Sự tích Đậu Yên Sơn dạy con thành tài, không chỉ được người thời đó kính ngưỡng, mà còn được truyền tụng đến ngày nay, nhà nhà đều biết.
Trong cuốn tài liệu vỡ lòng “Tam Tự Kinh” do học giả đời Tống Vương Ứng Lân biên soạn, có hai câu thơ rằng:
“Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, danh câu dương”
Giáo ngũ tử, danh câu dương”
(Đậu Yên Sơn, có phương pháp giáo dục, dạy năm con, đều lưu danh)
Đậu Yên Sơn tên thật là Đậu Vũ Quân, sống vào thời Chu sau thời Ngũ Đại thập quốc. Nhà ông ở Kế Châu (tên cổ là Ngư Dương), thuộc tỉnh Thiên Tân ngày nay. Trước đây Ngư Dương thuộc nước Yên cổ, ở đây xung quanh đều là rừng núi. Vậy nên ông được gọi là Đậu Yên Sơn.
Đậu Yên Sơn có 5 người con trai, được rèn dạy dưới sự giáo dục bồi dưỡng của ông, đều thi đậu Tiến sĩ và trở thành các bậc lương đống của quốc gia. Người con trưởng là Đậu Nghi, làm đến chức Lễ bộ thượng thư; con thứ Đậu Nghiễm, làm Lễ bộ thị lang; con thứ ba Đậu Khản, làm Tả bổ khuyết; con thứ tư Đậu Xưng, làm Tả gián nghị đại phu; đứa con thứ năm Đậu Hi, làm Khởi cư lang. Năm người con của nhà họ Đậu được xưng là “Đậu thị ngũ Long”.
Đậu Yên Sơn đều dạy bảo cả năm người con thành tài, ông có phương pháp giáo dục tốt, trở thành tấm gương để mọi người noi theo. Thị lang Phùng Đạo đã làm một bài thơ khen ngợi Yên Sơn như sau:
“Yên sơn đậu thập lang,
Giáo tử dĩ nghĩa phương.
Linh xuân nhất chu lão,
Tiên quế ngũ chi phương”
Giáo tử dĩ nghĩa phương.
Linh xuân nhất chu lão,
Tiên quế ngũ chi phương”
Tạm dịch:
Yên Sơn có Đậu Thập Lang,
Dạy con khéo dụng nghĩa phương hơn người.
Cây xuân già vẫn tốt tươi,
Năm cành Tiên Quế rạng ngời tỏa hương
Dạy con khéo dụng nghĩa phương hơn người.
Cây xuân già vẫn tốt tươi,
Năm cành Tiên Quế rạng ngời tỏa hương
Gia đình Đậu Yên Sơn như vậy là rất mỹ mãn, khiến người ta không khỏi tán thán. Tuy nhiên ông khi còn trẻ vốn là người không biết đạo lý. Đậu Yên Sơn sinh ra trong gia cảnh giàu có, từ nhỏ đã không phải động tay làm việc, lại ngỗ ngược, thường tung hoành ngang dọc khắp quê nhà, bắt nạt người nghèo khổ. Khi thành gia lập thất, Đậu Yên Sơn vẫn tỏ ra ngạo mạn, đến 30 tuổi ông vẫn chưa có mụn con nào. Chuyện này ở thời xưa là một điều cực kỳ hổ thẹn.
Giữa lúc mặt mày ủ dột, canh cánh nỗi phiền muộn không yên, bỗng một buổi tối nọ, ông nằm mộng thấy ông nội và người cha quá cố của mình trở về, nói: “Vũ Quân, con phải nhanh quy tâm hướng thiện. Bởi vì con kiếp này vận mệnh không tốt, không những không có con nối dõi, mà thọ mệnh cũng rất ngắn ngủi. Con phải nỗ lực làm nhiều việc thiện tế thế cứu người, mới có hy vọng thay đổi được số mệnh”.
Đậu Yên Sơn tỉnh dậy từ giấc mộng, mồ hôi toát lạnh cả người. Ông đem lời của ông nội và cha dặn dò, từng lời ghi nhớ trong lòng, lập chí từ nay về sau sửa đổi làm việc thiện, tích âm đức.
Âm thầm hành thiện cứu khổ giúp đời
Đậu gia có một người làm, trong một lần túng thiếu đã dại dột lấy trộm tiền của chủ nhân. Về sau, người hầu này lo lắng bị phát giác và bị phạt, liền viết một phiếu gán nợ, buộc ở cổ tay đứa con gái 12 tuổi. Trên phiếu đó viết: “Tôi bán đứa con gái này, bồi thường số tiền đã lấy trộm”. Sau đó người hầu này trốn biệt tích nơi đất khách.
Đậu Yên Sơn sau khi biết chuyện này, chứng kiến trên người cô bé buộc phiếu gán nợ, trong lòng rất thương cảm cho cảnh không nơi nương tựa của đứa trẻ. Ông lập tức đốt hủy phiếu gán nợ kia, nhận đứa bé làm con nuôi, cũng dặn vợ rằng: “Phải nuôi nấng tốt đứa bé này, sau này lớn lên, sẽ tìm một người tốt để gả”. Cô bé sau khi trưởng thành, được Đậu Yên Sơn chuẩn bị của hồi môn, rồi chọn gả cho một người chồng hiền đức.
Người hầu kia biết được chuyện này, vô cùng cảm động, liền quay trở về Đậu gia, quỳ xuống khóc lóc sám hối về sai lầm trước kia của mình. Đậu Yên Sơn không những không truy cứu chuyện cũ, mà còn khuyên hắn quay đầu là bờ cố gắng làm người tốt. Người hầu trong nhà chứng kiến cảnh này thì vô cùng cảm động và biết ơn chủ nhân, không biết nên như thế nào để báo đáp. Vì vậy, bọn họ đem bức họa Đậu Yên Sơn treo ở nhà chính, ngày ngày cúng bái cẩn thận để bày tỏ tâm nguyện tri ân.
Có một buổi tối Rằm tháng Giêng năm nọ, Đậu Yên Sơn đến thắp hương bái Phật ở chùa Duyên Khánh, bỗng nhiên nhặt được một túi tiền ở bậc thang bên cạnh hậu điện, bên trong chứa hai trăm lượng bạc ròng, ba mươi lượng hoàng kim. Ông nghĩ, cái này nhất định là người khác bị thất lạc rồi. Số vàng bạc rất nhiều, ông không dám ở lại chùa lâu, bèn mau nhanh cầm túi tiền về nhà.
Sáng sớm hôm sau, Đậu Yên Sơn đã vội đi đến chùa để chờ người mất của. Chỉ chốc lát sau, từ xa xa có một người mặt mày ủ rũ, vừa khóc vừa bước tới. Đậu Yên Sơn hỏi người này vì sao khóc, anh ta thật tình kể: “Cha tôi phạm tội, sắp sửa bị đày đến vùng biên cương hoang vu sung quân. Vì để chuộc tội cho cha, tôi khẩn cầu năn nỉ tất cả mọi người thân thích, thật vất vả mới mượn được một số bạc, đều cho hết vào trong một cái trong túi, thời khắc không dám rời thân. Ai ngờ, đêm qua cùng một người bạn uống rượu, uống say về sau hoa mắt váng đầu, không biết chuyện gì xảy ra, túi tiền cũng không còn đâu nữa. Không có tiền, tôi làm sao chuộc tội cho cha, đời này sợ rằng sẽ không còn được gặp lại phụ thân rồi”. Nói rồi anh ta càng gào khóc to hơn.
Nghe anh ta nói như vậy, Đậu Yên Sơn biết người này chính là người mất của, sau khi kiểm chứng, số tiền tương xứng, ông mời anh ta về nhà, không chỉ đem trả lại số bạc bị mất, còn tiếp đãi chu đáo, đồng thời tặng thêm cho anh ta một ít tài vật. Người kia vô cùng xúc động, nói lời cảm tạ rồi rời đi.
Đậu Yên Sơn trọn đời làm rất nhiều chuyện tốt. Ví như, trong bạn bè thân thích có tang sự mà không có tiền mua quan tài, ông đều bỏ tiền ra mai táng chôn cất chu đáo; có nhà nghèo không có tiền gả chồng cho con gái, ông đều đứng ra giúp đỡ; người nghèo khó không biết làm sao để sống, ông cho vay tiền làm vốn để bán buôn.
Đậu Yên Sơn vì làm việc thiện giúp người, cho nên cuộc sống của mình cũng rất đơn giản, không một chút hoang phí. Ông còn xây lập thư viện 40 gian, sách mấy nghìn quyển… Đối với những học trò nghèo có chí mà không có tiền theo học, thì dù có quen biết hay không, chỉ cần đến thư viện đọc sách, ông đều giúp đỡ tiền học phí và sinh hoạt. Cứ như vậy, sau khi Đậu Yên Sơn xây thư viện đã đào tạo được rất nhiều nhân tài hiếu học.
Trời ban 5 người con vang danh thiên hạ
Có một ngày, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng. Ông mộng thấy ông nội và cha hiện về nói: “Con nhiều năm nay đã làm được nhiều việc thiện, tích được rất nhiều âm đức. Thế nên, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài 36 năm, năm đứa con sau này đều được danh vọng vinh hoa, làm rạng rỡ tổ tông. Con sau khi thọ chung, sẽ thăng thiên làm chân nhân”. Nói xong, còn dặn thêm: “Đạo lý nhân quả báo ứng quả thực không sai. Thiện ác báo ứng, hoặc thấy ngay ở kiếp này, hoặc báo ứng ở kiếp sau, hoặc ảnh hưởng con cháu. Lưới trời tuy thưa mà khó lọt, tuyệt đối không dám hoài nghi”.
Từ đó về sau, Đậu Yên Sơn càng thêm cố gắng tu thân tích đức, sau quả nhiên vợ ông lần lượt sinh hạ được 5 người con trai. Ông làm gương tốt, trị gia vô cùng nghiêm ngặt. Trong gia quy Đậu gia đã nói: “Lễ trong gia đình cũng như lễ quân thần; Lễ trong nội ngoại cũng giống lễ cung cấm. Nam không được loạn vào, nữ không được loạn ra; nam ắt phải vừa làm ruộng vừa đi học, nữ nhân chuyên cần đan dệt vải, hòa thuận vui vẻ, hiếu thuận cả nhà”.
Gia giáo nghiêm khắc đã bồi dưỡng được những người con kiệt xuất có phẩm đức. Năm người con trai Đậu gia đều đỗ tiến sĩ, được xưng là “Ngũ tử đăng khoa”. Từ đó về sau, “Ngũ tử đăng khoa” đã trở thành kỳ vọng thiết tha của các bậc cha mẹ trong thiên hạ.
Đậu Yên Sơn ban đầu chỉ đảm nhiệm một chức quan viên bình thường, về sau làm tới chức Gián nghị đại phu, hưởng Thọ 82 tuổi. Trước khi lâm chung ông đã biết trước, ông tắm rửa thay y phục, cáo biệt thân hữu, xong rồi nhẹ nhàng rời đi.
***
Đậu Yên Sơn cố gắng thông qua làm việc thiện, đã cải biến vận mệnh của chính mình, cuối cùng đạt được “Trường thọ, phú quý, an khang, tốt Đức, chết già”, hơn nữa con cháu đời sau đều hưng thịnh hiển đạt. Bởi vậy có thể thấy được “Nhân quả báo ứng, không hề sai lạc”, thiện ác họa phúc chỉ trong một niệm, số mệnh của mỗi người đều được nắm giữ ở trong tay của chính mình.
“Tư Mã Ôn Công gia huấn” thời Bắc Tống cũng có viết: “Tích tiền bạc để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã biết giữ. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc chúng đã đọc. Chi bằng âm thầm lặng lẽ tích âm đức, đó mới là kế sách lâu dài cho cháu con”.
Đậu Yên Sơn chính là như vậy, âm thầm lặng lẽ tích âm đức, tự lấy mình làm gương cho con cháu đời sau học tập và noi theo. Đây quả thực là chính sách lâu dài nhất cho cháu con.
Mong rằng các bậc cha mẹ đều sáng suốt, đều có thể ngộ ra chân lý này trong giáo dục gia đình.
Theo dfg.cn
Vân Hà
Vân Hà
Hãy nói với con của bạn: Thua thành tích, không có nghĩa là thua nhân sinh. Không sợ ‘Thua’, mới có cơ hội ‘Thắng’
Các bậc cha mẹ đều hy vọng con cái mình sẽ thành công trong tương lai. Nhưng có lẽ không nhiều phụ huynh biết rằng, những người thành công có một đặc điểm chung, đó là “không sợ thua!”.
Hiện nay trong giáo dục, có một điều đã trở thành lý tưởng mà trẻ em phải thấm nhuần, đó là ‘không được thua’. Nhưng trên thực tế, so với thắng hay thua, thì điều quan trọng hơn cả là cần phải bồi dưỡng cho trẻ một nội tâm mạnh mẽ.
“Chiến thắng” lớn nhất dành cho cha mẹ, đó là dạy trẻ cách đối mặt với “sự thua cuộc”.
Hãy nói với con của bạn: “Hãy để thua” quan trọng hơn là chiến thắng.
Gần đây chúng ta có thể bắt gặp những tin tức về các vụ tự tử của trẻ em.
Bé gái 10 tuổi ở Giang Tô vì thành tích học hành kém đã uống thuốc ngủ tự tử tại nhà mình. Cô bé để lại một video 3 phút 25 giây và một bức thư có 374 từ.
Cô bé viết trong di chúc:
“Khi bạn nhìn thấy bức thư này, tôi có thể không còn sống, vì tôi không thể học tốt. Tôi rời đi không phải vì ba mẹ, cũng không phải vì giáo viên của tôi. Mà là vì bản thân tôi… “
“Nếu tôi rời đi rồi, các người không còn phải đánh mắng tôi mỗi ngày nữa. Mặc dù ba mẹ đánh mắng tôi, nhưng tôi biết là họ muốn tốt cho tôi”.
Người mẹ bé gái đã ngã quỵ sau khi đọc bức thư.
Một cậu bé 15 tuổi để lại bức thư trước khi tự sát: “Ba mẹ ơi, con rời đi vì điểm của con quá tệ. Không thể vào trường trung học, con không muốn thêm gánh nặng cho ba mẹ. Con không thể tập trung vào việc học, con chỉ có thể từ bỏ. Nếu con vẫn được lên lớp, thì con sẽ học chăm chỉ và vào đại học. Nhưng con không thể, con không muốn trở thành một ông lão, không muốn trở thành một kẻ cặn bã của xã hội. Vậy nên con chọn cách ra đi”.
Trong thế giới quan của những thanh thiếu niên này, dường như chỉ có ‘thành tích’. Đối với chúng, điểm kém chính là không có tiền đồ; điểm kém chính là không thiết sống nữa.
Con trẻ không chịu nổi sự thất bại, là vì cha mẹ cũng không chấp nhận nổi sự thất bại.
Bởi vậy làm cha mẹ, không chỉ dạy con cách chiến thắng, cũng cần dạy con làm thế nào để ‘thua đẹp’.
Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ chỉ một mực nhất nhất yêu cầu con phải giành chiến thắng: “Con phải giành chiến thắng ngay ở vạch xuất phát”. Họ không ngừng nỗ lực đầu tư cho trí thông minh của con trẻ: Nào là học thêm đắt đỏ, gia sư đắt tiền… Họ coi con cái như vật phẩm riêng của mình và khoe khoang vốn liếng. Cứ vậy trong ý nghĩ của họ ngày càng chỉ có hai từ ‘chiến thắng’ mà không thể nào chấp nhận hai từ ‘thua cuộc’.
Có lẽ, các bậc cha mẹ cần nhớ rằng: Thắng chưa chắc đáng được ăn mừng, và thua chưa chắc thật đáng buồn.Thắng hay thua không quan trọng. Điều quan trọng nhất là té ngã xuống rồi mà vẫn mạnh mẽ đứng lên.
Thua thành tích không có nghĩa là thua nhân sinh. Những đứa trẻ không sợ thua cuộc sẽ có cơ hội chiến thắng
Trong xã hội hiện nay chúng ta có thể nhận thấy một hiện tượng phổ biến, đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các bậc phụ huynh. “Con nhất định phải thắng” dường như đã trở thành phương châm trong nhiều gia đình. Và hình tượng ‘một đứa con hoàn hảo’, ‘một đứa trẻ xuất sắc’ dần dần hình thành từ đó.
Tuy nhiên, điều này mang lại những vấn đề tâm lý nghiêm trọng cho trẻ em, hơn nữa còn làm biến dạng tính cách và hành vi của trẻ.
Còn nhớ trường hợp con trai Phó cục trưởng Cục giáo dục Hong Kong – Phan Khuông Nhân nhảy từ tầng 40 xuống tự sát. Điều này gây sốc cho nhiều người vì bản thân anh vốn là một ‘người con hoàn hảo’ trong mắt bạn bè, xã hội.
Phan Khuông Nhân 25 tuổi, là một người xuất sắc từ nhỏ, theo học tại một trường trung học nổi tiếng tại Hong Kong, sau đó đi du học. Anh tốt nghiệp và trở về Hong Kong làm việc.
Phan Khuông Nhân là một người đa năng: biết chơi piano, yêu thể thao, đặc biệt là chạy bộ và đi xe đạp. Trước khi chết, anh tham gia một cuộc đua xe đạp nhưng do bị chấn thương nên đã thua cuộc. Từ đó, anh trở nên mắc chứng uất ức, trầm cảm, cuối cùng chọn nhảy khỏi tòa nhà 40 tầng để kết thúc cuộc đời mình.
Sinh ra ưu việt, học hành xuất sắc, tuổi thanh xuân vốn nên sẽ nở rộ. Tuy nhiên, chỉ vì thua trong một cuộc thi mà sầu não uất ức và chấp nhận bỏ mạng.
Điều này không khiến người ta phải tiếc nuối.
***
Một đứa trẻ không có đủ khả năng chấp nhận thất bại, thì khi lớn lên, chúng không thể thích nghi với một xã hội phức tạp và sẽ trở nên thống khổ. Vậy nên, dạy trẻ học cách thua cuộc, sẽ quyết định vận mệnh cuộc đời của chúng. Chiến thắng lớn nhất dành cho cha mẹ, đó là dạy con trẻ phải đối mặt với sự thất bại.
Cha mẹ không thể nào ở bên cạnh con cái của mình mãi mãi. Và cuộc sống của ai cũng vậy, không thể nào thuận buồm xuôi gió.
Điều duy nhất cha mẹ có thể làm, đó là hướng dẫn con trẻ cách đối đãi với sự thất bại:
1. Cho con bạn một cơ hội để thất bại
Khi còn nhỏ, có một số trẻ sẽ khóc khi chúng thua trong một trò chơi nào đó. Khi đó cha mẹ ‘xót con’, thấy con khóc thì tội nghiệp, liền cố tình chơi lại và cho đứa trẻ thắng. Tuy nhiên, đây không phải là một cách giáo dục lý tưởng. Vì cứ làm như vậy, sẽ khiến đứa trẻ ảo tưởng rằng chúng luôn ‘phải thắng’, bất chấp lý do nào, nếu không được thì chúng sẽ khóc lóc, ăn vạ… Với tính cách này sẽ làm hại đứa trẻ khi lớn lên, chúng sẽ không biết chấp nhận thất bại, không có đủ dũng khí để bước lên sau mỗi lần vấp ngã.
Vậy nên, cha mẹ hãy cho con mình một cơ hội để thất bại. Cho con thấy rằng, thất bại cũng không phải là điều gì xấu, quan trọng là phải mạnh mẽ để tiến lên.
2. Nuôi dưỡng ý chí rộng lớn trong con
“Thắng là nhờ vận may của ta, còn thua là do vận mệnh của ta”. Nếu có thể suy nghĩ khoáng đạt, rộng mở như vậy thì bạn còn có có hội nào để rầu rĩ đây?
Đừng nói với con bạn những câu như: “Bài kiểm tra cuối kỳ mà điểm thấp, thì con coi chừng với mẹ!”; “Con thật kém cỏi, chỉ biết khóc, thua là đúng thôi”…
Một lần thất bại không phải là cánh cửa khép lại cuộc đời. Vậy nên cha mẹ nên bao dung với con nhiều hơn, hãy là người khích lệ tiếp thêm cho con dũng khí. Khi cái nhìn của cha mẹ rộng mở bao dung sẽ dưỡng thành ý chí rộng lớn cho con trẻ.
3. Học cách thua trước mặt con
Cha mẹ có thể thường nói câu “Thôi, không sao”. Ví như: “Món ăn này dở quá. Thôi không sao, lần sau mẹ sẽ nấu ngon hơn”; “Trận cầu lông này bố bị thua rồi. Thôi không sao. Thời gian tới bố sẽ tập luyện chăm chỉ hơn”….
Cha mẹ cũng có thể nói với trẻ về trải nghiệm thất bại của chính mình, rồi đưa ra nhưng giải pháp, v.v.
Những điều này khiến cho trẻ hiểu rằng ‘thua cuộc’ không phải là điều gì đó quá khủng khiếp mà không thể đứng dậy được.
4. Đừng khen ngợi trẻ một cách mơ hồ
Nhiều bậc cha mẹ thường khen con một cách bâng quơ: “Con là giỏi nhất”, “Con là đứa trẻ thông minh nhất”, khiến đứa trẻ nuôi dưỡng cảm giác hiu hiu tự đắc, tự hài lòng về mình.
Đến một hôm đứa trẻ phạm lỗi và bị ba mẹ trách mắng. Chúng sẽ nghĩ: “Vừa mới khen ta tuyệt vời, giờ lại mắng là ngốc”.
Vì vậy, cha mẹ nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng khi khen ngợi con mình; đánh giá các hành vi cụ thể, để trẻ phân biệt được cha mẹ đang không hài lòng với hành động nào của mình.
“Không bao giờ sợ bắt đầu làm lại từ đầu”. Mong rằng mọi đứa trẻ đều có được sự tự tin và làm được như vậy.
Mong rằng mọi đứa trẻ đều có thể đối đãi với thắng – thua bằng một tư duy rộng lớn, giữ được thái độ tích cực trước thất bại.
Hãy là một người có thể chiến thắng và có dũng khí chấp nhận thất bại.
Theo Cmoney
Vân Hà
Vân Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét