a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

SUY NGẪM : HỌP LỚP....

 

Họp lớp...
Tôi chực trào nước mắt khi thấy một người quần áo nhăn nheo bạc màu đứng lớ ngớ trước cổng nhà hàng.
Tôi là một giáo viên về hưu, thường xuyên được mời dự các buổi họp lớp. Học trò tôi ra trường, học đại học, đi làm rồi thành đạt cũng nhiều, kẻ bất đắc chí, sa cơ lỡ vận cũng không ít. Có thể ai đó luôn tự hào, giới thiệu mình là thầy cô dạy nên ông này bà nọ nào đó. Nhưng tôi luôn chú ý và đồng cảm, sẻ chia với những học trò không thành đạt của mình.
Có lần đi họp lớp, gặp một người đàn ông trong chiếc sơ mi dài tay nhăn nheo, chiếc quần tây bạc màu lơ ngớ trước cổng nhà hàng, tôi đã chực trào nước mắt khi nhận ra đó là học trò của tôi. Mấy mươi năm trước vẫn là cậu học trò hiền lành giỏi giang nhưng nay đã bị sương gió của cuộc đời phủ lấy.
Lần khác, một nhóm học trò nữ, không có duyên với công danh đỗ đạt, lấy chồng rồi về quê chồng làm ăn nuôi con, bàn tay nhăn nheo, đen thủi mà tôi mang máng nhớ ra đây là học trò của mình.
Cũng có lần, sau khi được mời phát biểu, tôi thẳng thắn góp ý:
"Cô rất tự hào và ngưỡng mộ với những trò giỏi giang và thành đạt, chúc mừng các em. Cũng chia sẻ với những em còn lận đận. Cô có góp ý thế này, khi họp lớp, các em nên bỏ ngoài cổng nhà hàng chức tước, danh vọng, quyền vị đi.
Đến đây, ai cũng nên trở về thời học sinh áo trắng. Hy vọng các em đóng góp nhiều cho xã hội. Hãy dành buổi họp lớp để ôn lại kỷ niệm của tuổi hồn nhiên, chỉ xảy ra một lần trong đời và đã trôi đi".
Có vài học trò tứ tán bốn phương nay quần tụ ở lớp. Về khoảng cách địa lý đã hẹp, nhưng khoảng cách trong lòng người dần xa, khi các em cứ giới thiệu người thành đạt, người kia làm chức to, tậu nhà, sắm xe...
Các em hãy lập quỹ, hội liên lạc trong lớp. Bạn bè có hỷ sự vui buồn thì chia sẻ với nhau. Bệnh tật thì chăm nom quyên góp giúp đỡ nhau. Kết nối giúp nhau làm ăn. Nếu có thể, hãy nhận đỡ đầu con cái của những bạn ở quê, kém may mắn hơn. Cùng giúp nhau thành công thì đó mới là sự thành công chắc chắn. Hãy cố gắng đừng tạo ra khoảng cách kẻ thành công- người thất bại trong buổi họp lớp".
Người ta nói dạy học là nghề đưa đò và thầy cô là những người cầm tay chèo để nói lên sự bạc bẽo của nghề. Vì mấy khi lữ khách qua sông mà còn nhớ đến người đã đưa mình đến bờ bên kia. Và người ta cũng nói hạnh phúc là một quá trình chứ không phải đích đến. Thật đúng trong trường hợp này. Nhìn mỗi thế hệ học sinh mình dạy dỗ, nâng niu suốt cả năm học chín tháng trưởng thành từng ngày, lòng người thầy cô nào cũng vui sướng.
Nhưng tôi nghĩ họp lớp không nhất thiết phải ở nhà hàng khách sạn sang trọng, hãy trở về trường, thăm lại gốc cây che mát, phòng học râm ran tiếng cười đùa năm xưa. Thăm lại ông giáo, bà giáo già ngày xưa đã dạy học mình. Những buổi họp lớp ăn nhậu và phô trương chẳng ích gì.
Mỗi người có số phận khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, xuất thân trong môi trường khác nhau đều được dòng đời xô đi những ngã rẽ khác nhau mà ta không biết và cũng không tài nào hiểu được. Nếu như đời đã không nương kẻ thất thế thì bạn bè hãy mở lòng và sẻ chia.
Đừng khoe khoang hay lên mặt, phô diễn hay gây chú ý bởi sự thành công của mình trong buổi họp lớp, bởi "Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng - Được, mất, thành, bại bỗng chốc hóa hư không" - là hai câu thơ mà tôi tâm đắc.
Sưu tầm

LÁ THƯ GIÁNG SINH, VIẾT TỪ THIÊN ĐƯỜNG

- Lê Hữu

1.

Chiều hôm ấy, hơn một tuần trước lễ Giáng Sinh, bà Ann bước ra sân sau ngôi nhà của hai ông bà để thăm vườn tược mùa đông thì phát hiện một vị khách không mời mà đến. Một chiếc bong bóng màu đỏ tươi bay là là trong vườn nhà. Bà đuổi theo cho đến lúc chiếc bong bóng bị vướng vào cành cây thông monkey-puzzle tree và không bay được nữa.

“Merry Christmas!”, bà Ann đọc thấy hàng chữ trên chiếc bong bóng. Bà cũng trông thấy một mảnh giấy, một phong bì nhỏ đúng hơn, buộc vào sợi dây cột quả bóng. Gỡ được sợi dây, cầm trên tay chiếc phong bì, bà đọc được dòng chữ “To my Dad in Heaven”. Bên trong là lá thư, nét chữ nguệch ngoạc. Ann đọc:


“Bố ơi,

Con viết thư này để nói với Bố là con nhớ Bố lắm. Bố vẫn khỏe chứ? Bố nhớ uống thuốc bổ nhé. Mẹ nói với con là trên ấy Bố vui lắm, có chuyện gì vui Bố kể con nghe nhé.

Mấy hôm nay trời lạnh quá, có tuyết rơi nữa. Trên bố có lạnh không? Tuần sau là lễ Giáng Sinh rồi. Còn tháng sau là sinh nhật của Bố đấy, bố có nhớ không?

Con ước gì có Bố ở đây. Nếu Bố xin được về thăm nhà một ngày, Mẹ và con sẽ vui lắm.

Con ghi ra đây những món quà mà con thích: giày Nike, Rubik’s cube, Lego Spider-Man, Nintendo amiibo, bút crayon colors, truyện tranh dinosaurs. Nếu bố không có đủ tiền thì mua cho con một hay hai thứ cũng được.

Bố cho con gửi lời thăm bà Nội nhé. Nhận được thư này Bố nhớ viết trả lời con, và đặt ở dưới gối của con nghe Bố.

Con yêu Bố, yêu Mẹ. Con trai của Bố. Ben.

Merry First Christmas in Heaven, Daddy!!!”

Ann lặng người đi. Bà cầm mãi lá thư

trên tay, ngẩn ngơ, không biết phải làm gì. Một lúc sau bà cầm chiếc bong bóng và lá thư trở vào nhà, tìm Dick, ông chồng bà, đưa cho ông xem lá thư gửi nhầm địa chỉ. Dick giải quyết nhanh hơn bà tưởng. Ông nói Ann viết thư về địa chỉ người gửi ghi trên phong bì, báo tin đã nhận được thư này và muốn tiếp xúc với người nhà của cậu bé tên Ben.

Sau đó hai ông bà bàn bạc với nhau sẽ làm gì, làm gì nếu liên lạc được với mẹ của cậu bé.

“Nhận được thư này Bố nhớ viết trả lời con nghe Bố”, câu cuối trong lá thư khiến Dick nảy ra ý tưởng làm điều gì đó.

Ann máng quả bóng đỏ có hàng chữ “Merry Christmas!” màu vàng trước cửa nhà. 

“Đây là lời chúc Giáng Sinh đến sớm nhất, và cũng sẽ mang đến cho chúng mình những điều may mắn.” Dick nói với Ann, và ông nhớ tới cuốn phim The Red Balloon với câu chuyện chiếc bong bóng đỏ kỳ diệu mà ông đã xem và say mê khi còn bé.


2.Buổi sáng cùng ngày, ngồi cạnh Ben,

bà Kate chăm chú nhìn con trai đang nắn nót viết từng chữ lá thư gửi cho Bố.

“Con muốn viết sao thì viết,” bà nói. “Viết dài dài một chút, Bố rất thích đọc thư con.”

Viết xong, Ben đưa cho Mẹ đọc lại. Bà

Kate đọc xong, khen con viết thư hay, rồi quay mặt đi không cho Ben nhìn thấy những giọt nước mắt. Bà đưa cho Ben cây bút marker để viết tên người nhận và địa chỉ người gửi lên phong bì, rồi cho lá thư vào và dán con tem có hình ông già Noel lên bì thư. Xong, bà cuộn tròn phong thư, buộc chặt vào sợi dây của chiếc bong bóng bay màu đỏ tươi. Ben cầm chặt sợi dây, theo Mẹ bước ra khoảng sân trống sau nhà. Cả hai cùng cúi đầu lâm râm cầu nguyện cho lá thư đi nhanh để bố Ben sớm nhận được. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau đếm ngược từ 10 đến 1.  “… 3, 2, 1. Thả dây ra đi, Ben!”

Ben buông tay. Quả bóng đỏ khẽ rùng mình, nghiêng đầu qua trái, qua phải chào từ biệt mẹ con Ben rồi nhấc mình bay vụt lên như chú chim sổ lồng. Vướng vào một tàn cây cao, quả bóng nhẹ nhàng lách ra, bay tiếp, bay mãi lên không trung. Hai mẹ con ngước mắt dõi theo chiếc bong bóng đỏ bềnh bồng nơi xa tít, đến lúc chỉ còn một chấm nhỏ li ti trên nền trời xanh mây trắng bao la. Ben đứng nhìn theo, nhìn theo mãi cho đến khi chiếc bóng bay hoàn toàn mất dấu… 

Chiều nào đi học về Ben cũng hỏi Mẹ có tin gì của Bố. Hai ngày sau khi lá thư được gửi đi, bà Kate nhận được một phong thư với nét chữ lạ, ghi tên người nhận là “Mẹ của cháu Ben”. Bà mở ra đọc. Thư ký tên Ann, tin bà hay là lá thư của Ben gửi cho Bố thay vì bay vào cổng Thiên Đàng thì bay lạc vào “Vườn địa đàng” của vợ chồng bà ở thành phố Bellevue. Người gửi cho số điện thoại và ngỏ ý muốn được nói chuyện với mẹ của Ben.

Cũng như Ann, bà Kate lặng người đi một lúc. Như vậy là ngoài hai mẹ con bà, bây giờ có thêm ít nhất hai người nữa biết được câu chuyện Ben viết thư Giáng Sinh gửi cho Bố trên Thiên Đường.
Từ Tacoma đến Bellevue, khoảng cách giữa hai thành phố ở Washington, là cuộc hành trình dài gần 40 dặm của chiếc bong bóng bay, từ lúc được Ben phóng đi cho đến lúc cạn nhiên liệu.
Nghĩ ngợi một lúc, Kate gọi đến số điện thoại trong lá thư. Ann kể với bà câu chuyện “bắt” được lá thư như thế nào, và đề nghị với bà về “sáng kiến” của ông chồng mình: Dick sẽ thay bố của Ben viết thư trả lời cậu, và hai vợ chồng Ann sẽ tìm mua những thứ Ben xin Bố trong thư để làm quà giáng sinh cho cậu.

“Xin phép bà cho chúng tôi được làm việc này,” Ann khẩn khoản, “để mang đến chút niềm vui cho cháu Ben. Cháu sẽ thất vọng nếu thư đi mà chẳng có tin về.”
Bà Kate còn đang ngần ngừ thì Ann nói tiếp.

“Nếu bà cho phép, chúng tôi xem cháu Ben như là con trai mình. Chúng tôi cũng từng có đứa con trai, cháu mất vì bệnh, lúc trạc tuổi Ben…” Giọng Ann như nghẹn lại. “Bà không phải ngại, những món quà ấy không tốn kém nhiều. Tôi hiểu rằng, nếu chúng tôi không làm việc ấy thì bà cũng sẽ làm thôi. Tuy nhiên, xin cho vợ chồng tôi cái vui ấy, và như thế, tất cả chúng ta đều có được niềm vui trong mùa giáng sinh này.”
Ann đưa mắt nhìn Dick và trao điện thoại cho ông.

Chiếc bong bóng đã bay vào vườn nhà chúng tôi và đậu xuống trái tim tôi,” Dick nói.

Nước mắt Kate muốn ứa ra.

Câu chuyện tiếp theo, ai cũng đoán được. Hai bà mẹ tìm đến nhau, cùng ngồi gói những phần quà cho Ben, trong lúc Dick ngồi hý hoáy viết “lá thư từ Thiên Đường”.

3. Sáng sớm Chủ Nhật, trong lúc bà Kate

đang bày biện hang đá nhỏ và đặt cây thông giáng sinh bên cạnh bàn thờ thì Ben từ phòng ngủ trên lầu chạy xuống, hí hửng khoe với Mẹ cậu tìm thấy lá thư của Bố ở dưới gối khi vừa ngủ dậy. Hai mẹ con vui mừng ôm chầm lấy nhau và cùng chụm đầu đọc thư của Bố gửi cho Ben. 

“Thiên Đường, ngày 24/12/2017

Ben yêu quý của Bố,

Bố nhận được thư con một ngày trước ngày lễ Giáng Sinh. Hai mẹ con đừng lo cho Bố. Ở đây khí hậu ấm áp, mọi chuyện đều ổn cả.

Cám ơn Ben nhắc Bố nhớ ngày sinh nhật của Bố. Bố rất vui biết con học giỏi, được phần thưởng. Con cố gắng chăm học và vâng lời Mẹ cho Mẹ vui, và Bố cũng vui nữa.

Lễ Giáng Sinh năm nay Bố vắng nhà. Nhưng không hề chi, Thiên Đường không xa lắm đâu Ben. Bất cứ lúc nào con nghĩ tới Bố là Bố ở ngay bên cạnh con. Bất cứ lúc nào con cầu nguyện hay chuyện trò với Bố là Bố đều nghe được cả.

Còn bây giờ con hãy nhắm mắt lại, hãy tưởng tượng bố con mình đang ngồi bên nhau như ngày nào, trong ngôi nhà ấm cúng của gia đình mình. Hai bố con cùng hát bài Don’t Cry Mr. Snowman! mà Bố dạy con hát mùa Giáng Sinh năm rồi, con còn nhớ chứ? Thật vui phải không Ben?

Bố đã nhờ ông già Noel mang đến cho con những món quà con thích. Bố và Mẹ và con, chúng ta nhớ nhau trong lời nguyện cầu, Ben nhé!

Hôn con và Mẹ. Merry Christmas cả nhà! Bố.” 

Đối với Kate, mọi chuyện xảy đến như là một “phép lạ”. Phép lạ này cũng mang đến cho bà hai người bạn quý.

Dick mỉm cười, nói với hai bà mẹ:

“Mai đây, đến một lúc nào đó, cháu Ben hiểu ra rằng câu chuyện hôm nay là không có thật, cũng như ông già Noel là không có thật, nhưng rồi cháu sẽ thông cảm với những người lớn về những lời nói dối ngọt ngào.”

Khi ấy, chỉ còn lại một điều có thật: bố của Ben hiện đang ở trên Thiên Đường. Ben và mẹ cậu, và những người thân của gia đình cậu vẫn tin như vậy. Sau ngày bố cậu, một cảnh sát viên, hy sinh trong lúc thi hành công vụ, các cô các chú bạn của Bố đều nói với Ben rằng “Trên Thiên Đường đang cần một người hùng, và bố cháu được chọn.”

Đúng như lời Dick nói, cả hai gia đình đều có chung niềm vui trong Giáng Sinh này. Người vui nhất là Ben, chưa bao giờ Ben nhận được nhiều quà một lúc đến như thế. Bố không những cho Ben nhiều quà mà còn cho cậu bé giấc ngủ thật êm đềm trong đêm Giáng Sinh. Ben mơ thấy Bố ngồi sát bên cậu y như Giáng Sinh năm rồi. Bố cùng hát với Ben, cùng đọc truyện tranh với Ben, cùng chơi đùa với Ben những món đồ chơi Bố gửi về từ Thiên Đường.
Trong mơ, Ben nghe rõ cả tiếng cười của bố, tiếng cười của hai bố con. Ôi, Bố chẳng lúc nào xa con! “Thiên Đường không xa lắm đâu Ben”, Bố đã chẳng nói vậy sao. Bố vẫn luôn ở bên cậu trong lời nguyện cầu của cậu mỗi đêm trên giường ngủ.

Ben nhớ lời Bố viết trong thư, “Nhớ nhau trong lời nguyện cầu”. 

Lê Hữu

(Viết phỏng theo bản tin ABC News)

 

Không có nhận xét nào: