a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

3 điều thú vị về nhà văn Lewis Carroll: "Mọi thứ đều có đạo đức, chỉ là bạn có tìm ra được nó hay không thôi."







1. "Chơi đùa" với tên của mình để tạo ra bút danh
Tên thật của ông là Charles Lutwidge Dodgson. Bút danh Lewis Carroll được ông nghĩ ra bằng cách đảo trật tự chữ cái hai tên đầu của mình. Dịch chúng ra tiếng La tinh xong dịch ngược về tiếng Anh. Cách chơi chữ kì quái, thông minh này đã trở thành một nét đặc trưng trong phong cách văn chương của ông.
2. Cô bé Alice có thật ngoài đời
Năm 1862, Carroll có một buổi đi chơi thuyền với bạn bè, trong đó có một cô bé 10 tuổi tên Alice Liddell. Giữa ông và Alice đã hình thành nên một tình bạn thân thiết khác thường. Ông giết thời gian bằng cách kể một câu chuyện có nhận vật chính trùng với tên cô bé: Alice. Cô bé đã thúc giục ông ghi chép lại câu chuyện mà ông kể cho mình, và từ đó, chuyến phiêu lưu thần kì của Alice được ra đời. Ban đầu, ông đặt tên là "Cuộc phiêu lưu của Alice dưới lòng đất". Nhưng sau đó, ông đổi lại tựa đề thành: "Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên" và được xuất bản vào năm 1865.
3. Nhà sáng chế
Carroll không chỉ sáng tạo nên nhiều câu chuyện thiếu nhi dễ thương mà ông còn có đam mê với các thiết bị. Thời gian rảnh, ông thường dành ra để sáng chế. Trong số các phát minh của ông có: một cây bút điện, một loại phiếu gửi tiền qua bưu điện mới, một xe đạp ba bánh, một phương thức sắp lề đều hai bên trên máy đánh chữ, một miếng dính hai mặt hình vuông sơ khai, và một hệ thống giúp ghi nhớ tên và ngày tháng được biết đến với tên gọi Memoria Technica. Ngoài ra, Carroll cũng nghĩ ra ý tưởng in tiêu đề sách trên gáy của bìa áo để có thể dễ dàng tìm sách trên kệ.



BÀN TRÒN GHẾ ĐẨU VÀ VĂN HOÁ MIỂN NAM LỤC TỈNH…
Ghế đẩu là một loại ghế đóng bằng cây gồm có 4 chưn, mặt ghế hình chữ nhựt hoặc hình vuông. Ghế đẩu mà trong đó chữ đẩu có nghĩa là có hình dạng như cái đẩu (cái đấu) đo lường của ngày xưa.
Ghế đẩu ngồi với bàn tròn là một đặc điểm văn hoá của người Miền Nam. Sau này có ghế đẩu thấp để ngồi với bàn thấp của mấy cái quán lề đường, có thêm ghế đẩu ngồi xổm nữa.
Trong nhà người Miền Nam trung lưu xưa có bộ bàn ghế dài giữa nhà rất quan trọng để tiếp khách được kêu là bộ đất đai với cái bàn dài, chục cái ghế dựa, bộ này trong đám cưới hay làm bàn tộc. Nhà dưới của trung lưu sẽ kê cái bàn tròn và chục cái ghế đẩu để ăn cơm.
Mâm cơm của người Miền Nam rất quan trọng, một mâm là tính một cái bàn tròn chứ không phải trong cái mâm kiểu Miền Bắc.
Chén cơm trắng, mâm cơm chiều, bàn tròn, ghế đẩu, chúng ta là người Lục Tỉnh.
Dạt dào tình thân và quá sức ngon lành những bữa cơm nhà.
Người Việt Nam Kỳ có thói quen ăn cơm với chén và đũa, bày ra cái bàn tròn, con cháu ngồi ghế đẩu thẳng lưng.
Trong bữa cơm gia đình các thành viên ngồi tựu lại chung quanh một cái bàn tròn hoặc bàn hột xoài mà ăn.
Có nhà thích ngồi xếp bằng trên bộ ngựa hoặc trải chiếc chiếu, cái manh bàng xuống đất mà ăn.
Nhà lao động thì bới một tô vừa hoặc một tượng rồi chan canh, bỏ đồ ăn, xách cái muỗng ra trước hiên ngồi húp rồn rột, lép nhép nhai.
Cái bàn tròn và những cái ghế đẩu, mâm cơm chiều luôn làm người ta nhớ.
"Chén cơm đôi đũa nằm ngang
Thiếp thấy mặt chàng, đói cũng như no"
Nhớ lửa bếp, nhớ mưa, nhớ mùi nước mưa mái lá, nhớ mùi đất xông nên khi mưa dầm, nhớ mồ mả ông bà, nhớ này nhớ nọ.
Lửa reo trong bếp thì vui, nước mưa tràn đồng thì vui, thấy thèm mùi đất, nhớ mùi nước mắm, mùi hành hương kho cá.
Mâm cơm chiều ở quê luôn làm nhiều người ràn rụa nước mắt khi ngóng về.
Miền Nam mình thời là xứ nhiều tôm cá. Có một mùa nước nổi tưng bừng của miệt sông nước quê mình kêu là nước lên, nước nổi.
Nước Miền Tây lên nhè nhẹ, êm ái, êm ru bà rù. Tối ngủ thấy nó còn ở tuốt dưới mé rạch, sáng ngủ dậy đã thấy đe đé mé lộ, trưa thấy nó trèo qua lộ tiến sát nhà.
Nước rào rạt réo rắt thiệt vui, cá lội tung tăng
Nước lụt đỏ quạnh màu phù sa, cái thứ đỏ như gạch tôm đó vừa tốt cho đất vừa làm thức ăn cho nhiều loài cá, thành ra mùa lụt cũng là mùa cá đồng.
Đứng giữa một biển nước, xa xa là ngọn cây xanh um là vài căn nhà lá, rồi chợt rộ lên tiếng gà gáy eo óc réo từng chập gọi bình minh lên ,kêu mặt trời dậy báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Trời còn tối nhá nhem mà đã nghe tiếng máí chèo khua nước ì oạp, tiếng bạn chài gọi nhau í ới, một không gian trong trẻo và an lành. Người ta suốt ngày tôm với cá, lớp bán, lớp để giành làm mắm làm khô ăn mùa thắt ngặt.
Mùa lụt lội là mùa tình thương.
Mùa nước nổi về mới có cá linh non mà ăn, bông điên điển vàng chúm chím mà thương da diết.
Đó là giấc mơ ru đẹp đời người.
Trưa trưa, chiều chiều được quây quần bên mâm cơm nóng hổi giữa bốn bề nước réo. Đồ ăn mặn mòi, đậm đà hương vị phù sa, cá linh kho xả, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non bông súng.
Bếp lửa nhỏ nhoi gợi nhớ cái bình dị thân thương đến chạnh lòng. Có nhiều đêm mần quên giờ giấc phải chong đèn mà ăn cơm.
"Canh khuya thắp chút dầu dư
Tim loan cháy lụn, sầu tư một mình"
Cơm nhà nấu luôn ngon vì nó mới được nhắc từ bếp xuống, đồ ăn còn riu ríu sôi tâm sục sục, bếp lửa còn chưa tàn, mùi than, mùi trấu còn phảng phát xa xa.
Lửa là một phương thức huyền diệu nhứt của loài người ,lửa làm người ấm áp, nấu chin đồ ăn, lửa sáng chiến thắng bóng đêm, ngọn lửa leo lét của đèn hột vịt luôn sáng trên bàn thờ trong ba ngày tết là hình ảnh thiêng liêng của tâm linh.
Nhà giàu hay nghèo thì cái bếp lò luôn có lửa,khói bốc lên từ một xóm nghèo trong chiều vắng luôn là hình ảnh yêu thương.
Hình ảnh cái bếp lò nguội ngắc ,lạnh tanh tượng trưng cho sự suy tàn,kỷ niệm cũ đau lòng. Tro tàn bếp lạnh là nổi ám ảnh của trẻ thơ mỗi khi chờ mẹ đi chợ về mà mưa gió bão bùng.
Và có lớn lên bên mâm cơm nhà mới thấy nó ngon biết dường nào.
Và khói bếp dào dạt bay ra từ một mái nhà quê, người bà, người mẹ đang nấu bữa cơm chiều.
Chúng ta ăn cơm.
Người Miền Nam kêu bếp lò là Ông Táo, Táo là cái bếp lò, cái cà ràng có 3 ông đầu rau chụm lại.
"Bếp cà ràng cào than nhúm lửa
Nhắn chị hai mày hé cửa anh chun"
Nhà nghèo Nam Kỳ ăn chén sành Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, nhà giàu ăn chén kiểu Tàu, Nhựt Bổn. Ăn xong rửa ráy rồi úp lên xống chén mà phơi cho nó khô.
"Tay anh bưng chén kiểu, tơ liễu con rồng
Tuổi em còn nhỏ, chưa chồng, anh thương"
Cái bàn tròn, cái ghế đẩu, những tình thương ấm áp gia đình. Cái gạc măng rê cũ kỹ kề bên trong khói chiều ấm áp.
Bữa cơm nhà gắn với cái gạc măng rê. Nhà Nam Kỳ nào cũng có một cái gạc măng rê.
Nhiều khi đi chơi về mà gạc măng rê ra thấy trống không, thằng nhỏ mếu máo: "Má ơi! nhà mình không còn cái gì ăn hết". Má ôm con hun cái chụt :"Đợi má chút,má đang nấu nè con!"
Nam Kỳ có những ngày chướng dữ dằn, mưa dầm lạnh ngắt, một nồi cơm trắng nóng hổi,một nồi canh, một cái thố cá kho tiêu nóng bốc khói sẽ làm bạn nhớ cả đời.
Trời mưa ăn cá kho tiêu là nhức nách, mùi thơm của nồi cá khô tộ còn nóng hổi, mùi tiêu thơm phức, mùi hành hăng hắc xộc vào mũi cay xè chảy nước miếng.
Trời mưa thèm cá hủn hỉn kho ăn với một trái ớt cay.
Cá hủn hỉn là cá tạp, cá nhỏ, cá con của nhiều loại cá. Nếu nhà ai làm nghề kéo vó, nếu kéo lưới sẽ bán cá bự hết,còn cá nhỏ đem về ăn. Nếu ra chợ mua cá hủn hỉn thì giá nó rẻ rề.
Hủn hỉn có cá cơm, ròng ròng, cá rô con, cá sặc, cá lòng tong, cá lìm kìm, bóng dừa, bóng cát...
Làm sạch các thứ cá tạp đó cho vô nồi thêm chút nước màu, tỏi, ớt, đường, nước mắm kho chung gọi là kho hủn hỉn. Cá vừa chín rồi thêm miếng tiêu, miếng hành ra nghe dậy mùi thơm bay khắp nhà.
Thường kho hủn hỉn là kho quẹt, tức là kho không nhiều nước, nước sệt sệt đặc quánh, có nơi kêu kho quéo. Ăn phải quẹt, cái nước cá nó quéo lại đặc kẹo ngọt ngất, ăn miếng cơm nào ngon miếng cơm đó.
Những ai rành ăn sẽ biết cái vị của kho hủn hỉn bằng nồi đất, Nam Kỳ kêu là kho tộ, cái nồi đất mộc màu đỏ của hồi xưa chứ không phải nồi đất gốm đen của TQ hiện tại, nước nó đặc kẹo, con cá chín vàng, mùi thơm ngất ngư.
Mùa mưa,mưa dầm dề thúi đất, bên nồi cá kho hủn hỉn sẽ còn nồi canh rau tập tàng bốc khói.
Rau mồng tơi nó dễ mọc, mọc khắp xóm làng, leo hàng rào, mọc bờ lùm bụi, xách rổ đi một vòng ngắt về làm đủ nồi canh
Nấu canh mồng tơi không thì bảo đảm không ngon, phải làm canh tập tàng.
Tập tàng gồm đọt, lá mồng tơi, cùng với bồ ngót, cải trời, rau dịu, rau dền, đọt nhãn lồng, có khi thêm trái mướp.
Canh tập tàng phải nấu với tôm mới ngọt nước.
Tôm he, tép rong còn tươi rói làm sạch đem vô cối đăm nhuyễn rồi bỏ vô nồi nước sôi, sau đó cho rau vô rồi nêm nếm.
Nhớ chế thêm miếng mỡ heo vừa thắng vô là ngọt bá chấy
Canh tập tàng rất ngọt, ngọt ngay luôn, ngọt tới óc o, ăn vô húp rột rột, nhứt là khi nó còn nóng hổi.
Cơm vừa chín, hột cơm nóng hổi, nhắc ơ canh bốc khói lên bàn đổ ra cái tô sành, múc dĩa cá kho hủn hỉn còn nóng, mỗi người một chén cơm, chén sành Lái Thiêu, mưa rả rít bên ngoài, và từng đũa mà ăn, cả nhà quây quần bên cái bàn tròn, có ông bà, con cháu.
"Bao năm rồi từ lúc em đi
Mẹ trông chờ em hoài mà chẳng thấy
Mâm cơm chiều bên mái tranh xưa,
Con nước lên nghe tiếng bìm bịp kêu chiều"
Người ta nói ẩm thực ngon vì nó có đủ vị, thí dụ rau đắng hòa cùng vị ngọt của cá lóc mà làm thành món cháo trứ danh của Miền Nam.
Canh chua ngon vì có vị chua của me, vị cay của ớt, vị nhẫn nhẫn của bông so đũa hay bông điên điển, vị the của bạc hà, vị nồng của rau quế, ngò gai, ngò rí, ngò om.
Ẩm thực ngon khi nó cân bằng đủ năm vị, không vị nào trội nhiều , ông bà chúng ta hay nói là không cho nó "hỗn quá"
Chua, ngọt, mặn, đắng, cay là năm thứ vị của món ăn. Những món ăn giúp cho con người tạo ra sự văn minh, văn hóa ẩm thực, cho chúng ta ăn bắt đồ ăn hơn, cho vị giác thăng hoa trong sự cảm nhận cái ngon của trời đất.
Chua, ngọt, mặn, đắng, cay cũng là năm thứ của cuộc đời chúng ta, là những giai đoạn mà chúng ta phải trải qua khi bước đi trên đường đời.
Linh hồn của mâm cơm gia đình hồi xưa là cái bếp lò khi cả nhà quây quần trong nhà bếp bên cái bàn tròn cũ xì cũ xịch.
Xưa chụm củi,khi nấu nướng xong xuôi than còn nhiều sẽ đem bỏ vô cái khạp nhỏ kêu là nhốt than .Còn than và củi còn lại trong bếp sẽ bị vùi dưới tro. Than không có ngúm đâu, nó cứ âm ỉ cháy suốt ngày trong bếp làm cái bếp lúc nào cũng ấm áp.
Người đàn bà đảm đương xưa được ca ngợi là người đàn bà lúc nào cũng giữ cái bếp ấm áp .
Bếp ấm vì người đàn bà nấu nướng cho chồng con quanh năm suốt tháng.
"Ai nói em nghe tại sao góc bếp chái hè
Nó đơn sơ lắm mà khi rời nó
Mình mến mình thương nó vô cùng "
Mâm cơm nhà quý giá vì có đủ mặt con cháu ngồi quây quần,những tiếng nói, tiếng kêu um sùm làm cả cái nhà bừng lên trong hạnh phúc.
Đừng bao giờ để người thân phải ngồi chờ bên mâm cơm lạnh ngắt.
"Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm, tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông"
Đi giữa lòng Sài Gòn, thấy bán bánh tét, nhớ bánh tét quê, nhớ mọi thứ của hồi xưa mà giờ không còn nữa.
Đúng rồi!Cơm nhà là ngon nhứt, bánh tét nhà ngon nhứt, bánh ít nhà ngon nhứt!
Nhìn đòn bánh tét là nhớ gác bếp, cái trả xưa, cái xà nhà, nhớ da diết bếp lửa chái hè,bến sông.
Rồi nhớ cái ghế đẩu cao cao, nhớ cánh võng cót két của bà ngoại.
Không bao giờ có thể quên bữa cơm Tết, nồi thịt kho nước dừa, đòn bánh tét, hủ củ kiệu, trái dưa hấu đỏ, những cây bông vạn thọ cùng những ánh mắt trẻ thơ trong vắt háo hức ngày xuân.
Năm nào cũng nhiêu món, cả đời người ăn cũng bấy nhiêu, vậy mà không lần nào giống lần nào, háo hức, ngon lành, đầm ấm, chan hòa và tình thương ngút ngàn.
Ông bà ta hay dạy, một xứ sở, con người sẽ là rường cột nâng đỡ mọi thứ, từ đức tin tới niềm tin và giữ lửa hương nồng để cho xứ sở đó nó tồn tại qua bao biến động.
Rường cột chính là người dân, dân có yêu, có giữ thời sẽ vững.
Hãy nhớ rằng chúng ta là dân Nam Kỳ Lục Tỉnh.

NGUYỄN GIA VIỆT

Bùi Thị Xuân: Sống Anh Hùng, Chết Oanh Liệt!

Trong lịch sử Việt Nam, Bùi Thị Xuân là nữ danh tướng sống anh hùng, chết oanh liệt. Bà nổi tiếng với biệt tài huấn luyện voi và sử dụng nghệ thuật đánh trận bằng voi tạo ra những trận thắng vô cùng lừng lẫy.



Nữ tướng Bùi Thị Xuân quê ở thôn Xuân Hoà, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Theo một số tài liệu bà sinh vào năm 1758, là cháu gọi Thái sư Bùi Đắc Tuyên bằng chú.

Thuở bé nữ tướng Bùi Thị Xuân ham mê võ nghệ, thích tập côn quyền đao kiếm. 15 tuổi, bà đã nổi tiếng gần xa về vẻ đẹp thanh tú và võ nghệ cao cường.


Sau này, nhờ tài năng võ thuật, bà đã giải cứu Trần Quang Diệu khi ông bị hổ tấn công. Hai người thành vợ chồng và cùng tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn.


Hai ông bà là 2 trong số 18 người được coi là viên đá tảng gây dựng nên triều đại Tây Sơn. Trần Quang Diệu được phong là Thiếu phó, Bùi Thị Xuân là Đô đốc.


Không chỉ dũng cảm, có tài sử dụng song kiếm, cưỡi ngựa bắn cung khi ra trận, Đô đốc Bùi Thị Xuân còn có biệt tài huấn luyện voi trận và nghệ thuật đánh trận bằng voi.


Dưới quyền Bùi Thị Xuân có hơn 2000 nữ binh và hơn 100 thớt voi.


Một số tài liệu ghi chép lại: Để điều khiển, bà thường dùng ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường, voi đi lại lộn xộn. Lúc bà xuất hiện, con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên.


Sau đó, cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang, dọc, trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, tới, lui, nhịp nhàng đều đặn. (Ảnh: Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân)


Khi tập voi đánh trận, ban đầu, bà tập từng thớt một. Mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm voi nấy. (Ảnh: Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân).


Trong trận đánh, bà tỏ rõ khí phách, luôn cưỡi voi dẫn đầu trước ba quân. Ví dụ, trận Hạ Hồi (Kỷ Dậu 1789), bà chỉ huy đội tượng binh xông thẳng vào đồn giặc, khiến quân Thanh kinh hoàng không kịp đánh trả, đạp lên nhau mà chạy.


Năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, đem quân đánh chiếm nam sông Gianh, quân Tây Sơn với 30.000 quân mở cuộc phản công lớn. Bùi Thị Xuân cưỡi voi đi đầu hàng quân, chiến đấu anh dũng. Năm 1802, bà chỉ huy 5000 quân đánh trận Trấn Ninh (Quảng Bình) làm quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. (Ảnh: Tượng thờ vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân)


Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Vua Nguyễn Ánh – Gia Long trả thù tàn bạo đối với quân tướng dưới triều Vua Quang Trung- Nguyễn Huệ. Vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng bị đem ra hành quyết. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi quanh cái chết của vợ chồng bà. (Ảnh: Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân)


Nhiều tài liệu ghi lại, nữ tướng Bùi Thị Xuân bị voi giày đến chết. Tuy nhiên, trước cái chết bà rất hiên ngang hét to một tiếng làm bầy voi sợ hãi bước giật lùi. Quân lính được lệnh đốt hỏa pháo và đâm giáo nhọn thúc vào voi làm chúng hoảng loạn chạy xéo lên đè chết bà. (Ảnh: Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân).


Nghiên cứu về Đô đốc Bùi Thì Xuân, hầu hết các nhà sử học đều kết luận, đó là một nữ tướng đặc biệt dũng mãnh, có tài thao lược, tận trung tận hiếu với vua, hết lòng vì nghĩa phu thê, hiên ngang, lẫm liệt trước kẻ thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.


GS. Nguyễn Khắc Thuần đánh giá: “Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành danh tướng được đời đời kính trọng…”.

Thu Hà (Theo Kiến Thức)










Không có nhận xét nào: