a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

NGƯỜI KHỔNG LỒ HẠNG MỘT

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người




Nhiều người thích tờ 100 đô của Mỹ, nhưng chắc không mấy ai tò mò tự hỏi: Chân dung trên tờ tiền này là của ai? Một số người đoán có lẽ đó là một vị tổng thống nào đó của Hợp Chủng Quốc.
Thực ra đó không phải chân dung của tổng thống nào, mà là của một con người đóng vai trò trong lịch sử Hoa Kỳ còn hơn hầu hết các tổng thống.
Đó là một người khổng lồ của lịch sử nhân loại. Một người toàn tài. Một nhà phát minh và sáng chế hàng đầu. Một nhà kinh doanh tài ba. Một nhà tư tưởng xuất sắc. Một chính khách lỗi lạc. Một trong những ‘Người Cha Lập Quốc’ (Founding Fathers) và anh hùng dân tộc của Hoa Kỳ. Trong lịch sử nhân loại khó có ai có thể sánh được về tài năng và ảnh hưởng với con người này.
Ông là BENJAMIN FRANKLIN.
Benjamin Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại phố Milk, Boston. Cha Ông, Josiah Franklin, là người làm nến, xà phòng và bán hàng tạp hóa. Mẹ ông là vợ thứ hai của Josiah. Benjamin là con thứ 15 trong 17 người con của cha mình.
Do việc làm ăn của người cha sa sút, năm lên 10, Benjamin buộc phải thôi hẳn việc học ở trường. Năm 12 tuổi, Ben bắt đầu làm công việc của một thợ in cho xưởng in của anh trai James. Do ham học, cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ sách báo cậu có được.
Năm 1721, James Franklin lập ra một tờ báo lấy tên là New England Courant. Đây được coi là tờ báo độc lập đầu tiên ở xứ sở này. Khi đó, Ben tỏ ý muốn làm một người viết bài cho báo nhưng bị từ chối. Cậu bèn gửi bài theo bưu điện với bút danh là Mrs Silence Dogood, có vẻ như của một mệnh phụ. Và thật bất ngờ, những bài của cậu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nó nêu ra những vấn đề xã hội mà rất nhiều thành phần quan tâm. Tuy nhiên, James đã rất khó chịu khi phát hiện ra tác giả của những bài viết này chính là thằng oắt em trai mình!
17 tuổi, Benjamin bỏ nhà tới Philadelphia để tìm việc làm. Những năm sau đó, chàng trai phải vật lộn mưu sinh.
Chứng kiến sự trì trệ của xã hội, năm 1727, Franklin lập ra một hội lấy tên là Junto, gồm “những người thợ và thương nhân hy vọng hoàn thiện chính mình đồng thời hoàn thiện cộng đồng”. Việc xuất hiện của Junto châm ngòi cho phong trào hình thành các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác nhau ở Philadelphia.
Một trong những hoạt động quan trọng của Junto là đọc sách. Để có nhiều sách cho mọi người đọc, Franklin đã lập ra Library Company of Philadelphia (Công ty thư viện Philadelphia). Tiền mua sách do các hội viên đóng góp và các độc giả trả phí khi mượn sách. Công ty này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những thư viện vĩ đại nhất thế giới.
Năm 1730, Franklin thành lập xưởng in của riêng mình, đồng thời lập ra tờ báo The Pennsylvania Gazette. Tờ báo này nhanh chóng trở thành diễn đàn bàn về việc cải cách xã hội. Với tư cách chủ bút và là người viết những bài quan trọng đề xuất những tư tưởng cách mạng, Benjamin Franklin nhanh chóng có được uy tín của một nhà cải cách thông thái.
Cùng năm, Franklin nhận là cha của một đứa bé tên là William và không cho biết mẹ nó là ai. Ông đã nuôi William cho đến khi người này trưởng thành và được chính Ông dàn xếp để làm thống đốc New Jersey rồi trở thành nhân vật hoàn toàn bất đồng chính kiến với Ông: William là người bảo hoàng, trong khi Benjamin Franklin là nhà cải cách.
Tháng 9 năm đó, Franklin kết hôn (không hôn lễ) với bà Deborah Read, người đã từng có 2 đời chồng. Sau này, họ có với nhau 2 người con.
Năm 1731, Franklin trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Hội Tam Điểm ở Mỹ. Ông bắt đầu viết sách về tôn chỉ và hoạt động của hội này.
Năm 1743, Ông sáng lập Hội Triết Học Mỹ.
Trong những năm tháng đó, vốn kiến thức mà ông tích lũy được về khoa học và kỹ thuật đã đưa Ông lên tầm một nhà khoa học thực thụ.
Ông phát hiện ra là có 2 loại điện và gọi chúng là điện âm và điện dương. Ông nêu ra nguyên lý bảo toàn điện tích. Ông phân loại được các chất thành chất dẫn điện và chất cách điện, nhờ đó đã không gặp nguy hiểm về tính mạng khi thu điện từ các đám mây. Ông là người đầu tiên phát hiện ra sự khác nhau giữa hướng gió trong cơn bão và hướng di chuyển của cơn bão, một điều rất quan trọng đối với dự báo bão. Ông tìm ra nguyên lý làm lạnh bằng hiện tượng bay hơi và đã tạo ra được nhiệt độ âm 14 độ C trong môi trường mùa hè bằng cách cho ether bay hơi.
Ông có những sáng chế đi vào lịch sử khoa học kỹ thuật. Trong số đó có:
- cột thu lôi,
- bếp lò Franklin,
- kính 2 tròng,
- ống thông tiểu mềm,
...
Năm 1753, Franklin được trao tặng Huy Chương Copley của Hội Hoàng Gia Anh (giống như viện hàn lâm KH).
Năm 1762, Ông được ĐH Oxford trao bằng tiến sĩ danh dự.
Trong đời sống xã hội, Franklin cũng có những đóng góp lớn lao. Ông đã:
- lập ra công ty cứu hỏa đầu tiên tại Mỹ,
- in một loại tiền chống được việc làm giả thời đó,
- thành lập viện hàn lâm Philadelphia (thực chất là trường đại học),
- cùng với TS Thomas Bond thành lập bệnh viện Pennsylvania (bệnh viện đầu tiên ở Mỹ),
Cuối thập niên 1740, Franklin bắt đầu các hoạt động với tư cách quan chức chính quyền. Ngoài các chức vụ trong chính quyền thành phố và vùng Pennsylvania (khi đó chưa phải là một bang của HCQ Hoa Kỳ, vì chưa có liên bang), Ông còn đảm nhiệm công tác ngoại giao với Anh Quốc và Pháp.
Năm 1751, Ông được bầu vào quốc hội Pennsylvania.
Năm 1754, Franklin lãnh đạo phái đoàn Pennsylvania tham gia Đại Hội Albany. Tại đó, Ông đưa ra một tuyên ngôn về Liên Minh Thuộc Địa. Mặc dù tuyên ngôn không được thông qua, nhưng nó là cơ sở về tư tưởng cho Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc sau này.
Từ 1757 đến 1762, Franklin sống ở Anh để giành tâm lực cho cuộc đấu tranh chống lại các đặc quyền đặc lợi của một số nhân vật Hoàng Gia Anh tại Mỹ và đòi quyền lợi kinh tế và chính trị cho các thuộc địa của Anh trên đất Mỹ.
Năm 1763, Franklin thay mặt chính quyền Pennsylvania đứng ra dẹp một cuộc nổi loạn. Những người tham gia cuộc nổi loạn này khi đó đang tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo đối với những người Indian Mỹ (người ‘da đỏ’). Như vậy, Franklin đã giúp người Indian Mỹ tránh được một cuộc thảm sát. Sau vụ đó, Franklin lớn tiếng lên án những quan điểm phân biệt chủng tộc hiện đang khá phổ biến trong dân chúng gốc Âu.
Trong các năm từ 1764 đến 1774, Franklin liên tục có mặt ở châu Âu để vận động cho công cuộc giải phóng thuộc địa (Mỹ) khỏi sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Đến năm 1775 thì Ông trở thành phần tử nguy hiểm nhất trong mắt Hoàng Gia Anh. Tháng 3 năm đó, Ông rời Anh Quốc trở về Mỹ.
Ngày 5 tháng 5 năm 1775, chiến tranh cách mạng Mỹ bắt đầu. Trong cuộc chiến này, một số vùng (mà sau này là các bang) đã liên kết với nhau chống lại sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Franklin được chọn làm đại diện của Pennsylvania tham gia Đại Hội Thuộc Địa lần 2.
Năm 1776, Franklin tham gia một ban gồm 5 người soạn thảo Tuyên Ngôn Độc Lập (trên cơ sở bản của Thomas Jefferson).
Tháng 12 năm 1776, Franklin tới Pháp với tư cách công sứ Hoa Kỳ và làm việc tại đó mãi tới 1785. Trong thời gian đó, Ông đã thuyết phục chính quyền cộng hòa Pháp tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Uy tín của Ông ở Pháp lớn đến mức việc treo chân dung của Ông trong nhà trở thành mốt. Một người là le Ray Chaumont đã thuê họa sĩ Duplessis vẽ chân dung ông. Đến nay, nguyên bản của bức chân dung này vẫn còn được treo trong Phòng Tranh Chân Dung Quốc Gia ở Washington DC, và đó chính là bản gốc của chân dung Ông trên tờ 100 đô Mỹ.
Năm 1785, khi trở về Mỹ, Franklin đã trở thành người có ảnh hưởng thứ hai ở đất nước này, chỉ sau George Washington.
Những năm tháng cuối đời, Ông dành hết tâm sức cho công cuộc giải phóng nô lệ, chủ yếu là người da đen gốc Phi.
Franklin là người duy nhất để lại chữ ký trong cả 4 văn kiện lập quốc của Hoa Kỳ, trong đó có Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp.
Benjamin Franklin cũng có năng khiếu và tham gia hoạt động nghệ thuật. Ông từng chơi mấy loại nhạc cụ và sáng tác nhạc. Ông là hội viên Hội Nghệ Thuật Hoàng Gia Anh nhiều năm. 200 năm sau, vào năm 1956, hội này đã lập ra Huy Chương Benjamin Franklin để trao tặng cho những tài năng nghệ thuật xuất sắc.
Về quan điểm tôn giáo, Franklin tin vào Chúa Jesus, nhưng không tin vào nhà thờ Công Giáo.
Về đức hạnh, cả đời Ông luôn giữ vững 13 đức tính: ôn hòa, kín đáo, ngăn nắp, quyết đoán, tiết kiệm, siêng năng, chân thành, công bằng, điều độ, sạch sẽ, tĩnh tại, giản dị, khiêm tốn (temperance, silence, order, resolution, frugality, industry, sincerity, justice, moderation, cleanliness, tranquility, chastity, humility).
Benjamin Franklin mất ngày 14 tháng 4 năm 1790 tại Philadelphia.
P.S. Kính phục Benjamin Franklin, đồng thời ngưỡng mộ cái xứ sở có rất nhiều người ham hiểu biết và sẵn sàng ủng hộ những tư tưởng cách mạng của người như Ông.

From Facebook Trần Trung .
29 April 2018





HÔM NAY 01/3 LÀ NGÀY MẤT CỦA BS. ALEXANDRE YERSIN NGƯỜI PHÁP GỐC THUỴ SĨ CÓ CÔNG LAO TO LỚN ĐỐI VỚI VIỆT NAM. XIN ĐƯỢC KÍNH CẨN NGHIÊNG MÌNH NGƯỠNG MỘ VÀ BIẾT ƠN ÔNG!

Hiện nay cà chua, cà rốt, các loài Hoa phương Tây ở Đà Lạt... ;cà phê, Điều, Tiêu.... mà Việt Nam xuất khẩu mang về hàng tỉ USD có từ đâu? Chắc ít ai nghĩ đó là do công lao của bác sĩ Yersin!

Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương "dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ". Ông nói "đời mà không đi, thì còn gì là đời".

Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur "mời ăn tối và nghe báo cáo", "thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể". Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để "vang danh thiên hạ, giúp nhân loại". Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để "ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời". Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.

Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua....(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng "tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân". Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà...thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh....mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ "ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..". Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật...không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông "bày vẽ" cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói "do Pháp xây" là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo "thôi đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ". 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông "dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ". Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém....của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.

Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ. Ông nói "tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho họ".

Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị "Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi".

Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo....để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn BS Yersin. Công lao của ông với dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế hệ mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.

Và mỗi người, nếu đọc được những dòng chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe - cái nhà - miếng đất - bằng cấp - chức vụ - công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân, xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời, mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.

Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.

Xuân Kỷ Hợi,2019.
By Fanpage Tony Buổi Sáng.