Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và chẳng thể tập trung cho một ngày dài học tập và làm việc. Để cơ thể luôn tỉnh táo, bạn nên thử áp dụng một số giải pháp sau.
Dậy đúng giờ
Bạn nên thức dậy như ngày bình thường, không nên ngủ nướng vì điều đó chỉ khiến nhịp sinh học bị đảo lộn.
“Sai lầm lớn nhất ở những người bị mất ngủ là cố gắng ngủ thêm một chút vào buổi sáng với hy vọng vài phút cố gắng đó có thể đem đến cho họ sự tỉnh táo”, tiến sĩ Chad Ruoff – Giáo sư tâm thần lâm sàng tại Trung tâm Giấc ngủ thuộc Đại học Stanford nói.
Uống đủ nước
Khi không ngủ đủ giấc, việc bổ sung nước vào buổi sáng là rất quan trọng, nó giúp bạn tránh được tình trạng khô da, miệng đắng.
Bên cạnh uống nước, hãy bổ sung nước cho cơ thể bằng các loại trái cây, đồ uống như cam, dâu tây, dưa chuột…
Uống cà phê
Trong cà phê có chứa hàm lượng cafein khá lớn, chúng giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn ngay cả khi thức trắng cả đêm. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng quá nhiều bởi có thể dẫn đến đau đầu, căng thẳng.
Tập thể dục
Tiến sĩ William Kohler, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Giấc ngủ Florida cho rằng, một vài động tác chống đẩy hoặc chạy vòng quanh tòa nhà cũng thúc đẩy sự tỉnh táo bằng cách giải phóng kích thích tố adrenaline.
Vì vậy, dù cảm thấy mệt mỏi, hãy cố gắng thực hiện những động tác đơn giản để cải thiện tinh thần.
Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên
Các chuyên gia khuyên rằng, nên tránh tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ bởi lẽ ánh sáng xanh từ chúng sẽ khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm.
Mỗi buổi sáng, thay vì cầm ngay chiếc đện thoại, hãy đi về phía cửa sổ và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, hít thở sâu tận hưởng bầu không khí trong lành, cơ thể sẽ khoan khoái, tỉnh táo hơn.
Chợp mắt một giấc ngắn
Một giấc ngắn khoảng 20-30 phút vào buổi trưa sẽ giúp bạn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng để tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Không nên ngủ quá lâu để tránh mất ngủ vào ban đêm.
Thiên Thanh
Trẻ gặp rối loạn giấc ngủ vì thói quen sử dụng thiết bị điện tử của cha mẹ
Cha mẹ ngủ muộn, sử dụng các thiết bị điện tử quá khuya ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng giấc ngủ của con cái.
Số liệu của NHS Digital, Trung tâm Thông tin Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội của Anh cho thấy lượng trẻ em thanh thiếu niên nhập viện vì rối loạn giấc ngủ tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của SuperAwesome, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường của Anh, trẻ em từ 6-14 tuổi ở khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, cao hơn tới 20% so với một cường quốc công nghệ như Mỹ.
Thói quen sử dụng các thiết bị số như tivi, điện thoại, máy tính… trước giờ đi ngủ của các thành viên trong gia đình dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu ngủ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như thần trí.
Không phải tự nhiên trẻ rối loạn giấc ngủ, chính thói quen sống của cha mẹ là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ. Khi cha mẹ còn thức và tiếp tục sử dụng thiết bị số thì việc yêu cầu trẻ đi ngủ đúng giờ là rất khó.
“Ánh sáng xanh từ màn hình không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng mà tác dụng xấu tới việc nuôi dạy con. Nếu trẻ em thức khuya để sử dụng thiết bị số chơi game, lướt mạng xã hội thì cha mẹ là người phải nhận trách nhiệm chứ không thể đổ cho sự phát triển của truyền thông xã hội” – Tanya Goodin, chuyên gia về cai nghiện kỹ thuật số chia sẻ trên The Independent.
Vicki Dawson, người sáng lập Tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực giấc ngủ cho trẻ em, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ phải đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt về giờ ngủ.
Ông nói: “Nhiều cha mẹ làm việc đêm hoặc sử dụng thiết bị số ngày càng khuya, họ ngủ muộn hơn và chu kỳ nghỉ ngơi không được chú trọng. Tạo dựng thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc mới giúp giấc ngủ có chất lượng. Chế độ ăn uống cũng liên quan tới giấc ngủ. Trẻ em thanh thiếu niên hiện nay tiêu thụ nhiều đường và các đồ uống tăng lực là để bù lại sự thiếu hụt về giấc ngủ. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng ngược lại tới chất lượng giấc ngủ ban đêm”.
Khi thiếu ngủ, cơ thể phản ứng bằng cách kích thích sự thèm ăn và cảm giác đói. Chúng ta thường thích ăn những thứ không lành mạnh khi mệt mỏi. Ngoài ra, lo lắng cũng dẫn đến khó ngủ.
“Hai vấn đề trẻ em mắc nhiều nhất chính là bệnh béo phì và sức khỏe tinh thần. Chúng đều có liên quan tới chất lượng giấc ngủ”, Michael Farquhar, một nhà tư vấn về thuốc ngủ tại bệnh viện Evelina Children (Anh) chia sẻ.
Trẻ em cần được xây dựng thói quen ngủ lành mạnh từ sớm, không sử dụng điện thoại thông minh 1 giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Minh Lan
Bí quyết ngăn ngừa ung thư và lão hóa da mùa hè
Nhiệt độ tăng cao mùa hè, tiếp xúc với tia cực tím quá lâu là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều bệnh như đục thủy tinh thể, gây lão hóa da, những nếp nhăn và đốm đồi mồi. Vậy làm sao để chống nắng đúng cách, dưới đây là một vài lời khuyên dành khi ra đường vào mùa hè.
1. Bảo vệ da bằng cách chống nắng
- Che chắn cẩn thận.
- Đội nón rộng vành.
- Đeo kính râm bảo vệ mắt.
Lưu ý: Chọn kính bản to, che phủ càng nhiều càng tốt; khả năng bảo vệ khỏi tia UV có bước sóng đến 400nm; chống va đập, trầy xước; màu sắc: xám và nâu (cho màu sắc trung thực nhất).
- Quần áo, khẩu trang tối màu.
– Các loại vải cotton không tẩy trắng, lụa mỏng, polyester có độ bóng cao,… có khả năng hấp thụ hoặc phản xạ một phần tia UV.
– Một số loại quần áo được thiết kế đặc biệt giúp hạn chế tiếp xúc tia UV, biểu thị bằng chỉ số UPF – cho biết mức độ hấp thụ tia nắng mặt trời trên vải. Ví dụ, trên sản phẩm có UPF 30 thì chỉ có 1/30 tia nắng mặt trời được xuyên qua.
2. Sử dụng kem chống nắng
Kem chống nắng là lựa chọn hàng đầu giúp chống lại bỏng nắng và ung thư da. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại kem chống nắng dạng gel, mỡ, sáp, xịt… Cách sử dụng là thoa kem chống nắng lên da 15-30 phút trước khi ra ngoài. Nếu phải ra ngoài trong thời gian dài thì thoa lại mỗi 2 giờ.
3. Dưỡng môi
- Lựa chọn sản phẩm có SPF 15 trở lên. Nếu bạn có tiền sử ung thư môi hoặc da thì chọn sản phẩm có SPF 30 trở lên.
- Thoa lại lớp dưỡng môi mỗi 2 giờ.
- Son môi màu tối chống tia UV tốt hơn các loại son bóng.
4. Mỹ phẩm trang điểm
Sản phẩm trang điểm cũng có khả năng chống tia UV nhưng ở mức khá thấp. Nên thoa kem chống nắng dưới lớp trang điểm để tăng khả năng chống tia UV.
Theo Vogue,
Hồng Tâm biên dịch