a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Vị Tướng Giỏi Ngoại Ngữ Nức Tiếng Triều Trần Là Ai?


Chiêu văn vương Trần Nhật Duật (1255 – 1330) là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em của vua Trần Thánh Tông. Sinh thời, ông vừa là một vị tướng giỏi trên chiến trường vừa biết nhiều thứ tiếng.

Biết nhiều thứ tiếng

Theo nhiều sử liệu, ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Lớn lên, ông không chỉ giỏi kinh sử, chính trị, quân sự, mà còn rất thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán của các các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước. Nhờ có biệt tài hơn người, khi mới 20 tuổi, ông đã được triều đình giao đặc trách công việc liên quan đến các dân tộc.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, vào thời vua Trần Nhân Tông, một lần, sứ thần nước Sách Mã Tích (Tumasik – tên cổ của Singapore) sang cống, triều đình không tìm được người phiên dịch. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt. Sau chuyện này, nhiều người hỏi ông về việc biết tiếng nước Sách Mã Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.

Một lần khác, theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang, triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được trực tiếp đối thoại, đề phòng xảy ra sai sót thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật lại là ngoại lệ.

Tiếp sứ nhà Nguyên, ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn. Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán của ông khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt. Sứ thần đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”. Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy.

Vốn thích giao thiệp với người nước ngoài, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (phía Tây Hà Nội ngày nay – nơi có người Chiêm Thành sinh sống do hồi vua Lý Thánh Tông đi đánh trận, bắt được về cho ở đấy) có khi đến 3 – 4 ngày mới về; lại có khi ông đến chùa Tường Phù nói chuyện với người Tống.

Khi người nước ngoài đến kinh sư, thường đến nhà ông đàm đạo. Nếu khách Tống, ông sẽ kéo ghế ngồi gần nói chuyện; nếu người Chiêm hay người Man khác, ông đều theo phong tục của họ để tiếp khách. Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua Trần Nhân Tông rất thán phuc. Có lần vua còn nói đùa: “Chú Chiêu Văn (Trần Nhật Duật là chú ruột của vua Trần Nhân Tông) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó”.



Bìa tiểu thuyết dã sử Trần Nhật Duật. Ảnh: NXB Văn học

Thu phục phản loạn

Chẳng những thành thạo tiếng Tống, Chiêm Thành… ông còn am hiểu nhiều mặt về tính cách, con người, phong tục, tập quán của những xứ đó. Từ đây, Trần Nhật Duật lập nhiều công lớn, để lại nhiều dấu ấn, lưu danh muôn đời.

Năm 1280, dưới thời vua Trần Nhân Tông, khi Đại Việt đang phải đối phó với cuộc xâm lược lần thứ 2 của quân Mông – Nguyên, thì Trịnh Giác Mật – một tù trưởng người Man ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) nổi lên chống triều đình. Vua sai Trần Nhật Duật mang quân đi dẹp.

Trịnh Giác Mật hay tin, bèn họp thủ hạ bàn kế giao chiến. Có ý định ám hại Trần Nhật Duật nên Trịnh Giác Mật sai người đưa thư dụ ông: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình cưỡi ngựa đến, Giác Mật xin hàng ngay”.

Nhận thư, các tướng ra sức can ngăn ông bởi nghi Giác Mật tráo trở, Trần Nhật Duật nói: “Ta biết tiếng của người Man, hiểu phong tục tập quán của họ, ta sẽ nói họ đều chịu ơn triều đình, đều là con dân trong một nước, trước sự xâm lăng của giặc Nguyên phải cùng nhau hợp sức đánh đuổi. Nhất định họ sẽ nghe ta, còn nếu như họ tráo trở thì triều đình còn có nhiều vương khác”.

Nói rồi, ông lên ngựa đến trại của Trịnh Giác Mật, chỉ mang theo mấy tên tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Tới trại địch, ông thản nhiên đi giữa 2 hàng lính mặc quần áo kỳ dị, lăm lăm gươm giáo.

Khi gặp mật, Trần Nhật Duật nói chuyện với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang. Khi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên, mời ông uống, Trần Nhật Duật không ngần ngại cầm thịt ăn, vừa nhai, ông vừa ngửa mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo. Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên:

“Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi”. Trần Nhật Duật nói: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”.

Trịnh Giác Mật nhanh chóng quy thuận, mang gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Miền Đà Giang được ông thu phục bằng sự tinh thông ngôn ngữ và thấu hiểu văn hóa dân tộc, không phải đổ máu. Yên ổn được biên giới, nhà Trần toàn tâm toàn ý, dốc sức để chống lại quân Nguyên xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287 – 1288), Trần Nhật Duật được giao nhiệm vụ chặn đánh quân địch từ Vân Nam tiến sang, trấn thủ lộ Tuyên Quang, giữ trại Thu Vật (Yên Bình, Yên Bái). Ông cũng chính là người chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào năm 1285. Đánh giá về ông, sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chép “công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.

Nguyễn Thanh Điệp (Theo Giáo dục và Thời đại

Hòn đảo chứa đầy rắn hổ lục kịch độc

BRAZILĐảo Rắn là nơi duy nhất trên Trái Đất có thể tìm thấy rắn hổ lục đầu vàng cực kỳ nguy cấp với số lượng lên tới hàng nghìn con.

Rắn hổ lục đầu vàng trên Đảo Rắn. Ảnh: Micoope

Rắn hổ lục đầu vàng trên Đảo Rắn. Ảnh: Micoope

Đảo Rắn là một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Brazil, nơi ở của hàng nghìn con rắn kịch độc. Những con rắn dài tới 1,2 m thuộc loài rắn hổ lục đầu vàng (Bothrops insularis). Chúng độc đến mức hải quân Brazil phải ngăn người dân lên đảo từ thập niên 1920. Hòn đảo nằm cách vùng ven biển phía đông nam Brazil khoảng 34 km và có diện tích 43 hecta, tương đương khoảng 80 sân bóng đá Mỹ. Rừng mưa bao phủ hơn một nửa đảo, trong khi phần còn lại là đất cằn và bãi đá.

Đảo Rắn từng nối với đất liền, nhưng mực nước biển dâng lên nhấn chìm cây cầu cạn cách đây khoảng 10.000 năm, vào cuối kỷ Băng Hà cuối cùng. Sự ngăn cách này khiến một quần thể rắn hổ lục đầu vàng mắc kẹt trên đảo. Chúng nhanh chóng thích nghi với điều kiện ở đảo và sinh sôi. Nọc độc của chúng tiến hóa để giết chết các loài mắc kẹt cùng với chúng cũng như chim di cư.

Đảo Rắn không có động vật có vú, vì vậy rắn hổ lục đầu vàng không có động vật ăn thịt tự nhiên. Nọc độc của chúng dùng để săn mồi thay vì tự vệ. Nghiên cứu chỉ ra nọc độc của chúng phát tác nhanh nhất so với bất kỳ loài rắn nào thuộc chi Bothrops và mạnh gấp 5 lần nọc độc của loài họ hàng gần là Bothrops jararaca sống ở đất liền, nhiều khả năng do săn bắt chim đòi hỏi tiêu diệt nhanh.

Nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng cũng phát tác nhanh ở người. Vết cắn gây ra các triệu chứng từ đau cục bộ và sưng phù tới nôn mửa, chảy máu ruột, suy thận và chết mô. Bất chấp nguy cơ, một số người vẫn sống trên Đảo Rắn cho tới năm 1920 để vận hành một ngọn đèn hải đăng xây vào năm 1909. Nhiều khả năng những người cuối cùng rời đảo khi đèn hải đăng chuyển sang vận hành tự động. Tin đồn ở địa phương cho biết người cuối cùng trông giữ ngọn đèn và gia đình ông chết do vết cắn của con rắn lẻn vào nhà qua cửa sổ.

Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 2.000 - 4.000 con rắn hổ lục đầu vàng sống trên Đảo Rắn. Loài vật này không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới và nằm trong danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

An Khang (Theo Live Science)




SỨC MẠNH CỦA CHÀNG PHÂY
Phây búc thật tuyệt vời ! Phây búc đang là trang mạng có sức hấp dẫn nhất thế giới, là một phần không thể thiếu của nhiều người. Nó giúp mọi người xích lại gần nhau, là nơi giao lưu chia sẻ của bạn bè, người thân.
Phây búc như một cuốn nhật ký, ở đó ta có thể lưu giữ những bài viết, những cảm xúc, hình ảnh của gia đình, bạn bè... Đặc biệt, chỉ trên phây ta mới xem được những hình ảnh chân thực nhất của cuộc sống mà không bị chỉnh sửa hay cắt gọt theo một "định hướng" nào cả...
Cá nhân mình ấn tượng nhất và mang ơn anh Phây là khi qua anh mình tìm lại được người bạn học từ hồi lớp 5. Không có phây, mình không thể có cuộc gặp có cả nước mắt lẫn nụ cười với cô bạn sau gần 45 năm. Đâu chỉ có thế, qua bạn mình còn biết thêm thông tin của bao bạn khác: Ở đâu, làm gì; ai còn, ai mất; ai hạnh phúc, ai gập gềnh...
Anh Phây còn là nguồn động viên vô cùng to lớn cho mình. Chụp một cái ảnh, chỉnh sửa thật long lanh, đăng lên. Thế là được khen trẻ đẹp rần rần mặc dù ngoài đời là một bà già xế chiều mặt mày nhàu nhĩ, tóc tai bù xù, body xập xệ... Đọc những lời khen ngợi xong mình thầm nghĩ: Nếu có người muốn gặp mình ngoài đời, mình không dám đâu vì sợ người ta sốc. 🤣🤣🤣
Có lần cô bạn cùng phòng làm việc nói: Chị cứ chụp ảnh đi, xong đưa đây em kéo dài chân cho... Thế là mình thành mét bảy. Đăng lên phây vẫn có cơ số anh vào ỡm ờ: Nhất dáng, nhì da. Ao ước quá!
Anh Phây còn là kẻ quảng cáo cho "thân chủ" cực kỳ hoành tráng. Có ông cả đời vô tư chẳng mấy khi để ý đến nhà cửa, con cái; cái gì cũng mặc vợ. Thậm chí con nằm viện , bố cũng mặc kệ, ở nhà ngủ khì. Nhưng có hôm cao hứng, lại có chút khả năng văn thơ, ông làm một bài thơ về tình yêu thương, sự hy sinh, sự day dứt của người cha dành cho con. Thế là bao lời hay ý đẹp dành cho ông: ...Người cha tuyệt vời! Người cha hiếm có! Người cha vĩ đại!
Nội dung bài thơ và những lời khen tặng khiến cho bà vợ sau khi đọc xong bỗng thấy hoang mang và cứ lục lọi trí nhớ: Không biết ngày xưa mình mang nặng đẻ đau ra mấy đứa con hay là ông chồng nhỉ...?
Phây búc còn là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ nịnh hót và những người ưa nịnh. Sếp nặng xuýt xoát chín chục cân, bụng như cái trống làng nhưng hễ có cái ảnh nào của sếp là có người nhảy vào: “... Anh phong độ quá! Dáng anh chuẩn quá! “
Chuyện thật mà như bịa. Có một anh thấy sếp đăng ảnh chụp với mẹ, như phản xạ nhảy vào thốt lên: Anh giống mẹ như đúc! Nó hài ở chỗ, bà cụ trong ảnh không phải mẹ đẻ của sếp mà là mẹ... vợ !!!
Còn có anh, sếp làm mấy câu thơ con cóc gọi là đăng phây cho vui, chẳng có gì to tát, thế mà vào ngợi ca: “ Khả năng văn thơ của anh thật xuất chúng; từng lời, từng lời đi sâu vào tâm trí của bao người, lấy đi bao nước mắt của độc giả...”
Nói riêng cho sếp nghe đã là không ngửi được, đằng này còn tương lên phây để cho thiên hạ biết mình rất thân thiết với sếp. Nghe mà choáng !
Vô vàn, vô vàn cái hay, cái thú vị mà anh Phây đem lại, có nói cả ngày cũng không hết. Chỉ tóm lại một điều: Khó mà sống thiếu anh Phây!
À mà còn một điều này nữa cũng rất hay, rất hiệu quả mà anh Phây đem lại, mình rỉ tai cho mọi người nhé. Đó là khi "nhắm" được một đối tượng nào đó mà không có điều kiện tiếp cận thì cứ lên phây thả một chút thính bằng cách: Đăng một cái ảnh kèm nụ cười, ánh mắt thật vu vơ, và một cái statut cũng thật vu vơ vào.
He he... Biết đâu được...
Sưu tầm
Con tàu Bình Chuẩn của Bạch Thái Bưởi được hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng). Ảnh: Tư liệu Phạm Hà

Con tàu đầu tiên do thương nhân người Việt đóng tên là gì?
Tháng 9/1919, công ty của vua tàu Bạch Thái Bưởi hạ thủy tàu Bình Chuẩn. Con tàu này hoàn toàn do người Việt thiết kế, chế tạo với chiều dài 42m, rộng 7,2m, trọng tải 600 tấn, chạy bằng hơi nước, vận tốc 8 hải lý/giờ. Bình Chuẩn chạy thành công từ Hải Phòng đến Sài Gòn đúng một năm sau đó, cập cảng ngày 17/9/1920.
Sự kiện hạ thủy tàu Bình Chuẩn tượng trưng cho phong trào "chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp" của giới tư sản Việt Nam lúc đó.
Đỉnh cao của Bạch Thái Bưởi là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930. Khi ấy, công ty hàng hải của ông có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông phía bắc, sang cả các nước và vùng lãnh thổ lân cận. Số lượng nhân viên lên tới 2.500 người, làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu.
-----------

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Em đi chùa Hương

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938) được ông gửi gắm một cách thầm kín trong những câu thơ. Bởi lẽ, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp rời khỏi dương gian năm 24 tuổi, khi chưa có được mái ấm hạnh phúc riêng tư.


Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một bậc tài hoa đoản mệnh. Lúc sinh thời, ông có hai tác phẩm được xuất bản là tập thơ “Ngày xưa” và tập kịch “Người học vẽ”. Năm 2018, kỷ niệm 80 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Nhà xuất bản Phụ Nữ đã sưu tầm toàn bộ tác phẩm của ông để in thành tập “Hoa một mùa”, bao gồm 3 truyện ngắn, 6 vở kịch, 10 bài thơ và 10 bài phê bình.

Nhiều người đã biết, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936). Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con của người vợ nhỏ Phan Thị Lựu. Khi Nguyễn Nhược Pháp mới được 2 tuổi, thì bà Phan Thị Lựu qua đời. Người vợ lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa Nguyễn Nhược Pháp về nhà sống chung với những anh em cùng cha khác mẹ như Nguyễn Hải, Nguyễn Giang, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Dương, Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Dực…

Sau khi có bằng Tú Tài, Nguyễn Nhược Pháp vào trường Luật, học chung khóa với thi sĩ Phạm Huy Thông – tác giả bài thơ “Tiếng địch sông Ô”. Ngoài giờ học, Nguyễn Nhược Pháp cộng tác với các tờ báo như Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Ngày Nay, Tinh Hoa… Mỗi ngày, đến giảng đường hoặc đến tòa soạn, Nguyễn Nhược Pháp đều tìm cớ đi ngang ngôi nhà 37 Hàng Đẫy vì ở đó có mỹ nhân Đỗ Thị Bính.

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (mặc áo dài màu đen). Ảnh tư liệu

Nhỏ hơn Nguyễn Nhược Pháp một tuổi, Đỗ Thị Bính là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi, một nhân vật làm nghề thầu khoán giàu có nhất Hà Nội đầu thế kỷ 20. Nức tiếng xinh đẹp, Đỗ Thị Bính mà mọi người quen gọi cô Bính – Hàng Đẫy, cùng với cô Phượng – Hàng Ngang, cô Síu – Cột Cờ và cô Nga – Hàng Gai được xưng tụng là tứ đại mỹ nhân Hà Thành lúc bấy giờ.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mặc cảm gia cảnh nghèo khó chưa bao giờ dám ngỏ lời công khai với tiểu thư khuê các Đỗ Thị Bính, nhưng “chuyện tình khó quên” của họ được nhiều người nhận ra.

Trong tác phẩm “Văn thi sĩ Tiền Chiến”, nhà thơ Nguyễn Vỹ với tư cách người cùng thời, đã hé lộ: “Nguyễn Nhược Pháp chuyên môn đi xe đạp, và chỉ có mình anh trong giới văn sĩ là đi xe đạp mà thôi. Chiếc xe đạp của anh cũng là một loại xe độc đáo: không có chuông, dây xích cứ tuột ra ngoài, mỗi lần anh đạp là nó kêu cụt kịt, cụt kịt như một con lợn sắt. Nguyễn Nhược Pháp có cái miệng hơi móm, chiếc xe đạp của anh cũng móm… Nguyễn Nhược Pháp đeo đuổi một cô nàng mà anh chỉ say mê vì một chiếc áo đen và đôi mắt đen như hai hạt huyền. Vì nàng mà anh đã viết những bài thơ tuyệt diệu”.

Khi tương tư mỹ nhân Đỗ Thị Bính, bối cảnh sống của Nguyễn Nhược Pháp cũng được chính ông tự thú: “Thường khách tài hoa mê nàng Đẹp/ Thay cơm bằng hai xu phở bò/ Có khi óc đầy nhưng bụng lép/ Thu chăn đành ngủ dài cho no”. Thế nhưng, mỗi ngày nấn ná trước cánh cổng của ngôi nhà 37 Hàng Đẫy, cảm hứng dạt dào trong lòng Nguyễn Nhược Pháp cũng giúp ông có được “chuyện tình khó quên” với những phút giây chiêm ngưỡng người đẹp: “Cúi đầu nàng tha thướt/ Yêu kiều như mây qua/ Mắt xanh nhìn man mác/ Mỉm cười vê cành hoa”.

Đặc biệt, bài thơ “Chùa Hương” dù ghi chú “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”, nhưng hình bóng “em tuy mới mười lăm” phảng phất dáng vẻ mỹ nhân Đỗ Thị Bính: “Hôm nay đi Chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao”.

Tuy nói mông lung, nhưng Nguyễn Nhược Pháp cũng để bản thân xuất hiện trong không gian “Chùa Hương” khá lãng mạn: “Mơ xa lại nghĩ gần/ Đời mấy kẻ tri âm/ Thuyền nan vừa lẹ bước/ Em thấy một văn nhân/ Người đâu thanh lạ thường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai nhìn không thương…/ Dòng sông nước đục lờ/ Ngâm nga chàng đọc thơ/ Thầy khen: “Hay! Hay quá!”/ Em nghe rồi ngẩn ngơ”.

Bài thơ “Chùa Hương” được phổ nhạc và quen thuộc với công chúng khắp nơi. Đầu tiên, bài thơ “Chùa Hương” được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành ca khúc “Đi chơi chùa Hương” vào cuối thập niên 1950. Sau năm 1975, bài thơ “Chùa Hương” được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành ca khúc “Em đi chùa Hương”.

“Chuyện tình khó quên” với mỹ nhân Đỗ Thị Bính không chỉ được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp gửi gắm trong trong bài thơ “Chùa Hương” ở bốn câu kết “Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ màng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng”, mà còn thể hiện ở đoạn vĩ thanh “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.

Đáng tiếc, đoạn kết ấy chỉ có trong sương khói tưởng tượng mà thôi!

Ngày 19/11/1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp trút hơi thở cuối cùng, để lại một nỗi u hoài “Đi vui rồi vẩn vơ/ Hay đâu thức còn mơ/ Lạc vào trong vườn mộng/ Mồm vẫn còn ngâm thơ!”.

Mỹ nhân Đỗ Thị Bính về sau kết hôn với kỹ sư Bùi Tường Viên và có cuộc sống rất êm ấm. Mỹ nhân Đỗ Thị Bính theo gia đình đi kháng chiến, rồi từ sau năm 1954, công tác tại Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng- Hà Nội. Mỹ nhân Đỗ Thị Bính qua đời năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi.

Sưu Tầm






 

Không có nhận xét nào: