vợ chồng tôi cũng không đưa mẹ tôi đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau chúng tôi cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy ghi lại thời gian tôi thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. Ở quê tôi có một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không được phép vứt đi mất, nếu không giữ cẩn thận, đứa trẻ đó sẽ ốm yếu triền miên và chết yểu…
Tôi sinh ra ngoài vòng lễ giáo. Mẹ tôi, một người đàn bà góa đang xuân không giữ được tiết hạnh đã lầm lỡ sinh tôi. Cha tôi, một người đàn ông đã yên ổn gia đình cũng không thuộc giòng họ Sở đã bắn tiếng xin đến nhận con. Ngoại tôi nghiến răng trả lời: “Thà con gái tui mang tiếng chửa hoang chớ tui không hề dạy con tui đi phá hoại gia cang người khác”. Tôi trở thành đứa con không cha. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng. Mẹ đặt tên tôi là Bão, chữ bão dấu ngã. Đó là một ngày tháng năm, nắng nung trời nẻ đất.
Tôi lớn lên trong gian nhà cổ ba gian hai chái. Căn nhà rường đã cũ kỹ với tháng năm mà ngoại và mẹ thay nhau đắp chỗ này, vá chỗ kia. Lần tu bổ cuối cùng là chống đỡ cái chái đầu nam và trổ thêm cho nó một cửa sổ ngó ra vườn. Trước kia, đây là căn “buồng gói” tối tăm mục nát mà mẹ đã giao cho tôi bảo rằng tôi đã lớn.
Mặc dầu đi vào đi ra vẫn có mẹ trong nhà nhưng tôi phải rời bỏ vòng tay âu yếm yêu thương của mẹ rất sớm. Những bức tường, những cánh cửa bàn khoa như bao nhiêu cặp mắt phán xét đè xuống mẹ con tôi. Thế là tôi trốn ra vườn, khu vườn thênh thang cây trái. Một lần, chừng như tôi lên bốn mẹ đi chợ về mua cho tôi một quả bóng nhựa. Quả bóng đỏ làm tôi thích mê man. Tôi mang quả bóng ra vườn chạy nhảy. Trong một cú xoay người, cả tôi, cả bóng lao vào vòng tay mẹ. Hai mẹ con cười khanh khách. Vòng tay mẹ xiết lấy người tôi, đôi môi mẹ mơn man trên vầng trán thơ dại của tôi. Bàn tay bé xíu của tôi níu cổ mẹ. Nhưng vừa khi đó mẹ bỗng sững người lại. Tôi ngơ ngác nhìn lên. Ngoại đó. Ngoại đứng nơi bậc cửa nhìn, thở hắt ra một tiếng: “báu lắm đó”, rồi bà quay ngoắt vào trong. Tôi còn bé dại lắm nhưng lờ mờ nhận ra là mẹ con tôi đã làm một điều gì không phải phép. Tôi đứng im cúi đầu. Một con kiến bò nghênh ngang trên mu bàn chân tôi, cắn một miếng đau nhói rồi thản nhiên bò xuống. Tôi đưa tay xoa chỗ đau ngước mắt nhìn mẹ. Mẹ đang khóc. Mùa này cây khế đang hoa, thả những nụ li ti xuống mặt nước. Cái vại cao ngang cổ tôi. Tôi nhìn vào. Vại nước đầy loăng quăng.
Từ đó tôi hiểu rằng tôi không được như anh Khiêm, dù anh lớn hơn tôi sáu tuổi. Tôi không được lẫy hờn để mẹ dỗ dành, không được vòi quà khi mẹ về chợ. Mà với tôi mẹ cũng rất kiệm lời khen mỗi khi xem bài vở. Tình thương của mẹ dành cho tôi cứ lặn hết vào trong. Có khi là một gói kẹo giấu dưới đáy giỏ, là mấy cuốn truyện tranh tìm được đâu đó, là khẩu súng nhựa bắn nước để tôi chơi một mình với mấy bụi cây. Những món qùa giấm dúi đó lâu lâu cũng bị ngoại và anh Khiêm bắt gặp. Ngoại quay đi không nói gì nhưng anh Khiêm thì ghen tức ra mặt. Trẻ con, những phần chia giấu diếm ắt phần đó phải nhiều hơn. Mà anh ghen tức với tôi làm gì khi anh là niềm hãnh diện của mẹ, là đại diện cho phần đời đẹp đẽ mà mẹ đã sống. Bên cạnh mẹ anh tung tăng tíu tít hồn nhiên ngửng cao đầu. Còn tôi… tôi còn nhớ một năm tôi và anh Khiêm theo mẹ đi kỵ cố. Trong khi tôi thơ thẩn góc sân nhặt nắp chai bia chơi môt mình thì có một bà già, già như ngoại đến nâng cằm tôi lên. Đôi mắt hấp háy nhìn thẳng vào mắt tôi, bàn tay nhăn nheo sờ soạng lên môi, lên mũi rồi vân vê vành tai tôi săm soi từng chút một. Tôi rùng mình. Mẹ đứng đó tự bao giờ. Mẹ nhỏ giọng bảo tôi:
– Con thưa mụ đi.
Tôi lí nhí lặp lại:
– Thưa mụ.
Bà buông tôi ra quay về phía mẹ:
– Thằng “lỡ” đây phải không?
Mẹ cúi đầu:
– Dạ.
Tiếng “dạ” khó khăn như bị chặn ngang cổ. Đôi mắt đỏ hoe, mẹ quay đi len lén chùi nước mắt.
Từ đó mỗi lần có dịp kỵ giỗ, cưới xin, thấy tôi xớ rớ bên mẹ là anh Khiêm quát:
– Mày thì ở nhà. Mày chỉ làm cho mẹ khóc.
Tôi ở nhà. Tôi cũng chẳng ham gì đến đó. Mẹ để sẵn cho tôi một tô cơm và niêu cá bống thệ kho tiêu. Những con cá mẹ kho đậm màu săn lại, cong vòng lên mặn mà, vừa bùi vừa ngọt. Kỵ cố vào tháng chạp trời mưa lạnh. Tôi nhìn bụi chuối xơ xác sau hè vừa bưng tô cơm nguội ăn một mình. Tiếng mưa rả rích, tiếng gió lùa qua cửa bàn khoa. Quen rồi, buồn nhưng không khóc.
Ngày cuối đời của mẹ cũng vậy. Lời cuối cùng dành cho tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Cha con đó”. Tôi nhìn người đàn ông trước mặt, nghe âm vang câu nói như bật ra từ những ray rứt dồn nén suốt những tháng năm bão tố. Ngoại đã cho phép gọi ông về vì thương thân tôi côi cút. “Đã mất mẹ thì còn có cha mà dựa.” Ông đứng một lúc nhìn những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt nhắm nghiền của mẹ rồi kéo tôi ra ngoài. Thế cũng xong. Mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Dù sao cũng nói được cái điều ai cũng biết, điều mà ngay lúc mới hoài thai tôi người ta đã đồn dậy Huế.
Để tránh búa rìu dư luận cha tôi đã tìm cách đưa cả gia đình vào Đà Nẵng làm ăn. Tôi lớn lên trong lòng thành phố, những ánh mắt phán xét, những ánh mắt thương hại đuổi theo tôi suốt quãng đời thơ ấu. Mẹ mất năm tôi học lớp mười hai, đủ khôn lớn để nuốt vào lòng những giọt nước mắt. Có cha và mất mẹ, cán cân chênh vênh quá. Cái được bù chi nổi cái mất. Đưa mẹ đi rồi tôi ngồi thờ thẩn nhìn mưa chảy thành dòng trước mái hiên.
Mùa này mưa bão. Gió quật tơi bời hàng chuối xác xơ. Sao mẹ không dặn dò tôi một điều gì đó? Tôi gục đầu vào đôi bàn tay… Biết mình không qua khỏi, mẹ lần lượt gọi từng đứa con vào phòng. Mẹ dặn dò gì chỉ riêng người đó biết. Mỗi người nắm lấy bí mật của riêng mình, nắm lấy lời ký thác của mẹ. Cả anh Khiêm, cả Lụa, mỗi người ở lại phòng mẹ lâu lắm để nghe mẹ nói. Khi bước ra, mắt anh Khiêm hoe đỏ, còn Lụa thì ôm mặt chạy ra sau vườn nức nở. Phần tôi, mẹ chỉ nói một câu, chưa đầy một phút. Điều mẹ nói hiển nhiên ai cũng biết. Mẹ không có gì gởi gắm cho tôi sao?
Ngay cả với Lụa, đứa con gái đâu phải do mẹ rứt ruột đẻ ra…
Tôi còn nhớ ngày Lụa bước vào nhà tôi. Một con bé đen đủi nhếch nhác, gầy khẳng gầy khiu như con chuồn chuồn kim ngơ ngác. Mẹ nó là bạn hàng của mẹ, buôn bán thua lỗ mất sạch vốn. Tiền hàng họ không trả được mà nhà lại đông con bèn đem gán cho mẹ tôi như một hình thức trừ nợ. Mẹ chép miệng: “Thôi, nuôi làm phúc”.Trái với thân xác còm cõi của nó, con bé có sức chịu đựng bền bỉ đến không ngờ. Nó ý thức ngay thân phận của nó trong ngôi nhà này. Sáng sớm, mới thức dậy đã nghe tiếng chổi của nó quét lạt sạt trước ngõ, sau vườn. Bếp lửa cháy đỏ với cơm canh nóng sốt. Mà Lụa chỉ mới bằng tuổi tôi. Vậy mà nó gọi tôi bằng anh ngọt xớt dù chỉ nhỏ hơn tôi ba tháng tuổi. Thấy nó ngồi thu lu trong góc bếp mờ mịt khói và tro, ôm khư khư cuốn tập, mẹ bảo: “Thôi thì cố học cho hết cấp hai rồi phụ với bác mua bán.” Năm đó tôi lên cấp ba, vào Quốc học, Lụa có tên trong danh sách được tuyển vào Hai Bà Trưng. Học cho biết sức mình thế thôi chứ Lụa biết phận mình lắm. Đôi mắt thật buồn, Lụa xếp hết sách vở thành một chồng, lấy dây buộc lại. Bàn tay Lụa vuốt mãi chiếc áo học sinh gấp lại, cho vào ngăn kéo. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Lụa ngập ngừng một chút, đổi giọng vui vẻ:
– Thôi, học chừng đó cũng đủ rồi. Em sẽ theo bác tập tành mua bán. Em sẽ giỏi như bác.
Tôi nhìn Lụa cười chợt nhận ra rằng em đã lớn. Mà em lớn thật. Lớn trong cái dáng gầy guộc, trong bước đi tất tả, trong chiếc nón lá dãi dầu. Tôi thấy trong em, hiện thân cả cuộc đời đầy chịu đựng lo toan của mẹ. Từ ngày có em công việc bán mua của mẹ nhẹ nhàng hẳn. Nắng tháng tư, tháng năm Lụa đổ đậu xanh đầy sân phơi phóng. Em bảo phải phơi năm sáu nắng thì khi cất đậu mới không bị mọt. Mẹ buôn hàng nằm, có một cửa hàng nhỏ gần chợ An Cựu. Cửa hàng này ngoại trao lại cho mẹ tập tành từ hồi còn con gái. Mẹ cất đậu xanh, bột ngọt, dầu ăn… bán lại cho các bạn hàng trong chợ. Sau này, phía trước mẹ còn bày thêm một ít hàng bán lẻ: giấy tiền vàng bạc, nhang nến, mấy lọ thủy tinh đựng các mẫu trầm, mấy ngọn đèn dầu nho nhỏ mà người ta thường thắp trong các am miếu. Bước vào gian hàng của mẹ lúc nào cũng phảng phất một mùi hương sám hối.
Cuộc đời của mẹ quanh đi quẩn lại là bốn bức tường. Vậy mà lòng mẹ… Chẳng biết mẹ nghĩ gì, mùa tựu trường năm đó khi mua sắm cho anh em tôi, mẹ lôi ra một xấp vải trắng đưa cho Lụa bảo: “Con may gấp áo cho kịp mà nhập học với người ta.” Lụa sững người, tròn xoe mắt không tin vào những gì mình nghe thấy. Em ôm xấp vải vào lòng nước mắt trào ra. Từ đó, em như một đứa con của mẹ. Một cô con gái chịu thương chịu khó tận tụy trong mọi công việc của gia đình, cô con gái nết na, hiếu hạnh mà những phút cuối đời mẹ đã gom hết sức tàn gọi riêng vào phòng ký thác. Là một thằng con trai tôi không ganh tị với em nhưng tôi lặng thầm nuốt những giòng nước mắt.
Tôi nhận được điện thoại của Lụa vào buổi tối, khi đang ngồi một mình ở bàn làm việc. Tôi cầm ống nghe với một chút ngạc nhiên:
– Lụa đấy hở em?
– Dạ…
Tiếng dạ nhỏ và ngập ngừng làm tôi hỏi dồn:
– Có chuyện gì không em?
– Dạ… sắp đến ngày giỗ mẹ.
– Anh biết, anh nhớ ngày mà.
Im lặng. Tôi nghe đầu dây bên kia hình như là tiếng khóc. Tiếng khóc được nén lại, nghẹn ngào. Chuyện gì vậy? Mẹ mất hơn mười năm rồi. Đây đâu phải là lần giỗ đầu tiên.
– Năm nay… anh về?
– Ừ, anh Khiêm gọi điện bảo anh thu xếp công việc về giỗ mẹ và giải quyết một số việc nhà.
– Vừa rồi… bão lớn lắm.
– Anh có nghe anh Khiêm nói. Nhà mình bị tốc mái phải không? Anh Khiêm đã cho người sửa lại.
– Dạ… Anh…
Tôi chờ đợi và sực nhớ ra:
– Phía gia đình em thế nào? Cả nhà thường không?
– Dạ… thường. Anh… Cây bưởi bị chặt rồi anh.
Câu nói hấp tấp của Lụa chưa kịp làm tôi ngạc nhiên thì phía bên kia đã cúp máy. Tôi đặt ống nghe xuống ngơ ngẩn. Không biết nghĩ gì tự nhiên tôi bước đến mở ngăn kéo, cái ngăn kéo đựng các thứ linh tinh mà tôi không nở vứt bỏ. Tôi rút một lá thư của Lụa. Một bông hoa khô nhẹ bỗng rơi xuống tay, rã ra từng mảnh. Hoa bưởi… Trong số cây trái vườn tôi có cây bưởi. Cũng chẳng có gì đặc sắc vì quả chua mà ít khi đậu quả đến già. Chỉ có mùa hoa, tràn trề, sung mãn. Lụa hái từng chùm, bỏ vào trong túi áo rồi le te theo mẹ xuống chợ. Mùi hương quanh quẩn theo em suốt ngày. Lớn lên một chút, đến tuổi làm dáng hình như em có cách giữ mùi hương quanh mình mà không cần mang hoa theo. Dĩ nhiên những chùm hoa cao cao đó em phải nhờ tôi hái. Nhưng tôi chỉ giúp vài lần thôi. Sau đó Lụa phải đổi. Tôi “mua” những ly nước đậu ván rang pha đường vừa thơm vừa ngọt của em bằng những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi để trong chiếc rỗ tre nho nhỏ. Đi học về, uống chén nước em pha ngọt đến ruột đến gan. Tôi đi xa lâu rồi, cả chục năm trời rồi phải không Lụa? Thế mà em không quên, năm nào cũng gởi cho tôi một bông hoa khô bé xíu, gửi kèm theo thư. Mỗi năm chỉ một lá thôi, khi thì nhân dịp giỗ bà, khi thì giỗ mẹ nếu tôi không thu xếp được để về. Những bức thư… Trong ngăn kéo linh tinh này nếu lục lại tôi sẽ tìm đủ mười hai lá thư không thiếu lá nào cả. Tôi không có ý giữ gìn nhưng có một cái gì đó níu tay tôi lại không để tôi vứt đi cùng bao giấy tờ vô nghĩa khác. Tôi bâng khuâng thả lá thư vào ngăn kéo như đưa tay khép một khoảng trời riêng đầy xao xuyến. Và giờ đây, những mẫu hoa khô đang nằm trong tay tôi run rẩy. Tôi không bóp nát bông hoa nhưng có cảm giác một cái gì đó đang đau đớn vụn vỡ giữa tay mình.
Thời tiết xấu quá, chuyến bay phải hoãn tới, hoãn lui. Đến khi đáp xuống Phú Bài thì đã mười giờ tối. Anh Khiêm mở cửa cho tôi trong tiếng mưa rả rích. Đêm đó, tôi ngủ trên chiếc giường cũ của mình nghe căn nhà sao trống trãi quá. Mẹ mất, ngoại cũng không còn, Lụa thì đã về quê. Nhà chỉ còn o Đậu với anh Khiêm. Căn nhà này lâu lâu lại thiếu đi một người như thế.
Tôi xa nhà từ khi vào năm học đại học. Đó là con đường tốt đẹp, bình yên nhất mà mẹ thu xếp cho tôi vào phút cuối đời. Cha tôi thực hiện ngay bổn phận bao năm rồi mình thiếu sót. Chu cấp tiền ăn học cho tôi trong bốn năm đại học. Nhờ đó, cuộc sống của tôi sau này cũng nguôi sóng gió.
Mẹ trả Lụa về với gia đình nhưng thay vì cấp cho em một khoản tiền làm vốn thì mẹ giao cho anh Khiêm quản lý và cứ tháng tháng Lụa lên anh Khiêm nhận tiền ăn học. Tốt nghiệp Sư phạm, em trở về xin một chân bán sách. Thấy tôi ngạc nhiên, em buồn buồn: “Em nhận được phân công đi xa lắm. Em cũng muốn đi nhưng anh Khiêm không bằng lòng.” Anh Khiêm không bằng lòng. Rồi sao nữa? Mười năm rồi em làm một cô bán sách lầm lũi đi về. Mười năm rồi em mài mòn em bằng những bước đi luẩn quẩn bên bờ sông Hương quạnh quẽ. Rằm, mồng một, sợi dây vô hình nào đã buộc em đều đặn trở về thắp lên bàn thờ một nén nhang thơm. Bàn thờ có bà, có mẹ.
Dạo đám tang bà, tôi còn là một sinh viên nghèo, nhếch nhác phải nhảy tàu về quê nhưng không kịp.
Lụa khóc: ”Bà đi rồi. Em với anh Khiêm ngồi cạnh mà mắt bà cứ ngóng mãi ra cửa. Chắc bà chờ anh.”
Góa chồng năm mười tám tuổi, bà ở một mình nuôi dạy con. Suốt một đời vào ra khuôn phép, tảo tần gánh vác, giữ gìn nề nếp gia phong. Thế rồi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tất cả tan tành trong phút chốc. Tiếng khóc cứa vào tim như một niềm tủi nhục. Ngoại còng lưng cúi đầu gánh tiếng thị phi. Tôi hớt hãi nhảy tàu về chịu tang bà mà trong thẳm sâu vẫn nghe âm vang tiếng bà gọi, vẫn tin bà chờ tôi đến phút cuối đời. Tôi đứng trong vườn ngơ ngác. Khu vườn dậy lên mùi thơm ổi chín. Chợt nhớ một lần bà tìm được trong vườn một quả ổi lớn lắm, quả ổi bị chim ăn một góc. Bà liếc nhanh vào nhà. Anh Khiêm đang học bài ở đó, còn tôi, chơi lúc thúc bên mấy bụi nhài. Bà nâng quả chín trên tay, ngắm nghía một lúc rồi gọi:
– Nì, Bão.
Tôi ngước lên, đứng yên, lo lắng. Nhưng bà đã đến bên chìa quả ổi cho tôi. Quả ổi chín vàng ươm. Con chim nào mổ vào lòng quả chín để lộ ra lòng quả đỏ như son. Tôi nhận lấy bằng cả hai bàn tay lem luốc của mình, chợt nhận ra mắt bà và mắt mẹ sao mà giống nhau đến lạ lùng. Cứ ươn ướt nước. Khi ngoại đi rồi, tôi nhâm nhi trái chín, từng chút một. Cả đời, chưa bao giờ tôi được ăn một trái ổi thơm mềm, ngon đến thế.
Tôi trở mình. Những giọt mưa đều đều ướt cả giấc mơ tôi…
Anh em tôi ngồi lại để thu xếp việc nhà sau bữa cơm trưa. Một mâm cơm cúng đơn sơ, tươm tất do tay Lụa vun vén. Vấn đề được giải quyết rất nhanh. Tôi cần bổ sung giấy tờ để hợp thức hóa ngôi nhà. Nhà cửa thì cũng như con người vậy. Cần gốc gác, chứng từ. Gia đình tôi chẳng ai có ý nghĩ sẽ bán nhà nhưng trên pháp lý, cuốn sổ đỏ là điều cần thiết. Kết thúc vấn đề anh Khiêm nói như phân trần:
– Em thì đi xa, anh phải ở lại gánh vác. Nhà cửa xuống cấp quá. Năm nào anh cũng phải tu sửa.
Tôi mơ màng:
– Sao em cứ thấy căn nhà này giống hình ảnh của ngoại, của mẹ.
– Đời ngoại, đời mẹ cực khổ mấy cũng cố chịu đựng mà giữ lấy đất đai ông bà. Anh cũng sẽ không bao giờ bán đi. Anh sẽ tu bổ, sẽ xây dựng.
Tôi im lặng một chút rồi nhìn anh:
– Nhưng anh có thấy nhà mình bây giờ lạnh lẽo, quạnh quẽ quá không. Em nghĩ xây dựng một căn nhà điều cần là thổi cho nó một linh hồn. Mà việc này phải có bàn tay phụ nữ, một người anh yêu thương thực sự.
Anh Khiêm quắc mắt nhìn tôi, rồi nhìn ra cửa sổ. Gốc bưởi cụt ngọn sừng sững ở đó. Góc vườn xác xơ, trống trải bày ra. Giọng anh đanh lại:
– Đó là việc riêng của mỗi người. Anh cũng cần phải tính toán, phải thu xếp.
– Vâng, vì anh là đàn ông, là trụ cột. Cả đời bà và mẹ còng lưng gánh vác, chịu đựng, lo toan. Mà em nhìn quanh hình như phụ nữ xứ mình ai cũng có cái dáng dấp của bà, của mẹ. Em nghĩ đã đến lúc cất bớt đi những gánh nặng không cần thiết trên những đôi vai gầy tội nghiệp. Cần có cái nhìn khác đi để cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản hơn.
– Vậy thì để linh hồn bà và mẹ thanh thản nhẹ nhàng cần phải làm gì? Ngày ngoại mất em không về kịp, mẹ mất em nhận được một câu. Với em, mẹ cho. Với anh, mẹ gởi gắm. Em nhận, rồi tự do bay nhảy. Anh nhận, rồi trăn trở băn khoăn. Cuối đời, gần nửa tiếng đồng hồ mẹ giữ anh ngồi bên mẹ. Anh hiểu, đâu phải đứa con nào cũng được mẹ đặt hết kỳ vọng vào mình.
– Người ta kỳ vọng vào những người mình yêu thương. Mười năm rồi. Đến lúc mỗi người cần nhìn lại xem đã thực hiện đến đâu những gì mẹ dặn dò, mong mỏi. Em tin rằng mẹ mong chúng ta hạnh phúc. Để có em trên cõi đời này mẹ cay cực thế nào, tủi nhục thế nào? Tất cả, mẹ nuốt hết. Tại sao thế? Nếu đơn giản chỉ là chuyện lỡ lầm thì chỉ cần nhờ y học can thiệp. Bao nhiêu người làm thế. Anh biết đó, người ta giải quyết nhanh và gọn thế nào. Nhưng mẹ đã cưu mang em, đã cho em được nhìn đời, được lớn lên bên cạnh anh. Về tình thương của mẹ, em không hề có mặc cảm mình kém cạnh anh.
– Lớn lên bên cạnh nhau nhưng mỗi người mỗi khác. Cách nhìn của họ hàng, làng mạc đặt vào mỗi người cũng khác. Anh mở mắt chào đời, anh đã thuộc về ngôi nhà này. Đó là điều hiển nhiên. Cũng như trong tâm thức của bà, của mẹ hiển nhiên căn nhà này phải thuộc về anh..
– Nhưng giấy tờ, pháp lý, chính quyền lại không nghĩ vậy. Thế nên em mới phải ngồi đây… để ký.
Anh Khiêm nghiến răng gằn giọng:
– Mày… mày là thằng Bão.
– Vâng, em là Bão. Chỉ có điều lâu lắm rồi em không còn băn khoăn tự hỏi mình là hiện thân hay là hậu quả của những cơn bão tung hoành.
Tôi đẩy xấp giấy tờ về phía anh:
– Đây, những gì thuộc về anh, anh cứ giữ lấy.
Chống tay xuống bàn tôi đứng dậy:
– Còn những gì thuộc về em, dứt khoát em sẽ mang theo.
Anh Khiêm đi rồi. Tôi ngồi thừ người một lúc rồi bước ra vườn. Trời hé lên chút nắng yếu ớt của một ngày sắp tắt. Tôi lại bắt gặp cái vại nước mưa và Lụa. Vẫn cái vại nước mưa chứa đầy loăng quăng. Lụa đang khóc, đôi vai gầy run run cúi xuống vại nước mưa. Cây khế cũng đang vào mùa hoa. Những chấm hoa li ti rụng xuống bám vào tóc Lụa. Nhưng tôi, tôi không còn là thằng bé con với quả bóng đỏ năm xưa. Tôi bước đến, nắm tay lên thành vại:
– Lụa.
Em vẫn cúi đầu thả những giòng nước mắt. Những giọt nước mắt xối vào lòng tôi bỏng rát:
– Anh không biết phút cuối cùng mẹ dặn dò em những gì nhưng mười năm rồi, anh biết có những điều em không làm được, phải không? Đừng hành hạ mình nữa, đừng trói buộc mình nữa, Lụa. Lòng mẹ nhân hậu và bao dung.
Lụa quay mặt đi, khổ sở:
– Mẹ dặn… mẹ muốn…
– Không, những gì mẹ dặn riêng em, em cứ giữ lấy. Còn anh, anh biết rõ những gì mẹ muốn. Suốt một đời cưu mang mẹ chỉ mong mỏi một điều là các con mình vuông tròn hạnh phúc.
Tôi đặt tay lên vai Lụa, xoay người em đối diện với tôi:
– Mà hạnh phúc đang chờ phía trước, em có dám lên đường không...
Truyện ngắn: Ngô Thị Ý Nhi