Gare du NordNhà hắn nằm sau lưng nhà tôi. Hắn là thằng lai Tây, hơn tôi đâu ba tuổi. Hắn sinh năm 1947 thì phải. Hắn có bố đàng hoàng chứ không phải là thằng con lai hoang. Hắn từng khoe giấy khai sinh làm từ lúc hắn mới sinh, bố hắn là quan ba Pháp, là Capitaine quân đội Pháp. Cũng là thứ dữ chứ chắng phải thường đâu. Sinh ở Hà Nội di cư vào Nam 1954. Mẹ hắn là một phụ nữ đẹp, da bà trắng, mũi cao thon như người Nhật với đôi mắt ướt. Bà lại thường mặc yếm và cái váy đụp như người đàn bà nông dân Bắc bộ nhưng không che hết nhan sắc của bà. Hắn kế thừa nước da trắng, mũi lõ mắt xanh và thân hình to lớn của giống Tây, lại hưởng chút nhan sắc của mẹ nên hắn là thằng đàn ông rất đẹp trai. Cả xóm gọi hắn là thằng Lai. Hắn đẹp không thua gì tài tử Alain Delon, một diễn viên điện ảnh nổi như cồn thời ấy nên tôi gọi hắn là Alain Delai. Hắn cũng khoái được gọi thế với một niềm hãnh diện. Hắn bảo bố hắn bị bắt làm tù binh của Việt minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó được về cố quốc, bỏ mẹ con hắn lại đi tàu há mồm vào Nam..Hắn sống cùng mẹ với một ông bố dượng trong căn nhà khá rộng nhưng lúc nào cũng tối om om. Mẹ hắn làm nghề đúc đậu khuôn. Những miếng đậu của bà lúc nào cũng chắc, beo béo. Nhất là những khuôn đậu chiên, vàng dòn ở bên ngoài, mềm mại ở bên trong. Những miếng đậu nóng hổi vừa mới rời chảo mà chấm với chén nước tương đầy ớt trái thì ngon rụng rời. Ký ức tuổi nhỏ của tôi ở xóm bến xe Chợ Cồn đầy những bánh đậu khuôn dòn béo ấy..Bố dượng hắn đúng phong cách công tử Hà thành, ông chẳng làm ăn gì, lại nghiện thuốc phiện. Tôi không quên được cái phong thái vừa lịch lãm vừa phớt đời của ông. Ông cao lắm, chắc phải mét tám, nhưng gầy, vai so ngang của người nghiện thuốc lâu năm. Tôi nhớ mãi ông vì ông giống y chang hình nhà văn Vũ Trọng Phụng trong cuốn sách gì đó mà lâu quá tôi quên mất. Mà tôi thì khoái đọc mấy cái phóng sự rất đời của nhà văn này hồi mới vào lớp nhất dù ba tôi cấm triệt, bắt gặp tôi đọc loại sách ấy là đánh đòn nặng tay với những chiếc roi mây..Đó là hình ảnh của một người đàn ông với khuôn mặt gầy xương, má hóp, cồ quấn chiếc khăn kẻ ca rô. Khuôn mặt ông bố dượng hắn đấy. Ra ngõ ông đội thêm cái mũ phớt nỉ hoặc chống cây baton lên nước bóng. Hắn có vẻ sợ bố dượng, nhưng trong ánh mắt xanh xanh của hắn có thoáng chút thù hận không nói ra..Hắn là thằng nghịch phá nhất xóm, hình như đứa con lai nào cũng thế. Hắn lớn con, liều lĩnh, chẳng biết sợ ai nên đám trai trẻ quanh vùng đều tránh không dám gây sự với hắn. Xóm tôi ở là xóm bến xe Chợ Cồn, dân du đãng tứ xứ tụ về, dân tài xế, lơ xe toàn là dân giang hồ, thế mà ai cũng sợ hắn. Hắn liều lĩnh, bất chấp, trong mọi cuộc đấm đá, hắn là thằng đi đầu, xông vào trước, luôn hỗ trợ cho mấy thằng yếu thế hơn. Hắn liều, nhưng chơi đẹp, không bao giờ ăn hiếp kẻ thế cô, không bao giờ đánh tán mạng kẻ thù. Đánh gục đối thủ, hắn thường xốc nách chúng lên, cho ngổi dựa vào tường, lấy nước, mang bia cho uống, lấy khăn ướt lau mặt cho..Bởi thế, những tay hảo hớn bến xe đã từng đụng độ với hắn một lần thì đâm ra phục hắn, xem hắn như đại ca. Nhưng hắn không muốn làm đại ca, hắn chỉ ra tay khi thấy chuyện bất bình. Đám cảnh sát ở ngã tư Chợ Cồn cũng ngán hắn. Có lần tay cảnh sát ức hiếp bà già bán rau ở lề đường, hắn bay từ xa đá vào ngực tay cảnh sát làm y bồ ngửa, hắn bảo không được ức hiếp người nghèo, có giỏi thì chơi tay đôi với hắn. Xong nó kéo tay tên cảnh sát vào quán bún bò bà Hưng ngay nơi ngã tư, kêu bún bò xí quách và bia nhậu. Thế là xong.Khi tôi vào tuổi mới lớn, khoảng mười ba, mười bốn thì hắn đã là một thanh niên vạm vỡ. Hắn rất thích chơi với tôi, hắn bảo hắn khoái cái kiểu sống của gia đình tôi. Tuy là một thằng rất ba trợn, nhưng hắn lại là một thằng rất tình cảm. Hồi đấy, tôi đang tập đàn mandoline, cũng chỉ biết lỏm bỏm thôi, nhưng tối tối không có chuyện đi đâu hắn lại rủ tôi ra đầu ngõ, dưới tàng cây trứng cá, đàn cho hắn nghe. Hắn chỉ thích độc một bài của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, bài Giọt mưa thu. Thế mới lạ..“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơiTrời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôiNghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thuAi khóc ai than hờ!Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cànhnhư nhủ trời xanhGió ngừng đimưa buồn chicho cõi lòng lâm ly .Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lâyLòng vắng muôn bề không liếp che gió vềAi nức nở thương đờichân buông maudương thế bao la sầu .Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnhmây ngỏ trời xanhchắc gì vuimưa còn rơibao kiếp sầu ta nguôi .Gió xa xôi vẫn vềMưa giăng mù lê thêĐến bao năm nữa trời …… Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu.”.Tôi đàn, hắn hát theo, tôi không ngờ hắn có giọng hát hay thế. Một giọng Bắc chuẩn thật chuẩn, luyến láy đúng điệu, nhịp phách không sai chút nào. Hắn làm tôi khá bất ngờ, bởi tôi biết hắn có chút kiến thức âm nhạc nào đâu..Giọng hắn thê thiết, buồn, trẩm, có hồn vía ghê lắm. Hắn chỉ hát có một bài đó. Buồn vui chi cũng Giọt mưa thu. Đám cưới, đám ma, sinh nhật, nhậu nhẹt mà có hát là hát Giọt mưa thu. Tò mò, tôi hỏi hắn thì mới biết là ngày xưa ở Hà Nội, lúc tuổi mới lớn, mẹ hắn là láng giềng và cũng là người yêu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh, mẹ hắn vì thời cuộc cũng long đong. Khi sinh ra hắn, suốt quãng đời trong nôi, mẹ hắn chỉ ru hắn bằng một bài Giọt mưa thu. Bài hát thấm trong máu hắn, nằm mãi trong ký ức hắn và đối với hắn, âm nhạc chỉ có mình bài đó thôi..Hắn rất thương mẹ, mẹ hắn ít nói, nhiều khi chỉ một ánh mắt nhìn, hắn đã líu ríu làm theo những gì mẹ hắn muốn. Ra khỏi nhà, hắn là thằng du côn, nhưng ở nhà, hắn là đứa con ngoan. Hắn phụ mẹ hắn xay đậu, ép khuôn, gánh hàng ra chợ. Nhìn hắn quấn quýt bên mẹ, thương lắm. Hắn bảo đời mẹ hắn có lắm nỗi buồn, hắn không muốn làm cho mẹ hắn thêm buồn nữa..Hắn nói thế mà mười tám tuổi, hắn bỏ nhà đi lính sau một trận cãi nhau bốc lửa với ông bố dượng. Mẹ hắn buồn ghê lắm, nhưng cũng đành, bên chồng, bên con, biết làm sao?Hắn đi lính nhảy dù. Ngày gặp lại hắn với bộ đồ rằn ri, cái mũ bê rê đội lệch, tôi thấy hắn đẹp quá. Bộ đồ lính ấy trong thân hình thước tám hai, với mấy chiếc lựu đạn mini bên hông, đôi bốt đờ sô dềnh dàng trông nó oai hùng quá. Nhìn hắn chẳng khác chi tay lính Mỹ. Tôi chào hắn như mọi khi: Chào Alain Delai, hắn cũng chào lại như mọi lần gặp nhau: Chào thằng em bô giai..Hai thằng ôm nhau. Từ đó, sau những đợt hành quân, về hậu cứ là hắn dẫn tôi đi ăn chơi. Tôi vừa mới tuổi mười lăm, cao mét sau lăm, mới đứng ngang nách hắn. Hắn dẫn tôi đi mấy cái bar ở ngã năm. Đó là những nơi tôi chưa từng vào và cũng chưa từng biết. Hắn giúp tôi khám phá thế giới ấy. Thế giới của rượu, bia, thuốc lá và gái. Hăn đi đến đâu, mấy em cave theo đến đấy. Hắn đẹp quá mà. Người đàn bà nào lại không thích trai đẹp, kể cả những người đàn bà làm đĩ. Tôi đi với hắn, ngoan ngoãn như đứa em hưởng sái của thằng anh. Đi đến đâu hắn cũng được các em bao, rượu tràn trề, khói thuốc mờ mịt. Cũng có lần vì ganh tức mấy em, đám lính không quân gây sự, hắn đánh đấm một trận ra trò phải vào bệnh viện còn tôi thì trốn nhủi trong cầu tiêu. Ba tôi biết chuyện, cấm triệt, không cho tôi đi chơi với hắn. Nhưng đôi lúc ngồi đàn cho hắn hát Giọt mưa thu, ba tôi cũng chẳng nói gì, có lần khen hắn hát hay. Hắn cũng rất kính Ba tôi, mỗi lần gặp đều khoanh tay thưa ông Đốc rất đàng hoàng..Năm 1966, lính vùng một của tướng Nguyễn Chánh Thi liên minh với Phật giáo miền Trung ly khai. Tướng Kỳ đem quân ra dẹp. Lực lượng nhảy dù làm nòng cốt dẹp loạn. Khu vực xóm tôi là trung tâm của cuộc giao tranh. Lính ông Kỳ từ ngã tư Chợ Cồn đánh thẳng đường Ông Ích Khiêm tiến tới chùa Tỉnh hội, trung tâm đầu não của cuộc đấu tranh. Súng nồ ì xèo. Lần đầu tiên tôi biết mùi của đạn bom, của chiến tranh. Hai quả M79 rớt ngay sân nhà tôi, tường lủng tứ tung. Cả nhà sợ quá dắt díu nhau chạy vô bàu Thạc Gián. Đêm tá túc nhà người quen, không dám ngủ, nhìn ra trời thấy đạn bay líu ríu, chỉ mong trời mau sáng. Đến sáng thì êm,khoảng trưa thì nghe tin hắn bị thương, một viên đạn M79 quét ngang chần hắn, hai chân nát bét phải cưa đến đầu gối, đang nằm ở Tồng y viện Duy Tân, chỗ làm việc của Ba tôi. Mẹ hắn qua gặp Ba tôi, nhờ giúp..Tôi vào gặp hắn, hắn xanh xao vì mất nhiều máu, hai chân băng trắng xoá. Tôi chào: Chào Alain Delai. Hắn cầm tay tôi thều thào với nụ cười méo xệch: Chào thằng em bô giai. Hắn bảo hắn không sao, nhưng chỉ thương mẹ hắn, chắc mẹ buồn lắm. Mẹ hắn chỉ biết khóc. Đi chiến đấu bao lần không sao, cuối cùng lại bị thương vì đạn của phe mình. Hắn chửi đụ mẹ mấy thằng rách việc, bày đặt đấu tranh khiến hắn mất cặp giò. Thà ngoài chiến trường nó không tức. Đây lại tàn phế vì đồng đội, có khốn nạn không?.Từ đó, hắn trở thành kẻ cụt chân, di chuyển bằng đôi nạng, hắn vẫn đẹp, nhưng vẻ đẹp của kẻ thiếu đôi chân. Hắn vẫn là thằng giang hồ, đấm đá với đôi nạng, tuy không còn sức mạnh như xưa nhưng hắn vẫn là ông trùm của khu bến xe Chợ Cồn. Tôi chuẩn bị thi Tú tài, nên cũng ít gặp hắn, thỉnh thoảng lại đàn cho hắn hát Giọt mưa thu, giọng hắn lại buồn hơn.********Năm 1968, Mậu Thân, tôi đậu Tú tài hai, đi học xa nhà, đi ta bà thế giới, chẳng có dịp về lại cái xóm bến xe của một thời nên cũng không gặp hắn suốt cả mấy chục năm trời. Thời thế nhiều đổi thay, đời tôi cũng trải nhiều biến cố. Sau 1975, ba mẹ và các em tôi vào hết Sài Gòn, rồi lần lượt phân tán khắp nơi. Tôi chẳng còn ai ở Đà Nẵng nên cũng chẳng hẹn về nên chẳng biết tin tức gì về hắn..Năm 1985, trong một dịp công tác, tôi trở về xóm cũ. Thay đổi nhiều, người cũ còn lơ thơ, toàn người mới đến. Hỏi thăm mới biết hắn đã đi Pháp theo diện con lai từ năm 1980. Mẹ hắn tự tử chết sau ngày hắn lên phi cơ đến Pháp. Bà tự tử bằng sái thuốc phiện với giấm thanh lấy ra từ cái bàn đèn lưu niên của ông bố dượng hắn. Tôi lại nhớ những miếng đậu khuôn dòn tan của bà, tôi lại nhớ cái nhan sắc rất Bắc của bà, một nhan sắc lầm lũi. Tôi nhớ đến lần đầu tiên tôi thấy bà mặc chiếc áo dài nhung đen với chuỗi hạt ngọc xanh nơi cổ và chiếc khăn quàng hững hờ trong một dịp Tết năm nào đó. Một hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam của một thời đã đi qua. Một hình ảnh rất đẹp đọng mãi trong đầu tôi. Đã nhiều lần tôi muốn vẽ một bức tranh như thế mà vẫn chưa vẽ được vì cái hồn cốt của nhân vật cũng chưa tìm lại được. Bây giờ bà đi xa rồi. Cầu mong bà yên nghỉ. Cũng xong một đời người..Tôi cũng cầu xin bạn tôi, Alain Delai của tôi sẽ có một cuộc sống bình yên nơi quê nội, chắc là chúng ta sẽ chẳng có dịp để gặp nhau nữa rồi.*******Năm 2010, tôi trở lại nước Pháp để hoàn tất một số giấy tờ cho bản thân và gia đình. Chuyến đi dự trù ba tuần lễ, vì tôi nghĩ thủ tục hành chánh rất khó khăn, nhưng không ngờ chỉ trong một tuần lễ, mọi việc hoàn tất suông sẻ. Rảnh thì giờ, tôi đi lang thang.Tôi đến lại những chốn xưa của một thời long đong và cô đơn ở xứ người. Có nhiều nơi chẳng chút đổi thay dù mấy chục năm đã trôi qua. Tôi đứng trên đồi Montmartre, một khu phố của Paris, quả đồi lớn thuộc Quận 18. Nơi đó là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng, cộng với nhà thờ nhà thờ Sacré-Cœur, các con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng… để nhớ những ngày lang thang vẽ chân dung cho du khách kiếm sống dưới những cánh tuyết mùa đông ẩm ướt..Tôi tìm về khu Quartier Latin Quận 5 thành phố Paris. Nằm ở tả ngạn sông Seine, khu có nhiều trường đại học nồi tiếng thế giới. Ở đây còn có Điện Panthéon, cung điện Luxembourg trong vườn Luxembourg, Sorbonne, Bảo tàng Trung Cổ….Nơi đây đầy khách du lịch bốn phương tụ về. Tôi đi bộ trên phố Huchette nằm cạnh sông Seine, hai bên đầu đại lộ Saint-Michel với các con phố nhỏ, lát đá.. khu này có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, cùng các quán bar và nhiều gallery nghệ thuật. Ngày xưa nghèo, đi ngang mà chẳng dám vô. Bây giờ có đủ tiền để làm thực khách thì đi một mình, cảm thấy buồn nên cũng chẳng muốn vào..Lang thang mãi cũng chán, tôi đi khám phá các metro ở Paris. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đặc trưng bởi mạng lưới các tuyến dày đặc, mật độ sử dụng cao và các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau. Tôi làm nghề mỹ thuật nên rất ham tham khảo và chiêm ngưỡng những công trình độc đáo này..Các bến Métro Paris trang trí theo phong cách Art nouveau, được lựa chọn từ năm 1900. Ngay cả trong những lần tu sửa và mở rộng sau này phong cách đó vẫn được tôn trọng. Các vách và trần bến thông thường được lát bằng các viên gạch sành hình vuông hoặc chữ nhật nhỏ màu trắng. Một số bến được trang trí cầu kì hoặc có phong cách rất khác biệt.Tôi ghé Bến Louvre-Rivoli tuyến 1 mang tên phố Rivoli và Bảo tàng Louvre vào buổi sáng, trời chưa có nắng. Bến được trang trí bằng những bản sao các tác phẩm nổi tiếng của Bảo tàng Louvre, trưng bày trong các hốc tường được chiếu sáng rất đẹp. Chán, tôi lại về Bến Arts et Métiers tuyến 11, vốn mang tên của Bảo tàng Kỹ nghệ Paris (Musée des arts et métiers), khu này toàn phú bằng những rãnh đồng chạy suốt..Lại định ghé qua Bến Pont Neuf tuyến 7 đặt theo tên cây cầu Pont Neuf. Nằm gần La Monnaie de Paris, chỗ in tiền, nhưng không đến, ngồi nghỉ nhìn đám bồ câu bay.Loanh quanh toàn thấy quảng cáo. Các tờ quảng cáo được dán trong các ô có viền trang trí và ký hiệu hãng khai thác..Đang mỏi chân định nghỉ, nhưng rồi lại kêu taxi chạy lăng quăng. Trôi dạt về Gare du Nord. Rổi qua metro Crimée lúc nào không hay..Không biết sao mình lại giạt về đây, bởi khu này lộn xộn lắm, dễ bị móc túi, người đi lại nhiều lại lắm ăn xin. Nhưng rồi lại tự nhủ, biết muôn mặt của metro Paris cũng là điều thú vị nên dù chân đã mỏi cũng gắng thêm một vòng. Người nườm nượp, ồn ào. Con đường dẫn xuống hầm chật chội. Hai bên có mấy người ăn xin, người đàn, kẻ hát, tiếng trống bập bùng. Một không khí lạ lùng và cũng độc đáo. Trời về chiều, sương xuống sớm, không khí hơi lành lạnh. Đã cuối đông rồi..Tôi dừng chân, đốt điếu thuốc, khói thuốc tuôn mờ đục. Bỗng trong mớ âm thanh ồn ã ấy, tôi nghe loáng thoáng một giai điệu của bản nhạc Việt Nam. Thoang thoảng thôi, xa xa gần gần như sương khói. Nhưng chắc chắn là một bài hát Việt..Tôi đi men theo tiếng hát và bắt gặp nột ông Tây già, râu ria lởm chởm, tóc phủ gáy ngồi trên chiếc xe lăn đưa hai chân cụt đến mỏm gối. Ông nhắm mắt hát say sưa bài Giọt mưa thu, hát đi rồi hát lại. Chiếc mũ trước mặt ông cũng có vài đồng tiền giấy và ít tiền xu. Nghe bài hát tôi hình dung ra hắn và tôi đoan chắc chắn là hắn chứ không ai khác. Chỉ có hắn, Alain Dalai mới hát Giọt mưa thu như thế, với giọng như thế và say sưa như thế. Tôi chạy nhanh đến bên lão và hét lớn Chào Alain Delai. Hắn hé mắt, ngập ngừng, nhìn rất lâu vào khuôn mặt tôi, rồi hắn cũng hét lớn Chào thằng em bô giai. Hai đứa tôi ôm nhau, cả hai đều khóc. Không ngờ còn được gặp nhau, mà lại gặp nhau giữa Paris khi tuồi đã già, thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa..Tôi bảo hắn kiếm gì ăn tối, hắn dẫn tôi vào một quán be bé trong con đường nhỏ lát đá với những hàng cây leo. Quán vắng, kêu mấy món ăn, hai chai bia lạnh, hắn kể một đoạn đời mình..Hắn qua Pháp trong những đợt đầu tiên của chính phủ Pháp giải quyết con lai còn lại ở Việt Nam. Nhờ hắn có giấy khai sinh và một số giấy tờ chứng minh, hình ảnh khác nên nó nhờ các tổ chức xã hội tìm lại bố ruột một cách dễ dàng. Một năm sau khi đến Pháp, hắn được gặp bố. Bố hắn đã già, nhưng rất thương yêu hắn, đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời hắn ở nước Pháp. Gia đình bố hắn ở Marseille. Đó là một thành phố cảng của nước Pháp, là thành phố lớn thứ hai của Pháp, sau Paris, và là vùng đô thị lớn thứ ba của Pháp. Hạnh phúc được hai năm thì bố hắn qua đời. Bố hắn có để lại di chúc, có phần thừa kế của hắn. Nhưng hắn lại không đọc được chữ Pháp, nên các anh chị em cùng cha khác mẹ của hắn bảo sao thì nó nghe vậy. Họ bảo nó không được hưởng thừa kế, không có quyền gì trong tài sản bố hắn để lại. Họ giao cho hắn mười ngàn quan, gọi là trợ cấp cho hắn để hắn ra đi. Thân cô thế cô,chữ nghĩa không biết, thân thể què cụt, hắn ngậm đắng nuốt cay, gạt nước mắt rời khỏi nhà làm kẻ lang thang, sống nhờ trợ cấp. Làm kẻ vagabond trôi giạt từ Marseille về đến Paris. Chờ ngày thành tro bụi giữa thành phố hoa lệ này. Mỗi ngày ngồi ở metro hay mấy quãng trường, hát Giọt mưa thu mấy chục năm rồi, để nhớ về mẹ hắn, để nhớ về Việt Nam, một chốn quê không còn chỗ để về..Đêm đó, lúc chia tay, dù đã say khướt, bởi tôi có biết uống đâu, hai đứa tôi ôm nhau ở cửa quán ăn, tôi lè nhè Chào Alain Delai. Hắn siết vào vai tôi Chào thằng em bô giai. Tôi thấy vai mình ướt đẫm nước mắt. Tôi đẩy xe lăn của hắn một đoạn đường trong khi chờ taxi. Hai thằng già vừa đi vừa ngêu ngao bài Giọt mưa thu, tiếng hát hoà trong nước mắt. Những giọt mưa thu Việt Nam nhỏ xuống con phố nhỏ giữa khuya của Paris đang cuối đông. Lúc tôi leo vào taxi, hắn ngoái đầu lại, đưa tay lên và nói nhỏ Au revoir mon ami..Hôm sau tôi trở lại Gare du Nord, không thấy bóng dáng hắn đâu. Tôi qua Gare de l’Est, một khu cũng lộn xộn không kém, cũng không thấy hắn. Hắn biến mất tăm. Những ngày còn lại ở Paris, tôi đi khắp nơi để tìm hắn, nhưng hắn đã biến mất như cây kim rơi vào đống sắt vụn. Biết đâu tìm..Alain Delai! Với cái chân cụt đấy, bạn sẽ đi về đâu mà tìm không thấy?Thôi thì cũng bắt chước hắn, tôi đến bên con đường lát đá có hàng dây leo tường vi, ngước nhìn lên trời và nói nhỏ Au revoir mon ami!
14.7.2010
Bastille DayLễ Quốc khánh PhápDODUYNGOCNguồn Facebook tác giả.
Bài viết được tác giả đăng lại nhân dịp quốc khánh Pháp
Chiếc Lá Khô
Chiều nào, lúc 3 giờ rưỡi là lo chạy xe đến trường để rước đứa cháu nội gái tan học về, người viết luôn gặp một anh bạn già đã đến trước chờ con. Lâu dần rồi quen.
Người viết ham vui, cưới vợ sớm, nên lên chức sớm… đến rước cháu nội.
Còn anh bạn già nầy, tuổi cũng gần bằng người viết, nhưng chắc hổng ham vui gì cho mấy… nên mãi tới năm 35 tuổi, ảnh mới cưới vợ.
Chị nhà lại thuộc ‘tuýp’ người không mắn đẻ nên mãi gần chục năm sau, ráng hết sức mới móc được trong túi ra cho ảnh được một nàng công chúa. Thôi cưng hết biết!
Và khi nàng công chúa nầy đi học mẫu giáo chung với cháu nội của người viết thì ảnh đã quá… quá… bên kia nửa chừng xuân, trên năm chục rồi còn gì nữa.
Cha già con mọn nên ai thấy cũng thương. Ai biểu trầm đò chi cho nó trễ!
Anh chỉ buồn bã trả lời: “Tại chiến tranh mà! Đâu ai muốn. Chỉ sợ ra trận lỡ có bề gì thì con dại cái mang vành khăn tang trắng!”
Đám học trò nhỏ híu ríu rít theo chân cô giáo từ trong lớp ra, để vào phòng họp ngồi, đứng… chờ phụ huynh tới rước. Thấy ông, bà hay cha, mẹ đến, cháu vội chào cô giáo, kiểu Úc, bằng cách ‘high-five’ rồi theo người rước ra xe. Tuổi thơ là lá rất non xanh.
Người viết làm ông; còn ảnh là cha nhưng rước cháu, rước con đều tay bồng, tay bế như nhau mặc dù nó hơi nặng rồi đó nha! Tay xách cặp, nón.
Năm tới cháu vô lớp một, chắc ông bồng hết nổi rồi thì để ông nội cõng vậy.
Rồi lớp Hai, lớp Ba, ông càng già, cháu càng lớn, cõng hổng nổi nữa thì mình dắt. Đúng là tuổi già… là chiếc lá khô.
***
Nhớ năm rồi, may mắn được hai đứa con trai, dâu, cháu nội dắt hai vợ chồng người viết đi Sunshine, ăn ‘yum cha’ nhà hàng Tàu để mừng Father’s Day của Mỹ !
Vợ chồng, con cái, cháu chắt ngồi đầy một bàn. Rôm rả, vui quá chừng chừng!
Ăn xong, tính móc bóp ra trả tiền như mọi khi. Hai đứa con trai xúm vô cản: ‘Ba à! Để cho tụi con tính bữa nay. Mấy ngày khác thì phần của Ba. Hi hi.’
Ngày vui, nhưng đêm, khi mấy nhỏ đã vọt xe về ngủ để sáng mai đi làm. Lại cô đơn! Già khó ngủ! Một mình rót một ly rượu đỏ. Ngồi tư lự cho tới nửa đêm. Hẹn năm tới. Vâng “Ngày Từ phụ” quê người buồn như vậy dù đã ráng hết sức để tìm vui.
***
Giờ nầy đêm nay, tháng Sáu, đêm lạnh xuống tới 5 độ C, ngồi một mình trước ly rượu nầy một mình, con lại nhớ về quê cũ giờ đã xa hàng ngàn dặm biển.
Con lại nhớ đến Ba, nhớ Má, nhớ nhà xưa biết bao nhiêu mà nói. Những mùa khác, đêm đêm con cũng mơ, cũng nhớ về quê cũ nhưng tới Father’s Day con lại còn nhớ tới Ba tới Má ác liệt hơn nữa? Kỷ niệm xưa… tràn về như sóng.
Nhớ hồi xưa nhà mình trong hẻm chợ Hai Mươi gần Ngã Tư đường Phan Thanh Giản và đường Cao Thắng. Con đi học trường tiểu học Bàn Cờ trong Cư Xá Đô Thành, lớp Nhì tức lớp Bốn bây giờ.
Một bữa, cô giáo cho bài tập vẽ một bông hoa cúc. Hồi nhỏ, con nghĩ Ba cái gì cũng biết, cái gì ba cũng làm được.
Con nít ở thành nhà cửa san sát, không có được một khoảng đất trống nho nhỏ nào để trồng cây, trồng bông, trồng hoa, thì làm sao có diễm phúc để biết bông cúc mặt tròn, mặt méo ra sao mà vẽ. Con nhờ Ba vẽ giùm.
Vô lớp cô giáo cho Ba một điểm. Thiệt cô của con không có con mắt thẩm mỹ chút nào.
Rồi lên lớp Nhứt, tức lớp Năm bây giờ, Ba nộp đơn cho con thi vào Đệ Thất.
Hai tuần sau kỳ thi, ba dắt con tới cổng trường Petrus Ký gần bùng binh Ngã Bảy Cộng Hòa, dò xem kết quả đậu rớt ra sao?
Con được 56 điểm đậu hạng 176. Cái thằng đậu hạng chót chỉ được 45 điểm nghĩa là con của ba giỏi hơn con của người ta được 11 điểm.
Mới thấy hồi xưa chỉ thi tuyển vào lớp Đệ Thất thôi mà đã trần ai khoai củ!
Ba dò thấy số báo danh của con mình trên bảng vàng, mừng quá, bèn móc túi ra cho con mười đồng, rồi dẫn con về đường Cao Thắng, trước cửa rạp hát bóng Đại Đồng để ăn hủ tiếu bò vò viên.
Ôi! Tô hủ tiếu con ăn thời thơ dại đã lâu sao nhớ tới thuở bạc đầu.
Chú Tiều tay không bóc bò vò viên thường và bò vò viên gân bỏ vào nồi nước súp đang sôi sùng sục trên bếp. Bò viên trụng trong nồi nước lèo nóng dần lên, cắn vào còn xì khói, mới thấy hết cái vị ngon, giòn hết sẩy. Chén tương đen tương đỏ được rắc thêm một chút ớt sa tế cay nồng ở phía trên. Những miếng cải bắc thảo muối rắc lên mặt tô hủ tiếu bò viên với ngò gai xắt nhuyễn. Tô hủ tiếu bò viên nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Cầm đũa lên ‘lua’ hủ tiếu, lấy muỗng múc bò vò viên, cắn nghe cái xực!
(Người Triều Châu phản Thanh phục Minh không được, quang gánh chạy về phương Nam chỉ mang theo hủ tiếu bò vò viên mà sống hùng, sống mạnh, sống ‘phẻ re’ cho đến tận bây giờ. Ôi cái miền Nam dễ thương của cha con mình đã dang rộng tay đón biết bao nhiêu người cùng khốn!)
Mười một tuổi, mười hai tuổi, sức đang lớn, ăn nhiều, ăn mạnh. Một tô hủ tiếu bò vò viên chưa đã miệng, còn thòm thèm, dù mồ hôi từ chân tóc đã tươm ra đầy lên mặt, rồi chảy từng giọt, từng giọt một trên má. Ngon quá là ngon mà!
Ba kêu thêm cho con một tô gân, lòng bò, lá sách, tổ ong… cùng bò viên. Con cũng tự nhiên, cắm đầu quất láng.
Cái lạ là Ba không ăn gì hết chỉ ngồi gần con và uống một cái xây chừng.
Ăn xong, Ba trả tiền. Trên đường về nhà cho Má hay là con thi đậu. Cả hai cha con mình cười hỉ hả. Năm chục năm sau con đã tìm được câu trả lời tại sao Ba lại không cùng ăn với con?
Câu trả lời rất đơn giản là nhà mình nghèo không có đủ tiền để trả.
***
Rồi thời cuộc đổi thay, Ba và con lưu lạc quê người. Đã ba mươi năm quê nhà con xa. Và ba mươi Father’s Day xa quê cũ , ước vọng được trở về thời thơ ấu, gia đình mình vẫn còn có Ba; bay trở về quê cũ thăm lại Má đã nằm yên dưới ba tấc đất ở ngã ba Hòa Tịnh, Mỹ Tho đã vỡ tan.
“Mộ má nhìn ra lộ Đông Dương. Như trông như ngóng người thương trở về.
Người thương nay đã trở về.
Dẫu tro than vẫn câu thề ngày xanh!
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành. Tàu Tây kia liệt máy; anh mới đành xa em.”
24 năm trước, khi Ba trở bệnh nặng ở Adelaide, từ Melbourne, trời sụp tối, con ra nhà ga ‘Southern Cross’ đi xe lửa suốt đêm về thăm Ba kẻo không còn kịp nữa.
Đêm sau, Chủ Nhựt, lúc từ giã Ba, con quay trở về nhà để Thứ Hai đi làm; con móc trong túi ra hai trăm đô nói: ‘Ba giữ để uống cà phê.’
Hồi xưa, Ba cho con thì cả hai cha con mình đều cười. Bây giờ, con cho lại Ba thì cả hai cha con mình đều khóc.
Con bây giờ như là chiếc lá khô… Nhớ nhà xưa, nhớ Ba, nhớ Má… Có giọt lệ nào ứa ra từ chiếc lá khô trong quê người ngày Từ phụ!
Đoàn Xuân Thu
Trời Đất!
Chúng tôi dân miền Trung, lần đầu vào Nam bộ. Hồi năm bảy ba, sau hiệp định Paris “đi chiến dịch” miền Tây vui lắm.
Sinh viên nửa bụi nửa thư sinh hấp dẫn mấy em lạ lùng. Nhìn mấy anh mang Apha nói chuyện tuyên truyền chính trị trong trường học không nhịn cười được. Có đứa bị nữ sinh hỏi cắc cớ, trả lời không được, cầm micro run rẩy, mắt lờ đờ chực khóc.
Nhóm tôi được ở nhờ một ngôi biệt thự trong vườn. Chủ nhà là một quả phụ chừng dưới bốn mươi, đẹp, quý phái, ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự. Tụi tôi được sắp xếp ở nhà trên, là một nhà thờ mấy đời, bàn thờ chạm khắc tinh xảo và trang nghiêm.
Đang ngồi tán gẫu dưới cây vú sữa sau vườn chợt có một em mặc áo dài trắng từ dưới xuồng bước lên ôm cặp sách cúi đầu vòng tay chào các chú ạ...
Chà đẹp dữ. Cô bé vừa đi vào nhà lại có một em khác mặc bà ba đen, kẹp nón bước tới cũng chào các chú ạ.
Trời đất! giống nhau như hai giọt nước. Thằng “Tùng Móm nhà thơ” lớn tuổi hơn mấy đứa nên có kinh nghiệm tán gái, nói nhỏ, “Mày con áo trắng, tau con áo đen”. Tôi OK ngay. Áo đen áo trắng cũng đẹp mờ.
Thằng Tùng nhanh nhẩu giả đò vào nhà xin lửa. Cái miệng móm và chiếc cằm dài thượt của hắn lúc làm duyên như anh chàng hề sắp diễn xuất.
Hắn đi yểu điệu ra chiều nết na lắm, vào nhà dưới. Nghe giọng Quảng Nam của hắn mấy đứa tôi nín cười không chịu được:
“Chào chị, em là Tùng, cho em xin chút lửa”.
Không nghe ai trả lời, chỉ nghe vọng ra tiếng cười khúc khích.
“Anh nói lại đi, cái gì…”. “Chút lửa”. rồi lại nghe tiếng cười và tiếng con gái:
“Anh mượn cái hộp quẹt đó má, trời đất, cứ chút lựa ai mà biết lựa cái chi”.
Buổi sáng hôm sau. Em áo đen (tạm gọi là đen) chèo xuồng chở em áo trắng (tạm gọi là trắng) đi học. Chiếc xuồng êm nhẹ cùng Đen Trắng lẫn vào con kênh khuất dưới vùng xanh dừa nước.
Chúng tôi đi uống cà phê, Tùng cáo bệnh ở nhà treo võng sau vườn đọc sách.
Trưa. Tôi không đi Sài Gòn chơi với bạn bè, lặng lẽ về một mình, sợ thằng Tùng móm tán cả hai em thì nguy. Tôi đi thật nhanh trông mau về đến nhà.
Dưới cây vú sữa Tùng móm và chị chủ nhà đang ăn vú sữa. Thằng Tùng lại nhanh nhẩu:
“Mi biết trái ni là trái chi không”.
“Không”, “
Là trái vú sữa. Ngoài giống vú, trong có sữa, ăn đi, ngon lắm.
Chị chủ nhà không cười, nghiêm khắc nhìn Tùng. Tôi nói lảng,
“Trái cây ở đây ngon mà hấp dẫn chị hè. Quê em chỉ có ổi, mà trái quắt queo, nhỏ xíu. Nhiều khi trái đang xanh, thèm quá tụi em ăn trộm chắm muối ớt”.
Chị cười. Thằng Tùng có vẻ không vui. Hắn đi ra nằm lên chiếc võng treo gần đó và ngâm thơ. Giọng Quảng Nam mùi mẫn, âm hưởng bài chòi:
Tóc rậm khinh đời râu dài ngạo mạn
Ta cười mình ta ta khóc mình ta
Giang hồ mới hay gặp vầng trăng lạ
Chợt thấy mình tự tử hôm qua
Có phải rằng sầu cũng rụng hôm qua
Thiếu phụ liếc về phía Tùng cười hiền. Móm thi sĩ vờ như không thấy, ngâm tiếp.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà(*)
Tôi làm như không thấy cảnh hai người, cúi đầu ăn vú sữa. Những múi trắng tứa nước ngọt mềm mát rượi cổ họng. Lòng cứ nghĩ về chiếc xuồng. Giờ này các em sắp về chưa. Chiếc áo bà ba xẻ eo cao, khi cô bé rướn người chèo xuồng đẹp phải biết. Tôi sẽ gọi
“… Đen ơi, chở anh đi xuồng chút cho biết, từ nhỏ anh chưa được đi xuồng nơi”.
Đang mơ, tiếng lào xào lao xao của chiếc xuồng cạ vào lá dừa nước cập bờ. Vẫn Trắng lên trước, vẫn cái cặp trước ngực cúi đầu chào má chào anh con đi học về. Đen cũng thế, như hồi hôm, nhưng lần này thay vì chào chú lại chào anh, tôi sướng rơn. He he.
Chiều. Hai chị em mặc áo lụa vàng, quần đen. Nếu họ múa đôi thì không thể biết ai Đen ai Trắng, ai vàng hơn ai. Thiệt khó phân biệt.
Tôi nao núng nghĩ cách gì để phân biệt. Mà chịu. Họ giống nhau lạ lùng, từ cái cười, kiểu vén tóc cho đến giọng nói. Một trong hai nói với mẹ:
“Con chèo xuồng đi hái dừa về mời các anh nghe má. Khóm dừa xiêm bên vườn cộ có trái lớn rồi đó”.
Mẹ bảo đi nhanh không tối. Tôi đứng lên lí nhí,
“Chị cho em đi bảo vệ cô nương nghe chị”.
Cô bé nhanh nhảu:
“Ngồi xuồng không được nhúc nhích. Chỉ cần động đậy là xuồng lật chết rán chịu”.
Tôi theo em ra bến, không quên ném lại cho Tùng thi sĩ một cái liếc trêu ngươi.
Tôi xuống xuồng trước, em vịn xuồng nói theo:
“Nhớ kỷ luật đi xuồng chưa. Có biết bơi không thì nói để tui còn tính”.
Tôi ngồi yên, hai tay ghì mạn xuồng, nhìn ra phía trước.
Chiếc xuồng lắc nhẹ rồi theo con kênh chui sâu vào rừng dừa nước.
Không thấy ánh mặt trời, chỉ dưới nước trên lá dừa, và giữa hai sự lao chao xao xuyến ấy phải là em. Lòng tôi cứ ngất ngư theo từng tiếng khua tách tách nước. Bây giờ mới thấy mình ngu. Ngồi kiểu này sao mà nhìn em, thấy em bặm môi mỗi lần quẩy dầm rướn tới, thấy chỗ xẻ nách áo bà ba ẩn hiện chút hình tam giác khi kín khi hở đến xốn xang lòng. Tôi ngồi yên, không dám động đậy như điều lệnh của em đã dặn.
Vườn cộ có lẽ là vườn cũ. Những trái dừa xiêm lủng lẳng ngang tầm hái. Em cặp xuồng vào một gốc dừa, lên trước rồi vịn xuồng cho tôi lên cùng. Em lảy mấy trái thiệt nhanh và gọn. Tôi lớ quớ chỉ hái được một trái đã sẩy tay rơi xuống kinh. Em cười bảo dừa đang non, hái ít thôi. Tôi bảo ngoài quê tôi có câu ca dao hay lắm:
Chèo đò bẻ bắp bên sông
Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về.
Em hỏi ý câu này là sao. Tôi bảo lên xuồng rồi nói chuyện. Lần này tôi ngồi ngược lại, chỉ cách em một tầm tay. Em quẩy dầm. Xuồng trôi nhẹ tênh. Trời tối thật nhanh, chỉ nhìn thấy em lơ mơ lờ mờ. Em lại nhắc về câu ca dao. Tôi bịa ra:
“Ngày xưa chàng ở bên này sông, thiếp ở bên kia. Mấy lần chàng định qua thăm nàng mà cứ lần lữa. Cho đến ngày chàng quyết qua thì nàng đã có chồng. Em gái nàng mới mười ba tuổi dặn rằng ba năm nữa chàng qua em sẽ lớn bằng chị. Ba năm sau chàng qua nhưng cô em cũng vừa lấy chồng. Về, thất tình chàng sáng tác hai câu thơ này. Ý bảo bắp chưa chín thì bẻ ngay bông, đừng chờ”.
Em cười bảo chuyện xưa hay hè, rồi cười lích nhích.
Chiếc xuồng lướt thật êm. Gió chiều thổi mạnh. Tóc dài của em quất vào má tôi như nụ hôn của trời đất. Lần đầu tôi hưởng được mùi vị con gái qua tóc dài của em. Người tôi như run lên, quên mất điều lệnh em dặn, rùng mình nghiêng theo tóc bay. Chiếc xuồng mất thăng bằng lật úp. Tôi không biết bơi, cứ vùng vẫy sặc nước.
Đang giãy dụa bỗng như có ai đó cụng đầu vào bụng mình nâng lên, nâng lên rồi từng nhịp nhẹ nhàng đẩy tôi tấp dần vào bờ. Chụp được nhánh dừa nước, tôi run rẩy hoảng loạn nhìn dòng nước đang chảy lờ đờ. Từ dưới nước em trồi lên, mái tóc dài ép sát vào người. Em cầm tay tôi reo lên, anh gì ơi sống rồi, sống rồi. Tôi run run hỏi, chiếc xuồng đâu, và dừa đâu. Em cười sằng sặc, bảo
“Không mất đâu, mai nước ròng ra chèo về”.
Chúng tôi lội theo đường ruộng sình lầy. Có lúc em bị lún bùn, tôi phải cầm tay kéo lên mới được. Em kêu lên,
“Anh khỏe ghê”. “
Dưới nước em lại mạnh hơn anh. Mai mốt hết chiến tranh anh sẽ về đây cưới em. Anh đi mầng ruộng còn em chèo xuống chở lúa”.
Em nhìn chăm vào tôi, kêu lên
“Trời đất!”
Tôi hỏi em tên chi, em thật thà bảo tên Nương. Còn em kia, “tên Nường”. Tôi cười to.
Tên cũng gần giống nhau. Vậy thì làm sao phân biệt được ai Nương ai Nường?
Em có cái khác.
Cái chi.
Em vén tóc lên chỉ vào vành tai, nơi có nốt ruồi son bằng hạt gạo.
Tôi hoang mang:
“Nhỡ em xõa tóc thì làm sao thấy”.
Em cười,
“Có người yêu chưa mà ngơ thế”.
Tôi thành thật bảo chưa.
“Chừ ta ví dụ nghen”.
Em lại kêu lên,
“Trời đất!”
Và trời đất, gió, mùi bùn quyện lấy chúng tôi. Nụ hôn đầu của chúng tôi thơm ngát hương bùn.
Ngày chia tay ba mẹ con đứng nhìn theo. Hai xanh một vàng. Chiếc áo bà ba vàng của thiếu phụ rung rung. Chị khóc. Nường cười mà mắt đỏ hoe. Nương níu tay tôi nói nhỏ,
“Nhớ nghen, giữ lời hứa nghe… anh”.
Rồi úp mặt vào vai tôi thút thít. Thằng Tùng cũng khóc, thi sĩ mà.
Hắn nắm tay thiếu phụ lắc lắc, như giả vờ bắt tay chào tạm biệt. Tôi nhìn ra con kênh nơi có chiếc xuồng cô đơn neo vào gốc dừa nước, lòng lao xao run theo gió xạc xào.
Chúng tôi đi băng qua cánh đồng. Thỉnh thoảng ngoái lại, cho đến lúc chỉ còn thấy ba bóng người nhỏ xíu như ba chiếc lá, hai xanh một vàng.
Năm 1985, tôi có dịp về miền Tây. Ghé vào quán nước bên đường ngồi chờ phà. Chị bán hàng bưng ra trái dừa cho người khách duy nhất là tôi. Tóc chị bới cao lộ rõ nốt ruồi son ở vành tai. Tôi ngờ ngợ, hỏi:
“Chị là Nương, phải không?”
Nương chăm nhìn tôi nửa ngượng ngập, nửa xúc động, reo lên:
“A… anh gì đó, hả, Anh Luân đó hả, trời đất”, rồi kêu vọng vào trong: “Dượng ơi có khách quý”.
Mười mấy năm mà trông Tùng Móm như ông lão sáu mươi. Dưới cái cằm dài thượt là bộ râu vểnh ngược trông thật ngộ. Hắn không vồn vã, chỉ bắt tay rồi ngồi đối diện tôi, chậm rãi hắn nói nhỏ vừa đủ nghe:
“Sau 75 thay vì về quê tao lại về đây. Tao yêu Thục, mẹ của Đen Trắng.
Tụi tau đã có hai con gái sinh đôi, giống Đen Trắng ngày xưa như đúc. Đi học trưa mới về. Thục ra chợ chắc cũng sắp về. Vườn cộ vô hợp tác rồi, nhà từ đường cũng biến thành sân kho hợp tác xã.
Năm 78 cả nhà chuyển ra đây, bán nước kiếm sống”. Tùng thở dài, chuốt râu mấy cái liền, nhìn chằm vào tôi hỏi:
“Mi lấy vợ chưa?”
Tôi cố tình trả lời lớn, chắc nịch,
“Chưa”. “
Con Nương chờ mi đó. Nường lấy chồng rồi.
Từ khi có Tùng, Nương ngồi đung đưa võng, mắt xa xôi, không góp chuyện. Khi nghe tôi trả lời tiếng “chưa”, Nương đứng bật lên, ôm chầm tôi, nói trong tiếng nấc,
“Trời đất!
Chưa thiệt hôn anh, thiệt hôn anh. Trời còn thương em mà, em biết mà.
Chiếc bàn tre rung lắc, trái dừa xiêm rớt xuống lăn lông lốc. Nương kêu lên,
“Vườn cộ, chèo đò bẻ bắp bên sông... Trời đất!”
Tôi bảo,
“Hái dừa chớ không phải bẻ bắp. Dừa càng già cơm càng giòn mà”.
Em lại thì thào, giọng nhỏ như tiếng nấc.
***** Trời đất! *****
Đặng Văn Mừng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét