Ba Trà – hay còn gọi là Trần Ngọc Trà sinh năm 1906.
Cô là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Nam Kỳ được xem là “Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa” mà 2 thiếu gia lừng danh Lục tỉnh là Hắc công tử và Bạch công tử đã đốt tiền để thi xem ai nấu sôi nồi chè đậu xanh trước. Vẻ đẹp của bà đã đi vào trong thơ văn và được in lên một con tem với tên gọi Cô Ba.
Tên tiếng Pháp là Yvette do cô Ba Trà tự đặt ra khi đi xem chiếu bóng, nhân thấy cô đào Yvette rất đẹp, nên cô lấy chữ ấy ghép vào tên mình là “Yvette Trà”
Thời ấy có bốn người đàn ông mê mẩn nhan sắc quyến rũ của Ba Trà, đó là vua cờ bạc Sáu Ngọ, bạch công tử, ông đốc phủ B, xứ Trà Vinh và một ông nữa vốn là Phó giám đốc ngân hàng Pháp Á, chi nhánh tại Cần Thơ gọi là ông trọc phú Lâm. Như đã nói lúc đầu, Ba Trà trước khi được những trọc phú và những tay chơi khét tiếng này say đắm thì cô đã có một đời chồng Tây, một đời chồng Ta lai tàu ở tận xứ Phan Thiết, và một lô ông hội đồng, ông trọc phú ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Theo thống kê sơ bộ của những người am hiểu về Ba Trà thời ấy thì cùng một lúc Ba Trà có đến một chục đủ đầu (mười hai người) đàn ông ở dưới tay mình. Người nào cũng giàu có và lúc nào cũng sẵn sàng cung phụng cho cô Ba tiền của ăn chơi thỏa thích.
Ba Trà có một cái thú tiêu khiển rất đàn bà, đó là mê hột xoàn (kim cương), cho nên mỗi lần vua cờ bạc Sáu Ngọ hoặc Hắc bạch công tử dẫn nàng đi lên lầu của thương xá Tax (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc là tới cửa hiệu Alphana Kim Thịnh, cô nàng mặc sức chỉ dây kim cương nào trong tủ kính, thì y như rằng các tay chơi kia đều gật đầu đồng ý cái rụp, để rồi xỉa rèn rẹt những tờ giấy Cent (tờ giấy một trăm Đông Dương) ra trả mà không cần thắc mắc. Được chiều chuộng dễ dàng như vậy cho nên Ba Trà tha hồ mua sắm. Nhưng khổ nỗi với những món quà tặng ưu ái và đắt tiền như vậy, nếu cô Ba biết dành dụm cất giữ để làm của riêng thì giàu sang biết mấy. Nhưng bên đó Ba Trà cũng phát sinh ra một cơn nghiện khác nguy hiểm hơn nhiều đó là nghiện nàng tiên nâu, tức á phiện.
Hầu hết những tay chơi thời ấy đều làm bạn với nàng tiên nâu theo một cái mốt thời ấy gọi là mốt ăn chơi thời thượng. Cô Ba Trà đã bị lây cái bệnh gọi là mốt thời thượng ấy. Cho nên hầu như ngày nào cô cũng đi theo những tay trọc phú ấy tới những động của ả phù dung, để rồi cầm ống hút hít ro ro, mắt lờ đờ nhìn theo những cuộn khói trắng như dung nhan của nàng tiên nâu… Ba Trà lúc đầu chỉ hút vì ham vui rồi dần dần bị nghiện, để rồi nếu ngày nào đúng giờ đúng giấc mà không có khói thuốc thì không chịu nổi, và bắt đầu lệ thuộc nặng vào nó. Bởi vậy khi cùng đi với các tay tình nhân ăn chơi trác táng nổi danh kia thì họ bao cho hút. Lúc vắng họ thì chính cô Ba đã tự sắm ống hút đem về nhà đặt trong phòng riêng, và mua những hộp thuốc phiện đắt như vàng đem về nhà tự thả hồn theo mây khói.
Dần dần Ba Trà thành bạn tri kỷ hay nói đúng hơn là một thứ nô lệ của nàng tiên nâu. Để rồi những chiếc nhẫn kim cương, những chiếc vòng ngọc thạch và những món trang sức đắt tiền được các tay chơi ưu ái tặng cũng đã bay theo khói thuốc. Ba Trà đã thẳng thừng tuyên bố rằng của thiên trả địa, mà có được của ông trời để trả cho ông đất đã là quý rồi cần chi thắc mắc! Hậu quả là một năm sau, tức tính từ chuyến đi qua Xiêm để thỉnh ngải về, và được đồn thổi là nhờ ngải cho nên các đại gia càng ngày càng mê Ba Trà, thì cũng là lúc Ba Trà xính vính với những hiện tượng mà chính cô cho rằng đã bị ngải hành!
Có lần Ba Trà thú thật với vài người tâm phúc, khi thỉnh ngải và cho ngải xâm nhập vào cơ thể, thì ông thầy ngải xứ Xiêm La đã đưa ra những điều răn đe rất nghiêm khắc rằng: Đã chuộc ngải vào thân rồi thì không được làm cho cơ thể ô uế, không được để cho đàn ông hành hạ thân xác, không được ăn uống những thứ thịt thà cấm kị, như thịt trâu, thịt rắn, thịt rùa, thịt chó. Và nhất là không được uống huyết tươi, không được chui qua sào quần áo, không được bước dưới những nơi mà trên đầu có chất ô uế như cầu tiêu, cầu tiểu… Nhưng làm sao cô Ba tránh được những thứ đó, khi cô có trong tay hàng chục người đàn ông lúc nào cũng muốn được hưởng cơn đam mê từ thể xác cô. Mà họ thì đâu phải ái ân một cách bình thường. Rồi sau những cuộc nhậu bí tỉ, sau những cơn say thuốc tơi bời thì Ba Trà hầu như lúc nào cũng vùi đầu vào những buổi tiệc thâu đêm suốt sớm.
Bởi vậy Ba Trà lại phải quay sang Xiêm lần thứ hai.
Trong chuyến đi này, cô Ba đã được ông hoàng Luang Pradit chiều chuộng như khách quý. Còn cho cả người đi theo trả tiền cho mọi chi phí của cô.
Trở lại việc chuộc ngải Xiêm, cô tìm gặp vị sư cũ, giải bày cặn kẽ ý muốn của cô. Cô làm lễ chỉ cột tay cho thầy một sợi tim đèn bằng vải, có quấn một khoang vàng y, trị giá chừng 30 đồng bạc. Vị thầy này dẫn cô ra mắt vị tổ sư của ông ta.
Tổ sư là một người dị tướng. Không mắc bệnh cùi mà hai bàn tay và mười ngón chân đều rụng trụi lủi vì bị ngải quá mạnh ăn mòn các ngón tay, chân.
Sau khi biết ý định của cô, sư bắt đầu làm phép. Sư dẫn cô lạy trước bàn thờ tổ, rồi thoát y múa trước bàn thờ. Sau đó sư trao cho cô đủ số ngải cần thiết, và cho đệ tử chính là ông thầy ngải mà cô gặp đầu tiên cùng cô đi về Việt Nam để luyện ngải đến hoàn thành.
Việc đưa ông thầy ngải về Việt Nam với cô cũng không khó khăn gì, tất cả thủ tục đều do anh Trí lo. Chính anh đích thân lấy xe đưa cô về biên giới Xiêm – Miên. Về tới Sài Gòn, cô tá túc trong nhà đầy tớ gái trung thành, nằm trong một con hẻm.
Hàng ngày cô đóng kín cửa để luyện ngải. Ông thầy ngải hướng dẩn cô thoát y, ăn chay nằm đất đủ bảy ngày bảy đêm. Mỗi đêm ông thầy ấy bảo cô lại quỳ trước bàn tổ do ông mới lập ra, ông đọc thần chú lâm râm, ông này cầm nhang đang cháy vẽ bùa trước mặt cô thổi ba hồi dài.
Ma lực của ngải cực mạnh, cô đang khỏa thân quỳ trước bàn tổ, hoàn toàn tỉnh táo nhưng khi thầy thổi nhang vào mặt, tự nhiên cô chóng mặt, rồi khuỵu xuống, một lúc sau mới tỉnh dậy.
Đúng ra là sau lần chính thức chuộc ngải ấy để cầu cứu ông thầy ngải Xiêm, và đến lúc ấy nàng ta mới nghe được một chuyện rùng mình: Ông thầy ngải cho biết là mối tình Vọng Các của cô đã bắt đầu ghen tuông và đã cho người tìm về tận Sài Gòn để truy tìm cô, ngăn chặn không cho cô rơi vào vòng tay của những người đàn ông khác.
Điều này thì làm sao được đối với một người như Ba Trà, cho nên cô đã hỏi thẳng ông thầy ngải rằng: Liệu có cách nào để cô thoát được người tình Vọng Các kia hay không, thì ông thầy này lắc đầu than thở: “Cô nên nhớ rằng đàn ông Xiêm họ chơi bùa ngải gấp chục lần cô, cho nên cô liệu mà tìm cách đối phó. Tốt hơn hết là cô nên xa rời những người đàn ông bên xứ cô đi…”
Lời khuyên ấy chẳng khác nào bản án tử đối với Ba Trà, cho nên cô lẳng lặng bỏ xứ Xiêm trở về nước, và toan tính một cách cho ổn thỏa: Cô lơi dần những mối tình thâu đêm suốt sáng để chỉ giữ lại bên cạnh những mối tình lớn, tức là những người đàn ông có thế lực và tiền của dồi dào hơn, để cung phụng cho cô tiếp tục cuộc sống… Ba Trà thời ấy có hai cái thứ nghiện khá nặng: Nghiện thứ nhất là nghiện đàn ông và cái nghiện thứ hai là nghiện thuốc phiện.
Nhưng có một cái nghiện thứ ba âm thầm lặng lẽ, vô hình mà cô không ngờ tới đó là bị bùa ngải hành! Theo lời thú nhận của Ba Trà sau này thì trước kia không có nhưng kể từ lúc đi Xiêm La về, thì cô phát hiện ra là mỗi lần cô bị những tay đàn ông vùi dập thân thể với đủ cách theo kiểu phương Tây, thì y như rằng cô như bị một cơn bệnh gì đó hành hạ đến chết đi sống lại. Cô Ba Trà quyết định về Cần Thơ bên người tình họ Lâm, đang làm Phó giám độc một ngân hàng tại Tây Đô xứ Cần Thơ để… ẩn dật.
Và có lẽ đây là một bước ngoặc lớn nhất trong đời Ba Trà, và cả cho anh chàng họ Lâm tội nghiệp kia : Khi Ba Trà bám riết anh chàng và định quy ẩn luôn ở xứ Cần Thơ, thì vua cờ bạc Sáu Ngọ, rồi Bạch công tử và hàng tá những tay tình nhân khác đều truy ra và mò tận nơi để thực hiện nhiều cuộc ghen tuông long trời lở đất ở xứ Tây Đô ấy. Và vòng luẩn quẩn đã ứng đúng ngải theo cô không rời…
Nhưng cũng không nguy hiểm bằng một mối nguy khác đến từ xứ Xiêm La. Nghe nói khi cô Ba Trà phát hiện ra những người đàn ông lạ với nước da lạ, nói chuyện giọng lạ thì cũng đã trễ rồi. Bởi đó chính là tay chân, thủ hạ của người tình Vọng Các từ nước Xiêm La phái tới để truy tìm cô. Ba Trà chẳng còn cách nào hơn nên bàn với người tình họ Lâm tìm cách đưa cô về Rạch Giá, thậm chí về luôn xứ Hà Tiên xa xôi để tránh mối họa mà cô đã “đánh hơi” được là nó đã kéo sầm sập tới rồi.
Tội nghiệp người tình họ Lâm kia vốn thương Ba Trà hết lòng cho nên nghe theo. Ông trở về Rạch Giá trước và theo kế hoạch là sẽ đón Ba Trà về đó để sinh sống, coi như một cách để dứt hẳn Ba Trà ra chốn ăn chơi ở Sài thành kia. Ông ta đã cho xây một “biệt điện” tại một ngôi làng nhỏ, trên con đường tỉnh lộ từ Rạch Giá đi Hà Tiên vào khoảng những năm đầu của thập niên bốn mươi (năm 1940).
Ở đoạn đường vắng giữa Rạch Giá và Hà Tiên mọc lên một ngôi nhà ngói loại thật to đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên bàn tán xôn xao. Đầu tiên người ta cứ ngỡ ngôi nhà đó là của một tay quan Pháp nào đó, hoặc ít ra cũng là một tay có thế lực trùm thời ấy mới xây nổi như vậy. Nếu mọi người hiểu rằng họ Lâm xây ngôi nhà hoành tráng ấy chỉ để làm chốn hưởng nhàn, hưởng lạc với một hoa khôi xứ Sài thành thì sẽ ngạc nhiên không ít.
Ngôi nhà xây xong thì xảy ra cuộc chiến tranh của toàn dân chống thực dân Pháp, cho nên con đường tỉnh lộ từ Rạch Giá đi Hà Tiên cũng bắt đầu bất ổn. Tuy nhiên không phải bởi sự bất ổn do tình hình chiến sự, mà bỗng dưng ngôi biệt điện ấy bị bỏ trống nhiều ngày không thấy khánh thành, khai trương. Mà sự vắng chủ lại do một nguyên nhân kỳ bí khác mà sau này thiên hạ mới biết…
Trốn chạy bùa ngải về Tây Đô
Lúc đầu Ba Trà không nghĩ tới đó là cơn hành của bùa ngải gì đâu, mà chỉ nghĩ do cô nghiện á phiện cho nên thân xác mới bị như thế. Nhưng dần dần thì cô bắt đầu hiểu ra… cho nên cô quyết chấm dứt những cuộc tình nóng bỏng ở Sài thành hoa lệ, rồi lén về Tây Đô, xứ Cần Thơ, nơi người tình họ Lâm đang làm Phó giám đốc ngân hàng của Pháp, với mục đích là chỉ bám duy nhất cái anh này thôi. Bởi dẫu sao anh ta cũng là người trí thức và có cuộc sống lành mạnh, đàng hoàng, nên có lẽ nhờ thế mà cô sẽ không phải chiều chuộng những cơn ái ân, trụy lạc quá trớn của những tay kia…
Túng tiền, chia tay người yêu trẻ để cặp với bồ già
Chán những công tử lắm tiền, cô Ba Trà chọn một người tình tên Thìn, trở lại nghề thông ngôn tòa án, nhưng làm không được bao lâu đã bị mất việc và vướng vòng lao lý. Do bị chủ nợ níu áo, cô Ba Trà đã liều lĩnh phá niêm phong lấy bán những tài sản đã bị niêm phong chờ phát mãi. Chuyện phá niêm phong bán tài sản bị lộ, Thìn phải đứng ra nhận tội đoạt tài sản. Trong hoàn cảnh bối rối này, một vị quan tòa đứng ra giúp đỡ, kiếm cớ tuyên án tha bổng Thìn, gây cái ơn khó trả.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, cô Ba Trà quay về đường cũ, với bóng sắc của mình cô cặp bồ với vài người có địa vị, tiền bạc, trong số đó có ông Tòa áo đỏ, tên Trần Văn Tỷ. Ông Tỷ là bạn thân với luật sư Dương Văn Giáo (người đã từng giới hiệu cô Ba Trà với ông Hoàng Thái Lan).
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), Pháp huy động một lực lớn thanh niên miền Nam sang Pháp làm lính thợ phục vụ cho guồng máy chiến tranh. Hệ quả việc này đã phát sinh một thế hệ công chức cao cấp xuất phát từ công chức sơ cấp học thức không cao. Nguyên một số công chức cấp thấp này đã tình nguyện sang Pháp làm thông ngôn cho đạo binh lính thợ Việt Nam tại Pháp và các chiến trường châu Âu.
Khi Pháp thắng trận, các viên thông ngôn ấy được cho vào học trưởng đào tạo công chức cao cấp mà được miễn tú tài, trong số đó có các ông Dương Văn Giáo, học trường chính trị, làm trạng sư ở Sài Gòn; Nguyễn Xuân Giác, Nguyễn Xuân Quang, đều về làm quan tòa án Sài Gòn; Dương Văn Mai, về làm chưởng lý ở Sài Gòn rồi xuống ở Long Xuyên; Phạm Văn Còn, trước học trường Sư phạm Hà nội, qua Pháp, trở về làm hiệu trưởng trường Petrus Ký…
Trong đó ông Tỷ trước làm thư ký tòa bố (dinh tỉnh trưởng) Bạc Liêu, qua Pháp học trường chính trị và làm tòa áo đỏ (tòa đại hình, cấp xét xử cao nhất thời đó) ở Sài Gòn. Ông Tỷ đã nhập quốc tịch Pháp và có vợ chính thức người Pháp. Vị thế của con người đầy quyền lực với cuộc sống xa hoa là mồi câu nhử đàn bà đẹp. Trước cô Ba, ông Tỷ tuy có vợ, vẫn còn ăn ở với một con đại điền chủ họ Huỳnh (Hoàng), quê ở Trà Ôn
Đang lúc cô Ba Trà ngặt nghèo về tiền bạc, ông tòa Tỷ sẳn sàng bao cấp, rồi cung phụng cho cô đầy đủ và còn dùng quyền thế tha tội cho anh Thìn không phải ở tù vì hành vi sang đoạt tài sản. Trong cảnh ấy, Thìn đành chịu lép vế, tự rút lui, trả tự do cho cô Ba sang Pháp kiếm đường ăn học.
Học giả Vương Hồng Sển đã khen tặng và thương xót cho Thìn như sau: “Chỉ làm khổ cho Thìn, là người có khí tiết, đâu chịu cảnh giã chày đôi? Bọn đàn ông chúng tôi cũng lắm kẻ hèn đốn, khi mất ghế vẫn ăn bám những đàn bà nạ dòng động cỡn; nhưng cũng không thiếu người như Thìn, bình phong tuy rách, cốt cách vẫn còn. Thìn ở trong giới nho phong lễ giáo xuất thân, đâu chịu làm ma cô.
Quan tòa bắt bén, mượn cớ đến thăm Trà, đã mấy phen đụng đầu Thìn. Không chịu cảnh nhục nhã để cho vợ nói chuyện với “mèo” trong nhà, Thìn bỏ nhà ra đi. Thìn chịu thua người quyền thế, nhưng máu hiên ngang vẫn sôi nóng, Thìn thề quyết sang Pháp học thêm, sẽ trở về; nhưng từ ấy bặt tin, còn mất chẳng ai hay”. Cuộc đổ vỡ bắt đầu từ đây. Từ khi thôi nhau với Thìn, Ba trà xuống dốc, mặc cho “hoa trôi nước chảy”.
Ông tòa Tỷ đem Cô Ba Trà về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard (đường Võ Văn Tần ngày nay). Cô Ba Trà vẫn bài bạc, lên xuống các sòng me Sáu Ngọ, Búa Lồ, báo hại quan tòa phải theo làm hộ vệ trong lúc còn mê nhan sắc nàng, và vẫn xuất tiền nhà trả nợ thua bài.
Vương Hồng Sển vừa chê trách vừa thương hại cho ông tòa Tỷ vốn là người không xa lạ với ông: “Ông kể ra là người khá, giúp ích cũng nhiều, duy hiếu sắc và ăn ở quá theo Tây, trước có vợ đầm, sau lấy cô Ba Trà, rồi lấy cô Bảy Trà Ôn, đều là vợ của người khác.
Đạo đức bỏ trôi sông biển, chơi cho phỉ sức người nắm quyền trong tay, nhưng phải tật hiếu sắc và cướp đoạt hoa có chủ, không sợ gai đâm. Ngoài ra, phận sự nơi tòa, ông lo tròn, thêm có khả năng, các quan Tây mến phục nên nhắm mắt việc đời tư, ông về hưu với tiếng tốt. Vào khoảng năm 1927, kẻ viết bài này nhiều hôm gặp ông, khi mặc áo ngủ pyjama, khi khác theo dõi cô Ba leo thang lầu cao lâu tửu điếm Chợ Lớn trong khi cô đi với bồ trên lầu đi xuống”.
Cô Ba Trà chính thức ăn ở với ông tòa Tỷ như vợ chồng. Một hai năm đầu cũng tình nghĩa mặn nồng. Cô Ba Trà không phải là người chung tình. Những ai quen biết, từng là bồ bịch, ăn ở như vợ chồng với cô đều xác nhận điều đó. Các cuộc chung sống với bất cứ ai cũng không kéo dài, vì cô ăn xài quá lớn, núi cũng lở. Sau già hai năm, ông tòa Tỷ cũng đành chia tay với cô.
Tháng ngày vất vưởng, bán chuyện đời tư, van xin người cũ
Về đoạn cuối cuộc đời cô Ba Trà, cụ Vương Hồng Sển kể lại với tư cách một người trong cuộc, một người ái mộ và là người giúp đỡ cho cô trong những năm tháng cuối đời:
“Bỗng mấy chục năm sau, y như giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại nơi sòng tài xỉu ở Đại Thế Giới sau trận phong ba. Tôi thì đầu đã điểm sương nhưng rắn rỏi, già dặn. Cô Ba thì mất phong độ năm nào, nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ: – Anh thấy nhan sắc tôi kém hơn trước ra sao?/ Tôi đáp tỉnh bơ:
– Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người như hình chụp treo trong tủ kiếng của “photo Khánh Ký” đường Bonard (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Lúc tôi còn học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay), mặc dù trời mưa gió, chủ nhật nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung, rồi mới trở về trường ăn ngủ được, và đã khiến tôi thành… thi sĩ.
Nhờ câu ấy cô cười. Hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa Cũng từ đó, cô thâu nhận tôi làm “thư ký không nhận lương” suốt một thời gian dài. Khi thì nhân danh cô để viết thư cho bà tòa Trần Văn Tỷ, khi thì mượn danh bà thầy trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thư khẩn thiết nhắc chuyện cũ, khi thì gởi cho đôi ba người khác, và lần sau cùng, tôi gặp cô vào năm 1952…”.
Nhờ cái công làm thư ký không lương ấy và sự cảm phục tấm lòng của cụ Vương, ông là người thứ hai sau nhà báo Trần Tấn Quốc được cô kể lại cuộc đời oan nghiệt của mình. Trong giai đoạn này cô vẫn nghiện nặng hai trong bốn cái tai hại nhất của con người là thuốc phiện và bài bạc. Khi túng tiền, cô nhờ “cụ Vương viết thư cho các nhân tình cũ, nhắc nghĩa xưa xin giúp đỡ.
Thư đi cũng có thư lại. Nhờ đó thỉnh thoảng cô có tiền và lại vào sòng tài xỉu làm nghề “cho vay bạc nóng”. Cũng có lúc cô đánh ké vào tụ bài đang hên. Nhà cô ở trong một con hẻm sâu gần chợ Hòa Bình, nhưng cô sống âm thầm, không cho ai biết. Khi cụ Vương hỏi cô cho “vay nóng” (có nghĩa là vay 2000 đồng, mỗi ngày trả 200 đồng tiền lời) mà không sợ các công tử, các thầy giựt sao? Cô trả lời: “Các cậu bao giờ giựt tiền của một con đĩ như tôi làm vậy””.
Cô Ba Trà đã 3 lần có trong tay một số tiền gần 100.000 đồng. Với số tiền ấy, nếu biết lo xa, mua ruộng đất, cô có thể mua tới 3000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ của Nam Bộ thời đó. Huê lợi 3000 mẫu ruộng có thể lên đến ít nhất 6000 đồng một năm. Một số tiền mà người ta khó có thể mơ, nhưng cuối đời cô chết trong túng thiếu im lìm. Hết tiền, cô phải bán nhà và sống trong một xó chân cầu thang của một chung cư, tài sản duy nhất là cái ghế bố cô nằm.
Vương Hồng Sển kể về cái chết cô Ba Như sau: “Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu. Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.