a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Phú “heo quay”

 Chiều nay, bán hết heo quay vịt quay sạch bách như mọi ngày, Phú sửa soạn đi gặp Quang, bạn cũ thời đại học ở Wichita, tiểu bang Kansas, sau mấy chục năm xa cách. Quang về thăm gia đình người chị tại thành phố Dallas, Texas và gọi phôn hỏi thăm Phú. Hai người hẹn gặp gỡ hàn huyên, Phú sẽ đến nhà chị của Quang.

Phú và Quang cùng khóa kỹ sư cơ khí, sức học ngang nhau, cùng học hành chăm chỉ, cuối tuần không đi chơi không nhảy đầm. Từ năm học thứ ba cả hai xin đi làm part time về cơ khí, kỹ nghệ họa để lấy kinh nghiệm khi ra trường dễ xin việc làm. Trước khi ra trường khoảng một semester, Quang đã được hãng Boeing gọi phỏng vấn và nhận với mức lương lý tưởng hơn 25 ngàn vào thời điểm năm 1986, còn Phú thì chẳng nơi nào nhận dù đã nộp đơn xin việc nhiều nơi, từ hãng tư nhân đến cơ quan chính phủ. Ðiểm tốt nghiệp của Phú và Quang đều 3 chấm.

Nhiều bạn khác cùng khóa, trước sau đều xin được việc làm, thậm chí anh Chung điểm ra trường dưới 3 chấm cũng xin được việc tại một hãng nhỏ. Dù hãng lớn hay hãng nhỏ, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, ai cũng mong được đi làm để kiếm tiền và nhất là cho bằng cấp của mình không bị cũ, không bị lãng quên theo thời gian, uổng phí công học hành và tiền bạc. Theo kinh nghiệm chỉ dẫn của đàn anh đi trước, mỗi lần được gọi phỏng vấn Phú đều chuẩn bị kỹ lưỡng, từ hình thức đến nội dung, quần áo chỉnh tề nhã nhặn, đầu tóc gọn gàng và chàng đã tập ăn nói trước gương cho lưu loát, khiêm tốn nhưng không tự đánh giá mình quá thấp, tự tin nhưng không tự cao… Thế mà lần nào chàng cũng rớt đài. Phú chán nản cho là phần số, có thể những lần Phú được phỏng vấn hoặc người phỏng vấn đang có tâm sự không vui nên… ghét lây Phú hoặc đợt phỏng vấn ấy có nhiều người tài giỏi hơn nên chàng thành lép vế.

Cũng kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước nói rằng, ra trường hai năm không xin được việc là… vĩnh viễn không xin được việc, văn bằng bỏ xó.  Phú cần phải học lên Master thì may ra sẽ có cơ hội tìm được việc. Mỗi năm, người ta lại tuyển việc những sinh viên vừa tốt nghiệp, ai quan tâm làm gì đến bằng cấp… năm ngoái năm kia của chàng.

Phú mệt mỏi, không muốn thử thách với học hành nữa, nhưng chàng loay hoay chưa biết làm ăn gì, chẳng lẽ mang văn bằng kỹ sư cơ khí ra xin việc làm lao động hãng xưởng ăn lương giờ. Ðau cho cái bằng đại học lắm.

Cha Phú xưa kia làm công trong lò heo quay ở Bạc Liêu chủ nhân người Hoa, từ lúc ông mới mười mấy tuổi cho đến khi đi Mỹ mới thôi, ông quá rành quá giỏi với nghề quay heo vịt. Cha Phú những ước mong sang Mỹ, các con sẽ học hành thành ông nọ bà kia. Không ngờ có lúc phải dùng đến nghề này, ông bàn với Phú, ông sẽ thuê chỗ trong chợ mở một tiệm heo quay cho Phú, mình làm chủ buôn bán kiếm tiền chẳng việc gì phải đi làm công cho hãng trong khi mình là… kỹ sư.

Hai anh chị của Phú đều tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm ngon lành, còn Phú thì lận đận nên cha mẹ càng thương yêu, muốn đỡ đần thằng út.

Nghĩ tới việc đứng trong quày bán heo quay nơi chợ búa, Phú xấu hổ ngại ngùng nhưng nghe cha khích lệ, công việc tuy mỡ màng mắm muối mà lời bộn. Ðường cùng, Phú đành theo ý cha, trước mắt là kiếm sống rồi sẽ tính sau, tìm công việc làm ăn khác lịch sự hơn, chẳng trông mong xin việc làm theo ngành nghề mình đã học nữa. Bằng tốt nghiệp kỹ sư ai lộng kiếng treo trên tường chứ riêng Phú xếp dưới đáy rương, coi như món đồ kỷ niệm.

Ðúng như cha tính toán, tiệm heo quay vịt quay mở trong chợ dần dần quen khách và đắt hàng hồi nào không hay. Người ta truyền tai nhau, khen heo quay vịt quay ngon mà cả heo xá xíu, dồi heo, phá lấu heo cũng ngon, chẳng những thu hút được mấy bà đi chợ mà người không đi chợ cũng ghé vào mua, rồi người ta đặt hàng những dịp ma chay cưới hỏi hay lễ lạt. Công việc bán heo quay tấp nập một vốn bốn lời, Phú bỏ hẳn ý định sẽ kinh doanh ngành nghề khác, nghề “lịch sự” ngồi văn phòng máy lạnh như bán bảo hiểm, khai thuế đăng quảng cáo quanh năm trên báo, nhiều người ngồi ngáp dài chờ khách kìa.

Vài bạn quen cùng lớp kỹ sư cơ khí với Phú ngày nào, nay họ ăn mặc quần áo lịch sự, làm việc trong văn phòng cũng lịch sự với danh xưng kỹ sư, thỉnh thoảng đi công tác đó đây, giao thiệp với khách hàng được hãng chi trả tiền máy bay, tiền khách sạn thật le lói. Còn nơi làm việc của Phú chỉ là một không gian nhỏ hẹp trong chợ, không tên không bảng hiệu, khách hàng tùy tiện gọi chàng bằng nghề bán heo quay: “Anh heo quay, chú heo quay…”, chẳng ai cần biết tên thật của chàng.

Sau cái tủ kính treo lủng lẳng một con heo quay vàng rộm, những con vịt quay mới ra lò chảy mỡ bóng lộn là Phú mặc tạp dề sẵn sàng với dao thớt.  Khách hàng của Phú đủ loại, từ ông già bà cả về hưu hay ăn trợ cấp đến các bà đi chợ, các cô cậu trẻ tuổi thanh xuân, kiểu nào Phú cũng chiều, cũng làm vừa lòng khách hàng

Có lúc, Phú đang cặm cụi lau chùi lại vài thứ trên bàn, lưng quay ra ngoài thì nghe tiếng gọi thân thương:

-Chú heo quay ơi, cho chị “pao” heo quay chỗ này nè. Chặt size nhỏ cỡ này nè.

Có ông bị vợ sai đi mua, ở nhà sợ vợ thế nào không biết, ra chợ, ông ra oai:

-Này, này… anh heo quay, tuần trước anh bán tôi miếng đùi nhiều nạc quá, lần này lựa cho tôi 2 “pao” chỗ sườn non coi. Chặt thêm cho tôi con vịt quay lấy phao câu coi.

Phú răm rắp chiều theo ý khách hàng. Ðôi khi mấy bà mấy cô còn nhờ chàng “cố vấn” nấu nướng nữa chứ:

-Chú biết heo quay kho dưa chua cách nào cho ngon không?

-Vịt quay nấu vịt tiềm thế nào hả anh?

Dù sao những câu hỏi “gia chánh” này cũng liên quan đến món hàng Phú bán nên chàng vui vẻ trả lời, những món này má Phú thường nấu ăn trong nhà nên Phú cũng rành.

Phú lấy vợ, vợ chàng làm kế toán cho một công ty, nàng may mắn hơn Phú là học xong, xin được việc ngay, nàng rất hiểu chuyện và thông cảm Phú tốt nghiệp đại học 3 chấm mà không xin được việc. Số trời!

Phú có hai đứa con, một gái và một trai. Gia đình chàng sống chung với cha mẹ, cha thì lo quay heo quay vịt, má ở nhà lo cơm nước cho con cháu, vợ chồng Phú yên tâm làm việc, buôn bán.

Mấy chục năm qua Phú đã nghiễm nhiên thành ông chủ tiệm heo quay nổi tiếng trong thành phố, chàng chẳng còn tủi thân mỗi khi nhìn thấy tấm bằng kỹ sư dưới đáy rương nữa. Vài bạn đại học xưa biết chàng đang bán heo quay, có bạn gọi phone hỏi thăm và không quên nói vài câu vuốt ve an ủi chẳng làm Phú mủi lòng như thời gian đầu mới làm nghề nữa.

Mấy bạn thân sơ ấy truyền nhau tin “không may” của Phú, học hành chẳng đến nỗi kém cỏi gì mà phải đành đoạn đứng bán heo quay trong chợ. Họ gọi chàng là Phú “Heo Quay” như các bà đi chợ đã gọi “anh heo quay”. Chẳng lẽ cái nghề heo quay đã vận vào cuộc đời chàng từ kiếp nào? Thế thì chàng đã đi lộn đường khi ngày xưa chọn học kỹ sư cơ khí.

oOo

Phú chặt đầy một hộp heo quay và một hộp vịt quay, chàng lựa miếng thịt heo ngon nhất, con vịt cũng ưng ý nhất để làm quà cho bạn, không gì bằng “cây nhà lá vườn”.

Thấy Phú mang theo hai hộp heo quay vịt quay, Quang ái ngại:

-Bày đặt làm chi, để thịt quay bán mà kiếm tiền, buôn bán lời lãi là bao. Tao tính đợi mày đến đây rồi mời ra quán, bất cứ quán nào mày thích.

-Thôi, mình ăn tại nhà cho vui tha hồ nói chuyện.

Hai người bạn gặp nhau sau mấy chục năm vắng tin thật nhiều bồi hồi cảm xúc. Quang ra tủ lạnh lấy vài chai bia. Bia thịt bày ra ê hề cho cuộc hàn huyên tâm sự. Quang đã là kỹ sư kỳ cựu thâm niên đầy kinh nghiệm của Boeing ở Long Beach California, đề án hãng giao một tháng Quang chỉ làm 3 tuần là xong nên luôn được boss tín nhiệm, mấy chục năm qua hãng Boeing những lúc gập ghềnh sóng gió phải lay off kỹ sư và nhân viên nhưng chỗ đứng của Quang vẫn an toàn cho đến giờ. Mãi sau này Quang  mới biết tin Phú bán heo quay ở Dallas, Quang đã thất vọng và thương bạn biết bao. Quang lựa lời an ủi:

-Con người ai cũng có số, mày học giỏi nhưng số không may mắn mà thôi

Khi Quang chân tình hỏi cuộc sống của bạn, lợi tức từ cửa hàng heo quay làm Quang giật cả mình khi so với lương kỹ sư hàng top của mình. Ðứa con gái lớn của Phú đang học y khoa một năm nữa ra trường, thằng em thì đang học kỹ sư tin học mà học rất giỏi.

Quang thở phào vui vẻ nói với Phú:

-Trời ơi, vậy mà từ lúc nghe tin mày bán heo quay trong chợ, nghe các bạn thương cảm tao cứ… tội nghiệp và ái ngại, không dám gọi phone hỏi thăm, sợ mày buồn và mặc cảm. Nếu không có cuộc tâm sự ngày hôm nay thì ai mà ngờ cuộc sống mày sung túc nhờ heo quay vịt quay, tiền của đã nhiều lại có một gia đình hạnh phúc, hai đứa con ngoan là gia tài vô giá. Tao tin là hai con mày ra trường sẽ có tương lai, công việc đúng ngành nghề.

Phú cũng tự tin:

-Có lẽ ông trời không nỡ bất công quá đáng với tao, đã bù lỗ cho tao làm ăn khá giả và phần vợ con như ý. Tao cũng tin hai con sẽ gỡ gạc giùm tao những thất vọng năm xưa.

Quang nâng ly bia:

-Nào, tao với mày cùng uống ly bia đầy, mừng ngày tao ngộ và mừng cho Phú “heo quay” luôn. Bây giờ biết đâu bao đứa bạn cùng học với chúng ta năm xưa nếu biết rõ về Phú “heo quay” thì sẽ ghen tị và ước gì được như thế đấy.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Nét Ðẹp Thời Gian

Ngày nào mà chẳng soi gương chẳng nhìn khuôn mặt mình, đã quen từng đường nhăn trên mặt, từng nếp tóc trên đầu thế mà lần này chị Bông nhìn ngắm mình lâu hơn và nỗi buồn từ đâu bỗng kéo về làm như hôm nay chị mới phát hiện ra mình già và xấu. 
Cuối tuần rồi chị Bông đi dự một đám cưới con người bạn, gặp lại một ban cũ ngồi chung bàn mà chị Bông ngỡ ngàng vì chị Thúy trẻ trung và xinh đẹp hẳn ra. Thoạt mới nhìn chị Thúy, chị Bông không tin vào mắt mình, tưởng ai xa lạ hoặc mắt mình có vấn đề, nhìn lộn người.
Mới vài tháng không gặp nhau phép lạ nào mà chị Thúy đi ngược thời gian đến thế, chị trẻ lại đến chục tuổi chứ ít gì.
Sau đó chị chủ nhà đám cưới hé lộ cho chị Bông biết là chị Thúy đã đi thẩm mỹ viện căng da mặt và cắt mí mắt.
Da mặt lão hóa chảy xệ và mắt sụp mí là hai tên thủ phạm ác ôn về già của phụ nữ mà bà nào cô nào cũng ghét cay ghét đắng, không mời nó cũng lù lù xuất hiện trên mặt mình như trêu gan chọc tiết mình...
Chị Bông lấy những ngón tay thử nâng làn da hai bên má lên. Ừ nhỉ trông da mặt chị căng hẳn ra, trẻ hẳn ra.
Suốt mấy hôm liền chị Bông đã lên net tìm hiểu về các loại căng da mặt xem kiểu nào giản dị và an toàn nhất.
Căng da mặt kiểu giải phẫu là kiểu xưa nhưng bền lâu được kho
ảng 10 năm. Bác sĩ thẩm mỹ sẽ lột da mặt ra và hớt mỡ chỗ này thêm mỡ chỗ kia rồi kéo căng da mặt về phía mang tai và cắt bớt da thừa trước khi khâu vá lại. Kiểu này công phu và đau lắm chị Bông không dám.
Căng da mặt bằng luồn chỉ hóa học hai bên gò má, những sợi chỉ này sẽ kéo cơ mặt lên cao và giữ độ bền kho
ảng vài năm. Kiểu này coi bộ nhẹ nhàng hơn.
Thà chịu đau và tốn tiền một lần mà xài hoài cũng đáng. Ðằng này kiểu nào cũng có giới hạn thời gian. Không có kiểu căng da mặt nào là vĩnh cửu cả.
Nhưng cuộc sống của mình còn không bảo đảm lâu dài thì mong chi độ bền của sửa sắc đẹp được vĩnh cửu. Chị Bông không đòi hỏi điều này nữa.
Mỗi khi chị Bông nản chí thì hình ảnh chị Thúy trẻ đẹp lại hiện ra như khích lệ, như thách đố chị Bông...
Thời gian thật là tàn nhẫn đã biến đổi những nét mặt chị Bông thuở đôi mươi xinh tươi thành già ngắc vô duyên, ngay cả cái vòng eo thon nhỏ ngày ấy thời gian cũng xía vào làm cho nó to thêm, mập thêm. Chưa hết, mái tóc dày xanh mướt cũng rơi rụng và xác xơ như hàng cây thưa lá cuối mùa Thu.
Xưa nay chị Bông vẫn thích nhan sắc tự nhiên, có sao để vậy, trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, nhưng nhìn khuôn mặt với má hóp, với những vết nhăn nơi khóe mắt khóe môi và so sánh với dung nhan chị Thúy là chị Bông lại sôi máu lên chịu không nổi.
Chị Bông cay cú tự bào chữa mình đi thẩm mỹ viện chỉ để đòi lại nhan sắc của mình đã bị thời gian đánh cắp không thương xót mà thôi. Người ta làm được thì mình cũng làm được...
Thế là chị Bông quyết định sẽ đi thẩm mỹ viện căng da mặt kiểu luồn chỉ nhẹ nhàng và đỡ nguy hiểm. Trẻ được vài năm thì cũng khoe nhan sắc với đời được vài năm.
Khi chị Bông từ phòng tắm bước ra, anh Bông đang ngồi thoải mái nơi ghế sofa đọc báo. Chị Bông trách:
- Anh vô tư qu
á, còn em lúc nào cũng có nỗi buồn... sâu kín.
Anh buông tờ báo xuống và ngạc nhiên:
- Chết, chuyện gì thế em? Sao anh không biết?
Chị Bông ngồi xuống đối diện chồng:
- Thì anh cứ nhìn vào mặt em đi, anh sẽ đọc được nỗi lòng em.
- Anh thuộc loại chém to kho mặn. Em thuộc loại Suy tử. Em cứ nói thẳng ra nỗi buồn sâu kín của em để anh hiểu cho nhanh.
Chị Bông thở dài:
- Thì nó luôn hiện ra công khai trước mặt anh đây, không cần anh phải suy tử mới hiểu. Ðó là tuổi già trên mặt em nè, trên con người em nè.
Anh Bông thở phào:
- Trời ôi, tưởng gì, thì ra nãy giờ em ở lì trong phòng tắm để soi gương đếm tuổi đời và sầu đời đấy hả? Ai chẳng già đi theo thời gian hả cô Bông ơi. À quên bà Bông ơi.
- Bởi thế thẩm mỹ viện mới ra đời để cứu lại nét thanh xuân cho phụ nữ.
- Anh hiểu ý em rồi. Em muốn thông báo với anh để đi thẩm mỹ viện phải không?
Chị Bông mỉm cười hài lòng:
- Ðúng thế, các loại kem bảo vệ da mặt không ăn thua gì, cũng như em giữ gìn mọi cách, hạn chế cười, ngủ không được nằm nghiêng để tránh tạo vết nhăn nơi khóe môi cũng chẳng thấm thía gì, những vết nhăn vẫn đua nhau xuất hiện. Ði thẩm mỹ viện căng da mặt sẽ giải quyết được tất cả, thẩm mỹ viện như một vị tướng giỏi sẽ tiêu diệt được hàng loạt quân thù của tuổi già.
- Bỏ tiền ra mua được nhan sắc và tuổi trẻ ai mà không thích, phụ nữ nào cũng thế, bất kể giàu nghèo, dù sợ đau, dù sợ tốn tiền nhưng cứ nghĩ đến thành qủa tốt đẹp là ai cũng mơ ước được đi thẩm mỹ viện sửa sang nhan sắc.
- Anh đừng nói oan cho phụ nữ, thời buổi này đàn ông cũng xài mỹ phẩm kem dưỡng da và đi thẩm mỹ viện hàng đống kìa, từ hút mỡ bụng đến cắt mí mắt, chẻ cằm và nâng da mặt.
- Anh biết rồi, có người nghiện shopping, nghiện thẩm mỹ như nghiện ma túy. Nhưng...
- Nhưng cái gì? Anh lúc nào cũng yếm thế bàn lui.
Anh Bông nghi ngại nói tiếp:
- Công nhận hiệu qu
ả của thẩm mỹ viện, nhưng vẫn có khi tiền mất tật mang đấy. Em coi chừng.
- Em đọc tin trên net trên báo rồi, những ca giải phẫu thẩm mỹ hỏng hay hậu quả về sau này làm người đẹp thành Thị Nở chứ gì... Xác suất, tai nạn nghề nghiệp ở đâu chẳng có, người ta đi thẩm mỹ viện về vẫn trẻ đẹp phơi phới thấy mà ham.
Anh Bông khẳng định:
- Còn anh không ham đâu. Bao năm qua anh nhìn em từ trẻ đến già quen mắt rồi, em có già, em có xấu đi anh vẫn thấy bình thường.
- Ðấy, đấy, anh vừa nói em xấu. Tội tình gì anh phải chịu đựng một người vợ xấu mãi chứ!
Anh Bông thoáng mơ màng:
- Anh vẫn thích dung mạo người phụ nữ đi cùng với thời gian, những nếp nhăn vầng trán khi cau mày, khi suy tư, những vết chân chim đánh dấu tuổi đời nơi đuôi mắt và những nếp nhăn nơi khóe môi khi người đàn bà lặng lẽ chẳng hé nụ cười đều là nét đẹp của thời gian đấy em. Nếu anh là họa sĩ anh sẽ vẽ chân dung nhan sắc này.
Chị Bông dỗi hờn:
- Nói như anh thì hoa hậu phải là một bà già, càng già càng đẹp chắc? Cũng may anh không là họa sĩ để các bà già như em đỡ phải tủi thân vì bị anh phơi bày những sự thật phũ phàng của con người trần thế.
Anh Bông vẫn thản nhiên mỉm cười:
- Nếu mai mốt em đi thẩm mỹ viện về với mí mắt cắt xinh, với sóng mũi cao thon gọn, với da mặt vừa căng tươi trẻ có khi làm anh bị sốc nặng vì không nhận ra em, không tin đây là bà Bông, bà vợ già thân thương của anh.
Chị Bông cụt hứng, nỗi lòng thẩm mỹ viện của chị xẹp hẳn xuống. Người mà chị cần ủng hộ nhất đã không mấy ủng hộ chị thì còn gì là hào hứng nữa.
Anh Bông chợt nhớ ra:
- Chắc em còn nhớ một tin đăng trên net, anh chàng người Trung Quốc kia sung sướng hãnh diện cưới được cô vợ xinh đẹp nhưng khi đứa con đầu lòng chào đời nó qu
á xấu làm anh ngạc nhiên, sau đó anh mới biết đứa con xấu giống y như mẹ nó ngày xưa khi chưa đi thẩm mỹ viện. Anh ta thất vọng và tức giận bèn thưa cô vợ ra tòa về tội... lừa đảo.
Chị Bông bênh vực:
- Cô ấy chỉ làm đẹp chứ có làm gì đâu anh? Sao người chồng lại nặng lời với cô đến thế?
- Em ơi, chẳng khác nào hàng xấu đem sơn phết sửa chữa lại cho đẹp và hưởng gía trị cao thì không dối gạt là gì?
Ðang lúc này thì điện thoại reo vang, nhìn thấy số phone của chị Liên, chị Bông nghĩ thầm: Liên gọi để bàn chuyện đi sửa sắc đẹp với mình đây. Biết nói sao bây giờ??
Chị Bông và chị bạn thân tên Liên, hai người luôn tâm đắc về chuyện đi thẩm mỹ viện, cả hai đều tính toán và toan tính mấy lần mà chưa đi đến quyết định.
Chị Bông mới rủ chị Liên đi căng da mặt, sau khi cả hai cùng nghiên cứu những kiểu căng da mặt trên các trang web cũng như gọi điện thoại tham khảo trực tiếp với bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, chị Liên hào hứng nhận lời ngay.
Chị Bông ra nghe phone, chị Liên nói ngay vào đề tài chị Bông đang nghĩ:
- Liên đã suy nghĩ kỹ về chuyện chúng mình đi căng da mặt rồi.
Chị Bông dè dặt đợi chờ bạn bày tỏ trước rồi sẽ xin lỗi rút lui sau:
- Tôi cũng đang suy nghĩ về vấn đề này đây.
Chị Liên buồn rầu:
- Bà chị họ của Liên vừa cắt mi mắt bị tai nạn, một mắt nhắm được một mắt mở hoài chị Bông ơi.
- Liên có nói lộn không? bữa hôm Liên kể là bà ấy trông trẻ hẳn ra sau khi cắt mí mắt thành công mà?? Không lẽ là bà chị họ khác của Liên?
- Vẫn là bà chị họ này. Ðúng là chị ấy cắt mí mắt thành công tốt đẹp, nhưng là hai mí mắt dưới vì mắt dưới có bọng mỡ, hủy được hai túi mỡ không trẻ ra sao được. Lần này chị ấy cắt nốt hai mí mắt trên cho thêm trẻ đẹp thêm hoàn hảo thì tai họa xảy ra. Hay là tham thì thâm hả chị Bông??
Chị Bông bàng hoàng kêu lên:
- Trời! không ngờ chị ấy bị xui đến thế. Ham làm đẹp chứ có ham của cải bạc tiền gì đâu mà trách chị ấy tham thì thâm. Bác sĩ có bồi thường hay chữa trị gì không hả Liên?
- Ðền được vạ thì má đã sưng, ông bà ta nói thế, với lại trước khi phẫu thuật bệnh nhân đều phải ký giấy tờ cam kết chấp nhận xác suất rủi ro thì bắt đền ai bây giờ. Bác sĩ nói một giây thần kinh nơi mí mắt ấy đã bị tổn thương không hoạt động.
Chị Bông đang ngẩn ngơ thì chị Liên nói tiếp:
- Nhân dịp này Liên lại nghe bạn bè kể về một tai nạn sửa sắc đẹp khác là căng da mặt bị lệch, bên nhiều bên ít, trông mặt phẳng ra đấy, trẻ ra đấy mà vẫn khác thường ai nhìn vào cũng nhận ra sự không cân xứng này...
- Thật ra những biến cố từ thẩm mỹ viện tôi cũng nghe nhiều lần rồi, trong giới showbiz Việt Nam có mấy cô nổi tiếng đẹp nhờ dao kéo đang bị tác hại ngược dòng, người ta đang khuyến cáo mấy cô này nên chấm dứt ngay việc lạm dụng thẩm mỹ viện, nay nghe Liên kể thêm tôi thật sự quan tâm.
Chị Liên cương quyết:
- Liên quyết định không đi thẩm mỹ viện như đã hứa với chị Bông đâu.
- Tôi cũng thế, lòng dạ nào mà đi căng da mặt nữa chứ.
- Liên đành an 
ủi sửa sắc đẹp chỉ đẹp phù du vài năm thì không đáng cho chúng mình phải liều mạng. Thôi đừng buồn, đừng tiếc và đừng nghĩ tới nó nữa nghe chị Bông.
- Ừ, anh Bông nhà tôi cũng không vui vẻ ủng hộ nên tôi đang đứng ở ngã ba đường, nay nghe Liên kể thì tôi biết mình sẽ bước về phía nào rồi.
Chị Liên sợ bạn buồn nên cố tìm lời an ủi:
- Hai đứa mình già và xấu mà gia đình đề huề yên ấm cho đến bây giờ còn hơn bao người đẹp chuyện đời bất hạnh dở dang.
- Ừ.. ừ...
- Hai đứa mình già và xấu mà sức khỏe bình thường là qúy rồi, thử hỏi nếu bây giờ mình đi thẩm mỹ viện và đẹp như hoa hậu thế giới mà khám phá ra một căn bệnh ung thư giai đoạn cuối thì có vui không ?
- Ừ, ừ...
Chị Liên vẫn còn đà nói tiếp:
- Hai đứa mình già và xấu mà!..
Chị Bông phải ngắt lời:

- Sao Liên cứ nói mãi câu Hai đứa mình già và xấu thế? Nghe đau lòng lắm.. Tóm lại mình chấp nhận hiện tại những gì mình có cho an toàn chứ gì.

Chị Liên kết luận:
- Với lại những bà sửa sắc đẹp chống lại tuổi già thì sớm muộn gì vài năm sau nhan sắc lại trở về vị trí cũ, họ mà theo đuổi thẩm mỹ viện hoài thì sẽ sạt nghiệp, còn hai đứa mình già và xấu mà tiền vẫn vững vàng trong nhà băng không sướng hơn sao..
Chị Bông lại sửa sai bạn:
- Ðấy, Liên lại nói Hai đứa mình già và xấu nữa rồi... Không, chồng tôi nói những vết nhăn nhó, những vết tàn phá của tuổi già là kỷ niệm khắc ghi của thời gian, là nét đẹp của thời gian...
- Anh ấy thật có lý. Hoan hô vợ chồng chị Bông đã nhìn ra vẻ đẹp của tuổi già mà không tốn một xu teng nào cho thẩm mỹ viện.
Chị Bông mắng yêu bạn:
- Liên ba phải ghê, hôm nọ hăng tiết đòi đi thẩm mỹ viện với tôi, hôm nay lại hăng máu ủng hộ quan điểm không đi của anh Bông, nhưng dù sao tôi cũng cám ơn Liên đã nhanh chóng tỉnh ngộ cũng như tôi. Tí nữa thì chúng mình phung phí tiền bạc mua sự bất trắc và cái đẹp nhất thời rồi.
Chị Bông và chị Liên cùng vui vẻ tạm biệt nhau. Anh Bông nãy giờ ngồi đọc báo gần đó dù muốn dù không cũng nghe đủ cuộc nói chuyện của vợ:
- Thế là em và chị Liên cùng bỏ ý định đi thẩm mỹ viện căng da mặt rồi phải không?
- Dứt khóat là không rồi anh ạ, mỗi lần thử máu khám tổng quát em đều run sợ khi bác sĩ chích cây kim vào tay thì tội tình gì tự nhiên lại đến văn phòng bác sĩ, lại đụng vào dao kéo, lại tốn tiền và chờ đợi lo âu.
Anh Bông vui vẻ:
- Anh sẽ chỉ em bí quyết trẻ lâu mà không tốn tiền tốn công đi thẩm mỹ viện nè.
Nghe tới trẻ lâu chị Bông lại sáng mắt ra:
- Anh đừng đùa cho em mừng hụt nhé, ở đời có gì kết qu
ả tốt đẹp mà không tốn tiền hả anh?
- Dễ lắm, hàng miễn phí, kết quả tốt đẹp mà người ta không biết cách xài thôi. Em hãy sống thanh thản vơi bớt lòng đố kỵ hay buồn giận vu vơ đi thì sẽ lâu già.
Chị Bông nhún vai:
- Biết từ lâu rồi !
- Vậy tại sao em chỉ đổ lỗi cho thời gian. Chính em đã tự làm em già thêm xấu thêm chứ không chỉ vì thời gian đâu. Thí dụ em thấy chị Thúy căng da mặt em tức tối ghen tị và muốn mình cũng trẻ đẹp như người ta. Hàng ngày em ôm bao cái khổ cái buồn của thiên hạ vào người, xem phim truyện trên ti vi em chép miệng thở dài cho thân phận nhân vật, đọc tin tức báo net Việt Nam em thưong xót cho cả tên tội phạm chỉ vì giây phút nóng giận nông nỗi đã thành kẻ sát nhân.
Chị Bông thở dài chấp nhận:
- Anh nói nhiều điều đúng, em chỉ thương vay khóc mướn giùm người ta cũng đủ héo hon cả lòng.
- Ðấy, em lại thở dài rồi em nhạy cảm theo hoàn cảnh cuộc đời là điều dễ thương lắm, nhưng xong giây phút ấy rồi thôi, đằng này em khư khư giữ trong lòng, ngày nào em cũng vào đọc báo mạng và chờ tin phiên toà xử tên tội phạm, rồi chờ tin toà thi hành án tên tội phạm thì nỗi buồn kéo dài cả đời chưa hết.
- Chẳng qua là em thương xót cho cha mẹ, thân nhân bên bị hại cũng như bên bị cáo, cả hai bên đều mất mát đau thương..
Anh Bông liệt kê tiếp:
- Chưa hết, mỗi ngày nhà mình nhận mấy cú phone quảng cáo em đều kiên nhẫn nghe đủ, vì nể nang, vì lịch sự không nỡ cúp phone ngang xương dù người quảng cáo ấy chẳng biết chị Bông là ai. Nghe xong em lại chép miệng thở dài tội nghiệp mấy người đi quảng cáo chào mời này không biết họ có kiếm được khách hàng, có đủ sống không !
Chị Bông phân bày:
- Tội nghiệp thật anh ạ, thà rằng họ đi làm lao động mấy đồng một giờ em thấy còn chắc là có cơm ăn áo mặc hơn là quảng cáo bán đủ thứ trên phone, mấy ai tin tưởng các loại business không thấy bóng thấy hình người này?
- Trái tim em có mấy ngăn mà toàn lo nghĩ chuyện trời ơi. Hèn gì em già nhanh và xấu nhanh đến thế, mặt em lúc nào cũng u sầu cau có như nhà khó hết gạo, như trong băng hết tiền, như người có mối tình tri kỷ vừa cất cánh bay đi.
- Thôi anh đừng ví von nữa, em hiểu ra rồi. May mà anh ở bên cạnh em hàng ngày hàng giờ đã nhận ra điều này. Em sẽ thay đổi thái độ và cảm xúc mình, em sẽ cố gắng hồn nhiên vô tư như đứa tuổi teen mới lớn. 
- Người ta nói Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Em biết chưa?
Chị Bông lại nhún vai:
- Biết từ lâu rồi !
- Ðiều gì em cũng Biết từ lâu rồi. Vậy bây giờ em hãy thực hiện đi, hãy chứng minh bằng một nụ cười xem có tươi không nào, đừng sợ cười nhiều tạo vết nhăn khi nụ cười mang lại sự sảng khóai cho tâm hồn.
- Ðây nè.
Chị Bông nở một nụ cười, nụ cười thật tươi tắn từ thâm tâm chị khi đã hiểu ra và chấp nhận với những gì mình đang có, chấp nhận một nhan sắc về già theo quan niệm của anh Bông. Người ta sẽ trẻ lâu từ tâm hồn thanh thản.
Ai cũng có thời thanh xuân, ai cũng có thời nhan sắc của mình và nhan sắc ấy đẹp theo mỗi độ tuổi ngay cả khi ta đã già tuổi đời xế bóng với bao nhiêu dấu vết của thời gian và buồn vui của đời người.

Nguyễn Thị Thanh Dương


" Chiếc Vòng Đeo Cổ - The Necklace "


Cô gái ấy là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp và quyến rũ, được sinh ra, như thể là một run rủi của số phận, vào một gia đình nghèo, với người cha là thư ký. Cô không có của hồi môn, không có hy vọng, không có cách nào được những người đàn ông giàu có và danh giá biết đến, tìm hiểu, yêu, và kết hôn; vì vậy cô ấy đã kết hôn với một nhân viên thư ký cấp thấp của Bộ Giáo Dục.

Phục sức của cô ta rất giản dị vì không có những bộ quần áo đẹp, bởi vậy cô ta không vui với cảm giác như người bị rơi xuống từ một vị trí cao đẹp hơn. Vì đối với phụ nữ không có giai cấp hay thứ bậc cao trong xã hội, tuy rằng có nhan sắc, duyên dáng và quyến rũ cũng chẳng thay đổi được gì trước hoàn cảnh của gia đình. Chỉ có sự khéo léo bẩm sinh, bản năng thanh lịch, một trí óc thông minh là thứ bậc duy nhất của họ, để khiến người phụ nữ bình dân được xem là ngang bằng với những quý cô, quý bà ở giai cấp thượng lưu.

Mathilde đã cảm thấy đau khổ không ngừng, cô ta thầm nghĩ bản thân của cô, đáng lý, được sinh ra để tận hưởng những món ngon, vật lạ, và mọi thứ xa xỉ. Cô ta đau khổ trước sự nghèo nàn của gia đình, trước sự trống trải không vật trang trí của của bốn bức tường, những chiếc ghế tồi tàn, những tấm rèm xấu xí. Tất cả những thứ đó, mà một người phụ nữ khác sẽ không bao giờ phải dùng đến, đã tra tấn cô ta, và khiến cô ấy tức giận. Hình ảnh một phụ nữ bình dân ở thành phố Breton nhỏ bé làm công việc nhà khiêm tốn đã khơi dậy trong cô những nỗi hối hận tuyệt vọng và những giấc mơ hoang mang. Cô nghĩ đến những căn phòng được treo bằng tấm thảm phương Đông sặc sỡ, được chiếu rọi bởi ánh sáng của những chiếc nến gắn trên những chân bằng đồng bóng loáng, và về đôi tay dựa chạm trổ thật đẹp của những chiếc ghế bành lớn đặt bên cạnh lò sưởi bập bùng lửa ấm. Cô nghĩ về những hành lang dài dẫn tới phòng khách được trang trí bằng những giải lụa đắt tiền, những chiếc tủ trang nhã chứa những vật vô giá và những căn phòng tiếp khách đầy hương thơm để trò chuyện lúc 5 giờ chiều với những người bạn thân thiết, với những người đàn ông nổi tiếng được nhiều người biết đến, những người mà tất cả phụ nữ đều ghen tị và đều mong muốn được họ để ý đến.

Khi cô ngồi xuống ăn tối, trước chiếc bàn tròn phủ khăn trải bàn đã dùng từ ba ngày qua, đối diện với chồng cô, người đang mở vung liễn súp và tuyên bố với vẻ thích thú, "Ồ, món súp thật ngon! Tôi không biết có món gì ngon hơn thế nữa," cô ấy đang nghĩ về những bữa tối sang trọng, về những món đồ bằng bạc sáng lấp lánh, về tấm thảm trải dài trên những bức tường có thêu những nhân vật cổ xưa và những con chim lạ đang bay giữa khu rừng cổ tích; và cô ấy đang nghĩ về những món ăn ngon được bày trên những chiếc đĩa tuyệt đẹp và về những lời khen và nụ cười dịu dàng trong khi đang thưởng thức những món ăn tuyệt vời.

Cô không có áo dạ hội, không có đồ trang sức, không có gì cả. Và cô không thích gì ngoài những thứ đó. Cô ta cảm thấy cô được sinh ra để có những thứ đó. Cô ta sẽ rất hài lòng khi bị người khác ghen tị, cô muốn được quyến rũ, được săn đón.

Cô có một người bạn, một người bạn học cũ, người này rất giàu có, và đó cũng là người mà cô không muốn gặp nữa, vì sẽ cảm thấy rất buồn khi quay trở về nhà.

Nhưng vào một buổi tối, chồng cô về đến nhà với vẻ mặt hân hoan và cầm trên tay một chiếc phong bì lớn.

"Đây," anh ta nói, "có một tin vui đặc biệt cho em."

Cô nhanh chóng xé phong bì và rút ra một tấm thiệp với những dòng chữ:

"Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Bà Georges Ramponneau trân trọng mời Ông Bà Loisel tham dự buổi dạ vũ tại đại sảnh đường của Bộ vào tối thứ Hai, ngày 18 tháng Giêng."

Thay vì vui mừng, như chồng cô đã hy vọng, cô ném tấm thiệp mời lên bàn và lẩm bẩm:

- Anh muốn em phải làm gì với nó?

- Sao vậy em? Anh nghĩ rằng em sẽ vui mừng. Em rất ít khi đi ra ngoài, và đây là một cơ hội tốt. Anh đã cố gắng rất nhiều để có được tấm thiệp này. Mọi người đều muốn tham dự; đây là một buổi dạ vũ rất chọn lọc, rất ít nhân viên được mời. Tất cả các nhân vật cao cấp của Bộ và giới thượng lưu sẽ đều sẽ có mặt ở đó.

Cô ta nhìn chồng với ánh mắt cáu kỉnh:

- Vậy thì anh muốn em sẽ mặc thứ gì trên người?"

Người chồng thì thực sự đã không nghĩ đến điều đó. Anh ta lắp bắp:

- Anh thấy chiếc váy em mặc hôm đi xem hát trông rất đẹp, đối với anh.

Người chồng dừng bặt khi thấy vợ đang khóc. Hai giọt lệ từ khóe mắt đang từ từ chảy xuống đôi bờ môi. Anh vội vã hỏi:

- Sao vậy em? Có chuyện gì vậy?

Bằng một cố gắng phi thường, cô ta đã chiến thắng nỗi đau của mình và trả lời bằng một giọng bình tĩnh, trong khi lau đôi má ướt:

- Không có gì. Chỉ là em không có áo dạ hội, và như thế, em không thể đến dự buổi dạ vũ này. Hãy đưa thiệp mời này cho một đồng nghiệp nào đó của anh có vợ với nhiều trang phục đẹp hơn em.

Người chồng cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng anh ta lại tiếp tục:

- Xem nào, Mathilde. Với giá bao nhiêu để có một chiếc áo dạ hội phù hợp, mà sau đó em có thể dùng vào những dịp khác nữa - một chiếc áo không quá xa xỉ?

Cô ta lặng thinh suy nghĩ vài giây, tính nhẩm và tự hỏi mình có thể đòi hỏi một số tiền như thế nào để không bị từ chối ngay lập tức, cùng với một câu than thở từ người chồng, chỉ là một viên thư ký thường trong xã hội.

Sau cùng cô ta ngập ngừng trả lời:

- Em không biết chính xác giá là bao nhiêu, nhưng em nghĩ rằng với bốn trăm franc thì có thể xoay sở được.

Người chồng hơi tái mặt, bởi vì nó tương đương với số tiền mà anh ta đã dành ra để mua một khẩu súng săn để tự thưởng cho mình trong một cuộc săn bắn vào mùa hè năm sau trên cánh đồng Nanterre, cùng với một số bạn hữu đã từng cùng nhau đi săn chim ở đó.

Nhưng anh ta nói:

- Không sao. Anh sẽ cho em bốn trăm franc. Và em hãy cố gắng để có một chiếc áo dạ hội thật đẹp.

Ngày dạ hội gần kề và cô Loisel lại có vẻ buồn bã, bứt rứt, lo lắng, tuy rằng chiếc áo dạ hội của cô đã sẵn sàng. Một buổi chiều, người chồng nói:

- Có chuyện gì vậy? Ba ngày qua, trông em có vẻ gì rất lạ.

- Em cảm thấy thật khó chịu khi không có một món đồ trang sức nào để đeo. Em trông như một kẻ nghèo nàn. Thế cho nên gần như không muốn đi dự dạ hội chút nào nữa cả.

- Em có thể trang sức bằng những đoá hoa tươi. Chúng hiện đang là thời trang trong năm. Với mười franc, em có thể mua được hai hoặc ba bông hồng rất đẹp.

Cô xem ra không dễ bị thuyết phục.

- Không, không có gì xấu hổ hơn là trông có vẻ nghèo nàn giữa những người phụ nữ giàu có khác.

Người chồng nói:

- Vậy thì sao em không đến gặp bạn em, bà Forestier, và yêu cầu bà ta cho em mượn một ít đồ trang sức. Em là bạn thân của bà ta mà.

Người vợ thốt lên một lời sung sướng:

- Đúng vậy! Thế mà em không nghĩ ra.

Ngày hôm sau, cô ta đến gặp người bạn thân của mình và kể cho cô ấy nghe về nỗi ray rứt của mình.

Bà Forestier đi đến tủ quần áo có chiếc gương lớn, lấy ra một hộp đựng nữ trang lớn, mở ra và nói với cô Loisel:

- Bạn hãy tuỳ ý lựa chọn.

Lần đầu tiên cô được nhìn thấy một số vòng đeo tay, một chiếc vòng đeo cổ bằng ngọc trai, sau đó là một bộ thập tự giá bằng vàng của Venice với những viên đá quý, thật đẹp. Cô thử các đồ trang sức trước gương, do dự và không thể quyết định. Cô hỏi:

- Bạn còn thứ gì khác nữa không?

- Ồ, có chứ. Thế nhưng tôi không thể đoán là bạn thích gì.

Đột nhiên cô nhìn thấy trong một chiếc hộp được lót bằng vải sa tanh đen, một chiếc vòng đeo cổ kim cương tuyệt đẹp, và trái tim cô đập rộn ràng trong niềm khao khát khôn nguôi. Tay cô run lên khi cầm lấy nó. Cô đeo nó lên cổ, bên ngoài cổ áo cao, và ngây ngất trước hình ảnh của mình trong gương.

Sau đó, cô ấy hỏi, ngập ngừng, và lo lắng:

- Bạn cho tôi mượn chiếc vòng này, chỉ chiếc vòng này thôi, được không?

- Không có gì. Dĩ nhiên là được.

Cô vòng tay qua cổ bạn mình, và tặng bạn một chiếc hôn trên má thật nồng thắm, và trở về nhà với báu vật đó.

Trong buổi tối dạ tiệc, Loisel đã thoả ước vọng từ bao lâu nay. Cô ta xinh đẹp hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác, thanh lịch, duyên dáng, tươi cười và vui vẻ. Tất cả những người đàn ông đều nhìn cô, hỏi tên cô, tìm cách tự giới thiệu. Tất cả các thành viên cao cấp của Bộ đều mong muốn được khiêu vũ cùng cô. Cô được chính ông bộ trưởng ngỏ lời khen ngợi.

Cô ta đã khiêu vũ trong sự sung sướng, với niềm đam mê, say đắm trong khoái lạc, quên đi tất cả mọi thứ xung quanh, trong niềm hân hoan, tự hào về sắc đẹp của cô, trong vinh quang của sự thành công, trong một đám mây hạnh phúc bao gồm tất cả sự tôn trọng, ngưỡng mộ, những khao khát trổi dậy và ý nghĩa của chiến thắng đó là hương vị rất ngọt ngào đối với trái tim của người phụ nữ.

Cô ta rời buổi dạ vũ vào khoảng bốn giờ sáng. Chồng cô đã ngủ từ nửa đêm trong một căn phòng nhỏ vắng vẻ với ba người đàn ông khác có vợ cũng đang say mê với đêm dạ vũ.

Người chồng quàng lên vai vợ một chiếc áo choàng ấm mà anh đã mang theo, một chiếc khăn choàng xoàng xĩnh, nghèo nàn, của giới bình dân, thật tương phản với vẻ sang trọng của chiếc áo dạ hội mà cô đang mặc. Cô cảm thấy ngượng về điều này và muốn tránh để không bị nhìn thấy bởi những người phụ nữ khác, những người đang khoác trên mình những chiếc áo lông đắt giá.

Người chồng níu cô lại, nói:

- Chờ anh một chút. Ra ngoài bây giờ em sẽ bị cảm lạnh. Để anh gọi taxi.

Nhưng cô không nghe anh ta và nhanh chóng đi xuống cầu thang. Khi đến đường, họ không thể tìm thấy một chiếc xe taxi nào cho dù đã gọi khản cổ với những chiếc taxi chạy qua ở khoảng xa.

Họ đi về phía sông Seine trong tuyệt vọng, rùng mình vì lạnh. Cuối cùng, họ cũng tìm được một chiếc taxi cũ mèm, có lẽ chỉ dám xuất hiện trong đêm tối vì sẽ để lộ ra sự xấu xí của nó vào ban ngày, đó là những chiếc taxi không bao giờ được nhìn thấy quanh Paris cho đến khi trời tối.

Chiếc taxi xấu xí đó đưa họ về đến nơi ở của họ ở Rue des Martyrs, và với dáng điệu mệt mỏi, họ đã lê từng bước chân trên chiếc cầu thang để lên căn phòng của mình. Đối với cô thì mọi việc đã xong. Nhưng đối với người chồng, thì anh ta phải có mặt tại sở lúc mười giờ sáng hôm đó.

Cô cởi chiếc áo choàng của mình, và đứng trước tấm kính để một lần nữa nhìn thấy chính mình trong tất cả vinh quang vừa đạt được của cô ta. Nhưng đột nhiên cô ta bật lên tiếng la hốt hoảng. Bởi vì chiếc vòng đã không còn trên cổ cô ta nữa!

- Chuyện gì vậy em?

Với khôn mặt thất thần, cô quay về phía chồng:

- Em đã ... em đã ... em đã đánh mất chiếc vòng đeo cổ của Bà Forestier.

Và nước mắt của cô tuôn dài trên má.

Người chồng ngơ ngác đứng lặng người, lắp bắp:

- Cái gì! ... Tại sao? ... Không thể nào!

Và rồi cả hai vợ chồng lục lọi từng nếp gấp của chiếc áo dạ hội, trong túi, tất cả mọi nơi, nhưng vẫn không tìm thấy nó.

Người chồng hỏi:

- Em có chắc là em vẫn còn đeo nó khi rời dạ hội?

- Chắc chắn. Em vẫn còn cảm thấy nó trên cổ khi ra phòng ngoài, lúc ra về.

- Có thể em đã làm mất nó khi đi trên đường, thế nhưng chúng ta phải nghe thấy khi nó rơi xuống đường. Hay là nó rơi trên xe taxi?

- Có thể là vậy. Anh có nhớ số của chiếc taxi đó không?

- Không. Còn em thì sao?

- Cũng không.

Họ nhìn nhau trong ánh mắt kinh hoàng. Sau cùng thì người chồng mặc quần áo vào:

- Anh sẽ đi bộ lại quãng đường mà chúng ta đã đi qua, xem có thể tìm thấy nó không.

Anh chồng bước ngay ra khỏi nhà, và người vợ thẫn thờ ngồi bệt trên chiếc ghế để chờ chồng. Đầu óc trống rỗng, cô ta không còn một chút sức lực nào để lê mình đến chiếc giường ngủ.

Người chồng trở về lúc bảy giờ sáng, không tìm thấy gì cả.

Anh ta đã ghé qua sở cảnh sát để khai báo, đến toà báo để đăng giải thưởng cho người nhặt được; anh cũng đến hãng taxi, khắp nơi, chỗ nào cho anh chút hy vọng mỏng manh là sẽ tìm được chiếc vòng đeo cổ đó.

Người vợ thì đã ngồi yên trên chiếc ghế để chờ chồng trong trạng thái lo sợ cùng cực trước tình thế khủng khiếp như thế này. Và rồi người chồng đã trở về với đôi bàn tay không. Anh nói:

- Em nên viết thư cho bạn em và nói rằng em đã vô tình làm gẫy cái khoen cài của chiếc vòng và đã đem ra tiệm để sửa. Như thế chúng ta sẽ có thời gian để tìm cách hoàn trả lại cho bạn em.

Người vợ đã viết như lời người chồng nói.

Đến cuối tuần thì họ đã hoàn toàn thất vọng. Và cả hai vợ chồng trông đã già đi cả năm tuổi.

- Chúng ta phải tìm cách thay thế chiếc vòng đã mất.

Ngày hôm sau họ đem chiếc hộp đến tiệm bán nữ trang, với tên in trên chiếc hộp đó, để hỏi thăm. Thế nhưng tiệm kim hoàn cho biết:

- Chúng tôi không bán loại nữ trang này, mà chỉ cung cấp hộp đựng nữ trang mà thôi.

Và rồi, họ đi từ tiệm kim hoàn này sang tiệm kim hoàn khác, tìm kiếm một chiếc vòng cổ giống như đã mượn, cố gắng để tìm cho thật giống, cả hai đều chán chường và đau buồn.

Và sau cùng thì họ tìm thấy, trong một cửa hàng nữ trang ở Palais Royal, một chiếc vòng đeo cổ kim cương, mà đối với họ, dường như giống hệt với chiếc vòng mà họ đã đánh mất. Nó trị giá bốn mươi ngàn franc. Và họ được cho biết là có thể mua với giá ba mươi sáu ngàn franc.

Vì vậy, họ xin tiệm kim hoàn đừng bán nó trong ba ngày. Và họ đã trả giá được là ba mươi bốn nghìn franc, phòng trường hợp họ sẽ tìm thấy sợi dây chuyền bị mất trước cuối tháng Hai.

Anh Loisel hiện có mười tám nghìn franc mà cha anh đã để lại cho anh. Anh ta sẽ vay phần còn lại.

Anh ta đã vay mượn khắp nơi, một ngàn franc nơi này, năm trăm franc nơi khác, thậm chí năm franc ở đây, ba franc ở kia. Anh ta đã ghi chép cẩn thận, bằng lòng vay mượn với tất cả điều kiện của những người cho vay, cho dù với giá cắt cổ, thậm chí chưa chắc có thể trả nợ được, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng. Anh ta đã đã đem tất cả những ngày còn lại của cuộc đời mình, liều mạng ký vào những tờ giao kèo vay nợ mà không hề biết liệu mình có thể hoàn trả được nó hay không; và, sợ hãi vì những rắc rối sẽ xảy đến, bởi sự khốn khổ đen đủi sắp ập đến với anh ta, bởi viễn cảnh của tất cả những hậu quả về vật chất và tinh thần mà anh ta sẽ phải chịu đựng. Anh ta đã mua được chiếc vòng đeo cổ mới, sau khi đặt đặt lên quầy của tiệm kim hoàn ba mươi sáu nghìn franc.

Khi cô Loisel đem trả lại chiếc vòng đeo cổ, bạn cô, bà Forestier đã nói với cô ta với vẻ lạnh lùng:

- Bạn nên trả lại tôi sớm hơn; vì tôi cần nó.

Cô Loisel đã không dám mở chiếc hộp, vì sợ rằng người bạn sẽ nhận ra không phải là chiếc vòng đã cho mượn. Nếu người bạn biết ra sự thay thế, bà ta sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì? Bà ta có thể sẽ nghĩ rằng cô Loisel là một kẻ gian chăng?

Và như thế, cô Loisel đã thấu hiểu được sự đau khổ khủng khiếp của những người nghèo. Tuy nhiên, cô ấy đã chịu đựng phần của mình, và làm một hành động rất can đảm và anh hùng một cách thật là đột ngột. Món nợ khủng khiếp đó sẽ phải trả. Cô và chồng sẽ trả nó. Họ từ bỏ tất cả những gì đang có; họ đã thay đổi chỗ ở, và thuê một căn gác tồi tàn làm nơi trú ngụ.

Cô ấy đã phải làm những công việc nặng nhọc như những công việc giữ gìn, lau chùi nhà bếp bẩn thỉu, ghê tởm. Cô rửa bát, dùng những ngón tay xinh xắn và móng tay hồng hào của mình trên những chiếc xoong, chảo đầy dầu mỡ. Cô đã giặt khăn trải giường bẩn, áo sơ mi và khăn lau bát đĩa, rồi đem phơi trên những sợi dây phơi quần áo; sáng nào cô cũng phải lê đôi dép xuống phố và gánh nước thuê, chỉ dừng lại thở mỗi khi quá mệt. Và ăn mặc như một phụ nữ bần cùng, khi đến những hàng bán trái cây, tạp hóa, bán thịt, với chiếc giỏ trên tay, cô đã mặc cả, tiết kiệm, bảo vệ số tiền khốn khổ của cô ta, từng đồng xu một.

Hàng tháng, họ phải đối diện với những giấy tờ vay mượn đáo hạn, năn nỉ xin thêm thời gian, khất lần, xin gia hạn...

Chồng cô thì phải làm việc thêm vào buổi tối, trong đêm khuya anh ta sao chép bản thảo, giấy tờ cho khách hàng với giá rẻ mạt, chỉ có 5 xu một trang.

Cuộc sống ấy đã kéo dài suốt mười năm.

Sau mười năm, họ đã trả được tất cả những món nợ, tất cả, kể cả những món nợ cho vay cắt cổ.

Cô Loisel giờ trông đã già. Cô đã trở thành người phụ nữ của những gia đình nghèo khó - mạnh mẽ, cứng rắn và thô kệch. Với mái tóc bù xù, váy áo xộc xệch và bàn tay thô kệch, cô ta thường to tiếng trong khi lau rửa sàn nhà với những vũng nước lớn. Nhưng đôi khi, lúc chồng cô còn đang làm việc ở văn phòng, cô ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ và nghĩ về buổi tối đầy hoan lạc cách đây rất lâu, về buổi dạ vũ mà cô là người rất đẹp và rất được ngưỡng mộ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy không làm mất chiếc vòng đeo cổ đó? Ai biết? Ai biết? Cuộc đời thật kỳ lạ và thay đổi làm sao! Một vật nhỏ bé có thể làm nên hoặc hủy hoại cuộc đời của chúng ta !

Thế rồi vào một ngày chủ nhật, khi đang đi dạo ở đại lộ Champs Elysees để khuây khoả bản thân sau những vất vả trong tuần, cô chợt nhận ra một người phụ nữ đang dắt theo một đứa trẻ. Đó là bà Forestier, vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn quyến rũ.

Cô Loisel cảm thấy rất xúc động. Cô ấy tự hỏi có nên nói chuyện với bà ta không? Được chứ. Cô ta đã trả xong nợ, cô sẽ kể cho bà ta nghe tất cả về điều đó. Tại sao lại không?

Và cô Loisel đã đi đến trước mặt bà Forestier.

- Chào bạn, chúc bạn một ngày tốt lành, Jeanne.

Bà Forestier, ngạc nhiên khi được người nghèo nàn xưng hô một cách quen thuộc với mình, bà  hoàn toàn không nhận ra cô Loisel, và lắp bắp:

- Thưa bà! ... Tôi không biết ... Chắc bà đã lầm người ...

- Không lầm đâu. Tôi là Mathilde Loisel.

Bạn của cô ta đã kêu to:

- Ôi, Mathilde, sao lại ra như thế này? Người bạn đáng thương của tôi! Bạn đã quá thay đổi!

- Đúng vậy, tôi đã có một cuộc sống rất khổ cực, kể từ lần cuối tôi nhìn thấy bạn, và sự nghèo khổ cùng cực này là do bạn mà ra!

- Do tôi làm ra? Tại sao vậy?

- Bạn có nhớ chiếc vòng đeo cổ kim cương mà bạn cho tôi mượn để đeo ở buổi dạ vũ ở bộ Giáo Dục không?

- Nhớ. Mà sao vậy?

- Tôi đã làm mất nó.

- Bạn nói gì tôi không hiểu. Bạn đã đem nó trả lại cho tôi rồi mà.

- Đúng. Tôi đã trả lại bạn bằng một chiếc khác giống hệt như nó. Và chúng tôi đã mất mười năm để trả nợ cho nó. Bạn có thể hiểu rằng điều đó không hề dễ dàng đối với chúng tôi, những người không có gì. Nhưng cuối cùng thì cũng đã xong, và tôi rất vui.

Bà Forestier khựng lại:

- Bạn nói rằng bạn mua một chiếc vòng kim cương khác để trả cho tôi?

Với nụ cười hãnh diện trên môi, Loisel tự hào:

- Đúng vậy. Như thế là bạn chưa bao giờ nhận ra điều đó! Chúng rất giống nhau phải không?

Bà Forestier, vô cùng xúc động, nắm chặt lấy tay người bạn thân từ thuở thiếu thời, giọng nói chìm trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Ôi, Thật tội nghiệp cho người bạn của tôi! Chiếc vòng đeo cổ của tôi chỉ là hàng giả để trang sức! Nó chỉ trị giá nhiều nhất là năm trăm franc mà thôi!

 

Bùi Phạm Thành

chuyển ngữ

(Đặc San Lâm Viên)

Chú thích:

The Necklace by Guy de Maupassant

Chuyện Chiếc Vòng Đeo Cổ (1884) là một truyện ngắn và cũng là một câu chuyện đạo đức nổi tiếng được đọc nhiều trong các lớp học trên khắp thế giới.