a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Người mẹ của các bậc vĩ nhân



Người phụ nữ can trường xứng danh ‘Osin của nước Nhật’

 


Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng một người phụ nữ”, người ta vẫn luôn nói thế để đề cao vai trò của người vợ đối với thành công của nam giới. Đúng vậy, nhưng ít ai để ý rằng trước khi người phụ nữ ấy đến với cuộc đời anh ta thì đã có một người phụ nữ khác sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo cho anh ta từ những bước đi đầu đời, người gieo những hạt giống tâm hồn đầu tiên vào đầu óc thơ trẻ của anh ta, chăm lo tưới bón cho nó bằng tình yêu thương để sau này nó lớn thành đại thụ. Người ấy luôn dõi theo bước chân anh ta trên bước đường đời dù gian khó hay thuận lợi để nâng đỡ tinh thần. Đó là mẹ. Do vậy cũng có thể nói rằng: “Đằng sau mỗi vĩ nhân đều có hình bóng một người mẹ”. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài dài kỳ về người mẹ của những vĩ nhân trên thế giới.
Noguchi Hideyo (1876-1928), tên cúng cơm là Noguchi Seisaku là một nhà vi khuẩn học lỗi lạc của Nhật Bản, người đã phát hiện ra tác nhân của bệnh giang mai vào năm 1911.
Ông sinh năm 1876 tại Sanjo Gata, thị trấn Inawashiro, quận Yama County, gần trung tâm của Fukushima Prefecture trong một gia đình làm nông với gia cảnh rất nghèo khó. Năm 1900, ông tới Mỹ và làm việc tại trường Đại học Pennsylvania, sau đó tại viện nghiên cứu y học của Rockefeller. Ông đã từng được đề cử giải Nobel Y học.
Noguchi đã đi khắp Trung Phi và Nam Mỹ để làm nghiên cứu về vắc-xin cho bệnh sốt vàng da và để nghiên cứu bệnh sốt Oroya (một loại bệnh dịch ở Nam Mỹ do ruồi cát gây ra), bệnh viêm tủy xám, bệnh mắt hột. Năm 1928, khi Noguchi Hideyo 52 tuổi, ông đã đến phía tây châu Phi để chữa bệnh sốt vàng da cho nhân dân nơi đây. Không may, chính ông cũng bị nhiễm độc và qua đời vào ngày 21 tháng 5 năm 1928. Tất cả người dân nơi đây đều tiếc thương ông. Cho đến nay, ở Gana vẫn có một bệnh viện mang tên ông.
Hình ảnh của Noguchi được in trên tờ bạc 1000 Yên của Nhật Bản từ năm 2004:

 


Và ông cũng được dựng tượng tại công viên Ueno, Tokyo:

 


Nhưng phía sau những vinh quang của Noguchi Hideyo là hy sinh của người mẹ tần tảo can trường.
Hồi nhỏ, gia đình Noguchi rất nghèo. Khi được một tuổi rưỡi thì ông bị ngã vào đống lửa. Mẹ ông đi làm đồng về, bà kinh hoàng phát hiện ra cảnh tượng đó và kéo ông ra nhưng Noguchi đã bị lửa đốt làm tay trái bị tổn thương nghiêm trọng và ông thành người tàn tật.
Cũng vì tàn tật, ốm yếu, gia cảnh lại nghèo khó nên thời thơ ấu của Noguchi rất vất vả. Ở trường ông hay bị bạn bè chế nhạo, có khi đánh đập. Những khi ấy, ông thường ra đồng tìm đến chỗ mẹ, òa khóc và bà Noguchi đã dịu dàng an ủi ông.
Nhưng bà cũng vừa nhẹ nhàng vừa rắn rỏi khuyên con trai, đại ý rằng: “Người ta càng coi thường con, con càng phải cố gắng học thật tốt để vượt qua họ, cho họ biết con giỏi như thế nào”.
Được mẹ động viên, Noguchi trở lại trường. Ông bắt đầu tập trung vào học hành hơn, cố gắng bỏ qua những kẻ ăn hiếp ở trường học. Ông bắt đầu được thầy giáo khen ngợi qua bài văn mô tả “người quan trọng nhất trong cuộc đời”, đó là mẹ ông. Bài văn đó ông được điểm tối đa 100, cao nhất lớp. Kể từ ngày đó, ông lao vào học ngày học đêm. Đến cuối năm lớp 4 tiểu học, ông trở thành học sinh giỏi nhất lớp và được thầy chủ nhiệm chỉ định làm một Seicho (Seicho là chức vụ đặt ra cho học sinh có thành tích học tập cả năm xuất sắc nhất, có thể thay thầy giảng bài. Đây là quy tắc được đặt ra từ thời Minh Trị thiên hoàng, áp dụng cho những nơi mà thầy giáo không đủ). Có nghĩa là ông là học sinh giỏi nhất trường.
Ông vui sướng chạy về khoe với mẹ. Bà Shika mừng lắm, bà ôm con vào lòng đôi mắt rơm rớm những giọt lệ hạnh phúc. 
Bà Shika thực sự là một tấm gương vượt khó cho con trai mình. Bố mẹ bà bỏ đi từ nhỏ, bà phải ở với bà ngoại. Khi lấy chồng, bà lại trở thành trụ cột trong gia đình. Chồng bà, bố của Noguchi Hideyo, ông Sayosuke Noguchi được cho là người đàn ông nát rượu và tệ bạc với vợ con. Trong tâm trí non nớt của cậu bé 8 tuổi Noguchi, mẹ là người đã phải chịu nhiều bất công trong đời, nhưng bà Shika nói rằng: “Có gia đình bên cạnh, dù lao động cực khổ mẹ vẫn thấy hạnh phúc”.
 

Bà Shika có một niềm tin mạnh mẽ vào Phật Bà Quan Âm, bà ngày đêm cầu nguyện Phật Bà cứu giúp con mình. Nhưng mặt khác, biết Hideyo muốn học lên cao nữa làm thầy giáo, rồi sau là bác sĩ khi ông được chứng kiến khả năng to lớn của y học đã chữa khỏi cho cánh tay tàn tật của ông, bà Shika đã làm ngày làm đêm để có thêm chút thu nhập cho Noguchi thực hiện ước mơ. Như bà Tú Xương trong bài “Thương vợ” của nhà thơ Trần Tế Xương:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Một thời gian, trong thôn nơi gia đình Noguchi ở có lời đồn là buổi đêm, ngoài đồng lại xuất hiện ma. Vài người tò mò rủ nhau nửa đêm đi “xem ma”, phát hiện hoá ra con ma là mẹ Noguchi Hideyo đang quăng lưới bắt tôm. Cứ thế, hết đông lại hè, dù tuyết rơi gió nổi, dù nắng cháy trên lưng, bà Shika vẫn cặm cụi ngoài đồng từ sớm đến khuya để sẽ có một ngày con trai bà công thành danh toại.
Một hôm, giữa buổi học, Noguchi Hideyo bỗng nhiên bỏ học về nhà. Thấy vậy, mẹ của Noguchi Hideyo nói:
“Đạt Ma Sư Tổ ngồi thiền quay mặt vào vách suốt chín năm mới tu luyện xong. Con tu luyện được bao nhiêu năm mẹ không cần biết, nhưng con nhất định phải thành công. Nếu không đạt được mục tiêu thì con cũng đừng bước vào cái nhà này nữa”.
Nghe mẹ nói Noguchi Hideyo vô cùng cảm động, đôi mắt đẫm lệ, cậu bé chạy vụt trở lại trường.
Muốn trở thành một bác sĩ thời đó rất khó. Thầy giáo của Hideyo nói với ông rằng: “Cả nước có hàng ngàn người dự thi ngành y. Thi đậu bác sĩ chỉ có rất ít người mỗi năm. Thi bốn năm lần mới đậu đã là chuyện hiếm có. Nhiều người thi suốt đời cũng không đậu”.
Nhưng cuối cùng, nhờ nỗ lực không mệt mỏi của hai mẹ con Noguchi, ông đã thi đậu bác sĩ năm 20 tuổi. Cánh cửa khoa học mở rộng trước mắt, nhưng ông vẫn muốn sang Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển cao trên thế giới để học tiếp. Nhưng ông còn ngần ngại vì muốn ở nhà phụ giúp cho gia đình đỡ khổ. Biết vậy, bà Shika rất ủng hộ ý tưởng du học của con. Bà nói: “Không cần lo cho mẹ, chỉ cần con thành công là mẹ vui rồi!”.
Noguchi Hideyo đi rồi, ngày nào bà cũng đến miếu Quan Âm cầu trời khấn phật phù hộ cho con. Nhằm động viên con học tập, người mẹ già 50 tuổi đã đi học chữ để viết thư cho con (lúc bấy giờ, phụ nữ Nhật Bản rất ít người biết chữ). Lần đầu tiên nhận được thư với những nét chữ run run được viết bởi chính bàn tay mẹ, Noguchi Hideyo đã cảm động tới mức không cầm nổi nước mắt.
Vài năm sau, mẹ ông qua đời ở tuổi 65. Noguchi Hideyo kể lại rằng, trước lúc lâm chung, bà nói: “Việc tốt nhất tôi đã làm trong đời đó là giữ cho tâm hồn của Noguchi Hideyo không bị tổn thương bởi cánh tay tật nguyền”.
Ở quê hương Noguchi đến nay vẫn lưu lại tượng bà Shika, một người mẹ vĩ đại với phẩm hạnh tuyệt vời.
 


Không biết rằng cuộc đời của những người như Hideyo Noguchi sẽ ra sao nếu không có những bà mẹ như Shika, một người phụ nữ can trường như Osin của nước Nhật, nếu bạn đã từng xem bộ phim Osin của Nhật Bản.
Và những bệnh nhân sốt vàng da, sốt Oroya, bệnh bại liệt trẻ em, mắt hột, giang mai… khi được chữa khỏi nhờ những thành quả nghiên cứu của Hideyo Noguchi, xin hãy nhớ về công lao của ông, nhưng hãy dành cả lòng biết ơn cho cả bà Shika mẹ ông nữa.
Bởi vì đối với Hideyo Noguchi, mẹ của ông chính là:
“Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, mẹ là ngọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…”(1)
Xin dành tặng lòng biết ơn cho những người mẹ như bà Shika Noguchi trong mùa Vu Lan năm Mậu Tuất 2018.
Bình Nguyên
  • (1): Lời bài hát “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, phần lời dựa trên bài viết cùng tên của nhà sư Thích Nhất Hạnh năm 1962 tại Sài Gòn.

 Vết Sẹo!


Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi. Chị Như, chị
hai tôi, lúc đó mới lên mười.. Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm
quặt quẹo. Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác
đi tìm mẹ suốt ngày. Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ
con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi. Chúng tôi gọi người này
là “má”.

Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho
má tôi. Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay. Chị em tôi no đủ,
sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng
sốt.

Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất. Lúc
sắp ra đi, cha không còn nói được chỉ nhìn má tôi rồi khóc. Má lúc đó
trẻ quá, đẹp quá lại chẳng phải má ruột của chúng tôi...

Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết
đồ. Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng.. Rồi một ngày kia
má kêu bán nhà, trả hết nợ rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi. Đó là năm
1978. Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím. Dì
làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó. Căn nhà của dì không
khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa
chúng tôi. Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu cho một người quen để
xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.

Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho
những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà để kiếm thêm chút
tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học. Sáu giờ má tất tả về nhà
lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường. Bảy giờ má trở lại bệnh viện
lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người
bệnh, gom rác đem đi đốt… Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê
quần áo cho những bệnh nhân khá giả. Đến tám giờ tối má mới về đến
nhà, mệt rã rời.

Hôm nào mưa gió má về sớm hơn. Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một
trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn. Mấy chị em nằm bên
má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa. Thằng út Tài
sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá. Thằng Thành nhõng nhẽo
đòi má gãi lưng. Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè để
cả nhà thành một “dàn đồng ca” rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia
gió thổi mưa tuôn…

Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất. Rồi má thắp
mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói:
“Đây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con.
Tuy mẹ các con mất rồi nhưng ở trên trời mẹ các con vẫn luôn phù hộ
cho các con mạnh khỏe”. Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy. Ngày ấy
cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời
nhìn thấy chúng tôi.

Có một sáng người ta đưa má về. Chân má bị phỏng nước sôi do một bệnh
nhân chạy vấp vào má.. Vết phỏng rất lớn. Do ăn uống thiếu thốn, sức
đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng
lên đau nhức. Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò. Chị hai khóc, năn
nỉ má cho đi đổ nước thay má mà má không cho đi. Rồi má nén đau, cố lê
chân đi làm trở lại. Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi
nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái. Dáng má đi không
còn tự nhiên nữa.

Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con
tôi. Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ.
Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê. Má cương quyết không
cho. Chưa bao giờ má cương quyết như vậy. Thắp nén nhang trên bàn thờ
ba, má khấn (cốt cho chị hai nghe): “Con gái lớn của mình định bỏ học.
Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây…”.

Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học. Hai năm sau tôi cũng
vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi.
Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: ngoài quần áo, má còn bỏ
vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng thuốc đỏ, thuốc cảm…

Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ
một. Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc
thằng Thành vào Đại học Luật TP.HCM và năm sau nữa là thằng Tài vào
Đại học Y Cần Thơ. Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc
ấy. Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.

Nhiều năm trôi qua má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn..
Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng. Giờ nó là bác sĩ
ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý. Nó tâm sự rằng hễ đi
trực đêm mà nghe tiếng rao “nước sôi đây” là giật mình thảng thốt
tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả lồng ngực.

Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui. Đám
trẻ quấn quít với má không rời nửa bước. Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay,
đứa bóp chân cho bà. Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân
má mà nói: “Bà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê.
Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm…” Má tôi cười: “Lâu quá, ngoại
quên mất rồi”.

Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con. Mưa
ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì
lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy. Chân tôi
lạnh tôi tìm hơi ấm nơi chân má. Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má,
cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi vậy mà tự nhiên tôi rơi nước
mắt.

Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm…Còn
má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ. Trong những năm
tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc
riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi mà không có ai chia sẻ. Má
ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!

Đã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công
chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp…Một ngày kia con tôi lớn
lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về “Bà Tiên” của chị em tôi, bà
tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài…Truyện cổ
tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước
mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của má.


LÊ THÚY BẢO NHI

Không có nhận xét nào: