a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

“MÀY NGHỈ HỌC ĐI…”




Tôi có một cô bạn, có tuổi thơ tận cùng bất hạnh nhưng bạn đã vượt qua nghịch cảnh, khi tự rút ra cho mình một bài học quý giá, từ một công việc rất đỗi bình thường.

Bố bạn nghiện rượu, từ khi bạn vừa chào đời. Gia cảnh bạn ngày càng túng quẫn, mẹ bạn đành phải bỏ lên thành phố mưu sinh, buôn thúng bán bưng. Mỗi tháng, mẹ đều đặn gửi tiền về nuôi bạn ăn học.

Khốn khổ thay, cô bạn lại còn có một cậu em trai bị thiểu năng. Ở tuổi lên 10, bạn vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ, chăm sóc cho em trai. Nhưng chưa bao giờ, bạn quên dồi mài đèn sách.

Tuổi thơ của bạn chẳng bao giờ có được một ngày yên ổn. Mỗi ngày, bạn đều nghe ông bố nghiện rượu chửi rủa, bắt ép bạn phải nghỉ học. Người bố dùng mọi lời tục tĩu nhất trên đời để sỉ vả bạn.

Ngày ấy, ở quê tôi, nhà nào cũng nấu cơm bằng bếp củi. Có những buổi chiều, khi bạn lúi húi dưới bếp nấu cơm, vừa lấy than vẽ ra đất để học bài. Bố bạn bất ngờ chạy vào, quơ củi than trong bếp, phóng vào người bạn. Lần nào, bạn cũng chạy trối chết sang vườn nhà tôi và ngồi khóc thút thít dưới những gốc cây cam.

Vô số những lần, khi bạn đang bưng chén cơm ăn để chuẩn bị đi học thì bố bạn hất cả mâm cơm ra ngoài sân. Bạn thường xuyên nhịn đói đến trường. Nhưng tôi chưa một lần nghe cô bạn ấy than thở với tôi về hoàn cảnh đáng thương của mình. Tất cả, đều là vì tôi gần nhà nên âm thầm chứng kiến.

Bạn vẫn chăm chỉ đến trường và miệt mài theo đuổi việc học đến hết cấp ba rồi đến hết đại học. Bạn học trong niềm yêu thích, tự giác, say mê, bất chấp hàng ngàn, hàng vạn lần nghe mãi câu nói của bố: “Mày nghỉ học đi”.

Có một lần, tôi hỏi bạn.

- Vì sao cậu có thể mạnh mẽ, kiên trì vượt qua tất cả những khó khăn ấy?

Bạn tôi thật thà kể lại. Ngày mẹ còn ở nhà, bạn thường lẽo đẽo theo mẹ đi gánh nước thuê. Mỗi khi lên một con dốc cao, bạn hay hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Gánh nước nặng thế. Mẹ có mệt không?”.

Đợi đến khi về đến nơi, đặt gánh nước xuống đất, khi ấy, mẹ bạn mới trả lời: “Khi con càng than thì gánh nước trên vai con sẽ càng nặng. Đó là lý do, khi gánh nước, người ta không bao giờ than vãn mà chỉ im lặng để tập trung gánh cho xong”.

Từ đó, mỗi khi làm bất kỳ công việc gì nặng nhọc, bạn tôi thường chọn im lặng và tập trung cố gắng hết sức để hoàn thành.

Sau này, khi đã trưởng thành mỗi lần gặp công việc gì khó khăn, bạn luôn nhớ về câu chuyện gánh nước của mẹ và không bao giờ buông lời than thở. Vì bạn nhận ra, khi càng than thì mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy, bạn hãy nghĩ mọi thứ thật đơn giản và nhẹ nhàng và rồi mọi thứ sẽ luôn dễ dàng với bạn!

Tác giả: Nguyễn Nga
Trích từ tập truyện ngắn chưa xuất bản!



HẠNH PHÚC
Trong một Hội thảo về Hôn nhân gia đình, người ta phỏng vấn một người phụ nữ:
- Chồng chị có làm cho chị hạnh phúc không?
Lúc đó, anh chồng ngẩng cao đầu kiêu hãnh vì anh ta tin rằng cô vợ sẽ trả lời: "Có!" Bởi vì cô ấy chưa bao giờ ca thán điều gì trong suốt ngần ấy năm chung sống.
- "Không! Anh ấy không làm tôi hạnh phúc"
Anh chồng tròn mắt nhìn vợ mình, quá đỗi ngạc nhiên. Người vợ tiếp tục:
- "Chồng tôi không làm cho tôi hạnh phúc. Mà tôi hạnh phúc.
Tôi có hạnh phúc hay không, không phụ thuộc vào anh ấy, mà vào chính bản thân tôi.
Tôi là người duy nhất có thể quyết định được sự hạnh phúc của tôi.
Tôi cảm thấy mình hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc. Nếu hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào ai đó, hay vào cái gì đó thì thật sự là khó khăn.
Tất cả những gì tồn tại trên mặt đất này đều thay đổi liên tục: Con người, tiền bạc, khí hậu... và ngay cả cơ thể của tôi nữa. Tôi đã học được nhiều điều trong cuộc sống.
Tôi quyết định niềm hạnh phúc của tôi, và những điều khác tôi gọi nó là kinh nghiệm:
Yêu thương
Tha thứ
Giúp đỡ
Thấu hiểu
Lắng nghe
An ủi..
Có những người nghĩ rằng 'tôi ko thể hạnh phúc vì tôi ốm đau bệnh tật, bởi vì tôi ko có tiền, bởi vì tôi bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng, bởi vì người ấy không yêu tôi nữa...' Những người này không biết rằng họ vẫn có thể hạnh phúc khi sức khoẻ họ không tốt, khi họ ko có tiền, khi họ bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng...
Cuộc sống giống như khi bạn đi xe đạp, nếu bạn ngừng đạp thì xe sẽ đổ"
Hãy bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười và đừng để bất cứ điều gì dập tắt nụ cười ấy
Sưu tầm

Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…
Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.
Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:“Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?”
Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.“Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…Người thứ nhất – Roosevelt, người thứ 2 – Churchill, và người thứ 3 là Adolf Hitler, thật không thể ngờ… Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.“Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng…” – Phila vừa nói vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hi vọng.Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall.
Ý nghĩa của câu chuyện ở đây là bạn hãy đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà. Và đó là lý sao nó được gọi là “The Present” (hiện tại/món quà).Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…Thế nên:
Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác.Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây.Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Sưu tầm



CHUYỆN NHÀ TÔI...
Chuyện ông bà nội cắt cho mẹ tôi đất hương hoả làm nhà, để mẹ tôi lấy chồng làm náo động cả một vùng quê. Trong làng ngoài ngõ khen, chê. Người nhà thì xôn xao tỵ nạnh
Nhà tôi chưa bao giờ đông đủ đến thế, chẳng biết ai bắn tin, cho dù chẳng phải ngày giỗ tết mà các bác, các chú rồi cả các cô về tụ họp rất đông đủ. Họ còn về rất sớm chứ không như bao năm nay, cúng giỗ gần đến giờ ăn họ mới mò về.
Nhà cha tôi rõ đông anh em, nhưng khi tôi lớn lên và nhận biết đầy đủ thì các chú, các bác, các cô tôi đã ăn ở riêng tây hết cả. Nhà còn lại hai ông bà nội già cả nghễnh ngãng. Mọi việc một tay mẹ tôi cáng đáng trông nom. Cha tôi gần áp út, nhưng mẹ tôi đầu đội vai gánh như dâu trưởng trong nhà, cho dù cha tôi không còn nữa. Một năm nhà tôi có tới mười lăm cái giỗ lớn nhỏ. Đám cười, đám khóc người làng, họ tộc đều trông cả vào mẹ tôi.
Ông bác trưởng tôi giàu có lắm. Bác ở bên phố nhưng vợ chồng bác chả mấy khi về, nếu có giỗ chạp đích thân ông tôi phải điện cho bác từ mấy hôm trước. Ông bà vẫn kể cả nhà mỗi bác được học cao nhất. Bác thoát ly rồi bỏ bẵng bố mẹ và đàn em. Bác giàu nhưng chỉ thu vén cho gia đình riêng, mặc cho bố mẹ vất vả lam lũ. Mấy nay vợ chồng bác ngày nào cũng về từ sáng sớm. Bác gái đi ra đi vào, mặt khó đăm đăm khi ông tôi ngồi nói chuyện rổn rảng với cánh thợ xây nhà riêng cho mẹ con tôi ngoài ngõ.
Ngày mai nhà tôi có giỗ, Mỗi lần giỗ chạp, mẹ tôi sắp sanh mấy ngày trước đó. Người dọn nhà, rửa trước bát đũa. Đong gạo sắp đỗ, gà qué nuôi sẵn trong vườn. Đến ngày là tôi cứ việc ngâm gạo, đãi đỗ rồi cùng bà nội thổi xôi, ông nội cắt tiết làm gà đâu đấy chờ mẹ tôi qua chợ mua thêm đồ về tự nấu nướng bày biện rồi chờ các chú các bác ở xa về.
Lần này khác mọi lần giỗ trước, trình tự thì vẫn thế nhưng các bác các chú xa gần mượn cớ nhà có giỗ về nháp mấy hôm rồi. Họ nói ráo với nhau ngày mai nhân dịp giỗ cụ sẽ họp gia đình.
Ngay buổi chiều trước hôm giỗ cụ. Ông bà tôi chỉn chu khăn đống, áo the. Bà tôi ngồi bên ông nội trên sập gụ. Chẳng đợi mời nhưng có mặt cả ông bà nội trong nhà là các chú các bác túa đến để ghanh ghé kiện tụng nhau. Ông tôi hắng giọng bắt cả nhà trật tự. Sắc mặt ông không buồn, không vui, rất lãnh đạm và lạnh lùng. Ông bảo giá như bao nhiêu năm nay, việc chăm sóc cha mẹ mà các anh chị săm sắn như việc tranh chia đất lần này thì quí hoá quá. Ông còn nói thêm, đúng là người ta chỉ tranh nhau chia tiền chia bạc chứ chẳng ai tranh nuôi bố mẹ già bao giờ..
Đất làng Hoàng quê tôi xưa kia rộng rãi lắm. Vườn nhà ông nội tôi rộng cả ngàn m2. Nay ông tuyên bố cho bác trưởng và các chú mỗi người 200m2. Riêng bác trưởng được thêm cái nhà thờ gỗ. Hai cô mỗi cô 100m. Còn lại phần hơn 300m thuộc về mẹ con tôi...
Bác dâu trưởng gào lên: Bố chia thế là không công bằng! Chồng con là trưởng, thím ấy chồng đã chết từ lâu, lại không có con trai. Giờ thím ấy lấy chồng, mẹ xuất giá, con tá hơm, ông bà còn chia đất cho thím ấy làm gì…
Cha tôi mất khi tôi mới vừa tròn ba tuổi. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi và chăm sóc bố mẹ chồng. Mẹ tôi cấy cả mẫu ruộng, chăn lợn, chăn gà, buôn thóc gạo hàng xáo, tần tảo tích cóp để có tiền chi dùng việc nhà. Ông bà tôi đau yếu luôn, mọi việc bên đây bề nọ đối nội đối ngoại mẹ tôi gánh vác hết vì các chú các bác ở xa, viện cớ rất ít về.
Ông bà nội tôi thương yêu và biết ơn mẹ tôi nhiều lắm, ông vẫn bảo với bà, nếu không có đứa con dâu này( ý nói mẹ tôi), tôi và bà trông chờ vào lũ con đẻ thì lẽ chưa ra đồng nhưng cũng cơ đơn và mệt mỏi rất nhiều. Vì cả tháng, cả năm, trừ ngày giỗ chạp, gọi mãi các cô, các chú mới về, mà về thì chỉ ăn rồi bòn mót mang đi.
Bác dâu trưởng vừa dứt lời thì chú út dưới cha tôi đã lên tiếng, chú cho rằng ông bà tôi cháu trai đầy ra không thương đi thương đứa con dâu với cháu gái . Rồi thì mẹ tôi và tôi đều lấy chồng, đất hương hoả sẽ sang tay người khác. Nào là ông bà lắm bạc nhiều tiền xây nhà cho thiên hạ ở.
Bà nội tôi nãy giờ im lặng, bỗng bà lên tiếng. Bà nói rằng bao năm nay hai thân già là ông bà làm gì ra mà có đồng nào. Vườn tuy rộng nhưng cả năm chỉ vài buồng chuối còi với dăm ba buồng cau điếc. Tất tật mấy chục năm nay ông bà nhờ cả vào mẹ tôi nuôi. Bà còn bảo, mẹ tôi tuy là dâu nhưng mẹ tôi thương ông bà thật dạ. Làng trên xóm dưới ông bà chả thua kém ai. Hai thân già đau ốm, con đẻ chưa mấy đứa mua thuốc thang tẩm bổ, nhưng mình mẹ tôi lo ông bà không thiếu thứ gì. Bà kể trật trước bà ốm rồi ngã nằm liệt giường nửa tháng. Ông cũng đau lưng, chỉ mẹ tôi đêm hôm nâng giấc chăm bẵm đút cho bà từng thìa cháo, từng hớp nước. Mẹ tôi tắm đẵm gội đầu cho bà lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho. Khi bà ngã bệnh, ông điện thoại cho bác cả, bác kêu bác đang du lịch mãi Phú quốc. Gọi cho các chú chẳng một chú nào về. Giỗ chạp thì chỉ vác mồm về ăn. Ông còn bảo thóc gạo không tự mọc ở ruộng, gà qué, hoa quả không tự lớn ở vườn mà cho lũ các người ăn bóong.
Rồi ông tôi kể, lần ông ngã bất tỉnh ngoài sân, cũng may mà có mẹ tôi cõng đưa ông ra trạm y tế rồi thuốc thang chăm bẵm ngày đêm. Từng bước ông tập đi, từng thìa cháo bón cho ông lúc ông bên giường bệnh là đứa cháu gái này chứ đâu có thấy thằng con trai hay đứa cháu trai nào..
........
Ngày mai mẹ tôi lấy chồng. Mẹ tôi lấy bác hàng xóm sát nhà tôi. Ông bà tôi bảo bác ấy nhân hậu và tử tế, mẹ tôi đúng là có phúc có phần.
Ông bà tôi sớm thông báo về ngày cưới của mẹ. Ông bà đứng ra làm dăm mâm gọi là vừa lễ vấn danh vừa cưới luôn, các chú bác tôi không một ai đồng ý về. Ông bà bảo chả cần thiết sự có mặt của lũ con ghét người yêu của ấy. Đời này gặp được con dâu như mẹ tôi là phúc phận của ông bà. Cả thanh xuân mẹ tôi tần tảo dành cho nhà chồng trong khi chồng chết quá lâu rồi. Giờ ông bà đứng ra gả chồng cho mẹ cũng chỉ là đáp đền lại tý chút công lao của mẹ. Ông tôi còn bảo, mẹ tôi từ khi mới đôi mưoi, bước chân về nhà chồng đến giờ lúc nào cũng sống đúng đạo làm con, thì chả lẽ ông bà từng này tuổi đầu lại không một lần sống đúng đạo làm cha mẹ.
TG: Loan Ngẫn
Ảnh minh họa