Nhớ hồi đó, mỗi khi đi học về là hay lục lội cái gạc măng rê. Lục tìm đồ ăn vì đói bụng quá, kiếm thế nào cũng có, miếng mít nghệ, vài ba cái bánh cam bánh còng mẹ mua nhét trong đó. Còn không có bánh trái thì lấy cái thố mỡ heo vừa thắng vớt miếng tớp mỡ dòn rụm chan vô tô cơm nguôi cũng xong.
Hồi đó (lại là hồi xưa), nhà nào mà không có cái gạc măng rê, tên tiếng Tây đàng hoàng, phải lục lạo trong ký ức đặng mà nhớ nó, hình dung ra nó.
Ông bà Nam Kỳ mình xưa châm tiếng Tây ro ro, xứ Nam Kỳ thuộc địa mà, bước ra đường lên xe đò là đụng "sốp phơ" nè, rồi xe "de" tới de lui nè, khi cần ngừng ở đâu thì khách nhổm dây kêu vầy "Sốp phơ ơi , stop", nghề sốp phơ bẻ vô lăng.
Nhà tui có mấy người bà hồi đó học lớp 3 trường làng mà nói Tiếng Pháp khỏi chê. Là bonjour, pardon, merci, monsieur, madame, aurevoir. Nói không phải tục, mấy bà đi đâu mặc áo daì thì cũng phải có "Xú chiêng" hoặc "Coóc xê " cho nó đẹp.
Mấy bà dạy, phải đọc chuẩn giọng mũi, garde à manger.
Gạc măng rê là cái tủ cây đựng đồ ăn để trong bếp, Bắc Kỳ kêu là cái chạn.
Tạo sao Nam Kỳ không biém âm Việt mà vẫn xài đúng tên tiếng Pháp, cái gạc măng rê ? Đó là đặc tánh Miền Nam, thẳng thắn mà kêu, khỏi lòng vòng mắc mệt.
Có lẽ người Pháp đã mang cái tủ đựng đồ ăn qua Nam Kỳ, chí ít là phổ biến nó cho hợp vệ sinh khỏi ruồi muỗi, gián chuột. Nam Kỳ không thích dài dòng kêu tên, cứ kêu nguyên bổn, và từ đó thuật ngữ garde à manger thông dụng luôn.
Nam Kỳ đạp xe đạp có câu nào tiếng Việt đâu, phía trước có guy đông (guidon), có pê đan (pedale), có gạc ba ga (porte-bagages). Rồi gạc đờ bu (garde-boue) và gạc đờ sên (garde-chaine). Cái ống bơm cũng Tây rặc nhen: pompe. Khi sửa xe cũng Tây rặc, mỏ lết (molete), tuốc nơ vít ( tournevis), đinh vít (vis).
Nam Kỳ kêu khăn mu soa (mouchoir), mặc xoa rê(soirée), đứng trên ban công( balcon), ăn bánh mì ba ghét( baguette), nhét giăm bông (jambon), xúc xích (saucisse), patê (paté) rồi uống la de ( la bière ) và bia ( bière).
Gạc măng rê làm bằng cây, mặt hông và mặt tiền đóng lưới nhuyễn chừa cái cửa kéo như kiểu cửa lùa Nhựt Bổn. Cái tủ hình chữ nhựt và có 4 chưn cao tạo ra cái sàn bên dưới. Và vì đựng đồ ăn và để tránh kiến, gián trèo lên, ông bà mình đã chế ra 4 cái tô sứ đổ nước và dầu hôi kê 4 chưn của tủ, nó là gốm Lái Thiêu.
Tủ có 2 ngăn, ngăn trên có lưới bao bọc, có cái cửa kéo kiểu cửa lùa của Nhự , ngăn này cao nhứt, thường đựng đồ ăn mới nấu hoặc để qua ngày sau, còn có thêm cái thố mỡ heo cùng những thố đường, tiêu, mắm, muối. Nhét thêm bóng đèn dầu, quên kể cái nồi cơm nữa, xưa nấu củi thì xài nồi gang.
Ngăn giữa là ngăn trống thường để chén, dĩa, tô, tộ đang ăn đang xài hàng ngày. Bên hông tủ có một hàng song cây để nhét dao vào. Có treo mấy ống đũa và muỗng, nhét cái bàn nạo dừa, cái chài đăm tiêu, cái quặng lên, treo thêm cái rổ, cái sàng, cái nia.
Ngăn dưới thì bọc cây kín mít là nơi đựng chén dĩa bằng sành ,tô chén thô của Thủ Dầu Một, còn chén dĩa kiểu quý hiếm để làm đám giỗ, đám cưới thì cất vào một cái tủ khác riêng.
Trên nóc tủ thì để nồi ơ xoang chảo, mấy cái nia lớn, mấy cái thúng.
Gạc măng rê nhà giàu thì thường đựng đồ ăn đầy nhóc, toàn thịt kho nước dừa, lạp xưởng, cá ăn toàn cá ngon như cá dứa, cá sửu, cá lóc, cá trê vàng, cá úc, cá ngát.
Gạc măng rê nhà nghèo thì quanh năm suốt tháng chỉ có chao, tương, nước tương, rau luộc, dưa mắm.
Lâu lâu mới có thêm vài con tép mòng,cá hủn hỉn kho mặn với rau tập tàng.
Tuổi thơ của nhiều người lớn lên với cái gạc măng rê những ngày giỗ quảy và Tết là những dịp đồ ăn ê hề, nhét vô tủ không có hết.
Nhớ những ngày mưa dầm tháng nước tràn trề đi học về đói qua lật đật mở cửa tủ gạc măng rê mà nghe mùi thơm của nồi cá khô tộ còn nóng hổi, mùi tiêu thơm phức, mùi hành hăng hắc xộc vào mũi cay xè chảy nước miếng.
Nửa đêm đói bụng cũng lục gạc măng rê lụp cụp báo hại mấy bà già khó ngủ ban đêm tưởng mèo chột hay ăn trộm vô nhà.
Trời mưa ăn cá kho tiêu là nhức nách.
Mà chuột trèo gạc măng rê là giỏi lắm à!
Tuổi thơ của nhiều người hoài niệm với cái gạc măng rê cũng là những đêm say giấc phải choàng tỉnh dậy vì nghe tiếng chuột lục đồ ăn, ông Tý giỏi lắm, trèo sao mà chui lọt vô gạc măng rê đẩy nắp nồi nghe rang rảng, báo hại cả đêm không ngủ ngon.
Tương truyền có những đêm xuân, ăn trộm vô nhà, nó cũng lục tủ tìm đồ ăn, đói quá mà, chúi đầu vô gạc măng rê kiếm chút chút no bụng qua ngày.
Nhớ hồi đó lâu lâu má dặn canh bốn cái chưn tủ dùm má! Phải canh 4 cái cục lót chưn tủ coi nó khô nước chưa, nếu khô phải châm nước cho nó đầy, bỏ miếng dầu hôi lên cho có váng đặng phòng kiến nó bò qua .
Rất thương cái tủ gạc măng rê!
Những năm 1997 tới 2000 thì gạc măng rê biến mất hoàn toàn vì nhà xây dựng kiểu mới, cái tủ chiếm không gian lớn quá nên bị quăng bỏ, người ta bỏ đồ ăn vô tủ lạnh, còn đồ gia vị, chén tô thì nhét vô mấy cái box màu mè ở trên nhìn khá vô hồn.
Có bước qua năm tháng chất chồng mới thấy nhớ ngày xưa, thèm những gì mình không còn nữa, những gì thân quen yêu mến gần gũi, muốn quay về khoảnh khắc thương yêu đó.
Nhiều khi bâng quơ nói với mấy đứa sanh sau vầy:
"Nè tụi bây,giờ tụi bây đi đâu cũng đụng đồ nhựa, đồ mủ, xưa xài toàn đồ nhôm, đồ sành, đồ cây nó an toàn và có hồn lắm"
Nó trợn mắt "Dzậy hả anh?mà xưa em chưa đẻ ra mừ!"
Có thể nói, mấy đứa sau này thiệt thòi, thời hiện đại cái gì cũng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt. Kêu ngồi thử giặt hai cái áo bằng tay nó khóc rột rẹt như phi tần bị đày đi viễn xứ vậy.
Lâu lâu đi xa xa, phát hiện nhà ai đó cònxài gạc măng rê thì ai cũng la lên "Trời ơi nhà mày còn hen!" rồi xúm lại cái tủ như gặp lại người quen cũ trăm năm lưu lạc mới về.
Cũng như chén đá, chén sành ,những ai xuất thân con nhà nghèo mà bây giờ đi quán ăn,nhà hàng gặp lại thì mừng rơn, quắn đít như hồi con nít, ăn mà hít hà, mà khắc khoải như thuở hồi xưa.
Rất thương, rất nhớ nó, vì nó đã là kỷ niệm.
Gạc măng rê thân yêu.
Nguyễn gia Việt
HOA HUỆ TRẮNG…
Buổi trưa, tôi thường ra coi tiệm cho vợ về ăn cơm. Vợ chồng tôi có một tiệm nhỏ bán hoa tươi ở chợ. Gọi là tiệm cho sang, thật ra đó chỉ là một cái sạp nhỏ mấy mét vuông nằm lọt thỏm giữa khu chợ suốt ngày đông đúc và lắm tiếng ồn.
Được cái, sạp nằm ngay ngã tư con lộ chính nên khá đông khách. Và, với một thằng viết văn làng nhàng như tôi, nhờ vậy cũng sống tạm qua ngày cùng người vợ giỏi giắng và sạp bán hoa tươi đắt khách quanh năm.
Quả chính cái sạp nầy nuôi cả nhà tôi nhưng điều tôi thích hơn vẫn là hàng ngày, cứ mỗi buổi trưa ra sạp lại được nhìn ngắm thỏa thích những đóa hoa tươi thắm, đủ màu sắc khoe rực rỡ trên bước chân người qua lại. Một gian nhà đầy hoa, có loại tôi biết tên, loại không biết tên cứ như làm lòng tôi dịu hẳn lại trong cơn kiếm sống tất bật hàng ngày, trong những trang viết đầy gai góc.
Không gì làm lòng ta thanh thoát, dịu êm và lắng đọng hơn bằng hoa, hình như R. Tagore bảo vậy. Tôi tin ông thi hào Ấn Độ nầy khi nói về hoa như là một thứ tôn giáo trong đời sống. Nó cũng làm người ta mê mải, đam mê, đắm đuối tôn thờ..
Chẳng phải các loài hoa đều được đặt những nơi cao quý nhất đó sao? Chẳng phải những tình yêu thuần khiết nhất đều bắt đầu từ biểu tượng một loài hoa. Và các đôi trai gái yêu nhau. Có lời tỏ tình nào êm dịu, tuyệt vời hơn khi tặng nhau một đóa hồng hay hoa "Xin đừng quên tôi” chớm nở.
… Nhưng thôi, tôi chỉ mơ mộng tí chút khi ngồi chễm chệ trên chiếc ghế thật cao, đảo mắt nhìn quanh xem có ai đi ngang qua mà mời mọc :
“Hoa tươi đây, hoa Đà Lạt mới đem về đây… Mời anh chị ghé mua… Bảo đảm giá cả và chất lượng…”
Vợ tôi bảo tôi mời khách như vậy, giọng nói phải nhẹ nhàng, từ tốn người ta mới chịu vào.
Cái thằng tôi đôi khi cũng được việc. Thần sắc tôi trông tội nghiệp thế nào không biết nhưng cứ hễ ai ghé vào sạp, nghe tôi chào mời, nỉ non một hồi, không ít thì nhiều, thế nào họ cũng mua hoa giúp tôi.
Khách hàng quen thuộc nhất của tôi lại là một thằng bé. Vâng, một thằng bé đâu chừng mười bốn, mười lăm tuổi dáng lêu khêu, gương mặt hiền lành, dễ thương, hầu như trưa nào cũng đến chỗ tôi mua hoa. Nó mua không nhiều, mỗi lần một bó nhỏ giá chỉ có vài ngàn nhưng lại lựa rất kỹ, mà chỉ đặc biệt mua hoa huệ trắng.
Lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi nó mua hoa làm gì, nó chỉ lắc lắc đầu không nói không rằng một câu. Riết rồi tôi thây kệ! Mắc gì đến tôi. Nó có tiền nó mua, tôi có hoa tôi bán. Cứ ba ngàn một bó sáu chiếc mà đếm tới. Ngữ nầy chắc mang tặng bồ, tặng bịch gì đây. Ôi, cái thằng con nít ranh hỉ mũi còn chưa sạch, mới chừng ấy tuổi chưa nứt mắt đã tí tởn làm người lớn, tôi nhủ thầm trong bụng như vậy.
Trả tiền tôi lúc nào cũng là những tờ giấy bạc nhàu nát như bộ đồ thằng bé đang mặc. Nó đến và đi lặng lẽ, đôi mắt đen mở to lấp lánh niềm vui và bước đi như chạy lẫn vào trong khu phố đông người. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết nó làm gì, mua hoa tặng ai…
Thi thoảng, có vài cánh hoa đẹp còn dôi ra trong chậu, tôi nhã ý tặng nhưng nó nhất định không lấy. Buổi trưa, dù trời nắng hay mưa, cứ như đến giờ hẹn, nó lại đến tôi mua hoa huệ trắng với những đồng tiền nhàu nát rồi bươn bả bước đi không nói một lời nào…
… Bẳng đi một thời gian khá lâu, tôi không gặp thằng bé. Vợ tôi lúc nầy bán hoa luôn vào buổi trưa nên tôi không phải trông chừng sạp. Tôi có hỏi về thằng bé mua hoa huệ trắng thì cô ấy lắc đầu quầy quậy:
- Thằng bé nào thế, sao em không biết? Mà trăm người bán vạn người mua, hơi đâu để ý. Nó mua hoa làm gì? Hay là nó lại gạ ông rồi ăn cắp hoa đấy! Trẻ con bây giờ táo tợn lắm…
Tôi không biết nói gì thêm và quên bẵng chuyện mua hoa huệ trắng. Mãi cho đến một hôm, tôi nhớ là chiều thứ bảy, sẵn mới lãnh tiền nhuận bút, tôi hào phóng dẫn vợ con đi ăn tiệm. Quán đông nghịt người. Tôi đang cắm cúi ăn thì một giọng trẻ con rụt rè phát ra từ sau lưng:
- Cháu… Cháu mời chú đánh giày…
- Không! Tôi lạnh lùng đáp.
- Chú làm ơn! Từ sáng giờ cháu chưa đánh được đôi giày nào!
Tiếng thằng bé khẩn khoản.
- Đã bảo là không mà, tôi gắt.
Tôi bực mình ngoái nhìn lại và chợt nhận ra thằng bé. Cặp mắt lóng lánh thơ ngây và gương mặt dễ thương kia thì không lẫn vào đâu được nhưng nụ cười hạnh phúc mỗi lần mua hoa của tôi thì biến đâu mất. Nhường lại là gương mặt buồn thiu như chực khóc..
- Cháu có phải là thằng bé vẫn thường mua hoa của chú! Tôi hấp tấp hỏi mà lòng xốn xang.
- Dạ.. Là cháu. Thằng bé lí nhí.
- Thì ra… cháu làm nghề đánh giày! Mà sao lâu lắm chú không thấy cháu đến mua hoa! Tôi hỏi.
- Dạ…Thằng bé ngập ngừng hồi lâu mới trả lời. Dạo nầy cháu đánh giày ế quá chú ạ! Có khi cơm còn không đủ ăn!
Miếng đồ ăn trên miệng tôi bỗng đắng ngắt. Tôi nghẹn như không nuốt nổi, thương cảm nhìn thằng bé gầy rộp đi so với lần đầu tôi gặp. Tôi nhìn kỹ nó. Vẫn bộ đồ cũ nát, nhiều chỗ rách hơn và nước da nhợt nhạt chắc vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nhìn các con tôi đang nô đùa, vui vẻ tíu tít trò chuyện quanh bàn ăn thừa mứa, bất giác tôi thấy chạnh lòng.
- Thế ba mẹ cháu đâu? Tôi hỏi.
Như chạm vào nỗi đau nào đó,thằng bé không trả lời, cặp môi mím chặt lại. Mắt nó ngân ngấn nước. và chẳng nói thêm một câu nào, thằng bé lửng thửng ôm thùng đánh giày bước đi trước khi tôi kịp kêu nó lại. Buổi ăn tiệm của tôi xem như đã hỏng.
Trên đường về, tôi cứ ân hận là không kịp hỏi chỗ ở của nó để may ra, tôi còn gặp lại nó, ít ra cũng giúp được nó tí gì. Nhưng tôi chắc rằng, điều ấy thằng bé cũng chẳng nói ra đâu…
Lúc nầy, cửa hàng bán hoa của vợ tôi ế ẩm. Tôi bỏ ngang công việc viết lách buổi trưa ra trông chừng cửa hàng. Với lại, tôi cũng có ý đợi thằng bé với nỗi cồn cào khôn tả. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu của tôi về thằng bé chưa giải đáp được.
Nó con nhà ai, ở đâu? Sao nó lại cứ để dành mua hoa với đồng tiền đánh giày ít ỏi? Tôi chỉ biết chắc một điều tiền nó dành dụm mua hoa là những đồng bạc lẻ nhàu nát. Ở đâu ra nếu không phải là tiền của nó chắt chiu từ những lần đánh giày hiếm hoi trong ngày?
Và câu hỏi lởn vởn nhiều nhất trong đầu tôi là nó mua hoa để làm gì trong khi nó phải nhịn ăn, nhịn mặc… Nó xuất hiện trước tôi như những điều bí ẩn mà cho dù có cố cách nào, tôi cũng không giải đáp nổi…
Ơn trời, trưa nay tôi lại gặp nó. Cũng cái dáng lêu khêu, nước da đen sạm và đôi mắt long lanh và trên người là bộ đồ rách rưới. Trên tay cầm chiếc hộp đánh giày, nó xăm xăm tiến về cửa hàng, moi ra những đồng tiền cũ nát và chìa ra cho tôi:
- Chú bán cho cháu bó hoa huệ trắng như mọi lần. Nó nói, mắt ngời hạnh phúc.
Lần nầy thì tôi không hỏi nó nữa. Tôi đã có cách của mình để khám phá bí mật của thằng bé. Lựa hoa cho nó xong, tôi lặng lẽ kín đáo nhìn nó. Đôi mắt nó như nở bừng lên với niềm vui vô hạn. Sau tiếng cám ơn ngắn ngủi, thằng bé tung tăng bước lẫn vào giữa đám đông với bó hoa trên tay đung đưa trước mặt.
Tôi nhanh nhẹn rảo bước theo thằng bé. Chút nữa thì tôi mất hút nó trong đám đông khu chợ. Nó bước đi như chạy mà không hề hay rằng tôi đang hấp tấp theo sau. Một ngã quặt, rồi một ngã tư, tiếp đến là đường ra ngoại ô. Nó ra đây làm gì nhỉ? Trời đang chuyển cơn mưa lớn… Mặc! Tôi cứ đi theo nó mà trong lòng ngổn ngang bao nhiêu là câu hỏi…
Cái nghĩa trang hiện ra trước mắt tôi. Thằng bé vẫn xăm xăm tiến bước như đã quá quen các đường ngang ngõ tắt quanh các ngôi mộ. Mưa đã bắt đầu rơi. Sau một hồi quanh quất, nó đứng trước một ngôi mộ thấp lè tè cỏ mới lên xanh. Tôi đứng nấp sau chiếc mộ lớn, tò mò xem nó sẽ làm gì.
Nó đứng đấy, trước ngôi mộ không bia kia, nghiêm trang, thành kính, mắt ngời hạnh phúc, miệng mấp máy như khấn nguyện điều gì. ..Mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt. Nó cứ đứng như thế, co ro trong chiếc áo cũ mỏng manh, rách nát với bó hoa huệ trắng, run rẩy cầm trên bàn tay gầy guộc đặt bó hoa tươi trước ngôi mộ thấp bé, cỏ đã ướt đẫm nước mưa.
Không thể chờ lâu hơn, tôi bước gần đến nó. Thằng bé như không hề biết đến sự hiện diện của tôi, hai chân quỳ trước mộ và tôi nghe nó nói tiếng được, tiếng mất giữa màn mưa :
- Con lại đến thăm mẹ đây, mẹ ơi! Con mang cho mẹ những đóa huệ trắng mà mẹ rất thích khi còn sống! Xin mẹ phù hộ cho con trong cuộc đời nầy… Con nhớ mẹ lắm…. Mẹ ơi…
Tôi lặng người nhìn thằng bé. Nó vụt lớn lên trong tôi, cao sang, thanh khiết như những bông huệ trắng khẽ rung lên, tuyệt đẹp, tinh tuyền.
Mưa xối xả rơi trong nghĩa trang mà lòng tôi cứ ấm áp đến lạ kỳ. Những đóa huệ trắng như sáng rực lên giữa mưa đen kịt .
Nguồn: Nguyễn Minh Phúc
TẤM LÒNG VÀNG CỦA MỘT CÔ GIÁO
Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn, nhưng hết sức quan trọng. Có những thầy cô giáo tạo được ảnh hưởng lâu dài, ảnh hưởng đến cả đời của học sinh. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình về những thầy cô giáo tạo được sự khác biệt đến cuộc đời của học sinh. Chúng tôi mượn tựa đề “Tấm Lòng Vàng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan để miêu tả câu chuyện.
Hồi năm 1968, tôi còn là một học sinh ở trường trung học Levon & Sophia Hagopian Armenian ở Beirut. Vào lúc ghi danh theo học lớp 10, tôi phải đến văn phòng hiệu trưởng nói với người thư ký rằng cha mẹ tôi không có đủ tiền để đóng học phí. Mặc dù lúc đó tôi là một học sinh giỏi, đứng đầu lớp, nhưng tôi vẫn bị đuổi đi, cho về nhà. Sự việc này làm tôi đau lòng vô cùng, tôi rất thích đi học, và muốn có mặt ở trường ngay từ ngày đầu niên học.
Tôi về nhà, không được đi học nữa. Mỗi ngày tôi phải phụ với cha tôi làm việc trong xưởng vá bánh xe hơi. Cha tôi chỉ kiếm đủ tiền nuôi gia đình, gồm mẹ tôi và ba đứa con, ông không có tiền để đóng học phí cho tôi.
Một ông già trông thấy tôi ở tiệm sửa xe, và thắc mắc không hiểu vì sao tôi không đi học. Tôi nói với ông rằng tôi phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Ông đề nghị để ông gọi điện thoại cho một vị hiệu trưởng trường khác, không phải trả học phí, để tôi có thể tiếp tục đi học. Mặc dù trường sau này ở rất xa nhà tôi, nhưng tôi vẫn không bỏ lỡ cơ hội theo học tiếp, tôi đi xe buýt rất lâu để đến trường tiếp tục học. Tôi nói với ông hiệu trưởng rằng tôi đã được thu xếp không phải đóng học phí, hay chỉ đóng với giá đặc biệt. Nhưng tôi vô cùng kinh ngạc khi vị hiệu trưởng sỉ vả, mắng nhiếc tôi, và nói rằng không hề có chuyện học miễn phí, hay mặc cả tiền học.Tôi lập tức quay đầu trở về, và đi thẳng đến nơi sửa xe của cha tôi.
Ba ngày sau, một người bạn cùng lớp với tôi ở trường Sophia Hagopian đến gặp tôi. Ông hiệu trưởng sai nó đến gặp tôi và nói tôi nên quay trở lại trường. Khi đến trường, tôi nói với người thư ký học vụ rằng tôi không có tiền đóng học phí. Nhưng bà ấy báo cho tôi biết tiền học phí của tôi đã được trả hết rồi, và tôi có thể đi học bình thường với bạn bè như trước. Tôi hỏi bà thư ký ai đã đóng tiền học cho tôi, để tôi có thể cám ơn con người tử tế ấy. Nhưng bà thư ký nói rằng người đóng học phí cho tôi muốn giữ kín tên của họ.
Tôi vào lớp học mà trong đầu cứ quanh quẩn suy nghĩ mãi xem ai là người đã đóng học phí cho tôi. Ai là người đã có tấm lòng vàng cho tôi cơ hội may mắn này. Tôi quanh trở lại văn phòng hiệu trưởng và năn nỉ bà thư ký học vụ xin bà vui lòng cho biết ai đã đóng học phí cho tôi. Vì tôi năn nỉ quá, bà thư ký dặn tôi rằng bà sẽ tiết lộ danh tánh người đóng học phí cho tôi với điều kiện tôi phải giữ bí mật, và không được đến cám ơn người ấy. Nếu không, bà thư ký học vụ có thể bị mất việc vì không giữ bí mật tin tức. Bà cho tôi biết người có lòng tốt đóng học phí cho tôi chính là cô giáo dạy Anh Văn, cô Olivia Balian.
Bà thư ký học vụ kể cho tôi nghe rằng khi niên học bắt đầu, bà thấy ghế ngồi của tôi ở trong lớp bị bỏ trống, không thấy tôi đi học. Bà hỏi thăm vì lý do gì. Bà thư ký học vụ nói rằng cha mẹ em học sinh này không có tiền đóng học phí, nên em đó phải nghỉ học. Bà Balian nói với ông Hiệu trưởng yêu cầu nhà trường trừ tiền học phí cho học sinh đó vào tiền lương hàng tháng của bà.
Trong suốt cả niên học, tôi ngồi học trong lớp của cô Balian, suy nghĩ về tấm lòng tử tế của cô, mà không thể nói lời cảm ơn. Một năm sau, gia đình tôi được sang định cư ở Hoa Kỳ. Ở đây, tôi lấy được hai văn bằng Master, một ở trường Columbia University, và một ở trường Pepperdine University.
Tôi không bao giờ quên được tấm lòng tử tế, rộng lượng của cô giáo Balian. Gần 40 năm sau, tôi quanh trở lại Beirut lần đầu tiên, và tặng $4.5 triệu đô la cho Quĩ Giáo Dục Kirk Kerkorian’s Lincy Foundation, cấp học bổng cho 28 trường học của người Armenian hoạt động ở Beirut. Một trong những trường tôi đến thăm, có trường trung học cũ của tôi. Khi trao tấm chi phiếu vài trăm ngàn đô la cho ông Hiệu trưởng, tôi dặn dò ông chớ bao giờ đuổi học sinh về nhà vì em đó không có tiền đóng học phí. Bởi vì không ai có thể biết được trong tương lai em bé đó sẽ trở thành con người như thế nào. Em học sinh đó có thể trở thành một bác sĩ, một nhà ngoại giao tài giỏi, hay trở thành một tỉ phú tặng tiền rất nhiều cho các trường học.
Trong lúc lưu lại Lebanon, tôi đi thăm cô giáo cũ của mình, là cô Balian. Bây giờ cô đã nghỉ hưu, không còn đi dậy nữa. Cô đang sống một mình trong một căn hộ nhỏ bên ngoài Beirut. Cô hết sức vui mùng khi gặp lại tôi. Cuối cùng thì tôi cũng có dịp ngỏ lời cảm ơn cô vì sự tử tế, rộng lượng của cô trong nhiều năm tôi đi học. Nhưng cô rất khiêm tốn, không màng để ý đến việc tôi cảm ơn cô, cô tìm cách đổi đề tài câu chuyện đi hướng khác. Tôi ngỏ lời xin được giúp đỡ cô về mặt tài chánh, hay làm một buổi lễ vinh danh cô vì cô đã dành nhiều năm để dậy dỗ học sinh gốc Armenian. Nhưng cô từ chối tất cả mọi đề nghị của tôi.
Tôi viết câu chuyện này để tôn vinh cô giáo của tôi, bà Olivia Balian. Bà qua đời vào năm 2017. Nhưng cũng nhân dịp này tôi xin được nói ra một điều là người ta có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho cuộc đời của một người khác. Nếu không có cô giáo Balian, tôi đâu có dịp học tiếng Anh, và có lẽ chẳng bao giờ có cơ hội sang Hoa Kỳ, để rồi trở thành một nhà xuất bản nhật báo Anh Ngữ The California Courier. Rất có thể tôi đã suốt đời làm việc trong tiệm vá bánh xe của cha tôi ở Beirut.
● Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 9/2019
- Ảnh: Đỗ quyên cổ thụ trên núi cao ở Ấn Độ.
My Lan Phạm (ST)
Bao Nguyen Quang