Giờ đây, anh và chị như hai con chim sổ lồng. Hai người vừa giải thoát cho nhau, mỗi người rẽ một hướng. Hai thằng nhỏ chín, mười tuổi cách nhau năm một như hai thằng bạn thân, nhiều lúc cãi nhau chí chóe, có khi còn đấm đá nhau huỳnh huỵch, giờ tách ra đứa theo cha, đứa theo mẹ. Chúng quay lại nhìn nhau, mặt buồn hiu như sắp khóc. Thằng em nói:
- “Rảnh, Hai qua chơi với em nha!”.
- “Ừa. Rảnh Hai qua, em ngoan đừng phá mẹ nghe hông...”, thằng anh dặn dò thằng em.
Rồi thằng em “dạ” một tiếng nghe thiệt nhẹ, thiệt ngoan, điều mà lúc bình thường khó thấy. Có lẽ chúng cũng hiểu những giờ phút được gần nhau, chơi với nhau từ đây sẽ trở nên hiếm hoi.
Anh đưa thằng lớn trở về căn nhà to, sang trọng trước đây từng là tổ ấm của cả gia đình.
Chị dắt thằng em về căn nhà trọ bé nhỏ, mới tìm thuê chưa lâu.
Anh bảo, lâu nay chị chỉ ở nhà nội trợ nên bao nhiêu tài sản chị chẳng có công đóng góp. Mấy căn nhà, mấy miếng đất “vàng” anh đều tậu trong thời kỳ hôn nhân nhưng cha mẹ, anh em của anh đứng tên hết. Ra tòa, anh tỏ ra hào phóng chi tiền trợ cấp nuôi con trọn gói và trả công chị mấy năm nội trợ với số tiền tỷ tưỡi bạc, kèm theo một câu kẻ cả:
“Số tiền này quá lớn so với những gì cô làm được, nếu biết tính toán, mẹ con cô sống khỏe!”.
Chị cay đắng, muốn sổ toẹt, nhưng cố kìm lòng. Chị còn phải lo cho con...
........
Chị thoát khỏi cuộc hôn nhân mà cách đây 13 năm, chị đã tìm mọi cách vượt qua rào cản quyết liệt từ cha mẹ, vì hai gia đình không “môn đăng hộ đối”. Anh chị cùng quê, gặp nhau khi lên thành phố học đại học. Chị là con gái út một gia đình giàu có, trong khi gia đình anh rất nghèo, lại đông anh em. Chị lỡ yêu mê mệt “đàn anh” trên chị hai lớp bởi sự thông minh, dí dỏm và thành tích học tập đáng nể. Nhưng ba mẹ chị bảo:
“Gả con cho thằng nghèo kiết xác ấy chỉ có khổ cả đời!”.
Chị quyết bảo vệ tình yêu, chị tuyệt thực, dọa ở vậy suốt đời... Thế là cha mẹ xót con, cuối cùng cũng qua. Đám cưới chị, cha mẹ mua cho một căn nhà xinh xinh ở ngoại ô thành phố, để chị khỏi phải làm dâu nhà ấy.
Anh thề với lòng là phải làm giàu, làm thay đổi cái nhìn của cha mẹ vợ đối với mình và gia đình mình.
Từ một kỹ sư giỏi, anh lên chức trưởng phòng, rồi phó giám đốc công ty. Khi đã đủ lực, anh lập công ty riêng, làm ăn phát đạt. Không quá 10 năm, anh đã đưa mình đến một tâm thế khác hẳn, với cái nhìn khác hẳn của những người xung quanh. Đặc biệt là gia đình bên vợ, họ đã phải nhìn anh bằng con mắt khác. Anh thỏa mãn, hả hê vì điều này. Nhưng, suốt quãng đường được vạch ra và đi đến đích, anh chưa hề để tâm đến cái tổ ấm mà khó khăn lắm anh chị mới có được bằng tình yêu. Anh chỉ quan tâm làm sao để công việc đạt hiệu quả tốt nhất, kiếm được nhiều tiền nhất... Và anh đã thành công khi những gì có trong tay so với lúc mới lấy vợ là cả một trời, một vực.
Cùng với những gì làm được, thời gian anh dành cho vợ con ngày càng ít đi. Thay vào đó là những cuộc gặp gỡ bàn bạc chuyện làm ăn, ký kết hợp đồng, dự tiệc chiêu đãi..., mà trong những cuộc đó không thể thiếu những bóng hồng trẻ đẹp. Đôi lúc cũng thấy có lỗi với vợ con, nhưng rồi anh nghĩ, mình làm đại sự, có tiền thì phải hưởng thụ. Anh về bù đắp cho chị bằng một “cục tiền” với vẻ đầy cảm thông: “Anh bận quá. Em thích gì cứ làm, mấy mẹ con cũng nên đi chơi đâu đó cho thoải mái”.
Lúc này chị đã nghỉ làm, ở nhà chăm con để anh yên tâm với công việc. Thực ra mọi chuyện đã có người giúp việc, chị ở nhà là ý muốn sâu xa của anh, anh muốn bên vợ thấy chị không cần phải đi làm, chỉ cần ở không mà hưởng thụ...Nhưng trong căn nhà rộng lớn, đầy đủ tiện nghi đã thay thế căn nhà nhỏ xinh nhưng ấm cúng cha mẹ cho, chị lại cảm thấy thừa thãi, trống vắng khôn cùng. Chị cũng nhận ra tình cảm của anh đã nhạt dần mà không cách gì níu lại được. Chẳng cần dò la, tìm hiểu chị cũng biết bên cạnh anh, những người đàn bà sành điệu mà anh gọi là “đối tác”, đang thay nhau thế chỗ chị thường xuyên như thay áo. Chị đau lòng nhưng không thể nói gì. Lâu dần cái cảm giác đau đớn, tủi hờn cũng từ từ nguôi ngoai, trong khi cảm giác chai sạn lại tăng lên trong lòng chị.
Nhìn những “cục tiền” anh đưa, chị ghét cay ghét đắng! Nó đã cướp đi sự yên ấm của một gia đình. Nó cướp đi niềm vui của mẹ con chị, nó làm chị cô đơn...
Bất chợt trong đầu chị chợt lóe lên ý nghĩ, anh không đem niềm vui về cho chị, mà thay thế nó bằng tiền. Vậy thì phải biến tiền thành niềm vui, không thì thật vô nghĩa. Chị thấy mình phải làm gì đó để thoát khỏi tình trạng này. Chị không thể chỉ là cái bóng vật vờ vô nghĩa trong căn nhà mà nhìn vào, ai cũng phải ao ước này! Chị tự sắp kín lịch trong ngày cho mình. Ngoài một ít thời gian cho con buổi chiều khi chúng ở trường về, ngủ với con khi trở về đêm đã khuya, thì phần lớn thời gian chị ở bên ngoài: cà phê, tán gẫu, karaoke, shopping, học Anh văn, học khiêu vũ, chơi tennis, tập yoga... Thỉnh thoảng chị cũng đưa các con đi tắm biển hoặc về ngoại. Cũng có khi để con ở nhà cho người giúp việc, một mình chị “đổi gió” đâu đó cùng đám bạn lắm tiền, chịu chơi. Lại có lúc bị cuốn vào thú vui bài bạc và “nướng” vào đó không ít tiền...
Chị đã vui trở lại, có thêm nhiều bạn bè. Cứ nhìn mấy gã trai lăng xăng săn đón, chị cũng biết rằng mình còn cuốn hút lắm. Chị thay đổi nhiều. Vẻ đẹp tiểu thư, mong manh hiều dịu trước đây được thay bằng vẻ mặn mà, quý phái của người phụ nữ đã đến độ “chín”. Chị chẳng còn quan tâm đến việc anh đi đâu, làm gì, lúc nào về nữa...
Anh ăn nhậu riết đổ bệnh. Trong mấy thứ bệnh phát sinh từ thói quen của những người lắm tiền, cái bệnh gout làm anh đau nhức không chịu nổi, phải kiêng rất nhiều thứ. Anh về nhà nhiều hơn, mới nhận ra tổ ấm của mình đã lạnh ngắt từ bao giờ. Cũng nhìn ra vợ mình chẳng hề thua kém những người đàn bà bên mình lâu nay, nhưng sự thật chưa dừng ở đó, chẳng lâu sau anh còn phát hiện chị có bồ. Anh như con thú bị trúng thương, gầm lên hỏi những cục tiền. Chị bảo, con người còn chả thèm giữ, tiền giữ làm chi?...
Nhiều năm sau ly hôn, anh vẫn chưa tìm cho mình được một người để yên tâm mà gắn bó lâu dài. Hình như chẳng có ai yêu anh thật tình. Anh như nhìn thấu tâm can họ, rặt những thợ đào mỏ. Ngay như anh em ruột nhờ đứng tên bảo toàn tài sản, gặp lúc vợ chồng anh tan tác còn đòi huê hồng, yêu sách nọ kia, thì anh còn dám tin ai? Đôi lúc trầm ngâm một mình, anh nghĩ về chị, về tình yêu thuở trước của hai người và tự hỏi, tại sao một tình yêu đẹp không hề toan tính, vụ lợi lại trở nên thế này? Xâu chuỗi những sự việc đã xảy ra, anh lại tự hỏi: phải chăng là tại TIỀN?. Nhưng thật trớ trêu, bên cạnh anh giờ đây chỉ có tiền là thứ anh đang nắm được chắc chắn nhất, cụ thể, rõ ràng nhất mà thôi!
Chị rước thằng lớn về cho tụi nhỏ có anh có em, anh cũng không phản đối vì biết mình không thể lo cho con chu đáo.
Ba mẹ con về quê sống với ông bà ngoại, chị đã đi làm trở lại. Đôi lúc chị cũng tự hỏi, nếu hồi đó chị đừng nghe anh mà nghỉ làm, không biết mọi chuyện có khác hơn không? Cũng chẳng biết, nhưng ít ra, đi làm, chị được là chính mình. Và biết đâu, sẽ không vướng phải mấy chuyện do quá rảnh rỗi mà ra, không phải mang tiếng phản bội chồng. Chị cũng nghĩ đến những cục tiền anh đưa, nếu không có nó, biết đâu đã chẳng thế này...
Cuộc đời như một giấc mơ, chị đã từng sống trong căn nhà to lớn, đẹp đẽ. Từng có trong tay rất nhiều tiền, tiêu tiền không cần phải đắn đo. Giờ đây, cuộc sống của chị và các con dù còn nhiều khó khăn, ăn xài phải kỹ lưỡng, nhưng chị không hề ao ước cuộc sống nhiều tiền khi xưa...
Sưu tầm
MÃI MÃI BIẾT ƠN ÔNG YERSIN...!
(Đinh Trực sưu tầm)
Cách nay 81 năm...!
Vào lúc 1 giờ sáng, ngày 1 tháng 3 năm 1943, những giây phút cuối đời, bác sĩ Yersin (ông Tư) với ánh mắt trìu mến nhìn những người đứng chung quanh giường bệnh, nói một lời “vĩnh biệt” rồi nhắm mắt ra đi thanh thản...!
Gần lúc mất ông vẫn nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nhìn những con sóng vỗ ghi dấu một cuộc đời dọc ngang....!
Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang vội vã bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự...!
Tàu thuyền ngoài biển ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày, cập bến vô xóm Cồn, như để tri ân như cha mẹ mình mất vậy...!
Những phụ nữ bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc huê lợi mỗi ngày, cởi cái nón lá Việt Nam quen thuộc và tự động lấy khăn tang đeo lên đầu...!
Ngày 3 tháng 3 năm1943, Lễ Tang ông Tư được long trọng cử hành...!
Đông đảo người dân, từ ông già, bà cả đến người lớn, con nít, đều đến khóc thương, xếp thành hàng dài hàng cây số tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng...! Đoàn lễ tang đi bộ đưa linh cữu Ông từ lầu ông Tư, đi qua mấy đường phố chính của Nha Trang, đi ra phía sông Cái nhánh Hà Ra đưa ông xuống tàu, và đoàn tàu đưa linh cữu Ông đi ngược sông lên đến suối Dầu...!
Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, nhưng đám tang của ông vẫn rất đông người đến viếng và là một đám viếng to lớn nhất...!
Mộ của ông Tư nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần Trại chăn nuôi Suối Giao (Suối Dầu). Khu mộ của Ông nằm trên một ngọn đồi nhỏ, lối lên với những bậc đá lượn hình cánh cung. Mộ khá đơn sơ, nằm tĩnh lặng dưới những vòm cây xanh ngát. Cách bài trí của khu mộ cũng đơn sơ và giản dị như chính cuộc đời và nhân cách của ông Tư. Đúng như di nguyện của Ông khi còn sống ,khi ra đi đặt ông nằm đầu quay phía biển...! Ông dặn: “Không ai được phép mang tôi khỏi mảnh đất này...!”
Một ngôi mộ hình hộp chữ nhật được xây bằng xi măng giản đơn, trên có đắp chữ nổi tên của Ông, năm sinh và năm mất. Một tấm bia đá được dựng lên để bày tỏ lòng biết ơn và ghi dấu những đóng góp to lớn của bác sĩ A.Yersin với nhân loại...!
Trên bia có dòng chữ “Ân nhân và nhà nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính” Mộ của ông Tư thuộc quần thể di tích đã được xếp hạng di tích Quốc gia...!
(Nguồn: Nha Trang xưa & nay).