a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

TÌM RA HOÀNG THỊ… NGÀY XƯA


“Ai mang bụi đỏ đi rồi ….”

Dư luận trong giới thi văn hải ngoại gần đây đang xôn xao về việc “đã phát hiện ra bà Hoàng Thị Ngọ”, nhân vật trữ tình trong bài thơ nổi tiếng “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư, bài thơ này càng nổi tiếng hơn sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trước 1975 ở Sài Gòn.
Sau khi có một phụ nữ tên Hoàng Dược Thảo tự nhận là Hoàng Thị Ngọ thì Tuần báo Việt ở Mỹ số 24, ra ngày 09.7.2005 đã đăng tải một bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, phủ nhận “nhân vật” đó – Gần đây nhất, khoảng giữa tháng 7, tại quận Cam, lại xuất hiện một người khẳng định rằng ông có liên hệ tới cô Hoàng Thị Ngọ “thứ thiệt”. Tuy thực hư còn phải kiểm chứng nhưng xét thấy đây cũng là một câu chuyện khá thú vị về một thi phẩm Việt nổi tiếng, nên chúng ta hãy cùng theo dõi các thông tin dưới đây.
em tan trường về
cuối đường mây đỏ
anh tìm theo Ngọ
dáng lau lách buồn
Hoàng Thị Ngọ được mô tả là một thiếu nữ gầy, dáng dấp tầm thước, mặt không đẹp lắm, thon thả một chút. Tóc Ngọ dài, chải thẳng ngược ra sau gáy, không rẽ ngôi. Khuôn mặt hơi dài và xương… Dưới cánh mũi bên phải của Ngọ có một mụn ruồi khá lớn. Nói chung, theo như miêu tả của ông H.H (một người quen của Ngọ) thì Ngọ lúc đó chỉ là một thiếu nữ có nhan sắc trung bình. Điểm đặc biệt là vóc dáng cô rất đẹp khi mặc áo dài. Có lẽ nhà thơ Phạm Thiên Thư và cả ông H.H đều mê vóc dáng tha thướt cùng mái tóc buông lơi đó. Dáng Ngọ đi đứng nghiêm trang, mặt nhìn thẳng, hơi ngước lên một chút. Ông H.H nhận xét: Ngọ đúng là “một mẫu người con gái có gặp mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam!”
bước em thênh thang
áo tà nguyệt bạch
ôm nghiêng cặp sách
vai nhỏ tóc dài
Khoảng năm 1963, 1964 Ngọ chưa đến 20 tuổi, ở trong một căn nhà trên đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến… Gia đình Ngọ là người gốc Hải Dương, theo Công giáo. Cha của Hoàng Thị Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình khá giả, anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư… Nhan sắc Ngọ không lộng lẫy, nhưng “bù lại” cô có mái tóc dài mềm mại thả ngang lưng. Đi học, thường cô chỉ mặc hai màu áo vàng và đen rất dễ thương…
Ông H.H kể tiếp: đó là khoảng thời gian ông quen Hoàng Thị Ngọ. Thời gian sau, ông đi lính. Vài năm, khi trở về ông có nghe Ngọ nói về một “chàng trai” làm thơ theo đuổi Ngọ. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo làm quen, làm thơ, thất tình dữ lắm… Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này. Sau, “chàng nhà thơ si tình” cạo đầu đi tu ở Gò Vấp và đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư! Và bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” được Phạm Thiên Thư sáng tác lúc đã đi tu. Sau đó bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành một bài hát bất hủ. Nói chung, theo “nhân chứng” H.H, thì Hoàng Thị Ngọ không “có gì” với Phạm thi sĩ kiêm tu sĩ kia. Lớn lên trong 1 gia đình trí thức nên Ngọ giỏi tiếng Pháp, cô viết được văn bằng tiếng Pháp! Sau, dường như Hoàng Thị Ngọ vào học đại học Vạn Hạnh…
mười năm rồi Ngọ
tình cờ qua đây
cây xưa vẫn gầy
phơi nghiêng ráng đỏ
Cách đây gần 1 tháng, có dịp về Việt Nam, ông H.H tìm lại lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, một căn nhà trên đường đường Lý Trần Quán (tên cũ, nay là Thạch Thị Thanh), khu chợ Tân Định, quận 1. Nhưng người hàng xóm cho ông biết là bà Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu. Nghe đâu hiện nay bà Hoàng Thị Ngọ đã định cư tại California, Mỹ.
Ông H.H khẳng định: “Tôi nghĩ tới Ngọ bằng giá trị tinh thần, chứ không phải vì nhan sắc hay bất kỳ một chuyện gì khác. Sự thùy mị, dễ thương của Ngọ là bất tử!”
áo em ngày nọ
phai nhạt mấy mầu?
chân tìm theo nhau
còn là vang vọng
Câu chuyện trên đây như một chút gia vị thêm vào nhạc phẩm “Ngày xưa Hoàng Thị” bất hủ của Phạm Thiên Thư – Phạm Duy. Nếu như HoàngThị Ngọ là một Việt kiều đang định cư tại California và có tình cờ đọc được bài viết này thì chuyên san Người Viễn Xứ mong nhận được thông tin từ bà để xác tín về một “nhân vật trữ tình” trong một thi – nhạc phẩm Việt bất hủ.
N.T
Đã tìm ra Hoàng Thị Ngọ?
°NGUYỄN QUANG MINH ghi
LTS: Trên Việt Weekly số 24, June 9, 2005, đăng tải một bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, phủ nhận chuyện bà Hoàng Dược Thảo tự nhận mình là nhân vật “Hoàng Thị Ngọ” của bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc thành tác phẩm bất hủ “Ngày xưa Hoàng Thị”. Cách đây hai tuần, tại quận Cam, tình cờ, một nhân vật xuất hiện, cho biết ông là người có liên hệ tới nhân vật “Ngọ” thiệt ngoài đời. Câu chuyện sau đây đưa thiên tình sử nhạc khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị” qua một khúc quanh mới. Người đàn ông trong cuộc là một nhân vật kín đáo, không muốn khoe khoang về phần mình, cũng không muốn làm chuyện “giựt gân”. Tuy nhiên, như ông nói, rất muốn được gặp lại ‘cố nhân’ HoàngThị Ngọ, theo ông, hiện đang có mặt tại Cali. Nhân vật kể chuyện, người đàn ông tử tế, có công ăn việc làm đâu ra đó, có vợ con rất hạnh phúc, chỉ muốn được gặp lại Ngọ, để có thể, giúp gì được cho tri kỷ đã không gặp nhau từ mấy chục năm qua. Không hơn không kém. Nhân vật xin được giấu tên, viết tắt là H.H.
NQM: Ông quen với Hoàng Thị Ngọ, nhân vật trong thơ/nhạc của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy trong trường hợp nào?
HH: Đó vào khoảng năm 1963, 1964. Nhà của Ngọ ở đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến… Mỗi lần cô đi học phải đi ngang nhà tôi. Nhà tôi số 90, đường Trần Quang Khải. Trường Văn Hiến cách nhà tôi độ 100 thước. Tôi thấy cổ thiệt là hiền hậu, dễ thương nên mới viết thư làm quen. Năm đó tôi chưa tới 20 tuổi, học Đệ thất, Ngọ cũng chỉ độ bằng tuổi tôi thôi. Gốc Hải Dương, gia đình Công Giáo.
NQM: Ông đã viết thư hay làm thơ cho Ngọ?
HH: Viết thư. Gởi cho Ngọ, cổ đáp ứng, mời tới nhà chơi. Ba của Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình rất khá, có anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư thời đó.
NQM: Về nhan sắc, Hoàng Thị Ngọ có đẹp không?
HH: Thành thật mà nói, Ngọ không phải là một thiếu nữ có nhan sắc lộng lẫy. Ngọ có mái tóc dài ngang lưng. Thường khi đi học, chỉ mặc hai màu áo vàng và đen. Nhưng rất là dễ thương… Ngọ có một dáng dấp mặc áo dài thật là đẹp.
NQM: Lúc đó, đã có bài thơ, bài nhạc về Hoàng Thị Ngọ chưa?
