a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

MÙA THU VÀNG HOA CÚC




HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN HẦU: NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA- VĂN HỌC MIỀN NAM





Học giả Nguyễn Văn Hầu được sinh ra trong một gia đình Nho học, thông thạo chữ Hán và chữ Pháp. Mặc dù dạy học là chính nhưng ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa-văn học miền Nam. Ông đã xuất bản hơn 20 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị được giới học thuật đánh giá cao.
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu sinh năm 1922 tại xã Bình Phước Xuân, Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1952, dạy học tại An Giang. Ngoài giờ dạy học, ông chú tâm nghiên cứu văn hóa và văn học miền Nam. Ông cộng tác với nhiều báo, tạp chí ở Sài Gòn được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Năm 1971, ông được mời giảng dạy môn văn học tại Viện Đại học Hòa Hảo -An Giang. Ông là một trong những tác giả nghiên cứu có uy tín trong giới học thuật nước nhà.
Là một nhà nghiên cứu văn hóa- văn học miền Nam,tác giả của nhiều sách biên khảo giá trị như: “Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa” (NXB Tân Sanh- Sài Gòn 1959) “Việt Nam tam giáo sử đại cương” NXB Phạm Văn Tươi- Sài Gòn 1959) , “Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh” (Tủ sách Nguyễn Hiến Lê- Sài Gòn 1970), “Thất Sơn mầu nhiệm” NXB Liêm Chính- Sài Gòn 1955), “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” (NXB Nam Cường – Sai Gòn 1973)…
Cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” tài liệu rất dồi dào được nhà biên khảo đầu tư công phu. Trước đó chưa có công trình nào đồ sộ như vậy về nhân vật Thoại Ngọc Hầu, một con người gắn bó mật thiết với người dân An Giang để lại cho người dân địa phương nhiều công trình quan trọng. Học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhận định về nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trên tạp chí Bách Khoa qua bài “Người có công với lịch sử miền Hậu Giang” như sau: “Trong 20 năm nay, người có công nhất với lịch sử miền Hậu Giang là giáo sư Nguyễn Văn Hầu. Năm nay ông lại công bố cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” mà ông mất công khảo cứu tìm kiếm trong sách báo và nhất là tại chỗ trong thời gian dài mới xong. Tài liệu rất dồi dào hơn hẳn mấy cuốn trước, lối suy diễn thận trọng, cách ghi chép rành rọt kỹ càng. Những chương "Đào Thoại Hà", "Đào Vĩnh Tế Hà"", Khai cương thác địa" viết công phu, đọc hứng thú, người sau khó mà viết hơn ông được.” . Khi cuốn này ra đời, lúc ấy dư luận cũng khá xôn xao vì nhà biên khảo có nêu lên chi tiết dân phu đào kênh Vĩnh Tế chết rất nhiều do khí hậu khắc nghiệt, một số lại từ ý rời bỏ công trình. Một số dư luận không đồng tình vì cho rằng đó là chuyện “nhạy cảm’ không thấy chính sử ghi lại. Nhưng thái độ làm việc của Nguyễn Văn Hầu rất đáng khâm phục, ông có đầy đủ chứng cứ sau khi kết luận một vấn đề nào chứ không vội vàng. Thật sự, việc đào kênh Vĩnh Tế là một thành công lớn, nhưng phía sau việc này có nhiều chuyện hết sức đau buồn của những dân phu thậm chí phải đổi lấy máu xương mà những người cầm quyền thời đó muốn phớt lờ không dám nhắc!
Sau 1975, các tác phẩm của ông tiếp tục được xuất bản và tái bản để phục vụ việc nghiên cứu, học tập. Các tác phẩm của ông được đánh giá trân trọng. Tháng 3/2012, NXB Trẻ lần đầu tiên giới thiệu đến bạn đọc bộ sách khảo cứu “Văn Học miền Nam Lục Tỉnh”. Đây là công trình không thể thiếu đối với giới nghiên cứu và bạn đọc muốn hiểu sâu về văn hoá, văn học miền Nam. Bộ sách này được ông thực hiện đầy nỗ lực trong thời gian ông lâm bệnh nặng. Trọn bộ gồm ba tập. Bộ “ Văn học miền Nam lục tỉnh” được bắt đầu soạn thảo từ năm 1974. Đây là công trình đồ sộ nhất của ông. Tác giả đã tham khảo trên 400 đầu sách từ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và Quốc ngữ. Trong phạm vi nghiên cứu, vùng đất lục tỉnh gồm 3 tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và 3 tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Miền Nam là vùng đất mới, được khai phá bởi những lưu dân người Việt.Văn học miền Nam có những đặc thù riêng, đầy chất dân dã và mộc mạc. Ông đã khái quát các loại hình dân gian miền Nam để người đọc không những để hiểu mà còn để mến. Đó là thái độ đáng trân trọng, xuất phát từ tấm lòng của một nhà văn hóa đối với quê hương, đất nước. "Từ bước đầu trong văn học nói, biểu hiện những ý chí và tình cảm trong cảnh ly hương, những đấu tranh cam go dai dẳng trên đường khai phá và những sáng tạo mới để đáp ứng nhu cầu” (chương 3 – tập 1)
Nhà văn Sơn Nam đã dành cho ông nhiều tình cảm đặc biệt nhờ cách làm việc khoa học: “Sách báo tham khảo khan hiếm, bạn bè chuyên khảo gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng anh đã cố công góp nhặt với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm. Ông là một học giả có nhiều đóng góp lớn với lịch sử phát triển miền Hậu Giang…”
Nguyễn Văn Hầu là nhà văn có nhiều đóng góp chuyên sâu về nghiên cứu văn học và lịch sử miền Nam . Ông mất ngày 12/3/1995, để lại trên 20 tác phẩm về nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, tôn giáo, du ký. Trong đó có nhiều tác phẩm giá trị được tái bản nhiều lần.

