a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt

Chứng đầy bụng khó tiêu - một chứng bệnh thường gặp có ảnh hưởng chủ yếu bởi thói quen tiêu hóa, ngày nay đã không chỉ còn là vấn đề của tuổi già. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi đến gặp bác sĩ với những than phiền về tình trạng đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém ngon miệng...
Theo YHCT, biểu hiện của chứng đầy bụng khó tiêu có thể xếp vào các chứng vị quản thống (đau dạ dày), ấu thổ (nôn mửa). Theo kinh nghiệm người xưa, châm cứu là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao.
Các huyệt châm cứu có tác dụng điều trị chứng đầy bụng khó tiêu: Trung quản, nội quan, túc tam lý, công tôn, đản trung, phong long, hạ quản, toàn cơ; Có biểu hiện nhiệt chứng thêm: hợp cốc, nội đình; Có biểu hiện hàn chứng thêm: thượng quản, vị du; Có biểu hiện can khí hoành nghịch thêm dương lăng tuyền, thái xung; Tỳ vị hư yếu thêm tỳ du, chương môn.
Ngoài ra, để giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh... Bài viết sau xin được giới thiệu tới độc giả một bài tập tự xoa bóp bấm huyệt nhằm điều hòa nhu động ruột và tiết dịch của dạ dày, ruột, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.
Day bấm các huyệt: hợp cốc, túc tam lý, thái xung, công tôn, tam âm giao.
- Cách day bấm huyệt: Ngồi co hai chân lại mà lấy huyệt, rồi dùng ngón tay cái bấm vào huyệt công tôn, ngón tay trỏ bấm cố định vào huyệt thái xung, bấm mạnh dần tới căng tức (đắc khí), giữ nguyên như vậy 10 giây rồi day từ từ một phút sau chuyển sang các huyệt túc tam lý, tam âm giao, hợp cốc - cường độ và cách bấm, thời gian bấm như huyệt công tôn.
Xoa bóp tam tiêu:
Tam tiêu có chức năng là cơ quan bảo vệ bên ngoài của tạng phủ:
- Là đường đi của nguyên khí phụ trách hoạt động khí hóa.
- Là đường đi của các chất dinh dưỡng, thức ăn và nước.
- Khí trời hít vào phế, khí đất (thức ăn) sau khi tiêu hóa sẽ giao thoa, mượn đường đi của tam tiêu để đến toàn thân.
- Ở vùng bụng dưới (hạ tiêu) có bộ phận sinh dục, bàng quang, ruột già, ruột non, các đám rối thần kinh hạ vị.
- Ở vùng bụng trên (trung tiêu) có dạ dày, ruột non, tụy tạng, đám rối thần kinh gan và lách.
- Ở vùng ngực (thượng tiêu) có tim, phổi, đám rối thần kinh trung thất.
Kỹ thuật xoa bóp tam tiêu:
Tư thế: ngồi thõng chân hay nằm hơi chống chân.
- Xoa hạ tiêu: một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa vòng một chiều từ 10 - 20 lần, ngược lại cũng từ 10 - 20 lần.
- Xoa trung tiêu: một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa từ 10 - 20 lần mỗi chiều.
- Vuốt cạnh sườn: vuốt từ xương sườn cụt 12 theo bờ sườn đến vùng mỏm xương ức, thay đổi mỗi bên làm 10 lần. Động tác này có tác dụng tốt cho gan và lách.
- Xoa thượng tiêu: một bàn tay xòe ra áp lên ngực, bàn tay kia úp chồng lên. Xoa vòng trên vùng ngực một chiều từ 10 - 20 lần rồi đổi chiều ngược lại từ 10 - 20 lần.
- Vuốt bụng: sau khi xoa tam tiêu xong, hai tay hơi nắm lại để ở vùng hạ tiêu vuốt lên trung tiêu rồi thượng tiêu 5 - 10 lần. Động tác này làm khỏe cơ bụng, chữa sa tạng phủ, điều hòa khí huyết vùng bụng.
Liệu trình xoa bóp: tự xoa bóp thường xuyên đều đặn hàng ngày, một lần vào buổi sáng sớm và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Vị trí các huyệt cần tác động:
Trung quản: giữa con đường từ mũi kiếm xương ức đến rốn.
Nội quan: từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên 2 thốn.
Túc tam lý: thẳng dưới hõm ngoài xương bánh chè 3 thốn, cách lồi củ trước xương chày 1 khoát ngón tay.
Công tôn: ở chỗ lõm bờ dưới trước đáy xương bàn chân thứ nhất, nơi tiếp giáp mu bàn chân và gan bàn chân.
Đản trung: giữa xương ức ngang đường giữa 2 núm vú (nam giới), ngang liên sườn 4 (nữ giới).
Phong long: từ huyệt túc tam lý đo xuống dưới 5 thốn, đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay.
Hạ quản: nằm trên đường trắng giữa bụng, trên rốn 4 thốn.
Toàn cơ: là giao điểm giữa đường dọc giữa ức với đường ngang qua bờ trên sụn sườn 1.
Thượng quản: nằm trên đường trắng giữa bụng, trên rốn 5 thốn.
Hợp cốc: huyệt ở chỗ lõm giữa ngón cái và ngón trỏ, đặt đốt 2 ngón cái bàn tay bên đối diện lên hố khẩu bàn tay bên này, đầu ngón cái ở đâu thì huyệt nằm tương ứng tại chỗ đó (giáp xương bàn 2).
Nội đình: kẽ ngón chân 2 - 3 đo lên 0,5 thốn về phía mu chân.
Vị du: Từ dưới đốt sống thứ 12 đo ra 1,5 thốn.
Dương lăng tuyền: chỗ trũng giữa đầu xương chày và xương mác.
Thái xung: từ kẽ ngón chân 1 và 2 đo lên 1,5 thốn về phía mu chân.
Tỳ du: từ giữa đốt sống lưng 11 và 12 đo ngang ra 1,5 thốn.
Chương môn: tận cùng xương sườn 11 (để bệnh nhân nằm nghiêng lấy huyệt).
Tam âm giao: từ đỉnh giữa bờ trên mắt cá trong đo lên 3 thốn, huyệt cách bờ sau trong xương chày một khoát ngón tay.
ThS.BS. Trần Thái Hà

Xoa bóp - bấm huyệt trong hoại tử chỏm xương đùi

Phương pháp xoa bóp - bấm huyệt rất hiệu quả trong giảm đau, ngăn chặn tiến triển và phục hồi vận động, hạn chế tổn thương trong hoại tử chỏm xương đùi.
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch (Avascular Necrosis) chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi . Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.
Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên (20 - 50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (nam chiếm 80%). Ngoài ra, bệnh chứng này còn xuất hiện thứ phát sau chấn thương và một số nguyên nhân khác và phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.
Những tác dụng
Tác dụng giảm đau: những thao tác chậm nhịp nhàng mềm mại sẽ có tác dụng ức chế thần kinh, làm cơ thư giãn và giảm đau. Xoa bóp - bấm huyệt kích thích làm cơ thể tiết ra morphin nội sinh (endorphin - có tác dụng giảm đau nhưng không gây nghiện và không độc hại như tiêm morphin) có tác dụng làm giảm đau, thư giãn cơ thể.
Ngăn chặn và phục hồi tổn thương: xoa bóp - bấm huyệt làm tăng lưu thông máu qua hệ thống mao mạch, tĩnh mạch, bạch mạch ở các tổ chức. Qua nghiên cứu tác dụng của xoa bóp đối với sự lưu thông mao mạch, người ta thấy xoa bóp và vận động có ảnh hưởng tới số lượng mao mạch hoạt động. Sự giãn nở mạch máu và lưu thông máu tốt giúp cho tổ chức cơ thể được cung cấp dinh dưỡng, oxy, thải trừ chất cặn bã và khí cacbonnic được tốt hơn.Vì vậy, làm cho tổ chức được xoa bóp hoạt động và hồi phục được nhanh hơn. Đặc biệt, xoa bóp làm tăng tuần hoàn bạch mạch 5 - 6 lần nên giảm phù nề tổ chức và giảm đau rất tốt trong các trường hợp ứ trệ tuần hoàn bạch mạch do chèn ép phù nề. Tuần hoàn bạch mạch lưu thông tốt giúp khả năng thực bào, miễn dịch được gia tăng nên khả năng chống viêm nhiễm được tốt hơn.
Đối với khớp: tác dụng của xoa bóp khớp cũng được tăng cường dinh dưỡng bao hoạt dịch tăng tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp.
Đối với xương: tuần hoàn cơ được cải thiện khi xoa bóp làm xương được nuôi dưỡng tốt hơn, xoa bóp làm tan tụ máu cơ, chống kết dính các sợi cơ, gân trong chấn thương.
Xoa bóp làm cho sự cung cấp máu đến khớp xương, bao khớp, gân cơ, dây chằng được tốt hơn, gia tăng sự tiết hoạt dịch và làm cho dây chằng luôn giữ vững tính đàn hồi của nó.
Do đó xoa bóp có thể đề phòng và chữa những biến chứng của bệnh, làm vận động của khớp xương dễ dàng hơn.
Xoa bóp - bấm huyệt và vận động khớp háng
Xoa bóp - bấm huyệt xung quanh khớp bị đau và vận động khớp nhẹ nhàng. Xoa bóp - bấm huyệt chi dưới, chú ý xung quanh khớp háng đau và đùi bên đau.
Xoa bóp - bấm huyệt:
Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng cạnh bên.
Xoa xát vùng đùi bên tổn thương để bôi trơn dầu xoa (hoặc phấn rơm) tránh trầy xước.
Bóp nắn cơ: bóp nắn cơ khu vực đùi cơ tứ đầu đùi, cơ may, cơ tam đầu, lưu ý không bóp cơ vùng mặt trong 1/3 trên của đùi vì có nhiều tổ chức bạch huyết.
Nhào cơ đùi: dùng 2 bàn tay nhào các cơ tứ đầu đùi, tam đầu vùng đùi.
Day cơ: dùng mô ngón cái và mô ngón út day các cơ vùng đùi.
Vuốt cơ: các đầu ngón tay áp sát da vùng đùi vuốt các cơ vùng đùi.
Tìm điểm đau và day điểm đau: day ấn nhẹ nhàng xung quanh vùng đau.
Day ấn huyệt vùng đùi: Phong thị, Lương khâu, Huyết hải, Hoàn khiêu, Phục thố…
Vận động khớp háng:
Ngả đùi: bệnh nhân nằm ngửa, để bàn chân này lên đầu gối chân kia, rồi ngả đùi xuống; thầy thuốc đứng bên cạnh, một tay giữ hông, một tay ấn đầu gối chạm giường hai đến ba lần; đổi bên.
Khép đùi: bệnh nhân nằm ngửa, co gối, hai bàn chân dang rộng, thầy thuốc đứng bên cạnh, giữ hai đầu gối bệnh nhân rồi luân phiên khép đùi vào bên trong, đầu gối chạm giường từng bên một, làm hai đến bốn lần.
Co đùi: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng bên cạnh; để bệnh nhân co gối, thầy thuốc giữ đầu gối rồi gấp đùi vào bụng, làm từng chân hai đến ba lần. Đổi chân.
Dang đùi: bệnh nhân ở tư thế nằm sấp, thầy thuốc đứng phía dưới chân, cầm hai cổ chân người bệnh, rồi dang chân ra khép chân vào, vài lần.
Sau khi vận động khớp háng xong, có thể xoa bóp lại lần nữa thêm một ít dầu nóng để tăng tác dụng điều trị.
Người bệnh nên đến khám chuyên khoa để được xác định yếu tố nguy cơ, chẩn đoán xác định và chỉ định bằng phương pháp điều trị phù hợp.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