Năm 1960, trường trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên vừa được 4 tuổi. Có lẽ vì tài chánh lúc đó eo hẹp, cho nên trường chúng tôi chỉ có một người lao công (the maintenant person). Chúng tôi gọi người lao công đó là “chú Huôl” Hàng ngày chú Huôl phải lo việc quét dọn văn phòng hiệu trưởng, phòng họp của giáo sư, và những công việc lặt vặt khác. Vì thế cho nên nhiều giáo chức và học sinh phải tham gia các hoạt động tập thể như: giữ vệ sinh cho lớp học, cải tiến thẩm mỹ cho sân trường, tự túc phát triển văn nghệ, và tổ chức những cuộc giải trí tập thể ngoài giờ học. Chương trình “hoạt động tập thể ” nầy được gọi là “Hoạt Động Hiệu Đoàn” Sau đây là vài thí dụ điển hình mà tôi còn ghi nhớ.
Giữ gìn vệ sinh cho lớp học hàng ngày: Trong tuần lể đầu tiên của niên học, các cô-thầy hay giám thị hướng dẫn chúng tôi cách thức chọn lựa và bầu cử một học sinh làm “trưởng lớp”. Theo thường lệ, học sinh nào được bầu làm “trưởng lớp” là tánh tình người đó tương đối hoạt bát, lanh lẹ, và có khả năng “làm xếp” nhưng phải công bằng. Nếu không thì sẽ bị đám bạn học đứng lên phản đối và cho “de” trong vài ngày. Sau đây là những hoạt động trong chương trình giữ vệ sinh cho mỗi lớp học.Trưởng lớp có bổn phận chia số học sinh trong lớp ra thành 6 toán, vì chúng tôi đi học sáu ngày một tuần - từ thứ Hai đến thứ Bảy. Trung bình trong mỗi toán có 9 hoặc10 học sinh. Mỗi toán đảm nhiệm việc giữ vệ sinh một ngày. Trước khi buổi học bắt đầu, nhóm nào có nhiệm vụ giữ vệ sinh trong ngày hôm đó thì phải kiểm soát việc quét dọn và lau chùi lớp học từ trên xuống dưới - kể cả tấm bảng đen treo trên tường và bàn ghế của cô-thầy. Tôi còn nhớ lúc đó trường học không có dụng cụ lau bảng (sponge) như bây giờ. Cho nên chúng tôi phải dùng các miếng “giẻ rách” hoặc là những cái gối nhỏ, do các nữ sinh tự may, để lau bảng. Vì thế, bụi phấn bay tùm lum.
Sau buổi học, toán nầy phải ở lại quét lớp, lau bảng đen và bàn
ghế cho sạch sẽ trước khi ra về. Trưởng lớp phải ở lại mỗi ngày để kiểm soát
việc làm của mỗi toán. Ngày hôm sau, nếu toán khác thấy lớp học không được sạch
sẽ, thì phải báo cáo cho trưởng lớp. Lúc đó trưởng lớp phải điều tra và giải
quyết với toán có nhiệm vụ ngày hôm trước. Nhóm nào không làm tròn nhiệm vụ sẽ
bị ghi tên vào sổ và có thể bị báo cáo lên giám thị. Trái lại, nếu nhóm nào làm
việc cẩn thận thì sẽ được tuyên dương công trạng, và hy vọng được giấy ban khen
hay phần thưởng vào cuối năm. Bọn học trò chúng tôi lúc đó sợ giám thị lắm,
không ai muốn bị “mời lên” lên văn phòng đâu.
Trồng hoa và các loại cây nhỏ (shrub) để cải tiến sân trường:
Những ngày lễ hoặc ngày Chủ Nhật, bọn học trò chúng tôi thường rủ nhau vào
trường để tự nguyện chăm sóc và trồng trọt những loại hoa hoặc cụm cây nhỏ cho
sân chơi được đẹp hơn. Việc làm nầy nhọc nhằn và cần có nhiều thời gian.
Trước tiên, chúng tôi phải tìm các vị trí thích hợp, soạn thảo
kế hoạch, và được giám thị cho phép, rồi mới tiến hành. Kế đó, chúng tôi tìm
những loại cây thấp, cành mềm, lá nhỏ, và có màu sắc tương phản nhau. Khi dụng
cụ đã sẵn sàng, chúng tôi dùng thước kẻ hoặc một que khô có đầu nhọn, gạch
xuống đất những hàng chữ có ý nghĩa đơn giản như “Hoan Hô, Chào Mừng, THHD
v.v…” Sau đó chúng tôi trồng xuống những cụm hoa hoặc các bụi cây nhỏ vào các
hàng chữ đã gạch sẵn. Việc sau cùng là phải tiếp tục tưới nước hàng ngày cho
đến khi chúng đâm chồi mọc rễ.
Thuở ấy trường không có ống cao su dẫn nước và vòi phun nước như
ngày nay. Cho nên chúng tôi phải xách từng thùng nước từ chỗ máy nước
(fountain) đến chỗ trồng cây và dùng một cái rổ nhỏ hay một cái lon có đục lỗ
dưới đáy để thay thế cho vòi xịt nước (spray head). Sau một thời gian ngắn,
những chùm cây nhỏ mọc lên nhiều cành và đầy lá non, chúng từ từ kết liền nhau,
màu sắc rực rỡ, trông thật mát mắt. Tuy việc làm cực nhọc, nhưng bọn học trò
chúng tôi rất vui vẻ, và hãnh diện với kết quả trước mắt là mình đã có cơ hội
tham gia làm đẹp cho sân trường.
Những hoạt động có tính cách phát triển văn nghệ: Hồi đó trường
Hoàng Diệu không có ban nhạc riêng hay nhạc cụ như kèn, trống, để tập luyện học
sinh chúng tôi múa hát. Mỗi giờ văn nghệ, chúng tôi chỉ nghêu ngao mấy bài hát
học thuộc lòng trên làn sóng radio. Hoặc là bắt chước theo giọng hát của người
thầy dạy nhạc. Khi tôi và các bạn cùng lớp tập múa bài “Hận Đồ Bàn” để tranh
giải văn nghệ với các trường khác trong tỉnh Ba Xuyên. Chúng tôi may mắn được
sự giúp đỡ tận tình của ban nhạc lính “Công Binh” với giọng hát tuyệt vời của
người bạn học cùng lớp, Phan Văn Hoàng (nk 60-67). Và các bộ vũ phục dân Chàm
do cô Lý thị Chất (cô Bữu) thiết kế. Kết quả lần đó là chúng tôi đoạt được giải nhất.
Vấn đề học tập văn nghệ không phải chỉ để giải trí hay tranh
tài, mà còn là một nhiệm vụ không thể chối từ. Đặc biệt nhất là phong tục làm
“lễ thượng kỳ”. Mỗi buổi sáng, tất cả học sinh và giáo chức phải tham dự lễ
thượng kỳ trước khi vào lớp hoặc văn phòng làm việc. Các lớp học phải thay
phiên nhau, ra sân trường để hành lễ thượng kỳ. Tất cả học sinh của lớp có
nhiệm vụ ngày hôm đó phải đứng trước hành lang của lớp và xếp thành hai hàng
dài. Khi có lệnh, chúng tôi nghiêm chỉnh tiến ra giữa sân trường, tạo thành hai
vòng tròn chung quanh cột cờ, rồi đứng nghiêm chờ lệnh. Hai học sinh trong lớp
được chọn để kéo cờ. Một học sinh có nhiệm vụ ra lệnh và đánh nhịp bằng tay.
Đám còn lại thì ráng gân cổ lên để hát quốc ca. Có đứa không biết hát hoặc
không thuộc bài hát thì ra tài “hát nhép”.
Điều khó khăn nhất cho hai học sinh có nhiệm vụ kéo cờ là: 1) Lá quốc kỳ phải được kéo lên chầm chậm khi nhóm hát quốc ca bắt đầu và phải mang lá cờ lên tột đỉnh của cột cờ khi bài quốc ca chấm dứt. 2) Trong thời gian thượng kỳ, không được kéo quá nhanh hay quá chậm. 3) Không được làm tuột dây hoặc làm rơi lá cờ xuống đất trong khi hành lễ. Khi lễ thượng kỳ hoàn tất, nếu không có điều gì sơ xuất, chúng tôi phải im lặng, nghiêm chỉnh, và tuần tự đi về lớp của mình.
Điều khó khăn nhất cho hai học sinh có nhiệm vụ kéo cờ là: 1) Lá quốc kỳ phải được kéo lên chầm chậm khi nhóm hát quốc ca bắt đầu và phải mang lá cờ lên tột đỉnh của cột cờ khi bài quốc ca chấm dứt. 2) Trong thời gian thượng kỳ, không được kéo quá nhanh hay quá chậm. 3) Không được làm tuột dây hoặc làm rơi lá cờ xuống đất trong khi hành lễ. Khi lễ thượng kỳ hoàn tất, nếu không có điều gì sơ xuất, chúng tôi phải im lặng, nghiêm chỉnh, và tuần tự đi về lớp của mình.
Những chuyến đi chơi picnic tập thể tuyệt vời: Đây là phần Hoạt
Động Hiệu Đoàn vui nhất đối với chúng tôi thời đó, vì được dịp ra khỏi thành
phố vui chơi cả ngày với bạn bè và có cơ hội gần gũi với thầy-cô mà không phải
làm bài. Có khi chúng tôi đi đến các vườn dưa hấu, vườn táo, hoặc vào thăm Chùa
Dơi v.v… Trong những chuyến đi chơi tập thể nầy, chúng tôi phải chuẩn bị rất
chu đáo. Ngoài việc ghi tên những người muốn tham gia, gom góp các xe đạp (2
người cho mỗi chiếc xe), chúng tôi còn phải phân công nhiệm vụ để làm các món
ăn như: thịt nguội, bánh mì, dưa chua và nước uống v.v… Ai có nhạc cụ như đàn,
sáo, tiêu thì mang theo. Ai có khả năng hát thì chuẩn bị làm “ca sĩ” cho phần
văn nghệ. Những học sinh nào không nằm trong ban văn nghệ, không biết nấu
nướng, thì cũng khỏi lo bị thất nghiệp, vì các bạn sẽ được bầu làm “chuyên
viên” lượm rác hay là “thợ” bơm bánh xe đạp. Những con đường ngoài thành phố,
không được tráng nhựa cho nên rất là gồ ghề. Mỗi chiếc xe đạp phải đèo thêm một
người phía sau, nên các thợ bơm bánh xe khỏi lo ế khách. Các bạn nầy sẵn sàng
phục vụ cho đồng môn. Chỉ cần một miếng dưa hấu ngọt hay một lời cám ơn của cô
bạn vô tình “làm xẹp lốp xe” là vui lắm rồi.
Hầu hết chúng tôi rất vui vẻ với nhiệm vụ của mình, vì việc làm
của chúng tôi có lợi ích chung, được dịp vui đùa với bạn bè, và chia sẻ những
giờ phút thân mật với thầy-cô của mình. Sinh ra trong một nước nghèo nàn và lớn
lên trong chiến tranh, nên chúng tôi thấu hiểu việc được đến trường học tập
hàng ngày là một diễm phúc. Đồng thời chúng tôi cũng rất hãnh diện là học sinh
của ngôi trường Hoàng Diệu đặc biệt và thân yêu nầy.
Hơn 50 năm đã trôi
qua, nhưng khi tôi ngồi viết bài nầy, những hình ảnh thân thương của ngày xưa
đang tuần tự hiện ra trước mắt. Đó là những ngày vui vẻ, hồn nhiên của một thời
thơ mộng mà tôi không thể nào quên được. Giờ đây, thầy trò chúng tôi kẻ mất
người còn, hiện đang sống rải rác khắp nơi, và mỗi người một hoàn cảnh. Tuy
nhiên, tôi biết rằng những giờ phút êm đẹp đó sẽ mãi mãi lưu lại trong tâm
tưởng chúng ta cho đến suốt đoạn đường đời. Kèm theo đây là những hình ảnh
trong một chuyến đi “picnic” tại Chùa Dơi với thầy Nguyễn Quang Hồng. Những tấm
hình nầy được tồn tại cho đến ngày hôm nay là do công lao bảo vệ trong suốt mấy
chục năm qua của người bạn đồng môn, Nguyễn Kim Hoàng (nk 60-67).
(Nhớ Về Hoàng Diệu Ngày Xưa - hơn 50 năm qua )
By Anh Ryan
By Anh Ryan