Bạn vẫn thường nghe nhắc tới đất nước Canada rộng lớn với một tên gọi đầy màu sắc “xứ sở Lá Phong”, và tất nhiên bạn cũng không hề xa lạ với quốc kì mang hai màu trắng, đỏ và hình ảnh một lá phong lớn ở giữa của quốc gia Bắc Mỹ này. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao đất nước này lại chọn một chiếc lá để thêu lên quốc kỳ?” và cây phong thực sự có ý nghĩa như thế nào với những người Canada? Đằng sau chiếc lá rực rỡ ấy là những bí ẩn ngọt ngào đang chờ bạn khám phá.
Một vài nét lịch sử
Trước khi chính thức trở thành biểu tượng trên quốc kỳ của Canada vào mùa xuân năm 1965, hình ảnh chiếc lá phong đã trở nên thân thuộc và phổ biến với những người dân Canada từ thế kỉ 18.
Thời kì đó, chiếc lá phong là biểu tượng cho những người Canada gốc Pháp sinh sống dọc bờ sông Saint Lawrence, nó xuất hiện trên phù hiệu áo giáp của hai tỉnh bang Ontario (lá phong vàng) và Quebec (lá phong xanh) bắt đầu từ năm 1868, và xuất hiện trên quốc huy của Canada một thời gian sau đó. Năm 1867, Alexander Muir đã sáng tác bản nhạc “The Maple Leaf Forever”, bài ca lá phong đã nhanh chóng trở thành quốc ca trong cộng đồng người Canada gốc Anh. Thêm vào đó, hình ảnh lá phong còn xuất hiện trên tất cả các đồng tiền của nước này trong giai đoạn từ 1876 đến 1901.
Cờ lá phong trong gió (Ảnh: wikipedia)
Theo thời gian, lá phong lặng lẽ đi vào tâm hồn của những người dân nơi đây, dù họ là người gốc Pháp hay gốc Anh. Để rồi, năm 1965, chiếc lá chính thức được chọn để đại diện cho quốc gia, trở thành hình ảnh trung tâm của lá quốc kỳ, theo bản thiết kế của George F. G. Stanley.
Trên lãnh thổ của Canada có tới 10 giống cây phong khác nhau sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, chiếc lá phong trên quốc kì được thiết kế lại một cách tổng thể, mang hình dáng đặc trưng của lá phong nói chung. Chiếc lá này đại diện cho những người dân Canada thống nhất, không phân biệt gốc Anh, hay gốc Pháp, họ cùng chung sống thuận hòa với nhau trên đất nước rộng lớn thường xuyên tuyết phủ (nền trắng), giữa hai đại dương lớn của trái đất Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương (hai dải đỏ ở hai bên quốc kì).
Những chiếc lá phong thu tạo nên một Canada mơ mộng
Lá phong đỏ vẽ nên cái hồn của mùa thu xứ sở (Ảnh: Le Chalet)
Được biết đến là một loài cây có nguồn gốc châu Á và có tới 150 loài khác nhau, nhưng chỉ có 13 loại phong đã du nhập vào Bắc Mỹ. Trong số đó, có 10 loài có thể sinh trưởng một cách tự nhiên ở Canada. Như một mối nhân duyên, cây phong đã hiện diện khắp mọi nơi trên lãnh thổ của đất nước này. Từ những cánh rừng bạt ngàn cho tới những con đường xinh đẹp nơi thành thị, bạn đều có thể bắt gặp sắc màu của lá phong.
Những cánh rừng phong bạt ngàn (Ảnh: Easyviaggio)
Sự “phủ sóng” rộng rãi của giống cây gỗ cao lớn này đã khiến nó trở nên thật thân quen với người dân. Đặc biệt, vào mùa thu, khi sắc lá đổi màu từ xanh rồi thành vàng, thành đỏ, khiến Canada mang một diện mạo thật ấn tượng. Những cánh rừng nhiều màu sắc, những con phố giống như bước ra từ những bức tranh đẹp nhất. Đỏ, vàng, da cam, những sắc màu của lá phong khiến cho người Canada khó có thể hững hờ với mùa thu
Những con đường nhỏ như đi ra từ cổ tích (Ảnh: Pinterest)
Cho đến năm 1996, cây phong mới chính thức trở thành loài cây đại diện cho đất nước này; nhưng đã từ rất lâu trước đó, loài cây này vẫn âm thầm mang đến cho Canada một nét đẹp rất riêng, những sắc màu thật rực rỡ mỗi độ thu về. Đối với người Canada, sắc màu ngọt ngào của mùa thu như một món quà, nhắc nhở con người tích lũy cho mình những điều cần thiết để chuẩn bị cho một mùa đông giá lạnh đang cận kề.
Phải chăng đây chính là một trong những lý do đầu tiên khiến người dân nước này đồng lòng chọn lá phong làm biểu tượng của họ và dành rất nhiều tình yêu cho lá quốc kỳ hai màu trắng, đỏ?
Cây phong ban tặng cho Canada một món quà ngọt ngào và đầy tiềm năng
Không chỉ mang tới cho Canada một vẻ đẹp tinh tế, bầu không khí trong lành, cây phong còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thương mại và văn hóa của người dân nước này.
Cây phong cung cấp cho người dân ở đây một nguồn gỗ quý với độ chắc chắn lớn, màu sắc trang nhã. Nhưng không ở đâu trên thế giới, cây phong lại hào phóng chia sẻ với con người cả thứ nhựa ngọt ngào của nó như ở Canada. Thứ nhựa này thường được biết đến với tên gọi “nước của cây phong” (tiếng pháp: “eau de l’erable). Chỉ khi mùa xuân đến, cây phong sẽ đẩy loại nhựa ngọt dịu (có chứa từ 2-3% đường) từ rễ lên để tiếp thêm sức sống cho cây, chuẩn bị cho một mùa hoa lá mới.
Thứ quà quý giá của thiên nhiên (Ảnh: Pinterest)
Từ thế kỉ 16, những bộ tộc thổ dân bản địa đã phát hiện rằng, “nước của cây Phong” là một thứ quà quý giá, giúp cuộc sống của họ trở nên ngọt ngào và mạnh khỏe hơn rất nhiều. Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng những cây phong vẫn tiếp tục san sẻ nhựa ngọt của mình với con người, giúp Canada trở thành đất nước xuất khẩu Sirop từ nhựa phong lớn nhất thế giới.
Thứ nhựa ngọt ngào của cây phong (Ảnh: montreal.for91days)
Cần đun sôi 40 lít nhựa cây mới tạo nên được một 1 lít sirop. Chính vì vậy người dân ở đây rất trân quý sản phẩm này.
Các loại sirop được phân chia theo màu sắc và độ đậm nhạt. Màu càng đậm, độ ngọt càng cao (Ảnh: Pinterest)
Theo truyền thống, người Canada sẽ dựng những căn lều gỗ trong rừng phong để làm nơi sản xuất sirop. Họ đục những lỗ nhỏ trên thân cây để hứng được nhựa ngọt vào các xô nhỏ được cố định quanh gốc, sau đó đun nóng để cô đặc nhựa trong căn lều gỗ. Nhưng bên cạnh xưởng sản xuất sirop cây phong, mỗi căn lều còn có một phòng ăn rất ấm cúng để có thể đón tiếp các vị khách vào mỗi dịp “lễ hội cây phong”.
Lều gỗ sản xuất sirop cây phong và những thùng nhôm được đặt quanh gốc cây để lấy nhựa (Ảnh: montreal.for91days)
Đối với người Canada, lễ hội cây phong là một dịp không thể bỏ lỡ, nó diễn ra vào dịp giữa tháng ba, đầu tháng tư, thời điểm những tia nắng đầu tiên của mùa xuân bắt đầu. Lễ hội giống như một món quà của thiên nhiên ban thưởng cho sự kiên cường của con người sau một mùa đông giá rét, đầy tuyết phủ.
Trong dịp lễ hội, các gia đình sẽ tìm đến các “lều gỗ” cũng là các xưởng sản xuất sirop từ cây phong để được tận hưởng những món ăn được làm từ mẻ sirop đầu tiên của mùa xuân, đồng thời cùng nhau chia sẻ không khí của một lễ hội truyền thống ấm cúng, đầy âm nhạc và sự tươi vui.
Thi hài pharaoh Ai Cập Tutankhamun được ướp xác cẩu thả?
Khi kiểm tra xác ướp pharaoh Ai Cập Tutankhamun, các chuyên gia phát hiện một số điều bất thường. Trong số này có việc thi hài nhà vua mất trái tim. Những điều 'lạ' này làm dấy lên hoài nghi quá trình ướp xác nhà vua diễn ra cẩu thả.
Sau đó, các chuyên gia khảo cổ tiến hành các cuộc khai quật nhằm đưa xác ướp pharaoh Tutankhamun cùng hàng ngàn cổ vật quý giá lên trên mặt đất.
Trong suốt 100 năm qua, giới chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu về xác ướp nhà vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại này với hy vọng sẽ giải mã được các bí ẩn về cuộc sống và cái chết của ông.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện một số điều bất thường khi kiểm tra xác ướp nhà vua Tutankhamun. Đầu tiên là việc thi hài pharaoh Ai Cập được bao phủ bởi chất lỏng màu đen nhiều một cách bất thường. Thợ ướp xác đã đổ khoảng 20 lít dầu và mỡ để lên thi hài và vào trong quan tài của nhà vua.
Người Ai Cập cổ đại dùng chất nhựa lỏng này trong quá trình ướp xác nhằm tái sinh người chết, giúp họ sang thế giới bên kia và bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, việc đổ quá nhiều chất lỏng khiến thi hài Tutankhamun bị xuống cấp nhanh.
Tiếp đến, các chuyên gia phát hiện một vài miếng vải quấn bằng lanh giống như từng bị lửa thiêu rụi. Vào thời điểm khai quật, xác ướp Tutankhamun được các chuyên gia mô tả giống như "bị cháy".
Kết quả chụp X-quang cho thấy thi hài pharaoh Tutankhamun có thể đã bị treo ngược trong một thời gian dài.
Thêm nữa, các chuyên gia phát hiện xác ướp Tutankhamun không còn trái tim ở bên trong. Đây là điều bất thường. Bởi lẽ, người Ai Cập cổ đại quan niệm trái tim đóng vai trò quan trọng để hồi sinh người quá cố ở thế giới bên kia. Do vậy, trái tim được giữ nguyên trong cơ thể trong khi các cơ quan nội tạng khác được lấy ra, ướp xác riêng rồi đặt trong các bình nhỏ trước khi chôn cùng người quá cố.
Dù các chuyên gia tìm kiếm khắp lăng mộ nhưng vẫn không tìm thấy trái tim của pharaoh Tutankhamun. Thay vào đó, họ phát hiện một mặt đá hình bọ hung được thay thế cho trái tim bị mất của nhà vua.
Điều này khiến giới nghiên cứu suy đoán có thể thợ ướp xác đã bất cẩn làm hư hỏng trái tim trong quá trình ướp xác. Từ những điều trên, nhiều chuyên gia cho rằng sau khi qua đời, pharaoh Tutankhamun được ướp xác vội vã, thậm chí là cẩu thả nên thi hài không hoàn hảo như những vị vua Ai Cập khác.
Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo Grunge)
Có bao giờ bạn thắc mắc ý nghĩa nội dung của bài hát 'Bắc Kim Thang'? Hầu hết người Việt Nam đều thuộc nhưng trên 90% trong số đó vẫn thắc mắc về điều này!
"Bắc Kim Thang" là bài hát quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam từ thuở ấu thơ nhưng ý nghĩa và nguồn gốc của những ca từ này không phải ai cũng biết. Một con số thống kê cho thấy rằng có trên 90% số người thuộc bài hát này lại không thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều bạn cảm thấy bối rối khi được con em của mình hỏi về nội dung ý nghĩa bài hát này. Bài viết này hy vọng sẽ giúp các bạn giải quyết những điểu còn thắc mắc đó.
Câu chuyện cổ tích về tình bạn.
Bài hát "Bắc Kim Thang" thực chất được viết nên từ một câu chuyện cổ tích về tình bạn được người dân kể lại như sau:
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Họ sống trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh trở thành đôi bạn thân thiết với nhau.
Một này nọ, vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán. Thấy được tình cảm của người bạn thân mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn giữa hai người. Một đêm nọ, trong lúc đi làm anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm giẫy giụa trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau nên đã bất cẩn rơi vào bẫy của con người.
Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng. Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Biết chuyện, anh bắt ếch đem hết cớ sự kể cho anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ.
Biết không thể khuyên bạn nghe theo, anh bắt ếch tìm mọi cách để giữ bạn ở nhà. Ngày đầu anh viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Đến ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay.
Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.”
Cắt nghĩa từng câu chữ
Khi đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều đã sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc Kim Thang” lại có 4 câu cuối là:
"Chú bán dầu, qua cầu mà té"
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Thực chất đó là cách để dân gian dùng để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
Vậy vấn đề còn lại mà chúng ta muốn biết đó là ý nghĩa của hai câu đồng dao đầu tiên là gì?
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.
Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.
Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.
Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.
Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích trên, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.
Có người nói thật sự không có câu chuyện nào đằng sau bài hát này cả, thế nhưng tôi thấy câu chuyện này phần nào cũng giải thích rất sát. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
LeVanQuy sưu tầm