Ở Mỹ, tháng bảy được gọi là Tháng Dưa hấu Quốc gia, điều đó không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ sự tươi mát của dưa hấu luôn là hình ảnh biểu trưng của mùa hè, mà tháng bảy còn là mùa thu hoạch dưa hấu cao điểm nhất trong năm.
Hiện nay, dưa hấu là giống dưa được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ (tiếp đó là dưa đỏ và dưa ngọt). Cùng họ với các giống dưa chuột, bí ngô và bí, dưa hấu được cho là có nguồn gốc từ Ai Cập cách đây gần 5.000 năm trước, nơi mà giống dưa này từng được mô tả bằng chữ tượng hình.
Ngày nay, có tới 300 giống dưa hấu được trồng ở Hoa Kỳ và Mexico (mặc dù chỉ phổ biến khoảng 50 loại). Có thể bạn nghĩ rằng mình đã biết rất rõ loại trái cây mùa hè này, nhưng hãy để tôi cho bạn thấy một số điều bất ngờ thú vị… dưa hấu không chỉ thơm ngon… mà nó còn là một loại thực phẩm bổ sung siêu lành mạnh cho chế độ ăn uống của bạn (tất nhiên là trong một chừng mực nhất định).
Khi ăn bất kỳ loại dưa nào, kể cả dưa hấu, bạn chỉ cần cẩn thận một chút, thực hiện theo lời khuyên của Wayne Pickering trong cuộc phỏng vấn với tôi. Không ăn dưa cùng bất kỳ một loại thức ăn nào khác vì nó sẽ làm cho bạn bị trướng bụng. Vì vậy, tốt nhất là không nên ăn gì trước và sau khi ăn dưa khoảng 30 phút.
6 Sự thật về dưa hấu có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên
1. Dưa hấu có hàm lượng Lycopene lớn hơn cà chua nguyên chất
Lycopene là chất chống oxy hóa carotenoid rất mạnh, nhờ nó mà trái cây và rau quả có màu hồng hoặc màu đỏ. Lycopene có nhiều trong cà chua, nhưng thực tế dưa hấu lại là nguồn cung cấp lycopene dồi dào hơn.
240 ml dưa hấu có hàm lượng lycopene gấp 1,5 lần so với một quả cà chua tươi cỡ lớn (nghĩa là trong 240 ml dưa hấu có 6 mg lycopene thì trong 1 quả cà chua có 4 mg). Dưới đây chúng tôi sẽ nói rõ hơn về sự quan trọng của lycopene…
2. Nước dưa hấu có thể chữa đau nhức cơ bắp
Nếu bạn sẵn có một máy ép trái cây, hãy thử ép khoảng 1/3 quả dưa hấu tươi và uống trước khi bạn luyện tập thể lực. Nó chứa nhiều hơn một gram l-citrulline – là một loại axit amin – có công dụng bảo vệ chống lại các cơn đau cơ.
Một nghiên cứu cho thấy, so với những người sử dụng giả dược, những người uống nước ép dưa hấu tự nhiên không tiệt trùng trước khi tập luyện đã giảm đau nhức cơ bắp trong 24 giờ sau đó.
Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng với việc uống nước dưa hấu, vì nó chứa một lượng fructose khá lớn. Có lẽ tốt hơn là nên ăn nguyên trái hay lựa chọn các thủ thuật khác để ngăn ngừa đau cơ.
3. Dưa hấu vừa là rau, vừa là quả
Bạn hãy nghĩ xem dưa hấu có mối liên hệ gì với dưa chuột, bí ngô và bí? Đó chính là vì một phần nó vừa là rau, một phần vừa là quả (nó có vị ngọt và hạt của nó có thể gieo trồng). Và một bằng chứng khác nữa là vỏ của nó hoàn toàn có thể ăn được …
4. Bạn có thể ăn cả vỏ và hạt dưa hấu
Hầu hết mọi người thường vứt vỏ dưa hấu vào thùng rác, nhưng bạn hãy thử xay sinh tố vỏ dưa với nước chanh xem sao, nó thực sự lành mạnh và giúp bạn cảm thấy sảng khoái. Vỏ dưa không chỉ chứa nhiều chất diệp lục bổ máu và tăng cường sinh lực, mà thực sự nó còn chứa nhiều axit amin citrulline hơn các loại trái cây có ruột màu hồng.
Citrulline chuyển đổi thành axit amin arginine trong thận, loại axit amin này không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và duy trì hệ thống miễn dịch, mà nó còn được nghiên cứu là có tiềm năng điều trị trên hơn 100 loại bệnh.
Trong khi nhiều người thích các giống dưa hấu không hạt, thì hạt dưa hấu có thể ăn được và thực sự có lợi cho sức khỏe. Chúng chứa sắt, kẽm, protein và chất xơ. (Nếu bạn thắc mắc, chúng tôi xin trả lời rằng dưa hấu không hạt không phải là sản phẩm biến đổi gen, mà chúng là kết quả của việc lai tạo.)
5. Thành phần chính của dưa hấu là nước
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng nó vẫn là một thực tế đầy thú vị; nước chiếm hơn 91% thành phần của dưa hấu. Có nghĩa là việc ăn dưa hấu trong những ngày hè nóng bức là một giải pháp tuyệt vời giúp bạn bổ sung và tránh mất nước (tuy nhiên, nó không thể thay thế cho việc uống nhiều nước lọc).
6. Một số loại Dưa hấu có màu vàng
Loại dưa hấu Crimson ruột vàng có hương vị mật ong, ngọt hơn so với các loại dưa Crimson ruột hồng thường thấy. Có thể dưa hấu vàng có những giá trị dinh dưỡng riêng của nó, nhưng cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào các giống dưa ruột hồng.
Lycopene: chất dinh dưỡng khẳng định giá trị của dưa hấu
Dưa hấu là một nguồn cung cấp lycopene tuyệt vời với hàm lượng lên tới 6.500 microgram (tương đương 6,5 mg) trong chưa đầy 120 ml dưa (các giống dưa ruột đỏ chứa lượng lycopene nhiều hơn đáng kể so với giống ruột vàng).
Điều đáng nói là các lycopene trong dưa hấu khá bền vững, sau hơn hai ngày cắt và trữ lạnh, lycopene trong dưa hấu chỉ bị hư hỏng chút xíu, không đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy, sau khoảng bảy ngày lưu trữ, các lycopene mới bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, nhưng chỉ khoảng 6% đến 11%.
Điều gì làm cho lycopene trở nên quan trọng đến vậy? Tác động chống oxy hóa của lycopene từ lâu đã được cho là mạnh hơn so với các carotenoid khác, chẳng hạn như beta-carotene. Trong một nghiên cứu, sau khi kiểm soát các yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ như tuổi già và bệnh tiểu đường, người ta đã phát hiện ra rằng người có nồng độ lycopene trong máu ở mức cao nhất có ít nguy cơ bị đột quỵ hơn 55% so với những người có mức lycopene thấp nhất.
Năm 2014, một phân tích tổng hợp cũng tiết lộ rằng, lycopene làm giảm nguy cơ đột quỵ hơn 19% (bao gồm cả đột quỵ hoặc tử vong). Ngoài ra, lycopene còn được chứng minh là có khả năng chống ung thư, có lẽ là do tính chất chống oxy hóa mạnh của nó.
Cũng trong một phân tích tổng hợp từ 10 nghiên cứu vào năm 2014, người ta thấy bổ sung lycopene trong chế độ ăn uống có thể bảo vệ phụ nữ ở độ tuổi hậu mãn kinh chống lại các nguy cơ ung thư buồng trứng. Ngoài ra, một số bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật còn phát hiện lycopene có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Nghiên cứu đã chứng minh điều trị với lycopene có khả năng làm giảm sự tăng trưởng của các khối u não, trong khi đó những nghiên cứu khác cũng cho thấy sử dụng lycopene thường xuyên có thể kìm hãm sự tăng trưởng khối ung thư vú ở chuột.
Nước ép dưa hấu có thể giúp giảm huyết áp khá hiệu quả
Nghiên cứu mới đây cũng nhấn mạnh vai trò của các chất dinh dưỡng có trong dưa hấu đối với việc phòng chống các cơn đau tim, bởi tính năng hạ huyết áp hiệu quả của nó. Những người béo phì tham gia nghiên cứu được sử dụng các chất citrulline và arginine có nguồn gốc chiết xuất từ dưa hấu đã có những biểu hiện cải thiện rõ rệt về huyết áp và phản ứng của tim trước áp lực từ bên ngoài, cả trong trạng thái nghỉ ngơi và sau khi thử nghiệm căng thẳng với nước lạnh. Theo các nhà nghiên cứu:
“Bổ sung dưa hấu làm giảm BP (huyết áp) động mạch chủ, giảm nhu cầu oxy của cơ tim trong quá trình CPT (thử nghiệm huyết áp trong môi trường lạnh) và giảm sự gia tăng cường độ sóng phản xạ do môi trường lạnh ở người lớn bị béo phì cùng với cao huyết áp. Dưa hấu có thể cung cấp chất bảo vệ tim mạch bằng cách làm thuyên giảm những phản ứng ở huyết động mạch chủ do môi trường lạnh“.
Hãy nhớ rằng, citrulline của dưa hấu khi được dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành L-arginine, là tiền chất oxit nitric. Việc cung cấp đủ oxit nitric là rất cần thiết, giúp mạch máu thư giãn và lưu thông, đây chính là lý do tại sao nó có thể hỗ trợ hạ huyết áp.
Dưa hấu dành cho các loại bệnh viêm nhiễm và hơn thế nữa
Dưa hấu còn có ích lợi gì nữa? Nó rất giàu chất kháng viêm. Chẳng hạn, dưa hấu chứa chất lycopene kháng viêm chống oxy hóa cũng như chất cucurbitacin E, hay tripterpenoid, chúng có tác dụng làm giảm tác động của các cơn đau và viêm do enzyme cyclooxygenase – bằng cách ức chế enzym bởi COX-2 inhibitors, trong đó hầu hết chứa các chất NSAIDs* như aspirin và ibuprofen. Mặc dù có hàm lượng calo rất thấp (khoảng 46 calo trong 240 ml), nhưng dưa hấu chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng khác mà nhiều người Mỹ hiện nay đang thiếu như:
- Vitamin C
- Vitamin B6
- Kali
- Vitamin A
- Magnesium
Làm thế nào để lựa được một trái dưa hấu hoàn hảo
Ăn thử một miếng dưa hấu mới nhận ra là nó nhạt nhẽo thì quả là đáng thất vọng. Có một mẹo mà bạn có thể áp dụng để lựa cho mình một trái dưa hấu chín từ chợ nông dân hay từ trong chính khu vườn nhà bạn. Hãy nhìn những đốm màu vàng bơ và xanh nhạt (không phải màu trắng hay màu xanh lá cây) ở mặt dưới của quả. Đây là nơi dưa hấu tiếp xúc với mặt đất khi chín và đó là một trong những dấu hiệu về độ chín tốt nhất mà bạn có thể nhận thấy (thậm chí những người hái dưa hấu chuyên nghiệp để bán thường sử dụng nó như một chuẩn mực). Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng bí quyết sau đây để lựa một trái dưa hấu chín:
- Quả nặng so với kích thước
- Vỏ mượt, có mặt trên tối màu (mặt trên ngược với phía tiếp xúc với mặt đất)
- Dùng tay vỗ lên trái (điều này đang gây tranh cãi, nhưng dưa hấu chín được cho là có một âm thanh trầm rỗng)
Dưa hấu nên được bảo quản ở nơi mát mẻ (khoảng 50-60 độ F tương đương 10-15 độ C) cho đến khi sử dụng. Sau khi cắt, dưa cần giữ lạnh và trước khi cắt nhớ lau sạch vỏ dưa bằng một miếng vải ẩm. Đừng quên thử làm sinh tố vỏ dưa với nước chanh thay vì vứt chúng vào thùng rác (hãy chọn một quả dưa hấu hữu cơ, đặc biệt là khi bạn muốn ăn cả vỏ). Và sau cùng, chỉ tiêu thụ dưa hấu ở mức vừa đủ, bởi nó có hàm lượng fructose rất cao. 1/16 của một quả dưa hấu kích cỡ vừa phải chứa 11,3 gram fructose (tôi khuyên bạn nên hạn chế tổng lượng fructose tiêu thụ dưới 25 gram mỗi ngày nếu bạn có sức khỏe tốt, và dưới 15 gram một ngày nếu bạn đang thừa cân hoặc bị huyết áp cao hay tiểu đường).
* NSAIDs (Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs): thuốc kháng viêm không có chất kích thích steroid
Tác giả: Joseph Mercola, www.mercola.com | Dịch giả: Tottochan
Các loại hóa chất thông thường có làm tăng nguy cơ ung thư?
Nghiên cứu mới về nguy cơ ung thư do việc tiếp xúc với các loại hoá chất phổ biến thường đi kèm với những tiêu đề tức cười “chất X gây ung thư!” Vì vậy, khi một nghiên cứu mới đây về chủ đề này được đăng trên chuyên mục Carcinogenesis (các tác nhân gây ung thư) của tạp chí Oxford vào tuần trước, mới nghĩ đến thôi đã làm tôi co rúm.
Ung thư gây ra do sự kết hợp giữa những ảnh hưởng từ di truyền và môi trường – kiểu như một ván bài về mặt di truyền trong đó người chơi phải chấp nhận các quân bài được chia cho mình, nhưng ‘thời vận’ trong cuộc chơi lại được quyết định bởi các yếu tố môi trường và lối sống.
Có những điều thật sự đáng lo ngại quanh việc tiếp xúc với hóa chất và nguy cơ ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) ước đoán việc tiếp xúc với môi trường độc hại là tác nhân dẫn đến 7–19% các ca ung thư. Với khoảng 14 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện ra mỗi năm trên toàn thế giới, đó là khoản phí tổn khổng lồ cả về khía cạnh cá nhân và tài chính.
Báo cáo của loại hình nghiên cứu này thường bị hư cấu theo kiểu gây khích động hội chứng sợ hoá chất, một nỗi sợ “phi lý” với hóa chất. Đó là tài liệu hoàn hảo cho những người thích blogger Food Babe và là chủ đề ưa thích của các blog về chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu mới nhất này đã không làm thất vọng tờ Daily Mail, họ đã có ngay bài báo thông tin về các loại hóa chất trong khoai tây chiên, dung dịch rửa tay và kem chống nắng có thể dẫn đến ung thư nếu được kết hợp với nhau. Đóng góp khoa trương quá mức của Daily Mail trong việc phân loại những thứ gây ra ung thư hoặc chữa bệnh ung thư (hoặc cả hai) đã trở thành huyền thoại, đã dẫn đến sự ra đời của website Kill or Cure.
Tất cả mọi thứ có khả năng khiến bạn bị ung thư?
IARC phân loại hóa chất trên thang điểm giảm về khả năng gây ung thư. Ví dụ, chất diệt cỏ glyphosate được sử dụng rộng rãi thuộc về nhóm 2: có thể/có lẽ gây ung thư cho con người.
Để đối chiếu, như vậy glyphosate được xếp cùng loại như đốt củi trong lò sưởi và việc làm theo ca kíp. Có thể có khả năng mắc ung thư hạch bạch huyết do tiếp xúc thường xuyên với hoạt chất glyphosate của thuốc diệt cỏ (khi nông dân phun rất nhiều thuốc) nhưng các dữ liệu còn hạn chế và mâu thuẫn.
Có một bài báo trên American Journal of Clinical Nutrition đã điểm lại nguy cơ gây ung thư liên quan đến 50 nguyên liệu phổ biến được lấy từ các công thức nấu ăn ngẫu nhiên trong một cuốn sách dạy nấu ăn. Bài báo này là một minh chứng tuyệt vời cho những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt khi đánh giá bằng chứng về các chất có nguy cơ gây ung thư. Trong khi rất nhiều nghiên cứu xác nhận các loại thực phẩm khác nhau hoặc có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư, hoặc có thể có tác dụng bảo vệ, thì trong nhiều trường hợp bằng chứng lại không đủ sức thuyết phục.
Việc báo cáo với xu hướng gây giật gân trong nghiên cứu y học thường để lại nhiều vấn đề cần khuyến nghị, nhưng lỗi không phải luôn ở phía các nhà báo và các bản tin mạng. Một trường hợp cụ thể gần đây đăng tải một nghiên cứu về nguy cơ ung thư tuyến tụy và tiêu thụ thịt đỏ cho thấy hầu hết các nhà báo chỉ đơn giản là nhai lại thông tin trong thông cáo báo chí.
Nghiên cứu này có cho chúng ta biết điều gì mới không?
Nghiên cứu mới nhất là đóng góp lớn của một nhóm hơn 200 nhà sinh học quốc tế nghiên cứu về ung thư và chuyên gia về chất độc tham gia vào dự án Halifax. Đó không phải là một nghiên cứu sử dụng dữ liệu sơ cấp, mà là đánh giá lại tài liệu đã có sẵn về tiềm năng gây ung thư khi tiếp xúc ở mức độ thấp các hỗn hợp hóa chất có trong môi trường.
Dữ liệu về 85 loại hóa chất – ở các mức độ bằng chứng khác nhau – được bao quát trong bài báo. Có một số loại hóa chất mà chỉ có duy nhất một nghiên cứu về nó, do đó, các bằng chứng bị giới hạn nghiêm trọng ở một số khía cạnh.
Dự án nghiên cứu Halifax đưa ra một giả thuyết thú vị – có thể gây ung thư nếu đồng loạt tiếp xúc ở liều thấp các hợp chất hoá học. Các tác giả tiếp tục cho rằng những nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới trong việc đánh giá tính an toàn của hóa chất nên được tổ chức lại để phù hợp với sự hiểu biết gần đây của chúng ta về sinh học ung thư.
Có lẽ tuyên bố (đã được làm nhẹ đi) đáng chú ý nhất trong toàn bộ báo cáo là:
[Giả thuyết này] cần phải được theo đuổi một cách quyết liệt trước khi những mặt tích cực trong giả thuyết này có những bước tiến xa hơn.
Một khuôn khổ mới đối với nhận thức về rủi ro do hóa chất gây bệnh ung thư?
Đối với tôi, kết quả thú vị nhất của nghiên cứu này là khuyến nghị thay đổi chiến lược nghiên cứu và điều hành khi đánh giá rủi ro do hóa chất và sử dụng mô hình AOP – chuỗi sự kiện ở các mức tổ chức sinh học khác nhau tạo nên tác động có hại cho sức khỏe.
Nói cách khác, tiềm năng gây ung thư của phơi nhiễm hóa chất liều thấp nên được diễn giải dựa trên “các dấu hiệu xác nhận bệnh ung thư”. Khái niệm này cung cấp một khuôn khổ cơ học cho sự hiểu biết sinh học về ung thư, cho sự mô tả đặc điểm của các khối u như sự phát triển bền vững, sự hình thành các mạch máu mới, và vân vân.
Nhìn xa trông rộng
Khái niệm về “các dấu hiệu xác nhận bệnh ung thư” trước nay vẫn luôn là động lực cho ngành sinh học ung thư. Thế mạnh tuyệt vời của nó nằm ở chỗ nó đưa ra một nguyên tắc có tổ chức có thể giải thích hợp lý sự phức tạp của bệnh ung thư. Nó chỉ có giá trị khi xem xét trên tổng thể.
Khi đánh giá khả năng gây ung thư của các nhân tố hóa chất, nếu chỉ dựa vào từng dấu hiệu một cách riêng biệt thì chính là đã sai hoàn toàn. Những tác động từ một yếu tố riêng biệt không nhất thiết sẽ chuyển hoá một tế bào bình thường thành tế bào ung thư. Thậm chí nếu điều đó có xảy ra thì cũng có những thách thức rất lớn trong việc diễn giải từ những phát hiện trong phòng thí nghiệm vào trong thực tế, đối với những tác động của hóa chất, riêng lẻ hoặc hỗn hợp, lên toàn bộ cơ thể người.
Chúng ta có thể làm gì?
Các tác giả của nghiên cứu này thừa nhận đề nghị của họ nhằm mở rộng việc đánh giá rủi ro của các loại hóa chất “không phải là một nhiệm vụ bình thường” và nó sẽ cực kỳ tốn kém. Với kinh phí và thời gian hạn chế, đó là hợp lẽ khi đặt câu hỏi liệu phương pháp này có mang lại lợi nhuận cho việc đầu tư.
Sự quan tâm tới việc tiếp xúc với môi trường hoá chất là hợp lý, nhưng bằng chứng không đủ thuyết phục cho những lời tuyên bố rằng chúng ta đang lặn ngụp trong một món súp của những hóa chất gây ung thư. Những thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, duy trì một cân nặng khỏe mạnh và tránh uống quá nhiều rượu là những cách có khả năng hơn nhiều để làm giảm nguy cơ ung thư.
Darren Saunders là Giảng viên cao cấp tại UNSW Australia. Bài viết này ban đầu được công bố trên The Conversation. Đọc bài viết gốc.
* Hình ảnh của “khu công nghiệp” qua F Mira / Flickr / CC BY-SA 2.0
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Tác giả: Darren Saunders, Garvan Institute | Dịch giả: Xuân Dung