Cùng là phụ nữ, nhưng trên đời này chẳng ai giống ai: người thì xinh đẹp, người thì xấu xí; người thì giàu sang, kẻ lại nghèo hèn… Phật gia giảng rằng vạn sự vạn vật đều có nhân duyên, không có việc gì là vô duyên vô cớ; “hên xui” chỉ là cách nói của người phàm. Vậy phụ nữ gieo nhân gì thì được phúc báo xinh đẹp, giàu sang?
Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có bà Mallika – hoàng hậu của vua Ba-tư-nặc, là người rất tín mộ Phật Pháp. Bà vốn xuất thân từ giai cấp thấp kém trong xã hội, nhưng nhờ một duyên kỳ ngộ, nhà vua đã đón Mallika về cung, phong làm chánh hậu bất chấp sự phản đối của triều thần.
Một ngày, hoàng hậu Mallika nghe tin dữ: Một cô nữ tu ngoại đạo và một kỹ nữ có sắc đẹp tuyệt trần nhưng đều bị chết thảm; người thì bị giết rồi bị chôn trong đống rác, người thì bị đất rút. Sự kiện này đã dấy sinh trong lòng hoàng hậu Mallika không biết bao nhiêu là câu hỏi về nhân quả nghiệp báo.
Thế là một ngày kia, hoàng hậu Mallika cùng với chừng một trăm thị nữ mang theo lễ phẩm đến tinh xá Kỳ Viên cúng dường đức Phật và Tăng chúng; sau đó, bà xin được đảnh lễ, hầu Phật rồi thưa rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay cho đệ tử được hỏi về những điểm giống nhau, khác nhau, liên hệ đến sự đẹp, xấu, giàu, nghèo, sang, hèn của tất thảy phụ nữ trên đời này?
– Cứ hỏi đi, này Mallika! Đức Phật đáp – Có phải hoàng hậu muốn hỏi về nhân, về quả, về duyên, về báo; mà từ đó, phát sinh những dị, đồng sai khác như trên của nghiệp?
– Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!
Rồi những câu hỏi của hoàng hậu Mallikā được đúc kết, hệ thống lại như sau:
– Thứ nhất là do nhân gì, do duyên gì mà trên thế gian này có một số phụ nữ hình dung xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, khô cằn; lại còn sống đời nghèo nàn, đói khổ trong thân phận tôi đòi, thấp hèn, hạ liệt làm cho ai cũng muốn tránh xa, không muốn gần gũi?
– Thứ hai, do nhân gì, do duyên gì mà có hạng phụ nữ tuy xấu xí như trên nhưng lại sống đời phú quý, có danh vọng, có địa vị cao sang, lộc tài phú túc, cháu con cùng kẻ hầu người hạ đông vui, thịnh mãn?
– Thứ ba, do nhân gì, duyên gì mà có hạng phụ nữ có ngũ quan cân đối thẩm mỹ, duyên dáng; nhan sắc vô cùng xinh đẹp, đi đến đâu ai cũng trầm trồ, tán thán, chiêm ngưỡng; nhưng lại sống đời nghèo khó, thiếu cơm, thiếu áo, chẳng có của cải tài sản gì, chẳng có địa vị, danh tiếng gì trong xã hội?
– Thứ tư, do nhân gì, do duyên gì mà có những phụ nữ hầu như toàn diện về ngũ quan, dung nghi và sắc đẹp mỹ lệ như trên; lại còn sống đời phú quý vinh hoa, toàn mãn về lộc tài, toàn mãn về địa vị, danh vọng, chồng con, nô bộc, thường được thế gian tôn thờ, trọng vọng và chiêm ngưỡng?
Nghe hoàng hậu Mallika nói xong, Đức Phật từ bi giảng giải về từng trường hợp một, với nhân duyên và nghiệp quả liên quan đến ngũ quan, nhan sắc, tài lộc, địa vị và danh vọng của người phụ nữ. Đúc kết lại như sau:
– Hạng người phụ nữ tính tình nóng nảy, sân nộ bất thường, dễ dàng nổi cơn lôi đình khi có ai xâm phạm đến, dù chỉ là việc nhỏ mọn, vụn vặt, thường gây thù chuốc oán với người khác: Đây là nhân duyên dẫn tới quả báo có khuôn mặt xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, khó nhìn, khó ưa.
– Hạng người phụ nữ không có đức tin, không giữ giới hạnh, không biết bố thí: Đây là nhân duyên đưa đến quả báo có đời sống cơ cực, đói khổ, thiếu cơm, rách áo.
– Hạng người phụ nữ có tâm đố kỵ, ganh ghét, tị hiềm đối với những người có địa vị, danh vọng, tài sản: Đây là nhân duyên đưa đến quả báo thấp hèn trong thân phận nô bộc, thị tỳ, nô lệ, dâm nữ… là thang bậc hạ liệt nhất trong xã hội.
Ngược lại, có 3 nhân duyên lành đưa đến phúc báo tốt đẹp cho người phụ nữ, đó là:
– Ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui: Đây là nhân duyên đưa đến quả báo có sắc thân xinh đẹp, da dẻ mịn màng, ngũ quan cân đối, tuyệt mỹ như là hiện thân tiên nữ trên đời này.
– Có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí: Đây là nhân duyên tốt lành cho quả báo giàu sang, phú túc, thịnh mãn lộc tài.
– Không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tị với những người được tán dương, khen ngợi; không tị hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường; ngoài ra còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa: Đây chính là nhân duyên đưa đến quả báo cao sang, đạt địa vị, danh vọng tối thắng mà thế gian ai cũng kính trọng.
Nghe xong bài giảng Pháp của Đức Phật, hoàng hậu Mallika cung kính phát nguyện từ nay trở đi sẽ tu bỏ tâm nóng nảy sân hận, tâm bủn xỉn keo kiệt và tâm ganh ghét đố kỵ, nguyện dành cả cuộc đời hộ trì Phật Pháp.
***
Người xưa có câu: “Tướng tuỳ tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển”. Mỹ phẩm, dược phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ… có thể cải thiện nhan sắc nhất thời; nhưng chỉ có tu tâm dưỡng tính mới mang lại dung nhan xinh đẹp từ gốc rễ. Nguyên lý này cũng áp dụng với mọi yếu tố hoàn cảnh bên ngoài khác của người phụ nữ như tiền tài, danh vọng, con cái.
Nếu ai đó còn hồ nghi, rằng: “Chuyện kiếp sau tôi chẳng nhìn thấy được”, thì bạn ơi, ít nhất trong kiếp này, một trái tim an lành, không oán không hận sẽ khiến bạn trở nên dễ nhìn, dễ ưa, dễ mến biết bao! Một tấm lòng rộng rãi, bao dung, không tị hiềm sẽ khiến bao người biết ơn bạn, cung kính bạn! Đó chẳng phải là phúc báo hiện tiền hay sao?
Thanh Ngọc
Thông minh là thiên phú nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn
Thiện lương khó hơn thông minh nhiều, bởi vì thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn. Dẫu có gian nan thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên kiên trì thiện lương.
Từ trước tới nay tôi không thích đeo mặt nạ để đối đãi với người, cũng chẳng che giấu tâm trạng không tốt khi gặp gỡ người khác. Tôi chỉ muốn sống đơn giản, chẳng có bài vở chiêu trò gì.
Chẳng có ai là kẻ ngốc cả, chỉ là có lúc không muốn so đo tính toán quá nhiều, chỉ muốn giữ một trái tim thiện lương.
Tôi vẫn luôn luôn cho rằng, thiện lương là một sức mạnh mềm mại nhất ẩn chứa trong nhân tính.
Tặng những người coi tôi là kẻ ngốc
Mánh lới có ai là không biết, tính sổ người khác có ai là không biết? Tôi không ngốc hơn người khác, cũng chẳng đần hơn người khác. Chỉ là tôi coi trọng tình cảm, không muốn vì lợi ích mà mất đi bạn bè, không muốn vì tiền tài mà mất đi người thân.
Tôi không yêu cầu người xung quanh đều phải đơn giản như tôi, tôi chỉ hy vọng người ta có thể chân thành một chút, đừng đem đến cho tôi những tình cảm ý tứ hư giả, cũng đừng ở trước mặt tôi khí thế hung hăng nạt nộ người.
Mỗi người đều có tiêu chuẩn giới hạn, đều có tính khí. Tôi không nói toạc ra, không tranh biện không có nghĩa là tôi ngốc nghếch, mà bởi vì tôi trân quý tình cảm giữa tôi và bạn.
Có chuyện gì, hễ tìm đến tôi là tôi nhận lời.
Có thứ gì, hễ cần đến là tôi cho.
Có sai lầm gì, tôi đều tha thứ.
Có tổn thương gì, tôi đều tiếp nhận.
Những người coi tôi là kẻ ngốc, kỳ thực đều là những người tôi quan tâm nhất. Chỉ có quan tâm, tôi mới nguyện ý nhượng bộ. Chỉ có trân quý, tôi mới nguyện ý giả ngốc.
Bởi vì quan tâm nên mới đau lòng. Nếu không quan tâm thì chẳng tổn hại đến một sợi tóc.
Mãi mãi học không giả dối
Cái tâm là thứ rất khó hiểu, nghĩ nhiều thì nói rằng bạn đa tâm quá, nghĩ ít thì lại nói bạn vô tâm.
Nhưng tình cảm ý tứ hư giả thì tôi mãi mãi sẽ không học.
Tôi không quan tâm đến đánh giá của người khác, sống chỉ mong sao chẳng thẹn với lòng mình, không có lỗi với lương tâm của mình là được.
Xưa có một người thiện lương, phúc báo nhiều, con cháu đầy nhà. Lúc lâm chung, cháu con quỳ bên giường nói: “Cha sắp rời xa chúng con rồi, xin cha để lại lời dạy cuối cùng để cháu con cả đời thực hiện”.
Người thiện lương đó chỉ nói 8 chữ: “Học cách chịu thiệt, chịu thiệt là phúc”..
Kỳ thực người thiện lương về căn bản là không bị thiệt. Đời người như một bàn cờ lớn, bạn chịu thiệt ở chỗ này thì lại có phúc báo ở chỗ khác.
Trên con đường đời dài đằng đẵng, thiện lương là kim chỉ nam trong tâm mỗi người, để chúng ta thấy rõ nội tâm mình, vĩnh viễn không lạc mất phương hướng.
Bạn bỏ ra thiện lương, có lẽ sẽ không có báo đáp ngay, nhưng nhất định sẽ được bù đắp ở thời gian khác hoặc không gian khác.
Thiện lương cũng cần thêm lý trí
Con người khi thực sự gặp chuyện rồi thì mới biết ai sẽ dốc hết sức cho bạn, ai sẽ nhìn bạn mà như không thấy.
Thiện lương rất trân quý, nhưng cũng cần lý trí, nếu không sẽ trở thành mềm yếu.
Khi một người đói rét, bạn cho anh ta một bát cơm manh áo, anh ta sẽ vô cùng cảm kích. Nhưng nếu bạn cứ thí xả mãi, thì anh ta sẽ cảm thấy đó là lẽ đương nhiên…
Thế nên người xưa có câu nói rằng: “Đấu gạo nuôi ân, gánh gạo nuôi thù”. Nhân tính đều có một mặt tham lam, thời gian lâu dài rồi, bạn cho một bát cơm không đủ, 2 bát không đủ, 3 bát, 4 bát vẫn không đổ đầy cái miệng anh ta được, khi đó dẫu vắt tận tâm tận lực thì cũng là muối bỏ bể.
Do đó thiện lương cần thêm lý trí. Trân quý người hiện tại, làm tốt việc hiện tại.
Gặp người yêu quý bạn thì học cách cảm ơn.
Gặp người bạn yêu quý thì học cách cống hiến.
Gặp người giúp bạn thì hãy kết bạn thâm giao.
Gặp người lừa bạn thì tuyệt đối chớ tin nữa.
Làm người thực ra rất đơn giản, bạn tốt với tôi, tôi sẽ tốt với bạn hơn nữa; bạn không tốt với tôi, tôi cũng im lặng chẳng trách móc gì. Chẳng có ai ngốc cả, chỉ là có lúc không muốn so đo tính toán quá nhiều, chỉ muốn giữ một trái tim thiện lương
Theo CmoneyNam Phương biên dịch
Đằng sau mỗi người mẹ gắt gỏng, có một người cha ‘vắng mặt’
Mỗi người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ, họ đang cố gắng hoàn thiện mình, xin cho phép cô ấy không được hoàn hảo, cho phép cô ấy là một người bình thường. Cô ấy cũng có cảm xúc vui giận của riêng mình, cũng có lúc có chút nóng giận…
Tôi đã đọc một câu rằng: đằng sau những gắt gỏng ấy, trên thực tế là do một thời gian dài dồn nén mà tuôn ra. Và đằng sau mỗi bà mẹ gắt gỏng, có một người cha “vắng mặt”.
Hy vọng rằng nhiều người cha có thể đảm nhận trách nhiệm kia: yêu vợ, chăm sóc con cùng vợ, có thể thay tã cho con và vui đùa cùng con…, cho vợ mình một khoảng không tự do và thoải mái.
Có một cuộc khảo sát, khi được hỏi: “Bạn nghĩ gì về mẹ?” ở các độ tuổi khác nhau. Thì câu trả lời là:
4 tuổi: Mẹ cái gì cũng biết!
14 tuổi: Mẹ không hiểu gì cả.
18 tuổi: Suy nghĩ của mẹ là quá lỗi thời.
25 tuổi: Nói chuyện một chút cùng mẹ.
45 tuổi: Nếu là mẹ, không biết mẹ sẽ xử lý chuyện này như thế nào?
85 tuổi: Tôi thực sự muốn trò chuyện cùng mẹ tôi …
Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta thường không thể nhìn thấy mối quan tâm của người mẹ.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường thấy mẹ lóng ngóng, càm ràm, kiểm soát, gắt gỏng. Nhưng lại không thấy mẹ đang cố gắng hết sức để hoàn thiện mình mỗi ngày.
Cho đến một ngày, chúng ta lớn lên và chợt hiểu rằng làm mẹ thật không hề dễ dàng. Chúng ta sẽ hiểu những thay đổi và nỗ lực mà mẹ đã gắng sức làm cho chúng ta.
Có lẽ đối với mẹ, được nghe một câu nói của bạn: “Mẹ ơi, con yêu mẹ, được làm con của mẹ thật là may mắn”, là điều hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Mỗi người mẹ là một thiên thần đã được Chúa lựa chọn, với một tình yêu để chào đón sự xuất hiện của một sinh linh mới, hơn nữa sẽ dùng tình yêu ấy để nuôi nấng chăm sóc đứa trẻ nên người. Mẹ đã nguyện ý vất vả một đời, đồng hành cùng con, từng chút từng chút viết nên cuộc sống này.
Mẹ gắt gỏng, là vì ba dung túng nuông chiều. Những gì mẹ nói mỗi ngày là món này nóng không nên ăn, cái này quá ngọt không nên ăn, xem TV nhiều có hại cho mắt… Nhưng những gì mà ba nói là, con có muốn ăn khoai tây chiên không, con có muốn ăn kem không, chúng ta hãy cùng nhau xem TV nhé…
Mẹ mỗi ngày đều vừa đi làm vừa đưa con đi học, rất vất vả, cũng có lúc sẽ thúc giục con, mất bình tĩnh khi con chậm trễ.
Và ba sẽ đứng bên cạnh vừa lướt điện thoại di động vừa nhắc nhở: “Em không thể kiên nhẫn một chút với con sao? em không thể không gào lên sao”.
Tuy nhiên, ít người hiểu rằng, đằng sau người mẹ có vẻ hơi “gắt gỏng”, thì bao nhiêu nỗ lực đã được bỏ ra, bao nhiêu trách nhiệm đã được thực hiện và bao nhiêu nỗi ấm ức đã được nuốt vào trong.
Một Tiến sĩ tâm lý học tại Đài Loan đã từng nói: Ở trạng thái lý tưởng, mẹ đóng vai trò là một chiếc “container”, có thể hứng lấy và dung chứa tất cả các loại cảm xúc và nỗi buồn đến từ con trẻ.
Mẹ đã làm công việc khó khăn nhất trên thế giới: một người dọn dẹp, một đầu bếp, một y tá, một người bạn cùng chơi, một giáo viên, một người thợ thiết kế tủ treo quần áo, một người vận hành máy giặt …
Những lúc này, thử hỏi có bao nhiêu ông bố ở bên cạnh động viên và xắn tay giúp đỡ vợ mình?
Mẹ thực sự đã chịu quá nhiều nỗi tủi thân và hiểu lầm. Khi họ chăm sóc tốt cho con, thậm chí từ bỏ thú vui riêng của mình để giảng bài tập về nhà cho con… và không ai nhìn thấy những công việc khó khăn đó, cho rằng đó là việc hiển nhiên phải làm.
Đến một lúc nào đó họ quá mệt mỏi, không kiểm soát được cảm xúc của mình, không đủ kiên nhẫn và đã mắng con một tiếng. Khi đó họ lại bị coi là ‘một bà mẹ không tốt”, “bà mẹ này thật tệ”.
Hy vọng rằng tất cả mọi người có thể bao dung, chấp nhận sự không hoàn hảo của mẹ.
Luôn mong rằng mọi bà mẹ đều đạt được trạng thái lý tưởng, ngay cả khi bạn muốn cân bằng gia đình và sự nghiệp, vẫn luôn luôn đối mặt với đứa trẻ bằng một nụ cười và lòng yêu thương vô bờ bến.
Cũng mong rằng các ông bố không “vắng mặt”. Các anh hãy xuất hiện đúng lúc để trao cho vợ mình những lời yêu thương và động viên trìu mến nhất. Đừng biến vợ mình thành những người phụ nữ ‘gắt gỏng’ chỉ bởi vì chiếc “container” đã quá tải rồi.
Cuối cùng, mẹ cũng là một người bình thường, cũng từng là một cô gái ngây thơ trong sáng, cũng có những ước mơ và sự tự do của riêng mình.
Vậy nên, mỗi người mẹ trên thế gian này đều xứng đáng được đối xử một cách dịu dàng nhất!
Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch
Vân Hà biên dịch