Đối với các nhà khảo cổ học, khi tham gia khai quật các ngôi mổ cổ và di tích lịch sử, họ thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng kỳ lạ, khó giải thích.
Cách đây không lâu, khi tham gia khai quật quần thể mộ cổ Nghiêm Thương nằm ở làng Tùng Lâm, thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, đội ngũ khảo cổ đã bất ngờ phát hiện một chiếc quan tài cổ trong ngôi mộ 2000 năm tuổi ở Gò Con Lửng.
Đáng nói, trên chiếc quan tài này lại có dấu chân đỏ như máu in phía trên, thoạt nhìn vô cùng rợn người đồng thời cũng ẩn chứa những bí ẩn mà những nhà khảo cổ vô cùng muốn biết, muốn truy tìm sự thật phía sau.
Được biết, khu quần thể mộ cổ Nghiêm Thương đã được Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hồ Bắc cho phép khai quật vào năm 2009 tuy nhiên vì điều kiện làm việc khá eo hẹp nên quá trình làm việc có nhiều khó khăn.
Các cổ vật được tìm thấy thường bao gồm đồ gỗ, các đồ vật bằng đồng, thẻ tre không còn hoàn chỉnh cùng một số đồ dùng bằng sắt rất quý thời kỳ chiến quốc, thuộc về nước Sở. Trong đó đồ vật có giá trị nhất được khai quật là cỗ chiến xe của chỉ huy nước Sở, được bảo quản khá tốt.
Lần này tìm hiểu sâu hơn, các nhà khảo cổ mới phát hiện chiếc quan tài cổ, chủ nhân của ngôi mộ. Dỡ nóc quan tài, các nhà khảo cổ phát hiện một vết chân đỏ như máu ở phần giữa của quan tài, vị trí ở ngang ngực của chủ mộ. Qua đo đạc, vết chân có chiều dài khoảng 26 cm, chỗ rộng nhất khoảng 10 cm, tương đương cỡ 42 của cỡ giày hiện tại.
Phát hiện này khiến các nhà khảo cổ học sửng sốt bởi họ chưa từng thấy điều gì tương tự trong lịch sử khai quật các ngôi mộ cổ trước đây. Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Giả thuyết đầu tiên cho rằng, căn cứ vào những vật dụng được tìm thấy rải rác, chủ nhân ngôi mộ là một chính trị gia kiêm quan võ lúc sinh thời. Có thể khi còn sống, chủ nhân ngôi mộ đã xúc phạm và lấy đi tính mạng của nhiều người. Chính vì thế sau khi chết đã bị kẻ thù in dấu chân lên quan tài, mục đích là để nguyền rủa.
Giả thuyết thứ hai lại suy đoán rằng, dấu chân đỏ như máu này có lẽ liên quan đến phong tục tang lễ của nước Sở. Vì người dân nước Sở rất mê tín, tin vào yêu ma quỷ nên có thể dấu chân trên quan tài chỉ là biểu tượng tượng trưng cho sự thương tiếc, nhớ nhung của gia đình, người thân đối với người đã mất.
Singapore phát hiện 2 xác tàu chở đầy gốm sứ bị đắm từ 2 thế kỷ trước.
Ngày 16/6, các nhà khảo cổ Singapore thông báo đã phát hiện 2 xác tàu đắm có tuổi đời 2 thế kỷ chứa đầy gốm sứ và các đồ tạo tác khác ở ngoài khơi nước này.
Theo Ủy ban Di sản quốc gia (NHB) và Viện ISEAS-Yusof Ishak, 2 xác tàu trên được tìm thấy ở ngoài khơi Pedra Branca, một mỏm đá ở phía Đông Singapore.
Xác tàu đầu tiên được tìm thấy sau khi các thợ lặn tình cờ phát hiện đĩa gốm vào năm 2015. Con tàu này được cho là chở đồ gốm sứ Trung Quốc được sản xuất từ thời Nguyên ở Trung Quốc từ thế kỷ 14.
Một số đồ vật tương tự như những đồ tạo tác được khai quật ở trên đất liền.
Đây là con tàu đắm cổ đầu tiên được phát hiện ở ngoài khơi Singapore. Nhiều đồ vật trong con tàu này rất hiếm, một số trong đó được cho là độc nhất vô nhị.
Việc khai quật xác tàu đầu tiên dưới đáy biển đã giúp phát hiện xác tàu thứ 2 được cho là tàu Shah Munchah, một tàu buôn được đóng tại Ấn Độ bị chìm năm 1796 khi từ Trung Quốc đến Ấn Độ.
Các đồ vật thu được từ xác tàu thứ 2 cũng là đồ gốm sứ Trung Quốc, đồ thủy tinh và mã não, cũng như mỏ neo và súng đại bác.
Các chuyên gia cho rằng phần nhiều trong số các đồ vật này lẽ ra sẽ được chuyển tới Anh.
Công tác khảo sát và thu hồi các đồ tạo tác từ 2 xác tàu trên đã được hoàn thành trong năm nay.
Singapore từ lâu vốn là trung tâm giao thương chủ chốt trên các tuyến vận tải biển toàn cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông./.
Bí ẩn xung quanh xác ướp 700 năm tuổi của người phụ nữ Trung Quốc.
Theo Ancient-origins, vụ việc xảy ra năm 2011. Khi đang mở rộng một con đường tại Thái Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, các công nhân đã bất ngờ đào trúng một cỗ quan tài cổ ở độ sâu khoảng 2m.
Họ nhanh chóng liên hệ với các nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng Thái Châu để tới xem xét cỗ quan tài.
Các nhà khảo cổ học cuối cùng khẳng định rằng, đây thực sự là một cỗ quan tài cổ. Khi mở quan tài, các nhà khảo cổ sửng sốt khi nhìn thấy nhiều lớp khăn và lụa mịn bọc lấy một xác ướp. Xung quanh cỗ quan tài còn có lớp chất lỏng màu nâu bao phủ.
Lật lớp khăn trải giường và gỡ các lớp lụa, họ phát hiện thi thể một phụ nữ được bảo quản hoàn hảo. Xác ướp gần như còn hoàn toàn nguyên vẹn, bao gồm cơ thể, tóc, da, quần áo và đồ trang sức. Đặc biệt, lông mày và lông mi của người phụ nữ cũng còn nguyên.
Người phụ nữ cao 1,5m, mặc trang phục truyền thống từ thời nhà Minh và đeo một số đồ trang sức, trong đó có một chiếc nhẫn màu xanh ngọc lục bảo to đẹp. Trong quan tài cũng chứa đồ gốm sứ, các văn bản cổ và các di vật khác.
Nhờ đồ trang sức và những tấm lụa mịn bọc xác ướp, các nhà khảo cổ tin rằng, người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, sống ở thời nhà Minh, có niên đại từ năm 1368 đến năm 1644. Điều này có nghĩa là xác ướp của người phụ nữ có thể đã 700 năm tuổi nếu được chôn cất từ đầu triều đại này.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi liên quan đến xác ướp cho đến nay vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu tìm lời giải.
Chẳng hạn, điều kiện nào dẫn đến việc bảo quản thi thể của người phụ nữ một cách nguyên vẹn như thế trong suốt hàng trăm năm.
Liệu chất lỏng màu nâu bên trong quan tài được cố ý dùng để bảo quản thi thể, hay đó chỉ là nước ngầm ngấm vào quan tài.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thi thể này có khả năng được bảo quản một cách tự nhiên do được chôn cất trong một môi trường thích hợp.
Nếu nhiệt độ và mức oxy trong nước vừa phải, vi khuẩn không thể phát triển và quá trình phân hủy có thể bị chậm lại hoặc tạm dừng.
Ngoài ra, những câu hỏi về việc người phụ nữ này là ai, đóng vai trò gì trong xã hội? Tại sao cô lại chết... cũng chưa có câu trả lời.
Bật mí 'nấm sâu bướm'-Viagra của Himalaya giá đắt hơn cả vàng.
Nấm sâu bướm hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn là đông trùng hạ thảo.
Bạn sẽ làm gì nếu một loại nấm xâm nhập vào cơ thể bạn và bắt đầu gặm nhấm bạn từ bên trong? Nghe có vẻ giống như một bộ phim kinh dị, nhưng đó thực sự là những gì xảy ra khi nấm Cordyceps xâm nhập vào ấu trùng bướm đêm, ăn mòn cơ thể ấu trùng và sau đó mọc ra khỏi đầu ấu trùng như một bông hoa.
Theo Business Insider, loại nấm sâu bướm "kinh dị" trên thực tế rất bổ dưỡng, rất hiếm, vì thế giá thành của nó đương nhiên vô cùng đắt đỏ. Đôi khi nó được bán với giá gấp 3 lần vàng cùng trọng lượng.
Siêu bổ dưỡng
Nấm sâu bướm mọc ở cao nguyên Tây Tạng xa xôi và dãy núi Himalaya. Nó chỉ xuất hiện trong vài tuần mỗi năm ở các vùng núi xa xôi, hẻo lánh của Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ và Bhutan. Đặc biệt, nấm sâu bướm tự nhiên thường rất khó tìm do nó thường ẩn mình giữa một biển cỏ.
Theo truyền thống, nấm sâu bướm được sử dụng như một loại thuốc bổ nói chung, để hỗ trợ miễn dịch, tăng sức đề kháng.
Và thậm chí, nấm sâu bướm còn được xem là một loại viagra cực kỳ hiệu quả của Himalaya. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất ít bằng chứng khoa học cũng như nghiên cứu chuyên sâu để chứng minh điều này.
Trong nhiều thế kỷ, nấm sâu bướm chủ yếu được sử dụng trong y học cổ truyền Tây Tạng và Trung Quốc.
Nhưng người Trung Quốc ngày nay đặc biệt ưa chuộng sử dụng nấm sâu bướm để bồi bổ cơ thể và vì thế nó cũng trở thành một món quà biếu cao cấp.
Do nhu cầu tăng mạnh, nên việc khai thác loại nấm sâu bướm này cũng tăng đáng kể. Ví dụ ở Tây Tạng, lượng nấm sâu bướm khai thác được vào đầu những năm 2000 đã nhiều gấp ba lần so với những năm 1980. Nhiều gia đình ở Tây Tạng đang có nguồn thu nhập chính nhờ khai thác nấm sâu bướm.
Trên thực tế, các chuyên gia nói rằng có tới 80% thu nhập của hộ gia đình ở cao nguyên Tây Tạng và Himalaya có thể đến từ việc bán nấm sâu bướm.
Đắt hơn vàng
Giá cả của nấm sâu bướm phụ thuộc vào màu sắc chính xác của nó khi được tìm thấy, thậm chí cả hình dạng cơ thể khi con sâu bướm chết.
Theo Business Insider, ở khu phố Tàu tại thành phố New York, 1 gram nấm sâu bướm có giá khoảng 30 USD, không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, trên eBay niêm yết một gram nấm sâu bướm có giá 125 USD.
Nhưng nấm sâu bướm tự nhiên, chất lượng cao đắt đỏ hơn nhiều.
Năm 2017, một số nấm sâu bướm được cho là “hảo hạng” đã được bán với giá lên tới 140.000 USD/kg (gần 3,3 tỷ VND).
Các chuyên gia về loại nấm sâu bướm cho biết, giá trị kinh tế của loại nấm này đã tăng vọt trong những năm 1990 và 2000 do nền kinh tế Trung Quốc phát triển và nhu cầu ngày càng tăng cao. Hiện nay, nấm sâu bướm luôn đắt hàng.
Một huyện ở Nepal cho biết, đã thu được số nấm sâu bướm trị giá 4,7 triệu USD trong năm 2016. Con số này cao hơn 12% so với ngân sách hàng năm của huyện.