Thi sĩ Luân Hoán qua nét vẽ họa sĩ Đinh Cường
Một buổi tối năm 1986, thi sĩ Ðỗ Quí Toàn có nhã ý tổ chức một buổi hợp mặt trong vòng thân hữu, các văn nghệ sĩ Montréal tại nhà. Thuở đó tôi mới làm quen với văn giới, thường chỉ liên lạc với anh em báo Dân Quyền. Tôi quen biết vài bạn văn gần gũi và hầu như còn xa lạ các bạn phương xa. Nhà anh Ðỗ Quí Toàn trong khu Mont -Royal sang trọng nên dễ kiếm. Căn phòng dưới nhà tuy hơi nhỏ nhưng trang hoàng đẹp đẽ, trang nhã, ánh đèn vàng cam dìu dịu ấm cúng, tôi chú ý ngay đến pho tượng đồng đen huyền, đặt trên chiếc bệ nhỏ sát tường, tượng đức Phật ngồi trong tư thế kiết già, tay bắt ấn, nét mặt dịu dàng, ngực nở rộng bụng thon nhỏ. Ðó là phó bản một tượng Phật cổ Trung Á nổi tiếng thời Con Ðường Tơ Lụa, đường nét thẩm mỹ đạt mức tuyệt hảo, tôi đã xuýt xoa trầm trồ chiêm ngắm ở Bảo Tàng Viện bên Luân Ðôn (British Museum) năm ngoái, cứ mãi hối tiếc đã bỏ lỡ cơ hội không mua. Thi sĩ chủ nhân họ Ðỗ đã mua được từ hồi nào không biết và chưng bày trang trọng nơi đây.
Bắt đầu buổi mạn đàm thơ văn, chúng tôi được mời ngồi trên những tọa cụ. Lần đầu tôi được nghe và biết một vật dụng thiền phòng. Ðó là những chiếc gối vải tròn nhỏ dùng để ngồi, đặt trên sàn gỗ bóng, đây đó những bức tranh thủy mặc Trung Hoa, những chậu trúc xanh cao, gian phòng phảng phất phong thái thiền vị lẫn thi vị. Chủ nhân có nhã ý giới thiệu từng khách tham dự, để mọi người quen biết nhau, đối đãi nhau trong tình anh em văn hữu, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Nhân đó tôi được biết những vị mình hằng nghe qua tên tuổi, hâm mộ mà chưa từng hân hạnh làm quen.. Trước hết là vị lớn tuổi ngồi hàng đối diện, xéo bên phải, vóc người gầy cao và ốm, mặc áo lục bình xám như cư sĩ tại gia, điềm đạm trầm mặc, im lặng như một thiền sư, đó là bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, (cựu Tổng Trưởng Bộ Thanh Niên của VNCH), người cùng Ðỗ chủ nhân đã bỏ nhiều công sức, tiền của sáng lập Làng Cây Phong ở Montréal. Cạnh bên, người cao lớn gân guốc, giọng nói to và mắt sáng mạnh, là ông Tôn Thất Thiện, (giáo sư đại học), người trẻ tuổi hơn, mặt mũi phương phi, chững chạc, đẹp trai là dân biểu VNCH Nguyễn Hữu Chung, anh bạn đồng song Hoàng Chiều Nhân đạo mạo, nhà văn Hồ Ðình Nghiêm trẻ trung, rồi thi sĩ Lưu Nguyễn, thi sĩ Hoàng Xuân Sơn, thi sĩ Bắc Phong, mỗi người một sắc thái. Tôi lần đầu tập ngồi xếp bằng trên tọa cụ, tuy có êm nhưng thiệt tình không thoải mái chút nào, tôi làm sao có thói quen tốt ngồi thiền khó khăn như vậy. Cái quần vải tây thô cứng, chật chội thật khó xoay trở, cứ chút chút phải thò chưn ra cho đỡ mỏi. Rồi tôi nghe giới thiệu tới vị ngồi đối diện, trạc tuổi tôi, người ốm ốm đen đen, dáng rắn rỏi nhưng thoạt trông da dẻ như cây khô nhăn nheo thiếu nước, đoán rằng gốc người miền Trung, tên tuổi quen thuộc nầy tôi đã từng biết nhiều qua các báo Bách Khoa, Văn, Văn Học, Khởi Hành... trên 20 năm về trước. Ðó là thi sĩ Luân Hoán. Tôi nhìn kỹ hơn nhà thơ mình hằng ái mộ, à té ra anh chàng nầy ngoại hình cũng giống mình (hay mình cũng giống anh ta!) cũng ốm ốm đen đen, cũng ngồi đưa hai chưn thẳng đơ ra trước, không xếp bằng đúng cách gì ráo trọi, giữa những vị thiền sư hoặc cố gắng tập làm thiền sư, gần bên. Tôi có đồng minh rồi và chịu anh chàng nầy quá. Vì ngồi đối diện nhau, nên khi vừa nghe chủ nhân giới thiệu xong, tôi gật đầu chào và anh bạn mĩm cười chào đáp lễ. Tôi thiệt tình vui mừng. Không ngờ đời mình lại có ngày quen đuợc những người danh tiếng, trong đó có thi sĩ nổi danh Luân Hoán. Vừa vui mừng xong tôi lại giựt mình. Anh bạn người Trung đen đen ít nói nầy là thi sĩ nổi tiếng Luân Hoán đó sao, có thiệt vậy không. Tôi phân vân mà tự hỏi? Ngày xưa tôi có học với thi sĩ Nguyên Sa, người mập mập, bụng phệ, cái môi trề trề, miệng luôn cười nói tươi vui. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền thì mặt nhiều mụn, bàn tay thon đẹp và nói năng hùng biện lưu loát, tuy không đẹp trai nhưng cử chỉ thái độ rất hấp dẫn, quyến rủ. Thầy Vũ Hoàng Chương thì ốm nhom, ăn mặc chải chuốt, thái độ hào hoa phong nhã... và hình như các người có vóc dáng cử chỉ, hình tướng đặc biệt như vậy mới làm thơ hay được. Thi sĩ Luân Hoán ngồi trước mặt tôi đây, sao thấy là lạ, không giống mấy thầy thi sĩ của mình. Hồi mới vô làm hãng điện tử Philips ở Saint-Laurent (Québec) có anh bạn đồng nghiệp được hãng nhận vào tập sự, tự xưng là thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Tin hấp dẫn lan nhanh như dòng điện xẹt trong đám gốc Việt da vàng. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng mà cũng xin vô Philips tụi mình! Các cô bu quanh thi sĩ và sung sướng hãnh diện. Cô bạn ngồi bên cạnh đến giờ nghỉ, đến làm quen và xin chữ ký. Tôi cũng tò mò hỏi thăm vài chi tiết, được biết anh bạn thi sĩ Cung Trầm Tưởng đó nói giọng Hà Nội trau chuốt nhưng nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi... Vậy thì trường hợp thi sĩ Luân Hoán trước mặt tôi đây, có phải như Cung Trầm Tưởng ở Philips hồi trước không? Tôi thầm xin lỗi anh bạn mới gặp, mà phân vân tự hỏi ? Nhìn hình dáng anh bên ngoài có thể là kỹ sư (mấy ông kỹ sư thường vóc dáng khô khan, tay chưn thô cứng..) cũng có thể gốc nhà binh (mấy ông quân đội cũng giống như kỹ sư vậy, đàn ông mạnh bạo mà. Do đọc nhiều sách báo, tôi cứ tưởng là giới văn nghệ sĩ thường có vóc dáng mảnh mai, dịu dàng, đeo kiếng cận thị nặng, khá đẹp trai, càng trắng trẻo, càng xanh xao như Kim Trọng hay Lục Vân Tiên ngày xưa, như Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương... bây giờ thì mới đúng). Vì là khách mới tham dự lần đầu nên tôi rụt rè, ít nói. Thi sĩ Luân Hoán cũng không nói, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn nhau, mãi cho đến khi anh Ðỗ Quí Toàn giới thiệu tập thơ mới ra lò còn thơm mùi giấy mực mới, có hình của thi sĩ ở lưng bìa sau, tôi mới yên lòng, tin cái ông đen đen rắn rỏi nhưng khô khan đang ngồi trước mặt mình là thi sĩ Luân Hoán thứ thiệt. Hình như lúc đó anh mới từ Việt Nam qua nên trên làn da còn dính nhiều nắng mưa, gió bụi. Buổi mạn đàm diễn ra trong bầu không khí thật ấm cúng và thân tình. Có lúc chủ nhân mời thi sĩ Luân Hoán nói vài lời về tập thơ mới xuất bản và ngâm một hai bài trong đó. Nhưng Luân Hoán đã từ chối - anh không có thói quen nói trước đám đông, đồng thời không bao giờ nói về thơ mình. Anh tặng chúng tôi mỗi người một quyển thơ và góp mặt với nụ cười lặng lẽ trong suốt buổi họp, cho tới khi chia tay. Phải thiệt lâu, nhiều năm sau đó tôi mới được biết anh Luân Hoán bị thương mất bàn chưn trái trong cuộc chiến, tôi mới hiểu tại sao anh ngồi trên tọa cụ không bao giờ xếp bằng mà chưn lại đưa thẳng ra (tôi chưn cẳng lành lặn mà cũng duỗi thẳng ra như anh, thiệt là tệ.!.). Cho tới bây giờ sau gần 20 năm, tôi có dịp gặp gỡ thêm nhiều văn hữu, tham dự nhiều buổi mạn đàm văn thơ, nhưng buổi gặp gỡ anh Luân Hoán ở nhà thi sĩ Ðỗ Quí Toàn gây cho tôi nhiều ấn tượng vừa êm đềm vừa sâu sắc. Tượng Ðức Phật mĩm cười, trầm mặc, bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng tiên phong đạo cốt, điềm nhiên tự tại, thi sĩ Luân Hoán đơn sơ đen đúa, cười nói nhỏ nhẹ, căn phòng giống thiền phòng của Ðỗ chủ nhân, giọng bình văn của giáo sư Hoàng Chiều Nhân, giọng ngâm thơ hào sảng của thi sĩ Bắc Phong... các câu chuyện văn chương, cuộc đối thoại mạn đàm vừa phải tế nhị, tương kính, phong nhã, căn phòng như ấm hẳn lên đầy không khí thi vị, dù ngoài trời Montréal đang cơn giá buốt...
+++
Tôi vốn học về thơ, thích thơ, mê thơ tha thiết nhưng không biết làm thơ. Nhờ tham dự buổi họp mặt thân hữu tối hôm đó, tôi mới cảm nhận được cái dây liên hệ mật thiết giữa thơ và thiền. Thơ là gì và thiền là gì. Hình như cả hai giống nhau, giống nhau ở chỗ không giải nghĩa được.
Thi sĩ Bùi Giáng đã có lần nói: 'con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, còn thơ là gì thì ta không biết’. Ðã không biết thơ là gì thì dù có nói muôn ngàn lời cũng vô ích. Cứ im lặng và làm thơ đi. Thời gian sẽ nói dùm, có phải những câu được viết ra đó là thơ không? Cũng như hành giả hành thiền vậy, thiền làm gì có cửa mà đòi vô. Cho nên quyển sách dạy Thiền nổi tiếng có nhan đề là Vô Môn Quan (cái cửa ải mà không có cửa). Im lặng và làm thơ, Luân Hoán đã thực hiện được. Anh làm thơ lúc trẻ, thuở trung niên cho đến tuổi xế già, đi, đứng, nằm, ngồi, cả một đời mê thơ, làm thơ, làm thơ và làm thơ không ngừng nghỉ. Anh mải miết làm thơ và không nói, không hề nói, đối với người thường, quả thiệt là khó khăn. Anh sống từ tốn ung dung, bình thản, bên ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong lại ấm áp, thân mật. Giao tiếp với anh một thời gian dài, tôi chợt thấy được điều nghịch lý trong con người anh. Ngày xưa mấy ông thiền sư đã từng nói những câu thiệt là rắc rối ‘núi xanh không phải là núi xanh, mà là núi xanh’. Hình ảnh Luân Hoán, buổi gặp gỡ đầu tiên ở nhà Ðỗ Quí Toàn tôi không thể nào quên được, do đó tôi bắt chước cách lý luận theo mấy thiền sư bên Tàu, tạm nhận xét ông bạn thi sĩ dễ thương mà ít nói: “Thi sĩ Luân Hoán là người của đám đông, cũng không phải là người của đám đông nhưng thật sự là người của đám đông.” Võ Kỳ Ðiền viết nhân chuyến đi chơi Panama gặp Lê Hân, em Luân Hoán, 2004 August |
Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017
BUỔI ĐẦU GẶP NGƯỜI THƠ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét