TRUYỆN NGẮN TRẦN MỘNG TÚ
Hà Nội là cả một thế giới bí mật, nó luôn luôn giấu những bất ngờ nho nhỏ ở một chỗ ta không hình dung ra được. Một may mắn tình cờ nào đó ta tìm thấy cái bí mật đó ngay trước mặt ta, ta bàng hoàng như được ai mời một chén rượu quý. Cái ngọt của ruợu cứ vương mãi ở cổ như một bài thơ chưa đọc đến câu cuối cùng. Câu thơ đó có thể ở lại với ta suốt một đời người.
Một buổi chiều, tôi lang thang trên đường phố Hà Nội, đi một mình trong khi chờ đợi chồng con (được một ngày mẹ cho) đang phân tán trong phố cổ trở về đi ăn tối. Vừa đi vừa ngắm nghía hai bên: phố, người, xe tấp nập buổi tan tầm, chạy đâm vào nhau, như những con rối trong tuồng múa rối nước. Cái cảnh này trên thế giới chỉ có ở những nơi đất hẹp người đông như Hà Nội, Sài Gòn Việt Nam ta có lẽ là hai nơi điển hình nhất. Chen giữa bước chân đi là những hàng ăn, hàng uống bầy cả ra hai bên phố. Ngay trước các cửa hiệu hàng hóa, ai muốn bán thì cứ bầy ra bán. Ở một con ngõ vào xóm người ta cũng có thể giăng một tấm bạt từ vách tường của nhà bên phải sang vách tường của nhà bên trái ở ngay đầu ngõ làm thành một quán cà phê hay một quán bán chè, bán cháo. Ai may mắn có được cái mặt tiền độ ba thước vuông là thành một cửa hiệu khang trang lắm rồi, còn không thì cứ bầy ngay ra trên lối đi, trên một nắp miệng cống cũng để vừa một gánh hàng rong. Khách hàng xúm xít ngồi xuống ăn uống rất là tự nhiên, giản dị, thưởng thức món ăn rất hạnh phúc, chẳng kém gì những người khách ở trong một nhà hàng sang trọng thưởng thức món ăn của mình.
Tôi hòa mình vào trong cái dòng sinh mệnh đông đảo đó. Lang thang mãi, mỏi chân và khát nước, thấy thèm một ly trà quá. Thật may, một cái quán bán nước trà, kẹo lạc (đậu phọng) đơn sơ ngay góc đường Tôn Ðức Thắng và Ðoàn Thị Ðiểm. Quán không có bảng hiệu, vài cái bàn thấp và ghế đẩu, nhưng gần như mọi người đã ngồi hết, tôi đứng loay hoay một vài giây chưa biết làm sao, bỗng có người giúi cho vào tay chiếc ghế đẩu, mà chẳng nói câu gì. Tôi vội vàng cám ơn và nhận được một nụ cười. Ngồi xuống chưa kịp gọi, thì chủ quán, một người đàn bà trẻ khoảng ngoài ba mươi đã đem đến trước mặt tôi một ly nước trà, và cái đĩa nhỏ có mấy chiếc kẹo. Chị không nói câu nào, đặt ly nước trà bốc khói, thơm ngát xuống ngay một một góc bàn đã có bốn người ngồi trước mặt tôi với một nụ cười, tôi cũng cười lại đáp lễ, cúi xuống nhìn vào ly nước một giây, rồi uống một ngụm nhỏ. Nước trà vừa chát, vừa ngọt, vừa thơm. Ðúng là trà mộc Thái Nguyên. Uống ngụm trà mà như uống một nụ cười. Hình như những người ở trong quán này ai ai cũng hào phóng nụ cười.
Nước trà làm tôi tỉnh hẳn người, lúc đó tôi mới để ý nhìn chung quanh. Quán trà nhỏ xíu nhưng ấm cúng và giản dị. Chị chủ quán đang loay hoay với nhũng chiếc ấm, những hộp, những gói trà và những chiếc ly thủy tinh. Ánh lửa ở chiếc lò ga hắt lấp lóe lên một bên má chị, nhìn thấy cả đuôi lông mày của con mắt bên đó, kéo dài một nét thanh thanh, cái bóng nhỏ bé của chị hắt một vệt rất mờ lên vách. Cả quán có ba chiếc bàn vuông và một chiếc bàn dài, bàn vuông ngồi được hai người, bàn dài ngồi được bốn người. Quán rất hẹp nên các bàn kê gần nhau lắm. Bàn nào hình như cũng chêm thêm ghế, khách ngồi sát vào nhau rất thân mật. Họ chụm đầu vào nhau trò chuyện, nhai kẹo lạc ròn thành tiếng. Khói trà nghi ngút bốc lên ngang mặt mọi người, nhưng sau làn khói mỏng manh đó, những con mắt vẫn ánh lên khi họ nhìn nhau trò chuyện.
Thỉnh thoảng họ lại giơ tay đập vào vai nhau rất thân thiện.
Quán trà binh dân này không có tiếng hát, tiếng nhạc vỡ ra từ máy phát thanh hay truyền hình như ở các quán khác, nên không khí rất êm ả. Khách nói chuyện với nhau rất khẽ, khẽ đến nỗi không nghe được tiếng, chỉ thấy những bàn tay xòe ra, nắm vào, những ngón tay chỉ vào ngực mình, hay chỉ vào mũi người khác thi nhau múa lên. Nếu họ nói thành tiếng thì chắc quán đang ồn lắm. Mặc cho tiếng ồn ào của xe gắn máy, tiếng còi xe bóp inh ỏi, tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng rao hàng và cả đôi khi chen vào cả tiếng cãi cọ trước cửa quán. Những người vào đây uống trà họ giữ được không khí rất thinh lặng. Nói rất khẽ và cười rất nhẹ. Chị chủ quán luôn luôn biết ý khách hàng. Không đợi gọi. Kẹo chưa hết đã đem ra, trà lúc nào cũng được rót đầy ly đem tới. Chị thong thả chuyên nước sôi từ ấm sang bình. Tiếng nước sôi trên bếp cũng nhẹ nhàng như tiếng guốc chị di chuyển, hình như tôi nghe được cả tiếng thở của chị.
Tôi uống đến ly trà thứ hai và ăn gần hết chiếc kẹo, tỉnh hẳn người, lúc đó mới quan sát kỹ đến những người khách chung quanh mình. Phần đông còn trẻ, người lớn tuổi nhất chắc chỉ khoảng bốn mươi, họ đang nói chuyện với nhau bằng những bàn tay múa khoa lên trong quán. Cách nói chuyện của họ làm tôi liên tưởng đến một lớp Sign Language ở College tôi đã theo học cách đây mấy năm. Câu đầu tiên chúng tôi học là lấy ngón tay chỉ vào giữa ngực mình, xong xòe bàn tay ra áp vào bên trái ngực, rồi chỉ ngón tay vào người đối điện. Như thế có nghĩa là I love you. Tôi đã học hết khóa vỡ lòng và có thể nói chuyện vài ba câu thông thường với người câm, điếc. Bẵng đi một thời gian không học tiếp theo, bây giờ khó mà nhớ lại được hết những điều mình đã học.
Chị chủ quán đã đến gần tôi với một mảnh giấy, đưa cho tôi đọc.
“Ðây là quán Trà của người câm và điếc, bà cần gì thêm xin viết xuống đây”
Tôi ngẩn người ra nhìn chị, chị nhìn lại tôi cũng vẫn với nụ cười. Tôi viết lên tờ giấy của chị vừa đem đến, hỏi chị mở quán này bao lâu? Thì chị cho biết là mới hai năm, sau khi vừa lập gia đình, anh cũng là người dùng ngôn ngữ thinh lặng như chị. Chúng tôi tiếp tục bút đàm với nhau, chị nói khi mới mở quán trà, muốn bán cho tất cả mọi người, nhưng khách nói được đến uống trà thấy cứ phải bút đàm với chủ quán mất nhiều thời giờ quá trong khi khách không nói được thì cứ giơ tay chỉ trỏ vào họ, nên họ bỏ đi. Dần dần những người câm, điếc rủ nhau đến đây uống trà, coi như quán này mở ra chỉ để dành riêng cho họ, những người đối thoại thinh lặng.
Tôi ngồi im trong bóng chiều chập choạng, một vài cửa tiệm đã lên đèn, chị chủ quán cũng bật lên một ngọn đèn điện ở một góc quán, ngọn đèn không được sáng lắm, nhưng cũng soi rõ những bàn tay đưa ra, những ngón tay chỉ trỏ vào nhau, tôi ngắm nhìn những bàn tay đó cố vận dụng vốn liếng ít ỏi đã học được của mình, dần dần tôi hiểu họ đang nói với nhau về việc làm, giá sinh hoạt, có người có con vừa ở bệnh viện ra, có người vừa thất nghiệp. Tôi dở quá nên nghe được mà không nói được. Nếu tôi còn nhớ để nói chuyện được với họ thì hay biết bao!
Nếu ai đã từng được thưởng thức tuồng Nô của người Nhật, là một loại tuồng trong đó các diễn viên sơn mặt trắng toát giống nhau, khi diễn kịch không nói tiếng nào, chỉ diễn tả bằng cách khoa tay múa chân, người xem phải đoán được cảm xúc của họ qua những cử chỉ đó, thì thấy những người đang uống trà trong quán này giống như họ vậy, có khác một điều là những người này không phải kịch sĩ, không quét sơn trắng lên mặt, nên ta đọc được cảm xúc trên từng cái cau lông mày, cái cười mệt mỏi nửa miệng, hay nụ cười nở tung ra như một đóa hoa.
Tôi phải nhờ chị chủ quán thông dịch lại cái ngôn ngữ thinh lặng này. Tôi viết xuống giấy câu hỏi, rồi chị chủ quán dùng tay nói lại với họ. Chị cho biết phần đông những người này không biết đọc, biết viết. Nếu tôi muốn nói chuyện với họ, phải nói thật to, không được dùng tay che miệng, họ sẽ nhìn miệng tôi mà đoán tôi đang nói câu gì.
Có người rút ở trong túi ra một tờ giấy, có bọc plastic với một dòng chữ in sẵn: Tôi vừa câm vừa điếc. Không biết chữ. Xin nói to và đừng che miệng. Tôi nhìn tờ giấy được giữ gìn cẩn trọng như một tờ căn cước mà trong lòng rưng rưng, thấy nghèn nghẹn ở cuống họng, vội cúi xuống uống ngay một ngụm trà.
Tôi ngồi chuyện trò với họ bằng sự trợ giúp của chị chủ quán, chúng tôi nói với nhau về những đời thường. Chuyện gia đình, chuyện học của con, chuyện việc làm của cha mẹ. Họ hỏi tôi về cái đất nước xa xăm tôi sống, ở đó những người câm, điếc được giúp đỡ thế nào? Chúng tôi hỏi nhau cả về chuyện uống trà. Câu chuyện càng lúc càng thân thiện cởi mở, họ nói năng tự nhiên, ước mơ giản dị, chỉ mong kiếm đủ ngày hai bữa, có chút tiền dành dụm phòng khi con cái ốm đau và đủ tiền đóng học phí cho con mỗi khóa học.
Nhưng buổi chiều tan việc, họ bỏ lại tất cả nhọc nhằn khuân vác trên bến dưới thuyền ở những bãi sông; những túi xi măng, những viên gạch, tảng đá ở nơi xây cất; cái cuốc cái xẻng ở một con đường đang đào, đắp nào đó, ghé uống mấy ly nước trà và gặp những người cùng chung ngôn ngữ với họ, ngôn ngữ thinh lặng trong quán trà thinh lặng này.
Tôi ngắm nhìn họ cầm ly uống trà rất là bình dân, với vẻ sảng khoái, hình dung ra ở một nơi uống trà khác của những người được gọi là thanh lịch.
Những quán trà dành cho tao nhân mặc khách có những nghi thức cầu kỳ gọi là Trà Ðạo. Khi cho trà vào ấm thì gọi là Ngọc Diệp Hồi Cung.
Khi tráng trà thì gọi là Cao Sơn Trường Thủy ( rót nước 60 độ, cao cách trà 20-30 phân)
Khi pha trà thì gọi Hạ Sơn Nhập Thủy ( rót sát miệng ấm, nước sôi đủ 100 độ) Khi nhấc chén trà lên thì mấy ngón tay cũng được thăng hoa gọi là ba con rồng Tam Long Giá Ngọc, trước khi uống ngụm trà đó phải từ tốn đưa lên mũi từ trái sang phải thưởng thức mùi thơm của trà gọi là Du Sơn Lâm Thủy.
* Chao ôi là nghi lễ, là cầu kỳ.
Những người uống trà trong quán trà Thinh Lặng này họ giản dị lắm, trà do chị chủ quán pha một bình lớn, rót ra sẵn trước mặt, họ cầm lấy chén trà, nhìn nhau bằng những ánh mắt thân mật, ngửa cổ lên uống một hơi đầy, uống theo cả mệt nhọc của một ngày lao động vất vả vào lồng ngực. Họ chỉ vào ngưc mình, ngực bạn, nói lòng quý mến nhau. Những tiếng động bên ngoài đường của xe cộ, của âm thanh ầm ĩ, họ bỏ cả ngoài tai. Trong những lồng ngực đơn sơ đó cái âm thanh tĩnh lặng kéo dài theo nhịp đập êm ả của trái tim.
Tôi chào họ ra về, mang theo quán trà Thinh Lặng trong trái tim nhiều tiếng động đời thường của mình, nước mắt bỗng ứa ra.
Chao ôi, là quê hương yêu dấu! Mỗi chỗ giấu một điều bí mật, ta có may mắn tìm thấy, khác nào như những người tìm được châu báu trong kho tàng cổ tích thần tiên.
Trần Mộng Tú
03/2008
Hồi nhỏ tôi không thích ăn xôi. Đơn giản vì mẹ tôi bán xôi, mỗi khi bán ế, bà thường “mời” tôi ăn. Con nít ăn hoài một thứ ngán. Đôi khi tôi làm eo không ăn, bà chẳng nói gì.
Rồi cũng có cách “gỡ” lại. Tôi giả vờ ốm, không ăn cơm. Ốm đau ai lại gợi ý ăn uống này nọ. Tôi cũng hiểu thế. Bà hỏi tôi ăn cháo, tôi lắc đầu. Bà hỏi tôi ăn phở, tôi nín lặng. Thế là tôi có phở. Một tô phở thì chẳng nhằm nhò gì với thằng nhóc đang tuổi nghịch ngợm. Tôi lén bà xuống bếp xúc thêm cơm ăn với nước phở.
Có lẽ giờ này bà đã bước vào cảnh giới nào đó, làm gì còn luẩn quẩn ở cõi ta bà này để trách móc thằng con ăn hại, nuôi mãi không lớn của bà.
Mẹ tôi cưng nhưng không chiều. Tính tôi quậy phá, có bị nọc xuống phết vài roi cũng chẳng lấy gì oan ức. Tôi lỳ đòn. Ba tôi ít đánh, nhưng đánh đau, tôi gồng mình chịu, không kêu khóc. Với mẹ tôi thì khác, roi chưa chạm đến mông tôi đã gào lên thảm thiết.
Những trò chơi giả ốm ăn phở, già họng né đòn thường tỏ ra đắt giá và hiệu nghiệm. Tôi tự hào về mấy trò mánh mung này. Sau này có con, tôi mới hiểu đó là những trò rẻ tiền. Áo mặc sao qua khỏi đầu.
Nghề bán xôi coi vậy mà cực. Mẹ tôi phải thức dậy sớm từ ba giờ sáng để nấu xôi. Thức sớm hơn, bà không dám ngủ lại, sợ ngủ quên, lỡ buổi bán. Hồi đó giờ Sài gòn chạy sớm hơn giờ bây giờ một tiếng. Bà rời nhà với thúng xôi khi trời chưa sáng, và về nhà lúc tám giờ dù bán hết hay không. Khách hàng là học sinh, người lao động, quá giờ đó thì bán cho ai, vả lại xôi cũng nguội rồi, bà bảo thế.
Hồi thức khuya học thi, bà thường mang lên tôi cho tôi ly cà phê nóng, và trước khi quẩy thúng xôi đi, bà lại đem lên cho tôi khi thì tô mì gói, khi thì đĩa xôi nóng. Thức cả đêm, dồn hết năng lượng vào mấy bài tập toán-lý-hóa, thì món xôi nóng lúc đó dù phải ăn triền miên cũng không phải là điều quá tệ.
Mẹ tôi mù chữ (thứ thiệt), nhưng tính nhẩm thì…thầy chạy. Ba tôi mất sớm, nên chuyện cúp cua, lêu lỏng, kể cả nhái chữ ký trong học bạ, tôi qua mặt bà thoải mái. Không quản lý nổi việc học của thằng con, bà dồn tất cả sự quan tâm vào chuyện ăn uống, sức khỏe và niềm vui của tôi. Chợ búa, bếp núc, giặt dũ,… là những việc hầu như chẳng bao giờ tôi rớ tới. Sau này, xa nhà kẹt quá phải đi chợ, tôi chẳng bao giờ chuốc lấy phiền muộn vào cuộc chơi trả giá, ngay cả việc xách bó rau ra khỏi chợ vẫn còn ngường ngượng.
Có hôm tôi dở chứng ngoan ngoãn quét nhà, bà cười mỉm. Lát sau thấy bà lặng lẽ quét lại. Giặt giũ cũng thế, quần áo ngâm chưa kịp giặt, bà chờ tôi đi, rồi vò lại cổ áo, gấu quần. Nấu nướng thì, bà luôn miệng nhắc nhở : “chờ mỡ sôi, rồi mới đập trứng vào”… Đại loại là thế. Dưới con mắt của bà, việc nhà tôi chẳng làm được gì đến nơi đến chốn cả, chỉ nên ăn, học và…chơi (khoản sau cùng là tôi suy đoán). Nói theo cách mà bà vẫn thường “mắng” tôi là… thằng ăn hại. Tôi cũng chẳng vừa: “Con thấy mẹ vui khi “hầu” thằng ăn hại”. Bà cười, đập tay tôi: “ Tôi đẻ ra anh, mà lại không biết anh muốn gì à!”. Tôi cười thầm“ Con từ trong bụng mẹ chui ra, sao lại không biết mẹ nghĩ gì!”. Dĩ nhiên bà chẳng bao giờ nghe được những lời nói thầm đó.
Thật ra tôi cũng đâu đến nỗi vô tích sự như thế. Tết Đoan Ngọ nào mẹ tôi cũng làm cơm rượu bằng nếp vàng. Cơm rượu bà làm thì ngon tuyệt, thơm, ngọt và hạt nếp mềm nhưng vẫn còn độ dẻo. Hồi 6, 7 tuổi tôi vẫn lén ăn vụng cơm rượu khi nó chưa kịp ngấu, say xỉn đến nỗi bỏ cả học. Dạo sau bà than phiền, sao rượu mau chua quá. Tôi hứa sẽ giải quyết được. Bà nhìn tôi ngờ vực. Sự cố rượu hóa chua là vấn đề nan giải ở thời Louis Pasteur, chứ thời nay, với thằng có nghề như tôi đâu có gì là khó. Đó là lần duy nhất trong đời tôi đã dùng sở học của mình để giải quyết “việc nhà” cho bà. Nhưng “thành tích” này vẫn không đủ để bà thay đổi cái nhìn về tôi. Trong con mắt của bà, tôi chỉ là đứa con chưa trưởng thành. Dù các con tôi đã lớn, đã tốt nghiệp và đi làm, nhưng thằng cha chúng vẫn bị bà nội đưa vào diện cần quan tâm đặc biệt, ra ngoài vẫn bị nhắc nhở quên nón, mang theo áo mưa…
Hồi cuối thập niên 70, buồn tình tôi mượn xe xích lô của người bạn, cảo lai rai kiếm tiền xài vặt. Bà nắm tay tôi than thở, “ Công lao mẹ nuôi con ăn học, học cho cố vào, bây giờ lại ra nông nỗi này, sao thể hở con?…”. Tôi cười gượng,: “Con chỉ đạp chơi cho biết mùi đời thôi, còn ban ngày con vẫn làm ở phòng thí nghiệm mà”. Bà thở dài …
Những năm cuối đời, mẹ tôi đi lại khó khăn, xe lăn không chịu ngồi, nhưng được cái bà con chòm xóm hay tới chơi, giã trầu đưa chuyện với bà. Có lần vào siêu thị, thấy bày bán mấy chai nước mắm nhỏ cỡ 30 ml, đạm cao, giá đắt, chắc là hàng chất lượng cao. Tôi mua 5-6 chai nhét túi quần mang về biếu bà. Quê mẹ tôi ở ven sông Hồng, ngoài đê, chỉ trồng bắp, không trồng lúa được, nên bà qúy hạt gạo lắm. Bà bảo, ăn cơm với rau bí chấm nước mắm ngon còn hơn ăn thịt.
Thấy thằng con trịnh trọng moi túi quần ra mấy chai nước mắm, bà nhìn tôi khâm phục. Tôi thì thầm: “Nước mắm thượng hạng đấy, để chấm với rau bí. Mẹ đừng dùng nêm nếm”. Bà giữ kỹ mấy chai nhỏ xíu đó lắm, mỗi ngày dùng một ít, và không quên khoe với mấy bà hàng xóm nước mắm thượng hạng thằng con bà mua biếu.
Bẵng đi một vài tuần, tôi cao hứng nếm thử nước mắm. Trời đất như muốn sụp, tôi biết ngay mình bị bợm. Với cái đầu nghề nghiệp, tôi có thể đoán ngay ra nhà sản xuất đã giở những chiêu phép gì. Tôi phạm vào sai lầm hết sức sơ đẳng là đã không nếm thử trước khi đưa bà. Tôi như phát cuồng. Ăn học làm gì, bằng cấp làm gì mà mua chai nước mắm cho mẹ cũng không nên thân. Vậy mà cũng bày đặt đi dạy, viết sách, viết báo về an toàn thực phẩm, khuyên người ta thế này thế nọ. Trời ơi! Sao mặt đất không nứt ra để tôi vùi cái bản mặt mình xuống cho rồi. Tôi nài nỉ bà đổi loại khác ngon hơn. Bà gạt đi, “ Nước mắm này ngon, anh biết gì mà cứ rộn lên”. Bà vẫn tiếp tục dùng mỗi ngày thứ nước mắm chết tiệt đó, vẫn tiếp tục khoe với mấy bà hàng xóm, mà không bao giờ mời họ nếm thử. Tiêu chuẩn chất lượng nước mắm của bà khác với đời thường.
Dạo này tôi mất ngủ, đúng hơn là ngủ ít. Hai ba giờ sáng đã tỉnh dậy, không sao ngủ lại được. Tôi bước ra bàn thờ thắp nén nhang, đun nước pha ly cà phê, rồi thả người xuống ghế sa lông đọc sách. Nửa đêm về sáng thế này, đôi lúc thèm ăn vặt một thứ gì đó, một gói xôi nóng hay một tô mì gói, nhưng cái tật lười biếng quen thói đã giữ chân tôi lại. Có khi tôi chột dạ, tưởng như bắt gặp ánh mắt vừa chế diễu, vừa trách móc của mẹ tôi từ di ảnh trên bàn thờ.
Đà Lạt mùa này mưa lạnh, mưa rả rích cả đêm. Nén nhang trên bàn thờ đã tàn quá nửa. Vậy là mẹ tôi mất cũng hơn 3 năm rồi. Có lẽ giờ này bà đã bước vào cảnh giới nào đó, làm gì còn luẩn quẩn ở cõi ta bà này để trách móc thằng con ăn hại, nuôi mãi không lớn của bà.
Tóc tôi đã bạc quá nửa. Cũng sắp đến ngày phải ra đi. Không biết ở cảnh giới khác, hai mẹ con có gặp nhau không? Gặp nhau mà có nhận ra nhau không? Tôi chắc mẹ tôi sẽ nhận ra tôi, bà nhận ra tôi bằng trái tim muôn kiếp của người mẹ. Còn tôi, tôi cũng sẽ nhận ra mẹ tôi, tôi nhận ra bà từ bản năng của thằng ăn hại.
Vũ Thế Thành