a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

TẤM ẢNH XƯA NHẤT CỦA NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SAIGON



“Nhà thờ Đức Bà” Sài Gòn được bắt đầu xây dựng năm 1877 và hoàn tất năm 1880. Hình được chụp năm 1880 tức là ngay khi nhà thờ được xây xong.Ngày 07/10/1877. Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên. Ngày lễ Phục sinh, 11/04/1880, nhà thờ được khánh thành và cung hiến, với sự hiên diện của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers.
Tên của kiến trúc sư Jules Bourard được khắc trên một bảng đá đặt bên trong nhà thờ.
Tất cả vật liệu xây cất đều được nhập từ Pháp. Vách bên ngoài nhà thờ xây bằng gạch đỏ xuất xứ từ thành phố Toulouse. Nhà thờ xây theo phong cách Roman hòa trộn với phong cách gothique, và phỏng theo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng thấp và nhỏ hơn.
Lúc ban đầu hai tháp chuông không có hai nóc mũi nhọn bên trên, giống như nhà thờ Đức Bà Paris. Năm 1895, hai tháp nhọn mới được gắn thêm, bên trên còn có hai thánh giá cao 3,5 m, rộng 2 m, khiến cho chiều cao tổng cộng của nhà thờ lên đến 60,5 m.
Tên gọi ban đầu là "Nhà thờ Sài Gòn" (L' Église de Saïgon), tên “Nhà thờ Đức Bà” được dùng từ năm 1959.
Năm 1960 Toà thánh Vatican nâng các giáo phận ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn lên hàng Tổng giáo phận; nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Sài Gòn.
Năm 1962, nhà thờ được Toà Thánh phong danh hiệu “VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG” .

Sưu tầm & tổng hợp



PHỐ CỦA  THÀNH PHỐ

Bài viết này của nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng lần đầu trên báo Nhân Loại năm 1957, sau đó được in trong tập truyện Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, xuất bản năm 1966. Đây là một tản văn thú vị về tên đường phố Sài Gòn thời điểm đó, xin mạn phép đăng lại để mọi người cùng nhớ và góp chuyện cho vui.
Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đàn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.
Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.
Vậy nên tôi đã đi khắp Sài Gòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.
Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.
Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.
Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.
Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định..
Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.
Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.
Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.
Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.
Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.
Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sài Gòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!
Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.
Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẵn chòi.
Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sài Gòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Nguyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.
Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.
Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy. Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.
Sài Gòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành. Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.
Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được sử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bán hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.
Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.
Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.
Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chân suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu: gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.
Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.


Bình Nguyên Lộc



MỘT BỨC TRANH - MỘT BÀI THƠ & TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Bức tranh dưới đây có tên “Lại điểm 2” của họa sĩ kiêm nhà sư phạm nổi tiếng người Nga: Fyodor Pavlovich Reshiotnikov, vẽ năm 1952, hiện được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga, bức tranh còn được đưa vào sách giáo khoa hiện nay của nước này. Một đứa bé bị điểm 2 (điểm kém nhất) về nhà như bị đưa ra phán xét: Chị của nó, một đội viên thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ nhìn nó như rủa sả. Mẹ nó ngồi buồn rầu thất vọng về con. Em nó nép vào mẹ vô tư cười nhìn nó như một kẻ xa lạ. Nó thì đau buồn tuyệt vọng. Chỉ có con chó là chồm lên ngực nó vui mừng.
Bức tranh là lời cảnh báo: Điểm số ở trường chưa nói được đứa trẻ là giỏi hay kém, nhưng thái độ của gia đình đối với điểm số đó có thể đưa em vào hoang tưởng hay đẩy em xuống tuyệt vọng. Và ta hiểu vì sao trẻ con gắn bó với những con chó hơn là người lớn chúng ta gắn bó.
Ở một phương trời khác, hơn 1000 năm trước, thi hào Bạch Cư Dị viết một bài thơ tương tự, nhưng ở tầm “người lớn”:
LẠC ĐỆ
Lạc đệ viễn qui lai
Thê tử sắc bất hỷ
Hoàng khuyển độc hữu tình
Đương môn ngọa dao vỹ
(Bạch Cư Dị)
THI HỎNG
Thi hỏng về đến nơi
Vợ con mặt không vui
Chó vàng riêng có tình
Giữa cửa nằm vẫy đuôi
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Thật là thú vị khi thấy hai con người vĩ đại ở vào hai thời đại cách xa nhau cùng mượn con chó để nói về một triết lý giáo dục làm người. Thứ triết lý không thể nói hết bằng lời nên hai ông phải nói bằng một bức tranh và một bài thơ. Bình luận thêm có lẽ sẽ thừa...

Sưu tầm





Không có nhận xét nào: