Nhớ một lần, người viết bài có đọc qua một truyện ngắn của
nhà văn Nguyễn Văn Sâm mà đến nay chưa sưu tầm lại được, nên không còn nhớ
nguyên văn đầy đủ nhan đề, hình như là “Theo Dấu Huyền Trân Công Chúa”. Huyền
Trân theo trong truyện này là những Huyền Trân con nhà thường dân nghèo khổ ở
Sài Gòn thời xa xưa, lấy chồng ngoại chủng như người Ấn Độ (vài người làm nghề
cho vay nặng lời nên dân chúng không thiện cảm, thường gọi họ là những Anh Bảy
Chà-Và), hoặc người Trung Hoa (những thương buôn nào đầu cơ tích trữ làm
nhũng loạn thị trường thì dân chúng mất cảm tình gọi là mấy anh Cắc-Chú, do
phát âm từ-ngữ khách-trú không chính xác); hoặc thực dân Pháp đang đô hộ người
dân không ưa gọi là “Tây Lang-Sa”. Nhưng những phụ nữ Việt lấy chồng người ngoại
quốc như vậy, đôi người lại thành công ở chỗ nương nhờ thế-lực tài-chánh của chồng
mà giúp đỡ dân chúng nghèo khổ người Việt. Vài người thành công hơn nữa, đã
chuyển hướng từ những người chồng làm tai hại nước Việt thành những người chồng
cùng vợ làm phát triển kinh tế cho Việt Nam. Vì vậy mà nhà văn Nguyễn Văn Sâm gọi
họ là những “Huyền Trân bình dân” noi theo dấu vết giúp dân giúp nước của “Huyền
Trân Công Chúa” thời nhà Trần. Đọc truyện ngắn với nội dung như trên của ông,
người viết bài chợt nghĩ: nếu còn nhiều bài với nội dung về phát triển từ những
phôi thai lầm than làm nên một Sài Gòn lớn mạnh thành đô hội, thì có thể xếp
nhà văn Nguyễn Văn Sâm thành nhà văn chuyên viết về đề tài những người đầu tiên
đi mở mang Sài Gòn (cũng như nhà văn Bình Nguyên Lộc chuyên về đề tài những người
Việt đi mở mang Miền Đông Nam Bộ, hoặc như nhà văn Sơn Nam chuyên về đề tài đi
mở đất Miền Tây). Đề tài đi mở mang đất Sài Gòn như vậy chắc phải lui về một
quá khứ khá xa; thời kỳ những người đi vào đất Bà Rịa Vũng Tàu Biên Hòa Đồng
Nai; thuở Ngọc Vạn Công Chúa của nhà Nguyễn thành Hoàng Hậu xứ Kampuchia. Ngọc
Vạn Công Chúa đã vận động vua Khmer cho dân Việt di cư đến lập nghiệp trên toàn
vùng sình lầy Thủy Chân Lạp hoang vu, mà trước tiên là họ đến vùng Bà Rịa. Theo
dấu Huyền Trân Công Chúa hay theo dấu Ngọc Vạn Công Chúa, nội dung ấy đã manh
nha trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm. Tìm thêm, người viết bài
này không thấy có nhiều những bài viết về những dấu vết xưa đi khai phá Sài Gòn
trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, nhưng lại nhận ra có thật nhiều bài nhà
văn này viết về những lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé (nói chung cho toàn vùng
có hệ thống những con kinh đi ngang qua Sài Gòn gồm Rạch Bến Nghé, Kinh Tàu Hủ,
Kinh Tẻ, Kinh Đôi). Đó là những lập nghiệp không thuộc về một quá khứ xa mà từ
khi người Việt đã định cư khắp toàn vùng Nam Bộ, đã thành hình đời sống xã hội
làng xóm thị trấn thành phố ở Miền Tây. Có những người an cư lập nghiệp, giàu
có phú hộ, ở Tiền Giang Hậu Giang; có những người mở rộng cơ ngơi sự nghiệp lên
Sài gòn; có những người xuôi ngược trao đổi sản vật giữa Sài Gòn và Miền Tây;
và có những người còn nghèo khổ chưa bằng lòng cuộc sống một nơi chốn; hoặc có
những người do nhũng nhiễu của các viên chức hội đồng làng xã mà phải lìa xứ để
lên Sài Gòn lánh nạn. Hai loại người sau như vậy đã đi trở ngược con đường xuôi
về Miền Tây an cư; ngược về lại Sài Gòn của cha ông thời dĩ vãng, cặp bến Kinh
Tàu Hủ và Rạch Bến Nghé Sài Gòn. Mặc dầu đường xá giao thông đã mở mang,
nhưng sản vật được vận chuyển bằng ghe thuyền rất thuận tiện do có
nhiều sông ngòi chằng chịt từ Miền Tây nối vào mạng những con kinh vào Sài Gòn.
Và họ đã lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé. Ta thấy những dấu vết ấy trong các
truyện ngắn sau đây của nhà văn Nguyễn Văn Sâm: Tiếng Đàn Hừng Sáng; Quê hương
Mình; Câu Hò Vân Tiên; Tình Đất. Ta thấy các nội dung trong các truyện của Nguyễn
Văn Sâm không ngoài tình đất, tình quê hương, tình người nhân nghĩa, tình gia
đình gắn bó; nhưng những điều đáng kể trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm ở chỗ
ông tận dụng phương ngữ của người bình dân Sài Gòn; có lẽ thuộc về phương ngữ
Sài Gòn hơn là phương ngữ Nam Bô như ta thường gồm chung lại. Do phương tiện đi
lại thuận tiện, giao lưu thường xuyên giữa Sài Gòn và Miền Tây Miền Đông, nên
phương ngữ các vùng ấy không có gì khác, nhưng cũng có những câu nói mà người
Sài Gòn bình dân thường dùng nhiều hơn. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm,
phương ngữ rất dồi dào; như vậy nhà văn như cũng đã áp dụng phương châm của một
số nhà văn coi “cách diễn tả quan yếu hơn điều muốn diễn tả”. Cách diễn tả muốn
cho đậm chất tình quê hương tình đất thì tận dụng phương ngữ, như vậy làm cho nội
dung và hình thức gắn bó với nhau. Nhưng thiển nghĩ, điều ấy nên áp dụng ở những
câu đối thoại.
Truyện “Tiếng Đàn Hừng Sáng”: Dì Ba Bành lên lập nghiệp ở Sài Gòn từ Miền Tây đã khá lâu, dì làm nghề cho vay lấy lời. Tuy vậy, dì vẫn chưa giàu có lắm, nhà ở vùng nước lên xuống dựa kề một con kinh, chung quanh còn đầy những cây sống theo nước như cây bần, bình bát, cóc kèn, ô-rô, dừa nước. Tính dì nóng nảy, lỗ mãng, nhưng mộ đạo, trọng tăng. Khó có đứa nào không trả đủ tiền lời cho dì. Và dì cũng biết cách chạy chọt lấy lòng những kẻ có thế lực để trị những người dì cho vay, nếu họ không muốn trả tiền lời một cách sòng phẳng: “Tụi lính kín cũng phải cà-phê hủ-tiếu chút chút chớ bộ không mà được à”. Dì dễ lên cơn giận, mỗi lần như vậy dì lại lớn tiếng chửi thề. Như có một lần cái ngoáy trầu đâm vào tay chảy máu, “cơn giận đại dương cuồng nộ tràn đến” dù mới trước đó vài giây dì đang mơ màng thả hồn vào lời kinh tiếng chuông tiếng mõ huyền diệu thoát vòng sân si nghiệp chướng. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm cố ý viết về một nhân vật không mấy hiền lành, cả về cách ăn nói, cách phản ứng trong hành động, và cả về hình dáng con người cũng đầy chất phàm tục: “Sáu ngó bàn tay của dì, bàn tay mập tròn, cụt ngủn tù hãm phía sau cái vòng cẩm thạch xanh mướt”. Tuy vậy, căn bản trong tâm hồn của dì là một người tốt, rất có tình yêu quê hương. Quê hương ở đây chính là Miền Tây, có lẽ nơi ấy dì chưa có ruộng vườn nhà cửa định cư, nên dì chính là lớp người trở lại Sài Gòn để lập nghiệp, và nghề nghiệp tạm thời của dì là cho vay lấy lời. Dấu vết cảnh vật còn hoang vu khi họ sống bên kinh rạch Sài Gòn thời gian ấy: con kinh thiếu quy hoạch với đủ loại thực vật từ dưới nước tràn lên bờ. Đây chính là nơi ngày nay có Đại lộ Đông Tây dọc dài Kinh Tàu Hủ và Rạch Bến Nghé; có Hầm Thủ Thiêm chui dưới sông Sài Gòn. Tình nhớ quê Miền Tây ray rứt trong một hừng sáng khi dì nghe tiếng đàn vọng cổ của môt người mới đến ngụ cư trong xóm. Người ấy chính là nhạc sĩ Văn Vĩ nổi tiếng trong cổ nhạc Miền Nam. Ông đến cư trú và mở lớp dạy đàn ca. Tiếng đàn gợi nhớ dĩ vãng nơi vùng miền có những đồng lúa vàng, trăng thôn dã; gợi nhớ hình ảnh đám tang cha già, mẹ rũ rượi sau quan tài; bà nội chập choạng bên vai cô Út; những đứa nhỏ đi chậm giữa đoàn người đưa đám. Cách phát biểu của dì có vẻ lỗ mãng nhưng lại chứa chan tình cảm và pha trộn những hiểu biết tuồng hát cải lương mà dì ái mộ, được nhà văn diễn tả qua đoạn đối thoại như sau: “- Mẹ tổ đờn gì mà đờn đứt ruột đứt gan. Sáng nào cũng đờn điệu này chắc hổng ai làm ăn được gì hết. Buồn còn hơn Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Sáu, thằng cha nào đờn như vậy mầy có biết hông? – Ông Văn Vĩ đó, ổng mới dọn tới ở xéo xéo trước nhà mình mấy bữa nay. Hết xẩy dì Ba ơi, ổng đui mà có ngón đờn buồn tận mạng”. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm cố ghi lại đúng cách đối đáp khá sống sượng của người bình dân ở Sài Gòn, nhưng khi cần phải hành văn cho mượt mà văn chương thì ông cũng đã viết thành những câu văn đẹp, tuy hiện thực mà có chất thơ ảo diệu khá tân kỳ: “Tiếng đờn như lung lay mặt nước, mấp mô mấy cọng rác lềnh bềnh, tấp vô cây cột xi măng dưới bóng đèn trước cửa. Ánh sáng phản chiếu kéo thời gian về lúc dì ngồi ngó chăm chăm cá ăn bong bóng dưới trăng một đêm rằm nào đó xa xăm, lắng nghe một bản vọng cổ của đài Pháp Á vọng ra từ cái radio Phillips…”. Nhắc lại nhận định nhà văn Nguyễn Văn Sâm có dụng tâm viết về những lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé: họ từ Miền Tây trở ngược lại con đường lập nghiệp của tổ tiên ở vùng Sài Gòn, để tạo dựng cuộc đời mới một một lần nữa, cho dù chỉ là nghề tạm bợ cho vay lấy lời. Nếu ở Miền Tây sung túc, tại sao không ở, mà lại lên lại Sài Gòn kiếm sống. Bởi vì ở đời, không phải ai cũng gặp duyên cơ thành công, có người bám rễ định cư mà cũng có người còn phải bôn ba tìm chốn khác. Chốn mới định cư của Dì Ba bên sông Bến Nghé đó là Kho Năm. Và còn nhiều người cũng lộn về lại Sài Gòn sinh sống, làm nên một Sài Gòn càng ngày càng đông đúc. Những cầu ván tạm bợ lần lần được thay thế bằng cầu đúc cốt thép, những nhà lầu mọc lên, những thực vật chen chúc dưới kinh rạch lần hồi mất dấu; và những người như Dì Ba cũng tìm cách đổi nghề lương thiện hơn. Đây là tâm tình ở chốn tái-định-cư của thế-hệ trở lại Sài Gòn từ Miền Tây: “Tiếng đờn của ổng là hương vị quê hương, là hồn dân tộc đó, Sáu … Nghe ổng đờn, con nhớ trực lợi cảnh mấy năm trước, hồi còn ở dưới quê, tưởng tượng ra cảnh buồn phải xa nhà khi nghe dì Bảy hàng xóm hát ru em cái gì mà: Chiều chiều chim vịt kêu chiều – Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Hình ảnh đặc biệt bình dân của buổi sáng sớm ở Sài Gòn, có lẽ do nhập từ Miền Tây lên, được nhà văn Nguyễn Văn Sâm ghi lại khiến cho ta nhớ một thời nào hiện diện, hay bây giờ vẫn còn tồn tại, như sau: “Tiếng đờn của người nghệ sĩ mù và âm thanh chuông mõ công phu vẫn là món ăn tinh thần của dân chúng mỗi sáng. Tiếng chuông mõ như liều thuốc rửa bợn nhơ còn sót lại của ngày hôm qua. Tiếng đờn như ly cà-phê sữa nóng người ta đổ ra dĩa cho mau nguội, ngồi từ tốn chấm với dầu-cháo-quẩy, bánh tiêu”.
Trong truyện “Quê Hương Mình”, nhà văn Nguyễn Văn Sâm làm cho ta nhận rõ thêm những khởi đầu lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé, cụ thể như gia đình Dì Tư sống trên một ghe nhỏ; họ lên từ vùng quê Chợ Đệm thuộc tỉnh Long An ngày nay. Ghe họ neo ngụ gần Cầu Ông Lãnh, hay Cầu Rạch Bần mà từ đó ngó qua sông Sài Gòn bên phía Thủ Thiêm thấy có tấm quảng cáo thật lớn của Hãng thuốc lá Bastos. Bến sông Sài Gòn thuở ấy còn đầy ghe thuyền đậu không trật tự, đầy những tấm bửng từ ghe gác lên bờ, đầy những rác rưởi vỏ dừa vỏ rau cải hay xác mía. Và dân đậu bến cũng xô bồ gồm những lưu dân, những người vận chuyển buôn bán sản vật miệt vườn, những chủ vựa trái cây, những “thầy phú-lít” đến giữ trật tự, những dân cố cựu Sài Gòn đến mua bán giao dịch, những kẻ mở sòng cờ bạc; và những đứa trẻ chưa bao giờ từng ở nhà trên đất trên bờ như thằng Đực và Con Gái, hai đứa cháu của Dì Tư. Tuy vậy vẫn không thiếu những người tụ họp đàn ca tài tử trên ghe. Có lần thằng Đực, vì không hiểu đất đai nhà cửa Sài Gòn thời ấy cũng khá đắc đỏ rồi, thắc mắc hỏi tại sao bà cháu không sống trên đất liền mà cứ ở mãi trên ghe. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm nhân đây nói về vai trò “tạo dựng những vùng định cư do ghe lưu dân” làm nên; và nói về “quá trình lưu dân Việt hình thành đất đai Nam bộ” trên xứ Thủy Chân Lạp sình lầy, qua lời giải thích của Dì Tư nói với thằng Đực : “Xứ mình sông rạch chằng chịt, xe cộ ít ỏi, đường sá lỗ hang, dùng ghe đi đâu cũng tiện.Vài người, một gia đình, hoặc là làm không khá, hoặc là thời thế đẩy đưa, chỗ làng nước khó ở, dắt díu nhau lên ghe, chất chở theo tam tứ thứ thập vật, từ cái áo rách, cái chén bể, tới cái ông lò, chiếc chiếu, nồi niêu chảo đụn, nương theo con nước, theo lạch theo ngòi, ngừng lại ở một doi một vịnh, một xẻo nào đó… Ngoảnh đi ngoảnh lại không bao lâu khoảnh đất trước đây dầu cho hoang vắng cách mấy cũng thành chỗ có người của mình. Ban đầu thì thưa thớt, vài ba gia đình, heo hút mấy cái nhà… xứ mình rộng lớn minh mông, đi già đời cũng hổng hết đất mà đâu đâu cũng thấy người là nhờ ghe đó… Ngày xưa đất này là của người đàng Thổ (người Khmer)… Mình tới ở chung ở lộn với họ một thời gian, họ không ưa chung đụng với người lạ nên bỏ vô sâu hơn, thét rồi làng nước chỗ đó thuộc về người Việt… Công ơn ông bà mình đã lớn, mà công lao của ghe xuồng càng lớn hơn…”. Ngoài hai ý tưởng chủ đạo như trên trong truyện ngắn này của Nguyễn Văn Sâm, ta còn nhận ra ý tưởng chủ đạo thứ ba: vạch ra sợi giây liên hệ nguồn gốc giữa người thành thị (dân Sài Gòn) và người nhà quê (người miệt vườn Miền Tây). Dân Sài Gòn trong các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm thật ra là lưu dân từ Miền Tây đảo ngược trở về lại Sài Gòn lập nghiệp, theo ghe lên từ bờ sông Bến Nghé. Ở lâu khoảng chừng hơn mười năm, theo như trong truyện ngắn này, thì con cháu họ trở thành dân Sài Gòn như trường hơp thằng Đực và Con Gái, em nó. Chúng thấy những người miệt vườn Miền Tây lên mua bán ở Sài Gòn mang vẻ “nhà quê”, qua các cách thức cử chỉ của họ như mặc nhiều cái áo; khi lấy tiền ra phải lần vô cái áo trong cùng; tháo kim tây lấy tiền bạc mới tinh thơm mùi long não; còn nói chuyện thì lạ tai với những đối đáp “chèn-đéc-ơi, chời ơi, quỷ thần thiên địa ơi, mình ên…”. Có vài đứa con gái trạc tuổi chúng, mới đến Sài Gòn; rụt rè cứ quẩn quanh trong khoang chiếc ghe chở nồi ơ cà ràng; cái kẹp ba lá sau đuôi tóc; mặc áo bông xanh xanh… Bà nội chúng, Dì Tư, lần này không nói nhiều mà chỉ xúc cảm với nỗi buồn xa xứ: “Dì nhớ tới xứ quê mùa hủ lậu của mình. Con sông êm đềm nước chảy, lâu thiệt lâu có khi cả ngày trời mới có một chiếc ghe đi ngang. Cảnh buồn hiu nhưng chứa chan bao thân thiết…”. Và thằng Đực đã trực hiểu: “Quê hay không quê khác nhau chỉ là rời xứ sớm hay không mà thôi”. Hơn mười năm trước cả gia đình ông nội và ba nó vì giặc giã phải chạy lên Sài Gòn bằng ghe, bây giờ nó và em nó thành người vùng Cầu Ông Lãnh, không phải là thế hệ người vùng Chợ Đệm Long An vì chúng đâu có kỷ niệm gì ở nơi ấy. Nhưng “Hai đứa đều ước ao mình được ngồi trong tàu đò đi về miền quê trong tâm tưởng, một thứ quê hương được cấu tạo trong thần trí bằng tình cảm thiêng liêng, chớ không bằng một chút kỷ niệm nhỏ nhoi nào”…
Cũng qua truyện trên, tác giả Nguyễn Văn Sâm như đã xác nhận có phương ngữ Sài Gòn xen kẽ với phương ngữ Miệt vườn Miền Nam làm thành phương ngữ Nam Bộ nói chung. Các truyện của Nguyễn Văn Sâm dồi dào phương ngữ, có vài từ ngữ khó hiểu đối với người không phải Nam Bộ, chẳng hạn “a-thần-phù” (bất thình lình); trong lòng “đánh lô-tô”(lòng hồi hộp), hứa hẹn “ầu-ơ-ví-dầu” (hứa hẹn vu vơ); có khi “lòi chành” (có khi lộ hết sự thật); “cười quá mạng” (cười nghiêng ngửa)… Thiển nghĩ phương ngữ chỉ nên áp dụng trong những câu đối thoại, còn chính câu văn của tác giả thì nên dùng ngôn ngữ quy ước cho người khắp mọi miền dễ tiếp nhận.
Qua truyện “Câu Hò Vân Tiên”, ta biết thêm trường hợp lưu dân đến Sài Gòn xa xưa hơn giai đoạn chiến tranh từ 1945 ở truyện trên, có lẽ thời điểm nói đến trong truyện này là sau cuộc kháng chiến của Trương Công Định không bao lâu. Lành được mẹ gởi gắm theo ghe lớn lên Sài Gòn tìm tá túc nhà bà con ở Chợ Đũi mà thật ra Lành chưa biết rõ địa chỉ. Gởi con đi để tránh xa hương chức làng xã gây khó dễ vì cha Lành có dính líu đến Nghĩa quân chống Pháp, hiện đang bị bắt, và ông nội của Lành từng là Cai Đội của Nghĩa quân Trương công Định. Ghe đang đi đêm tới khúc sông Ba Cụm, nơi thường bị hoành hành bởi bọn trộm cướp trên sông. Đêm gần khuya, các người trên ghe lớn nghe những câu hò đối đáp giữa trai gái trên những ghe cui (ghe nhỏ chở củi, chở tràm). Những câu hò thật hay thật truyền cảm dựa vào cốt truyện đầy tình nghĩa trong truyện Lục Vân Tiên. Mọi người thưởng thức nghe các giọng hò êm ái, mơ màng gần như ngủ quên. Chính lúc đó, nếu còn thức, họ sẽ nghe có tiếng động của một hai người “chùi xuống nước” êm ru từ một chiếc ghe cui để lội qua ghe lớn trộm hàng hóa hành lý, vơ vét gần hết đồ đạc những người ngủ say. (Mặc dù những câu hò Vân Tiên bị bọn trộm lợi dụng hát ru ngủ, nhưng nhà văn đã ghi lại trọn vẹn những câu hò đó thành tư liệu cần cho sưu tập). Ghe chuyên chở sản vật thành trống không, đậu vào bến Cầu Ông Lãnh trước Tết vài ngày. Lành đợi sau ba ngày Tết sẽ đi tìm người bà con ở Chợ Đũi. Lại gặp xui, cái kiềng vàng Lành đeo trên cổ mà bọn trộm trên sông không thấy nhờ ban đêm, nay lại bị một tên cướp giựt trên Cầu Ông Lãnh. May mắn chưa bị mất cây kiềng, nhờ một thanh niên tên Nam đánh chặn tên cướp, hắn phải tháo chạy. Lành chưa kịp nói lời cám ơn thì Nam lại cố ý đi khuất dạng ngay, làm cho Lành như tương tư trước hành động “thi ơn bất cầu báo” của người nghĩa hiệp chốn phường phố ồn ào tấp nập. Ngày mùng một Tết, ông bà chủ ghe khuyên Lành nên đi coi chợ Tết ở Cầu Ông Lãnh cho biết Sài Gòn và cho khuây khỏa. Lành nhập vào đám đông coi múa lân. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm thuở thiếu niên chắc thích coi múa lân, nên đoạn mô tả cuộc múa lân rất sinh động, phải là người sành điệu mới viết được như vậy. Và nhà văn hư cấu thêm thành một cuộc múa lân ly kỳ trong truyện này: cảnh một con lân quỳ lạy trước một con lân, sau đó lại khép nép chun qua dưới chân con lân kia một cách thần phục. Màn này diễn đi diễn lại vào dịp Tết ở đây, năm nào cũng dàn cảnh như vậy. Nguyên trước kia có hai đoàn lân lớn tranh giành lãnh vực làm ăn. Họ múa lân để lấy tiền thưởng ở những hiệu buôn người Hoa Kiều trong ngày Tết. Tranh giành đổ máu, người cầm đầu đoàn lân Cầu Muối bị chém chết và rã đám do tay cầm đầu đoàn lân Cầu Ông Lãnh âm mưu với các thế lực địa phương thời Pháp cai trị. Tay cầm đầu đoàn lân đắc thắng cứ cho diễn vở tuồng luồn cúi của đoàn lân kia để thỏa mãn tính phách lối, chèn ép người khác. Nhưng ngày Lành xem lân lại xảy ra biến cố: một võ sĩ của đoàn lân cũ không thể nhịn nhục vở tuồng này lại tái diễn, và anh đã xông ra chém đứt đôi cái đầu lân sặc sỡ kia, và anh bị đám người kia hùa nhau giết chét. Thật hỗn loạn ngày Tết thời Pháp thuộc tại vùng Cầu Ông Lãnh. Người anh hùng bị giết chết ấy chính là anh Nam, người đã ra tay nghĩa hiệp trừng trị kẻ côn đồ định giật cây kiềng vàng đeo trên cổ cô Lành. Lành bỗng trở nên thẫn thờ, hình bóng người nghĩa hiệp ám ảnh. Cô lần theo đường dọc dài bến sông náo nhiệt kèn nhạc ở những quán hàng Tây. Nơi đây tấp nập những thầy thông thầy ký ăn mặc kiểu công chức thời Pháp thuộc, những phụ nữ lịch lãm thời trang ; cũng có vài ông nhà giàu khăn đống áo dài trịnh trọng của vang bóng các quan lại triều đình nhà Nguyễn. Lành lần bước đến Tượng Một Hình (tượng đô đốc Hải quân Pháp, Rigault De Genouilly) để khấn nguyện anh linh người anh hùng nghĩa khí gặp chuyện bất bằng chẳng tha… Tuy truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Văn Sâm có nhiều hư cấu, cũng khá ly kỳ như truyện võ hiệp, nhưng ở đây nhà văn muốn cung cấp cho ta tư liệu “Những Câu Hò Vân Tiên” thuộc văn học dân gian miền Nam; được dịp mô tả lại cảnh trí con đường bến sông Sài Gòn với Cột Cờ Thủ Ngữ, với Cầu Quay, với Tượng Một Hình, với sinh hoạt nhiều dấu vết ảnh hưởng Tây Lang Sa thời Pháp Thuộc, có lẽ ở thời-điểm trước năm 1930. Cách mô tả thật sinh động tuy hơi cường điệu cho có “vẻ cải-lương” như sau: “Mấy thầy thông thầy ký mang giầy “ăn phôn” da bóng ướt… cặp tay mấy cô tân thời, đầu tóc lòng thòng khỏi vai… Mấy ông ngài còn theo nếp xưa áo dài nhiễu đại đóa dài tới gối, quần the ống rộng… Xứ gì kỳ cục, đàn ông đàn bà cặp kè… Tây Tà rượu chè ồn ào thấy sợ… Chừng nào về quê phải kể cho má nghe mới được: Cầu Quây đương là cầu biến thành sông… Xin lỗi cô Hai, dám nào cô dừng chân cho hỏi. Mắc cỡ, Lành ngúng nguẩy bỏ đi…”. Qua truyện này, nhà văn nhắc nhở ta một lần nữa: có những lưu dân vì thời thế như cô Lành, giã từ quê Miền Tây, quá giang ghe thuyền tới dòng sông đón nhận Bến Nghé mà nhập cư Sài Gòn.
Trong truyện “Tình Đất”, nhà văn Nguyễn Văn Sâm nêu lên một trường hợp điển hình khác: không phải ai từ Miền Tây trở ngược về Sài Gòn lập nghiệp cũng đều thành công, và khi thất bại thì một lần nữa lại xuôi về Miền Tây cố cựu. Và “Tình Đất” bây giờ là tình luyến nhớ chốn lập nghiệp ở Sài Gòn. Điển hình như khu Vườn Lài và Vườn Thơm (ở góc đại lộ Điện Biên Phủ, tức Phan Thanh Giản trước đây, và đại lộ Lý Thái Tổ) được cha mẹ cô Út tạo nên cơ nghiệp với việc trồng khá quy mô cây bông lài (bông lài phơi khô cung cấp cho các cơ sở ướp trà), ngoài ra còn trồng cây thơm; và bốn con ngựa cùng hai cái xe chuyên chở hành khách, vận chuyển bông trái của khu canh tác. Cả cơ ngơi rất thuận lợi vì nằm lọt trong khu vực trung tâm thành phố. Bối cảnh khu vực này chưa thành đô hội như bây giờ, có thể còn rậm rạp cây cối um tùm, vì có chi tiết nhà văn nói về một cuộc hội họp bí mật của những người chống Pháp mở tại đây, như vậy thì thời điểm khoảng trước năm 1954. Cô Út chí thú làm ăn, chăm sóc đầy tình yêu khu vườn lài vườn thơm của cha mẹ tạo nên. Nhưng anh của cô Út, cậu Năm, thì lại có tính ham mê cờ bạc. Anh được giao cho công việc đánh xe ngựa vận chuyển hàng hóa trong thành phố. Bốn con ngựa và hai cái xe cũng là một cơ sở khá nếu chí thú làm ăn. Vậy mà anh lúc nào cũng túng thiếu, do thua cờ bạc, cứ vay mượn ít khi trả đủ cho cô Út. Như vậy, cơ ngơi của cha mẹ, nàng phải cáng đáng chi trả, nếu không chịu khó canh tác vườn lài thì không đủ chi phí. Nhưng cô Út giỏi lèo lái cơ ngơi, do tình đất khu Vườn Lài đã bám rễ cột chặt tâm hồn của cô. Cô có người yêu là Cậu Tốt mới vừa tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần (thuộc chương trình giáo dục Pháp lúc ấy còn tồn tại ở Sài Gòn), sắp sang Pháp du học để thành bác sĩ. Cậu sắp đi, nhưng hình như Lành không mấy lo ngại thời gian phải xa nhau rất lâu, vì cô để hết tâm vào khu vườn lài, coi sự chăm sóc khu canh tác cơ ngơi này như lẽ sống của mình. “Con Út khắn khít với thằng đó thì khắn khít mà thờ ơ thì cũng thờ ơ. Nó thương đất chứ không thương tiền. Nó có thể bỏ thằng Tốt chớ không bao giờ bỏ miếng đất”. Cậu Năm có lần nói như vậy. Còn Cậu Năm thì lưu tâm đến Cúc, con Dì Tám làm công ở khu Vườn Lài. Nhưng cậu ham mê cờ bạc, không chịu khó làm ăn, đâu dễ được Cúc đáp ứng tình yêu. Vả lại tình của cậu Năm không phải là tình đẹp đối với Cúc qua những cảm nghĩ trong tâm hồn của cậu: “Con nhỏ trổ mã cả năm nay, tay chưn tròn trịa, vú dậy đội lớp áo lên cao nghệu, dòm ngang thấy trơn láng mềm mại ra vẻ con gái quá chừng. Đi ra chợ bông, thiên hạ kêu nó bằng cô lia chia, không còn kêu em nhỏ này con nhỏ nọ như năm ngoái nữa”. Mà thật ra cậu Út chẳng coi tình trai gái lớn hơn tình cờ bạc, có bị Cúc từ khước cũng không mấy giận hờn; bị Thìn cùng xóm may mắn hơn thì cũng chỉ coi như một ván cờ thua: “Thìn, tao nhường mầy đó. Chén kiểu ai thèm giành chỗ với chén đá. Cúc ơi: bần gie đom đóm đậu sáng ngời/ lỡ duyên tại bậu, trách trời sao đang”. Thật tình cờ, qua truyện này ta thấy hai anh em có tính tính giống nhau: Cô Út gắn bó tình đất với khu Vườn Lài nên không lo chuyện người tình thành bác sĩ rồi ở luôn bên Pháp; còn cậu Năm có thể phôi pha với tình yêu bị từ khước chứ không thể phai lạt với tình mê cờ bạc. Nhiều lần biết sám hối, hứa trả tiền thiếu đầy đủ cho Cô Út, hứa sẽ đánh cờ bạc ván chót rồi nghỉ, sau khi thấy như đôi mắt mẹ trong di ảnh nhìn quở trách mình, nhưng rồi chứng nào tật ấy. Cờ bạc như cái giây vô hình trói buộc khó thoát ra. Rồi Cậu Út làm giấy tờ giã mạo chữ ký của cha mẹ giao hết cơ nghiệp cho mình, bán tháo cho một tay có thế lực thuộc phe Bình Xuyên, bán để trả nợ cờ bạc. Sau vụ này anh em chia tay người mỗi ngã. Tác giả nhắc đến Công An Xung Phong khiến ta đoán thời điểm tác giả hư cấu truyện này ở vào những năm trước 1954. Sau vụ bán tháo không lâu, cả khu Vườn Lài được thay thế bằng dãy lầu kinh doanh nghề mãi dâm. Cô Út trở về quê quán cũ ở miệt vườn thuộc tỉnh Mỹ Tho, còn Cậu Năm sống lây lất với tật nguyền, ngồi bán thuốc lá lẻ dưới dãy lầu của chủ mới thuộc khu đất có Vườn Lài. Một chiều mưa nhạt nhòa, cô Út bây giờ là một người đàn bà luống tuổi từ Mỹ Tho lên thăm chốn cũ; ngậm ngùi thấy cảnh biển dâu nơi cơ nghiệp xưa của cha mẹ từ Miền Tây lên. Lâu ngày xa cách, đến nỗi anh em không còn nhìn ra nhau, và cô tất tả lên xe giã từ trước khi người anh nhận ra, vội vã chạy theo xe kêu vói lại nhưng không kịp. Khu Vườn Lài ở góc đường Phan Thanh Giản (tên cũ) và đường Lý Thái Tổ, vào khoảng năm 1958 hay 1959, người viết bài này có đi ngang qua, thấy phía trước còn một khoảnh đất trống khá rộng, lùi vào trong còn một nền nhà cổ khá cao trên đó có vài trụ cột nhà xi-măng lớn với những giây leo điểm bông hoa vàng. Phải chăng đây là di tích cổ của Khu Vườn Lài mà ngày nay trên bản đồ thành phố không thấy có tên. Hư cấu do chủ đề hay chuyện thật: Đây là một trong những dấu vết tạo dựng xưa của người Miền Tây nhập cư lên Sài Gòn, nhưng thuộc về trường hợp làm ăn sa sút phải trở lại miền Tây.
TRẦN VĂN NAM (City of Walnut, tháng 1 năm 2013)
Truyện “Tiếng Đàn Hừng Sáng”: Dì Ba Bành lên lập nghiệp ở Sài Gòn từ Miền Tây đã khá lâu, dì làm nghề cho vay lấy lời. Tuy vậy, dì vẫn chưa giàu có lắm, nhà ở vùng nước lên xuống dựa kề một con kinh, chung quanh còn đầy những cây sống theo nước như cây bần, bình bát, cóc kèn, ô-rô, dừa nước. Tính dì nóng nảy, lỗ mãng, nhưng mộ đạo, trọng tăng. Khó có đứa nào không trả đủ tiền lời cho dì. Và dì cũng biết cách chạy chọt lấy lòng những kẻ có thế lực để trị những người dì cho vay, nếu họ không muốn trả tiền lời một cách sòng phẳng: “Tụi lính kín cũng phải cà-phê hủ-tiếu chút chút chớ bộ không mà được à”. Dì dễ lên cơn giận, mỗi lần như vậy dì lại lớn tiếng chửi thề. Như có một lần cái ngoáy trầu đâm vào tay chảy máu, “cơn giận đại dương cuồng nộ tràn đến” dù mới trước đó vài giây dì đang mơ màng thả hồn vào lời kinh tiếng chuông tiếng mõ huyền diệu thoát vòng sân si nghiệp chướng. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm cố ý viết về một nhân vật không mấy hiền lành, cả về cách ăn nói, cách phản ứng trong hành động, và cả về hình dáng con người cũng đầy chất phàm tục: “Sáu ngó bàn tay của dì, bàn tay mập tròn, cụt ngủn tù hãm phía sau cái vòng cẩm thạch xanh mướt”. Tuy vậy, căn bản trong tâm hồn của dì là một người tốt, rất có tình yêu quê hương. Quê hương ở đây chính là Miền Tây, có lẽ nơi ấy dì chưa có ruộng vườn nhà cửa định cư, nên dì chính là lớp người trở lại Sài Gòn để lập nghiệp, và nghề nghiệp tạm thời của dì là cho vay lấy lời. Dấu vết cảnh vật còn hoang vu khi họ sống bên kinh rạch Sài Gòn thời gian ấy: con kinh thiếu quy hoạch với đủ loại thực vật từ dưới nước tràn lên bờ. Đây chính là nơi ngày nay có Đại lộ Đông Tây dọc dài Kinh Tàu Hủ và Rạch Bến Nghé; có Hầm Thủ Thiêm chui dưới sông Sài Gòn. Tình nhớ quê Miền Tây ray rứt trong một hừng sáng khi dì nghe tiếng đàn vọng cổ của môt người mới đến ngụ cư trong xóm. Người ấy chính là nhạc sĩ Văn Vĩ nổi tiếng trong cổ nhạc Miền Nam. Ông đến cư trú và mở lớp dạy đàn ca. Tiếng đàn gợi nhớ dĩ vãng nơi vùng miền có những đồng lúa vàng, trăng thôn dã; gợi nhớ hình ảnh đám tang cha già, mẹ rũ rượi sau quan tài; bà nội chập choạng bên vai cô Út; những đứa nhỏ đi chậm giữa đoàn người đưa đám. Cách phát biểu của dì có vẻ lỗ mãng nhưng lại chứa chan tình cảm và pha trộn những hiểu biết tuồng hát cải lương mà dì ái mộ, được nhà văn diễn tả qua đoạn đối thoại như sau: “- Mẹ tổ đờn gì mà đờn đứt ruột đứt gan. Sáng nào cũng đờn điệu này chắc hổng ai làm ăn được gì hết. Buồn còn hơn Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Sáu, thằng cha nào đờn như vậy mầy có biết hông? – Ông Văn Vĩ đó, ổng mới dọn tới ở xéo xéo trước nhà mình mấy bữa nay. Hết xẩy dì Ba ơi, ổng đui mà có ngón đờn buồn tận mạng”. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm cố ghi lại đúng cách đối đáp khá sống sượng của người bình dân ở Sài Gòn, nhưng khi cần phải hành văn cho mượt mà văn chương thì ông cũng đã viết thành những câu văn đẹp, tuy hiện thực mà có chất thơ ảo diệu khá tân kỳ: “Tiếng đờn như lung lay mặt nước, mấp mô mấy cọng rác lềnh bềnh, tấp vô cây cột xi măng dưới bóng đèn trước cửa. Ánh sáng phản chiếu kéo thời gian về lúc dì ngồi ngó chăm chăm cá ăn bong bóng dưới trăng một đêm rằm nào đó xa xăm, lắng nghe một bản vọng cổ của đài Pháp Á vọng ra từ cái radio Phillips…”. Nhắc lại nhận định nhà văn Nguyễn Văn Sâm có dụng tâm viết về những lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé: họ từ Miền Tây trở ngược lại con đường lập nghiệp của tổ tiên ở vùng Sài Gòn, để tạo dựng cuộc đời mới một một lần nữa, cho dù chỉ là nghề tạm bợ cho vay lấy lời. Nếu ở Miền Tây sung túc, tại sao không ở, mà lại lên lại Sài Gòn kiếm sống. Bởi vì ở đời, không phải ai cũng gặp duyên cơ thành công, có người bám rễ định cư mà cũng có người còn phải bôn ba tìm chốn khác. Chốn mới định cư của Dì Ba bên sông Bến Nghé đó là Kho Năm. Và còn nhiều người cũng lộn về lại Sài Gòn sinh sống, làm nên một Sài Gòn càng ngày càng đông đúc. Những cầu ván tạm bợ lần lần được thay thế bằng cầu đúc cốt thép, những nhà lầu mọc lên, những thực vật chen chúc dưới kinh rạch lần hồi mất dấu; và những người như Dì Ba cũng tìm cách đổi nghề lương thiện hơn. Đây là tâm tình ở chốn tái-định-cư của thế-hệ trở lại Sài Gòn từ Miền Tây: “Tiếng đờn của ổng là hương vị quê hương, là hồn dân tộc đó, Sáu … Nghe ổng đờn, con nhớ trực lợi cảnh mấy năm trước, hồi còn ở dưới quê, tưởng tượng ra cảnh buồn phải xa nhà khi nghe dì Bảy hàng xóm hát ru em cái gì mà: Chiều chiều chim vịt kêu chiều – Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Hình ảnh đặc biệt bình dân của buổi sáng sớm ở Sài Gòn, có lẽ do nhập từ Miền Tây lên, được nhà văn Nguyễn Văn Sâm ghi lại khiến cho ta nhớ một thời nào hiện diện, hay bây giờ vẫn còn tồn tại, như sau: “Tiếng đờn của người nghệ sĩ mù và âm thanh chuông mõ công phu vẫn là món ăn tinh thần của dân chúng mỗi sáng. Tiếng chuông mõ như liều thuốc rửa bợn nhơ còn sót lại của ngày hôm qua. Tiếng đờn như ly cà-phê sữa nóng người ta đổ ra dĩa cho mau nguội, ngồi từ tốn chấm với dầu-cháo-quẩy, bánh tiêu”.
Trong truyện “Quê Hương Mình”, nhà văn Nguyễn Văn Sâm làm cho ta nhận rõ thêm những khởi đầu lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé, cụ thể như gia đình Dì Tư sống trên một ghe nhỏ; họ lên từ vùng quê Chợ Đệm thuộc tỉnh Long An ngày nay. Ghe họ neo ngụ gần Cầu Ông Lãnh, hay Cầu Rạch Bần mà từ đó ngó qua sông Sài Gòn bên phía Thủ Thiêm thấy có tấm quảng cáo thật lớn của Hãng thuốc lá Bastos. Bến sông Sài Gòn thuở ấy còn đầy ghe thuyền đậu không trật tự, đầy những tấm bửng từ ghe gác lên bờ, đầy những rác rưởi vỏ dừa vỏ rau cải hay xác mía. Và dân đậu bến cũng xô bồ gồm những lưu dân, những người vận chuyển buôn bán sản vật miệt vườn, những chủ vựa trái cây, những “thầy phú-lít” đến giữ trật tự, những dân cố cựu Sài Gòn đến mua bán giao dịch, những kẻ mở sòng cờ bạc; và những đứa trẻ chưa bao giờ từng ở nhà trên đất trên bờ như thằng Đực và Con Gái, hai đứa cháu của Dì Tư. Tuy vậy vẫn không thiếu những người tụ họp đàn ca tài tử trên ghe. Có lần thằng Đực, vì không hiểu đất đai nhà cửa Sài Gòn thời ấy cũng khá đắc đỏ rồi, thắc mắc hỏi tại sao bà cháu không sống trên đất liền mà cứ ở mãi trên ghe. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm nhân đây nói về vai trò “tạo dựng những vùng định cư do ghe lưu dân” làm nên; và nói về “quá trình lưu dân Việt hình thành đất đai Nam bộ” trên xứ Thủy Chân Lạp sình lầy, qua lời giải thích của Dì Tư nói với thằng Đực : “Xứ mình sông rạch chằng chịt, xe cộ ít ỏi, đường sá lỗ hang, dùng ghe đi đâu cũng tiện.Vài người, một gia đình, hoặc là làm không khá, hoặc là thời thế đẩy đưa, chỗ làng nước khó ở, dắt díu nhau lên ghe, chất chở theo tam tứ thứ thập vật, từ cái áo rách, cái chén bể, tới cái ông lò, chiếc chiếu, nồi niêu chảo đụn, nương theo con nước, theo lạch theo ngòi, ngừng lại ở một doi một vịnh, một xẻo nào đó… Ngoảnh đi ngoảnh lại không bao lâu khoảnh đất trước đây dầu cho hoang vắng cách mấy cũng thành chỗ có người của mình. Ban đầu thì thưa thớt, vài ba gia đình, heo hút mấy cái nhà… xứ mình rộng lớn minh mông, đi già đời cũng hổng hết đất mà đâu đâu cũng thấy người là nhờ ghe đó… Ngày xưa đất này là của người đàng Thổ (người Khmer)… Mình tới ở chung ở lộn với họ một thời gian, họ không ưa chung đụng với người lạ nên bỏ vô sâu hơn, thét rồi làng nước chỗ đó thuộc về người Việt… Công ơn ông bà mình đã lớn, mà công lao của ghe xuồng càng lớn hơn…”. Ngoài hai ý tưởng chủ đạo như trên trong truyện ngắn này của Nguyễn Văn Sâm, ta còn nhận ra ý tưởng chủ đạo thứ ba: vạch ra sợi giây liên hệ nguồn gốc giữa người thành thị (dân Sài Gòn) và người nhà quê (người miệt vườn Miền Tây). Dân Sài Gòn trong các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm thật ra là lưu dân từ Miền Tây đảo ngược trở về lại Sài Gòn lập nghiệp, theo ghe lên từ bờ sông Bến Nghé. Ở lâu khoảng chừng hơn mười năm, theo như trong truyện ngắn này, thì con cháu họ trở thành dân Sài Gòn như trường hơp thằng Đực và Con Gái, em nó. Chúng thấy những người miệt vườn Miền Tây lên mua bán ở Sài Gòn mang vẻ “nhà quê”, qua các cách thức cử chỉ của họ như mặc nhiều cái áo; khi lấy tiền ra phải lần vô cái áo trong cùng; tháo kim tây lấy tiền bạc mới tinh thơm mùi long não; còn nói chuyện thì lạ tai với những đối đáp “chèn-đéc-ơi, chời ơi, quỷ thần thiên địa ơi, mình ên…”. Có vài đứa con gái trạc tuổi chúng, mới đến Sài Gòn; rụt rè cứ quẩn quanh trong khoang chiếc ghe chở nồi ơ cà ràng; cái kẹp ba lá sau đuôi tóc; mặc áo bông xanh xanh… Bà nội chúng, Dì Tư, lần này không nói nhiều mà chỉ xúc cảm với nỗi buồn xa xứ: “Dì nhớ tới xứ quê mùa hủ lậu của mình. Con sông êm đềm nước chảy, lâu thiệt lâu có khi cả ngày trời mới có một chiếc ghe đi ngang. Cảnh buồn hiu nhưng chứa chan bao thân thiết…”. Và thằng Đực đã trực hiểu: “Quê hay không quê khác nhau chỉ là rời xứ sớm hay không mà thôi”. Hơn mười năm trước cả gia đình ông nội và ba nó vì giặc giã phải chạy lên Sài Gòn bằng ghe, bây giờ nó và em nó thành người vùng Cầu Ông Lãnh, không phải là thế hệ người vùng Chợ Đệm Long An vì chúng đâu có kỷ niệm gì ở nơi ấy. Nhưng “Hai đứa đều ước ao mình được ngồi trong tàu đò đi về miền quê trong tâm tưởng, một thứ quê hương được cấu tạo trong thần trí bằng tình cảm thiêng liêng, chớ không bằng một chút kỷ niệm nhỏ nhoi nào”…
Cũng qua truyện trên, tác giả Nguyễn Văn Sâm như đã xác nhận có phương ngữ Sài Gòn xen kẽ với phương ngữ Miệt vườn Miền Nam làm thành phương ngữ Nam Bộ nói chung. Các truyện của Nguyễn Văn Sâm dồi dào phương ngữ, có vài từ ngữ khó hiểu đối với người không phải Nam Bộ, chẳng hạn “a-thần-phù” (bất thình lình); trong lòng “đánh lô-tô”(lòng hồi hộp), hứa hẹn “ầu-ơ-ví-dầu” (hứa hẹn vu vơ); có khi “lòi chành” (có khi lộ hết sự thật); “cười quá mạng” (cười nghiêng ngửa)… Thiển nghĩ phương ngữ chỉ nên áp dụng trong những câu đối thoại, còn chính câu văn của tác giả thì nên dùng ngôn ngữ quy ước cho người khắp mọi miền dễ tiếp nhận.
Qua truyện “Câu Hò Vân Tiên”, ta biết thêm trường hợp lưu dân đến Sài Gòn xa xưa hơn giai đoạn chiến tranh từ 1945 ở truyện trên, có lẽ thời điểm nói đến trong truyện này là sau cuộc kháng chiến của Trương Công Định không bao lâu. Lành được mẹ gởi gắm theo ghe lớn lên Sài Gòn tìm tá túc nhà bà con ở Chợ Đũi mà thật ra Lành chưa biết rõ địa chỉ. Gởi con đi để tránh xa hương chức làng xã gây khó dễ vì cha Lành có dính líu đến Nghĩa quân chống Pháp, hiện đang bị bắt, và ông nội của Lành từng là Cai Đội của Nghĩa quân Trương công Định. Ghe đang đi đêm tới khúc sông Ba Cụm, nơi thường bị hoành hành bởi bọn trộm cướp trên sông. Đêm gần khuya, các người trên ghe lớn nghe những câu hò đối đáp giữa trai gái trên những ghe cui (ghe nhỏ chở củi, chở tràm). Những câu hò thật hay thật truyền cảm dựa vào cốt truyện đầy tình nghĩa trong truyện Lục Vân Tiên. Mọi người thưởng thức nghe các giọng hò êm ái, mơ màng gần như ngủ quên. Chính lúc đó, nếu còn thức, họ sẽ nghe có tiếng động của một hai người “chùi xuống nước” êm ru từ một chiếc ghe cui để lội qua ghe lớn trộm hàng hóa hành lý, vơ vét gần hết đồ đạc những người ngủ say. (Mặc dù những câu hò Vân Tiên bị bọn trộm lợi dụng hát ru ngủ, nhưng nhà văn đã ghi lại trọn vẹn những câu hò đó thành tư liệu cần cho sưu tập). Ghe chuyên chở sản vật thành trống không, đậu vào bến Cầu Ông Lãnh trước Tết vài ngày. Lành đợi sau ba ngày Tết sẽ đi tìm người bà con ở Chợ Đũi. Lại gặp xui, cái kiềng vàng Lành đeo trên cổ mà bọn trộm trên sông không thấy nhờ ban đêm, nay lại bị một tên cướp giựt trên Cầu Ông Lãnh. May mắn chưa bị mất cây kiềng, nhờ một thanh niên tên Nam đánh chặn tên cướp, hắn phải tháo chạy. Lành chưa kịp nói lời cám ơn thì Nam lại cố ý đi khuất dạng ngay, làm cho Lành như tương tư trước hành động “thi ơn bất cầu báo” của người nghĩa hiệp chốn phường phố ồn ào tấp nập. Ngày mùng một Tết, ông bà chủ ghe khuyên Lành nên đi coi chợ Tết ở Cầu Ông Lãnh cho biết Sài Gòn và cho khuây khỏa. Lành nhập vào đám đông coi múa lân. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm thuở thiếu niên chắc thích coi múa lân, nên đoạn mô tả cuộc múa lân rất sinh động, phải là người sành điệu mới viết được như vậy. Và nhà văn hư cấu thêm thành một cuộc múa lân ly kỳ trong truyện này: cảnh một con lân quỳ lạy trước một con lân, sau đó lại khép nép chun qua dưới chân con lân kia một cách thần phục. Màn này diễn đi diễn lại vào dịp Tết ở đây, năm nào cũng dàn cảnh như vậy. Nguyên trước kia có hai đoàn lân lớn tranh giành lãnh vực làm ăn. Họ múa lân để lấy tiền thưởng ở những hiệu buôn người Hoa Kiều trong ngày Tết. Tranh giành đổ máu, người cầm đầu đoàn lân Cầu Muối bị chém chết và rã đám do tay cầm đầu đoàn lân Cầu Ông Lãnh âm mưu với các thế lực địa phương thời Pháp cai trị. Tay cầm đầu đoàn lân đắc thắng cứ cho diễn vở tuồng luồn cúi của đoàn lân kia để thỏa mãn tính phách lối, chèn ép người khác. Nhưng ngày Lành xem lân lại xảy ra biến cố: một võ sĩ của đoàn lân cũ không thể nhịn nhục vở tuồng này lại tái diễn, và anh đã xông ra chém đứt đôi cái đầu lân sặc sỡ kia, và anh bị đám người kia hùa nhau giết chét. Thật hỗn loạn ngày Tết thời Pháp thuộc tại vùng Cầu Ông Lãnh. Người anh hùng bị giết chết ấy chính là anh Nam, người đã ra tay nghĩa hiệp trừng trị kẻ côn đồ định giật cây kiềng vàng đeo trên cổ cô Lành. Lành bỗng trở nên thẫn thờ, hình bóng người nghĩa hiệp ám ảnh. Cô lần theo đường dọc dài bến sông náo nhiệt kèn nhạc ở những quán hàng Tây. Nơi đây tấp nập những thầy thông thầy ký ăn mặc kiểu công chức thời Pháp thuộc, những phụ nữ lịch lãm thời trang ; cũng có vài ông nhà giàu khăn đống áo dài trịnh trọng của vang bóng các quan lại triều đình nhà Nguyễn. Lành lần bước đến Tượng Một Hình (tượng đô đốc Hải quân Pháp, Rigault De Genouilly) để khấn nguyện anh linh người anh hùng nghĩa khí gặp chuyện bất bằng chẳng tha… Tuy truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Văn Sâm có nhiều hư cấu, cũng khá ly kỳ như truyện võ hiệp, nhưng ở đây nhà văn muốn cung cấp cho ta tư liệu “Những Câu Hò Vân Tiên” thuộc văn học dân gian miền Nam; được dịp mô tả lại cảnh trí con đường bến sông Sài Gòn với Cột Cờ Thủ Ngữ, với Cầu Quay, với Tượng Một Hình, với sinh hoạt nhiều dấu vết ảnh hưởng Tây Lang Sa thời Pháp Thuộc, có lẽ ở thời-điểm trước năm 1930. Cách mô tả thật sinh động tuy hơi cường điệu cho có “vẻ cải-lương” như sau: “Mấy thầy thông thầy ký mang giầy “ăn phôn” da bóng ướt… cặp tay mấy cô tân thời, đầu tóc lòng thòng khỏi vai… Mấy ông ngài còn theo nếp xưa áo dài nhiễu đại đóa dài tới gối, quần the ống rộng… Xứ gì kỳ cục, đàn ông đàn bà cặp kè… Tây Tà rượu chè ồn ào thấy sợ… Chừng nào về quê phải kể cho má nghe mới được: Cầu Quây đương là cầu biến thành sông… Xin lỗi cô Hai, dám nào cô dừng chân cho hỏi. Mắc cỡ, Lành ngúng nguẩy bỏ đi…”. Qua truyện này, nhà văn nhắc nhở ta một lần nữa: có những lưu dân vì thời thế như cô Lành, giã từ quê Miền Tây, quá giang ghe thuyền tới dòng sông đón nhận Bến Nghé mà nhập cư Sài Gòn.
Trong truyện “Tình Đất”, nhà văn Nguyễn Văn Sâm nêu lên một trường hợp điển hình khác: không phải ai từ Miền Tây trở ngược về Sài Gòn lập nghiệp cũng đều thành công, và khi thất bại thì một lần nữa lại xuôi về Miền Tây cố cựu. Và “Tình Đất” bây giờ là tình luyến nhớ chốn lập nghiệp ở Sài Gòn. Điển hình như khu Vườn Lài và Vườn Thơm (ở góc đại lộ Điện Biên Phủ, tức Phan Thanh Giản trước đây, và đại lộ Lý Thái Tổ) được cha mẹ cô Út tạo nên cơ nghiệp với việc trồng khá quy mô cây bông lài (bông lài phơi khô cung cấp cho các cơ sở ướp trà), ngoài ra còn trồng cây thơm; và bốn con ngựa cùng hai cái xe chuyên chở hành khách, vận chuyển bông trái của khu canh tác. Cả cơ ngơi rất thuận lợi vì nằm lọt trong khu vực trung tâm thành phố. Bối cảnh khu vực này chưa thành đô hội như bây giờ, có thể còn rậm rạp cây cối um tùm, vì có chi tiết nhà văn nói về một cuộc hội họp bí mật của những người chống Pháp mở tại đây, như vậy thì thời điểm khoảng trước năm 1954. Cô Út chí thú làm ăn, chăm sóc đầy tình yêu khu vườn lài vườn thơm của cha mẹ tạo nên. Nhưng anh của cô Út, cậu Năm, thì lại có tính ham mê cờ bạc. Anh được giao cho công việc đánh xe ngựa vận chuyển hàng hóa trong thành phố. Bốn con ngựa và hai cái xe cũng là một cơ sở khá nếu chí thú làm ăn. Vậy mà anh lúc nào cũng túng thiếu, do thua cờ bạc, cứ vay mượn ít khi trả đủ cho cô Út. Như vậy, cơ ngơi của cha mẹ, nàng phải cáng đáng chi trả, nếu không chịu khó canh tác vườn lài thì không đủ chi phí. Nhưng cô Út giỏi lèo lái cơ ngơi, do tình đất khu Vườn Lài đã bám rễ cột chặt tâm hồn của cô. Cô có người yêu là Cậu Tốt mới vừa tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần (thuộc chương trình giáo dục Pháp lúc ấy còn tồn tại ở Sài Gòn), sắp sang Pháp du học để thành bác sĩ. Cậu sắp đi, nhưng hình như Lành không mấy lo ngại thời gian phải xa nhau rất lâu, vì cô để hết tâm vào khu vườn lài, coi sự chăm sóc khu canh tác cơ ngơi này như lẽ sống của mình. “Con Út khắn khít với thằng đó thì khắn khít mà thờ ơ thì cũng thờ ơ. Nó thương đất chứ không thương tiền. Nó có thể bỏ thằng Tốt chớ không bao giờ bỏ miếng đất”. Cậu Năm có lần nói như vậy. Còn Cậu Năm thì lưu tâm đến Cúc, con Dì Tám làm công ở khu Vườn Lài. Nhưng cậu ham mê cờ bạc, không chịu khó làm ăn, đâu dễ được Cúc đáp ứng tình yêu. Vả lại tình của cậu Năm không phải là tình đẹp đối với Cúc qua những cảm nghĩ trong tâm hồn của cậu: “Con nhỏ trổ mã cả năm nay, tay chưn tròn trịa, vú dậy đội lớp áo lên cao nghệu, dòm ngang thấy trơn láng mềm mại ra vẻ con gái quá chừng. Đi ra chợ bông, thiên hạ kêu nó bằng cô lia chia, không còn kêu em nhỏ này con nhỏ nọ như năm ngoái nữa”. Mà thật ra cậu Út chẳng coi tình trai gái lớn hơn tình cờ bạc, có bị Cúc từ khước cũng không mấy giận hờn; bị Thìn cùng xóm may mắn hơn thì cũng chỉ coi như một ván cờ thua: “Thìn, tao nhường mầy đó. Chén kiểu ai thèm giành chỗ với chén đá. Cúc ơi: bần gie đom đóm đậu sáng ngời/ lỡ duyên tại bậu, trách trời sao đang”. Thật tình cờ, qua truyện này ta thấy hai anh em có tính tính giống nhau: Cô Út gắn bó tình đất với khu Vườn Lài nên không lo chuyện người tình thành bác sĩ rồi ở luôn bên Pháp; còn cậu Năm có thể phôi pha với tình yêu bị từ khước chứ không thể phai lạt với tình mê cờ bạc. Nhiều lần biết sám hối, hứa trả tiền thiếu đầy đủ cho Cô Út, hứa sẽ đánh cờ bạc ván chót rồi nghỉ, sau khi thấy như đôi mắt mẹ trong di ảnh nhìn quở trách mình, nhưng rồi chứng nào tật ấy. Cờ bạc như cái giây vô hình trói buộc khó thoát ra. Rồi Cậu Út làm giấy tờ giã mạo chữ ký của cha mẹ giao hết cơ nghiệp cho mình, bán tháo cho một tay có thế lực thuộc phe Bình Xuyên, bán để trả nợ cờ bạc. Sau vụ này anh em chia tay người mỗi ngã. Tác giả nhắc đến Công An Xung Phong khiến ta đoán thời điểm tác giả hư cấu truyện này ở vào những năm trước 1954. Sau vụ bán tháo không lâu, cả khu Vườn Lài được thay thế bằng dãy lầu kinh doanh nghề mãi dâm. Cô Út trở về quê quán cũ ở miệt vườn thuộc tỉnh Mỹ Tho, còn Cậu Năm sống lây lất với tật nguyền, ngồi bán thuốc lá lẻ dưới dãy lầu của chủ mới thuộc khu đất có Vườn Lài. Một chiều mưa nhạt nhòa, cô Út bây giờ là một người đàn bà luống tuổi từ Mỹ Tho lên thăm chốn cũ; ngậm ngùi thấy cảnh biển dâu nơi cơ nghiệp xưa của cha mẹ từ Miền Tây lên. Lâu ngày xa cách, đến nỗi anh em không còn nhìn ra nhau, và cô tất tả lên xe giã từ trước khi người anh nhận ra, vội vã chạy theo xe kêu vói lại nhưng không kịp. Khu Vườn Lài ở góc đường Phan Thanh Giản (tên cũ) và đường Lý Thái Tổ, vào khoảng năm 1958 hay 1959, người viết bài này có đi ngang qua, thấy phía trước còn một khoảnh đất trống khá rộng, lùi vào trong còn một nền nhà cổ khá cao trên đó có vài trụ cột nhà xi-măng lớn với những giây leo điểm bông hoa vàng. Phải chăng đây là di tích cổ của Khu Vườn Lài mà ngày nay trên bản đồ thành phố không thấy có tên. Hư cấu do chủ đề hay chuyện thật: Đây là một trong những dấu vết tạo dựng xưa của người Miền Tây nhập cư lên Sài Gòn, nhưng thuộc về trường hợp làm ăn sa sút phải trở lại miền Tây.
TRẦN VĂN NAM (City of Walnut, tháng 1 năm 2013)