Một chiều đông lạnh buốt. Trên đường về nhà, tình cờ tôi nhặt được một chiếc ví bằng da màu nâu đã cũ sờn, có sợi dây nơ màu đỏ. Bên trong ví không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào mà chỉ có vỏn vẹn 3 đô la và một phong thư nhàu nát. Những chữ duy nhất có thể đọc được trên bì thư là địa chỉ của người gửi.
Tôi liền mở lá thư ra, hy vọng sẽ tìm được chút ít manh mối về chủ nhân của chiếc ví. Hàng chữ ghi ngày tháng đập vào mắt tôi đầu tiên. Bức thư này được viết cách đây đã hơn năm mươi năm!
Lá thư được viết với nét chữ con gái mềm mại, trên nền giấy xanh điểm xuyết vài bông hoa nhỏ phía góc trái. Đó là thư chia tay gửi cho một người tên Michael. Cô gái nói rằng cô không thể gặp anh ta nữa vì gia đình ngăn cản, nhưng dù vậy, cô vẫn sẽ luôn yêu anh. Cuối thư ký tên là Hannah.
Nội dung thư khá xúc động, nhưng chẳng có chi tiết gì rõ ràng, ngoại trừ cái tên Michael, để xác định chủ nhân của chiếc ví. Tôi gọi điện cho tổng đài để xin số điện thoại dựa vào địa chỉ ghi trên bao thư.
Sau khi nghe tôi trình bày, người trực tổng đài ngần ngừ một lát rồi nói: “Chủ nhà ở địa chỉ trên có đăng ký số điện thoại, nhưng rất tiếc tôi không thể cho anh số điện thoại được”. Cô lịch sự đề nghị rằng chính cô sẽ gọi điện cho người ở địa chỉ đó, giải thích câu chuyện và hỏi xem họ có muốn tiếp chuyện với tôi hay không. Vài phút sau, cô quay lại và chuyển máy cho tôi.
Tôi hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia về người phụ nữ tên Hannah. Bà ta vội đáp, “Ồ, chúng tôi mua căn nhà này cách đây đã 30 năm. Hình như gia đình ấy có cô con gái tên là Hannah, nhưng cách nay vài năm Hannah đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão.”
Tôi gọi điện đến viện dưỡng lão và được biết bà cụ đã qua đời, nhưng họ có biết số điện thoại của người con gái.
Tôi lại tiếp tục gọi đến số điện thoại được cho và biết rằng Hannah hiện cũng đang ở trong một viện dưỡng lão.
“Thật là ngốc!” – Tôi tự nghĩ. “Sao mình lại cất công đi tìm chủ nhân của một chiếc ví chỉ có 3 đô la và một bức thư cũ mèm những năm mươi năm trước kia chứ?”
Tuy nhiên, tôi vẫn gọi đến nhà dưỡng lão nơi có lẽ cô Hannah, giờ đây đã là bà Hannah, đang ở. “Vâng, bà Hannah đang ở với chúng tôi,” đó là câu trả lời tôi nhận được.
Mặc dù đã 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn lái xe đến viện dưỡng lão. Sau khi giải thích với cô y tá trực đêm, tôi được cô đưa lên tầng ba của tòa nhà, giới thiệu tôi với bà Hannah. Bà cụ trông thật phúc hậu với mái tóc bạch kim, gương mặt tươi tắn và đôi mắt sáng tinh anh.
Tôi kể cho bà nghe chuyện mình nhặt được chiếc ví và cho bà xem bức thư. Vừa trông thấy phong thư màu xanh điểm vài cánh hoa nhỏ nơi góc trái, bà Hannah hít một hơi dài và nói, “Đây là lần liên lạc cuối cùng của bà với Michael!”.
Bà quay đi một lúc như chìm trong suy tưởng, rồi nhẹ nhàng nói, “Bà yêu anh ấy biết bao. Nhưng khi ấy, bà chỉ mới mười sáu tuổi và gia đình bà cho rằng bà còn quá trẻ để yêu. Chao ôi, anh ấy mới tuyệt vời làm sao!”.
Rồi bà tiếp tục, “Michael Goldstein là một người tuyệt vời. Nếu cháu tìm thấy anh ấy, hãy nói rằng bà luôn nghĩ đến anh. Và…,” ngập ngừng một lúc lâu, gần như cắn chặt môi, bà nói tiếp, “nói rằng bà vẫn yêu anh ấy. Cháu biết không,” bà khẽ mỉm cười, đôi mắt ngân ngấn nước, “bà chưa từng kết hôn. Bà nghĩ rằng không ai có thể sánh bằng Michael cả…”
Tôi xúc động nhưng phải chào tạm biệt bà Hannah vì đêm đã khuya. Xuống tới tầng một, tôi gặp người gác cổng ở ngay trước cửa thang máy. Anh ta hỏi, “Bà cụ có giúp gì được cho anh không?”
Tôi trả lời rằng bà đã cho tôi thêm được một manh mối, “Ít nhất tôi biết được họ của ông ấy. Nhưng tôi nghĩ chắc phải gác chuyện này sang một bên ít lâu. Cả ngày nay tôi đã cố tìm cho được chủ nhân của chiếc ví này.”
Tôi lấy chiếc ví ra cho anh ta xem. Vừa trông thấy chiếc ví, anh gác cổng kêu lên, “Khoan đã! Đây là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi có thể nhận ra nó bất cứ đâu nhờ vào sợi dây nơ này. Ông cụ thường hay làm mất ví. Ít nhất ba lần tôi tìm thấy chiếc ví trong hội trường này.”
- Ông Goldstein là ai vậy? – Tôi hỏi mà có cảm giác tay mình run lên.
- Ông sống ở tầng tám. Chắc chắn đây là ví của Michael Goldstein. Chắc ông cụ đã làm rơi nó trên đường đi dạo.
Tôi cám ơn anh rồi chạy vội đến phòng y tá để kể cho cô y tá trực ban những gì anh gác cổng vừa bảo. Chúng tôi trở lại thang máy lên tầng tám. Tôi thầm cầu nguyện ông Goldstein vẫn còn thức.
Chúng tôi bước vào căn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một người đàn ông đang ngồi đọc sách. Cô y tá đến hỏi ông có làm mất chiếc ví hay không. Ông Goldstein ngước lên với vẻ ngạc nhiên, rồi lần tìm túi sau của mình và nói, “Ồ, nó lại bị mất rồi!”
- Chàng trai này đã tìm thấy chiếc ví và chúng cháu nghĩ có lẽ là của ông.
Tôi trao cho ông Goldstein chiếc ví, vừa trông thấy nó, ông cụ mỉm cười nhẹ nhõm rồi nói:
“Đúng nó rồi! Chắc ông đánh rơi nó chiều nay. Này cháu ông muốn thưởng cho cháu một món gì đó.”
- Không cần đâu thưa ông. – Tôi đáp và nắm lấy tay ông cụ – Nhưng cháu muốn kể với ông một việc. Cháu đã đọc bức thư bên trong với hy vọng tìm thấy chủ nhân của chiếc ví.
Đột nhiên nụ cười trên gương mặt ông cụ tắt ngấm.
- Cháu đã đọc lá thư đó à?
- Không chỉ đọc lá thư, cháu còn biết được bà Hannah hiện đang ở đâu nữa.
Ông xúc động nắm chặt tay tôi:
- Hannah? Cháu biết Hannah ở đâu à? Cô ấy khỏe không? Còn xinh đẹp như trước không? Làm ơn, làm ơn cho ông biết đi!
- Bà ấy khỏe… vẫn xinh đẹp như khi ông biết bà. – Tôi đáp khẽ.
- Cháu cho ông biết nơi ở của cô ấy được không? Sáng mai ông muốn gọi điện cho cô ấy. – Giọng ông run run, gần như thầm thì. – Cháu biết không, ông yêu Hannah đến nỗi khi nhận được lá thư này, ông có cảm giác cuộc đời mình cũng chấm dứt từ đó. Ông chưa từng kết hôn. Ông chỉ yêu một mình cô ấy thôi…
- Ông đi với cháu nhé. – Tôi nói.
Chúng tôi đi thang máy xuống tầng ba. Sảnh đã tắt đèn, chỉ còn một hai ngọn đèn thắp sáng dẫn lối chúng tôi đến phòng sinh hoạt chung. Nơi đó, Hannah vẫn ngồi một mình xem tivi.
Cô y tá bước lại gần chỗ của bà.
- Bà Hannah. – Cô nói nhỏ, chỉ tay về phía Michael đang đứng đợi ở cửa. – Bà có biết người này không?
Chỉnh lại gọng kính, bà nhìn một chút nhưng không nói lời nào. Michael khẽ lên tiếng, dường như chỉ là thì thầm:
- Hannah, anh là Michael đây. Em còn nhớ anh không?
Bà thở mạnh:
- Michael ư? Em không tin nổi! Michael! Đúng là anh rồi! Michael của em!
Ông bước chầm chậm tới chỗ của bà, và họ ôm chầm lấy nhau.
Ba tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ viện dưỡng lão. “Chủ nhật này anh có thể sắp xếp để đến đây dự lễ cưới không? Ông Michael và bà Hannah sẽ trao nhẫn cưới cho nhau!”
Một đám cưới tuyệt vời! Tất cả mọi người ở viện dưỡng lão đều tham dự. Bà Hannah mặc một chiếc áo đầm dài màu be nhạt, gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Cụ Michael mặc một bộ vét màu xanh đậm, hãnh diện sánh bước bên cô dâu của mình.
Một kết thúc đẹp cho câu chuyện tình kéo dài gần sáu mươi năm !
Thái Hiền – Theo The Wallet
My Lan sưu tầm
ĐỪNG NHÌN TRỘM CỬA SỔ NGƯỜI KHÁC,
ĐỪNG LẤY THƯỚC ĐO CỦA MÌNH ĐO LÒNG NGƯỜI KHÁC
Có 8 tỷ người trên thế giới, mỗi người có một cách sống riêng và mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng.
Có một câu nói nổi tiếng: "Rèm cửa sổ nhà người khác tốt nhất không nên nhìn trộm... học cách tôn trọng rèm cửa sổ nhà người khác".
Cách sống thông minh nhất của đời người, đó chính là: "Không nói nhiều, không nhiều chuyện, không để tâm nhiều".
Bạn không bao giờ có thể thực sự quen một người trừ khi bạn đi vòng quanh trong đôi giày của anh ta và suy nghĩ theo quan điểm của anh ta.
Đôi khi, những gì có vẻ bình thường đối với bạn có thể một món quà mà người khác luôn mơ ước. Trong mắt bạn, trải nghiệm không đáng nói có thể là hạnh phúc khó giành được của người khác.
Con người ta nên chiếu ánh sáng của chính mình chứ không phải làm tắt đi ngọn đèn của người khác.
Khi bạn không thể đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của người khác, bạn cũng có thể chọn cách sống tử tế.
Tôi đã được xem bộ phim ngắn đoạt giải Oscar "Cửa sổ hàng xóm" kể về một câu chuyện ý nghĩa:
Có một cặp vợ chồng tuổi xế chiều, sau nhiều năm bôn ba khắp chốn, họ dần dần mất đi nhiệt huyết đối với cuộc sống, họ sống tạm bợ ngày qua ngày.
Một lần sau bữa tối, họ vô tình nhìn qua cửa sổ, họ thấy tầng nhà đối diện có một cặp vợ chồng trẻ đang yêu thương và ân ái với nhau, trông vô cùng hạnh phúc.
Kể từ đó, việc nhìn trộm qua cửa sổ đối diện đã trở thành gia vị cuộc sống của hai vợ chồng họ.
Họ thấy đôi vợ chồng trẻ thường xuyên ăn uống vui vẻ, ông bà liền sinh ra lòng đố kỵ, họ bắt đầu so sánh cuộc sống của bản thân họ, sau đó liền cảm thấy chán nản vô cùng, trong lòng sinh ra buồn rầu, thất vọng.
Mãi cho đến một ngày, bà lão đột nhiên phát hiện người chồng trẻ mắc bệnh nặng, đầu óc cậu ta cạo trọc lóc, nằm trên giường bệnh. Không lâu sau đó, xe cứu thương đỗ ở dưới tòa nhà đón người đó nhập viện.
Từ cửa sổ, bà nhìn thấy người vợ trẻ đang đứng một mình ở dưới tầng lầu, nhìn bộ dạng của cô vô cùng đau khổ, do vậy bà đã xuống lầu và an ủi người vợ trẻ.
Người vợ trẻ nhìn thấy bà, khóc lóc nói : "Chồng cháu bị bệnh hiểm nghèo, chúng cháu vẫn luôn ngưỡng mộ gia đình nhà bác, lúc nào cũng vui vẻ hòa thuận, cùng nhau ăn cơm, bình yên và thoải mái".
Bà chợt hiểu ra cuộc sống tưởng chừng như đơn giản, tẻ nhạt trong mắt của đôi vợ chồng tuổi xế chiều, thì lại chính lại là cuộc sống đáng mơ ước đối với người khác.
Sống trong phúc mà cứ luôn mải kiếm tìm hạnh phúc, đó chính là điều chúng ta thường thấy ở nhiều người.
Có bao nhiều người, khi còn trẻ luôn cảm thấy cuộc sống của người khác may mắn đáng mơ ước, họ cứ luôn khao khát tìm được công việc tốt, gặp được người bạn đời lý tưởng, cùng nhau xây dựng cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc mỹ mãn.
Trưởng thành dần, họ lại cảm thấy con nhà người ta sao cái gì cũng xuất sắc, con nhà mình quá ư là tầm thường, không làm nên trò trống gì cả.
Đến tuổi xế chiều, chúng ta thường mang một cái tâm thích so bì cuộc sống của người khác, luôn nhìn chằm chằm vào hạnh phúc của người khác, và sau đó cảm thấy phiền não cho cuộc sống của chính mình.
Ông trời sẽ không để tất cả hạnh phúc tập trung vào một người. Người có được tình yêu nhưng không nhất định có nhiều tiền, người có nhiều tiền không nhất định là người có hạnh phúc, người có được hạnh phúc không nhất định có được sức khỏe, người có được sức khỏe thì không phải chuyện gì trong đời cũng thuận buồm xuôi gió. Bảo trì một thái độ biết đủ thường vui, không so đo với người khác, đó mới là trạng thái tốt nhất của đời người.
Một người thực sự trưởng thành biết cách nắm bắt khoảnh khắc hiện tại, không đố kỵ, phàn nàn hay so sánh với ai.
Trong nửa cuối cuộc đời, bạn phải học cách buông bỏ những giá trị bạn không thể có được, những gì bạn đã có ,hãy trần trọng nó.
Cuộc sống là của bạn, thay vào suốt ngày nhìn vào ô cửa sổ của người khác, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh và nhìn nhận thật kỹ trái tim của chính mình.
Sống Không Phiền
Một Bác sĩ rất thân đã chia sẻ qua Email của tôi 13 việc “Không phiền”. Tôi đọc đi, đọc lại thấy hay hay nên xin chuyển đến các anh chị và các bạn. Với tôi, ngày nào cũng “Không phiền” như những nội dung dưới đây thì đã là hạnh phúc:
1- Buổi sáng ngủ ngon mà bị đồng hồ báo thức, đáng lẽ phải càu nhàu, nhưng tôi không phiền mà lại rất vui, vì biết mình còn sống.
2- Vợ tôi chỉ nấu cho tôi tô mì gói chiều nay, tôi không phiền cho rằng nàng lười nấu nướng, mà rất vui vì nàng không ra đường cặp kè với ai khác. Cảm ơn Trời, tôi vẫn còn có một người vợ tốt...
3- Chồng tôi cứ ngồi salon coi Tivi, tôi không phiền, vì chàng vẫn ở nhà với tôi, thay vì ra quán nhậu nhẹt tốn tiền, rồi đánh lộn, say rượu... Cảm ơn Trời tôi vẫn còn người chồng tốt.
4 - Con tôi cằn nhằn vì bị bắt rửa chén. Tôi không phiền vì nó vẫn còn là đứa con ngoan không ra đường lêu lỏng.
5 - Sau buổi tiệc, khi các bạn đã ra về, tôi phải cực nhọc lau chùi, rửa dọn, nhưng tôi không phiền mà còn rất vui vì tôi có được nhiều bạn hữu.
6 - Quần áo lúc này hơi chật, nhưng tôi không than phiền, vì điều đó có nghĩa là tôi vẫn rất mạnh khỏe.
7 - Đi giữa trời đứng bóng nóng nực tôi không buồn phiền, vì được sống thong thả tự do dưới ánh mặt trời.
8 - Sân cỏ cần được cắt, cửa sổ cần được lau chùi, và bao nhiêu công việc nhà đang chờ đợi, nhưng tôi không phiền, không than thở vì tôi vẫn còn được một mái nhà cho gia đình mình.
9 - Ở trong Chùa, cái bà đứng sau tôi tụng kinh sai hết trọi hết trơn, nhưng tôi không phiền, vì thính giác của mình vẫn còn tốt, trong khi nhiều người khác không còn khả năng nghe được.
10 - Đồ đạc quần áo chất đống để chờ tôi giặt, ủi, nhưng tôi không phiền vì mình vẫn còn có nhiều quần áo để mặc.
11 - Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi, và đau nhức các bắp thịt, nhưng tôi vui, vì mình vẫn còn có khả năng làm được những việc nặng nhọc.
12 - Làm việc chung với tôi, có nhiều người tính khí khác lạ, tôi không phiền, vì chính nhờ họ mà công việc không trở nên buồn tẻ mà trái lại thêm thích thú.
13 - Và cuối cùng nhận được nhiều người Tag trên FB quá, nhiều tin nhắn và nhiều cuộc gọi quá nhưng tôi không phiền, vì điều đó chứng tỏ rằng tôi có nhiều bạn và điều đó chứng tỏ rằng bạn bè tôi vẫn mạnh khoẻ, và còn có những giây phút nghĩ đến tôi. (*__*)
Mong rằng sau khi đọc nội dung trên, các bạn sẽ “Không phiền” vì tôi đã làm mất thời giờ của các bạn. Xin các bạn hãy vui cùng tôi, vì hôm nay tôi đã khỏe để có thể ngồi đến 12 giờ đêm để gửi những dòng này đến các anh chị và các bạn. Và như thế tôi đã hạnh phúc vô cùng!
Bây giờ tôi chuẩn bị đi ngủ, và sẽ “Không phiền” khi bị đồng hồ báo thức vào sáng ngày mai. Vì không nghe được đồng hồ báo thức có có nghĩa là.. tôi đã ngủ.. ''thẻng cẻng'' luôn rồi!
HÃY LÀM NHỮNG GÌ CÒN CÓ THỂ
(Thân tặng mọi cặp vợ chồng)
Rồi một ngày em không còn anh
Hay ngược lại anh không còn em nữa
Đôi chúng ta sẽ chia làm hai nửa
Một nửa còn biết sống thế nào đây!
Căn nhà mình sẽ thiếu một đôi tay
Tiếng đi nhẹ, thiếu một đôi chân bước
Và thìa bát chẳng va nhau lách cách
Thiếu một người, bớt bát, chẳng va nhau!
Quần áo chiều chẳng phải cất cho lâu
Dây phơi rộng, chăng cả tuần không hết
Cứ nói thật to, chẳng còn ai biết
Lời thì thầm nào còn nghĩa gì đâu!
Rồi một ngày ta phải sống xa nhau
Xa cách âm dương không ngày tái hợp
Hãy cố sống, ngày còn nhau, cho tốt
Khi xa rồi, day dứt, ích gì đâu!
Ngay bây giờ ta hãy sống vì nhau
Đừng cáu giận khi cơm chiều quá bữa
Đừng vặn vẹo vì một câu nói hớ
Đừng dỗi hờn vì chồng (vợ) hay quên:
Quên mất ngày anh đã nói yêu em
Quên ngày cưới, ngày sinh, quên ngày con có mặt
Quên những chuyện to, quên điều nhỏ nhặt
Đừng dỗi hờn: thời gian chẳng đợi đâu
Ngay bây giờ hãy cố: sống vì nhau
Lúc khỏe, lúc đau, vui buồn có cả
Ngọc có vết, ai cũng còn sơ hở
Hà cớ gì, ta cứ trách chê nhau!
Ngay bây giờ, vẫn chưa hẳn muộn đâu
Hãy cố chăm lo cho phần còn lại
Nụ hôn thêm nồng, vòng tay ấm mãi
Để chẳng còn ân hận: lúc xa nhau...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét