a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Người phụ nữ mà Dương quý phi đố kỵ nhất là ai?

Một cười khêu gợi trăm mê luyến, xoá mất hồng nhan ở sáu cung“. Dương quý phi – Một nữ nhân tuyệt sắc vô song như vậy, liệu vẫn còn có người phải khiến nàng đố kỵ sao? Vậy người đó là ai?

mai phi, Dương Quý Phi,
Dương quý phi – Một nữ nhân tuyệt sắc vô song như vậy, liệu vẫn còn có người phải khiến nàng đố kỵ sao? (Ảnh: Internet)
Bài thơ “Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị tiên sinh đã làm nổi bật Dương quý phi, khiến nàng trở thành một ngôi sao sáng chói trong Tứ đại mỹ nhân. Hơn nữa còn có mối tình “thiên thượng nhân gian” giữa nàng và Đường Huyền Tông, được người đời ca tụng là câu chuyện tình đẹp. “Một cười khêu gợi trăm mê luyến, xoá mất hồng nhan ở sáu cung“. Một nữ nhân tuyệt sắc vô song như vậy, liệu vẫn còn có người phải khiến nàng đố kỵ sao? Câu trả lời là có!
Mai phi Giang Thái Tần
Một nữ nhân thanh tao cao quý cũng là sủng phi của Đường Huyền Tông, bà đã bị thất sủng trước khi Dương quý phi nhập cung, nhưng lại vẫn chịu sự đối xử khinh nhờn của quý phi. Vậy mà người đời chỉ biết có Dương quý phi, chứ không hề biết có người phụ nữ này, nữ nhân đặc biệt như vậy là ai? Bà chính là Mai phi – phi tần của Đường Huyền Tông.
Mai phi tên thật là Giang Thái Tần, người Phủ Điền, phụ thân nàng là danh y nổi tiếng. Bởi trông xinh đẹp diễm lệ, Cao Lực Sĩ một lần đi sứ Mân Việt, liền tuyển bà đưa về Trường An. Giang Thái Tần vừa nhập cung, liền nhận được sủng ái đặc biệt của Đường Huyền Tông, được lập là Giang phi. Giang phi phong vận có đủ, phẩm cách dị thường, từ nhỏ đã yêu thích hoa mai.
mai phi, Dương Quý Phi,
Mai phi Giang Thái Tần, từ nhỏ đã yêu thích hoa mai. (Ảnh: Internet)
Một đêm tuyết nọ, Giang phi một mình ngắm nhìn hoa mai, vừa khéo bị Đường Huyền Tông phong lưu cao nhã bắt gặp. Lúc đó hoa mai nở rộ, tuyết đọng đè xuống khiến cho những cành mai run run tựa như muốn gãy. Ánh trăng và tuyết tranh nhau phát sáng, khắp nơi đều là một màu trắng xóa, vạn vật mờ mờ ảo ảo. Huyền Tông nhẹ nhàng bước vào vườn mai, mùi hương thoang thoảng bay đến, thật khiến tâm thần sảng khoái như bước vào tiên cảnh Dao Trì vậy.
Huyền Tông đi lại vòng quanh những cây hoa, đứng lặng ngắm nhìn, thấy hoa như tuyết, tuyết lại như hoa. Một cơn gió ập đến, cành hoa đung đưa, có mấy đốm kim quang lấp lánh. Còn Giang phi lúc này đang ngửa mặt xem hoa, duyên dáng yêu kiều, không mảy may động đậy. Bà khoác trên người chiếc áo khoác bằng lụa trắng như tuyết, cùng với cây hoa mai hòa thành một thể. Vườn mai đẹp đẽ như vậy, dung hòa với hình ảnh của Giang phi, thật đúng là một bức tranh đẹp đẽ lay động lòng người.
mai phi, Dương Quý Phi,
Mai phi bởi tư thái ngắm hoa mai mà đắc sủng.
Mai phi đắc sủng
Mĩ nhân ngắm hoa, ta ngắm người, Huyền Tông nhìn như si như dại. Huyền Tông không nỡ kinh động Giang phi, chỉ ho khẽ một tiếng, nhưng Giang phi đã nghe thấy, nàng xoay người lại vừa nhìn thấy là Huyền Tông ở phía sau, lập tức hành lễ. Huyền Tông nói: “Người đời yêu hoa, say mê đến thế nào đều có cả, nhưng mà đặc biệt giống như ái phi, quả thật không nhiều. Ta tặng cho nàng một cái tên, hãy gọi là Mai phi vậy”.
Mai phi, một cái tên đẹp đẽ biết bao, người như hoa, hoa như người, cao quý thanh tao, không giống như những cảnh son phấn thông thường ở chốn hậu cung. Từ đấy trở đi, Huyền Tông và Mai phi có một khoảng thời gian rất ân ái. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, tình yêu nhạt dần, hậu cung của hoàng đế có tới hơn ba nghìn giai lệ, rất khó chỉ trao riêng tình cảm cho một người được.
Đông đi xuân lại đến, hoa nở rồi hoa tàn, màn diễn rồi cũng kết, Mai phi dần dần bị thất sủng, huống hồ Huyền Tông còn có Huệ phi, Lệ phi, v.v… cũng như rất nhiều phi tần khác nữa, làm sao mà chỉ đoái hoài đến một mình Mai phi được. Có lẽ tình cảm của Huyền Tông chỉ thuộc về thời kỳ hoa mai nở rộ, hễ hoa rơi rụng đi thì tình cảm cũng héo tàn. Mai phi chính là tựa như những bông hoa mai cao quý trong những ngày đông này, khi ngày xuân nắng ấm vạn hoa đua nở thì hoa mai cũng héo rụng đi mất.
Sau này còn có Dương quý phi một mình hưởng trọn ân sủng, ba nghìn giai lệ chốn hậu cung dành trọn hết cả cho một người. Còn Mai phi thì vốn không có lục đục tranh giành như các phi tần chốn hậu cung khác, bà chỉ là muốn được bình yên mà sống hết quãng đời này của mình.
Một mùa đông lại đến, có lẽ ở đây đã trải qua mười mấy xuân thu rồi, hoa mai vẫn nở rộ như ngày nào. Mai phi đến tản bộ trong vườn mai. Lúc thì vịn cây ngâm thơ, lúc thì cúi người nhặt hoa. Mai phi đang cất bước chậm rãi, bỗng nghe thấy một âm thanh cách đó không xa vọng đến: “Ôi chao, một vườn mai đẹp biết bao…….”
mai phi, Dương Quý Phi, Sau khi Mai phi thất sủng, vẫn thích ngắm nhìn hoa mai như xưa. (Ảnh: Internet)
Hai phi tần gặp nhau
Mai phi đưa mắt nhìn sang, không khỏi ngẩn người. Thật đúng là một tuyệt thế giai nhân! Thân khoác áo khoác màu vàng, cổ áo hơi mở, để lộ làn da trắng như tuyết, mái tóc đen mượt bóng loáng, vòng châu lấp lánh, sắc mặt như hoa, một đôi mắt quyến rũ, long lanh có thần, thật là say đắm lòng người. Mai phi chưa từng gặp qua nàng, nhưng cũng đã đoán được nàng là Dương Ngọc Hoàn.
Dương quý phi từ xa cũng đã nhìn thấy Mai phi, nàng cũng không khỏi giật mình sửng sốt. Lòng nghĩ, mỹ nữ trong cung thật là nhiều, ngay đến cả người đẹp hết thời này cũng có phong vận thanh cao như vậy. Nàng nghĩ người nhất định là Mai phi chứ không ai khác, tuy đã biết rõ nhưng vẫn cố tình hỏi: “Cung nữ già đó là ai?”. Tả hữu trả lời là Mai phi.
Quý phi ngày trước khi ở phủ Thọ vương đã nghe trong cung có một mỹ nhân rất có học vấn, rất được Huyền Tông sủng ái, không ngờ hôm nay lại gặp mặt ở đây. Khi nàng nghe thấy hai chữ “Mai phi”, trong thâm tâm bèn “hừ” một tiếng, ở sau lưng Mai phi mắng một câu “Mai quỷ!”một cách trắng trợn.
Vườn mai vốn tĩnh lặng không một tiếng động, lời mắng của Dương quý phi, Mai phi làm sao mà không nghe thấy? Lửa giận bốc lên, bà rất muốn đáp lại mấy câu, nhưng đã cố gắng nén lại. Tuy nhất thời có thể nén nổi cơn giận, nhưng lại nhịn không được nỗi bi thương trong lòng. Tài nữ thanh cao từng viết “Lâu rồi không vẽ chân mày lá liễu, quần áo xưa đã hoen ố lệ buồn, cửa ngõ căn phòng không còn lau rửa, thì cần gì châu ngọc để vỗ về nỗi cô đơn“.
Hai chữ “Mai quỷ” ẩn chứa nỗi nhục nhã lớn biết bao! Thân phận quý phi là địa vị cao sang, lại còn đứng đầu trong danh sách sủng phi, thử hỏi cớ sao vẫn còn mắng mỏ coi khinh một người đàn bà đã hết thời như vậy? Chỉ có thể nói rằng nàng ganh tỵ với phong thái thuần khiết thanh nhã của Mai phi, đố kỵ với tài hoa hơn người của Mai phi.
Sau này, Dương quý phi bị buộc phải tự vẫn ở gò Mã Ngôi. Còn Mai phi, Huyền Tông từng hỏi thăm tung tích của Mai phi khắp nơi, nhưng bà từ lâu đã táng thân dưới vườn mai xinh đẹp, một phần linh hồn của bà đã hóa thành một cành mai, một cành mai nở rộ trong gió bắc lạnh giá.
Hậu cung, vốn không phải là nơi có thể hưởng được chân tình. Người phụ nữ thanh cao an phận, sau khi tình cảm mờ nhạt đi, bị người đàn ông bạc tình ghẻ lạnh, chỉ có thể ôm hận nơi chốn cửu tuyền mà thôi!
Tiểu Thiện, dịch từ secretchina.com

Nguồn gốc của câu nói “Trời đánh tránh bữa ăn”

Người ta thường có câu nói nhắc nhở rằng “trời đánh tránh bữa ăn”. Câu nói này bắt nguồn từ câu nói “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”. Vậy nguồn gốc và hàm ý của cách nói đó như thế nào?

trời đánh tránh bữa ăn, sấm sét, Bài chọn lọc, Hình tượng Lôi Công và Điện Mẫu lưu truyền trong dân gian. (Ảnh: Internet)
Lôi Công, hay còn gọi là Lôi Thần, Lôi sư, Lôi Công Giang Thiên Quân, là nhân vật trong chuyện thần thoại xưa. Ông là một vị thần cai quản việc nổ sấm xuống nhân gian. Lôi Công có thân hình vạm vỡ trông giống như một đại lực sĩ, ngực và lưng để trần, ở trên lưng của ông còn có một đôi cánh dài, tay chân thì có móng vuốt như đại bàng, bên người treo rất nhiều trống, hễ đánh trống là có tiếng sấm nổ vang trời.
Thê tử của Lôi Công là Điện Mẫu, bà là một vị tiên nữ trông coi việc đánh sét, tên còn gọi là Kim Quang Thánh Mẫu, Thiểm Điện nương nương. Bà có hình tượng đoan trang thanh nhã, nên người đời vì thế mà gọi là Điện Mẫu Tú Thiên Quân. Điện Mẫu ngoài việc đánh sét, thì nghe nói trong khi bà và Lôi Công cãi nhau, bầu trời cũng sẽ xuất hiện sấm sét vang dội.
Trước kia công việc của Lôi Công và Điện Mẫu là tạo ra sấm sét, nhưng từ thời tiên Tần lưỡng Hán, nhiệm vụ của họ đã từng bước có sự thay đổi, dân chúng đã giao cho họ một công việc đặc biệt có ý nghĩa, đó là trừng trị cái ác, tuyên dương điều thiện. Sấm sét lúc này có ý nghĩa thay trời hành đạo, trừng trị những kẻ ác, Đạo giáo cũng bởi vậy mà có cùng nhận thức với người xưa, coi Lôi Công Điện Mẫu là Thần linh.
Nhiều miếu thờ và đạo quán có tượng Lôi Công và Điện Mẫu. Người của Đạo gia khi cầu mưa cũng viện đến sự trợ giúp của 2 vị này.
trời đánh tránh bữa ăn, sấm sét, Bài chọn lọc,
Sấm sét còn có ý nghĩa thay trời hành đạo, trừng trị những kẻ ác.
Nguồn gốc câu “Trời đánh tránh bữa ăn”
Câu nói “Lôi công không đánh người đang ăn cơm” có liên quan đến câu chuyện cổ xảy ra trong một gia đình có 3 người gồm bố mẹ và con gái. Một ngày nọ, hai vợ chồng nhà này ra đồng làm ruộng. Cô con gái ở nhà nấu cơm, bởi vì cô bé nghĩ cha mẹ làm lụng vất vả, vì thế chỉ gạn nước cơm uống, còn cơm trắng nhường hết cho cha mẹ ăn. Tuy nhiên, không ngờ rằng, cô mới vừa uống xong, bầu trời xuất hiện một tia chớp, lôi cô bé ra quỳ ở ngoài sân.
Khi cha mẹ trở về thấy con gái quỳ trên đất, chưa kịp hiểu chuyện gì thì đột nhiên từ trên trời bay xuống một tờ giấy, trên đó ghi rằng cô bé không có lương tâm, đã uống hết nước cơm, bởi vậy trời truyền thư xuống, nói rằng đợi đến buổi trưa sẽ xử phạt. Cô con gái bèn kể lại sự việc cho cha mẹ nghe, cha mẹ cô biết con mình hiếu thảo, nhưng bởi vì thiên mệnh không thể làm trái nên chỉ có thể lẳng lặng chờ đợi.
Vậy là ba người họ cùng nhau ăn cơm, người cha thương con gái nên đã nhường cơm cho con ăn. Trời bỗng dần dần tối sầm lại, người cha nghĩ chắc thời khắc đã tới, nhưng họ vẫn đang ăn cơm. Bỗng một trận gió thổi bay tới một tờ giấy, trên đó nói rằng bởi vì thời gian ăn cơm trùng với thời gian xử phạt, nay đã qua giờ xử phạt; Lôi Công không đánh người đang ăn cơm, cho nên sẽ không trừng phạt cô con gái nữa, cho cô được sống.
Từ đó tồn tại câu nói “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”. Dân gian quan niệm Lôi Công thay trời hành đạo, nên cũng nói thành “Trời không đánh người đang ăn cơm”, sau đó rút gọn thành “Trời đánh tránh bữa ăn”.
Thực tế, ông trời vốn rất công bằng, thiện niệm hay ác niệm xuất từ tâm con người đều có thể nhìn thấy hết, vậy thì tình cảm của gia đình 3 người họ làm sao có thể lọt khỏi mắt ông. Mặt khác, cha mẹ trong câu chuyện, khi nhận được văn tự từ trời, không lập tức quát mắng con cái, mà phải hỏi lại con cặn kẽ đầu đuôi, hiểu rằng con gái bị oan, cũng càng thương con hơn.
Thế nên, người hiểu lý lẽ thì trời không thể không hành theo Đạo, cô con gái hiếu thảo đã không phải chết oan dưới tia sét của Lôi Công, việc “không đánh người đang ăn cơm” âu cũng chỉ là cái cớ. Nên cũng nói, ông trời mượn câu chuyện này để truyền thụ cho con người thông điệp nhân văn rằng Thần Phật uy nghiêm nhưng cũng rất từ bi; thiện có thiện báo, ác có ác báo, không sai một ly, quả báo trước sau sớm muộn đều đã được sắp đặt rất tường tận. Làm người trong đời cứ dùng thiện tâm mà đối đãi với nhau thì trời sẽ không phụ bạc.
Đồng thời, câu nói này cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với các bậc cha mẹ khi giáo dục trẻ nhỏ.
Trong thực tế cuộc sống, các bậc cha mẹ thường vào các bữa cơm lại la mắng, phê bình trẻ nhỏ. Cách giáo dục này đã phá hỏng đi không khí ấm cúng và vui vẻ của bữa cơm gia đình, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ nhỏ. Vậy nên người ta thường dùng câu“trời đánh tránh bữa ăn”, ngụ ý để nhắc nhở người lớn rằng, trong bữa ăn không nên trách mắng trẻ nhỏ. Cần phải có lý trí và thiện tâm, như vậy mới hy vọng giáo dục con trẻ được tốt!
Biên dịch từ secretchina.com

Không có nhận xét nào: