Dám cá rằng, bạn đã từng dùng sai rất nhiều lần những từ này mà không hề hay biết!
Đi khắp Đông Tây, thật hiếm có ngôn ngữ nào chứa từ tượng hình và tượng thanh nhiều như Tiếng Việt.
Tuy nhiên, dù Tiếng Việt đẹp bao nhiêu, dễ học, dễ nhớ bao nhiêu thì vẫn có không ít người Việt hay bị nhầm lẫn trong cách sử dụng từ.
Dám cá rằng, không ít bạn trong chúng ta sử dụng những cặp từ này hàng ngày nhưng vẫn khó tránh khỏi sai sót. Hãy cùng xem đó là cặp từ gì và chia sẻ xem bạn có hay dùng nhầm không nhé!
1. Chia sẻ hay chia xẻ
Hẳn nói đến cặp từ này, không ít bạn quả quyết "chia sẻ" mới là từ đúng bởi ít khi nhìn thấy ai dùng từ "chia xẻ" cả. Nhưng bạn có hay, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có hơi khác nhau.
Từ "chia sẻ", "chia" có nghĩa là làm ra thành từng phần, từ một chỉnh thể; "sẻ" là chia bớt ra, lấy ra một phần. Do đó, "chia sẻ" có nghĩa là cùng chia với nhau để cùng hưởng, hoặc cùng chịu đựng. (ví dụ: Chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn).
"Chia xẻ" – "chia" vẫn có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể, trong khi đó "xẻ" nghĩa là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (VD: xẻ rãnh thoát nước).
Bởi vậy, có thể nói, hai từ "chia sẻ" và "chia xẻ" này cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng cách dùng từ khác nhau. Bạn nên chọn từ đúng trong mỗi trường hợp, chứ đừng cãi cố là không có từ "chia xẻ" nhé!
2. Giả thuyết hay giả thiết
Trời, từ này là cực hay nhầm lẫn luôn đó! Có người thì khăng khăng nói rằng, chỉ có "giả thuyết" mới đúng và dùng trong tất cả các trường hợp, người khác thì lại quả quyết - "giả thiết" mới thật chính xác. Và sự thật là... cả hai từ đều dùng được nhưng ở trong các trường hợp khác nhau.
Cụ thể, "giả thuyết" được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.
Trong khi đó, "giả thiết" được dùng để chỉ điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.
Một định nghĩa khác được đề cập trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê như sau: "giả thiết" - điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ "giả thiết" và "giả thuyết" đều đúng, chỉ là bạn nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.
3. Độc giả hay đọc giả
Cần chỉ rõ rằng, "độc giả" là từ Hán Việt gồm hai chữ gốc Hán: "độc" mang ý nghĩa "đọc" hay "học" và "giả" mang ý nghĩa "người". Khi hai chữ đó được kết hợp với nhau, từ "độc giả" có nghĩa là "người đọc".
Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản năm 2000, trang 336 cũng có định nghĩa từ "độc giả" – đó là người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.
Trong khi đó, từ "đọc giả" được một số người sử dụng với nghĩa "người đọc" hay "bạn đọc" – bao gồm "đọc" là một từ thuần Việt và "giả" là một chữ Hán Việt. Khi ghép hai từ này vào, ta sẽ nhận thấy một sự kết hợp không hợp lý.
Bởi vậy có thể khẳng định rằng, "độc giả" mới là từ đúng.
4. Chín mùi hay chín muồi
Theo định nghĩa của Hoàng Phê – trong Từ điển Tiếng Việt 2000 (trang 161) có đề cập "chín muồi" là (quả cây) rất chín, đạt đến độ ngon nhất. Đạt đến độ phát triển đầy đủ nhất, để có thể chuyển giai đoạn hoặc trạng thái. (VD: Điều kiện để chín muồi).
Nhưng lại có rất ít từ điển đề cập đến từ "chín mùi". Ngay cả từ điển của Nguyễn Kim Thản (2005) cũng chỉ nêu "chín muồi" là…. chín mùi như một cách nói tắt.
Bởi vậy, có thể khẳng định, từ đúng ở đây phải là "chín muồi".
5. Tựu chung hay tựu trung
Trường hợp đúng ở đây phải là "tựu trung". Tuy nhiên, không ít người dùng "tựu chung" hàng ngày bởi họ cho rằng, nghĩa của "chung" trong "tựu chung" giống trong từ "chung quy".
Thật ra, từ "tựu trung" - "tựu" có nghĩa là tới (tề tựu); trung: là ở giữa, trong, bên trong. "Tựu trung" có nghĩa là tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.
6. Vô hình chung hay vô hình trung
Không ít người thường dùng từ "vô hình chung" thay cho từ "vô hình trung" bởi nghĩ từ "chung" có nghĩa là chung quy. Tuy nhiên, cách hiểu này không đúng.
Theo nghĩa Hán Việt, "vô hình trung" có nghĩa là "trong cái vô hình". Còn trong Từ điển Tiếng Việt có định nghĩa: "vô hình trung": tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: "Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó".
Trong khi đó, không có từ điển nào đề cập đến định nghĩa của từ "vô hình chung" cả. Vì thế, "vô hình trung" là từ đúng; còn "vô hình chung" là sai.
7. Nhậm chức hay nhận chức
Theo nghĩa Hán Việt, "nhậm" trong từ "nhậm chức" là gánh vác công vụ, nhiệm vụ; "chức" là chức trách, việc quan, bổn phận. "Nhậm chức" là giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho, hiểu đơn giản, cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức.
Trong khi đó, từ "nhận chức" trong nghĩa Hán Nôm thì "nhận" là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên"nhận chức" là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, "nhận" là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên "nhận chức" không có nghĩa.
Do đó, dù theo từ điển Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ "nhận chức" đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là "nhậm chức".
8. Chẩn đoán hay chuẩn đoán
Bạn cho rằng, chẩn đoán và chuẩn đoán là giống nhau ư? Nhưng sự thật là, trong này chỉ có một từ đúng mà thôi.
"Chẩn đoán" - "chẩn" có nghĩa là xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; "đoán" có nghĩa là dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra.
Như vậy, "chẩn đoán" có nghĩa là xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm (theo Từ điển Tiếng Việt). VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.
Trong khi đó, "chuẩn" trong từ "chuẩn đoán" lại không hề mang nghĩa như vậy. Từ "chuẩn" chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội mà thôi.
Vì vậy, "chẩn đoán" mới là từ đúng.
9. Tham quan hay thăm quan
Nhiều người cho rằng, "tham quan" hay "thăm quan" giống nhau về nghĩa nên có thể sử dụng xen lẫn được. Nhưng sự thật là chỉ có 1 từ đúng thôi – và đó là "tham quan". Thử phân tách nghĩa các từ ra nhé!
Từ "thăm quan" được gắn nghĩa từ "thăm" - đến nơi nào đó bày tỏ sự quan tâm, hỏi han (đi thăm người ốm) hay xem xét để biết tình hình (thăm trường, lớp)… với từ "quan" – quan sát.
Trong khi từ "tham quan" (động từ) - theo gốc Hán thì "tham" có nghĩa là thêm vào; "quan" là quan sát, nhìn nhận. Do đó, "tham quan" nghĩa là đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, từ này đồng âm khác nghĩa với từ "tham quan" (danh từ) chỉ viên quan có tính tham lam.Bởi vậy, từ "tham quan" mới là từ chính xác.
10. Sát nhập hay sáp nhập
Nếu ai đó hỏi bạn từ "sát nhập" hay "sáp nhập" mới đúng. Bạn sẽ trả lời sao? Sự thật là gốc của 2 từ "sát nhập" và "sáp nhập" này bắt nguồn từ "sáp nhập" – một từ ngoại lai. Trong đó, "Sáp" có nghĩa là cắm vào, cài vào; còn "Nhập" nghĩa là vào, tham gia vào, đưa vào.
Do vậy, "sáp nhập" là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một/ Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ "sát nhập", từ "sát" là từ biến âm, biến thể dân gian của từ "sáp" mà ra. Từ "sát" trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ "sáp".
Ngoài nghĩa gốc là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách. Đứng trên quan điểm đồng đại, nhiều người sử dụng hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" y như nhau. Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" với nghĩa tương tự nhau.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – Trưởng Bộ môn Hán Nôm Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không thật hợp lý.
Từ "sát" – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn "sáp" nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ "sáp" không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi.
Hãy chia sẻ thêm về những cặp từ mà bạn hay nhầm lẫn qua bình luận ở dưới nhé!
Những từ ngữ thông dụng của Sài Gòn xưa ít người biết
Xảnh xẹ, mình ên, bặc co tay đôi... là những từ mà người Sài Gòn xưa vẫn hay sử dụng.
Cách sử dụng từ ngữ giữa hai miền Bắc - Nam có vô số điều khác biệt thú vị. Chính những điểm khác biệt này đã góp phần khiến tiếng Việt của chúng ta càng thêm phong phú.
Và hơn thế, sự khác biệt này đã tạo ra niềm thích thú, đam mê tìm tòi khám phá cho những người Bắc vào Nam, hay người Nam trở ra Bắc sinh sống, làm việc, du lịch...
Cùng điểm lại một vài từ ngữ thông dụng mà người Sài Gòn xưa thường hay sử dụng mà đôi khi nhiều bạn trẻ chưa từng nghe nói bao giờ.
Bài viết là sự tìm tòi, sưu tập của cá nhân người viết. Nếu bạn cảm thấy sai hoặc có thiếu sót gì thì hãy commnet bên dưới nhé!
2 bài toán cấp 1 khiến bạn nhận ra phải nắm vững bản chất của toán học
Có những phép tính rất dễ, tính ra đáp án rất nhanh, nhưng hỏi về bản chất thì hóa ra bạn đã sai mất rồi.
Trải qua những năm tháng tiểu học tươi đẹp, chắc ai cũng nắm được quy tắc cộng, trừ, nhân, chia, để ít ra đi mua hàng vẫn biết là mình được trả tiền thừa hay thiếu đúng không.
Nhưng đấy là bạn tưởng vậy thôi. Chứ nếu truy rõ về mặt bản chất toán học, chưa chắc bạn đã nắm được đâu. Thử lấy ví dụ bằng bài toán trong hình dưới đây. Trả lời nhanh nhé!
Đáp án của bài toán này là 9. Nếu bạn tính ra 1, đó là do bạn đã bị nhầm một chút về mặt bản chất, hoặc cũng có thể là vì tư duy tính toán theo phong cách "ăn bớt" của người trưởng thành.
Quy tắc toán học luôn như sau: Tính từ trái qua phải, nhân chia trước, cộng trừ sau, và ưu tiên các phép tính trong ngoặc. Nhưng vì cách viết 2(1+2), nhiều người đã cho rằng phải tính luôn cả cụm này trước, và kết quả là họ tính nhầm.
Trên thực tế, phép tính này sẽ phải viết đủ ra thành: 6:2x(1+2). Ưu tiên trong ngoặc, ta sẽ có: 6:2x(3). Và nếu viết theo đúng quy trình từng bước chúng ta được học hồi cấp 1 thì sẽ là:
6:2x(1+2) = 6:2x(3) = 6:2x3
Đến đây, phép toán chỉ bao gồm toàn phép nhân và phép chia, nên áp dụng đúng quy tắc tính từ trái qua phải, ta sẽ được kết quả là 9.
Hoặc nếu viết theo dạng phân số thì bạn sẽ thấy rõ ràng hơn: 6:2x(1+2) = (6/2)x(1+2)
Đó chính là lý do vì sao, hồi đi học cấp 1, chúng ta thường phải viết diễn giải rõ ràng từng bước khi giải một bài toán.
Và đây cũng không phải là ví dụ duy nhất cho thấy chúng ta thường bỏ qua bản chất của toán học. Thử đến với bài toán sau đây, từng một thời gây bão trên các trang mạng nước ngoài.
Bài toán: 5x3 bằng 5 + 5 + 5 hay 3 + 3 + 3 + 3 + 3?
Đề bài yêu cầu học sinh làm phép tính 5x3, đồng thời diễn giải phép tính ra thành tổng các con số. Cậu học sinh trả lời đáp án là 5 + 5 + 5, nhưng giáo viên đã đánh sai và chỉ ra rằng đáp án phải là 3 + 3 + 3 + 3 +3. Vậy theo bạn, giáo viên đã sai hay đúng? Chỉ biết, phụ huynh của cậu đã vô cùng ức chế, cho rằng thầy giáo đã quá máy móc.
Thực chất, đáp án của thầy giáo... vừa đúng vừa sai. Đáp án đúng khi ở Mỹ, nhưng sẽ sai khi ở Nhật.
Tại sao ư? Vì bản chất của phép nhân chính là phép cộng lặp lại, còn người Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới (như Mỹ) quy ước rằng số lần cộng lặp sẽ được viết trước. Tức là 5x3 sẽ là 5 lần số 3, và kết quả thì giống với 3 lần số 5, nhưng bản chất thì hoàn toàn khác.
Có thể lấy ví dụ như sau: ta có 3 nải chuối, mỗi nải 5 quả và 5 nải chuối, mỗi nải 3 quả. Về tổng số chuối, ta vẫn có mỗi bên 15 quả, về ý nghĩa thì không giống nhau. Có thể nói, quy ước này xuất phát từ định nghĩa.
Còn tại Nhật thì ngược lại, phép tính 5x3 sẽ được phân tích thành: số 5 viết trước là đơn vị, được lấy 3 lần, nên phải hiểu là 5 + 5 + 5.
Quy tắc của họ xuất phát từ thực tế: giả sử như có 5 chiếc xe, mỗi chiếc xe có 4 bánh, thì sẽ phải có tổng cộng là 4x5 = 20 (bánh xe), vì bánh xe là đơn vị.
Vậy nên, với những thứ càng đơn giản thì chúng ta càng phải hiểu rõ bản chất các bạn nhé!
Nguồn: Quora
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét