Pont-Aven là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Finistère miền Bretagne, nằm nép mình ven rừng Amour, trên bờ con sông Aven trước khi đường nước mở rộng thành cửa sông ria thông vào Đại Tây Dương. Cách đây ba trăm năm, làng đang còn là một xóm nhỏ 720 dân, nhưng có đủ thợ mộc, thợ may, thợ dệt, thợ khóa, thợ hớt tóc, thợ đóng dày, thợ xay bột, thợ sửa đóng cối xay, nhà trọ, quán ăn, quán nước, hai người hành nghề luật, một sĩ quan y khoa nhưng không có thầy dạy học. Về việc đồng áng làng có khoảng 20 nông dân và người làm công nhật, trong ngành biển thì làng có gần 30 thủy thủ. Khi xuyên thị trấn, sông còn là một con lạch, nước luồn chảy giữa những hóc đá gây nên những ghềnh thác tuy tí hon cũng đủ không cho thuyền bè qua lại. Truớc đây nước lạch chảy quay những bánh cối xay nên Pont-Aven được lưu truyền là " làng có tiếng 14 cối xay,15 nhà ở ". Với thời gian dần dần Pont-Aven thâu tóm những vùng đầt hoang lớn rộng làng Nizon kế cạnh và năm 1954 hai làng sáp nhập với nhau. Ngày nay thị trấn có nhiều nhà hơn nhưng hết còn có cối xay, nếu không là để lại vài tên quán ăn và... một bánh xe để làm vui mắt khách du lịch. Từ giữa thế kỷ 19, nhờ phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa, lại tương đối không quá xa Paris, Pont-Aven đã là nơi thu hút khá đông du khách nghỉ hè, tham quan. Thêm vào đó, phong cách đồng quê, tiếng nói líu lo, áo quần truyền thống màu sắc vui mắt đóng góp vào cuộc hấp dẫn những người mong tìm mới lạ. Ngày nay,du lịch đã nuôi sống cả vùng. Bên bờ lạch |
Trong số sản phẩm địa phương làm nổi tiếng Pont-Aven có loại bánh quy cứng gọi là "galettes de Pont-Aven" (bánh kẹp Pont-Aven) bán qua nhãn hiệu Traou-Mad nghĩa là những "món ngon" (tương tự mè xửng Huế). Làm bằng bột mì, trứng và bơ, thêm vào một vài gia vị gia địa phương, và nhất là với một phương pháp chế biến độc đáo, những bánh kẹp nầy ra đời gần được một thế kỷ, nay đạt đỉnh tối cao tinh vi trong ngành bánh trái cổ truyền. Nhà sản xuất lớn nhất ở Pont-Aven là nhà hàng "bánh quy Trao Mad" được thành lập từ năm 1920, nay có đến 75 nhân viên phục vụ. Mẫu đặc biệt nhất của nhà hàng là chiếc bánh sabré (bánh xốp, nguồn gốc thị trấn Sablé-sur-Sarthes) được ông Alexis Villain chế tạo năm 1950, hợp thành với bánh kẹp và bánh xèo một bộ ba bán rất chạy. Nếu "galettes de Pont-Aven" được nổi tiếng nhờ một cuốn phim mang cùng tên, một loại bánh khác mà ai đã đi viếng vùng Bretagne cũng không thể nào quên được làkouign-amann (có nghĩa bánh-bơ). Bánh được ông Yves-René Scordia pha nấu năm 1860 ở thành phố Douarmenez với bột mì, bơ tươi và đường nhồi cuốn lại với nhau : khi đem đun nóng, hỗn hợp bơ-đường thấm qua bột, chảy ra ngoài thắng thành caramen nên bánh mềm bên trong mà giòn tan bên ngoài. Cũng nên biết là chiếc bánh nầy được chế tạo trong một trường hợp đặc biệt. Hồi ấy bơ có nhiều mà bột có ít, đằng khác ông Scordia lại cân lầm nên thành phấn bánh bất thường: 100g bột, 300g bơ, 300g đưòng, ví chi đổ đi, ông vẫn cho vào lò và ngày nay ta hưởng được một chiếc bánh ngon ! Nắp hộp bánh |
Nhưng thật tình, những chiếc bánh dù có ngon đến đâu cũng khó lòng một mình đưa được Pont-Aven lên đến mức tiếng tăm ngày nay. Bắt đầu từ 1870, cùng với khách du lịch, một số họa sĩ, đặc biệt dân Mỹ, về đây tìm nguồn cảm hứng. Có sông, có nước, mây trời thơ mộng, lại thêm hoa tươi cỏ thắm, con người hiền hậu, các họa sĩ đua nhau đăt giá tô màu. Trong các vị ấy có Armand Jobbé-Duval lảnh đạo một trường phái mới gọi là tổng hợp(synthétisme). Trường phái nầy một lúc được liên hợp với trường phái ngăn vách (cloisonnisme) trước khi hòa mình vào trường phái tượng trưng(symbolisme). Tôn chỉ của trường phái là cảnh vật bên ngoài phái có hình dáng tự nhiên, nội dung bên trong phản ảnh tâm tình của nghệ sĩ và một đại thể trong sáng bao trùm các đường nét, màu sắc, thể dạng. Dần dần nhiều họa sĩ khác như Emile Bernard, Paul Sérurier, đặc biệt Paul Gauguin,...lại tiếp sức, phát triển trường phái thành một lối vẽ gọi là "Ecole de Pont-Aven" (Trường phái Pont-Aven). Sinh ra ở Paris năm 1848, từ nhỏ Gauguin theo cha chạy loạn về quê mẹ bên Pérou, nhưng rủi cha chết sớm, năm 7 tuổi ông cùng mẹ và em về lại Pháp. Mấy năm lưu vong ở Nam Mỹ ghi lại trong lòng ông một khiếu phiêu lưu và ưa chuộng ngoại lai. Năm 17 tuổi, ông sung vào làm thủy thủ hàng hải và vui mừng trở lại Rio-de-Janeiro, quen thuộc với môi trường đã sống thời nhỏ. Trở về lại Paris, sau một thời gian làm đại lý hối đoái đên năm 1882, ông muốn chỉ sống vì hội họa. Được Gustave Arosa hướng dẫn, ông bắt đầu vẽ không chuyên, loại họa sĩ chủ nhật tuy đã tỏ ra có tay nghề. Trong một lúc, ông vẽ theo lối Corot nhưng sau đó ông được Pissarro, làm quen ở nhà Arrosa, chỉ dẫn về kỹ thuật và tinh thần trừu tượng (impressionniste). Hoa trên cầu |
Từ 1874 đến 1886, ông luôn theo bước trường phái nầy và triển lãm chung năm lần với nhóm trừu tượng. Trong cuộc triển lãm năm 1881, bức tranh của ông Etude de nu (Nghiên cứu khỏa thân) hay Suzanne cousant (Suzane đang khâu) được báo chí khen ngợi. Năm 1873, ông cưới bà Mette-Sophie Gad, người Đan Mạch, sinh cho ông năm đứa con. Mặc dầu tranh của ông thuờng được các họa sĩ mến chuộng, ông bán khá ít và sống rất khít khao. Ông đem gia đình về ở Rouen nhưng vẫn thiếu thốn, ông lại đưa vợ con qua Đan Mạch ở với gia đình vợ. Không hòa thuận với họ, ông trở về lại Paris với một đứa con trai, Clovis. Nhờ ông bạn Schuffenecker giúp đở về mặt tài chánh, ông có thì giờ hơn để vẻ. Từ nay, ngoài Pissarro, ông còn được Degas hướng dẫn, bênh vực và, mặc dù một mối bất hòa nhỏ, mua nhiều tranh của ông. Các tác phẩm của ông rất gần với tranh Pissaro. Qua họa sĩ nầy, ông mau tiến bộ trong tư tưởng trừu tượng, từ sắc thái ánh sáng ngoài trời đến độ sáng màu sắc, nhất là ra khỏi vòng phụ thuộc các tập tục, qui ước. Người ta thường nhận xét trong tranh của ông, những bức vẽ tĩnh vật gợi lên những nét của Manet, những cử chỉ hằng ngày may khâu biểu lộ cách nhìn thực tế của Degas, sắc thái ánh sáng và bóng tối phong phú khiến người xem so sánh với những tác phẩm của Renoir. |
Tháng tư 1887, ông cùng họa sĩ Charles Laval đáp tàu đi Panama, làm việc một tháng trên kênh rối qua Martinique. Từ tháng sáu đến tháng mười, tuy sống rất thiếu thốn ở Le Carbet cách xa Saint-Pierre hai cây số nhưng cảm xúc phong cảnh hữu tình, ông vẻ luôn một liúc khoảng mười bức tranh để lại một ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng người bản xứ. Những tranh nầy hiện được triển lãm ở viện bảo tàng mang tên ông ở Le Carbet. Nhưng thiếu tiền lại bị bệnh sốt rét và kiết lỵ, ông cùng Laval hồi hương tháng mười một. Đầu năm 1888 ông trở lại Pont-Aven lần thứ hai, luôn trọ tại quán Gloanec. Hồi ấy cạnh quán ấy có một cô gái có tiếng là đẹp nhất nhì trong vùng, đã có chồng, tên là Marie-Angélique Satre. Ông cặm cụi vẽ cho cô một bức chân dung đặt tên La Belle Angèle (Người đẹp Angèle) và vào khoảng mùa thu 1889, ông đem lại biếu. Khi cô gái thấy bức tranh trong lúc ông đang đi quanh phòng tìm chỗ treo thì thốt lên : Tởm quá ! và yêu cầu ông đem đi ngay, bảo cô không biết gì về hội họa và cô không thấy bức tranh ấy treo trong nhà ở một nơi như Pont-Aven. Gauguin rất buồn và thất vọng vì nghĩ chưa bao giờ thực hiện thành công một bức chân dung như vậy. Bức tranh hình dung một cô bretonne ngồi, mặc áo ngày lễ ở Pont-Aven màu đen có nhiều mảnh thêu, khăn đầu và cổ áo trắng, tạp dề hoa cà, đeo thánh giá trước ngực, hai tay chắp nhau. Hình được đặt trong một đường vòng theo kiểu các tranh khuôn rập Nhật Bản rất thịnh hành hồi đó, nổi bật trên một nền xẩm tô điểm hoa hồng. Sau nầy, Théo Van Gogh cho cô gái có vẻ tươi tắn tuy hơi quê mùa, đánh giá là một bức tranh đẹp của Gauguin. Tranh được Degas mua năm 1891 với giá 450 quan và giữ cho đến chết. Hiện tranh được trưng bày ở viện Bảo tàng Orsay tai Paris. La Belle Angèle sau nầy được đặt tên cho một chiếc tàu đóng năm 1991, phiên bản chiếc Utile ba cột buồm thanh nhã cuối thế kỷ 19 kích thước khiêm tốn để dễ đi vào các cảng nhỏ. La Belle Angèle cũng là tên hội làm sống lại những thuyền bè xưa. Quán cối xay |
Bức tranh La Belle Angèle là một bước tiến của Gauguin trên đường rời bỏ phong cách trừu tượng để dấn thân vào các phong cách tổng hợp, ngăn vách. Chịu ảnh hưởng của Emile Bernard, họa sĩ tìm một cách diễn đạt khác : giản dị hóa thể dạng, loại bỏ mọi điểm nhỏ vụn vặt, chỉ giữ những chi tiết cần thiết qua kỹ thuật những đường viền quanh và màu sắc phẳng lì. Bức tranh La vision après le sermon (Ảo ảnh sau thuyết giáo) thực hiện năm 1888 ở Pont Aven là tác phẩm đầu tay của ông để thử dẫn nhập vào tranh một họa tiết tưởng tượng trái với nguyên tắc thực tại chặt chẽ hiện hành hồi đó. Tháng mười cùng năm, Gauguin lên đường đi Arles để gặp Van Gogh từng làm quen mấy năm trước. Cuộc gặp gỡ hồ hởi giúp tăng sức khỏe của Van Gogh nhưng hai tháng sau, hai họa sĩ bất bình với nhau về phương cách làm việc cũng như về ý niệm hội họa, và vào ngày 23 tháng chạp, Van Gogh cầm dao dọa Gauguin, rút cuộc cắt một mảnh tai mình ! Rất có thể rượu mạnh absinthe đã chịu một phần nào trách nhiệm....Ngay sau đó Gauguin rời Arles. Tuy nhiên, những tranh sau nầy của ông, những bức Christ Vert(Đấng Ki Tô Lục), Calvaire Breton (Bức Thánh giá xứ Bretagne)vẫn còn thấm nhuần tinh thần tâm lý Van Gogh. Chính vào năm 1889, nhân Hội chợ Quốc tế Paris, trong khuôn khổ cuộc Triễn lãm ở Café Volpini, Gauguin khai sinh Trường phái Pont-Aven. Hiện nay, ở Pont-Aven còn tồn tại một trường mang tên Pont-Aven School of Contemporary Art (PASCA) chủ trương một chương trình mỹ thuật hiện đại phong phú trình bày trong nhiều phòng. Còn ở Nizon, bắt đầu từ 1992, Trường Nizon hay Le Hangar't phát triển quanh kế hoạch bảo quản ký ức hình ảnh làng xưa. Gauguin còn trở lại Bretagne năm 1890, lần nầy về Pouldu cạnh Pont-Aven, trọ tại quán La Buvette de la Plage của bà Marie Henry, cùng với các họa sĩ Meyer de Haan, Sérusler, Filiger. Tranh trên tường |
Qua tháng ba 1891, nhà thơ Mallarmé chủ tọa môt bửa tiệc mừng Gauguin vào lúc ông đang nuôi mộng phiêu lưu vào những chốn xa xôi như Java, Bắc Kỳ, Tahiti. Thuộc địa Pháp, hòn đảo nầy đã từng được Bougainville, Pierre Loti ca ngợi, xem như là chồn bồng lai nguyên thủy. Gauguin hy vọng tìm ra ở đây điều từng mong muốn : một cảnh thiên nhiên sơ khai để trau dồi cho chính mình và cho nghệ thuật Nhờ tiền bán bức La belle Angèle cho Degas và một số tranh khác, nhờ tiền chính phủ phụ cấp cho một cuộc khảo cứu phong tục, ông lên đường đi Tahiti. Trong thời gian lưu trú thứ nhất (1891-1893), ông tỏ ra một nhà dân tộc học chăm chú, khảo cứu sâu xa văn hóamaori sau nầy thể hiện trong các bức tranh của ông. Bị nét duyên dáng mê hoặc của những phụ nữ bản xứ quyến dũ, ông thực hiện bức Océanie paradisiaque (Đại Tây Dương thần tiên). Với một phong cách thô sơ, một cách sử dụng khác thường màu sắc, ông thành công vượt qua những gò bó của kỹ thuật hội họa Tây phương : nền đất phẩm tía và hoa cà trong Paroles du diable (Những lời nói của quỷ sứ), tường một màu vàng phía sau trongFille à la mangue (Cô gái trái xoài),...Tháng sáu 1893, ông rời Tahiti để trở lại tháng tám. Cùng năm, ông triển lãm tại phòng bày bán Durand-Ruel những tranh vẽ ở Tahiti nhưng thất vọng trước những lời bình không tán thưởng trong báo chí. Qua tháng chín, ông quyết định viết cuốn sách Noa Noa (tiếng Tahiti có nghĩa tỏa hương thơm) để giải thích những bức tranh ấy. Năm 1894 ông trở lại Pont-Aven một lần cuối cùng. Lúc bấy giờ thị trấn mùa hè lúc nhúc cả trăm họa sĩ, điều hiếm có vào cuối thế kỷ 19. Tháng bảy 1895, Gauguin lấy tàu từ Marseille đi Papeete, quyết định sống luôn ở vùng Iles des Marquises (Đảo các Hầu tước). Ông mất ngày 8 tháng năm 1903 ở Hiva Oa (tên một trong các đảo ấy), thọ 55 tuổi, tại chiếc lều mang tên "La Maison du Jouir" (Nhà Hưởng thụ). (*) tranh lấy trên mạng, chụp trên nắp các hộp bánh hay trên các bức tường thị trấn Bài và ảnh Võ Quang Yến |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét