a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

ĐẠI THỤ VẪN XANH LÁ…



Nhân sinh “bát” thập cổ lai hy. Thời nay khoa học tiến bộ nhanh, cuộc sống được chăm lo tốt hơn, đời sống phong phú hơn; nên tôi mạn phép “chỉnh” chút xíu câu nói người xưa cho đời dài ra..., chắc vui hơn!
Nhìn lại cô thầy HD rất đông và người cao tuổi không ít. Tuổi suýt soát 80 và hơn nữa kể ra như cô Hồng Mộng, thầy Tôn Bá, cô Kim Dung, thầy Cao Văn Bảy, thầy Tiết Tháo, thầy Trần Lộc, thầy Xuân Vịnh, thầy Vĩnh Tráng, thầy Cộng Hưởng, thầy Hiền Tâm... Chắc chắn với các cầu nối thông tin còn hạn hẹp của mình, tôi còn thiếu sót tên nhiều cô, thầy cao tuổi. Rất mong cô, thầy niệm tình tha thứ. Đồng môn nào biết comment bổ sung.
Những cô, thầy tôi có biết như trên, đang cư ngụ nhiều nơi. Rất xa như Hoa Kỳ, Tây Âu; gần hơn là Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Tre. Dĩ nhiên gần nhất là quê nhà Ba Xuyên. Còn may mắn, nhiều thầy sức còn khá tốt, tinh thần minh mẫn. Cây đại thụ cao niên nhất, vừa mừng sinh nhật 90 trong năm 2018, thầy Võ Văn Thiên, còn khá khoẻ, có thể cầm ly chúc mừng nhau khi gặp lại đồng nghiệp xưa, trò cũ. Mới gặp đây, thầy còn vui vẻ khoe “ Con Ngọc Thuỷ bên Cali mới gởi thầy hai đĩa nhạc do nó hát. Hay lắm!”. Mừng ngọn đại thụ này còn xanh lá! Chắc có phần nhờ ơn trên TĐ Hoàng Diệu ban phần. Nhất là chung quanh thầy còn nhiều nguồn năng lượng truyền động lực tới thầy; đó là con cháu hiếu thảo, chan hoà; đó là tình cảm từ những bạn dạy học chung thuở nào và cũng có góp phần từ tình cảm quý mến của những thế hệ trò xưa. Mong là tinh thần và ý chí của thầy sẽ tạo niềm vui, tạo xung lực để các cô thầy cao tuổi còn lại theo kịp thầy đón chào thượng thượng thọ.
Cuối năm thăm thầy, mới 2 giờ sáng thầy Hiền Tâm thức sớm, bắt xe từ Bến Tre lên Sài Gòn. Loay quay thầy vấp té trong nhà, may chỉ ê ẩm mình mẩy. Tại điểm hẹn Sài Gòn, có thêm thầy Xuân Dũng, thầy Cấn Phan Nhiếp. Xe bảy người, kín chỗ, nhà thầy Thiên là điểm xa nhất hành trình. Các con thầy vừa góp tiền xây lại, nhà thầy thật khang trang và đẹp. Con gái thầy chuẩn bị hai con gà nướng, bánh mì... Thầy cầm ra chai rượu, vậy là buổi đoàn viên sôi nổi ồn ào. Thêm anh Lâm Tài Hưng (con cô Chất) an cư xa quê, lại khá gần nhà thầy, được gọi tới. Thêm phần rôm rã. Thầy cầm ly mà hỏi thăm từng người. Hết rượu, chuyển sang bia... Tinh thần phấn chấn, thầy “rủ” ngủ lại mai về. Chuyện này đã từng mấy năm trước. Cũng đội hình này, thêm thầy Phái, thầy Bá (thầy Bá đã định cư Hoa Kỳ) trong buổi chiều se lạnh cuối năm tới khu đất vườn nhà thầy Thiên. Trong không gian mở, mọi người như mở lòng hơn nên bia rượu cũng nhiều hơn, thời gian vui vẻ dài hơn. Nhưng bây giờ khác, mai tôi có mặt Sóc Trăng kịp đưa cô Hưởng về đất Phật, nên chia tay khi chiều tà. Chia tay, tôi chúc đại thụ mãi còn xanh lá! Thầy cười nói “lá cũng rụng bớt rồi”. Thầy chúc an lành, chúc tết... Chia tay đầy lưu luyến, hẹn nhau trong họp mặt thầy trò HD ở Sài Gòn.
Trước đó, xe đã ghé nhà thầy Xuân Vịnh. Gầy hai năm trước thầy vấp té trong nhà, ảnh hưởng đốt xương sống, thầy phải nằm. Cũng may mắn, thầy đã có phần tự hồi phục, có thể ngồi khoảng nữa tiếng. Ngồi lâu bị nhức lưng. Thầy vui vẻ như là lúc nào thầy cũng ở trạng thái này khi gặp chúng tôi. Thầy còn hỏi thăm những đồng nghiệp khác. Thầy nói lần bệnh này lâu quá, không đi thăm ai được! Thầy đau nằm đó, cô cũng yếu chân, đi lại phải có cái ghế hỗ trợ đi đứng. Nữa tiếng hàn huyên, chúng tôi chia tay thầy, ngại ngồi lâu thầy lại bị đau. Sự cố xương sống của thầy, bệnh viện Sài Gòn trị được. Phải vi phẩu thuật chỉnh lại đốt xương bị mẻ không chạm vào bó dây thần kinh, sẽ không bị đau. Nhưng việc này đòi hỏi nghị lực, tinh thần của thầy. Và nhất là còn đương đầu suýt soát trăm triệu tiền chi phí! Nếu không sơ sẩy vấp té, chắc chắn thầy còn sức khoẻ để đến thăm và dự những buổi họp mặt diễn ra ở Sài Gòn, thậm chí ở Sóc Trăng. Cầu ơn trên phò hộ đại thụ này, một người thầy được sự kính trọng và ngưỡng mộ.
Trong lịch trình thăm thầy, nói cụ thể hơn là thăm thầy đang không khoẻ, chúng tôi ghé nhà thầy Quang An trước vì thuận đường. Thầy nằm đó, ánh mắt có biểu lộ sự vui vẻ nhưng không được đầy đủ, rõ ràng như những lần thăm trước. Thày không nói được và biểu lộ tình cảm là nắm lấy tay từng người, bóp bóp nhẹ như bông! Thầy còn ăn tốt, sức cũng khá nhưng không tương tác được với người đối diện. Chắc nơ ron thần kinh thầy bị giảm theo thời gian. Khó mong ở sự phục hồi thần kỳ. Nhìn thầy ngồi bất động trên xe lăn mà bùi ngùi, không nở chia tay. Thời gian, theo góc nhìn, rất khác nhau. Nhưng rõ ràng với người lớn tuổi, thời gian trôi như nhanh hơn và mang theo nhiều bất ngờ không mong muốn. Đôi khi nó là lưỡi dao khắc nghiệt khứa vào mong mõi, lẻ sống ai đó. Chỉ mong là dữ ít lành nhiều.
Cách nhà thầy An không xa là nhà thầy Khắc Thạnh. Hai năm trước thầy còn tự lái xe gắn máy dự họp mặt trên Sài Gòn, nay bất ngờ thầy xuất hiện với sự hỗ trợ của cô và cái ghế. Thầy gọi đủ tên họ từng người. Đó là điểm riêng của thầy với trí nhớ tốt về học trò. Nay may mắn trí nhớ thầy chưa suy suyển! Cô nói thầy đi bộ đoạn ngắn là bị mệt nên phải đi theo kèm cho an tâm, bởi căn hộ cô thầy tới tận lầu năm. Thầy hỏi thăm từng người, thắc mắc sao không thấy chị Hoàng Yến. Mỗi khi thăm thầy thường có chị Yến tham gia nhưng nay đang bên Úc, cận Tết mới về. Bên bàn nước trong quán cà phê, buổi thăm hỏi cũng qua đi khi các ly nước đã cạn. Chia tay, thầy có câu hỏi là không biết sao thầy ngủ hay nghiến răng! Đồng môn nào biết cách chỉ dùm! Những buổi họp mặt sau này sắp thiếu thêm một người thầy, bởi tình trạng sức khỏe này thầy không đi xa được. Biết chỉ để thêm buồn, nhưng không thể không đối mặt thực tế. Thời gian sao khắc nghiệt!
Xe về tới Sóc Trăng hơn mười giờ đêm. Chưa thăm kịp thầy Tráng và thầy Tháo như dự tính, bởi thời gian ít quá. Hoàng Minh định mai thăm thầy Huỳnh Vĩnh Trung và thầy Trần Lộc vì hai thầy sức khoẻ cũng không thật tốt. Làm Trưởng ban LL CHS đâu ít đa đoan… Mười giờ sáng tôi tới đám tang cô Hưởng. Hai ngày qua tôi lên xuống Sài Gòn hai lượt, chỉ nhờ người tới phúng điếu. Tôi lạy tiễn biệt cô xong, “đại thụ” tới bắt tay. Thầy Hưởng khá hốc hác, hơn hai tháng chăm sóc cô trong bệnh viện thầy giảm hơn chục ký! Động quan buổi trưa nên không gian không ồn ào lắm, dòng người tiễn đưa cũng đông. Tôi gặp đại thụ, thầy Trần Lộc, con đưa tới, để thầy chia sẻ với đồng nghiệp. Thầy nói sức khoẻ còn ổn, nhưng con mắt sau khi mỗ mấy năm trước tới nay không phục hồi, bị choá sáng, thầy phải mang kiếng đen. Còn có thầy Trương Tấn Lộc trong đoàn đưa. Dù chú ý nhưng chắc tôi không quan sát hết. Trò đến đưa cô, có anh Cua 65, anh Thạnh 65 và phu nhân 69, Chiêu 71. Bất ngờ là chị Đến 65 kêu tôi! Chị định cư Hoa Kỳ năm rồi, về tới SG hồi đêm và ráng về Sóc Trăng ngay trong đêm để kịp đến đây chia tay cô. Chị Đến coi trắng và trẻ ra. Chị nói bên Texas chị vẫn ráng đạp xe giữ sức hàng ngày. Một tấm gương rèn luyện sức khoẻ.
Nhớ câu nói cũ, năm tháng trôi qua cái tình đọng lại. Nhưng ngày càng chất chứa. Mong rằng tình cảm chất chứa là nguồn năng lượng tốt hỗ trợ cô thầy vượt qua mọi khó khăn, nhất là thầy cô đang bệnh hoặc cao tuổi. Cầu mong những đại thụ xanh lá, dẫu là lời mong ước quá lớn lao, nên kèm theo là niềm tin mọi việc đều có thể xảy ra!

Mùng 10 tháng chạp 2018
TK LỰC