a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Trái Tim Bồ Tát





Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìà. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

***

Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.

Ra trường đại học Stanford với số điểm khá cao, sau vài năm lăn lóc với những tờ báo địa phương, Jenny được thâu nhận làm phóng viên tại một tòa báo nổi tiếng tại Chicago.

Chuyến đi xa làm phóng sự  đầu tiên của cô là bay sang Nhật, để viết về sự hồi sinh và công cuộc trùng tu của thành phố Miyako, một thành phố đã phút chốc bỗng trở thành bình địa khi cơn sóng thần Tohoku Tsunami khủng khiếp ập tới vào tháng 3/2011.

Cô đã đi lòng vòng khắp nơi, điều làm cô sửng sốt nhất, là ở nhiều nơi, từ trong thư viện cho đến các nhà hàng, trên những bức tường, người ta vẽ hình một cậu bé Nhật với câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp của cậu trong  những ngày tang thương của thành phố.

 Jenny vẫn còn nhớ đó là chuyện một cậu bé khoảng trên 10 tuổi, trong khi cậu bé đang xếp hàng chờ đợi tới phiên mình được lãnh hàng cứu trợ thì bỗng một người lính cứu hỏa đến bên cạnh và đưa cho cậu một gói khá to với dấu Red Cross đóng bên trên, đó  là một gói hàng cứu trợ nhưng có đầy đủ những đồ gia dụng cần thiết và có cả một ít hiện kim cho một cá nhân. Khẽ nghiêng mình kính cẩn cám ơn, và trước đôi mắt ngạc nhiên của người lính cứu hỏa, cậu bé bước tới góc phố, nơi người ta đã đặt sẵn một thùng giấy to để quyên góp những phẩm vật sẽ được gởi đi cho những người kém may mắn khác. Nhón chân đặt gói quà vào trong thùng, cậu bé lặng lẽ bước về chỗ cũ và kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi.

Câu chuyện thật đơn giản nhưng vô cùng xúc động đó đã nhanh chóng được loan truyền trên khắp thế giới. Hàng trăm hàng ngàn ý kiến, những lời cảm thông chia xẻ, cùng những câu ca ngợi nghĩa cử của cậu bé đã được gởi tới tấp trên internet, trên truyền thông truyền hình như những lời an ủi động viên trước những bất hạnh và khổ đau sau thảm họa sóng thần Tohoku Tsunami.

 Sau một ngày lang thang trên đường phố Miyako, Jenny cảm thấy thật phí công khi cô phải viết bài phóng sự về sự hồi sinh và công cuộc xây dựng tái thiết của thành phố Miyako, Jenny thầm nghĩ: "Người Nhật rất quật cường và dũng cảm, họ là một dân tộc biết biến đau thương thành sức mạnh, viết lời ca ngợi hoặc tán dương họ cũng bằng thừa."cho nên cô chợt nẩy ra ý tưởng mới, là viết về tầm ảnh hưởng từ hành động cao cả của cậu bé đó với những người trẻ hôm nay.

Kết quả: Bài viết của Jenny khi phổ biến làm người đọc xúc động, tòa báo hài lòng. Ông chủ bút vui vẻ gợi ý cô có thể viết thêm về những người trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Wow, cô mừng rỡ và quyết định cô sẽ tới Việt Nam.

 Việt Nam, một đất nước tuy xa mà lại rất "gần" với cô. Rất gần vì Brittney Nguyen, người bạn thân nhất của cô trong 4 năm đại học, là người Việt Nam. Năm đầu tiên cô và Brittney cùng chia xẻ chung một phòng trong đại học xá. Brittney rất giỏi và rất lanh lẹ, nhưng điều mà Jenny cảm phục ở cô không phải sự thông minh, mà chính là tinh thần lạc quan của Brittney. Trong  bất cứ tình huống nào, cô bạn này luôn tin rằng "Tomorrow will be better than today / ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay"! Lỡ tình trạng vẫn chưa "khá" hơn, thì Brittney lại cắt nghĩa hoặc bằng một câu khôi hài nào đó, hay bằng một câu chuyện tiếu lâm mà cô luôn có sẵn trong đầu.

 Brittney thì dễ thương như vậy, mà  gia đinh cô thì càng tuyệt vời hơn nữa. Những ngày cuối tuần Jenny vẫn theo Brittney về nhà cô, một căn hộ chung cư 3 phòng ngủ cho 5 người! Dù căn nhà khá chật chội và hơi thiếu tiện nghi nếu so với căn nhà rộng thênh thang của Jenny ở Chicago, nhưng chính nơi đây Jenny mới hiểu được thế nào là tình gia đình. Cô đã được thưởng thức những món ăn Việt Nam, được hưởng những sự thương yêu, chăm sóc, lo lắng từ những người thân của Brittney. Cô đã rưng rưng nước mắt khi gọi gia đình Brittney là gia đình thứ hai của cô.

Khi nghe Jenny nói như thế, Brittney trả lời với một nụ cười tươi tắn trên môi:

- Nếu đây là gia đình thứ hai, thì Jenny sẽ có thêm một đất nước thứ hai, đó là 
Việt Nam, right?

Đúng như vậy, và bây giờ Jenny đang ngồi trên một chuyến bay, bay về 
Việt Nam, một đất nước tuy xa xôi, nhưng lại rất gần gũi với cô.  Trước ngày đi, ông chủ bút tờ báo đã nhấn mạnh là cô chỉ có một tuần. Trừ ngày bay đi, bay về, chỉ còn đúng ba 3 ngày thôi đấy nhé.

*

 Sau gần 2 tiếng đồng hồ chờ đợi thủ tục để lấy được hành lý, Jenny chậm chạp kéo lê chiếc vali bước ra phía cổng phi trường. Cô thắc mắc tại sao mọi người cứ phải xô đẩy, chen lấn không sắp hàng, chính điều này càng khiến mọi công việc trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

Khi cánh cửa phi trường vừa bật mở, Jenny gần như dội ngược về phía sau bởi hơi nóng hừng hực từ bên ngoài như táp vào mặt cô. Ngần ngừ vài giây, cô bước ra, bên ngoài khung cảnh thật tấp nập, xô bồ, mọi người bước đi vội vã như ma đuổi!

Hình như 24 tiếng đồng hồ vẫn không đủ cho người VN, đó là cảm nhận đầu tiên của Jenny về đất nước này. Cảm thấy thật mệt mỏi vì chuyến bay quá dài, cộng với sự chờ đợi không cần thiết nơi cửa phi trường, Jenny giơ tay vẫy chiếc taxi, cô quyết định về nghỉ tại khách sạn đêm nay, ngày mai sẽ bắt đầu một ngày mới cho bài phóng sự của cô về những người trẻ Viet Nam.

Bây giờ Jenny đang ngồi trong phòng ăn của khách sạn để dùng bữa điểm tâm với một người thông dịch.

Trước khi lên đường sang Việt Nam, cô bạn Brittney đã khăng khăng bắt Jenny phải có một hướng dẫn viên, vừa phải là người bản xứ, vừa phải biết tiếng Anh, để giúp cô  đi thăm viếng thành phố, và Brittney đã giúp bạn tìm được người đó. Bà Hằng, một  phụ nữ trung niên tuổi trên 50, khuôn 
mặt khả ái với nụ cười dịu dàng đằm thắm trên môi, và nhất là cách phát âm tiếng Anh của bà khá chính xác khiến Jenny thật hài lòng. Khi Jenny nói điều này, bà Hằng chỉ mỉm cười khiêm tốn khẽ đáp:

- Tôi là giáo sư Anh văn của một trường đại học thành phố.

Jenny ngạc nhiên:

- Giảng sư dạy đại học mà tại sao bà lại làm thêm công việc này?

Hơi bất ngờ vì câu hỏi của Jenny, bà Hằng ngập ngừng vài giây rồi nói:

- Thật ra đây là cơ hội cho những người dạy Anh văn như chúng tôi  luyện giọng. Ngày xưa, khi tôi còn là học sinh, ngoài giờ học chính, chúng tôi thường ghi danh học thêm những course Anh Văn bên ngoài. Trước đây trung tâm Hội Việt Mỹ thường có những phòng thính thị cho chúng tôi luyện giọng, bây giờ thì không còn nữa.

 Rồi bà bỗng đổi giọng vui vẻ nói:

- Dù sao đi nữa đây là một công việc vừa giúp tôi trau dồi nghiệp vụ, vừa được trả lương, còn gì bằng!

Vừa nghe xong câu đó, Jenny bật cười thoải mái.

 Khi nắng chiều đã nhạt dần và cái nóng đã bớt gay gắt, Jenny và bà Hằng đang ngồi nơi quán ăn ở một góc đường. Cô đã đi lang thang qua nhiều dãy phố, đã thu vào ống kính của cô nhiều hình ảnh của đất nước này. Là một phóng viên, cô đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều làm cô kinh ngạc hơn hết là sự tương phản rất rõ nét giữa cái giàu và cái nghèo tại đây.

 Trên đường phố chật hẹp, cô luôn nhìn thấy vài chiếc xe hơi thật đắt giá sang trọng đang cố luồn lách, chèn lấn để vượt qua những dòng xe  hai bánh, lẫn lộn cả những chiếc xe đạp trầy sơn cũ kỹ. Ở đây tất cả mọi người đều hối hả, hấp tấp, vội vàng khiến Jenny cảm thấy chóng mặt, và cổ họng cô thật khô rát,  Jenny quay lại nhờ bà Hằng gọi cho mình một "ly chanh đường". Cô phát âm bằng tiếng Việt 3 chữ đó khá rõ ràng khiến bà Hằng thoáng ngạc nhiên. Có gì đâu, Jenny mỉm cười kể :

- Nhiều lần Brittney vẫn nói nếu có dịp trở về Saigon, cô sẽ gọi một ly chanh đường vì cô vẫn thường nghe các ông nhạc sĩ rên rỉ "...uống ly chanh đường, uống môi em ngọt ..." nên cô muốn thử xem sao!

 Bà Hằng bật cười thành tiếng, nhưng hình như trong đáy mắt bà chợt thoáng hiện một chút tiếc nuối xót xa.

 Jenny nhìn quanh quan sát, cũng vẫn chỉ là khung cảnh cũ với những cụ già hay những em bé mệt mỏi với xấp vé số trên tay đang cố mời chào mọi người mua giúp. Những người hành khất già nua, bệnh hoạn ngồi la liệt chờ sự bố thí của người qua lại, chợt  Jenny bắt gặp hình ảnh khiến cô khựng lại. Nơi cuối dãy bàn sát tường, một cậu bé đang ngồi bó gối im lìm, cạnh cậu bé là một chú chó nhỏ.

Hình ảnh này khiến Jenny chợt nhớ đến phim Charlie Chaplin cô vẫn coi ngày còn bé. Cái anh chàng Charlie này thường  đóng cảnh nghèo khổ với một khuôn mặt rầu rĩ, thiểu não, bên cạnh cũng có một chú chó con. Đưa máy ảnh lên chụp cậu bé qua vài góc cạnh, Jenny quay sang bà Hằng ngỏ ý cô muốn gặp cậu bé. Khẽ gật đầu, bà Hằng lặng lẽ bước về hướng cậu nhỏ đang ngồi.

 Bước tới và đứng sát cạnh bàn Jenny, nhưng cậu bé vẫn cúi gằm mặt và hai tay buông thõng, chỉ có chú chó con vẫn hồn nhiên vẫy đuôi chạy loanh quanh. Jenny lặng lẽ kín đáo quan sát, cô thấy tim mình nhói đau khi nhìn thân hình gầy gò của cậu bé trong chiếc áo thun rộng thùng thình và rách lỗ chỗ. Cậu bé chắc chỉ khoảng trên 10 tuổi, Jenny thầm nghĩ, cô khẽ rút trong túi áo một khoản tiền và nhẹ nhàng nhét vào tay cậu bé. Cô nhờ bà Hằng nói với cậu những câu vỗ về an ủi. Bây giờ cậu bé mới ngẩng mặt lên lí nhí cám ơn, Jenny thoáng giật mình, vì trên khuôn mặt lem luốt xanh xao, là đôi mắt sáng, trong veo, đen láy toát lên sự linh hoạt, thông minh. "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn", Brittney thường hay đùa nói với cô như thế.

Sẵn trên bàn còn vài chiếc bánh bao, Jenny với tay đưa cho cậu bé hai chiếc bánh, đưa hai tay đón nhận, cậu cúi đầu thật thấp thay cho lời cám ơn và quay bước trở về góc tối nơi cậu ngồi lúc nãy. Jenny đưa máy hình lên, cô đã sẵn sàng chụp  những bức hình cậu bé và chú chó nhỏ cùng ngẫu nghiến ăn chiếc bánh, nhưng ô kìa, Jenny bỏ máy hình xuống sững người nhìn.

Cậu bé mở chiếc túi ny lông cậu vẫn đeo bên hông, bỏ một chiếc bánh vào. Tần ngần vài giây, cậu lại bẻ chiếc bánh còn lại làm đôi, bỏ trở lại bao và cột lại cẩn thận. Còn nửa chiếc bánh trên tay, cậu bé vừa ăn vừa đút cho chú chó nhỏ nãy giờ vẫn ngoan ngoãn đứng chờ.

Bây giờ Jenny cảm thấy thật tức giận, tại sao cậu bé có thể " ăn chận" phần bánh của chú chó bé nhỏ như vậy. Cô nhớ tới bên Mỹ, nhà cô có hai chú chó, hằng tuần mẹ cô vẫn phải khệ nệ bưng về những bao thức ăn được biến chế đặc biệt cho từng loại chó khác nhau với những "khẩu vị" khác nhau, khi thì cá, lúc thì bò hay gà. Rồi cứ hai tuần một lần, mẹ cô phải chở hai chú chó nhỏ này đến những trung tâm để họ chăm sóc, o bế bộ lông và cắt tỉa bộ móng của chúng,  "Pets are people too!  Thú vật cũng là con người!" Jenny luôn đươc nhắc nhở và bảo ban như vậy.

Nhìn chú chó vẫn đang liếm láp thèm thuồng, không dằn lòng nổi, Jenny cầm nguyên chiếc bánh bước về phía cậu bé, trước đôi mắt ngỡ ngàng của bà Hằng và cái nhìn sững sờ của cậu, cô đút cho chú chó trọn vẹn chiếc bánh, nhưng Jenny cũng kịp nhìn thấy đôi môi mím chặt của cậu bé, trước khi cậu quay mặt nhìn về hướng khác.

Trời đã bắt đầu tối đen, Jenny vẫn ngồi nói chuyện với bà Hằng, nhưng cô mơ hồ cảm thấy bà trở nên tư lự và khép kín hơn, giọng nói của bà không còn cởi mở, vồn vã như lúc ban đầu. Bây giờ cậu bé đang đứng trước mặt Jenny, cậu nhờ bà Hằng cám ơn cô về những cái bánh, và nhất là cô đã cho chú chó nhỏ của cậu một bữa tối no nê, đêm nay chắc chắn nó sẽ ngủ yên không làm phiền cậu.

Khẽ mỉm cười, Jenny giảng nghĩa cho cậu bé hiểu chó là người bạn vừa thân thiết, vừa trung thành với con người, cho nên cậu phải thương yêu và đối xử vừa đặc biệt, vừa công bằng với chúng. Bà Hằng thông dịch những câu nói đó cho cậu bé, nhưng đôi mắt bà xót xa như muốn nói thật nhiều những ý nghĩ trong đầu bà, nhưng bà đành khẽ thở dài cúi mặt.

 Cúi đầu chào Jenny, cậu bé và chú chó quay bước, hối hả băng qua đường. Chăm chú nhìn theo bóng dáng vội vã của cậu bé, bỗng Jenny nẩy ra một ý định táo bạo, cô quay sang vắn tắt nói với bà Hằng cô sẽ đi theo và tìm xem chỗ ở của cậu bé và chú chó nhỏ. Không kịp chờ ý kiến của bà , Jenny đã đứng bật dậy và phóng theo cậu bé.

Khẽ thở dài, bà Hằng đành lật đật tất tả bước theo bóng Jenny. Không mấy khó khăn, Jenny đã bắt kịp cậu bé, nhưng không muốn cậu biết có người theo dõi, cô cố giữ một khoảng cách khá xa.

Sau khi băng qua hai góc phố, vài con đường, cuối cùng cậu bé và chú chó nhỏ dừng lại dưới mái hiên của một tiệm sách đã đóng cửa. Jenny và bà Hằng vội ngồi thụp xuống bên lùm cây cách đó không xa, cô cố nhướng mắt nhìn về phía trước. Hình như cậu bé đang tìm ai, cậu nhớn nhác ngó quanh, chú chó cũng sủa lên vài tiếng.

Bỗng từ trong góc tối một bóng người xuất hiện, đúng  ra là một người đàn ông, nhưng ông lê "bước" ra bằng hai bàn tay, bởi đôi chân ông đã cụt qua quá khỏi đầu gối. Bên cạnh ông là một bé trai nhỏ khoảng 3, 4 tuổi. Cậu bé vội bước tới khẽ dìu ông và dắt tay người em trai nhỏ. Họ cùng ngồi xuống bên vệ đường, cậu mở vội chiếc túi và lôi ra chiếc bánh cậu để dành ban nãy đưa cho người đàn ông, xong cậu quay sang ôm người em nhỏ vào lòng, cậu từ tốn đút từng 
miếng bánh nhỏ cho em. Điều kỳ lạ là chú chó nhỏ vẫn đứng yên lặng vẫy đuôi, dường như đây là hình ảnh rất quen thuộc mà nó thấy mỗi ngày.

 Jenny gần muốn như ngã khụy khi nhìn hình ảnh đó, cô phải ngồi bệt ngay xuống bên vệ đường. Cô chợt nhớ lại lời khuyên  của cô với cậu bé khi nãy là hãy thương yêu loài vật, rồi cô lại liên tưởng những tháng ngày cô còn bé. Chỉ một bữa ăn sáng không đúng ý, chỉ vì không có đôi giầy đồng mầu với chiếc váy, cô đã giận mẹ cô cả tuần, không nói năng, thậm chí có lúc cô còn muốn "run away from home", bỏ nhà đi bụi đời! Những lời cô vừa cao giọng giảng giải cho cậu bé thật lố bịch biết bao. So  sánh với cậu bé, Jenny cảm thấy mình chỉ như là một giọt nước trước một đại dương bao la.

Thò tay vào túi vét hết tất cả những đồng tiền cuối cùng, Jenny quay sang bà Hằng. Bà vẫn ngồi bó gối im lìm, đầu cúi thấp, bóng tối che khuất nên Jenny không thể nhìn thấy khuôn mặt bà cũng đang nhạt nhòa nước mắt.

Vừa dúi vào tay bà những tờ tiền, có tờ còn hơi ướt vì thấm nước mắt của cô, Jenny thổn thức nói:

- Hãy nói với cậu bé ấy là tôi xin lỗi, hãy tha thứ cho tôi.

Trước khi bà Hằng kịp trả lời, cô đã vụt đứng lên và chạy ngược về phía khách san.

Suốt ngày hôm sau, Jenny và bà Hằng đã ngồi chờ cậu bé tại quán ăn, cô cũng quay lại góc phố đêm qua, đi loanh quanh mong sao gặp lại được cậu bé và chú chó, nhưng cậu bé vẫn biệt tăm.

Sáng nay khi chia tay với bà Hằng, cô đã để lại số phone riêng của cô, hy vọng bà sẽ tìm ra cậu nhỏ và chú chó.

Khi nghe Jenny hứa sẽ quay lại đây và sẽ ở lại lâu hơn, bà Hằng nhẹ nhàng nói:

- Đến với VN, đôi khi một ngày cũng quá đủ, nhưng lắm lúc một trăm ngày vẫn cảm thấy thiếu!

 Nói xong bà khẽ xiết chặt tay cô và chúc lời thượng lộ bình an.

 Đưa tay cột lại giây an toàn, Jenny khẽ tựa đầu vào ghế. Cô chợt nhớ đến hình ảnh cậu bé người Nhật của Miyako, và cậu bé Việt Nam của Saigon. Cả hai đều có một tấm lòng vị tha bao la, nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến mình, cả hai đúng là có trái tim thật nhân ái tuyệt vời. Nhưng rồi cô bỗng so sánh, cùng bằng nhau số tuổi, nhưng 2 hình ảnh, 2 cuộc đời sao quá khác biệt.

 Cậu bé người Nhật rất có thể ngay ngày hôm đó, cậu sẽ được đưa tới một nơi tạm trú, cậu có thể vẫn có những bữa ăn nóng sốt, chăn ấm nệm êm, từ những trung tâm cứu trợ, hay từ chính  những người hàng xóm tốt bụng đầy lòng nhân ái.

Có thể  cậu phải hứng chịu những sự đau thương, mất mát  những người thân yêu của cậu, nhưng chắc chắn Cậu bé vẫn được sống lại trong vòng tay che chở, ấp ủ thương yêu của những người thân còn lại trong gia đình. Cậu rồi sẽ vẫn chân sáo đến trường, những khổ đau rồi cũng sẽ chìm dần vào quá khứ. Cậu bé vẫn có một tương lai tươi sáng trước mặt.

Còn cậu bé VN đáng thương kia, đừng nói đến tương lai với cậu, với cậu chỉ có ngày mai là làm sao kiếm đủ thức ăn cho người cha già tàn tật và cho cậu em nhỏ dại. Cậu bé là cần câu cơm cho cái gia đình khốn khổ dù cậu chỉ mới hơn 10 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ cậu chỉ biết học hành vui chơi. Đôi mắt trong sáng đầy ắp tình thương kia liệu  có biến đổi trước những tàn bạo khắc nghiệt của đường phố, hay những bầm dập của cuộc đời.

Jenny cảm thấy như có bàn tay ai đang bóp nát trái tim cô. Nước mắt quanh vành mi, Jenny khẽ kéo tấm che cửa sổ máy bay lên,  bên ngoài mặt trời vừa ló dạng, ánh lên những tia sáng ban mai trên những đám mây vàng rực rỡ, chợt Jenny nhớ đến một bài nhạc mà cô đã hát bao lần trong đại học:

We are the World ,
We are the children ,
We are the ones who'll make a righter day,
 So let's start giving
 . . .
It's true we'll make a better day
 Just YOU and ME

Phải, chính bạn và tôi, chúng ta sẽ tạo nên những ngày tươi đẹp hơn. Jenny cảm thấy như chợt có một làn hơi ấm áp đang len nhẹ vào hồn cô. Cô chưa biết mình sẽ phải viết thế nào về cậu bé Việt Nam nhưng biết rõ đây là nơi cô sẽ còn trở lại. Chắc phải rủ cô bạn thân Brittney cùng trở lại và ở lại lâu hơn.

Jenny nhè nhẹ khép đôi mắt và chìm dần vào giấc ngủ thật êm đềm có lẽ vì " con tim đã vui trở lại!"

Thật ra khi Jenny ca ngợi cậu bé người Nhật và cậu bé VN, cô gọi đó là những  người có trái tim nhân ái tuyệt vời, nhưng cô đâu biết, chính cô cũng là người có trái tim thật từ bi.

Cô cũng không biết người Việt chúng ta thường gọi những tấm lòng nhân ái, từ bi là 'Trái Tim Bồ Tát."

Pha Lê
 P/s : Hình ảnh chỉ mang tính minh họa cho bài đăng.


 GIA TÀI ĐỂ LẠI
Tác giả: Nguyễn Thu Hà
- Ba ơi! Ba ơi! Xin ba ở lại với chúng con.. Ba ơi..
Tiếng khóc đau đớn, thảm thiết vọng ra từ nhà ông Tư Khang vào giữa trưa khiến cả con phố nhỏ lục tục, xôn xao. Bà con hai bên đường đều ra cửa, ngó về phía nhà ông Tư. Có người chạy sang phụ giúp gia đình họ việc dọn gọn bàn ghế, hàng họ còn bày bán ngoài mặt tiền. Ba anh con trai, vợ họ và ba cô con gái tề tựu quanh chiếc giường gấp ông Tư vẫn nửa nằm nửa ngồi hàng ngày nhìn ngắm xe cộ qua lại. Giờ chiếc giường ấy đã duỗi thẳng ra, ông Tư nằm ngay ngắn với hai bàn tay để trên bụng, khuôn mặt thanh thản như đang ngủ.
Sau phút bối rối, cô con dâu lớn mở chiếc thùng đã sắp sẵn đồ lo tang lễ, lấy ra chiếc khăn trắng phủ lên mặt cha chồng. Chiếc bình phong bốn tấm bằng vải khung gỗ chính tay ông Tư mua mấy tháng trước được kéo căng ra, che ngăn chiếc giường ông nằm với cửa ra vào. Có lẽ, ông dự định tất cả nên đã mua sắm sẵn để quanh mình, giờ lấy ra sử dụng thật tiện...
Ngôi nhà của ông Tư Khang nằm ở khoảng giữa con phố ngắn và sầm uất. Tất cả các mặt tiền hai bên phố đều là các cửa hàng và điểm giao dịch. Nhà ông khác biệt hẳn với toàn bộ dãy phố, bởi nó là căn nhà cấp bốn duy nhất giữa những ngôi nhà bốn, năm tầng với nội ngoại thất hiện đại. Nhà ông cũng kinh doanh, mà có lẽ là ngôi nhà mở ra kinh doanh đầu tiên của khu phố nhưng chung thuỷ với kiểu hàng kinh doanh. Đó là xe nước mía quay cán bằng tay của ông, thùng nước đắng ( thứ nước uống được nấu bằng các loại thảo dược, có vị đắng, có tác dụng giải nhiệt, mát gan , chống mất ngủ...)của vợ ông và đồ tạp hoá bày treo la liệt khắp hai bên tường, trên cái sạp bậc thang giữa nhà.
Dân phố tôi đã quen với “ thương hiệu” ông Tư khi trong nhà thiếu món gì đó là sai con: “sang tiệm ông Tư lấy ..”. Từ gói mì tôm, kí đường, chai nước mắm, thậm chí gạo, muối đến bịch xà bông, cái đinh vít, cái bóng đèn, gói băng vệ sinh đều sẵn có. Ngôi nhà cấp bốn rộng rãi, mái giấy dầu ấy như một phần không thể thiếu, không thể thay đổi hay tách rời với thói quen sinh hoạt của cả phố vậy. Mỗi ngày, hình ảnh ông Tư mặc áo ba lỗ đóng thùng trong chiếc quần tây gồng hai cánh tay gân guốc quay cái vô lăng máy cán mía bên cạnh bà Tư cười nói đôn hậu thoăn thoắt đong, múc, cân, đếm giao hàng thu tiền cũng thật quen mắt. Cả hàng phố đều quý mến gia đình ấy. Gia đình nhiều thứ khác biệt nhất và đáng ngạc nhiên nhất giữa sự xa hoa của phần còn lại trong phố.
Họ có đến sáu người con, ba trai ba gái. Tám con người sống trong căn nhà chỉ có một tầng trệt, mái giấy dầu với diện tích hơn tám chục mét vuông nhưng bị ngăn hết một nửa để bán hàng. Vậy mà chưa ai trong phố nghe thấy nhà họ có một tiếng la quát, tranh cãi hay than vãn bao giờ. Các con ông bà lớn lên nhờ mớ hàng tạp hoá và hai xe nước của cha mẹ, không học cao nhưng nghề nghiệp ổn định. Ba người con đã ra ngoài ở riêng, còn lại hai cặp vợ chồng, cô con gái út và mấy đứa cháu vẫn chung nhà. Họ luôn cười tươi hoà nhã, sống len giữa đống hàng hoá chật chội và mái nhà thay tấm lợp thi gan với sự thay đổi chóng mặt xung quanh..
Mấy bà cụ lớn tuổi thì thầm bảo nhau, cái nhà lão Tư Khang ấy coi vậy mà giàu lắm! Nom hai cái xe nước giản dị vậy chứ ngày mỗi xe vài trăm ly, lại cái hàng tạp hoá “ bao no thiên hạ” ấy thì của ăn của để kinh lắm. Lại còn chẳng phải nuôi con nuôi cháu gì, cứ đứa nào đi làm là mang tiền về đóng góp cho cha mẹ. Đứa nào gả vợ gả chồng là bắt ăn riêng ngay. Đấy, giờ nhà lão ấy nhúm người mà nấu tận ba cái bếp. Mỗi đôi vợ chồng một nồi, chả chung đụng gì đến tiền. Già rồi mà vẫn ham tiền, căn cơ quá lắm! Phải cái đám con ngoan ngoãn, nghe lời, biết trên dưới phải trái dễ sợ!
Có lần, tôi sang mua hàng đúng lúc ông bà Tư đang ăn cơm. Cái nồi cơm bé xíu, bên cạnh là tô canh rau và đĩa cá nục hấp chiên đặt lọt thỏm giữa mâm. Chắc thấy tôi ái ngại, bà Tư cười tươi tâm sự:
- Tụi tôi già rồi, ăn không bao nhiêu mà khẩu vị không hợp với mấy đứa nhỏ cháu. Ông với tôi cứ như vậy cho con cháu nó khỏi phải lo cho mình, lại không bắt mấy đứa cháu đi học chờ cơm khi mình bận khách. Đã không giúp được tụi nó, tụi tôi càng không muốn tụi nó phải chăm sóc mình. Mình còn khoẻ, cứ như vầy nó nhẹ nhàng.. Con dâu tôi đứa làm ngân hàng, đứa làm cô giáo, đi sớm về muộn tội nghiệp lắm. Không có chung đụng gì tránh mọi nhẽ cho tụi nó lo công việc, lo gia đình nó, chị em nó hoà thuận không có tị nạnh gì là khoẻ nhất cô nhỉ!
Bà cười. Nụ cười tươi tắn và hiền hậu. Khuôn mặt phúc hậu của bà chẳng có một nét gì vướng bận, cứ sáng niềm vui dung dị như bà cười lúc thoăn thoát giao nước, thu tiền, chúc khách ngon miệng, đi đứng mạnh giỏi..
Đùng một cái, bà Tư mất. Giữa trưa ba năm trước, ở tuổi 70 chân tay còn nhanh thoăn thoắt. Bà gục xuống đi ngay giữa lúc đang ngồi cọ cái nồi nấu nước đắng vừa bán hết.
Sau đám tang vợ, ông Tư nghỉ bán gần tháng, ra vào như người mất hồn nhưng vẫn tự tay nấu cơm cúng vợ từng bữa, lẩn bẩm nói chuyện với bà.. Đám con thay phiên nhau ở bên cha nhưng ông đuổi về hết. Đúng một tháng sau, ông đẩy xe ép mía ra mở toang cửa nhà bán hàng lại. Xe mía của ông giờ “ lên đời” bằng chiếc mô tơ điện gắn vào trục, ông chỉ ấn nút cho nó ép còn ông đứng thế chỗ bà đứng lúc trước, múc múc tươi cười thay bà giao nước thu tiền.
Thi thoảng, ông thẫn thờ nhìn chỗ trước là xe nước đắng của bà rồi vào châm một cây nhang, cắm lên bát nhang không lúc nào tắt của bà...
Cuối năm đó, ông đổ bệnh. Ông gày xọp và yếu. Đến lúc này ông mới chịu ăn cơm chung với nhà con trai. Bữa sáng chị con dâu làm ngân hàng lo, bữa tối chị dâu giáo viên lo. Mấy cô con gái thay nhau về bên cha vừa bán hàng vừa trò chuyện với ông.
Qua năm, họ thuyết phục ông đi khám bệnh. Cả tuần làm công tác tư tưởng, ông đồng ý đi khám tổng quát để “ báo cáo” với bà vào dịp giỗ đầu. Bác sỹ hẹn ông tái khám rồi trao đổi với anh con trai ông về khối u họ thấy trong người ông...
Cả sáu người con giấu ông chuyện ông bệnh. Họ nói dối ông cần xét nghiệm lại mấy bệnh của người già, đưa ông đến làm xét nghiệm. Xe Taxi dừng trước cửa khoa ung bướu, hai người con chưa kịp bước xuống thì ông bảo tài xế cho ông về lại nhà.
Cuộc họp gia đình diễn ra chóng vánh, kết thúc nhanh với tuyên bố của ông : ông tuyệt đối không chữa bệnh. Ông bảo, trong bao tử ông có khối u ông biết rõ. Bệnh này gia đình ông hai người đã mắc, đã chữa trị đến khánh kiệt rồi chết. Nên, nếu các con thương ông, tuyệt đối không được nói câu nào nữa. Ông sẽ tự chiến đấu với bệnh và đến với bà ngày tận cùng cuộc đời trời ban này. Cả cuộc đời ông không làm lụng vất vả để rồi phải trút vào bệnh viện, càng không muốn bắt các con phải vì ông mà đau đớn, vất vả. Khi nào đến lúc không chịu được, ông sẽ nhờ các con..
Và ông sống thêm hơn hai năm. Ban đầu, ông vẫn buôn bán bình thường. Ông đến nhà các con chơi với cháu mỗi tối. Lần lượt theo thứ tự. Ông bớt nói chuyện một mình lúc bán hàng và tổ chức cả đại gia đình đi chơi nhiều lần trong năm.
Khi những cơn đau bắt đầu hành hạ, ông mới nhờ con dâu nấu ngày một nồi cháo. Ông thuê bác sỹ chăm bệnh tại nhà, kê thuốc giảm đau. Liều ngày một mạnh hơn..
Từ khi phát hiện đến khi ra đi, ông sống và chiến đấu được gần ba năm. Quãng thời gian dài hơn nhiều những người bị như ông lo lắng và tuyệt vọng trong viện..
Khi hũ tro cốt của ông đã yên bình bên cạnh hũ tro cốt của bà Tư trong chùa nghe kinh sáng chiều, nhà ông lại rộn lên tiếng khóc một lần nữa.
Anh con trưởng mở két theo lời ông dặn, thấy ngay ngắn trong đó sáu chiếc hộp nhựa vuông. Mỗi hộp có một cuốn sổ tiết kiệm ghi tên thụ hưởng của từng người con, một số vàng miếng bằng nhau trong mỗi hộp, cùng tấm áo lọt lòng và cuống rốn của từng người.
Phong thư ông Tư để lại nằm kẹp trong sổ hồng ngôi nhà, ghi lại lời dặn bán nhà chia đều làm sáu phần bằng nhau. Họ khóc ngất khi đọc đến dòng cuối có điểm chỉ dấu tay của bà Tư vì bà không biết viết chữ.
Hôm qua, sáu người con vừa giao nhà cho người chủ mới. Họ bịn rịn chia tay ngôi nhà cấp bốn thâm thấp của cha mẹ, mắt đỏ sọng. Họ tuân theo lời cha mẹ dặn không sai một chút và nghe đâu, cả sáu anh chị em đồng lòng lấy số tiền bán căn nhà này mua một khoảnh đất rất lớn bên quận Tân Phú để xây nhà cạnh nhau. Họ làm điều đó dễ dàng vì cái nhà cấp bốn hơn tám chục mét vuông ở khu đất vàng cha mẹ họ cố bám trụ cả đời dư sức sinh thành sáu căn nhiều tầng ở nơi khác...
Cả khu phố tôi xì xầm bảo nhau, ông bà Tư Khang đúng thật là giàu có. Và sáu người con của ông bà cũng thật may mắn bởi sự khéo tính của cha mẹ đã trở nên giàu có. Có lẽ, ông bà Tư giờ đang mỉm cười hạnh phúc như những ngày sống trong căn nhà cấp bốn giữa khu phố chúng tôi.

Coppy từ Fb Hương Hoàng Xuân