Tuấn Ba



MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ!
Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời!
Phải nói là bái phục bài thơ kỳ lạ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học (Đinh Trọng Hiếu) từ Paris đăng trên Khuôn Mặt Văn Nghệ.
Bây giờ, chúng ta hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của bài thơ này :
1* Bài thơ gốc :
Ta mến cảnh Xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương Xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười
2* Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc Xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh Xuân cảnh mến ta
3* Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược về bên trái từ dưới lên trên :
( Sẽ là 1 bài thơ ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng)
Cảnh Xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương Xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười
4* Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược từ dưới lên trên:
(sẽ là 1 bài thơ ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng. )
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc Xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh Xuân cảnh mến ta
5* Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc :
Ta mến cảnh Xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương Xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai
6* Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc Xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh Xuân
7* Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc :
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười
8* Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Thật là kỳ diệu !!
Đến nay, vẫn chưa tìm ra tác giả bài thơ này là ai!? nhưng có lẽ đây là một tuyệt tác mà khi đọc xong chúng ta vô cùng khâm phục sự tinh tế và cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả.
Ta lại càng thêm yêu quý trân trọng để giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà, vẫn có người còn bày ra những thứ cải tiến (cải lùi ) nhảm nhí, nó không mang lại lợi ích gì về mặt tinh thần mà chỉ cốt muốn phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt chính là cái hồn của dân tộc Việt là di sản văn hóa được bao đời tổ tiên ta gìn giữ để lại cho con cháu chúng ta đến muôn đời. 

HoàngTran Sưu Tầm

Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc!” – câu chuyện xúc động về tình gìa.

“Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình”.



Ông cụ quay sang nhìn người bạn già đi bên cạnh mình, ông mỉm cười:
– Bà này, mỗi buổi sáng, dậy sớm, đi tập thể dục, nghe chim hót, ngắm mặt trời lên, có bà bên cạnh, với tôi cứ như là đã chờ đợi từ lâu lắm rồi.
– Thì ông công tác xa, lại được giữ lại làm cố vấn, tôi ở xa ông cũng quen rồi. Có khi bây giờ ông về, tôi lại chưa quen ấy chứ!
– Cái bà này, tôi kể cả là ở xa, nhưng khi ở bên bà, tôi có thấy lạ gì đâu? Tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lắm.
– Thì giờ già rồi, chỉ mong thanh thản thôi.
Ngày nào họ cũng cùng nhau đi như thế, dưới con mắt ngưỡng mộ của cả người trẻ và người già. Người trẻ nhìn ông bà mà ước: “Ước gì già mình cũng được như thế!”. Người già thì ghen tị vì có người còn có người bạn đồng hành, có người thì không. Nhưng nhiều khi già rồi, lại trái tính, trái nết, mấy ai mà được tình cảm như hai ông bà. Tình già vẫn còn vương, nhất là cụ ông, cũng xấp xỉ bảy mươi tuổi nhưng vẫn phong độ, nhanh nhẹn lắm. Đúng là quân nhân có khác, được rèn luyện qua gian khổ nên mới được như vậy. Cụ bà có vẻ yếu đuối hơn, lưng bà cũng đã không còn thẳng nữa, nhưng khuôn mặt phúc hậu khi nào cũng lấp lánh ánh cười.

Ông kéo ghế cho bà ngồi xuống bên cạnh, còn mình thì ngồi chiếc ghế gỗ nhỏ. Ông chăm chú nhìn nồi cháo đang sôi, thỉnh thoảng lại lấy muôi khuấy cho cháo đỡ bị dính dưới đáy nồi. Bà bảo để bà làm cho, nhưng ông nhất định không chịu, ông cười:
– Bao nhiêu năm, chỉ toàn bà nấu cháo cho các con tôi, cho bố mẹ tôi, bây giờ, tôi có nấu cho bà ăn tới hết đời cũng chưa thỏa lòng mà!
Bà nhìn ông, đôi mắt nâu đã nhạt màu vì thời gian ngân ngấn nước, mấy sợi tóc bạc trắng của bà phất phơ trước mặt. Bà vén mấy sợ tóc cho gọn rồi nhìn ông:
– Thứ tôi nuối tiếc duy nhất là khi còn trẻ chúng ta không được sống gần nhau. Ông là một người đàn ông dịu dàng. Nhưng bây giờ, ông về rồi. Với tôi thế là đủ!
Ông nhìn bà, ánh mắt lấp lánh niềm vui và ngập tràn yêu mến. Đúng là khi già, người ta mới cần người làm bầu làm bạn, có người sớm tối bên nhau, câu chuyện câu trò thì cùng nhau ăn bát cháo trắng cũng ấm lòng biết mấy.
Bà nhìn giàn mướp trổ đầy hoa vàng, những con ong mật từ đâu kéo về bay vo vo trước hiên nhà. Ánh nắng buổi sáng chưa gắt, chút gió mát thổi lại khiến không khí thoáng dịu vô cùng. Bà nhắc ông:
– Thằng cả nó bảo hôm nay nó cũng nghỉ phép đưa cả vợ con nó về đấy. Ông tính mua cái gì về làm cơm bây giờ?
– Ôi dào, bà kệ chúng nó, nó về khắc biết mua gì mà ăn. Bà chăm nó mấy chục năm, phải để nó chăm lại bà chứ?
– Nhưng mà chúng nó về đây, biết cái gì mà mua.
Ông nhìn bà, ánh mắt cười vẫn không đổi.
– Thì mua được cái gì, ăn cái đó!
Bà cũng cười nhìn ông:
– Vậy thì nghe ông!
Ông bưng hai bát cháo để lên chiếc bàn nhỏ ở góc sân, hai ông bà ngồi ăn cháo và nói chuyện gì đó rất vui, khiến bà cứ nhìn ông rồi tủm tỉm cười hoài. Những nếp nhăn trên mặt cứ xô vào rồi lại giãn ra, như dấu bước của thời gian, cứ im lìm, lặng lẽ nhưng không thể xóa nhòa.
***
Khi còn trẻ, hai ông bà cùng mệnh Kim nên người ta nói, ở với nhau rất hay va chạm. Bà là người phụ nữ thông minh, lại chịu thương chịu khó, nhưng cũng khá bướng bỉnh, nên khi nào ông cũng là người nhường nhịn bà. Ông cười:
– Thua ai mới sợ, chứ thua vợ là đương nhiên! Này nhé: Tôi làm sao mà đẻ được hai đứa con vừa ngoan ngoãn như bà, làm sao mà một lúc chăm cả bốn đứa trẻ (ý ông nói là cả bố mẹ chồng, các cụ xưa chả có câu: “Một già, một trẻ bằng nhau” mà). Bà lại còn biết sửa điện, biết tháo lắp các đồ điện trong nhà bị hỏng. Bà biết nấu những món ăn ngon mà chỉ về nhà, tôi mới được ăn. Nói chung là vì bà vĩ đại như thế nên tôi thua là cái chắc.
Có lẽ suốt cuộc đời bà, chưa khi nào phải cãi nhau với ông, vì ông lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng bà.
Trong thâm tâm bà cũng vậy, khi còn trẻ, lấy ông vì yêu ông, và cho tới tận bây giờ, tình cảm đó vẫn không thay đổi. Ngày ấy trẻ, những lần ông về, khi nào hai ông bà cũng nằm tâm sự tới khuya, có lần bà ôm ông nói:
– Sau này chúng mình già, anh không được chết trước em, em không muốn sống cô đơn một mình. Em đã sống cô đơn một mình nhiều rồi, nay mai anh về, em không muốn mình lại phải một lần nữa sống như thế. Vì vậy, nhất định anh phải sống lâu hơn em đấy! Em sẽ rất sợ nếu một sáng nào đó em tỉnh dậy và chỉ còn lại một mình. Em sẽ khóc đến hết nước mắt! Em không muốn sống cô đơn không có anh lần hai. Anh nhớ nhé!
Từ đó, bà thấy ông ít uống rượu hơn, nghe nói, ông còn bỏ cả thuốc lá mặc dù ông nghiện nặng. Không phải vì ông muốn sống lâu hơn bà, mà vì ông muốn, khi về già, ông phải khỏe mạnh hơn bà để có thể chăm sóc bà, và cũng có thể, để sống bên bà tới cùng thì thôi. Ông cũng sợ phải sống một mình, nhưng ông sợ bà phải sống một mình hơn. Nhưng nỗi niềm ấy, ông không nói cho bà biết. Đàn ông thường là thế. Yêu ai yêu hơn cả tính mạng của mình, nhưng vẫn cứ lặng lẽ mình mình biết, mình mình hay.
***
Từ ngày có ông về nhà, bà vui vẻ lên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn, bệnh huyết áp thấp của bà cũng đỡ nhiều. Sáng nào ông cũng dậy sớm hơn, đánh thức bà và họ lại nắm tay nhau đi tập thể dục. Vậy mà đột nhiên mấy hôm nay, khi nào bà tỉnh dậy cũng chỉ thấy có một mình trên giường, ông thức từ khi nào? Ông đã đi tập thể dục một mình sao? Bà thầm nghĩ: “Cái ông này, làm gì cũng được vài bữa”. Thật ra, cái “vài bữa” bà nói ấy cũng đã hơn ba năm rồi.
Bà dậy, mặc thêm cái áo len, trời sang thu nên buổi sáng hơi lạnh. Bà thấy ông từ đằng xa, tay xách túi đồ ăn sáng, khuôn mặt có vẻ đăm chiêu, nhưng vừa nhìn thấy bà, ông lại mỉm cười ngay được. Bà nhìn ông, người đàn ông cao lớn, đẹp trai ngày nào, rồi cũng thành một ông già, thời gian trôi cứ ngỡ mới là hôm qua. Thời gian cũng thật khắc nghiệt với con người và với cả tình yêu.
Thấy vẻ mặt suy tư của bà, ông cười:
– Bà lại đang nghĩ gì thế?
– Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu?
– Tôi đi mua bánh khúc của bà Dần đấy. Món này bà thích nhất mà. Bà ấy làm bánh khúc cũng ba, bốn chục năm rồi ấy nhỉ?
– Bánh khúc của bà ấy thì chẳng ai làm ngon được bằng ông ạ. Từ ngày hai đứa con nhà mình mới hai, ba tuổi đã ăn bánh của bà ấy rồi. Mà ăn bánh khúc của bà ấy rồi thì đi ăn ở đâu cũng không thấy ngon nữa.
– Nhưng vừa rồi bà ấy bảo, bà ấy bán nốt tuần này thôi. Bà ấy thấy mệt rồi.
Bà thở dài, nhìn ông:
– Thì chúng ta già cả rồi mà. Mà sao dạo này không thấy ông đánh thức tôi dậy cùng thế?
Ông nhìn xa xa, rồi quay lại nhìn bà, ánh mắt vẫn âu yếm như thế:
– Tôi thấy bà ngủ ngon quá, nên không đánh thức bà dậy.
– Lần sau, ông cứ đánh thức tôi dậy đi cùng ông!
Ông biết tâm tình của bà. Ông đưa tay nắm lấy tay bà, bảo:
– Thôi, tôi với bà về ăn bánh khúc nào!
Nhưng rồi tất cả những buổi sáng sau nữa, ông vẫn không đánh thức bà. Khi nào tỉnh dậy trên giường, bà cũng chỉ thấy có một mình. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau vài buổi sáng, bà biết, ông không đi đâu xa, ông chỉ đang ngồi ở ngoài sân hoặc lại đi mua đồ ăn sáng, nên bà vẫn thấy an lòng. Bà chỉ thấy thắc mắc, dạo này nhiều lúc vắng bà, ông lại trầm ngâm đến lạ. Có lần bà về rồi, nhưng ông không biết, khuôn mặt ông nặng trĩu suy tư. Chợt bà thấy lòng mình có chút bất an.
***
Ông đang ngồi nấu cháo bên chiếc bếp than nhỏ quen thuộc ở góc sân, nhưng nồi cháo đã trào cả ra ngoài mà ông không biết. Bà cầm chiếc áo khoác lên người ông rồi mở vung nồi cháo cho đỡ trào. Giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:
– Buổi sáng cuối thu rồi, trời sắp chuyển lạnh đấy ông ạ. Mà dạo này, tôi thấy ông gầy đi!
Ông đưa mắt nhìn bà, miệng nở một nụ cười:
– Bà yên tâm, tôi ốm sao được!
– Nhưng dạo này, tôi thấy ông cứ suy nghĩ đi đâu ấy!
– Tôi thì nghĩ đi đâu được ngoài bà.
***
Mấy tháng sau, người ta không còn thấy hình ảnh hai vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo nữa. Mà chỉ thấy có một mình bà cụ đi vào mỗi buổi sáng. Khuôn mặt bà không còn rạng rỡ như ngày nào. Đôi mắt dường như mờ đục hơn, như được phủ mờ bởi một lớp sương mỏng. Bà đi quanh một vòng rồi lặng lẽ về nhà, nấu cháo, múc hai bát và đặt trên bàn. Bà ăn cháo và ánh mắt bà lại lấp lánh ánh cười.
Một năm sau, đúng ngày ông mất, bà cũng ra đi. Khi con gái dọn dẹp đồ đạc của cha mẹ mới phát hiện ra lá thư của ông viết cho bà, nét chữ run run, nhòe ướt, không biết vì nước mắt của ông khi viết hay của bà mỗi khi đọc, cô chỉ thấy những nếp gấp gần như bị rách ra:
Mình à!
Tôi muốn được sống lâu hơn mình để có thể nấu cháo cho mình ăn mỗi sáng, đánh thức mình dậy mỗi sáng và để mình không phải sống cô đơn một mình những năm tuổi già. Khi trẻ, tôi đã để mình sống cô đơn như vậy. Tôi muốn bù đắp lại cho mình.
Những ngày tháng này là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Khi được sống bên mình, được chăm sóc cho mình để bù đắp những tháng ngày tôi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng. Nhưng ông trời không chiều lòng người rồi.
Tôi biết, nếu đột ngột một sáng nào đó mình tỉnh dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi đâu. Nên khi tôi biết tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết tôi sẽ chẳng sống được lâu nữa. Tôi đã hết sức lo lắng bởi tôi lại thất hứa với mình rồi. Sáng nào tôi cũng tỉnh giấc trước mình và để mình lại đó. Tôi muốn mình quen cảm giác ấy đi. Để sau này khi tôi đi rồi, mình không quá hụt hẫng. Không biết mình đã quen chưa, nhưng dù sao, khi thức dậy một sáng nào đó, không có tôi bên cạnh, mình cũng đừng khóc đấy!
Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình.
Tôi vẫn chưa nói câu này với mình: Tôi yêu mình!.
Bức thư trên tay cô gái chữ đã nhòe gần như không đọc được nữa. Lau nước mắt, cô gái lặng lẽ đặt bức thư của bố dưới bức ảnh của mẹ trên bàn thờ. Dù không thể cùng đi với ông, nhưng cuối cùng bà cũng đã thỏa nguyện được về gần ông. Cô gái thấy tự hào về bản thân mình, vì cô được sinh ra từ chính tình yêu sâu đậm, đẹp đẽ của cha mẹ mình. Và cô tin, ở một nơi nào đó, chắc hẳn, bố cô lại sáng sáng đánh thức mẹ dậy, hai người cùng nhau thong dong đi tập thể dục mỗi sáng, trong ánh mắt mờ đục vì thời gian của họ, hạnh phúc vẫn cứ hiện lên rạng ngời hơn cả ánh bình minh !
Sưu Tầm

VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CƠ THỂ

1. Hai mắt được đặt ở phía trước là để chúng ta nhìn và hướng về phía trước, thay vì đằng sau.
2. Hai tai được đặt ở hai bên là để chúng ta lắng nghe cả hai phía, bạn và thù, thân và lạ, ta và người.
3. Một miệng và hai tai là để chúng ta lắng nghe nhiều hơn và nói ít thôi.
4. Bộ óc được cất giữ cẩn thận và bảo vệ trong hộp sọ: điều quý nhất thuộc về nhận thức và trí tuệ bên trong, chứ không phải tài sản bên ngoài.
5. Trái tim được đặt trong lồng ngực: tình yêu xuất phát và được lưu giữ sâu thẳm, và cần thiết được cảm nhận; chứ không phải để khoe khoang, phô diễn ra bên ngoài một cách hời hợt.

Sưu Tầm


Một chữ Nhẫn có thể dưỡng thân tâm, hãy học Nhẫn để đời này sung túc
Hà Châu
Đối đãi và giải quyết vấn đề cũng như nhâm nhi một ly trà ngon, cần bình tĩnh và điềm đạm. Nếu người nông dân trong câu chuyện dưới đây kiềm chế được cơn bực tức, có lẽ ấm trà quý của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Một người nông dân được tặng một ấm trà quý giá. Ông ta rất nâng niu món quà, vì sợ mất trộm nên đã đặt ấm trà lên trên đầu giường mỗi khi đi ngủ.
Một lần đang ngủ, ông trở mình, quơ tay làm rơi ấm trà xuống giường, còn cái nắp ấm văng xuống đất. Nửa đêm tỉnh dậy chỉ thấy ấm mà chẳng thấy nắp đâu, ông thất vọng vô cùng, buồn rầu nghĩ: “Nắp ấm rơi xuống đã bị vỡ, vậy còn giữ ấm trà này làm gì nữa?”. Thế là ông nhặt ấm trà trên giường, ném nó ra ngoài cửa sổ rồi ngủ thiếp đi.
Sáng ra, ông mới phát hiện, hóa ra nắp ấm vẫn còn nguyên vẹn trên đôi giày bông bên cạnh giường. Người nông dân hối hận: “Ấm trà tím đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua, giờ để lại một cái nắp thì làm gì?”. Tức giận quá, ông đập vỡ luôn cái nắp ấm.
Sau khi ăn sáng, người nông dân vác cái cuốc định đi ra đồng, nhưng khi ông ngước mắt lên, ngạc nhiên làm sao! Cái ấm trà tím đang treo lơ lửng trên cành cây bên ngoài cửa sổ…
***
Trong cuộc sống, một số người vì quá nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc nên đã hành động bồng bột, khiến kết quả trở nên tệ hại và sau đó là hối hận khôn nguôi.
Người xưa có câu: “Nhẫn một lúc gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Đối diện với mất mát to lớn và mâu thuẫn gay gắt, nếu bạn giữ được tâm thái bình hoà, điềm tĩnh thì có lẽ cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Bình tĩnh bao nhiêu thì cuộc đời bạn sẽ bớt hối tiếc bấy nhiêu.
Khoan dung bao nhiêu thì ngày tháng của bạn sẽ rộng dài bấy nhiêu.
Nhẫn là đạm bạc nên có thể dưỡng thân.
Nhẫn là không màng danh lợi nên có thể dưỡng tâm.
Nhẫn là chịu khổ chịu khó nên sẽ sung túc. Người biết nhẫn sẽ bách tà bất xâm.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu mỗi người đều học được cách nhẫn nhịn, thì sẽ loại bỏ được rất nhiều xung đột, không gian sống của chúng ta sẽ trở nên hài hòa tốt đẹp hơn rất nhiều.

VÌ SAO!




Vì sao dù nghèo đói cỡ nào,
Nhật Bản không bao giờ có người ăn xin?
Một điều kỳ lạ khi đến Nhật Bản đó là thật khó có thể gặp một người vô gia cư hay ăn xin nào đang ngửa tay ra xin tiền người qua đường trên phố.
Tại sao vậy?
Một người Việt Nam trong lần đến thăm thành phố Ginza của Nhật Bản đã bắt gặp một cảnh tượng khiến anh vô cùng kinh ngạc.
Anh kể rằng mình đã trông thấy một người đàn ông nhưng không biết có thể gọi là ăn xin hay không.
Ông ấy mặc bộ Kimono màu vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ tươm tất, chân đi giày trắng bóc như vừa mua từ cửa hiệu,
tay cầm chuông, tay còn lại cầm chiếc bát gỗ, đầu đội chiếc nón che gần hết cả khuôn mặt.
Ông ấy đứng im trên vỉa hè,
ai đi ngang cho gì thì cho,
nhưng ông không xin.
Anh thắc mắc đến người hành khất cũng có lòng tự trọng đến nhường này sao?
Ông ấy đứng im trên vỉa hè,
ai đi ngang cho gì thì cho,
nhưng ông không xin.
Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?
Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.
Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách
“trợ cấp nhân sinh”,
có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp.
Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên
(khoảng hơn 22 triệu đồng)
để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.
Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời.
Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.
Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí.
Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.
Người Nhật tâm niệm rằng:
Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.
Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.
Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật
Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật.
Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.
Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé.
Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy.
Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói:
“Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.”
Có thể bạn chưa biết,
tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.
Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp.
Ngay một thời gian sau,
không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình.
Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.
Và một điều kỳ lạ trong hàng tá những kỳ lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức.
Từ chức vì lòng tự trọng.
Ngày 12/7/2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin từ chức vì cho rằng ông đã không đảm nhiệm tốt vai trò của mình sau 1 năm làm Thủ tướng đầy sóng gió.
Trong bất kể một lĩnh vực nào,
dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra,
người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ,
là lỗi của mình.
Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng:
“Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”
Người Nhật rất kiêng kỵ xúc phạm người khác.
Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.
Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?
Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố;
tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực.
Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau.
Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa.
Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời.
Người Nhật hiểu rằng, giữ lòng tự trọng không phải mục đích vì để thể hiện tôi là ai, tôi là người như thế nào với người khác;
mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của chính bản thân mình.
Tự trọng trong văn hóa người Nhật xuất phát từ tâm niệm sống tốt đẹp, dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; luôn cố gắng suy nghĩ và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác.
Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay những ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả.

Hồng Tâm
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

Tới thăm ngôi làng tuyệt đẹp, quê hương chú mèo máy Doraemon huyền thoại


Ngôi làng này xứng danh thiên đường nơi hạ giới, mỗi mùa đều có một vẻ đẹp rất riêng, đi hoài mà không cảm thấy chán. Đây cũng là nơi tác giả Fujiko F. Fujio thai nghén những tập đầu câu chuyện về chú mèo máy Doraemon.




Làng Shirakawago nằm ở chân núi Hakusan, tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản.
Làng Shirakawago nằm ở chân núi Hakusan, tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản. Tất cả những ngôi nhà ở đây đều được xây dựng theo kiểu nhà gỗ truyền thống cổ xưa, với mái dốc lợp cỏ tranh. Mái nhà cũng được thiết kế đặc biệt để chống lại lớp tuyết dày đặc vào mùa đông.
Những dấu vết lâu đời nhất còn sót lại cho tới ngày nay, chứng minh sự tồn tại của con người trong làng Shirakawago có thể có niên đại từ năm 7000 trước Công nguyên đến năm 2300 trước Công nguyên. Do đó, nơi này điển hình cho mô hình ngôi làng mà người Nhật cổ đại sinh sống trước đây.
Tuy nhiên, cái tên Shirakawago không được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử cho đến năm 1176. Ngôi làng trên núi được bao quanh bởi những ngọn đồi, điều này ngụ ý rằng phần lớn diện tích là rừng và nông nghiệp là ngành chính ở đây, với mục đích cung cấp thực phẩm cho người dân địa phương.
Bất chấp những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế và xã hội ở Nhật Bản trong những năm qua, làng Shirakawago vẫn đứng vững một cách thần kỳ. Thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách ghé đến quanh năm. Từ trung tâm Kyoto, du khách chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ để di chuyển đến làng Shirakawago.
Năm 1995, làng Shirakawago được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Nơi này nổi tiếng với những ngôi nhà Gassho-zukuri truyền thống, có tuổi đời hơn 250 năm.
Từ Gassho-zukuri có nghĩa là "xây dựng giống như bàn tay đang cầu nguyện", đây chính là nét những mái nhà đặc trưng nhất của người Nhật cổ đại. Ước tính có 114 ngôi nhà và 600 người hiện vẫn đang sinh sống tại đây. Những ngôi nhà này hiện được trưng dụng làm nhà hàng, bảo tàng, thậm chí du khách có thể ở lại đêm.
Với những vẻ đẹp cổ điển như vậy, có thể dễ dàng hiểu được tại sao khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới ghé đến thưởng ngoạn.
Dù du khách đến đây vào thời điểm nào trong năm, cảnh vật vẫn khiến mọi người lưu luyến không rời. Vào mùa đông, làng Shirakawago chìm trong sắc nâu và trắng.
Mùa xuân thì ngập trong sắc xanh của những cánh đồng lúa, mùa thu với những tán lá xanh đỏ vàng đan xen nhau hay mùa hè nắng vàng rực rỡ trải khắp nơi.
Thế nhưng, nổi bật nhất vẫn là vẻ đẹp khi làng Shirakawago bước vào mùa thu. Lúc này, thời tiết se lạnh, những tán lá đỏ trải dài khắp lối đi. Những ngôi nhà cổ kính in bóng trên mặt hồ trong xanh, khung cảnh thiên nhiên rất ngoạn mục.
Được biết, ngôi làng cổ tích này cũng là nơi “chào đời” chú mèo máy Doremon nổi tiếng của Nhật Bản. Bộ truyện tranh nổi tiếng khắp thế giới, gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ, được tác giả Fujiko lấy cảm hứng và sáng tác tại đây.

Phan Hằng

Choáng với những công trình 'khủng' tốn hơn 500 năm xây dựng

Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, quy mô đồ sộ, trang trí cầu kỳ hay bất cứ yếu tố nào khác đều có thể trở thành lý do khiến nhiều công trình kiến trúc trên thế giới mất nhiều thời gian xây dựng, thậm chí là kéo dài nhiều thế kỷ.
Duomo Milan (Italia)
Nhà thờ lớn tại Milan không chỉ là biểu tượng của thành phố phía Bắc Italia này mà còn được coi là công trình quan trọng nhất của kiến trúc Gothic tại đây.
Theo DW, Duomo Milan bắt đầu được triển khai từ năm 1388. Nhiều kiến trúc sư đã tiếp nhận để xây dựng nhà thờ này qua các thời kỳ. Mãi đến năm 1965, tức là 577 năm sau đó Duomo Milan mới được hoàn thiện.
Nhà thờ bao phủ diện tích gần 12.000 mét vuông, được trang trí với nhiều bức tượng là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt đẹp. 2,245 bức tượng bên ngoài, 96 bức tượng trên gác và 135 bức tượng trên tháp.
Nổi tiếng nhất là bức tượng Madonnina, đây là bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng đồng, được dát bởi 3,900 mảnh vàng lá. Bức tượng được hoàn thành bởi Goldsmith Giuseppe Bini và nhà điêu khắc Giuseppe Perego. Tượng cao 4m, được đặt lên đỉnh ngọn tháp cao nhất và cũng là điểm cao nhất trong thành phố với chiều cao 108.5m.
Sân thượng của nhà thờ cũng là nơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc đậm chất Italia.
Du khách có thể đi bộ hoặc đi thang máy để lên đỉnh của nhà thờ, chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của toàn thành phố Milan.
Tu viện Westminster (Anh)
Nằm tọa lạc trước mặt tòa nhà nghị viện Vương quốc Anh, giữa tháp Big Ben Tower và Victoria Tower, tu viện Westminster có hai tháp chuông nhà thờ cao, hình khối chữ nhật khiến cho người xem nhận thấy đường nét kiến trúc gần giống với nhà thờ Notre-Dame ở Paris
Tu viện Westminster được coi là trái tim và là linh hồn của kiến trúc giáo hội nước Anh. Tu viện được xây dựng lại dựa trên nhà thờ Giáo sĩ Edward vào năm 1245.
Việc xây dựng lộn xộn của nhà thờ tiến triển chậm do nạn đói và cách mạng. Chính vì thế 500 năm sau, tức là vào năm 1745 tu viện mới được hoàn thiện.
Tu viện Westminster là nơi tiến hành lễ đăng quang của vua và nữ hoàng Anh, đây cũng là nơi chôn cất của nhiều người trong Hoàng gia Anh và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong Lịch sử Anh.
Cùng với Cung điện Westminster và Nhà thờ Saint Margaret, Tu viện Westminster đã được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới vào năm 1987
Nhà thờ lớn Cologne (Đức)
Năm 1248, nhà thờ được xây dựng lại trên nền cũ của nhà thờ được xây dựng năm 873 dưới Vương triều Caroline và mãi đến năm 1880 mới hoàn thành.
Nhìn từ trên xuống nhà thờ có hình dáng chữ thập với mặt tiền rộng 8.000m2, trên tháp nhà thờ là cây thánh giá cao 2,88m; rộng 1,66m được làm từ gỗ sồi, đã có từ hơn 700 năm nay.
Toàn bộ nhà thờ đều được xây dựng đá granito mài bóng chiếm đến 8.000m2, các ngọn tháp nhỏ trang trí khiến nhà thờ thêm huy hoàng lộng lẫy.
Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic và được nhiều nhà sử học nhận định là công trình xây dựng phối hợp hài hòa có một không hai của tất cả các nguyên tố xây dựng và của trang trí trong phong cách kiến trúc Gothic thời Trung cổ.
Do vậy The Cologne Cathedral được UNESCO đánh giá là một trong những công trình kiến trúc Gothic đẹp nhất châu Âu và được công nhận là di sản thế giới vào năm 1996.
Bên trong nhà thờ, cả bốn bức tường bao quanh đều được vẽ các tranh về câu truyện thánh và lắp đặt các cửa sổ kính pha lê màu.
Trong nhà thờ có 5 quả chuông, trong đó có quả chuông St. Peter 24 tấn là nặng nhất. Đứng trên tháp chuông này, người ta có thể thưởng thức phong cảnh mỹ lệ của thành phố Cologne và dòng sông Rhine kiều diễm.
Theo Linh Đan