HH: Chưa. Lúc đó là thời gian chúng tôi quen nhau. Đi chơi với nhau rất vui. Một thời gian sau, tôi vào lính. Một vài năm, tôi trở về thăm Ngọ, cổ kể lại cho tôi nghe về một người con trai, theo Ngọ, viết thơ theo đuổi Ngọ, nhưng cô ấy từ chối, không nhận mối tình đó. Người đó sau này cạo đầu vô GòVấp đi tu, đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư như chúng ta ai ai cũng biết. Và bài thơ này làm ra lúc Phạm Thiên Thư đã đi tu. Sau này, bài thơ lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở nên một bài hát bất hủ. Nói tóm lại, Hoàng Thị Ngọ nói là không có gì với nhà thơ họ Phạm kia.
NQM: Như vậy, Hoàng Thị Ngọ là người yêu của ông?
HH: Nói là người yêu, tôi e là cũng không đúng hẳn. Nó lưng chừng thôi. Chúng tôi có đi xem phim với nhau, nhưng rồi tôi đi lính, trở lại… Tôi là lính, cũng lận đận vô cùng, do đó, chuyện liên hệ giữa tôi và Hoàng Thị Ngọ cũng không liên tục. Cho tới sau 75, mỗi người phải bươn chải riêng. Tới năm 1978, tôi mới liên lạc, gặp lại Ngọ tại nhà. Lúc đó, tôi đã có gia đình. Tôi nói: “Ngọ à, bây giờ tôi có tổ chức tàu đi vượt biên, đây là cơ hội cuối cùng tôi muốn giúp cho Ngọ, nếu Ngọ muốn đi vượt biên với tôi, tôi sẽ cho Ngọ cùng thêm 1 người nữa cùng đi.”
NQM: Lúc đó chị Ngọ đã có gia đình chưa?
HH: Chưa. Chỉ có tôi là có gia đình, vợ con. Ngọ nói để cổ suy nghĩ vài ngày. Sau đó tôi trở lại, Ngọ cho biết gia đình cô ấy có tới 4 người, nếu đi 2, bỏ lại 2 thì không được. Do đó, nếu đi thì đi hết, còn không thì thôi. Trong hoàn cảnh đó, phần tôi chỉ có thể lo cho 2 người, nên không thể làm gì hơn được. Tôi đi được… Ngọ ở lại.
NQM: Sau đó, qua tới Mỹ, ông không liên lạc với Ngọ nữa sao?
HH: Không. Chúng tôi mất liên lạc luôn từ đó. Mới đây, gần 1 tháng trước, tôi có về Việt Nam, tôi có ghé lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, tôi còn nhớ rõ, đó là căn nhà số 19E, đường Lý Trần Quán (tên cũ), bây giờ đổi thành Thạch Thị Thanh gì đó(?), khu chợ Tân Định, Phú Nhuận, Sài Gòn. Khi vào khu nhà Ngọ, bà hàng xóm vẫn nhận ra tôi. Bà cụ cho tôi biết là Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi. Nghe nói hiện ngay Ngọ đang ở Mỹ, ở California! Tôi nghe thì cũng buồn, nhưng lại vui vì biết cổ đang ở Cali. Tôi cũng quên hỏi bà Cụ là Ngọ đi đã bao lâu rồi. Tôi rất xúc động, sau bao nhiêu năm trở về, quên trước nhớ sau. Hàng xóm nhận ra hết mà.
NQM: Xin ông mô tả lại chân dung của Hoàng Thị Ngọ theo trí tưởng tượng của ông?
HH: Ngọ chỉ là một thiếu nữ tầm thước, cỡ 5’2”. ốm, da mặt không đẹp lắm, rơm rơm một chút. Tóc dài, chải thẳng ra phía sau mà không rẽ ngôi. Mặt hơi xương xương, dài dài. Ngọ có một cái mụn ruồi cũng hơi lớn lớn dưới cánh mũi bên phải. Một nhan sắc trung bình. Chỉ có dáng mặc áo dài rất đẹp. Mình mê vóc dáng và mái tóc đó. Tôi mê cái dáng của Ngọ, đúng là một cô gái Việt Nam. Đi đứng nghiêm trang, không ngó qua ngó lại. Mặt nhìn thẳng, nhìn lên chút xíu. Một mẫu người con gái có bị mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam.
NQM: Ông có nghĩ rằng, nếu không có chiến tranh, cách trở, ông có nghĩ sẽ lấy cô Ngọ làm vợ không?
HH: Tôi nghĩ duyên số cũng khó nói lắm. Lúc đó tôi chỉ là anh học trò dưới tỉnh lên, trọ học lang thang. Gia đình Ngọ giàu có. Tôi vào lính, nay đây mai đó, không có hy vọng nào mà đạt được. Hai đứa có trao đổi thật nhiều, nhưng biết rằng có sự cách trở nên không đi tới đâu…
NQM: Giả dụ bây giờ, gặp nhau lại ở Cali, ông nghĩ sẽ đối xử với cô Ngọ ra sao?
HH: Bây giờ gặp lại, chỉ là kỷ niệm thôi. Nhưng tôi rất muốn gặp lại Ngọ. Hồi đó chúng tôi viết cho nhau những câu đùa vui, rất dễ thương, lúc tôi đi lính, là: “Nếu mà anh tử trận, hồn anh sẽ về báo tin cho em biết, em có sợ không?” Ngọ trả lời tôi rằng: “Em sẽ không sợ đâu. Dù anh là lính chết trận, là ma, nhưng với em, anh là con ma dễ thương!” Cổ là một trí thức, tiếng Pháp giỏi, có khả năng viết văn bằng tiếng Pháp. Hình như cổ học đại học Vạn Hạnh.
NQM: Ông có nghĩ rằng, sau khi bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” ra đời, được phổ nhạc, và nổi tiếng… những điều này có ảnh hưởng tới suy nghĩ, tình cảm của ông về người con gái tên Ngọ hay không?
HH: Tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó. Lúc đó, Ngọ chỉ nói thoáng với tôi về chuyện thơ, nhạc mà thôi. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo chọc, làm thơ, rồi thất tình dữ lắm v.v. Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này. Còn tôi, cũng không biết Ngọ thích tôi ở điểm gì. Tôi nghĩ nếu không phải thời chiến, chuyện tình cảm của chúng tôi không chừng sẽ tiến xa thêm.
NQM: Nhiều năm qua, mỗi lần nghe bài hát “Ngày Xưa Hoàng Thị”, ông cảm thấy thế nào?
HH: Tôi vẫn xúc động khi nghe lại bài hát này. Không có gì thay đổi trong tôi khi nghĩ về Ngọ. Tôi nghĩ tới Ngọ bằng giá trị tinh thần, chứ không phải vì nhan sắc hay bất kỳ một chuyện gì khác. Sự thùy mị, dễ thương của Ngọ là bất tử. Thời chúng tôi, khoảng cách giữa nam và nữ rất nghiêm túc, nên hầu như giữa chúng tôi không có vấn đề gì khác ngoài kỷ niệm. Tôi viết cho Ngọ khoảng 10 lá thư, và Ngọ cũng trả lời cho tôi khoảng bằng đó lá thư. Thư viết cho nhau cũng không phải là người yêu viết cho người yêu, mà như hai người bạn thân. Tôi nghĩ, có lẽ tình bạn này mới là bất diệt.
NQM: Xin ông cho biết, câu chuyện “Ngày xưa Hoàng Thị” này, nếu bây giờ tới tai bà xã ông, ông có bị phiền gì không?
HH: Cả nhà tôi ai cũng biết. Bà xã tôi cũng đã nghe tôi kể cho bả nghe. Nhưng không sao hết, gia đình tôi rất hạnh phúc. Vợ chồng con cái rất thương yêu, tôn trọng nhau. Tôi biết là khi đọc bài báo này, chắc bả cũng có buồn chút chút, nhưng tôi nghĩ bả sẽ hiểu là tôi rất đàng hoàng, chuyện nào ra chuyện nấy. Nhân chuyện báo Việt Weekly nhắc tới bài thơ, bài nhạc, rồi có người ngộ nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, rồi nhạc sĩ Phạm Duy phải đi tìm v.v., tôi thấy mình cần lên tiếng về phía mình. Tuy nhiên, về phía Ngọ, nếu Ngọ có mặt ở Cali, xin để cho mọi người được biết, và tôi là người rất muốn được gặp lại bạn xưa, xem nhau như tri kỷ mà thôi, chứ không dám mong gì hơn.

SƯU TẦM

Không có nhận xét nào: