Phong cách sống tối giản đã trở thành hiện tượng ở Nhật Bản, còn được biết đến với tên gọi Danshari đang dần len lỏi vào cuộc sống của một số bạn trẻ ở Việt Nam. Rất nhiều người tán đồng và mong muốn được trải nghiệm triết lý tối thiểu hóa nhu cầu để sống hạnh phúc hơn của tinh thần Danshari, nhưng phần lớn mọi người đều cho rằng họ chỉ có thể thực hiện được nếu còn độc thân hay sống một mình.
Ngôi nhà của bạn sẽ chẳng thể ngăn nắp nổi chứ đừng nói là tối giản khi con bạn luôn có một đống đồ chơi lộn xộn và bạn luôn phải tất bật chăm lo cho bé mà chẳng còn thời gian để dọn nhà. Nhưng đó chỉ là quan niệm cố hữu, gia đình anh Naoki Numahata đã có một cuộc sống hạnh phúc nhờ Danshari.
Phong cách sống tối giản Danshari bắt đầu được nói nhiều đến vào khoảng năm 2010-2011 ở Nhật, đặc biệt sau khi thảm hoạ động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
Tinh thần của Danshari gói gọn trong chính 3 từ viết tắt tạo thành cái tên của lối sống này:
Dan – nghĩa là từ chối (đem về nhà những vật dụng không cần thiết),
Sha – nghĩa là vứt bỏ (những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà) và
Ri – là tránh xa (cám dỗ mua sắm vật chất).
Gần đây hãng hãng tin Reuters có bài cập nhật về phong trào đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội Nhật Bản.
“Ít hơn chính là có nhiều hơn”, ít đồ đạc, vật chất nghĩa là bớt phiền hà khi không phải mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, mua sắm. Để rồi có được nhiều thời gian hơn cho những việc ý nghĩa hơn.''
Đến cuối 2015, người đọc Việt Nam mới được tiếp cận Danshari qua một số bài báo giới thiệu.
Nhưng lối sống đơn giản, khiêm tốn, thân thiện với thiên nhiên này đang dần lôi cuốn được
nhiều bạn trẻ.
Không chỉ là câu chuyện mua sắm,
Danshari chính là cách giải thoát những áp lực vô hình của cuộc sống vật chất hiện đại lên tinh thần và sức sáng tạo của con người. Danshari, nói khác đi, là cách nói không với sự sùng bái vật chất thái quá đến mức bỏ qua các giá trị sống bền vững.
Tuy vậy những người theo lối sống Danshari không sùng bái của cải, vật chất, nhưng cũng không phải là họ không tôn trọng đồ vật, sẵn sàng vứt bỏ những thứ không cần thiết để nhà cửa gọn gàng hơn.
Có rất nhiều cách để bạn “tạm biệt” các món đồ đã từng gắn bó với mình như cho, tặng, trao đổi. Thậm chí Danshari chính là biểu hiện cao hơn của việc trân quý đồ vật và vật chất phục vụ cuộc sống.
Bởi khi bạn từ chối mua những thứ mình không thật sự cần, nghĩa là bạn sẽ không có cơ hội biến chúng trở thành thừa thãi và bị bỏ xó (thậm chí từ chối cả những mặt hàng miễn phí nếu mình không thật sự cần đến), đó chẳng phải là cách tôn trọng đồ vật và muốn chúng có ích hơn hay sao?
Ngay từ khi ra đời, phong cách này đã được giới trẻ hết sức ủng hộ vì phù hợp với khát khao trải nghiệm và mong muốn có cuộc sống tự do phóng khoáng, muốn giải phóng mình khỏi tất cả những vướng bận đời thường.
Tuy nhiên, những người có gia đình vốn đã mệt mỏi với việc nhà dồn đống hàng ngày, dù rất muốn áp dụng lối sống này nhưng vẫn khó có thể biến nó thành hiện thực bởi nhiều trách nhiệm ràng buộc với con cái. Quan niệm cho rằng “trẻ con luôn đồng hành cùng sự lộn xộn” đã khiến họ bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu.
Tuy nhiên, anh Naoki Numahata, một người cha 42 tuổi ở Nhật đã chứng minh, vợ chồng anh hoàn toàn có thể cũng sống tối giản cùng với con gái nhỏ 4 tuổi Ei trong căn hộ nhỏ rộng 39 m2 của gia đình.
Khi bé Ei muốn chơi đồ chơi, em sẽ không đi đến phòng chơi và cũng chẳng cần góc chơi nào trong căn hộ. Thay vào đó, cô bé nhận được một chiếc giỏ nhỏ chứa tất cả tài sản quý báu nhất của mình – một con búp bê, một con Thỏ Minions với một số xe hơi, một đồ chơi yoyo… và chơi ngay trên sàn gỗ trắng sạch sẽ trong căn hộ của mình.
Căn hộ gần như trống rỗng, không có gì trên quầy bếp. Trong ngăn kéo chỉ có ba bộ đũa, hai bộ dao kéo của trẻ em. Ngăn tủ đựng bữa ăn sáng chứa một ổ bánh mì và một lọ mật ong.
Anh Numahata chỉ có hai cặp quần âu, bốn cái áo sơ mi và bốn cái áo phông, năm cặp đồ lót và bốn cặp vớ trong tủ quần áo.
Ei có hai bộ đồng phục trên treo giá và hai ngăn kéo nhỏ cho quần áo thường xuyên của cô bé.
Anh Numahata nói rằng vợ anh không phải là người theo chủ nghĩa tối giản nên cô có có năm ngăn kéo cho tất cả quần áo, mùa đông và mùa hè.
Anh Numahata đã có được cảm hứng từ một bức ảnh trong cuốn tạp chí về ngôi nhà Nhật Bản gần như trống không. Anh cũng đã viết một cuốn sách cùng với một người yêu thích lối Danshari, Fumio Sasaki.
Nó đã thay đổi cách sống của họ, giờ đây gia đình họ có nhiều thời gian để đi chơi hơn. Cô con gái Ei của anh Numahata hiện cũng là thế hệ Danshari đời thứ hai một cách rất tự nhiên.
Khi con bé lớn hơn, tất nhiên bé muốn mua đồ chơi”, anh cho biết, nhưng “khi mua hàng, chúng tôi sẽ chỉ mua những thứ nhỏ đựng vừa trong giỏ của con bé”.
Có thể nhiều người sẽ cho rằng đây là cách sống tối giản cực đoan, nhưng khái niệm về việc sở hữu ít hơn đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây, như một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa tôn sùng vật chất và sự dư thừa. Đối với gia đình Numahata và những người khác giống như họ, ít thực sự là nhiều hơn.
Điều này trái ngược với xu hướng “hygge” của Đan Mạch – khi luôn tạo không gian ấm cúng hơn với thảm, nến và những thứ đẹp mắt khác khiến bạn cảm thấy ấm áp.
Bởi vì Nhật Bản là đất nước của Thần Đạo và Phật giáo. Ý tưởng chính là Danshari là nếu bạn có một môi trường lộn xộn, tâm trí của bạn cũng sẽ không được minh bạch. Bà Hideko Yamashita, 63 tuổi, người khởi xướng xu hướng Danshari được truyền cảm hứng từ đức tin của mình về những gì mình thật sự cần thiết và cách để thoát khỏi sự giới hạn và ám ảnh của vật chất.
“Ở Nhật Bản có rất nhiều người bị trầm cảm. Đầu óc họ có quá nhiều thông tin. Họ lặn ngụp trong những suy nghĩ của mình”, bà Yamashita nói:
Theo bà, quá trình loại bỏ đồ đạc hữu hình cũng giúp loại bỏ những phiền phức vô hình.
Anh Fumio, một người theo chủ nghĩa tối giản khác cũng nhận ra rằng:
Chúng ta thường nghĩ rằng mình càng có nhiều thứ trong tay, mình sẽ càng hạnh phúc. Chúng ta cố gắng tích cóp nhiều nhất có thể vì không biết tương lai sẽ ra sao. Điều này có nghĩa chúng ta cần nhiều tiền, và chúng ta bắt đầu nhận định về người khác dựa trên tiềm lực kinh tế của họ. Chúng ta tin rằng phải kiếm được nhiều tiền để cảm thấy mình thành công.
“Thế rồi, tôi quyết định chia tay với rất nhiều đồ đạc mà tôi từng mua sắm, tích lũy qua nhiều năm. Giờ đây, tôi sống mỗi ngày đều cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cảm thấy hài lòng hơn trước rất nhiều.”
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hiện đại, của vòng quay đều đặn của công sở và việc nhà, hãy thử tối giản hóa cuộc sống và nhu cầu của bản thân.
Tối giản chính là xã bỏ, xã bỏ để tự do và thanh thản hơn, để tập trung hơn vào những điều ý nghĩa của cuộc sống.
Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét