a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

MỘT CHUYẾN ĐI XA



Cầm tờ giấy xét nghiệm trong tay Anh không tin được dù đó là sự thật, đất trời như sụp đổ dưới chân anh, bao nhiêu hoài bão ước mơ đều tan tành theo mây khói !…thời gian chẳng còn được bao lâu nữa phải tranh thủ từng phút từng giây bên người thân ...
Sau buổi cơm chiều, anh ngồi xuống ân cần hỏi thăm vợ ...
- Em à! bấy lâu nay anh có làm điều gì em buồn không ?
- Coi kìa sao anh nói gì vậy ? bấy lâu nay hai vợ chồng mình hạnh phúc mà !
- À ! anh dự định sẽ đi du lịch ra nước ngoài, trước mắt là các nước Đông nam Á...
- Chi vậy anh, thôi anh ạ, tốn kém lắm, để thứ bảy hay chủ nhật nhà mình ra Vũng tàu sáng đi chiều về được rồi anh ...
- Em à, từ lúc lấy em rồi tới nay, anh không còn mua hoa tặng em như hồi hai đứa mình mới quen nhau ...
- Dạ thôi anh ơi !…tặng hoa hay tặng quà là lúc còn bồ bịch nhau kìa, chứ bây giờ tụi mình là vợ chồng rồi tặng chi cho tốn kém, tiền đó mình còn nhiều việc phải làm ...
- Em hãy lên kế hoạch đi, tụi mình sẽ đi du lịch qua Singapore, đảo Bali của Indonesia hay Malaysia cũng được, anh muốn được tận hưởng tất cả những phút giây êm đềm đầy kỷ niệm cùng em ...
- Bộ có chuyện gì không anh, sao hôm nay anh lạ quá !
- Em cứ lên kế hoạch tuần sau là đi được rồi ...
- Dạ để mai em tính ...
Hôm nay anh ấy làm sao vậy ?, chắc có chuyện gì anh giấu đây, thôi để từ từ mình sẽ tìm hiểu, trước mắt là đăng ký tour du lịch cho anh ấy vui ...nói rồi cô vợ gọi điện thoại đăng ký tour du lịch ...
Suốt thời gian đi chơi tại Singapore anh vô cùng vui vẻ cùng vợ tham quan nhiều nơi, thỉnh thoảng cô vợ thấy anh đăm chiêu lo lắng điều gì đó ...nhưng anh vẫn cố tạo ra niềm vui cho cô vợ ...cho chuyến đi hoàn toàn mỹ mãn ...
Sau chuyến đi du lịch về, sức khỏe anh có phần sa sút, có những đêm anh thức trắng không tài nào ngủ được, là người vợ chị đã cảm nhận được sự bất an này ...rồi một hôm anh nhìn qua khung cửa, cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay đưa cho cô vợ đọc ... Chị không tin vào đôi mắt của mình sau khi đọc kết quả , sóng mũi cay cay chị nghẹn ngào hỏi anh ...
- Anh à! anh đã đi xét nghiệm nhiều nơi chưa anh ?…
- Rồi em ạ, nhà anh có di truyền ...đó là định mệnh ...
Đó là tờ giấy báo tử tức là bản xét nghiệm ung thư gan thời kỳ cuối, căn bệnh của thế kỷ, nhà anh đã có di truyền từ ba đời để lại, bây giờ đây chị rối quá không biết phải xử lý như thế nào, nhưng còn nước thì còn tát, có bệnh thì vái tứ phương tám hướng, chị lập tức đưa anh đi điều trị ...nhưng anh từ chối và cho biết anh đã đọc tài liệu, mọi nổ lực về thuốc men và các phương pháp xạ trị hay hoá trị là vô ích  , việc cần làm bây giờ là tập thể dục, vui chơi giải trí ...và những việc cần làm cuối đời...anh đã chuẩn bị rất kỹ trước khi đi xa ...
Mấy năm trước đây anh có hùn hạp mua đất cùng với người bạn, đất đai trong thời kỳ lên cơn sốt nên cả hai kiếm được khá bộn tiền, anh bỏ tiền vào ngân hàng để kiếm lãi hàng tháng, ngoài ra anh còn mở quán cafe trà sữa có thu nhập cũng rất ổn định ...có thể nói anh đã chuẩn bị kỹ cho chuyến đi không bao giờ trở lại này ...
Đúng tháng sau anh lên cơn đau dữ dội và trút hơi thở cuối cùng, mọi việc đã tiên liệu như những gì đã biết trước đó ...ngày tiễn đưa anh về cát bụi, ai cũng bùi ngùi thương cảm, đó là người bạn chí tình luôn luôn sống hết lòng vì bạn bè, đó là người hàng xóm vui vẻ hoà đồng với mọi người và là người chồng hết mực yêu thương vợ ...thường thì người tốt hay mất sớm ai cũng nghĩ như vậy ...
Sau đám tang, chị dọn dẹp lại thư phòng và tìm thấy một chúc thư để lại trong đó anh căn dặn phải làm những việc mà anh đã chuẩn bị sẵn ...lúc sinh thời anh là nhà kinh doanh làm ăn rất uy tín rất tốt nên khi mất đi giới kinh doanh họ rất thương cảm đi phúng điếu rất nhiều, trong chúc thư anh căn dặn là cứ lấy tiền phúng điếu lập nên hội thiện nguyện để giúp đỡ những bệnh nhân bị ung thư như anh ...
Những chiếc phong bì để lại trong đó anh cũng ghi rõ số tiền, tên và địa chỉ người nhận , chị cũng rất ngạc nhiên vì lâu nay anh làm gì chị ít để ý, ngoài tiền lo cho gia đình ra anh còn nhiều khoản chi bí mật đôi lúc thật là khó hiểu ...nay thì bí mật dần dần lộ rõ ...
Lần theo địa chỉ trên bì thư chị đã tìm được nơi mình đến, đó là ngôi nhà cũ kỹ cuối sâu trong hẻm , bước vào nhà có đôi vợ chồng già đang ngồi nói chuyện về anh ...thì ra đây là thầy giáo cũ của anh, mỗi tháng anh đều đặn gởi ít tiền cho thầy để chữa bệnh, bà giáo nắm lấy tay chị rồi bật khóc ...
- Tội nghiệp cậu ấy quá, tháng nào cậu cũng ghé qua thăm vợ chồng tôi gởi ít tiền và quà, tôi nói cậu còn vợ con và gia đình tôi không dám nhận đâu, cậu ấy nói đã lo cho gia đình hết rồi này là phần của thầy cô ...sao người tốt thường hay mất sớm quá vậy cô ?!!!…
Một phong bì khác cũng được gởi theo địa chỉ, đó là căn nhà cấp bốn của người bạn từ thuở nhỏ, anh làm thợ hồ trong lúc thi công bị té giàn nên thương tích rất nặng, ở nhà anh là lao động chính nên từ lúc anh bị thương cảnh nhà lâm vào túng quẫn, hôm trước tụi bạn gặp nhau có nói về hoàn cảnh người bạn cùng xóm cũ này nên chồng cô đã âm thầm giúp đỡ ...
Và trên tay cô là một số ít phong bì còn lại, tất cả những nơi cô đến đều có những hoàn cảnh thương tâm, họ là những người không may mắn trong cuộc đời này, nay thì chị đã hiểu tất cả việc làm bí mật của chồng cô, một ít tiền giúp đỡ cho những mãnh đời bất hạnh ...một miếng khi đói bằng một gói khi no ...
Cuối cùng là tấm thẻ hiến xác cho bệnh viện ...có thể nói anh đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi xa này , chị rất tự hào về anh cho đến cuối đời anh đã làm tất cả những gì của tình người cao cả ...
Hôm chị cúng thất tuần cho anh, có cặp vợ chồng trung niên chạy xe honda đến tìm nhà chị, sau khi thăm hỏi, vợ chồng họ đến thắp nén nhang cho anh, người chồng cho biết, mấy năm trước đây do hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn may nhờ có anh giúp đỡ nay thì cuộc sống đã tốt hơn trước nhiều ...họ đem theo phong bì gởi lại số tiền năm xưa mà họ đã nhận nay họ muốn gởi trả cho chị để giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn khác ...
Chị nhìn lên di ảnh của anh và dường như anh nhìn chị mỉm cười mãn nguyện ...

Đinh Văn Sơn




CHA & CON !

Hai cha con ngồi đọc báo trong vườn, người cha già, trông có vẻ hơi chậm chạp, mắt ông nhìn quanh khu vườn trong khi con trai ông đang chăm chú đọc báo… Đột nhiên có một con chim sẻ đậu trên cành cây gần nơi 2 người đang ngồi.
Người cha lầm bẩm hỏi một câu: “ Con gì vậy con?”
Người con trai nghe tiếng bố hỏi liền ngẩng đầu lên, nhìn vào cái cây rồi trả lời: “Một con chim sẻ.” Nói xong, anh ta tiếp tục cúi đầu đọc báo.
Con chim sẻ tiếp tục chuyền cành. Người cha lại hỏi: “Con gì thế con?”
Người con trai miễn cưỡng ngẩng đầu lên, cau mày đáp: “Bố, chẳng phải con vừa nói với bố rồi sao, là một con chim sẻ.”
Nói xong, anh ta lại tiếp tục giơ cao tờ báo lên đọc tiếp.
Con chim cất cánh bay, rồi lại sà xuống một đám cỏ khác cách đó không xa. Ánh mắt người cha dõi theo đường bay của con chim, rồi ông hiếu kỳ hỏi tiếp: “Đó là gì thế?”
Người con trai lúc này tỏ ra không kiên nhẫn thêm được nữa, anh ta gấp tờ báo lại, nói với bố: “Là một con chim sẻ. Bố, chỉ là một con chim sẻ thôi!”
Rồi anh ta chỉ tay vào con chim, đánh vần từng chữ một cho bố nghe rồi quay người lại, cau có nhìn bố.
Ông cụ không nhìn con trai, vẫn thong thả bình tĩnh nhìn ra phía con chim sẻ, hỏi như thăm dò: “Đó là gì?”
Câu hỏi của bố lúc này khiến anh con trai nổi cáu, nói lớn: “Rốt cuộc bố muốn gì vậy? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con chim sẻ, lẽ nào bố nghe không hiểu gì sao?”
Người cha lẳng lặng đứng lên và đi vào trong nhà…
… mang ra một cuốn nhật ký nhỏ, nhẹ nhàng lật từng trang và đưa cho người con đọc: ”Ngày… tháng… hai cha con đi chơi trong công viên, lúc ấy con 4 tuổi, lần đầu tiên con nhìn thấy chim sẻ và con đã hỏi: ‘Ba ơi, con gì thế?’, ba đã trả lời cho con rằng: ‘Đó là một con chim sẻ, con yêu ạ’.
Hôm ấy, vì không nhớ tên con chim mà con đã hỏi ba tổng cộng 21 lần, 21 lần ba đều nhẹ nhàng trả lời câu hỏi của con… Mỗi lần trả lời, ba lại ôm đứa con ngây thơ, bé bỏng vào lòng và cười hạnh phúc…”
Đọc xong người con òa khóc và ôm lấy ba: “Ba ơi, con xin lỗi… con xin lỗi…”

Có lẽ, người cha già không hề lú lẫn, chỉ là nhìn con chim sẻ, ông hồi tưởng lại sự thân mật gần gũi giữa hai bố con trước đây nên cố ý hỏi con vậy thôi. Nhưng sự ấm áp trong qua khứ đã trở thành ký ức xa vời.

SƯU TẦM



BÀ & CHIẾC ÁO
Bà nội năm nay đã tám mươi tuổi. Con trai lập gia đình và đưa vợ con lên thành phố sinh sống. Nhiều lần con trai ngỏ ý đón bà lên ở cùng. Nhưng từ lâu bà đã quen với tình cảm xóm giềng cùng lũy tre làng, ngửi quen mùi thơm của lúa rạ. Và bà quyết định ở lại.
Tuy đã yếu nhưng đến ngày sinh nhật cháu gái bà vẫn cố gắng thu xếp lên thành phố. Bà qua tận làng bên nhờ người làm cho một mẻ kẹo lạc mới, cẩn thận chọn những chùm nhãn mọng nhất. Thậm chí bà còn tự mình ra chợ mua nào kim, nào chỉ về lụm cụm khâu cho cháu bộ quần áo làm quà sinh nhật.
Gần trăm cây số mới ra được nhà con cháu. Bà vẫn vui vẻ và không một chút mệt mỏi, pha61n khởi lôi bộ quần áo ra đưa tặng cháu.
“Giời ôi, xanh xanh đỏ đỏ, chắc cả chợ trong thành phố không kiếm đâu được cái thứ hai”, cô cháu gái cầm bộ quần áo thờ ơ quẳng lên ghế và cố nghĩ cách xử lý thế nào với nó.
Bỗng mẹ ngoài ban công hét lớn: “Máy giặt rò nước rồi, không ai ra đây nhé”.
Con bé nghe vậy, liền cầm bộ quần áo chạy ra làm giẻ thấm nước.
Trong nhà bà vẫn đang vui vẻ xem tivi , không biết sự tình. Một lát sau, bà ra ngoài ban công thì phát hiện bộ quần áo nhàu nát ướt bẩn dưới nền. Bà đã đứng ngoài đó rất lâu. Bà tự mình nhặt lên rồi giặt sạch, phơi lên dây.
Bà chậm chạp vào nhà, đôi mắt đỏ hoe, run run nói với cô cháu: “Bà xin lỗi. Bà sẽ bù cho cháu một món quà sinh nhật khác. Nó đúng là không hợp với cháu”.
“Vâng bà ạ. Trông nó thật quê mùa”, đứa bé nhẹ nhàng đáp.
Bố nghe và hiểu được chuyện gì vừa xảy ra. Sắc mặt thay đổi, anh quay ra nhìn đứa con và không nói một lời nào.
Ngày hôm sau, bà mặc “bộ quần áo" đó lên người. Nhìn là biết nó quá nhỏ so với kích cỡ của bà, nhưng bà vẫn cố chịu. Ở được hai ngày, bà lí do sợ đàn lợn ở nhà đói nên tự bắt xe về quê.
.........
Không lâu sau đến sinh nhật bố. Hai mẹ con vui mừng đem quà ra tặng. Con bé tặng bố một cái mũ len, mẹ thì mua tặng bố một chiếc cà vạt.
Bố nhận quà, không cười, cầm đồ ném vào thùng rác: “Đồ gì mà xấu vậy. Đem bỏ vào thùng rác thôi. Bố không dùng được”.
Con bé bất ngờ, tím mặt cãi lại: “Bố làm vậy là không tôn trọng người khác”.
“Con cũng biết như vậy khó chịu sao. Vậy mà con đã làm như thế với bà đấy. Bà cả năm cả tháng ăn không dám ăn, không dám mua quần áo mới, chiếc dra giường chắc cũng dùng đến chục năm rồi. Bà đã già nhưng biết sinh nhật con bà vẫn cố gắng đi xe lên nhà mình. Bà đâu có nhìn rõ nữa, nhưng bà vẫn cố làm cho con chiếc áo. Tình yêu thương của bà bị con biến thành giẻ vụn rồi. Con có biết không”.
Thời gian sau, hai mẹ con về quê. Thấy con cháu về thăm bà rất vui. Lưng còng nhưng vẫn thoắt thoắt ra vườn hái nắm rau lang để nấu canh tối. Trong bữa cơm, con bé run run ôm tay bà nói : "Bà không giận cháu chứ ạ. Cháu sai rồi. Chuyện… bộ áo quần".
Bà đặt bát cơm xuống và cười giòn tan: “Chuyện đó hả, là bà không đành cho cháu cái áo đó nên mới cầm về mặc đấy. Ăn cơm. Ăn cơm”

SƯU TẦM



CÂN BẰNG CUỘC SỐNG

"Bố đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi vượt qua hết các nỗi sợ để sống cùng các con và điều chắc chắn ngày tới đây bố sẽ không ở lại được nữa. Các con hãy tiếp tục thay bố yêu thương mẹ của các con như bà ấy đã từng yêu thương bố và các con".
Năm năm nay, từ khi ông bị bệnh, dường như tuần nào ông cũng dặn các con ông điều đó. Dù cuộc sống đếm bằng ngày, ông vẫn luôn nghĩ cho người phụ nữ đã dành trọn cả cuộc đời cho bố con ông.
Tôi gọi ông là một người cha đặc biệt, đúng hơn là một người đàn ông đặc biệt. Cả một đời thanh liêm làm gương cho con cái, trung thực để dạy con sự trung thực, nhân hậu để truyền cho con tấm lòng nhân hậu, nghiêm khắc để con noi theo sự nghiêm khắc, chung thuỷ để cho con hiểu bài học về sự hạnh phúc.
Và bây giờ, ông phải mạnh mẽ gấp nhiều lần, để chứng minh cho con mình thấy sự mạnh mẽ nó kỳ diệu đến thế nào.
Ông bị ung thư gan, căn bệnh mà nếu xét theo những gì đang diễn ra bên ngoài, thì hiếm có người bệnh nào có thể sống sót qua 1 năm. Thông thường là 4-6 tháng. Và kéo theo là một không khí buồn nản, u uất trùm kín cả người bị bệnh lẫn gia đình người bệnh. Đấy là chưa kể đến những khánh kiệt tiền bạc trong cái điều kiện chúng ta hiện nay.
Ông biết trước những điều đó, và chuẩn bị cho mình một kế hoạch sống trước khi qua đời.
1/ Không đến bệnh viện chữa bệnh.
Ông nói với các con: Ngay bản thân bố, đến bệnh viện nhìn cảnh nằm chồng đống, tất cả mọi người xung quanh đều xanh xao vàng vọt, có khi không chết vì bệnh mà chết vì tâm lý. Các con hãy nhớ với người bị ung thư, tâm lý không ổn là thứ làm người ta chết nhanh nhất.
Một lý do khác ông đưa ra: Các con cứ nghĩ xem, đằng nào cũng chết, tốn bao nhiêu tiền thuốc, phải nhìn bao nhiêu bất công diễn ra... tự dưng những ngày cuối đời mua thêm buồn bực đâu đáng.
2/ Ăn chay.
Ông theo đạo Phật, tháng ăn chay 2 ngày. Từ khi bị bệnh ông chuyển hẳn sang ăn chay trường bằng chế độ gạo lứt muối mè. Vợ ông cũng ăn chay cùng ông, hai ông bà ăn chế độ riêng còn các con cháu vẫn ăn mặn.
3/ Tập thể dục nhiều.
Ông dành thời gian cho khí công và một số môn thể dục nhẹ. Thế nên những năm đầu ít ai hình dung được ông là một bệnh nhân mang căn bệnh nan y trong người bởi vì dáng vẻ bề ngoài khá linh hoạt của ông.
4/ Kết nối con cháu với họ hàng thân thích.
Ông cho con cháu biết họ hàng của mình gồm những ai, họ đang ở đâu, làm gì. Ông đã làm sợi dây kết nối để anh em họ hàng gắn chặt với nhau hơn. Ông cũng dạy con cháu các nghi thức kính lễ tổ tiên và hướng thiện cho con cháu những ý thức nguồn cội và sống an nhiên theo tinh thần đạo Phật.
5/ Vui sống với con cháu và đặc biệt là với người phụ nữ của cuộc đời ông.
Con cháu lúc nào cũng thấy ông vui, xem ti vi, nghe nhạc, xem bóng đá. Những ngày nghỉ, ông vẫn thăm các cháu nội ngoại của mình và chơi với cháu như những người bạn.
Mỗi ngày, người ta thường thấy hai ông bà cụ dắt nhau đi dạo. Người phụ nữ ấy mang theo chai nước, họ đi bộ rất nhiều. Họ qua những cánh đồng. Họ đến những con sông. Họ ngồi thật lâu trước sân đình hoặc cùng nhau đến ngôi chùa làng gần đấy. Gặp ai họ cũng cười thân thiện và thăm hỏi mọi người. Họ đã dành cho nhau hết tất cả thời gian mà mấy chục năm đi qua, vì cuộc sống mưu sinh họ đã không dành cho nhau trọn vẹn đến như thế.
Và bạn biết đấy, ông là bệnh nhân ung thư gan sống vui qua năm thứ 5 rồi. Chẳng bao giờ con cháu thấy ông nhăn nhó vì những cơn đau. Chính cách sống mà ông chọn, sự an nhiên mà ông có, đã khiến cho cuộc sống của tất cả con cháu không có gì xáo trộn và ngược lại, họ cũng nhận được rất nhiều bài học từ phía cha mình.
Hạnh phúc là cái gì? Đó là cảm giác đến từ trái tim, chứ không phải nhận định của người khác. Hạnh phúc và bi ai thực sự, chỉ có bản thân mới hiểu, định nghĩa của hạnh phúc của mỗi người đâu có giống nhau. Xe sang, nhà đẹp, nhiều tiền là hạnh phúc ư? Nhà mái đơn sơ, vườn rau xanh ngát, hoàng hôn yên bình, mỉm cười nhìn người thương, ai có thể nói đó không phải hạnh phúc và vui vẻ đời người? Tới cuối cùng mới hiểu, hóa ra hạnh phúc là một loại cảm giác, bạn cảm thấy mình có được tức là bạn đã có được.
Hạnh phúc giống như một chai nước suối. Lần đầu tiên uống nó, bạn chẳng có cảm giác gì, chỉ thấy nó cũng giống như những thứ khác. Nhưng khi bạn đã nếm qua mọi đắng cay mặn ngọt, uống được một ngụm nước suối mát, bạn sẽ cảm khái, "À, hóa ra đây là cảm giác hạnh phúc!".
Tuổi trẻ, đó là hạnh phúc, có được những ngày mai vô hạn và hy vọng mạnh mẽ.
Tuổi già, đó cũng là hạnh phúc, có những trải đời phong phú cùng những kỉ niệm để nhớ lại.

SƯU TẦM

Không có nhận xét nào: