a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

VI VU TRÀ VINH

 


Thuở nhỏ, nghe đến tỉnh Trà Vinh tôi nghĩ là xa lắm dù xem bản đồ thấy nơi này nằm sát quê hương của mình. Ngày trước người Sóc Trăng muốn đi Trà Vinh phải đi qua phía Vĩnh Long. Từ lâu đã có đường qua Trà Vinh từ hướng Cù Lao Dung nhưng đường rất khó đi lại phải qua hai đò trên sông lớn. Sau này khi có Quốc lộ 60, hai tỉnh thật gần nhau dù vẫn phải qua hai chuyến phà Đại Ngãi và An Thạnh. Sáng nay, tôi và anh bạn học cũ cùng vi vu trên chiếc xe gắn máy trở lại Trà Vinh chơi một chuyến.
Ở miền Tây, hai tỉnh kề cận này đều là tỉnh nông nghiệp có nhiều điểm rất giống nhau. Đặc biệt, đây là hai địa phương có đông bà con người Khmer. Bởi vậy, chúng tôi gặp ở đây rất nhiều ngôi chùa mái cong nằm lặng lẽ bên những hàng sao già.Tỉnh bạn có nhiều ngôi chùa Khmer rất nổi tiếng như chùa Ông Mẹt, chùa Hang, chùa Âng… Cảm giác rất gần gũi vì đó là hình ảnh rất quen thuộc từ thuở thơ ấu của tôi. Đi trên đường phố, gặp nhiều món ngon thời tuổi nhỏ: bún nước lèo, bánh ống, bánh dứa…Bún nước lèo Trà Vinh có khác với bên Sóc Trăng đôi chút vì nặng mùi mắm nhiều hơn. Bún nước lèo Trà Vinh chế biến từ mắm bồ hóc trong khi ở Sóc Trăng được sử dụng mắm cá sặc hay cá linh nên có mùi vị dịu hơn. Còn nhớ thời thanh niên tôi có anh bạn dân Tiểu Cần khẳng định Trà Vinh là nơi xuất phát món bún nước lèo chớ không phải ở Sóc Trăng hay Bạc Liêu như nhiều người vẫn nghĩ. “Quê tôi có bún nước lèo/ Món ngon thuần túy giàu nghèo đều ưa…”.
Đường phố ở Trà Vinh có rất nhiều cổ thụ. Cây cao bóng mát nắm lặng lẽ trong phố xá. Chạy xe trong thành phố, qua những con đường rợp bóng cây thật dễ chịu dù trời nắng gắt. Đây là nét độc đáo mà nhiều đô thị ở miền Tây không có được. Anh chủ quán cơm cho biết Trà Vinh có hơn 15.000 cây trong đó có gần 2.000 cổ thụ được quản lý rất tốt. Hèn gì, cây xanh ở đây nhiều quá, rất thơ mộng. Thật thích thú khi chạy xe trên đường, dãy phân cách là hàng cây cao, chuyện chỉ có ở Trà Vinh.Tôi có nghe người dân địa phương kể lại, khi mở rộng đường, chính quyền địa phương giữ lại hàng cây bên lề làm dãy phân cách thay vì đốn bỏ.
Bạn và tôi ghé Ao Bà Om. Đây là thắng cảnh của địa phương được nhiều người biết đến nhờ có nhiều cổ thụ có rễ cây nổi lên trên mặt đất với hình thù kỳ lạ. Nhớ mấy năm trước tôi từng đến đây, ao cạn nước đến trơ đáy làm mất đi vẻ đẹp vốn có từ lâu đời.
Trà Vinh có bánh canh Bến Có ăn khá ngon. Bánh tét Trà Cuôn rất nổi tiếng.Từ thành phố Trà Vinh, xuôi theo quốc lộ 53, vừa đến chợ Trà Cuôn sẽ thấy nhiều sạp bán bánh tét. Ở đây bán nhiều loại bánh cho khách hàng chọn lựa: bánh tét lá bồ ngót, bánh tét lá cẩm, bánh tét đậu xanh nước dừa, bánh tét chay… Có một đặc sản của địa phương đến đây ai cũng thích đó là dừa sáp Cầu Kè. Được biết, dừa sáp được trồng ở Giồng Cây Xanh thuộc huyện Cầu Kè từ hơn nửa thế trước. Trái dừa sáp bên trong ruột dày, phần sáp xốp như bánh kem. Nó chỉ được chú ý chừng hơn 10 năm trở lại đây. Dừa sáp ăn đúng cách phải nạo ra làm sinh tố thêm chút đường, sữa, đá bào.
Trước năm 1975, tên tỉnh được gọi là Vĩnh Bình. Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Kiên Giang- Hà Huy Hà khi viết về vùng đất này: “Về xứ Trà Vinh ăn bánh ống/ Thương màu lá dứa, áo thiên thanh/ Gió đưa hương bưởi vào hơi thở/ Thương xứ thương luôn gái Vĩnh Bình”.
Đêm ở Trà Vinh không mấy nhộn nhịp. Hơn 9 giờ tối đường phố đã vắng người. Đôi bạn đi dài theo con phố nhỏ. Sáng chúng tôi thức dậy sớm, trả phòng, chuẩn bị lên đường qua Bến Tre.Tạm biệt thành phố nhỏ dễ thương, hẹn một ngày sẽ trở lại.

Tuấn Ba



Không có nhận xét nào: