a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Chuyện Huế Ít Người Biết - Tô Kiều Ngân.

 


Người Huế mà không được nói tiếng Huế Đó là lệnh cấm đối với các thiếu nữ được tuyển vào làm cung phi trong Nội, dưới triều Nguyễn. Họ không được nói rặt giọng Huế mà phải nói y như giọng dân Phường Đúc. Phường Đúc là khu quần cư, tập trung các người thợ đúc đồng tài giỏi do triều đình tuyển từ Bắc vào hoặc trong Nam ra.

Họ là tác giả của chuông chùa Linh Mụ, Cửu Vị Thần Công Và Cửu Đỉnh ở Huế. Những sản phẩm của họ dãi nắng, dầm mưa,trải bao tuế nguyệt đến nay vẫn chẳng chút nứt rạn hay có tì vết gì. Họ mang theo gia đình ra làm ăn sinh sống lâu ngày ở Huế nên hòa đồng ngôn ngữ với dân địa phương.

Dân Phường Đúc không nói rặt một giọng nào mà pha trộn nửa nọ, nửa kia. Các cung phi trong Nội phải bắt chước giọng Phường Đúc, nghĩa là vừa nói nửa Trung, nửa Nam ai không tuân thì bị tội.

Tại sao lại có hiện tượng này? Kể cũng khó hiểu. Và lệnh này có từ đời nào? Có người đưa ra giả thuyết: có lẽ chuyện này xuất phát từ thời bà Từ Dũ vốn là một phụ nữ Nam Bộ, con gái của Đại Thần Phạm Đăng Hưng, người Gia Định.

Bà được phong Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu, lấy Vua Thiệu Trị, đứng đầu bộ phận “hậu cần” của Hoàng Đế, có nhiều quyền uy đối với các cung phi khắp ba cung, sáu viện. Có lẽ bà muốn những người dưới tay mình phải dùng giọng nói pha âm sắc Nam Bộ để trao đổi cho dễ hiểu chăng, bởi vì người Tân Hòa – Gia Định nghe giọng Huế “đặc sệt” có thể không hiểu mô tê chi cả.

Cũng có thể lệ này xuất hiện sớm hơn, từ thời Minh Mạng vì ông này nổi tiếng là ông Vua có nhiều vợ và phần lớn là người miền Nam.

Về giọng nói Phường Đúc thì cho đến nay, thời gian qua quá lâu, trải nhiều thế hệ, giọng nửa Nam nửa Trung đã trở thành Huế rặt.

Ngoài ra còn có một hiện tượng buồn cười khác là các người làm việc trong nội dù là cung phi, lão tỳ, thị tỳ, nô nhân hay nê nhân, lúc mới vào đều phải tự nguyện “câm” đi trong thời gian sáu tháng. Suốt thời gian này, họ không nói gì cả hoặc nói rất ít. Không nói vì sợ phạm húy, lỡ mồm lỡ miệng thì mang họa vào thân. Chờ khi nào thuộc lòng những chữ “nên tránh” gồm trọng húy và khinh húy, hoặc những chữ cấm nói như: chết chóc, đui què, máu me, phong hủi… vì những từ này mang điềm gỡ hoặc thô tục, lúc đó họ mới được phép… hết câm.

Sao gọi “ngựa Thượng Tứ”?

Ở Huế, khi nói về một người đàn bà hung dữ, có lời ăn tiếng nói thô lỗ, cử chi vùng vằng, người ta thường ví kẻ đó như Con Ngựa Thượng Tứ. Thượng là thuộc về Vua. Tứ là xe bốn

bánh do ngựa kéo. Gần cửa Đông Nam, một trong tám cửa của kinh thành Huế, xưa có khu vườn nuôi ngựa để kéo xe cho Vua. Những con ngựa này thường là dữ dằn phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng thì có gọi là “Ngựa Thượng Tứ” cũng đúng thôi. Cửa Đông Nam vì ở gần khu Thượng Tứ nên cũng được dân Huế gọi luôn là cửa Thượng Tứ không ai còn để ý đến hai chữ Đông Nam ghi trên vọng lâu nữa.

Chợ Đông Ba hay Đông Hoa?

Chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhất trong các chợ ở Huế, vốn có tên thật là chợ Đông Hoa – cửa Đông Ba xưa cũng gọi là cửa Đông Hoa. Đây là một cái tên do ta bắt chước Trung Quốc. Thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu cũng có một cái cửa gọi là cửa Đông Hoa. Chỉ vì tránh phạm húy mà người Huế phải gọi trệch ra là Đông Ba vì tên của bà Hồ Thị Hoa, vợ Vua Minh Mạng, được phong Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, gốc người Biên Hòa (Nam Bộ).

Nếu ta nghe người Huế xưa gọi “ánh sáng” là “yean sáng” thì cũng đừng ngạc nhiên vì sợ phạm húy bởi “Ánh” là tên Vua Gia Long nên phải đổi ra thành “yến” .

Lão thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm thơ cũng đổi chữ “cành phồn hoa” ra “cành phiền ba”, bởi hơn ai hết, ông phải kỵ húy vì ông là người trong Hoàng Tộc.

Bắt trẻ con là cá, trấu làm tép?

Nhân vùng biển Thuận An sắp trở thành thị xã, xin kể vài tục lạ của ngư dân vùng biển này có từ thời xa xưa. Dân chài lưới ở Thuận An rất sùng bái nữ thần Thái Dương vì vị thần này đã nhiều phen giúp họ làm ăn phát đạt. Họ lập miếu thờ và mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch lại tổ chức lễ hội.

Họ thường nhắc câu: “20 làm tốt, 21 xâu tai, 22 đeo hoa, 23 tế Nhân”. Xâu tai, đeo hoa là làm đẹp cho tượng thần và Nhân là tên của nữ thần Thái Dương.

Ngư dân ở đây đã lấy lưới vây trên bến cạn, bắt một số trẻ em trần truồng cho vào trong lưới giả làm cá vừa lưới được, xong nhiều người đem rổ cá đến mua. Cũng diễn ra cảnh chọn cá và kỳ kèo, trả giá, xong thì đem bọn trẻ sang bờ bên kia thả cho chúng chạy.

Họ cũng dùng trấu giả làm tép biển và lấy vợt xúc lên, giả như đang thu hoạch. Tiếp sau đó, có những trò vui như đua trải, nhậu nhẹt và hát bội cho dân làng xem”

Trích Hương Giang

Cụ Song Thao nhớ chuyện “hát cô đầu Đại Hàn(Hàn Quốc )ngày xưa !


cụ Song Thao


HÁT CÔ ĐẦU Ở ĐẠI HÀN

Tôi ở Đại Hàn năm ngày tất cả. Những ngày cuối năm trời lạnh đến lịm người. Các ông bạn Đại Hàn bảo tôi số còn may mắn nên sang Đại Hàn nhằm lúc thời tiết “ấm” nhất trong mùa đông. Khí hậu Đại Hàn đỏng đảnh tức cười lắm. Mùa đông được chia ra thành những chu kỳ lạnh và ấm.

Cứ khoảng năm ngày ông trời lại đổi “mốt” một lần. Năm ngày tôi ở Hán Thành lại rơi đúng vào năm ngày ấm. Ấm có nghĩa là Hán Thành chỉ vào khoảng 0 độ. Thật đúng là…đại hàn!Cái rét nhiều khi làm người ta có những ý nghĩ kỳ lạ.

Con người từ một xứ quanh năm chỉ biết có nắng và mồ hôi vừa chân ướt chân ráo đặt chân tới xứ lạnh là tôi, còn đang nghe ngóng phân tích từng độ lạnh trên da thịt mình thì mấy ông Đại Hàn đã vừa cười vừa hỏi có lạnh không. Một chùm khói phả ra từ miệng họ cùng với câu hỏi.

Dĩ nhiên tôi phải gật đầu, run lập cập thú nhận cái sức chịu lạnh yếu ớt của mình. Họ ỡm ờ nói là ở Đại Hàn có nhiều chỗ không lạnh. Và họ sẽ đưa tôi tới một trong những chỗ đó.


Tôi ăn bữa cơm Đại Hàn đầu tiên ngay khi đặt chân xuống Hán Thành được ít tiếng đồng hồ. Tiệm ăn là một ngôi nhà lớn mà nếu đi lớ ngớ một mình chắc chắn tôi sẽ nghĩ đó là một ngôi đền.

Đứng ở ngoài đường nhìn vào chỉ thấy một bức tường cao vút che khuất tầm mắt tò mò của người qua lại. Nhô lên khỏi bức tường là một mái nhà cong vút chạm trổ hai màu xanh lá cây và đỏ. Cửa vào chỉ vừa đủ cho hai người tránh nhau.

Bước qua cửa khách sẽ tới một chiếc sân hẹp có bày ngổn ngang các ngọn giả sơn. Bà chủ nhà trong quốc phục Đại Hàn đứng đón trên hành lang luôn miệng nói năng tươi cười. Tôi chẳng hiểu bà nói gì nhưng thấy có vẻ ân cần lắm. Vài đôi giày xếp theo những bực cửa khiến tôi vội vàng cúi xuống cởi giày.

Một đôi dép đi trong nhà được đặt vừa tầm chân bước lên. Căn nhà có vẻ như một tư gia hơn là một tiệm ăn. Và tôi đã có ngay cảm tưởng thân mật ấm cúng rất “người nhà” khi vừa bước chân vào. Qua một cầu thang gỗ đánh xi bóng loáng, tôi được dẫn tới cửa phòng ăn.

Dép được bỏ bên ngoài. Phòng nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cho một mối hàng. Nhà hàng có nhiều phòng nhưng không bao giờ khách đụng độ nhau cả. Mỗi toán là một khu riêng biệt. Người ta không thể gặp nhau nếu không đi cùng với nhau.

Lối tổ chức này thật tiện cho các đấng mày râu bản xứ. Nếu có những lúc mà con người muốn im hơi lặng tiếng thu giấu mình được càng nhiều càng tốt thì đây chính là một trong những lúc đó.

Một chiếc bàn thấp, vài chiếc nệm ngồi đủ màu, đôi ba câu đối treo rải rác trên tường. Căn phòng chỉ có vậy. Không. Người ta còn phải kể thêm một rừng đồ ăn bày trên bàn và những bông hoa biết nói sẵn sàng chờ phục dịch khách.

Ngồi trên chiếc nệm màu đỏ để ngay trên sàn nhà tôi hoa mắt với núi đồ ăn trước mặt. Có tới ba chục món khác nhau, món nào đối với tôi cũng đều là lần đầu gặp gỡ. Biết ăn cái gì trước, cái gì sau bây giờ. Sự bối rối của tôi chẳng kéo dài được bao lâu. Một cô gái tới cạnh nhoẻn miệng cười rồi khép nép ngồi xuống bên cạnh. Công việc duy nhất của tôi lúc bấy giờ là há miệng ra đón miếng ăn tươm tất vén khéo do cô bạn hầu rượu đưa tới tận nơi tận chốn.

Thích ăn món nào thì chỉ tay, hỏi thì gật đầu, chán miếng nào thì lắc, chỉ còn thiếu chiếc yếm rãi treo tòong teng ở cổ là tôi sẽ cảm thấy mình trẻ lại được…ba chục tuổi.Cơm Đại Hàn được bày ra với lực lượng hùng hậu như vậy nhưng thực ra mỗi bữa ăn chỉ có một món chính.

Thường là món thịt nướng quốc hồn quốc túy. Khi ăn người ta có thể thay đổi gia vị với vài chục thứ kim chi và rau cỏ trước mặt. Hồi ở Việt Nam tôi chỉ biết có một món kim chi làm bằng bắp cải nhưng sang tới đây đụng tới món gì cũng được bảo là kim chi.

Cứ cái gì muối là kim chi hết kể cả kim chi bằng tôm như mắm chua của mình. Tôi hỏi ông bạn Đại Hàn ngồi bên xem mấy cô ngồi hầu có phải là ki seng – một thứ nghệ giả Đại Hàn – không ? Ông này lưỡng lự rồi trả lời không hẳn là ki seng. Ông tán một hồi về ki seng rồi cho biết chỉ ở Cheong Ju là có ki seng “nguyên chất” đáng đồng tiền bát gạo hơn cả.


Cheong Ju cách xa thủ đô Hán Thành tới 400 cây số. Ngày thứ ba của tôi ở Đại Hàn là ngày tôi khởi hành đi Cheong Ju. Có nhiều loại phương tiện để xuống Cheong Ju nhưng tôi đã dùng một phương tiện tốn thời giờ hơn cả là xe lửa.

Vừa có dịp thưởng thức một cái thú không có ở Việt Nam trong lúc này, vừa lợi dụng được đường dài để ngắm cảnh miền quê Đại Hàn. Xe lửa Đại Hàn cũng từa tựa như xe lửa Việt Nam trước đây. Ghế ngồi có thêm miếng gỗ nhỏ bên cạnh để đồ uống và cái để chân bọc nhung xanh ở phía trước.

Qua từng ga những người dân quê trong bộ quốc phục Đại Hàn tất tưởi lên xuống. Những anh chị bán hàng rong đi đi lại lại trong toa, bán bánh kẹo, báo, thuốc lá, nước ngọt… Đặc biệt là khi gần tới giờ cơm họ bán những chiếc hộp bao giấy hoa rất đẹp thắt nơ xanh nơ đỏ như một món quà tặng quí giá.

Thoạt đầu tôi cứ tưởng đó là những hộp kẹo bánh đặc biệt của vùng xe lửa đi ngang qua để khách mua về làm quà cho bà con. Nhưng khi thấy hầu như mỗi người đều mua một hộp tôi đã cố tình để ý. Khi tôi từ toa hàng ăn trở về sau bữa cơm no nê trước khung cảnh thay đổi liền liền trước mắt, tôi thấy khách đi tàu lần lượt bóc những chiếc hộp đẹp đẽ đó ra.

Sau lần giấy hoa là một chiếc hộp gỗ mộc mạc. Phía trong, nằm giữa lần giấy trắng tinh khiết sạch sẽ là những nắm cơm xếp đều đặn và mỹ thuật. Mỗi nắm cơm được bao quanh bằng một lần rong biển khô màu xanh. Hai đầu nắm cơm được rắc một thứ trông giống như ruốc chà bông của Việt Nam.

Suốt hơn bốn giờ đồng hồ ngồi trên xe lửa vượt qua gần một nửa chiều dài của Đại Hàn Dân Quốc tôi đã được thấy những nhà máy chế tạo đủ loại sản phẩm Đại Hàn, từ chiếc xe hơi tới gói thuốc lá. Hơn một chục năm thanh bình đã giúp Đại Hàn có cơ hội tiến mạnh về kỹ nghệ. Bên cạnh những nhà máy đồ sộ, tôi cũng đã có dịp nhìn qua vào nếp sinh hoạt của người dân quê Đại Hàn.

Những căn nhà lợp rạ cùng những bức tường đất có phủ rơm ở trên làm tôi nhớ tới những căn nhà ở vùng quê miền Bắc Việt Nam. Đó là những căn nhà chống lạnh rẻ tiền nhất mà con người có thể nghĩ ra được để đối phó với cái lạnh của trời đất.

Những dân quê làm ruộng hoặc làm đường có một lối vận chuyển vật liệu và hoa màu rất lạ mắt. Mỗi người đeo đằng sau một cái kệ bằng gỗ có hai mặt phẳng. Một mặt ép sát vào lưng, một mặt nằm ngang làm thành một góc vuông.

Dưới hai mặt phẳng này là bốn cái chân bằng tre hoặc gỗ. Người ta có thể chất đầy lúa, mạ, đất hoặc đá trên hai mặt phẳng này rồi cõng đi. Muốn nghỉ chân hoặc dừng lại đưa “hàng” lên xuống, chỉ việc bỏ sợi giây thừng vắt chéo trên vai ra là cả khối nặng nề dựng đứng trên mặt đất như một cái bàn vững chắc.

Cheong Ju là một thành phố nhỏ với khoảng vài trăm ngàn dân. Đường phố nhỏ hẹp và dơ dáy hơn ở Hán Thành nhiều. Khoảng 5 giờ chiều là trời đã nhá nhem tối. Thành phố lên đèn thật sớm. Bữa ăn ở nhà ki seng bắt đầu lúc 7 giờ.

Qua một con đường đất ngắn có những tảng đá tròn làm chỗ bước chân, chúng tôi được bà chủ hướng dẫn cởi bỏ giày dép trước khi vào phòng. Trong phòng có khoảng chục người vừa Đại Hàn vừa Mỹ. Ở đây người ta tính tiền theo đầu người. Tôi nghe nói ki seng ở Cheong Ju đắt kinh hồn.

Ở nhà hàng tệ nhất cũng mất khoảng 50 mỹ kim mỗi người. Có chỗ tới cả trăm mỹ kim. Không cần biết ăn uống ra sao, rượu ngon hay không, hát hay dở thế nào, cứ tính tiền theo số người khách tham dự.

Tôi không được trả tiền chầu hát này nên không rõ giá tiền mỗi người bao nhiêu nhưng được biết đây là nhà ki seng danh tiếng nhất Cheong Ju.


Chúng tôi phân ngôi chủ khách ngồi cách xa nhau trên những chiếc gối màu đặt trên sàn nhà. Sàn bóng loáng được sưởi từ phía dưới nên ngồi lên nệm thấy ấm vô cùng. Một đoàn ki seng trong y phục cổ truyền Đại Hàn từ trong tiến ra ngồi xen kẽ giữa khách. Cô áo xanh, đỏ, cô áo vàng, tím. Có cô mặc áo sọc bảy màu. Họ tươi cười mời khách của mình uống rượu. Rồi thức ăn được mang ra. Lại hoa cả mắt với vài chục thứ kim chi.

Món ăn chính hôm nay là món nhúng. Họ nhúng đủ thứ từ thịt đến các đồ bể như hải sâm, tôm hùm, mực, sò. Nhiều thứ ăn được, nhiều thứ nuốt xong phải ực vội một hớp rượu cho hết mùi tanh. Rượu Đại Hàn cũng tương tự như rượu saké của Nhật hoặc rượu nếp của Việt Nam. Uống vào không thấy gì nhưng khi ngấm thì phải biết.

Em ki seng ngồi cạnh tôi mặc áo màu xanh sẫm luôn luôn săn sóc gắp đồ ăn bỏ vào miệng tôi. Em cười thì tươi lắm nhưng chẳng nói được một chữ tiếng Anh nào cả. Tôi để ý thấy mấy em khác cũng vậy. Biết tiếng Đại Hàn nhiều khi cũng không phải thừa.

Vốn liếng tiếng Đại Hàn của tôi sau ba ngày ăn đũa của xứ Bình Minh Yên Lặng này chỉ vỏn vẹn có mỗi một chữ Gamsa hamnida có nghĩa là cám ơn. Tối hôm trước một ông Đại Hàn có nhã ý dạy tôi câu “Anh yêu em” nhưng khó nhớ quá lại dài dằng dặc nên đành chịu thua. Yêu đương ở Đại Hàn quả có nhiều khó khăn. Cả bàn tiệc tay chân múa may lung tung như đánh quyền.

Ngôn ngữ quốc tế hiện thực này thật khó mà diễn tả được những ý nghĩ êm dịu nồng nàn.Buổi tiệc theo cái đà rượu ngấm dần dần tăng cường độ. Các em ki seng có một lối chuốc rượu khách khá tinh vi. Em bảo khách uống hết chỗ rượu trong ly rồi rót rượu mời em.

Em uống xong rồi rót mời lại. Chén uống rượu chỉ lớn hơn ngón tay cái chút xíu nên tôi vững bụng thi đua chén anh chén nàng với em. Được vài lần cụng đi cụng lại em đổi ly. Sao trí tưởng tượng của em lại có thể phình ra lớn đến như vậy.

Vì em đổi từ chiếc ly nhỏ bé đó đến chiếc ly lớn như ly uống nước ngọt ở Saigon. Nhìn sang bên cạnh cũng thấy chiếc ly của ông bạn vênh váo bằng ly của mình. Đúng là một chiến thuật “leo thang” kỳ diệu. Rượu rót đi, rượu rót lại chẳng mấy chốc mà mỗi cú tố đã tới cả ly đầy.

Phải nhận là các em uống rượu thành thần cả. Em nào em nấy tỉnh bơ mà khách đã có chiều muốn đổ. Trên sân khấu nhỏ xíu các em thi nhau lên trình diễn các điệu vũ.

Từ vũ múa trống tới các vũ trai gái thôn quê tán tỉnh nhau, các chuyện tình thần thoại và các màn hợp ca, đơn ca. Một em hoạt náo viên lăng xăng quay cuồng chạy lên chạy xuống một hồi là phòng tiệc trở nên nóng sốt.

Khách được mời lên hát chung vui. Em kéo tôi lên sân khấu với một anh Mỹ đã ở Đại Hàn ba năm. Bản dân ca nổi tiếng Arirang được ban nhạc trổi lên. Phúc bảy mươi đời cho tôi là đã nghe mấy ông lính Đại Hàn ở Việt Nam hát nát nước bản này rồi nên cũng thuộc.

Thuộc đây là thuộc điệu hát còn lời thì mặc kệ hai tên kia muốn làm gì thì làm. Mình cứ ngân nga theo điệu nhạc là ăn tiền rồi. Mới ở Đại Hàn ba ngày mà hát được như thế là nhất đấy.Mặt khách càng ngày càng đỏ gay. Các em càng lúc càng dở nhiều ngón nghề.

Một em mang bộ quần áo chú rể ra mặc cho một ông khách rồi hai người lên sân khấu lễ tơ hồng. Nghi lễ được mang ra dùng trong lúc này mang vẻ khôi hài nặng nề. Cặp nào cặp đó đã bắt đầu ngả ngớn. Căn phòng bớt đèn dần dần.

Nhạc chuyển sang điệu slow dìu dặt. Từng cặp chân tiến lui theo điệu nhạc. Khách chẳng biết khung cảnh đã đổi sang một phòng nhảy từ lúc nào. Nhịp đôi chân, tiến đôi vai. Tôi nhớ đến thơ Vũ Hoàng Chương trong niềm lâng lâng kỳ lạ. Có lúc nào trong đời khiêu vũ bằng đôi chân không giày với một người nữ lòa xòa váy lớn bằng hai ba người chưa nhỉ ?

Rượu càng lúc càng thấm nặng. Người hầu như rũ ra. Các em dìu khách ra chỗ để giày. Tôi đã trở về với đôi giày của tôi. Tạm biệt những giờ ngả ngớn vong thân. Vòng tay người kỹ nữ lỏng buông khỏi lưng khách.

Bàn tay nhỏ bé vẫy vẫy hẹn gặp lại. Còn bao giờ gặp lại nữa. Tôi nghĩ đến hai câu thơ kết trong bài “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu. Lệ hoen mờ kỹ nữ thấy sông trôi / Du khách đi du khách đã đi rồi.

Sáng hôm sau tôi lên máy bay trở về Hán Thành sớm. Ngày hôm sau nữa tôi rời Đại Hàn.