PHÚC ĐỨC TẠI MẪU
ĐỌC ĐỂ SUY NGẪM
Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn
sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.
Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”. Trên dải đất
nhỏ hẹp mang hình chữ S này đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.
NHỚ LỜI MẸ DẶN
Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ
muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.
Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó
đã trở thành lẽ sống của con.
Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác.
Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là
con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn
tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.
Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng
tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”.
Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!
NHỮNG LÁ THƯ CŨ
Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn
gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong
chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi
cho bố con trước đây.
Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu
cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo:
“Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ
niệm.
Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó
với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy
mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ.
Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói
ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!
HAI VÙNG SÁNG TỐI
Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không
nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.
Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.
Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống
sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình
lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu,
những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.
Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm.
Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người
phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!
BÀI HỌC LÀM GƯƠNG
Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”.
Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu.
Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt
mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.
Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học
đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo”
mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!
Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần
tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.
Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên
những “Huyền Thoại Mẹ”, ” Tình mẹ”, ” Lòng mẹ”…
Đinh Thủy
Tỷ phú nổi tiếng dặn con: Có 3 loại người KHÔNG NÊN KẾT BẠN, chơi chung chỉ tổ kéo nhau đi xuống chứ chẳng giúp ích gì!
Những người thất bại thường có một vấn đề chung...
Nhắc đến tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) là nhắc đến sự giàu có tột bậc. Ông Vua dầu mỏ này được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Năm 1916, khối tài sản của Rockefeller Sr. chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD. Con số này lớn hơn nhiều so với tài sản của Jeff Bezos, người giàu nhất hiện nay với khối tài sản ròng khoảng 144 tỷ USD.
Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr.
Bên cạnh sự giàu có, còn một điều nữa mà người đời nhắc đến Rockefeller Sr., đó là trí tuệ xuất chúng và cách nuôi dạy con cái quá đỗi tuyệt vời. Trong suốt cuộc đời mình, Vua dầu mỏ đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư, kể về quãng đường làm giàu của ông. Đồng thời vị tỷ phú cũng dặn con những bài học cuộc sống quý báu. Chính những lá thư này đã giúp các đời con cháu của dòng tộc Rockefeller tiếp tục thịnh vượng, phá bỏ lời nguyền "không ai giàu 3 họ".
Trong các bức thư, vị tỷ phú vĩ đại từng dặn các con KHÔNG ĐƯỢC KẾT BẠN với 3 kiểu người. "Nếu con muốn phát triển tốt hơn thì 3 loại người này không nên thân thiết", ông Rockefeller Sr. dặn dò. Vậy 3 kiểu người đó là như nào?
01 Những người thích ở trong vùng an toàn
Tỷ phú Rockefeller từng viết: "Những người thất bại thường có một vấn đề chung, họ chỉ thích sự ổn định hiện tại và không chịu thay đổi. Ta cho rằng, đây là một hành động tự lừa dối và tự hủy hoại bản thân". Thế giới không ngừng phát triển, bạn sẽ thụt lùi nếu cứ đi ngược dòng.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy nhiều đứa trẻ như vậy. Khi điểm số trên lớp tương đối ổn định, trẻ sẽ thể hiện tâm lý thoải mái và không cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Trẻ nghĩ mình không cần chiếm vị trí thứ nhất, vị trí thứ mười cũng chẳng cách xa vị trí đầu tiên cho lắm.
Nhưng nhiều năm sau bạn sẽ thấy một sự thật: Đứa trẻ đứng đầu trong kỳ thi sẽ luôn chiếm vị trí đầu, còn đứa trẻ thứ mười dần tụt xuống vị trí thứ 20 trong lớp. Một khi con người mất đi động lực tiến lên, họ sẽ ngày càng cách xa thành công.
Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. bên gia đình.
02 Tiêu hết số tiền mình có và tiết kiệm hết số tiền mình kiếm được
Có hai kiểu người trên thế giới sẽ không bao giờ thành công được. Một là những người tiêu hết toàn bộ số tiền mình có và hai là những người tiết kiệm hết số tiền mình kiếm được.
Kiểu người thứ nhất tồn tại rất nhiều trong xã hội. Họ vui chơi bất kể đêm ngày, như thể sẽ chẳng còn ngày mai. Họ sẵn sàng tiêu sạch tiền và không biết thiết lập các khái niệm quản lý tài chính. Với phong cách sống đó, họ chẳng thể nào khiến "tiền sinh ra tiền".
Và kiểu người thứ hai cũng chẳng thể thành công được. Như chúng ta đều biết, những người giàu không trở nên giàu có vì tiết kiệm tiền. Trong quá trình tiêu tiền, họ tích lũy kiến thức quản lý tài chính, đầu tư chính xác và biến nó thành khối tài sản khổng lồ. Đó mới là cách để thành công, giàu có.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên dạy con khái niệm quản lý tài chính. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì không nên bận tâm về chuyện tiền bạc. Ngược lại, trẻ cần hình thành quan niệm đúng đắn về tiền. Hãy dạy cho trẻ biết, mỗi đồng tiền kiếm được đều nhờ công sức lao động, đồng thời mở mang cho trẻ những khái niệm tài chính, cách kiếm tiền đúng đắn, cách phán đoán các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức.
03 Luôn đổ lỗi cho người khác, không nhìn ra vấn đề của mình
"Một khi kẻ thua cuộc tìm được lý do chính đáng, anh ta sẽ lấy cớ này để giải thích và quy kết trách nhiệm cho người khác. Một người như vậy sẽ không tìm ra lý do mình thất bại mà chỉ biết tự an ủi bản thân khi thấy người khác cũng thất bại", tỷ phú Rockefeller viết.
Chúng ta phải giáo dục con cái dũng cảm đối mặt với thất bại, theo bước người chiến thắng, nhìn thấy sự xuất sắc của của họ mà học hỏi. Có như vậy chúng ta mới tiến bộ được. Nhìn người khác rồi rút ra vấn đề mình đang gặp phải chính là khả năng của người thành công.
Thanh Hương/ Theo Pháp Luật & Bạn Đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét