a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Mối tình của Rousseau ở Chambéry


Bài và ảnh Võ Quang Yến
Aix-les-Bains và Chambéry là hai thành phố lớn vùng Rhône-Alpes miền đông nam nước Pháp. Nếu Aix-les-Bains lừng danh với thi sĩ Lamartine, Chambéry hãnh diện có một nhà văn hào bậc nhất Rousseau qua mối tình với bà nam trước Warens.

Tượng Quatre sans cul ở Chambéry
Thời La Mã, dân cư thành Chambéry tụ tập quanh đồi Lemencum kế cạnh. Ngày nay đồi mang tên Lemenc, ở trên có xây một nhà thờ mang ở dưới hầm hình tượng nghi lễ "Đặt vào áo quan" (Mise au tombeau) rất đẹp. Một truyện thần thoại để lại từ thế kỷ XVI kể từ một cái tháp luôn có một cây đèn soi sáng đường đi cho khách hành hương. Đồi được chọn lựa là nơi dễ phòng thủ. Đến mùa tuyết tan, hẻm núi quanh đồi ứ đọng nhiều nước nếu không là lấm láp bùn lầy. Hai con sông Leysse và l'Albanne (ngày nay bị lấp, để lại hai vòi nước ở Quảng trường Saint-Léger) trà trộn đóng góp một điểm hữu tình nước non. Nhưng phải đợi qua các thế kỷ XII-XIII mới thấy thị trấn thành hình. Trong hơn 300 năm, từ 1232 đến 1562, Chambéry là kinh đô vùng đất những công tước Savoie, lớn thứ nhì sau thành phố Turin. Từ 1792 đến 1815, khi Savoie lần thứ nhất sáp nhập nước Pháp, Chambéry là tỉnh lỵ tỉnh Mont-Blanc. Qua 1860, Savoie hoàn toàn thuộc Pháp, Chambéry trở thành tỉnh lỵ tỉnh Savoie. Một trăm năm sau, thành phố phồng to nhờ hợp nhất những làng xóm kế cạnh. dần dần trở thành thủ phủ cả một vùng rộng lớn, không phải tình cờ mà nhờ ưu thế những trục giao thông giữa vùng Rhône, Thụy Sĩ và Ý. Những công tước Savoie từ thế kỷ XIV đã thấu hiểu thế lợi địa dư nhắm hướng hồ Léman nên đã chinh phục thành phố Genève. Ngày nay, địa thế nầy vẫn còn giữ vai trò chiến lược với một hệ thống đường sắt ngày càng mở mang : trục quốc tế từ Paris hay Lyon qua Ý xuyên qua đường hầm Fréjus, những tuyến địa phương dẫn vào những thung lũng Haute-Savoie tràn đầy cảnh núi non hùng vĩ hay lên những trạm trượt tuyết vùng Tarentaise và Maurienne nhộn nhịp mùa đông. Song song có những xa lộ chạy theo những đường rầy cũ thời xưa....
Mai tuyết lạnh
Chiều khói buồn
Chambéry 1949
Chambéry đối với tôi là một kỷ niệm xa xăm nhưng biết bao trìu mến. Năm 1949, vào tuổi 20, mới đặt chân lên đất Pháp, tôi đươc gởi về đây học lớp dự bị đại học. Xa nhà, xa nước, ngôn ngữ chưa thành thạo, lại là lần đầu tiên tôi được nếm mùi tuyết lạnh, những giờ cô đơn trong khói chiều, biết bao hình ảnh còn vấn vương khi tôi trở về đây hơn 60 năm sau. Trong đầu tôi luôn còn văng vẳng bài hát Etoile des neiges (Ngôi sao tuyết) tuy tim tôi chưa có dính một mối tình nào (một câu trong bài hát : mon coeur amoureux...). Tôi xúc động khi buớc qua lâu đài các công tước Savoie ví chính ở đây bọn sinh viên mới "bị "những sinh viên cũ "bắt nạt" trong một buổi lễ nhập môn truyền thống gọi là bizutage ngày nay còn thịnh hành nhưng trong một tinh thần có phần khác. Ngoài những màn như mặc ngược áo, đo sân nhà trường với những que diêm, làm xe cút-kít lần xuống các bậc thang,... trò được công chúng lại xem và thưởng thức nhiều nhất là chúng tôi được phát mỗi đứa một mẫu giấy ráp bột thuỷ tinh và có nhiệm vụ chùi mài vòi tượng bốn con voi. Đây là một trong những công trình tượng trưng đặt ở trung tâm thành phố : một đài nước, ở trong có bình đồ một thánh giá Savoie, gồm bốn đầu voi bằng gang không thân không đít (tên dân gian : Quatre sans cul), vòi phun nước trong một bể cạn bát giác. Đài mang ở giữa một cột trụ bằng đá vôi hình thân cây cọ cao 17,65m, ở trên có tượng vị ân nhân Tướng de Boigne. Xây năm 1838, đài kỷ niệm nầy nằm trên đại lộ dẫn lại lâu đài các công tước Savoie. Trong lúc bọn sinh viên mới cầm cù chùi mài, vài sinh viên viên cũ đi quanh, vận dụng một cái roi điện tử cho phát ra những tiếng động long trời (nhưng không có chút tác động lên cơ thể) gây hoảng sợ cho những khán giả ít biết về khoa học. Buôi lễ chấm dứt với một bữa cơm chung giữa các sinh viên cũ và mới ở Maison des Jeunes, đạm bạc nhưng rất thân mật, vui vẻ.

Les Charmettes
ngày nay
ngày xưa
Trước đây gần ba thế kỷ, một chàng trai không gia đình, không tiền bạc, cũng đã lại đây bắt đầu cuộc sống của mình. Chàng trai ấy là Jean-Jacques Rousseau, viết chữ Trung Quốc, đọc âm Hán Việt là Lư Thoa, tên được các cụ nhà ta lúc trước biết đến như Mạnh Đức Tư Cưu Montesquieu, Lã Phụng Tiên Lafontaine, Phúc Lộc Nhĩ Voltaire...
Ngồi buồn ta nhớ ông Lư Thoa
Dân ước nhân quyền ông xướng ra
Ông sinh thế kỷ thứ mười tám
Hai trăm năm nay đời đã qua...
         Tản Đà, Hữu Thanh 1921
Sinh ngày 28 tháng sáu năm 1712 ở Genève, Jean-Jacques Rousseau vừa là một nhà văn, một nhà triết lý vừa là một nhạc sĩ có tài. Đời sống của ông là một dãy dài năm tháng lẫn lộn độc lập, thất thuờng, vui thương, buồn tủi. Năm 16 tuổi, ông rời Genève qua Savoie để được bổ túc giáo dục và khai tâm tình ái trước lúc lên Paris dấn thân vào sự nghiệp. Sống kham khổ, ông có với bà Thérèse Levasseur năm đứa con đều gởi vào nhà "Con trẻ Nhặt được". Gặp Diderot, ông viết nhiều bài về âm nhạc cho bộ Bách khoa toàn thư. Ông bước vào địa hạt lịch sử những tư tưởng với những tiểu luận :Luận văn về khoa học và nghệ thuật (1750), Luận văn vể nguồn gốc và nền tảng sự bất bình đẳng trong loài người (1755). Trong các tiểu luận nầy, ông cho đối lập trạng thái thiên nhiên phát sinh hạnh phúc cho nhân loại và trạng thái xã hội gây nguồn cho mọi bất bình khắp thế gian. Ông tiếp tục suy nghĩ về cách vận hành của một xã hội dân chủ dựa lên khế ước xã hội(1762) trong ấy nhân dân toàn quyền tổ chức đời sống công cộng. Trong cuốn Emile, ou De l'éducation (1762), ông luận bàn về giáo dục dựa lên sự bảo tồn những đức tính thiên nhiên của con trẻ và dạy dỗ những nhận thức cụ thể thay vì những kiến thức sách vở. Trong lãnh vực văn học, đóng góp của ông rất lớn với cuốn Julie ou la Nouvelle Hélọse (1761) là cuốn sách có số lượng xuất bản lớn nhất thế kỷ với cách miêu tả tiền lãng mạn những ý thức về tình ái và thiên nhiên. Xuất bản sau khi ông mất như ông muốn, những tập Les Confessions (soạn thảo 1765-1770, in 1782, 1789), LesRêveries du promeneur solitaire (soạn thảo 1776-1778, in 1782) với những nhận xét sâu xa, những tình cảm mật thiết, được xem như là những tự truyện. Gặp nhiều khó khăn trong cuộc giao tiếp, ông sống ẩn náu, sau cùng trở về lại Thụy Sĩ năm 1762 khi những tác phẩm của ông bị Pháp viện Paris lên án. Ông quyết định viết tự truyện để bào chữa, trở về lại Paris, chép nhạc mà sống. Ông từ trần năm 1778 ở Ermenonville, tỉnh Oise vùng Picardie ở Pháp, hưởng thọ 66 tuổi. Thi hài ông được đưa vào điện Panthéon trong thời kỳ Cách Mạng Pháp 1794. Nhân dân Pháp đã biết đánh giá cao ảnh hưởng của ông vừa trong triết lý chính trị với những suy nghĩ sâu sắc về nền dân chủ, vừa trong lãnh vực văn chương, trong những thái độ mà năng lực cảm giác phát triển cùng phong trào lãng mạn.

