a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Rồi Thì Ta Cũng Già ( Bài chuyển của Mai Hương HD 67-74)


Image
Rồi Thì Ta Cũng Già 



Những ngày ở bệnh viện PNT, tôi chứng kiến sự già nua của cơ thể người bệnh, nỗi buồn của bệnh tật, sự cô đơn của những bệnh nhân không ai chăm sóc và nhìn thấy cả niềm hạnh phúc long lanh của những ông cụ được vợ đem lưỡi lam, kéo đến tận giường để cạo râu, tỉa tóc...Tôi thương một ông cụ 84 tuổi, ông không có người chăm sóc và ông bị mất tiếng nói sau một cơn tai biến trong quá khứ ( tôi nghe người nhà tôi nói vậy). Ông thường vẫy vẫy bất cứ người nào ...đưa ánh mắt nhìn ông, và một trong những người đó có tôi. Tôi thường mua cháo thịt bằm cho ông và nhận nhiệm vụ chia gói thuốc bột tan đàm làm 3 phần, mỗi phần bột thuốc trút vào một muỗng cháo cho ông. Tôi giúp ông thu dọn một số hộp nhựa vương vãi xung quanh. 



Tôi không biết ông đã làm gì khiến con cháu tức giận đến mức bỏ mặc ông, hoặc họ chỉ có thể thương ông ở chỗ trả tiền viện phí cho ông. Có một giây phút nào đó tôi có sự đồng cảm và chia sẻ cho con cháu của ông. Tôi nghĩ chắc họ bị những "vết thương lòng" từ lời nói hay hành động nào đó của ông trong quá khứ, khiến họ bị chai sạn cảm xúc trước bệnh tật và sự già yếu của ông. Nhưng khi tôi chứng kiến người con trai gần 50 tuổi và người con gái của ông hơn 50...chỉ vào mặt ông bảo rằng..." (tiếng chửi thề)..tui dọng vô mặt ông bây giờ, ông ứ ứ cái gì" và " ...lần này tui xin cho ông về, tui cho ông chết m.. ông luôn. Ông sống ông chỉ báo con báo cháu. Ông chết thì chết m .. ông đi cho tụi tui nhờ". Họ nói lớn tiếng và tôi tin chắc tất cả từ người bệnh đến thân nhân, tổng cộng hơn 20 con người ở đó (bao gồm cả tôi) đều thấy đều nghe. Nhưng tất cả đều im lặng ( hoặc có chút bất nhẫn gì đó trong lòng)...nhưng chẳng ai giúp ông già, chẳng ai tát tai hai đứa con kia, chẳng ai khuyên can đừng la lớn tiếng, chả ai can thiệp cho một một sự bạo hành gia đình, bạo hành người già. Ai đó có cả TÔI. Có lẽ ai cũng nghĩ....đèn nhà ai nấy sáng, chuyện gia đình người ta.


Tôi chảy nước mắt vì tôi thấy tôi hèn và tôi thấy thương ông già.
Rồi thì ta cũng già!
Rồi thì ai cũng già!


Rồi thì mai này anh gần 50, chị trên 50 nọ cũng già, cũng đau yếu , cũng bệnh tật...và có chắc khi mình sống một cuộc đời rất mực thương yêu con cháu, tốt bụng với hàng xóm làng giềng thì mình sẽ tránh được sự cô đơn, già yếu, bệnh đau???


Có ai dám tự tin bảo rằng ...cứ thương con thương cháu thì sẽ có ...con cháu có hiếu., sẽ được yêu thương chăm sóc khi về già. Ngộ nhỡ con cháu ta đang du hành vũ trụ, đang du lịch phương đông, đang du hí ở phương tây ....thì khi ta đau, ta yếu...ta có vẫy vẫy đôi tay trơ xương, đôi mắt kéo màn...mà ráng dòm ráng ngó xem có ai đang nhìn ta để mà nhờ đi mua chút cháo lót lòng?


Ai ơi, sân si chi với kẻ đau bệnh già nua, mà kẻ đó lại là người sinh ra ai đó!


Tôi hỏi một câu hỏi với bạn thân, rằng khi một đứa trẻ bị bạo hành xã hội sẽ có rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ nhưng sao ít thấy ai lên tiếng về bạo hành người già.? Bạn bảo cơ bản vì…người già có sức chịu đựng hơn con nít, người già hiểu được tại sao người khác làm vậy với mình?


Câu trả lời không thỏa mãn tôi cho lắm. Nhưng câu hỏi mà tôi dành cho tôi đó là “tại sao tôi vẫn đứng yên nhìn sự bạo hành người già?” Rồi thì tôi cũng sẽ già cơ mà!?


Tôi không biết mình dành lời chúc nhưng thế nào cho ông lão. Ước ông bình an hay ước ông sống thêm được vài năm, vài chục năm? Ước cho con cháu cảm nhận được rồi họ sẽ già hay ước có cô tiên gieo yêu thương vào trái tim họ? 


Tôi nghĩ đến lời một bài hát: 

Bao nhiêu năm làm kiếp con người 
Chợt một chiều tóc trắng như vôi 
Lá úa trên cao rụng đầy 
Cho trăm năm vào chết một ngày



Rồi thì ta sẽ già và chết vào một ngày nào đó. Bạn giống ta, ta giống bạn. Chúng ta đều giống nhau khi chung một kiếp con người, nên nếu như ta còn được ai đó yêu thương, ta còn chút sức khỏe, ta còn chút ít bạc tiền...



…thì thôi hãy thấy “ được sống là một niềm hạnh phúc lớn lao”
…thì thôi hãy tha cho những lỗi lầm của “người già”
…thì thôi hãy yêu thương và cho đi chút yêu thương đối với “người bệnh”, “người già”…



Người nay đã không còn sức mắng ta như khi ngày xưa còn sức khen ngợi ta lúc ta bé xíu. Người nay không còn khỏe như ngày xưa để rút roi mây nhịp nhịp vào mông ta mỗi khi ta làm điều sai trái khiến người buồn. Người nay không còn tiền để tự kêu một chiếc taxi vào bệnh viện, đâu phải rủng rỉnh bạc cắc như ngày xưa từng ngoắc xích lô đưa ta đi chơi sở thú.


Tử tế tại tâm. Tỉnh tâm chút nhé ai đó, vì rồi thì ta cũng sẽ già mà!

Trần Thị Nhung


Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo


Image
Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo


Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Điển cố Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh trở thành câu chuyện kinh điển nhắc nhở con người về chữ Nhẫn. 



Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là “Hán triều Tam kiệt”, đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán – Sở.


Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội Trương Lương là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.


Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Trương Lương phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).


Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!” Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên. Ông lão lại giơ chân lên bảo: “Mang vào!” Trương Lương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Trương Lương nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.


Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: “Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống “xin vâng” một tiếng.



Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến nơi hẹn, không ngờ ông già đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến”. Nói xong liền quay lưng đi mất. 


Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, Trương Lương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương Lương về và nói năm ngày sau nữa hãy tới. 


Lần sau thì Trương Lương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: “Phải vậy chứ!”.



Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. 


Trương Lương mang cuộn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách. 

Mười ba năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, Trương Lương liền mang về. 

Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.


Công Tôn

Không có nhận xét nào: