a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

CHỮ TÌNH - NGUYÊN LẠC

                                                                   Tranh Yoel Benharrouche




 

Chỉ có thể là tình yêu...

 



Một chiều đông lạnh buốt. Trên đường về nhà, tình cờ tôi nhặt được một chiếc ví bằng da màu nâu đã cũ sờn, có sợi dây nơ màu đỏ. Bên trong ví không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào mà chỉ có vỏn vẹn 3 đô la và một phong thư nhàu nát. Những chữ duy nhất có thể đọc được trên bì thư là địa chỉ của người gửi.
Tôi liền mở lá thư ra, hy vọng sẽ tìm được chút ít manh mối về chủ nhân của chiếc ví. Hàng chữ ghi ngày tháng đập vào mắt tôi đầu tiên. Bức thư này được viết cách đây đã hơn năm mươi năm!
Lá thư được viết với nét chữ con gái mềm mại, trên nền giấy xanh điểm xuyết vài bông hoa nhỏ phía góc trái. Đó là thư chia tay gửi cho một người tên Michael. Cô gái nói rằng cô không thể gặp anh ta nữa vì gia đình ngăn cản, nhưng dù vậy, cô vẫn sẽ luôn yêu anh. Cuối thư ký tên là Hannah.
Nội dung thư khá xúc động, nhưng chẳng có chi tiết gì rõ ràng, ngoại trừ cái tên Michael, để xác định chủ nhân của chiếc ví. Tôi gọi điện cho tổng đài để xin số điện thoại dựa vào địa chỉ ghi trên bao thư.
Sau khi nghe tôi trình bày, người trực tổng đài ngần ngừ một lát rồi nói: “Chủ nhà ở địa chỉ trên có đăng ký số điện thoại, nhưng rất tiếc tôi không thể cho anh số điện thoại được”. Cô lịch sự đề nghị rằng chính cô sẽ gọi điện cho người ở địa chỉ đó, giải thích câu chuyện và hỏi xem họ có muốn tiếp chuyện với tôi hay không. Vài phút sau, cô quay lại và chuyển máy cho tôi.
Tôi hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia về người phụ nữ tên Hannah. Bà ta vội đáp, “Ồ, chúng tôi mua căn nhà này cách đây đã 30 năm. Hình như gia đình ấy có cô con gái tên là Hannah, nhưng cách nay vài năm Hannah đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão.”
Tôi gọi điện đến viện dưỡng lão và được biết bà cụ đã qua đời, nhưng họ có biết số điện thoại của người con gái.
Tôi lại tiếp tục gọi đến số điện thoại được cho và biết rằng Hannah hiện cũng đang ở trong một viện dưỡng lão.
“Thật là ngốc!” – Tôi tự nghĩ. “Sao mình lại cất công đi tìm chủ nhân của một chiếc ví chỉ có 3 đô la và một bức thư cũ mèm những năm mươi năm trước kia chứ?”
Tuy nhiên, tôi vẫn gọi đến nhà dưỡng lão nơi có lẽ cô Hannah, giờ đây đã là bà Hannah, đang ở. “Vâng, bà Hannah đang ở với chúng tôi,” đó là câu trả lời tôi nhận được.
Mặc dù đã 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn lái xe đến viện dưỡng lão. Sau khi giải thích với cô y tá trực đêm, tôi được cô đưa lên tầng ba của tòa nhà, giới thiệu tôi với bà Hannah. Bà cụ trông thật phúc hậu với mái tóc bạch kim, gương mặt tươi tắn và đôi mắt sáng tinh anh.
Tôi kể cho bà nghe chuyện mình nhặt được chiếc ví và cho bà xem bức thư. Vừa trông thấy phong thư màu xanh điểm vài cánh hoa nhỏ nơi góc trái, bà Hannah hít một hơi dài và nói, “Đây là lần liên lạc cuối cùng của bà với Michael!”.
Bà quay đi một lúc như chìm trong suy tưởng, rồi nhẹ nhàng nói, “Bà yêu anh ấy biết bao. Nhưng khi ấy, bà chỉ mới mười sáu tuổi và gia đình bà cho rằng bà còn quá trẻ để yêu. Chao ôi, anh ấy mới tuyệt vời làm sao!”.
Rồi bà tiếp tục, “Michael Goldstein là một người tuyệt vời. Nếu cháu tìm thấy anh ấy, hãy nói rằng bà luôn nghĩ đến anh. Và…,” ngập ngừng một lúc lâu, gần như cắn chặt môi, bà nói tiếp, “nói rằng bà vẫn yêu anh ấy. Cháu biết không,” bà khẽ mỉm cười, đôi mắt ngân ngấn nước, “bà chưa từng kết hôn. Bà nghĩ rằng không ai có thể sánh bằng Michael cả…”
Tôi xúc động nhưng phải chào tạm biệt bà Hannah vì đêm đã khuya. Xuống tới tầng một, tôi gặp người gác cổng ở ngay trước cửa thang máy. Anh ta hỏi, “Bà cụ có giúp gì được cho anh không?”
Tôi trả lời rằng bà đã cho tôi thêm được một manh mối, “Ít nhất tôi biết được họ của ông ấy. Nhưng tôi nghĩ chắc phải gác chuyện này sang một bên ít lâu. Cả ngày nay tôi đã cố tìm cho được chủ nhân của chiếc ví này.”
Tôi lấy chiếc ví ra cho anh ta xem. Vừa trông thấy chiếc ví, anh gác cổng kêu lên, “Khoan đã! Đây là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi có thể nhận ra nó bất cứ đâu nhờ vào sợi dây nơ này. Ông cụ thường hay làm mất ví. Ít nhất ba lần tôi tìm thấy chiếc ví trong hội trường này.”
- Ông Goldstein là ai vậy? – Tôi hỏi mà có cảm giác tay mình run lên.
- Ông sống ở tầng tám. Chắc chắn đây là ví của Michael Goldstein. Chắc ông cụ đã làm rơi nó trên đường đi dạo.
Tôi cám ơn anh rồi chạy vội đến phòng y tá để kể cho cô y tá trực ban những gì anh gác cổng vừa bảo. Chúng tôi trở lại thang máy lên tầng tám. Tôi thầm cầu nguyện ông Goldstein vẫn còn thức.
Chúng tôi bước vào căn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một người đàn ông đang ngồi đọc sách. Cô y tá đến hỏi ông có làm mất chiếc ví hay không. Ông Goldstein ngước lên với vẻ ngạc nhiên, rồi lần tìm túi sau của mình và nói, “Ồ, nó lại bị mất rồi!”
- Chàng trai này đã tìm thấy chiếc ví và chúng cháu nghĩ có lẽ là của ông.
Tôi trao cho ông Goldstein chiếc ví, vừa trông thấy nó, ông cụ mỉm cười nhẹ nhõm rồi nói:
“Đúng nó rồi! Chắc ông đánh rơi nó chiều nay. Này cháu ông muốn thưởng cho cháu một món gì đó.”
- Không cần đâu thưa ông. – Tôi đáp và nắm lấy tay ông cụ – Nhưng cháu muốn kể với ông một việc. Cháu đã đọc bức thư bên trong với hy vọng tìm thấy chủ nhân của chiếc ví.
Đột nhiên nụ cười trên gương mặt ông cụ tắt ngấm.
- Cháu đã đọc lá thư đó à?
- Không chỉ đọc lá thư, cháu còn biết được bà Hannah hiện đang ở đâu nữa.
Ông xúc động nắm chặt tay tôi:
- Hannah? Cháu biết Hannah ở đâu à? Cô ấy khỏe không? Còn xinh đẹp như trước không? Làm ơn, làm ơn cho ông biết đi!
- Bà ấy khỏe… vẫn xinh đẹp như khi ông biết bà. – Tôi đáp khẽ.
- Cháu cho ông biết nơi ở của cô ấy được không? Sáng mai ông muốn gọi điện cho cô ấy. – Giọng ông run run, gần như thầm thì. – Cháu biết không, ông yêu Hannah đến nỗi khi nhận được lá thư này, ông có cảm giác cuộc đời mình cũng chấm dứt từ đó. Ông chưa từng kết hôn. Ông chỉ yêu một mình cô ấy thôi…
- Ông đi với cháu nhé. – Tôi nói.
Chúng tôi đi thang máy xuống tầng ba. Sảnh đã tắt đèn, chỉ còn một hai ngọn đèn thắp sáng dẫn lối chúng tôi đến phòng sinh hoạt chung. Nơi đó, Hannah vẫn ngồi một mình xem tivi.
Cô y tá bước lại gần chỗ của bà.
- Bà Hannah. – Cô nói nhỏ, chỉ tay về phía Michael đang đứng đợi ở cửa. – Bà có biết người này không?
Chỉnh lại gọng kính, bà nhìn một chút nhưng không nói lời nào. Michael khẽ lên tiếng, dường như chỉ là thì thầm:
- Hannah, anh là Michael đây. Em còn nhớ anh không?
Bà thở mạnh:
- Michael ư? Em không tin nổi! Michael! Đúng là anh rồi! Michael của em!
Ông bước chầm chậm tới chỗ của bà, và họ ôm chầm lấy nhau.
Ba tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ viện dưỡng lão. “Chủ nhật này anh có thể sắp xếp để đến đây dự lễ cưới không? Ông Michael và bà Hannah sẽ trao nhẫn cưới cho nhau!”
Một đám cưới tuyệt vời! Tất cả mọi người ở viện dưỡng lão đều tham dự. Bà Hannah mặc một chiếc áo đầm dài màu be nhạt, gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Cụ Michael mặc một bộ vét màu xanh đậm, hãnh diện sánh bước bên cô dâu của mình.
Một kết thúc đẹp cho câu chuyện tình kéo dài gần sáu mươi năm !❤️

Thái Hiền – Theo The Wallet
My Lan sưu tầm




ĐỪNG NHÌN TRỘM CỬA SỔ NGƯỜI KHÁC,
ĐỪNG LẤY THƯỚC ĐO CỦA MÌNH ĐO LÒNG NGƯỜI KHÁC
Có 8 tỷ người trên thế giới, mỗi người có một cách sống riêng và mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng.
Có một câu nói nổi tiếng: "Rèm cửa sổ nhà người khác tốt nhất không nên nhìn trộm... học cách tôn trọng rèm cửa sổ nhà người khác".
Cách sống thông minh nhất của đời người, đó chính là: "Không nói nhiều, không nhiều chuyện, không để tâm nhiều".
Bạn không bao giờ có thể thực sự quen một người trừ khi bạn đi vòng quanh trong đôi giày của anh ta và suy nghĩ theo quan điểm của anh ta.
Đôi khi, những gì có vẻ bình thường đối với bạn có thể một món quà mà người khác luôn mơ ước. Trong mắt bạn, trải nghiệm không đáng nói có thể là hạnh phúc khó giành được của người khác.
Con người ta nên chiếu ánh sáng của chính mình chứ không phải làm tắt đi ngọn đèn của người khác.
Khi bạn không thể đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của người khác, bạn cũng có thể chọn cách sống tử tế.
Tôi đã được xem bộ phim ngắn đoạt giải Oscar "Cửa sổ hàng xóm" kể về một câu chuyện ý nghĩa:
Có một cặp vợ chồng tuổi xế chiều, sau nhiều năm bôn ba khắp chốn, họ dần dần mất đi nhiệt huyết đối với cuộc sống, họ sống tạm bợ ngày qua ngày.
Một lần sau bữa tối, họ vô tình nhìn qua cửa sổ, họ thấy tầng nhà đối diện có một cặp vợ chồng trẻ đang yêu thương và ân ái với nhau, trông vô cùng hạnh phúc.
Kể từ đó, việc nhìn trộm qua cửa sổ đối diện đã trở thành gia vị cuộc sống của hai vợ chồng họ.
Họ thấy đôi vợ chồng trẻ thường xuyên ăn uống vui vẻ, ông bà liền sinh ra lòng đố kỵ, họ bắt đầu so sánh cuộc sống của bản thân họ, sau đó liền cảm thấy chán nản vô cùng, trong lòng sinh ra buồn rầu, thất vọng.
Mãi cho đến một ngày, bà lão đột nhiên phát hiện người chồng trẻ mắc bệnh nặng, đầu óc cậu ta cạo trọc lóc, nằm trên giường bệnh. Không lâu sau đó, xe cứu thương đỗ ở dưới tòa nhà đón người đó nhập viện.
Từ cửa sổ, bà nhìn thấy người vợ trẻ đang đứng một mình ở dưới tầng lầu, nhìn bộ dạng của cô vô cùng đau khổ, do vậy bà đã xuống lầu và an ủi người vợ trẻ.
Người vợ trẻ nhìn thấy bà, khóc lóc nói : "Chồng cháu bị bệnh hiểm nghèo, chúng cháu vẫn luôn ngưỡng mộ gia đình nhà bác, lúc nào cũng vui vẻ hòa thuận, cùng nhau ăn cơm, bình yên và thoải mái".
Bà chợt hiểu ra cuộc sống tưởng chừng như đơn giản, tẻ nhạt trong mắt của đôi vợ chồng tuổi xế chiều, thì lại chính lại là cuộc sống đáng mơ ước đối với người khác.
Sống trong phúc mà cứ luôn mải kiếm tìm hạnh phúc, đó chính là điều chúng ta thường thấy ở nhiều người.
Có bao nhiều người, khi còn trẻ luôn cảm thấy cuộc sống của người khác may mắn đáng mơ ước, họ cứ luôn khao khát tìm được công việc tốt, gặp được người bạn đời lý tưởng, cùng nhau xây dựng cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc mỹ mãn.
Trưởng thành dần, họ lại cảm thấy con nhà người ta sao cái gì cũng xuất sắc, con nhà mình quá ư là tầm thường, không làm nên trò trống gì cả.
Đến tuổi xế chiều, chúng ta thường mang một cái tâm thích so bì cuộc sống của người khác, luôn nhìn chằm chằm vào hạnh phúc của người khác, và sau đó cảm thấy phiền não cho cuộc sống của chính mình.
Ông trời sẽ không để tất cả hạnh phúc tập trung vào một người. Người có được tình yêu nhưng không nhất định có nhiều tiền, người có nhiều tiền không nhất định là người có hạnh phúc, người có được hạnh phúc không nhất định có được sức khỏe, người có được sức khỏe thì không phải chuyện gì trong đời cũng thuận buồm xuôi gió. Bảo trì một thái độ biết đủ thường vui, không so đo với người khác, đó mới là trạng thái tốt nhất của đời người.
Một người thực sự trưởng thành biết cách nắm bắt khoảnh khắc hiện tại, không đố kỵ, phàn nàn hay so sánh với ai.
Trong nửa cuối cuộc đời, bạn phải học cách buông bỏ những giá trị bạn không thể có được, những gì bạn đã có ,hãy trần trọng nó.
Cuộc sống là của bạn, thay vào suốt ngày nhìn vào ô cửa sổ của người khác, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh và nhìn nhận thật kỹ trái tim của chính mình.

Sống Không Phiền


Một Bác sĩ rất thân đã chia sẻ qua Email của tôi 13 việc “Không phiền”. Tôi đọc đi, đọc lại thấy hay hay nên xin chuyển đến các anh chị và các bạn. Với tôi, ngày nào cũng “Không phiền” như những nội dung dưới đây thì đã là hạnh phúc:

 

1Emoji- Buổi sáng ngủ ngon mà bị đồng hồ báo thức, đáng lẽ phải càu nhàu, nhưng tôi không phiền mà lại rất vui, vì biết mình còn sống.

 

2Emoji- Vợ tôi chỉ nấu cho tôi tô mì gói chiều nay, tôi không phiền cho rằng nàng lười nấu nướng, mà rất vui vì nàng không ra đường cặp kè với ai khác. Cảm ơn Trời, tôi vẫn còn có một người vợ tốt...

 

3Emoji- Chồng tôi cứ ngồi salon coi Tivi, tôi không phiền, vì chàng vẫn ở nhà với tôi, thay vì ra quán nhậu nhẹt tốn tiền, rồi đánh lộn, say rượu... Cảm ơn Trời tôi vẫn còn người chồng tốt.

 

Emoji- Con tôi cằn nhằn vì bị bắt rửa chén. Tôi không phiền vì nó vẫn còn là đứa con ngoan không ra đường lêu lỏng.

 

Emoji- Sau buổi tiệc, khi các bạn đã ra về, tôi phải cực nhọc lau chùi, rửa dọn, nhưng tôi không phiền mà còn rất vui vì tôi có được nhiều bạn hữu.

 

Emoji- Quần áo lúc này hơi chật, nhưng tôi không than phiền, vì điều đó có nghĩa là tôi vẫn rất mạnh khỏe.

 

Emoji- Đi giữa trời đứng bóng nóng nực tôi không buồn phiền, vì được sống thong thả tự do dưới ánh mặt trời.

 

Emoji- Sân cỏ cần được cắt, cửa sổ cần được lau chùi, và bao nhiêu công việc nhà đang chờ đợi, nhưng tôi không phiền, không than thở vì tôi vẫn còn được một mái nhà cho gia đình mình.

 

Emoji- Ở trong Chùa, cái bà đứng sau tôi tụng kinh sai hết trọi hết trơn, nhưng tôi không phiền, vì thính giác của mình vẫn còn tốt, trong khi nhiều người khác không còn khả năng nghe được.

 

10 Emoji- Đồ đạc quần áo chất đống để chờ tôi giặt, ủi, nhưng tôi không phiền vì mình vẫn còn có nhiều quần áo để mặc.

 

11 Emoji- Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi, và đau nhức các bắp thịt, nhưng tôi vui, vì mình vẫn còn có khả năng làm được những việc nặng nhọc.

 

12 Emoji- Làm việc chung với tôi, có nhiều người tính khí khác lạ, tôi không phiền, vì chính nhờ họ mà công việc không trở nên buồn tẻ mà trái lại thêm thích thú.

 

13 Emoji- Và cuối cùng nhận được nhiều người Tag trên FB quá, nhiều tin nhắn và nhiều cuộc gọi quá nhưng tôi không phiền, vì điều đó chứng tỏ rằng tôi có nhiều bạn và điều đó chứng tỏ rằng bạn bè tôi vẫn mạnh khoẻ, và còn có những giây phút nghĩ đến tôi. (*__*)

 

Mong rằng sau khi đọc nội dung trên, các bạn sẽ “Không phiền” vì tôi đã làm mất thời giờ của các bạn. Xin các bạn hãy vui cùng tôi, vì hôm nay tôi đã khỏe để có thể ngồi đến 12 giờ đêm để gửi những dòng này đến các anh chị và các bạn. Và như thế tôi đã hạnh phúc vô cùng!

 

Bây giờ tôi chuẩn bị đi ngủ, và sẽ “Không phiền” khi bị đồng hồ báo thức vào sáng ngày mai. Vì không nghe được đồng hồ báo thức có có nghĩa là.. tôi đã ngủ.. ''thẻng cẻng'' luôn rồi!

 

Tư Ba Trn


HÃY LÀM NHỮNG GÌ CÒN CÓ THỂ
(Thân tặng mọi cặp vợ chồng)
Rồi một ngày em không còn anh
Hay ngược lại anh không còn em nữa
Đôi chúng ta sẽ chia làm hai nửa
Một nửa còn biết sống thế nào đây!
Căn nhà mình sẽ thiếu một đôi tay
Tiếng đi nhẹ, thiếu một đôi chân bước
Và thìa bát chẳng va nhau lách cách
Thiếu một người, bớt bát, chẳng va nhau!
Quần áo chiều chẳng phải cất cho lâu
Dây phơi rộng, chăng cả tuần không hết
Cứ nói thật to, chẳng còn ai biết
Lời thì thầm nào còn nghĩa gì đâu!
Rồi một ngày ta phải sống xa nhau
Xa cách âm dương không ngày tái hợp
Hãy cố sống, ngày còn nhau, cho tốt
Khi xa rồi, day dứt, ích gì đâu!
Ngay bây giờ ta hãy sống vì nhau
Đừng cáu giận khi cơm chiều quá bữa
Đừng vặn vẹo vì một câu nói hớ
Đừng dỗi hờn vì chồng (vợ) hay quên:
Quên mất ngày anh đã nói yêu em
Quên ngày cưới, ngày sinh, quên ngày con có mặt
Quên những chuyện to, quên điều nhỏ nhặt
Đừng dỗi hờn: thời gian chẳng đợi đâu
Ngay bây giờ hãy cố: sống vì nhau
Lúc khỏe, lúc đau, vui buồn có cả
Ngọc có vết, ai cũng còn sơ hở
Hà cớ gì, ta cứ trách chê nhau!
Ngay bây giờ, vẫn chưa hẳn muộn đâu
Hãy cố chăm lo cho phần còn lại
Nụ hôn thêm nồng, vòng tay ấm mãi
Để chẳng còn ân hận: lúc xa nhau...
SƯU TẦM

ĐÊM GIAO THỪA - NGUYÊN LẠC






 

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

BÁN THÂN CỨU MẸ

 


1/-
Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ muốn xuống quầy ăn uống phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ.
Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật.
Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa.
Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu...cũng không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu tôi.
Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. Chưa bao giờ tôi lâm vào tình trạng quẫn trí như lúc này.
Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.
Mỗi buổi sáng, bác sĩ Bình, điều trị cho mẹ đi qua thăm khám đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng ái ngại quay đi.
Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong sáu cái giường cá nhân. Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ Bình đi vào, mang theo mười hai cái bao thơ, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo tín hiệu “bí mật”. Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.
Ai đã từng vào chăm sóc bệnh nhân trong bịnh viện mới cảm nhận được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ sát thương của nó thật là khủng khiếp!
Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào, giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng. Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ hôi lạnh toát.
Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm một con đường sống.
Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng!
Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.
Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào để xoay ra hơn ba chục triệu đồng. Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ Bình. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong bịnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh. Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ!: Hình như anh có để ý đến tôi. Có để ý mới đưa bao thơ dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rảnh rỗi lại đi mách bệnh nhân cách lách luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?
Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm người giúp việc không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trong tuần, ba giờ mỗi ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì. Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm tình nguyện! Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng.
Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia. Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!
Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ. Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta “nghiệm thu”mình.
2/-
Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn. Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy Mai đã rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí. Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến không ít cảnh các ông cha bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã là nhiều. Thế nên, hình ảnh của Mai ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi cũng có chút động lòng.
Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Ba tôi mất đã năm năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm sóc tôi và làm từ thiện. Lương hưu của bà không đáng là bao.Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả đem vào bịnh viện tôi đang làm cho bịnh nhân khoa tôi điều trị. Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ, không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào bịnh viện phân phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là xong. Riêng bao thư của mẹ Mai, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như muối bỏ bể mà thôi!
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được Mai lại đề nghị “bán mình” cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được nữa.
Ngày mẹ Mai ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải “thanh toán” hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: “Cứ coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!”. Không ngờ em “chốt hạ” ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất đi! Em biết mẹ anh đang bệnh, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em sẽ đến nhà anh giúp việc nhà và chăm sóc mẹ anh. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!
Mai làm người giúp việc và chăm sóc cho mẹ tôi được đúng sáu tháng thì mẹ tôi một hai đòi nâng cấp em làm con dâu.
Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập luận “có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?” thì thật nhảm vô cùng !!!
Ghi lại
Trần Khắc Tường.


Hãy Để Cha Sống Những Ngày Cuối Cùng Như Mong Muốn 

Tình yêu của cha mẹ giống như mảnh đất phì nhiêu thầm lặng, không cần hương hoa để tô vẽ, cũng không cần phải thể hiện ra ngoài. Mảnh đất ấy chỉ lặng lẽ, âm thầm, nhưng lại dưỡng thành nên thứ tình yêu vĩnh cửu. 

Hôm cha tôi được bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi, mẹ không hề tỏ ra quá đau thương. Bà chỉ ngẩn người ra một lúc rồi nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt trên khoé mi. Cha cũng rất bình tĩnh, sau khi trao đổi với bác sĩ về quá trình hoá trị và kết quả sau hoá trị, cha đã nhốt mình trong phòng một ngày. Sau đó ông tuyên bố sẽ không hoá trị. Cả tôi và vợ đều gắng sức khuyên nhủ cha nhưng mẹ lại không nói lời nào, bà chỉ lặng lẽ gắp thức ăn cho ông.

Cha tôi có bảo hiểm y tế, chi phí trị liệu gia đình hoàn toàn có thể gánh vác được, nhưng ông vẫn kiên quyết không đồng ý. Cha nói có trị liệu thì thời gian kéo dài thọ mệnh cũng chỉ được tính bằng tháng bằng ngày, cha không muốn những ngày còn lại của đời mình bị nhốt trong bốn bức tường bệnh viện, ở đó hết lần này lần khác chịu đựng những đớn đau của các đợt hóa trị. Cha muốn những ngày cuối cùng sẽ được sống cuộc đời mà cha mong muốn.

Mẹ im lặng hồi lâu rồi nói:“Để cha mẹ về quê đi, cha con luôn thích được về quê sinh sống”. Sau khi kết hôn tôi đã đón cha mẹ lên thành phố sống cùng chúng tôi. Nhưng cha mẹ vẫn thường xuyên nhớ về thôn quê, ra khỏi cửa là có thể ngắm cảnh ruộng đồng sông nước, cha không thích cuộc sống nơi thành phố chật chội và ngột ngạt này. 


Cha mẹ vẫn thường xuyên nhớ về thôn quê 

Sang ngày thứ ba, tôi và vợ đưa cha mẹ về quê, và quả thật cha mẹ đã được sống những tháng ngày vui vẻ. Khu vườn bỏ hoang lâu ngày được cha làm lại, cha ra chợ mua rất nhiều loại hoa về trồng, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan đủ cả, cha thậm chí còn mua hẳn một xe ba gác về nhà để trồng. Cứ cuối tuần vợ chồng tôi lại về thăm cha mẹ, thấy khu vườn nhỏ mỗi lần về mỗi khác, ngày càng tươi đẹp hơn.

Dáng cha hao gầy ốm yếu nhưng luôn chân luôn tay ngoài vườn làm lụng, mẹ thì phụ cha tưới nước chăm cây. Tôi khuyên mẹ:“Sức khỏe cha con không tốt, mẹ khuyên cha đừng bận tâm mấy việc này nữa”.Mẹ nói rằng khuyên không được:“Con xem, cha con làm có vui vẻ không kìa, cứ kệ cho cha con làm”.

Trước khi về hưu mẹ là giáo viên dạy môn sinh vật, cả một đời bà chỉ yêu hoa. Cha nói nhỏ với tôi:“Đây đều là những loại hoa mẹ con thích nhất, mẹ con luôn mơ ước có một khu vườn như thế này. Nhưng khi cha còn trẻ thì vì quá bận rộn, cha lại cho rằng thời gian còn dài nên cứ lần lữa khất lần khất lượt, cuối cùng ngoảnh đầu lại thì đã mấy chục năm rồi, giờ nếu không nhanh thì e rằng không còn kịp nữa”. Hoá ra tâm nguyện của mẹ mấy chục năm qua cha vẫn nhớ trong lòng.

Trong bữa ăn, tôi thấy cha thích ăn thứ gì thì mẹ đều làm cho cha ăn, không hề vì bệnh tật mà kiêng khem.

Lúc sắp đi, tôi hỏi cha mẹ có muốn đi cùng tôi không, nhưng cả hai đều từ chối. Cha nói với tôi rằng:“Con trai à, cha đã đi cùng con gần nửa đời người, cũng đã đến lúc phải biết đủ rồi. Mẹ con đã ở với cha gần cả cuộc đời vất vả lo toan, cha muốn dành chút thời gian ngắn ngủi sống với mẹ con những ngày tháng vui vẻ, cha mẹ sống ở đây rất tốt”.Cha chọn những ngày sau cùng của cuộc đời mình để ở riêng bên mẹ.

Mỗi cuối tuần tôi và vợ đều về thăm cha mẹ, nhưng có một lần mẹ gọi điện kêu tôi không cần về nữa, vì cha mẹ vắng nhà. Sau đó tôi nói chuyện với cô ba thì được biết cha mẹ đi du lịch 8 ngày, vì sợ con cái lo lắng nên đã giấu vợ chồng tôi.

Tôi khẽ trách cha chủ quan với sức khỏe bản thân mình, và trách mẹ quá chiều cha. Sau đó mẹ nói với tôi:“Ngày tháng không còn dài, chúng ta nên tôn trọng ý kiến của cha con, để cha con được làm những điều mình thích. Đời người trước sau đều phải chết, nếu như có thể làm được những điều không để lại tiếc nuối vậy thì hoàn mỹ rồi”. Nghe xong tôi không thể nói được lời nào thêm nữa…

Sau khi cha mẹ trở về, sang tuần thứ hai, bệnh tình của cha chuyển biến thêm nặng. Lần này tôi tôn trọng ý kiến của cha, không đưa ông đến bệnh viện. Cha ở lại nhà và được mẹ và vợ chồng tôi chăm sóc chu đáo cho đến khi ông nhẹ nhàng nhắm mắt. Lúc sắp đi, cha khe khẽ gọi một tiếng tên mẹ, mẹ đưa tay cho cha, hai người nắm chặt tay nhau đến khi cha qua đời.

Trong đám tang, mẹ nhẹ nhàng quan sát mọi việc, tuy có đau buồn nhưng không hề mất đi sự kiểm soát, có lúc bà còn dùng đôi tay gầy yếu của mình vỗ vào đôi bờ vai đang run rẩy của tôi:“Con trai, đừng khóc nữa, cha con đi rồi, đến một thế giới mà ở đó sẽ không còn bệnh tật nữa”.

Tang lễ kết thúc, mọi người ra về hết nhưng mẹ vẫn không chịu về, mẹ để chúng tôi về trước:“Các con về đi, mẹ muốn ở lại đây với cha con thêm một lúc nữa, dưới lòng đất tối đen kia chắc cha con cô đơn lắm”.

Sau khi cha mất, mẹ đi du lịch khắp nơi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi nửa năm mẹ đã đi rất nhiều nơi như đảo Hải Nam, Tây Hồ, Vịnh Hạ Long, Yên Tử,…

Khi về nhà thăm mẹ, tôi được mẹ cho xem những bức ảnh chụp khi đi du lịch. Tôi thấy ảnh chụp trên một ngọn đồi, tuy sức khỏe cha rất yếu nhưng thần thái và sắc mặt luôn thể hiện sự mãn nguyện, cha ôm mẹ vào lòng đứng bên bờ sông ngắm cảnh. Tôi còn nhìn thấy những bức ảnh sau này mẹ đi du lịch một mình, trên tay mẹ đều cầm bức ảnh chụp chung hai người. Mẹ nói rằng đó đều là những nơi mà khi còn sống cha muốn đi mà chưa đi được, mẹ giúp cha đi tiếp cuộc hành trình.

Tới lúc này, lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận được tình yêu sâu đậm của cha và mẹ dành cho nhau.

Mẹ nói:“Mỗi lần thấy những người cầu sống không được mà cầu chết cũng không xong, mẹ thấy may mắn vì lúc trước không để cha con phải chịu khổ. Mẹ hiểu cha con, cả một đời điều quan trọng nhất với ông ấy chính là sự tự tôn, cha con không sợ chết, chỉ sợ chết không có thể diện. Cha con mất đi, người tổn thương nhất chính là mẹ, nhưng mẹ thà rằng nhìn thấy cha con vui vẻ ra đi còn hơn thấy ông ấy ở lại mà chịu khổ trong lòng. Mẹ tin rằng nếu đổi lại là mẹ thì cha con cũng sẽ làm như vậy”.

Mẹ còn nói:“Mỗi người cuối cùng đều phải ra đi, như trăm sông đều phải đổ về biển lớn, mẹ bằng lòng cho cha con vui vẻ ra đi, đến nơi đó trước chờ đợi mẹ”. 

Tình yêu của cha mẹ giống như một mảnh đất phì nhiêu thầm lặng, không cần hương hoa để tô vẽ, cũng không cần sự biểu hiện hời hợt bề ngoài. Ngược lại, tình yêu đó lại khiến con người có được cảm giác an toàn đáng tin cậy, nó cũng là nền tảng thiết thực nhất mà mỗi một con người đều cần đến trong kiếp nhân sinh…


 Minh Vũ biên dịch

Mùa Xuân này sẽ vui.


Giữa tháng 10, trời Dallas Texas vẫn còn những ngày nắng nóng. Mỗi lần phải đi ra ngoài, chị Bông luôn có 3 thứ không thể quên: cái mũ, kính mát và cái face mask chống dịch.

Chị Bông vừa chích ngừa Covid19 vaccine Pfizer liều 3. Cả ba lần chị đều vui vẻ đi chích ngay, khỏi cần đợi ai mời chào hay “năn nỉ”, thưởng quà thưởng tiền gì cả, mà giả dụ như chích ngừa Covid phải trả chi phí chị Bông cũng đồng ý luôn. Tại tiểu bang Texas nhiều người chưa chích ngừa làm chị Bông lo lắng và… giận hờn những cư dân Texas của mình đã không chăm chỉ đi chích ngừa, làm góp thêm phần lây lan nguy hiểm này.

Chị luôn cầu mong hai điều, thứ nhất là các nhà khoa học mau chóng tìm ra thuốc chữa trị dứt điểm Covid và điều thứ hai cũng quan trọng không kém là tìm ra nguyên nhân nào đã gây ra dịch bệnh này, nếu là con người thì họ phải trả giá tội ác với nhân loại, với thế giới.

Bẵng đi mấy tháng, hôm nay chị Bông bỗng nhận được tin nhắn của chị Trinh: “Thằng Hải con tôi đã có bạn gái và chúng sẽ đám cưới, chị Bông khỏi cần giới thiệu người nữa nha” làm chị Bông giật mình chợt nhớ ra lúc này cứ lo những tin tức về dịch bệnh Covid khắp nơi mà quên phéng đi chuyện mai mối dở dang.

Hôm ấy, chị Bông tình cờ gặp lại chị Trinh trong một đám cưới, hai người cùng làm chung một hãng cách đây gần chục năm, mừng rỡ hỏi thăm nhau. Nghe chị Trinh kể thằng Hải, con trai chị đang làm Chief Marketing officer trong một hãng lớn, vẫn còn độc thân. Thế là chị Bông vồ lấy, hứa sẽ làm mai cho nó một đám tương xứng, dù chị Trinh không hề lên tiếng nhờ vả. Cái tật này anh Bông hay mắng chị Bông tài lanh vô duyên mà chị Bông không chừa.

Chị Bông nhắm vào con gái chị Huyền cũng xinh đẹp giỏi giang, nhưng khi chị gọi phone cho chị Huyền, vừa nói muốn giới thiệu một chàng trai học về business thành công là chị Huyền gạt phăng, không cần nghe tiếp: “Học Business là không hợp với con Bích Hảo nhà tôi đâu!”. Chị Huyền biết tính ý con chị nên không muốn mất thì giờ người làm mai, mặc cho chị Bông tiếc rẻ chưa kịp nói ra những tương đồng nhà chàng trai với nhà chị Huyền, cùng khá giả, cùng hiền lành đạo đức và nhất là cùng đạo công giáo. Thế là chuyện làm mai cho Hải bị rớt ngay từ khúc dạo đầu.

Chị Bông thua keo này tính bày keo khác, tìm đám khác giới thiệu cho con chị Trinh mà… tìm hoài chưa ra, nên chưa dám nói năng gì với chị Trinh. Nay chị Bông mừng húm… thoát nợ đã hứa ẩu trong lúc bốc đồng.

 

Bích Hảo, con gái chị Huyền là nha sĩ, dáng cao ráo đẹp đẽ, năm nay đã 35 tuổi mà vẫn còn độc thân. Vô duyên như chị Bông còn sớm lấy được chồng, cô Bích Hảo quá kén chọn mà thôi. Cô muốn người chồng phải hơn cô “một cái đầu” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô cao 5 feet 4 thì chồng phải cao hơn; cô là nha sĩ thì chồng phải bằng cấp tương đương hay “nặng ký” hơn cơ. Từ thuở đôi mươi đã có nhiều chàng trai theo đuổi tỏ tình nhưng Bích Hảo đều từ chối. Anh được bằng cấp chức vụ thì xấu trai hay thấp lùn béo mập; anh cao ráo đẹp trai thì bằng cấp… thua kém (ấy là cô tự chấm). Thế nhưng, những chàng trai bị cô kiêu hãnh từ chối ấy chẳng ai ế vợ cả. Họ đã lập gia đình còn Bích Hảo vẫn chờ một tấm chồng lý tưởng hết năm này đến năm nọ, cứ cái đà này thì cô sẽ ế chồng muôn thuở.  Chị Huyền đã cảnh cáo con gái: “Các chàng trai bị con chê ỏng chê eo đang vui hưởng cảnh gia đình, mai sau tuổi già sức yếu có vợ, có con cháu chăm sóc. Còn Bích Hảo của mẹ sẽ là bà lão cô độc lẻ loi trong nursing home”. Bích Hảo vẫn không chịu “hạ giá” tiêu chuẩn tìm chồng, vẫn tự kiêu: “Thà rằng con chịu ế chồng; còn hơn vơ đại kẻ không… bằng mình”.

Tin vui nhà chị Trinh làm chị Bông phấn khởi vui lây, chị gọi phone định kể cho chị Huyền để bạn… tiếc chơi, nào ngờ vừa nghe tiếng chị Bông, chị Huyền đã nhanh nhảu:

– Bông đấy hả? Bông định làm mai đám nữa hả? Khỏi cần, cháu Bích Hảo đã chọn được người rồi.

Trời, con gái chị Huyền khó tính khó nết này kiếm đâu ra duyên tình nhanh vậy? Chị Huyền kể con gái đã quen chàng trai trong tiệc tùng nào đó, rồi hai đứa đã nhiều lần chuyện trò và gặp gỡ, Bích Hảo vẫn giữ bí mật về chàng trai chờ đến ngày chàng theo cha mẹ đến ra mắt nhà bạn gái cho cha mẹ bất ngờ. Chị Bông đoán già đoán non:

-Chắc Bích Hảo đã gặp đúng người trong mộng rồi. Anh chàng này phải vừa đẹp trai vừa to chức lắm.

Chị Huyền tâm tình:

– Dù con rể là khoa học gia vĩ đại bay lên không gian hay công việc bình thường, bằng to bằng nhỏ nào cũng được miễn là người hiểu biết, đàng hoàng tử tế và yêu thương Bích Hảo. Mình từng khuyên con gái như thế.

Chị Huyền vui vẻ rủ rê:

– Mình muốn đi mua sắm quần áo chuẩn bị ra mắt nhà bạn trai Bích Hảo. Ði shopping với mình nhé Bông?

Chị Huyền sợ chị Bông từ chối nên… bảo đảm:

– Chúng ta đi vào ngày thường sẽ vắng vẻ, Outlet Mall lại thoáng mát, đỡ đụng chạm, an toàn mùa dịch.

Hai người hẹn nhau đi shopping vào ngày thứ Ba. Thế mà chẳng vắng vẻ tí nào! Ngoài mall, người ta vẫn đi lại tấp nập, cửa hàng nào cũng mở từ 11 giờ trưa đến 8 giờ chiều. Từ tiệm nữ trang hột xoàn sang trọng, tiệm nước hoa gợi cảm những mùi hương đến những cửa hàng giày dép giỏ xách quần áo thời trang và cả tiệm Starbuck Coffee thơm ngon cũng góp phần đông vui.

Hai người bước vào tiệm nào thì tiệm ấy cũng đang có nhiều khách, người vào kẻ ra thường xuyên. Chị Bông tưởng ít người đi mua sắm vì sợ dịch Covid, vì chưa đến dịp lễ Tết hay giảm giá gì. Té ra thiên hạ vẫn đi shopping, vẫn chiều theo nhu cầu của cuộc sống.

Chị Bông hào hứng không thua gì chị Huyền, mua sắm vài váy áo đẹp để sẵn sàng tham dự những hai đám cưới, con chị Trinh và con chị Huyền. Hai người chị định làm mai với nhau mà không thành. Tình yêu từ đâu đã đến với họ, không cần ai giới thiệu mai mối, chẳng lẽ chồng chị nói đúng, chị thật vô duyên!

Hai tấm thiệp cưới không hẹn nhau mà ông đưa thư bỏ vào thùng thư nhà chị Bông cùng ngày. Thiệp cưới nhà chị Trinh và thiệp cưới nhà chị Huyền. Chị Bông mở ra xem và giật mình ngạc nhiên đến thú vị, tuy hai nhưng… là một, chú rể là Hải, cô dâu là Bích Hảo.

Chị Huyền kể rằng chị thật bất ngờ khi con gái đã thay đổi tiêu chí chọn chồng, Bích Hảo không vì sợ già sợ ế mà cô đã hiểu ra giá trị và kiến thức con người không vì bằng cấp to nhỏ. Tiếng gọi con tim đã quyết định tất cả. Cô đã gặp Hải và cảm mến anh chàng cao ráo đẹp trai hiền lành lịch lãm, thành công trong nghề nghiệp. Cô gái khó tính nhất hành tinh cũng đã nhún nhường biết người biết ta.

Sau 2 năm ở nhà vì Covid cuộc sống chậm lại với bao âu lo, chị Bông nao nức thèm muốn không khí đông vui tiệc tùng, chị sẽ có mặt trong tiệc cưới con hai người bạn thân vào mùa Xuân năm nay.

Mùa Xuân của đất trời hồi sinh sau một mùa Ðông lạnh lẽo, sau những cố gắng phi thường của con người đã và đang vượt qua cơn ác mộng ghê gớm của dịch bệnh Covid.

Mùa Xuân này sẽ vui!

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Đính kèm là hình của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương chụp ngày 08 tháng 01 năm 2023 :