Học cách cho đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế. Những cậu học trò tinh nghịch cuối cùng đã nhận được một bài học vô cùng sâu sắc.
Một lần nọ, thầy giáo cùng mấy học trò của ông tổ chức đi dã ngoại tại một vùng ngoại ô. Khi họ đi tới một cánh đồng, bỗng những người học trò nhìn thấy một đôi giày cũ rách, dường như là của người nông dân nghèo đang chuẩn bị trở về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc.
Khi thấy đôi giày cũ đó, các học trò tinh nghịch đã nghĩ ra một ý tưởng hài hước và nói: “Thưa thầy, sao chúng ta không giấu những chiếc giày ra sau bụi rậm và chờ người nông dân tới nhỉ. Sẽ thật buồn cười khi xem ông ta phản ứng ra sao nếu không thể tìm được chúng..!”
Người thầy giáo cảm thấy thật tệ, nhìn đám học trò đang cười khúc khích của mình và nói: “Này các em, chơi một trò đùa ác như vậy với một người nghèo khổ là không tốt đâu”.
Thầy giáo nghĩ ngợi một lúc và sau đó mỉm cười, vui vẻ nói: “Các em, thầy có ý này hay hơn. Sao chúng ta không bỏ một vài đồng xu vào từng chiếc giày. Sau đó ta hãy trốn sau bụi rậm và xem phản ứng người nông dân ra sao khi ông ấy thấy được những đồng tiền trong đôi giày rách đó?”
Mấy học trò chỉ thích thú muốn xem phản ứng của người nông dân nghèo nên ngay lập tức đã làm theo những gì thầy bảo. Sau đó cả thầy và trò đã nấp sau bụi rậm phía xa xa để quan sát xem người nông dân sẽ phản ứng như thế nào.
Người nông dân đã hoàn thành xong công việc, dáng vẻ mệt mỏi đi về phía đôi giày rách của mình. Khi xỏ chân vào ông cảm thấy có vật gì đó cứng cứng ở dưới chân, cúi xuống kiểm tra ông đã phát hiện những đồng xu.
Người nông dân rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những đồng tiền trong giày. Ông lấy chúng ra và hướng mắt nhìn cẩn thận xung quanh, xem có ai đang tìm những đồng tiền này hay không, liệu chúng có thuộc về ai đó không. Nhưng nhìn một lượt vẫn thấy hoàn toàn yên tĩnh, không có bóng dáng một ai, ông mới dám cất những đồng xu và trong túi.
Sau đó ông xỏ chân vào chiếc giày còn lại, và như lần trước, lại cảm thấy có vật gì đó cứng cứng ở trong giày. Cúi xuống kiểm tra, ông lại tìm được nhiều đồng xu hơn nữa. Nhìn những đồng xu trong tay mình, người nông dân bất giác xúc động trào nước mắt.
Người nông dân gầy gò cảm động chắp tay trước ngực, ngước khuôn mặt đen xạm lên trời và nói:
“Ôi Chúa ơi! Cho con xin gửi ngàn lời cảm tạ đến người ẩn danh đã giúp con lần này. Nhờ có lòng nhân hậu của người đó mà bây giờ con có thể mua thuốc cho người vợ đang ốm và mua bánh mỳ cho những đứa con đang đói của mình”.
Với những đồng xu được cất trong túi, người nông dân rảo bước trở về nhà, nước mắt vẫn không ngừng rơi lã chã trên mặt.
Mấy học trò tinh nghịch sau khi chứng kiến cảnh này, dường như mắt ai nấy đều ngấn lệ.
Sau khi người nông dân rời đi, người thầy hỏi các học trò của mình: “Giờ hãy nói cho ta biết điều gì sẽ khiến các con vui hơn? Giấu giày của ông ấy đi hay bỏ tiền vào giày của ông ấy?”.
Một học trò mắt vẫn còn ướt vì xúc động nói: “Thưa thầy, con sẽ không bao giờ quên bài học mà thầy đã dạy con ngày hôm nay. Giờ con đã hiểu niềm hạnh phúc của việc cho đi lớn hơn rất nhiều so với nhận lại. Niềm vui của việc cho đi là không có giới hạn. Con cảm ơn thầy!”
Trong cuộc sống này, dường như điều khiến người ta nghĩ đến trước tiên là làm gì đó để có thể đem lại niềm vui và sự thỏa mãn cho chính bản thân mình. Cũng giống như đám học trò tinh nghịch trong câu chuyện ở trên, muốn giấu đôi giày cũ rách của người nông dân nghèo, đùa vui một chút để có được những tràng cười sảng khoái. Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, nhiều khi dù cố tình hay vô ý, vì để thỏa mãn bản thân, chúng ta lại đang đùa vui trên sự đau khổ của người khác.***
Vậy nên, thay vì chỉ để mỗi bản thân mình nhận được một tràng cười, hay thay vì tạo ra những rắc rối cho ai đó, chúng ta hãy học cách cho đi, hãy giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể.
Bởi khi cho đi, dù chỉ là những đồng xu nhỏ bé, chúng không chỉ mang lại niềm vui cho người khác mà còn mang lại niềm hạnh phúc cho chính chúng ta. Tựa như niềm vui của người nông dân nghèo và giọt nước mắt long lanh hạnh phúc của đám học trò tinh nghịch trong câu chuyện ở trên vậy.
Và bởi khi cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!
Linh Nguyễn
Tôn trọng là mỹ đức quý nhất đời người
Ngày nay nhiều người thường cho rằng: “Thời gian là vàng bạc”, chẳng vậy mà chúng ta cứ bị cuốn lấp đi giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Nhưng nếu cứ thử “đợi 3 giây” trước khi làm bất cứ việc gì, có lẽ bạn sẽ trải nghiệm được nhiều điều thú vị hơn như thế…
“Đợi 3 giây” mới đóng cửa để thấy bình thản hơn
Thư duỗi dài trên giường, với tay tắt chiếc đồng hồ báo thức. Vẫn còn ngái ngủ, cô cuộn tròn trong chiếc chăn thêm vài phút, rồi mới lật đật bò dậy, chuẩn bị ăn sáng và đi làm.
Thứ hai đầu tuần đường thật là đông. Chẳng hiểu xe cộ ở đâu cứ đổ hết ra mọi nẻo như bầy kiến vỡ tổ. Mọi người hối hả tới trường, tới cơ quan.
Một chiếc xe buýt trước mặt cô táp vào bến. Rất nhanh chóng, những người trên xe chen nhau xuống, các bạn học sinh, sinh viên lại thi nhau leo lên. Cánh cửa mở thật nhanh và đóng thật nhanh, rồi hối hả chen vào giữa dòng người tấp nập trên phố.
Bác của Thư đầu đã bạc hoa râm, mắt không còn tinh, chân tay không còn nhanh nhẹn như trước. Bác kể: “Mỗi lần đi xe buýt vào giờ cao điểm sợ lắm cháu ạ. Chân tay loạng quạng, sểnh ra một cái là cửa xe đóng mất rồi”. Thư cũng chẳng biết nói thế nào, chỉ mỉm cười: “Vâng, giờ cao điểm đi lại vất vả lắm bác ạ!”.
Đến công ty, Thư phóng vun vút xuống hầm gửi xe và nhanh chân rảo bước tới cửa đợi thang máy. Chiếc cửa mở ra mọi người ào ào bước vào, chỉ vài giây chiếc thang máy đã chật ních người. Các tầng nhà hầu như đều có đèn báo sáng. Người ra người vào tấp nập hối hả.
Thang máy dừng ở từng tầng, mọi người vừa bước chân ra khỏi cửa, ai nấy đều hết sức khẩn trương. Thư nhanh tay ấn nút đóng cửa. Mấy cô, mấy bác lớn tuổi một chút cũng rảo bước vội vã không kém gì cánh thanh niên khỏe chân khỏe tay. Cô đã quá quen với những cảnh này nên cũng chẳng nghĩ nhiều.
Ảnh minh họa. Dẫn theo vinamoving.com
Cho đến một lần…
Lần đó, công ty cô nhận được hợp đồng của một công trình khá lớn. Cả phòng vừa in, vừa sửa bản vẽ, báo giá, đến tận tối mịt mới xong. Nhìn 6 xấp bản vẽ và đống tài liệu nằm ngay ngắn trên bàn, Thư thở phào nhẹ nhõm. Hôm ấy là tối thứ Bảy, sáng hôm sau chủ đầu tư phải về nước, trong tối nay cô phải mang hồ sơ đến cho họ ký và đóng dấu.
Ăn cơm xong, cô và chú lái xe cùng lên đường tới khu công nghiệp. Đến nơi, cô đã thấy ông Chủ tịch ngồi trong phòng họp đợi mình. Cô nhanh tay mang tài liệu và giở từng trang để ông ký cho nhanh. Công việc xong xuôi đâu đấy, cô khệ nệ bê đống tài liệu ra về. Anh trợ lý rảo bước ra mở cửa, mãi tới khi cô đã bước hẳn ra ngoài anh mới đóng cửa lại.
Cô chào tạm biệt và lên xe về nhà. Anh vẫn đứng đó mỉm cười, vẫy tay chào cô mãi tới khi bóng xe đi khuất. Hình ảnh anh trợ lý giữ cửa cho mình khiến cô thấy lòng tràn ngập ấm áp, có một thứ cảm giác trong lành như con suối nhỏ len lỏi khắp cõi lòng. Cô cảm thấy mình được tôn trọng.
Bất giác cô nhớ lại hình ảnh bác mình cuống quýt lên xe vì sợ cửa sẽ đóng sập ngay trước mặt. Hình ảnh những bác cao tuổi ở khu văn phòng cô vội vàng rảo bước vì sợ cánh cửa sẽ khép vội ngay sau lưng cũng lóe lên. Phải chăng lúc ấy chúng ta chỉ bận tâm nghĩ tới công việc và thời gian của mình, mà quên mất “đợi 3 giây” để mọi người xung quanh có thể bình thản hơn và cảm nhận được hơi ấm của sự quan tâm?
Thư cũng thường bắt gặp những chiếc gương trong thang máy. Cô chỉ nghĩ chắc để mọi người ngắm mình trong gương, sẽ quên mất thời gian và không gian chật chội ở đây. Một hôm một người mẹ trẻ và cô con gái bước vào thang máy. Cô bé giương đôi mắt to tròn ngây ngô hỏi mẹ: “Mẹ ơi, lắp gương ở đây để làm gì? Để soi gương cho đẹp ạ?”. Người mẹ trẻ xoa đầu con gái cười nói: “Không phải con ạ. Để những người tàn tật vào thang máy, họ không phải xoay người mà vẫn có thể nhìn thấy đèn hiển thị trong gương”.
Thư bỗng lặng người trước câu trả lời của người mẹ trẻ. Hóa ra những điều nhỏ nhặt lại thể hiện sự quan tâm và tôn trọng với người khác lớn lao đến vậy.
“Đợi 3 giây” mới gác máy để quan hệ thêm gắn kết
Công việc của Thư khá bận rộn. Chiếc điện thoại trên bàn cô đổ chuông liên tục. Cô nhanh nhảu nhận và chuyển máy hết cuộc gọi này tới cuộc gọi khác. Trong khi đó màn hình máy tính của cô vẫn sáng, nhiều tệp tài liệu mở ra cùng một lúc. Đột nhiên cô bạn thân gọi điện tới, cô cũng chỉ hỏi quýnh quáng, qua loa mấy lời, rồi bảo: “Thôi nhé, mình bận chút việc”.
Thế là cô nhấn nút đỏ, cúp máy đánh rụp một cái và lại chìm vào công việc của mình. Thi thoảng hết giờ làm, mẹ cũng gọi điện cho cô. Hai mẹ con tán chuyện khá vui vẻ. Cô chào tạm biệt mẹ và cũng tắt điện thoại trong chớp nhoáng. Thư đã quá quen với điều này và cảm thấy chẳng có gì phải bận tâm.
Nhưng một vị khách hàng lớn tuổi đã thay đổi cách nghĩ của cô. Ông là bạn lâu năm của sếp cô, chuyên làm những tấm gỗ đệm chèn hàng đóng container. Hai người trò chuyện và bàn bạc công việc tới gần nửa tiếng đồng hồ. Xong việc, họ nói lời chào tạm biệt.
Cô để vội điện thoại sang một bên, làm tiếp công việc đang dang dở. Bất chợt ngó nhìn chiếc điện thoại cô vẫn thấy màn hình còn sáng, cuộc gọi vẫn tiếp tục. Phải tới chục giây nữa thì đầu dây bên kia mới gác máy.
Trong những cuộc trò chuyện sau này, cô bắt đầu để ý thì đều thấy ông đợi cô nói xong tầm chục giây sau mới nhấn nút kết thúc cuộc gọi.
Thư chợt nghĩ: “Ông sếp này lịch sự thật! Mình chỉ nhân viên bình thường mà ông ấy cũng khiến mình cảm thấy được tôn trọng như vậy!”
Ngẫm tới những lần vội vàng gác máy vì quá bận rộn, cô lại tự thấy đỏ mặt với chính mình. Hóa ra cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác lại giản dị và ấm áp đến vậy!
“Đợi 3 giây” để sống chậm lại và trao gửi yêu thương
Ivan Turgenev là một nhà văn nổi tiếng người Nga. Một buổi chiều dưới bóng hoàng hôn, ông một mình tha thẩn dạo bước trên con phố nhỏ gần nhà. Đột nhiên lão ăn mày quần áo xộc xệch quỳ trên đường, giơ hai bàn tay đen nhẻm, móng tay dài ngoằng, cáu bẩn về phía ông. Mùi hôi thối bốc lên. Đôi mắt ông lão đỏ ngầu sưng mọng.
Ông lão nhìn Turgenev với vẻ cầu khẩn: “Ông ơi, ông ơi, có thể cho lão già này chút gì ăn được không?”.
Turgenev nhìn ông lão ăn mày chỉ còn da bọc lấy xương, tóc tai bết dính, trong lòng không khỏi thương xót, bèn dừng lại đứng bên. Ông lần tìm khắp người mình nhưng chẳng có xu nào. Trong túi cũng không có lương khô hay bánh mỳ để cho ông lão.
Lúc này ông cảm thấy rất có lỗi, mặt ông đỏ bừng. Ông vội vàng cúi xuống nắm chặt lấy đôi bàn tay đen ngòm của lão ăn mày, nói rất thành khẩn: “Người anh em, tôi thực sự xin lỗi, tôi chẳng có gì để cho ông cả”.
Không ngờ ông lão ăn xin lập tức đứng dậy, siết chặt đôi bàn tay của Turgenev. Một dòng nước mắt nóng hổi rơi khỏi khóe mi, chảy dài trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió. Nhưng khóe môi ông lão khẽ nở một nụ cười, cất giọng thổn thức: “Cảm ơn ông, như vậy đã đủ lắm rồi!”
Chúng ta chỉ cần sống chậm thêm vài giây, nhưng lại có thể khiến cuộc sống trở nên bình thản hơn và hạnh phúc hơn.
***
Tôn trọng là một loại mỹ đức thể hiện phẩm giá của con người. Khổng Tử từ hơn 2.000 năm trước đã nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, chớ làm cho người), ấy là rất mực tôn trọng tình cảm, suy nghĩ của người khác. Tôn trọng người, người sẽ tôn trọng mình. Mối quan hệ đôi bên sẽ đầy hòa ái, khoan dung, tương kính lẫn nhau.
Xét ra mọi chuyện thật đơn giản chừng nào. Chỉ mất 3 giây, bạn trở thành một người yêu thương, biết nghĩ cho người khác. Chỉ mất 3 giây, bạn đã gieo ấn tượng khó phai mờ trong lòng họ. Chỉ mất 3 giây, bạn đã có được một mối thâm giao có thể dài đến 3, 4 thập kỷ…
Minh Nguyệt