Vườn Les Charmettes
Thế là đang học nghề chạm khắc khó khăn ở Genève, mồ côi mẹ từ thuở mới sinh, sau khi ông cha lập lại gia đình với một bà vợ khác, Jean-Jacques Rousseau bỏ học, một mình, túi rỗng, tay không, đi bộ vượt biên thùy qua Pháp, đến Savoie. Ông linh mục Benoit de Pontverre, một người hằng mong quy chàng trẻ Tin lành về đạo Cơ đốc, giới thiệu ông lại bà Françoise-Louise de Warens ở Annecy. Sinh ra ở Vevey năm 1699, bà là con nhà quý phái Tin lành. Năm 13 tuổi Louise Eléonore de la Tour du Pil lấy ông sĩ quan Warens 25 tuổi và trở thành bà nam tước Françoise Louise de Warens. Không chịu nổi cuộc sống với ông chồng quí phái và giàu có ở tổng Vaud, bà chạy sang ẩn náu ở Savoie, cạnh Quốc vương Piémont. Năm 1726, sau khi quy về đạo Cơ đốc, bà được Quốc vương bảo trợ, trả cho một số tiền phụ cấp và giao phó cho bà nhiệm vụ quy về đạo Cơ đốc những người Thụy Sĩ có đạo Tin lành mà hồi đó Genève là kinh đô. Bà là một phụ nữ ham muốn kinh doanh. Ở Vevey, bà xây dựng một hãng sản xuất tất lụa. và nghe nói bà bỏ đi mang theo quỹ của hãng. Ở Annecy bà có dự án một xưởng chế tạo nhưng không thành hình. Ở Chambéry, bà thành lập một Vườn cây Hoàng gia bên cạnh một Trường Dược học, lao mình vào cuộc chế biến xà phòng và sôcôla, bỏ công khai thác những mỏ than và mỏ kim loại .... Bà hái lượm nhiều cây cỏ, chế tạo những loại rượu cồn ngọt, nhựa thơm.... Bà tự hào biết được nhiều bí truyền để chế tạo những linh dược,... Tuy sống giữa những người tán tỉnh, xu nịnh, bà tỏ rất thông hiểu và phân biệt những mối tốt xấu trong vấn đề buôn bán. Victor-Amédée II, công tước Savoie và Quốc vương Sardaigne đề nghị bà làm thám tử mật và bà đã thành công trong vài sứ mệnh tế nhị, hợp tác với người thư ký đồng thời tình nhân Claude Anet. Vượt núi Alpes đi lại nhiều lần giữa Savoie và Ý, bà thường trú lại trong lâu đài ở Turin, nơi những hoàng thân công tử tổ chức liên miên tiệc tùng và mỗi lần niềm nở đón nhận cô nữ điệp viên xinh đẹp không nề hà chia sẻ cuộc vui.

Hai phòng ngủ của Françoise và Jean-Jacques
Jean-Jacques chờ đợi gặp một bà lớn tuổi, nghiêm trang đạo mạo. Nhưng không, hôm lễ hội Cành năm 1728, bà hiện ra trước chàng dưới dạng một thiếu phụ trẻ 28 tuổi, mặt mày yêu kiều, đôi mắt êm dịu, nước da lộng lẫy, một người đàn bà làm choáng mắt chàng trai. "Nàng có một sắc đẹp không bao giờ tàn vì sắc đẹp nầy thể hiện trong diện mạo chứ không phải trong nét mặt, một diện mạo vào thời rạng rỡ đầu tiên. Nàng có một dáng điệu mơn trớn, dịu dàng, một lối nhìn hiền lành, một nụ cười tiên nữ, một lỗ miệng vừa tầm miệng tôi, những mớ tóc màu tro tuyệt sắc mà nàng biết lơ đễnh uốn nắn cho thành sắc sảo". (Confessions, Livre II). Thiếu thốn tình mẫu tử, ("Mẹ tôi chết vì tôi và ngày sinh của tôi là mối họa đầu của tôi ") (ConfessionsLivre I), Jean-Jacques đắm mình vào phong cách đón tiếp nồng hậu của Françoise, tận hưởng cái thú của một mối ái tình thuần khiết. Jean-Jacques gọi Françoise là "Mẹ" (Maman), Françoise gọi Jean-Jacques là "Bé" (Petit). Có khi chàng trai cảm thấy chướng, thử rời đi nhưng nàng đã thành thần tượng, chàng không sao bỏ được ý đồ chạy trốn. Năm 1732, vào lúc Jean-Jacques lên 20 tuổi, Françoise dọn về một cái nhà ở Chambéry. "Mẹ" tiếp tục hoàn thiện giáo dục cho "Bé" về văn chương, toán học cũng như nhạc học. Kiến thức về nhạc của Jean-Jacques lên cao để sau nầy ông viết được nhều bài về nhạc cho bộ Bách khoa toàn thư, sáng tạo một hệ thống ký pháp nhạc học, sáng tác ngay cả hai nhạc kich opéra. Cả hai đều có dự phần vào vài buổi hòa nhạc nhỏ. Để kiếm chút ít tiền túi, Jean-Jacques dạy nhạc cho vài cô gái con các bà bạn Françoise. Thế rồi, chàng trai lọt vào mắt một trong mấy cô gái kia. "Mẹ" thấy "Bé" đã lớn lên thành người và sợ không chóng thì chầy thế nào cũng có cô bứng đi. Cách hay nhất để giữ anh chàng lại với mình là đối xử anh như một người tình ! Jean-Jacques tỏ ra nuối tiếc thái độ nầy. "Nàng đã đối với tôi hơn là một người chị, hơn là một người mẹ, ngay hơn cả một người tình ; vì vậy mà nàng không phải là một nhân tình. Nói cho cùng, tôi yêu nàng quá sức để thèm muốn nàng. Trong đầu óc tôi không thể rõ ràng hơn....Tôi tự xem như đã phạm tội loạn luân. Hai ba lần, khi rung cảm ôm ép nàng trong cánh tay, nước mắt tôi ràng rụa..." Khi biết Jean-Jacques và Françoise trở nên tình nhân, anh thư ký Claude Anet bỏ đi và năm 1734 uống thuốc laudanum có thể xem như là tự tử.
Tượng Jean-Jacques Rousseau
ở Chambéry
ở Les Charmettes
  Năm 1736, tài chánh trở nên eo hẹp, theo đề nghị của Jean-Jacques, Françoise thuê một cái nhà nhỏ không xa Chambéry bao lăm. "Sau khi tìm kiếm, chúng tôi chấm một ngôi nhà ở Les Charmettes trên đất ông Conzié, ngay ở ngoài cửa Chambéry, kín đáo và hiu quạnh như ở xa một nghìn dặm. Giữa hai ngọn đồi khá cao, chạy dài một thung nhỏ, dưới đáy len một cái rãnh giữa sạn đá và cỏ cây. Dọc theo thung, lưng chừng đồi, lác đác vài ngôi nhà, thật thích thú cho ai ưa thích một nơi ẩn trú hẻo lánh và có phần hoang dã." (Les Confessions, Livre V). Chỗ chọn lựa đúng theo sở thích vì sau nầy nhớ lại, Jean-Jacques luôn còn giữ một kỷ niệm êm đềm. "Tôi khuyên Mẹ về ở nhà quê. Một ngôi nhà đơn độc trên một sườn thung là nơi nương náu của chúng tôi và cũng là nơi trong thời gian bốn hay năm năm tôi đã hưởng thụ một thế kỷ cuộc sống với một hạnh phúc tràn đầy, cao quý." (Les Rêveries du promeneur solitaire, 10ème promenade). Thật vậy, từ 1736 đến 1740, ở một nơi hiền hòa êm dịu, với một người bạn đường yêu thương, những môn giải trí đơn giản như dạo chơi, đọc sách, chơi nhạc là đủ đem lại hạnh phúc cho Jean-Jacques. Trong hai cuốn Les Confessions Livres V,VI và trong những dòng cuối Les Rêveries du promeneur solitaire, chàng liên miên kể lại chuổi ngày đằm thắm cạnh Françoise. Tại nơi ẩn náu nầy, Jean-Jacques đã khám phá ra ái tình với một người chàng từng gọi là "Mẹ" và trở nên nhân vật nhạy cảm dễ gây xúc động và ái mộ trong lòng thanh niên lãng mạn. Ngày nay, đặt chân đến Les Charmettes, trở thành Viện bảo tàng và nơi hành hương sau Cách Mạng nước Pháp, chìm đắm trong bầu không khí đặc biệt, khách dễ dàng đi ngược thời gian 300 năm sống lại hạnh phúc của chàng Jean-Jacques trẻ tuổi. Cái bàn thờ nhỏ trên cầu thang nối liền với tầng nhất, phòng Jean-Jacques có hốc kê giường, phòng Françoise hướng về Chambéry qua cửa sổ, phòng khách mở ra thềm nhà dẫn vào vườn,...mỗi một chi tiết kể lại một màn sống của đôi nhân tình lãng mạn.

Françoise Warens
ảnh internet
Vườn Les Charmettes dính ngay sát nhà, kiểu Pháp, phong cách thế kỷ XVIII, gồm có bốn hình vuông trồng cây. Jean-Jacques và François trồng khoảng 80 loại cây thông dụng hay đã quên, phần lớn là cây thuốc, cây gia vị, cây ăn rau và cây ăn trái. Đặc biệt ở cuối dưới vườn, một mảnh dành cho những thứ cây xưa các loại táo, lê, đào,... Phía trên, một vuờn nho gốc Savoie choáng cả một sườn đồi lớn khoảng 100m2, nhìn ra xa tầm mắt phóng đến dãy Charmant Som sừng sững. Cuộc chung đụng với cây cỏ nầy đã mở đường cho Jean-Jacques khi về già trở nên một nhà thực vật học mà tư tưởng tràn đầy tập LesRêveries du promeneur solitaire. Riêng vườn Les Charmettes đã chiếm đoạt hoàn toàn trái tim chàng trẻ si tình luôn mấy năm. Tuy nhiên, mặc dầu gần Françoise, Jean-Jacques cảm tấy cô đơn. Anh đọc sách nhiều, suy nghĩ nhiều, anh muốn trí tuệ trở thành chín chắn. "Mỗi khi đọc một tác giả, tôi tự đặt một thông lệ chấp nhận và theo dõi ý kiến của mỗi người nhưng không cho trà trộn với ý kiến của mình. Tôi tự bảo phải bắt đầu xây dựng một kho tư tưởng, đúng hay sai, nhưng minh bạch, trong lúc chờ đợi đầu óc tôi được cung cấp đủ để có thể so sánh và chọn lựa....Từ từ, tôi tự thấy tách riêng và đơn độc trong ngôi nhà ấy mà tôi đã là linh hồn, nơi gần như tôi sống hai mặt. Dần dần tôi quen tách rời những gì xảy ra trong nhà, ngay cả những người ở trong nhà ấy, và để tránh mọi rầy rà luôn tiếp, tôi tự nhốt mình trong sách vở hay mặc sức đi thở dài và khóc lóc giữa khu rừng. Tôi cảm thấy sự hiện diện cá nhân hay sự rời xa trái tim một người đàn bà quá thân kích thích nỗi đau của tôi và khi thôi không gặp nữa tôi cảm thấy cuộc chia lìa ít đau đớn hơn" (Les Confessions, Livre VI). Thấy sức khỏe của anh sụt dần, năm 1737, Françoise gởi Jean-Jacques đi khám bác sĩ Fizes ở Montpellier. Trong chuyến đi nầy anh làm quen với bà Larnage, lớn hơn anh 20 tuổi, đã có 10 đứa con, người sẽ hướng dẫn anh trong tình yêu xác thịt. Về lại Chambéry, anh không ngạc nhiên thấy một người khác đã chiếm chỗ trong tim bà Warens, người thợ làm tóc giả Jean Samuel Rodolphe Wintzenried. vừa mới quy về đạo Cơ đốc ...

Françoise và Jean-Jacques ở Les Charmettes
tranh minh họa những tập Les Confessions
Đã đến lúc Jean-Jacques biết mình phải rời tổ ấm. Năm 1740, sau ba năm hạnh phúc, Françoise tìm được cho anh một chân gia sư ở Lyon tại nhà ông sĩ quan quân cảnh de Mably. Trước đó một năm anh cho xuất bản tập thơ đầu tay được đánh giá là hoa mỹ, khoa trương Le verger de madame de Warens. Lyon không quá xa Chambéry, thỉnh thoảng anh về thăm chốn cũ nhưng như đàn đứt giây, mọi sự không còn như xưa. Anh mong vườn Les Chamettes chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi. Năm 1743, không muốn cầm chân ở vai gia sư đơn điệu nữa để thử xa lánh hoàn toàn Les Charmettes, anh rời Lyon lên Paris bắt đầu một cuộc đời mới...
Verger cher à mon coeur, séjour de l'innocence,
Honneur des plus beaux jours que le ciel me dispense.
Solitude charmante, Asile de la paix ;
Puissé-je, heureux verger, ne vous quitter jamais...
(Le verger de madame de Warens, 1739)(Vườn cây quả thân thiết trong lòng tôi, nơi lưu lại của kẻ vô tội,
Làm rạng danh những ngày vui đẹp mà trời ban cho tôi.
Nổi cô đơn mê say, Nơi nương náu hòa bình ;
Vườn cây quả may mắn, làm thế nào để tôi chẳng bao giờ xa vườn.)
Hoa dừa cạn
Tem kỷ niệm 300 năm Jean-Jacques Rousseau
Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều ham mê, say đắm khác trong đời, Jean-Jacques không bao giờ quên mối tình lớn nhất của chàng. Françoise Warans đã thành bất tử trong các tác phẩm của ông đến nỗi ba mươi lăm năm sau, trong tậpLes Confessions, ông muốn xây một "chấn song vàng" quanh nơi chàng đã gặp nàng. Ông kể trong cuốn Les Confessions Livre VI thế nào một kỷ niệm chia sẻ với người yêu đã gây ra trong tim ông những cảm giác sâu đậm. Một lần đi dạo rừng với một người bạn, ông bắt gặp một hoa dừa cạn (pervenche) màu hoa cà nhạt. Mối xúc động quá lớn để ông có thể dấu diếm, chỉ vì ba mươi năm trưóc, cũng trong một cuộc di dạo, Françoise thốt ra một câu : kìa xem hoa dừa cạn đã nở ! Về cuối đời, trong giấc mộng thứ 10 tập Rêveries du promeneur solitaire, ông thử tìm hiểu thái độ của Françoise trong một bản tỏ tình tuyệt đỉnh : "Hôm nay, ngày lễ Phục sinh, tôi làm quen với bà Warens đã đúng năm mươi năm. Hồi ấy nàng hai mươi tám tuổi, sinh ra với thế kỷ. Tôi chưa lên mười bảy và tuy tôi chưa biết, tính khí tôi chớm nở bắt đầu sưởi ấm tim tôi vốn sẵn chan hòa sinh lực. Nếu không có gì lạ khi nàng hiến lòng nhân từ cho một người linh hoạt nhưng hiền từ và khiêm tốn, bộ mặt dễ thương, ít lạ hơn là một người phụ nữ đẹp tràn đầy tài trí và duyên dáng gợi cảm cho tôi với những tình cảm thắm thiết mà tôi không nhận rõ..." Và ông luyến tiếc một mối tình dở dang : "Trong rất lâu trước lúc chiếm hữu nàng, tôi chỉ sống trong nàng và cho nàng. Ô, nếu tôi đáp ứng đủ lòng nàng cũng như nàng đáp ứng đủ lòng tôi ! Chúng tôi sẽ sống được với nhau biết bao ngày thanh bình và thú vị." Một một mối tình ngắn ngủi nhưng biết bao thắm thía. Như Julie, phu nhân nhà vật lý học Jacques Charles trở thành Elvire bất tử nhờ gặp được Lamartine, bà Warens may mắn để tên lại hậu thế nhờ có người tình mang tên Rousseau vì dù có đẹp như tiên cũng chưa chắc được ghi tên trong sách sử.
ROUSSEAU ET Mme DE WARENSLà-bas où le canal fredonne....
Au printemps de sa vie,
Il n'avait que seize ans.
Au printemps de l'année
Jours de Pâques Fleuries.
Lui qui n'aimait
Que le printemps
En toute chose
Il fit cette rencontre
Avec son égérie
En Annecy
Au printemps de sa vie
Au printemps de l'année
Là-bas où le canal fredonne....
Georgette Chevallier, 
Almanach des traditions savoyardes, Année 2012 Ed.
(Đằng kia, nơi kênh đào ngân nga... - Vào tuổi xuân đời chàng - Chàng chì lên mười sáu - Vào mùa xuân trong năm - Ngày Phục sinh Nở hoa. - Chàng chỉ yêu mùa xuân - Chàng gặp nàng cảm hứng - ở Annecy - Vào tuổi xuân đời chàng - Vào mùa xuân trong năm - Đằng kia, nơi kênh đào ngân nga...)

Kênh Thiou ở Annecy

Võ Quang Yến

Không có nhận xét nào: