Tết Đoan Ngọ hàng năm nhằm mùng 5 tháng 5 âm lịch, tại cồn Mỹ
Phước đều có tổ chức ngày lễ hội trái cây. Chúng tôi đã từng tới, trải nghiệm
và nhận thấy lễ hội diễn ra nhiều năm không có những khác biệt lớn. Năm nay,
chúng tôi sẽ tìm hiểu lễ hội trái cây nhân tết Đoan Ngọ tại trung tâm cây giống
nổi tiếng của đồng bằng. Đó là huyện Chợ Lách, tỉnh Bên Tre.
Tour du lịch
Bến Tre của chúng tôi, nhóm cựu học sinh Hoàng Diệu 68-75, hình thành trên cơ sở
điều gì chưa biết thì tra google! Lịch trình hoàn tất, tìm bạn tham dự. Thời điểm
này nghỉ hè, một số bạn đã và đang có dự tính chuyện riêng. Cho nên cuối cùng
chỉ có 12 bạn cùng thời gật đầu chung cuộc chơi. Bốn giờ rưỡi sáng là có đủ mặt
trên xe. Tới phà Đại Ngãi mới mấy phút có chuyến phà đầu tiên trong ngày cập bến.
Qua cù lao Dung cũng may mắn tương tự. Xe tới lúc phà vừa cập bến. Thuận lợi
ban đầu nên xe tới thành phố Trà Vinh mới sáu giờ rưỡi sáng. Ghé quán bánh canh
Bến Có tại ngay Bến Có thưởng thức đặc sản nổi tiếng nơi này. Bánh canh cọng
bánh tầm, không rau, thịt khá nhiều, giá mềm. Cà phê quán cũng khá ngon. Mọi
người hài lòng chắc bụng. Trước quán có sạp bán bánh tết Trà Cuôn, cũng là đặc
sản của xứ này. Đặc sản đầu tiên cất trong bụng, đặc sản thứ hai cất trong xe vậy!
Lát sau xe lên cầu Cổ Chiên bắc qua nhánh sông Cửu Long cùng tên. Cầu này khánh
thành chưa tròn tháng và lần đầu chúng tôi tới đây. Xuống chân cầu là qua địa
phận Bến Tre. Chúng tôi về phía Chợ Lách. Xe đi qua nhà thờ rất đẹp sát một doi
sông. Nơi này là quê hương của danh nhân Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn Trương
Vĩnh Ký. Ông là giáo sư ngôn ngữ Á Đông, thông hiểu 27 thứ tiếng. Có thể nói là
người Việt biết nhiều ngôn ngữ nhất. Phần mộ ông trên khu Chợ Quán, đường Trần
Hưng Đạo, Sài Gòn. Cho nên qua đây, chúng tôi chỉ nhắc nhở về ông mà chưa có dịp
viếng mộ phần. Xe vào khu lễ hội trái cây Chợ Lách nhân tết Đoan Ngọ. Đang đầu
mùa trái cây, còn chính vụ phải hai tháng tới. Trái cây bày bán nhiều là sầu
riêng đủ hiệu danh tiếng, măng cụt, dâu, ổi, chôm chôm… Năm nay, trái cây thu
hoạch khá tốt, dội chợ, giá rớt là phổ biến. Nhất là mít, ổi, thanh long giá rất
rẻ. Khu triển lãm quá đơn điệu. Đặc sắc nhất là bức tranh long phụng bằng nhiều
loại trái cây địa phương ghép thành. Tiếc là tranh đẹp nhưng bố trí chỗ chật
nên việc ghi hình khó khăn, không được như ý. Bù lại, bên ngoài có khu trưng
bày sinh vật cảnh. Bày trí đơn sơ nhưng có sự đặc sắc riêng. Tôi ghi lại hình một
cây cảnh trồng trong bình nhỏ đang bị một nhân vật giống Lỗ Trí Thâm giơ cao, sắp
bị đánh vỡ, rất sinh động. Cây cảnh này bày trí trên ghế nhựa, sát lối đi,
không có gì che chắn, dễ bị va chạm, rớt là bể…thiệt. Liền đó có khu bày bán
cây giống và một số vật, chủ yếu là gà chọi và chồn! Nhìn chung, lễ hội này
không phong phú như chúng tôi mong đợi! Rời Chợ Lách, xe qua cầu Hàm Luông, cầu
dài cũng bắc qua một nhánh sông Cửu Long cùng tên. Xe hướng phía đông, ra biển,
tới huyện Ba Tri. Nơi có nhiều mộ phần danh nhân nhiều người biết đến. Trước
tiên ghé khu mộnhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Khuôn viên khá lớn, được mở rộng
ngay trên phần đất xưa cụ Đồ ngồi bốc thuốc, dạy học. Quày và kệ thuốc xưa cụ
hàng ngày giúp dân còn khá tốt, dẫu đã 130 năm trôi qua. Phần mộ cụ và cụ bà
cùng con gái, nữ sĩ nổi tiếng Sương Nguyệt Anh kề nhau, đơn sơ, nhưng chắc anh
linh cụ ở trên cao ấm lòng vì các thế hệ sau biết và giữ gìn chu đáo. Cách đó
khoảng chục cây số là mộ phần Thượng thư Phan Thanh Giản, người từng nhiều lần
làm chánh sứ, thay mặt triều đình Huế thương thảo với thực dân Pháp chuộc ba tỉnh
miền Đông không thành. Người đã tuyệt thực và uống thuốc tự tử khi chấp nhận mất
luôn ba tỉnh miền Tây nhằm tránh đổ máu vô ích. Người hai lần bị trãm quyết
(1868-1986 và 1963-2008). Đến nay tuy đã được phục hồi công lao, được
tônvinh…nhưng việc tôn tạo di tích nơi này chưa thỏa đáng. Cũng nói thêm, danh
nhân cùng thời là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân
trọng ông qua những câu thơ trong bài thơ điếu:
Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ rày mặc gió thu.
Cách khu mộ phần
cụ Phan trên ba trăm mét là khu mộ Lương sư Võ Trường Toản. Cụ Phan quê nơi
này, nhưng cụ Võ sinh sống vùng miền Đông. Cụ Võ mất khi cụ Phan chưa chào đời.
Cụ Võ chuyên nghề dạy học, có khá nhiều học trò thành đạt. Ông Ngô Tùng Châu là
môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê
Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh.Hài cốt cụ Võ được chôn tại làng Hòa
Hưng, là nơi ông từng ngồi dạy học. Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông
Nam Kỳ, cụ Phan hiệp cùng nhiều sĩ phu khác đã cải táng di cốt của Võ Trường Toản
(cùng vợ và con) về Ba Tri, Bến Tre, với ý nghĩa là không để mộ thầy nằm trong
vùng cai quản của quân xâm lược. Cải táng xong, là lúc mất ba tỉnh miền Tây, cụ
Phan tự vận. Tất cả diễn ra trong năm 1867. Khu phần mộ cụ Võ được nhiều nhà
trường mang tên ông đến tiếp sức tôn tạo, nên có vẻ khang trang hơn khu phần mộ
cụ Phan. Nhưng với những dòng nhà biên khảo Sơn Nam ghi lại về cụ Phan Tuy làm
quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người
bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực,anh linh người ở trên cao chắc sẽ
không chút gì trách cứ thế hệ hậu bối. Xe quay về trung tâm tỉnh, mỗi chúng tôi
đầy những ưu tư lẫn lộn. Lần đầu, chúng tôi tới đây. Lần đầu đứng trước phần mộ
tiền nhân dâng nén hương thành kính tưởng nhớ người xưa. Hoàn cảnh không ai như
ai, nhưng điều cốt lõi toát lên đậm nét ở những tiền nhân vừa viếng, đó là lòng
yêu nước thương đồng bào vô bờ bến. Chúng tôi, ai cũng thấy mình quá nhỏ nhoi
khi tới thăm người.
Chương trình
chúng tôi vạch ra kết hợp lộ trình đi và về. Chúng tôi lên cầu Rạch Miễu, cầu bắc
qua sông Mỹ Tho, còn gọi là sông Cửa Tiểu, nhánh phía bắc, trên nhất sông Cửu
Long. Lên cầu một đoạn, xe rẽ bên phải xuống cù lao Thới Sơn. Ranh hai tỉnh Bến
Tre và Tiền Giang ngay khu vực này có bốn cù lao, tên là Long, Lân,Quy, Phụng.
Cù lao Thới Sơn là Long. Nơi đây nổi tiếng miền Tây không chỉ là vườn trái cây
phong phú mà còn là điểm có tour du lịch miệt vườn hình thành mấy chục năm qua,
hàng ngày thu hút hàng ngàn khách trong và ngoài nước. Chúng tôi mua tour trọn
gói, diễn ra trong vòng hai tiếng đồng hồ. Trước tiên xe điện đưa chúng tôi len
lỏi trong vườn để ra mặt bắc của cồn trên đoạn đường khoảng cây số. Sau đó thăm
nơi bán mật ong, thăm lò kẹo dừa, rồi ngồi nghe đờn ca tài tử. Xong đi bộ khoảng
năm trăm mét băng qua khu vườn để tới mé con rạch nhỏ rộng khoảng bốn mét.
Chúng tôi xuống xuồng. Những tay bơi điêu luyện nam nữ đưa xuồng đi khá nhanh
trong con rạch uốn khúc, hai bên là dừa nước, tàu lá dài đan kín bên trên. Trên
rạch nườm nượp các xuồng ngược chiều. Có xuồng đầy khách du lịch, có xuồng trống.
Có khách nước ngoài hiếu kỳ xin cho bơi mũi thử. Cử chỉ vụng về nhưng thấy vui
vui…Xuồng đầy khách là khách chỉ mua tour ngồi xuồng từ rạch ra sông lớn dài hai
km, rồi quay vô. Xuồng trống khách là xuồng đưa khách mua tour trọn gói như
chúng tôi. Một tàu lớn đợi chúng tôi ngoài sông lớn. Chúng tôi chuyển từ xuồng
lên tàu. Mười phút nhấp nhô theo sóng cũng khá lớn, tàu ghé cồn Phụng, một điểm
du lịch nổi tiếng bởi trước đây là nơi tịnh tu của ông đạo dừa Nguyễn Thành
Nam, từng tốt nghiệp kỹ sư tại Pháp. Bước lên đuôi cồn là sát cơ ngơi ông đạo dừa.
Cơ sở ông xây dựng còn khá tốt, chưa xuống cấp đáng kể. Sân Cửu Long, tháp Hòa
Bình vẫn còn đủ. Đạo của ông không cần tụng kinh, gõ mõ mà chỉ cần ngồi tham
thiền và ăn chay, tưởng niệm... và ông khuyến khích người đời sống tôn trọng lễ
nghĩa và yêu thương nhau, cư xử hòa mục với nhau. Về thực phẩm, ông khuyên nên
ăn dừa và uống nước dừa, nên mới có tên Đạo Dừa. Về cuối đời, ông có những truyền
bá trái với thuần phong mỹ tục, khiến những người không thiện cảm có cớ bêu
rêu. Dẫu sao, có ông đạo dừa, bây giờ có một điểm tham quan du lịch khá lý thú,
lắm khách.
Tàu đưa
chúng tôi trở lại bờ bắc cồn Tân Long. Chúng tôi lên lại xe điện về nơi xuất
phát. Chúng tôi qua cầu Rạch Miễu khi trời về chiều, chạy dọc theo dòng bắc
sông Cửu Long ngược về phía Cai Lậy. Hơn chục cây số sau là đoạn sông Rạch Gầm
– Soài Mút, nơi diễn ra trận đánh lẫy lừng của quân Tây Sơn 230 năm trước, phá
tan hai vạn liên quân Xiêm, Chân Lạp, Nguyễn. Xe ghé vào khu tưởng niệm khi đã
qua giờ đóng cửa. Cũng may, cửa nhỏ còn mở. Chúng tôi có dịp đứng trước đài tưởng
niệm khá uy nghi, ghi hình kỷ niệm. Tiếc là nhà trưng bày đã đóng cửa. Nhưng lịch
sử chúng tôi đã từng học, chiến công anh dũng của tiền nhân chúng tôi còn nằm
lòng. Khi Nguyễn Ánh thế yếu, đã nhờ người qua Xiêm cầu viện. Quân Xiêm đang thời
thịnh, kết hợp quân Chân Lạp và một số nhỏ quân Nguyễn đã hùng hổ theo nhiều hướng
tiến vào . Quân Tây Sơn với lực lượng không thua kém, lừa quân Xiêm tới đoạn
sông trên, chỉ trong một đêm đánh tan rã toàn bộ liên quân. Cũng may các tướng
Xiêm đã chạy bộ thoát thân theo hướng Chân Lạp. Chiến công hiển hách chống ngoại
xâm này ngàn đời lưu dấu.
Chúng tôi kết thúc tour tại Rạch Gầm khi trời
đã chạng vạng. Xe qua thêm hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ để về lại Sóc Trăng.
Đi một ngày đàng học một thêm một sàn hiểu biết. Chúng tôi biết rõ hơn bốn danh
nhân, trong đó có cụ Trương, cụ Phan là người sinh sống ở Bến Tre. Cụ Đồ là người
gốc Huế, tị địa và lập nghiệp ở Ba Tri. Cụ Võ hoàn toàn xa lạ xứ này, nhưng nhờ
cụ Phan cải táng tại quê cụ Phan, cũng tại Ba Tri. Nên giờ Bến Tre có nhiều điểm
để khách tới tham quan, có sự thuận lợi để học sinh học sử sinh động, dễ nhớ.
Chúng tôi đã đi qua đủ năm cầy cầu lớn bắc qua bốn nhánh sông lớn của dòng Cửu
Long. Chúng tôi cũng qua cầu nhỏ bắc qua nhánh còn lại, Ba Lai.Cũng nói rõ hệ
thống sông Cửu Long phần trong đất liền chỉ có năm dòng nhưng có chín cửa chảy
ra biển, nay đã không còn cửa Ba Thắc (Bassac) và Ba Lai.Chỉ một ngày, chúng
tôi có quá nhiều trải nghiệm, rất đáng cho thời gian đã bỏ ra. Những tiếng cười
rôm rảtrên xe đã át đi phần nào sự mệt mỏi do tuổi cao hay nhờ xe mau tới. Xuống
xe, lỉnh kỉnh quà đặc sản như bánh tét, kẹo dừa và trái cây. Chúng tôi đã có
ngày tết Đoan Ngọ khá vui vẻ, bổ ích.
(Mùng 5 tháng 5 năm Ất Mùi)
Thơ ký Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét