Cuộc sống thời niên thiếu của tôi là một chuỗi ngày rất đặc biệt, trường học rất ít khi có lớp, nên phần lớn thời gian không phải đi chơi, thì là ngồi bên đường cái. Đám bạn con gái đều chơi nhảy dây, đánh bao cát, những trò chơi giản dị này là phần rất quan trọng trong cuộc sống của những đứa trẻ chúng tôi.
Có một lần, dây nhảy làm bằng xăm xe đạp chế da gân vì dùng lâu rồi mà bị hư mất. Tôi mong ước có thể mua được một dây làm bằng da gân thật để nhảy, nhưng không có tiền. Một ngày, thấy mẹ để hai đồng tiền trên bàn, sau khi do dự hồi lâu, cuối cùng tôi lấy hết dũng khí, “cầm” một đồng trong tay, ra khỏi phòng. Nắm chặt đồng tiền, tôi lo lắng đi lại trong sân, không biết xử lý sao mới tốt. Một đồng tiền lúc đó, đối với một đứa bé mà nói thì nhiều giống như có được một triệu, trong tưởng tượng có thể mua được rất nhiều da gân, giấy gói kẹo, giấy in hoa, dây điện đủ màu sặc sỡ, giống như vấn đề chi tiêu cả đời đều được giải quyết hết. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình giống như “triệu phú”, nhưng nỗi lo lắng lớn nhất sau niềm vui là bị cha mẹ phát hiện, lúc đó làm sao bây giờ? Trời sắp tối rồi biết giấu tiền chỗ nào cho an toàn đây? Tôi không tìm được biện pháp. Ngoại trừ mẹ, tôi còn lo lắng ông anh có cái mũi thám tử, anh ấy có thể “ngửi thấy được” tất cả những chuyện làm sai của tôi và những đồ vật nào tôi có, kết quả không phải bị tố cáo, thì là bị chia đồ, tôi nắm chặt đồng tiền trong tay mà vã mồ hôi.
Càng nghĩ càng bí bách, vì vậy, tôi dứt khoát giả bệnh, không ăn không uống trên giường để ngủ. Giấc ngủ một đêm này giống như đi đánh trận vậy. Tôi nằm mơ, thấy mình lúc là cảnh sát, lúc là ăn trộm, lúc đuổi lúc trốn, thật vất vả chờ đến trời sáng, đã doạ tôi đổ mồ hôi khắp người.
Lúc ăn điểm tâm, mẹ tôi dịu dàng hỏi tôi đã đỡ hơn chưa, sau đó lại tự hỏi: “Lạ thật, hôm qua rõ ràng để hai đồng tiền trên bàn, sao chỉ còn lại một đồng nhỉ?” Tôi nghe xong lời của mẹ, sợ mẹ nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng vì xấu hổ của tôi, không tự chủ mà giả bộ như khom lưng xuống cột dây giày, cúi người xuống mới nhận ra giày không có dây. Hành động của tôi bị ông anh mũi thính nhìn thấy, “Xem kìa, ‘nháy mắt một cái, gà mái thành vịt’ đó là tiết mục mới nhất của ảo thuật gia ‘Hồ Đắc Nhĩ’.” Anh ấy dùng luận điệu mà tôi ghét nhất, nhìn mặt mẹ, con mắt thì liếc xéo tôi mà nói. Tôi không nhịn được nữa, chạy vào phòng lấy đồng tiền giấu dưới gối, đưa cho mẹ, nói: “Mẹ ơi, con giúp mẹ tìm được đây.” Mẹ tôi vui mừng hỏi: “Ở đâu vậy?” Tôi chỉ đại một nơi, “Ở đó”. Sau đó mang theo cặp sách chạy bắn ra ngoài như một mũi tên, chỉ cảm thấy sau lưng như có hai ánh mắt như điện dõi theo.
Ngồi trên lề đường cái, nhớ lại trải nghiệm trong 16 giờ làm “triệu phú”, tôi cảm thấy vẫn dùng chiếc dây làm bằng xăm xe đạp là được rồi, không cần da gân nữa, tốt nhất là trong lòng thấy bình an là tốt lắm rồi. Lời mẹ thường dạy đi dạy lại, lúc này giống như được ghi âm, vang lên trong tai tôi, “Hãy làm đứa bé thành thật, lương thiện!”.
Câu chuyện thú vị lúc còn bé này cùng với lời dặn của mẹ, khắc thật sâu trong trí nhớ tôi. Sau khi trưởng thành, đoạn kinh nghiệm này thỉnh thoảng lại nhắc nhở tôi nếu dùng phương pháp không thành thật sẽ nhận được điều không nên nhận, lương tâm sẽ vĩnh viễn không bình an.
Trên cây có 10 con chim, bắn chết một con, còn lại mấy con?
Trên cây có 10 con chim, người thợ săn bắn chết một con, hỏi còn lại mấy con. Đáp án cuối cùng như thế nào mọi người cũng biết rồi.
Thầy giáo hỏi: “Trên cây có 10 con chim, thợ săn bắn chết một con, hỏi còn lại mấy con?”
Trò: “Đó có phải là cây súng lục vô thanh, hay là một loại súng vô thanh nào khác không thầy?”
Thầy: “Đó không phải là cây súng lục vô thanh hay một loại súng vô thanh nào khác.”
Trò: “Súng đó nổ to không?”
Thầy: “80-100 đề-xi-ben.”
Trò: “Điều đó chứng tỏ rằng tiếng súng nổ sẽ làm đau tai lắm phải không thầy”
Thầy: “Đúng”
Trò: “Bắn chim ở chỗ đó có phạm pháp không thầy”
Thầy: “Không phạm pháp”
Trò: “Thầy có chắc con chim đó có thật là bị bắn chết không?”
Thầy: “Chắc chắn”
Thầy giáo có chút không Kiên nhẫn: ” Trò làm ơn trả lời còn mấy con là được rồi, có được không?”
Trò: “Dạ được, vậy trong số những con chim đó có con nào bị điếc không thầy?”
Thầy: “Không có”
Trò: “Vậy trong số con chim đó có con nào kém thông minh hay có vấn đề gì không? Nghĩa là có con nào ngốc nghếch đến nỗi nghe thấy tiếng súng mà không biết bay đi không?”
Thầy: “Không có, chỉ số thông minh đều 200 trở lên”
Trò: “Có con nào bị nhốt trong lồng không thầy?”
Thầy: “Không có”
Trò: “Có con chim nào bị tàn tật hay đói bụng bay không nổi không thầy?”
Thầy: “Không có, đều khỏe mạnh hết”
Trò: “Hay là có con chim nào đang mang thai một chú chim nhỏ trong bụng không thầy?”
Thầy: “Đều là con trống”
Trò: “Người bắn chim có hoa mắt không? Chắc chắn là 10 con không thầy?”
Thầy: “10 con”
Cậu học sinh vẫn cứ hỏi: “Có con nào ngốc đến nỗi không sợ chết?”
Thầy: “Đều sợ chết”
Trò: “Có con nào là bạn tình của nhau, một con không may bị bắn trúng con kia chủ động lao vào tự tử luôn không thầy?”
Thầy: “Ngốc, tôi chẳng phải đã nói với trò chúng toàn là con trống hết hay sao”
Trò: “Có khả năng một phát bắn trúng 2 con không thầy?”
Thầy: “Không thể nào!”
Trò: “Một phát trúng 3 con?”
Thầy: “Không đời nào”
Trò: “Bốn con”
Thầy: “Càng không thể”
Trò: “Năm con”
Ông thầy hoàn toàn thất vọng: “Tôi nói lần nữa, một phát súng chỉ bắn chết một con chim mà thôi”
Trò: “Thế nếu những con chim đó tự do bay nhảy khi chúng nghe thấy tiếng súng sợ hãi bay đi, có khi nào chúng hoang mang loạn xạ bay đụng nhau không?”
Thầy: “Không có chuyện đó, mỗi con chim đều tự do bay một hướng”
Trò: “Giả dụ đáp án của thầy là không lừa người thì”
Cậu học sinh tràn đầy tự tin nói: “nếu con chim bị bắn chết vướng trên cây, không rớt xuống, thì còn lại một con, nếu như rớt xuống rồi, thì không còn con nào hết”
Thầy giáo cuối cùng cũng nghe được câu trả lời của cậu học sinh, nghẹn ngào cảm thấy chóng mặt suýt ngã xuống, run run nói: “Em không cần phải học cấp một nữa mà hãy thi thẳng lên làm công chức luôn đi”
Tác giả: NTDTV
Sự sẵn sàng hợp tác giảm đi khi chúng ta nhìn thấy giá trị tài sản
Khoảng cách kinh tế giữa người giàu và người nghèo ngày càng trở nên lớn hơn khi người ta nhận thấy sự khác biệt, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cho thấy, khi người ta không biết về tình trạng tài chính của những người hàng xóm, họ hợp tác và tương tác với nhau tốt hơn nhiều. Nhưng khi mọi người nhận thấy một khoảng cách kinh tế đáng kể giữa bản thân họ và những người hàng xóm, thì kết cấu xã hội sẽ bắt đầu xuất hiện, và sự chênh lệch giàu nghèo cũng trở nên lớn hơn so với trước đó, khi sự bất đồng về kinh tế thể hiện không rõ ràng.
“Trong các thí nghiệm của chúng tôi, việc làm cho sự giàu có lộ ra ngoài mang tính phá hủy dần dần, nó làm giảm sút sự hợp tác và mở rộng sự bất bình đẳng về kinh tế. Nó dẫn đến việc người giàu khai thác người nghèo”, Giáo sư Nicholas A. Christakis, Giám đốc Viện Mạng lưới Khoa học Đại học Yale (YINS ) và là tác giả chính của nghiên cứu trên tạp chí Nature, cho biết.
“Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, thật đáng ngạc nhiên, sự nhận biết về khả năng tài chính của người khác có thể có một tác động xã hội nhiều hơn là sự không đồng đều thực sự về tài sản”, Nicholas A. Christakis nói.
Tác động của sự bất bình đẳng
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm mới gọi là Breadboard để đặt 1.462 đối tượng thử nghiệm vào 80 “xã hội” quy mô nhỏ tạm thời với ba cấp độ khác biệt về sự bất bình đẳng kinh tế hiện đang tồn tại ở Mỹ.
Tôi muốn nói: ‘Nếu bạn đang giám sát tài sản của người khác, hãy coi chừng’. (Akihiro Nishi)
Tương tác trong các thử nghiệm liên quan đến một loạt các trò chơi hợp tác, trong đó những người tham gia được đưa cho một khoản tiền ban đầu (một số nhận được nhiều hơn những người khác), sau đó tương tác với nhau để làm tăng hoặc giảm tài sản họ đang có.
“Hầu hết các thử nghiệm về mức độ hợp tác trước đó đã bỏ qua sự bất bình đẳng”, đồng tác giả David Rand, trợ lý giáo sư về tâm lý học, kinh tế và quản lý tại Đại học Yale, và là giám đốc của Phòng thí nghiệm hợp tác nguồn nhân lực Đại học Yale, nói. “Các xã hội của con người thường rất không đồng đều, ngày nay lại càng như vậy, do đó hiểu biết về tác động của sự bất bình đẳng là rất quan trọng”.
Thử nghiệm đã cung cấp một cơ hội hiếm có để tiến hành nghiên cứu xã hội trong một môi trường thực nghiệm có kiểm soát. Hầu hết những nghiên cứu về bản chất của một đối tượng phức tạp như sự bất bình đẳng kinh tế đều phải dựa vào phân tích thống kê từ các dữ liệu quan sát được.
“Chúng tôi muốn làm một thử nghiệm mang tính thực nghiệm để giải quyết đề tài quan trọng này”, Christakis nói. “Hậu quả cơ bản và nguyên nhân của sự bất bình đẳng về kinh tế là gì? Sự bất bình đẳng và đặc biệt là bất bình đẳng có thể nhìn thấy ảnh hưởng đến sự giàu có của người dân, đến sự hợp tác, và tương tác xã hội như thế nào? Thí nghiệm này cho phép chúng tôi tách biệt một số trong những điều này”.
Sự giàu có hiển hiện
Akihiro Nishi, một trợ lý nghiên cứu khoa học và là tác giả chính của nghiên cứu, đã gọi sự giàu có hiển hiện này là “lực kéo” trong thử nghiệm. “Những gì chúng tôi đã làm là cố gắng tìm hiểu những tác động về hành vi của sự bất bình đẳng ở cấp độ cá nhân”, Nishi nói.
Thí nghiệm cũng cho thấy những tác động tiêu cực khác của sự giàu có hiển hiện rõ ràng. Khi sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo trở nên rõ rệt hơn, các mạng xã hội cho thấy mức độ thấp hơn về sự kết nối quan hệ, hợp tác, và sự giàu có tổng thể. Điều tương tự không đúng trong các mạng xã hội nơi mà tài sản cá nhân được ẩn giấu.
Tại sao xảy ra điều này? Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng cách kinh tế có thể làm nổi bật lên các quá trình tâm lý khiến cho sự hợp tác xã hội bị cắt giảm. Ví dụ, mọi người có thể bắt đầu coi tình hình tài chính của mình như một sự cạnh tranh.
“Đây là những tương tác phức tạp”, Nishi nói. “Tôi muốn nói: ‘Nếu bạn đang giám sát tài sản của người khác, thì hãy coi chừng’.
Nguồn: Đại học Yale. Đăng lại từ Futurity.org với bản quyền Creative Commons License 4.0.