a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Vẻ đẹp tựa cổ tích của những ngôi làng bình yên nhất nước Pháp

 

Không chỉ nổi tiếng với tháp Eiffel, nước Pháp còn là điểm đến hấp dẫn du khách với những ngôi làng cổ kính với phong cảnh quyến rũ làm say mê lòng người.

1. Eguisheim, Alsace

Eguisheim được xem là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp.

Nằm gần biên giới nước Đức, Eguisheim được xem là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp không chỉ bởi lối kiến trúc độc đáo, mà còn do màu sắc của các tòa nhà mang lại.

Nếu như bạn đang muốn tìm đến một không gian yên bình, trong lành để nghỉ ngơi, thì không đâu hoàn hảo hơn Eguisheim. Những cánh đồng nho xanh mướt, những con ngõ nhỏ, những khung cửa sổ xanh, những viên đá lát đường xám… Tất cả cảnh sắc của ngôi làng cổ tích Eguisheim sẽ khiến bạn mê đắm.

2. Saint-Suliac, Brittany

Pháp sở hữu hàng trăm ngôi làng đẹp như tranh vẽ, và ngay trung tâm của Brittany là ngôi làng Saint Suliac lịch sử. Được bình chọn là một trong những ngôi làng nhỏ đẹp nhất của Pháp. Khung cảnh sườn đồi của sông Rance và những con đường lát đá cuội hẹp mang lại cho ngôi làng này một cảm giác lịch sử rõ rệt.

Khi bạn đi bộ qua những con đường hẹp này, hãy ngắm nhìn vẻ đẹp của những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 12 với những bông hoa đầy màu sắc rực rỡ. Và đừng quên dừng chân tại một quán cà phê để nhâm nhi một ly cà phê cùng một chiếc bánh ngọt và tận hưởng bầu không khí của ngôi làng nhỏ bé này.

3. Les Baux-de-Provence, Provence

Nằm trên một khối đá cao khoảng 900 mét của dãy đồi Alpilles ở Provence, ngôi làng Les Baux-de-Provence nằm phía trên các vùng thấp giống như một ngọn hải đăng nổi bật. Trên những vách đá gồ ghề là những vườn ô liu và vườn nho tươi tốt. Bên dưới ngôi làng trên cao này những khách sạn, nhà hàng, nhà sản xuất dầu và đồ uống chưng cất… Tất cả đã mang đến cho ngôi làng xinh đẹp này một cuộc sống mới đa dạng hơn trước.

4. Veules-les-Roses, Normandy

Được cho là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Pays de Caux, ngôi làng ven biển Veules-les-Roses đã có người ở từ thế kỷ thứ 4. Đây là một trong những điểm đẹp nhất của Normandy và trở thành ngôi làng nổi tiếng nhất ở Pháp. Ngôi làng ép mình bên bờ sông Veules với những ngôi nhà tranh cổ kính. Tất cả tạo nên vẻ đẹp cổ kính cho ngôi làng.

5. Colmar, Alsace

Colmar từ lâu đã được biết đến là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà khách du lịch dành cho nó những lời có cánh với vùng đất đặc quyền này.

Nằm trên dòng sông Lauch thơ mộng ở vùng Alsace, Colmar vẫn được biết đến như vùng Venice cổ kính với những thị trấn thanh bình.

Theo Thu Hường/Petrotimes

Thả hồn giữa những thị trấn nhỏ êm đềm, quyến rũ nhất thế giới.

Những thị trấn nhỏ bé xinh đẹp núp sau những bãi biển tuyệt đẹp, những ngọn núi hùng vĩ, xứng đáng là những kiệt tác của tạo hóa.

1. Shirakawa-go, Nhật Bản

Shirakawa-go

Shirakawa-go là ngôi làng nằm ở thung lũng dọc sông Sho (Shogawa), trải dài qua ranh giới hai tỉnh Gifu, Toyama và được bao quanh bởi các ngọn núi. Chính vì thế thời tiết ở đây được phân ra 4 mùa rõ rệt và có tuyết rơi đặc biệt nhiều vào mùa đông.

Sự xa xôi, hiểm trở về địa hình như vậy đã làm cho ngôi làng cách biệt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhờ đó đã tạo cho Shirakawa-go một sự phát triển về văn hóa truyền thống độc đáo, bao gồm cả kiến trúc mái nhà "Gassho zukuri".

Ai đến đây đều không thể rời mắt khỏi những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những mái nhà được lợp bằng cỏ tranh - một loại cỏ tự nhiên ở Nhật với cấu trúc dốc nghiêng, rất dày.

2. Český Krumlov, Cộng hòa Séc

Cesky Krumlov, cách thủ đô Praha ba tiếng đi xe, là một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở Cộng hòa Czech, tọa lạc giữa một thung lũng phía nam Bohemia của rừng Blansko. Nơi đây nổi tiếng với kiến trúc đẹp và phố cổ lịch sử, ấn tượng nhất là lâu đài Krumlov bao gồm 40 tòa nhà, cung điện và vườn tược.

Các công trình kiến trúc của lâu đài và phố cổ là một sự tập hợp của nhiều trường phái khác nhau, đa số theo kiểu Phục hưng, Gothic và Baroque. Cesky Krumlov được UNESSCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1992.

3. Wanaka, New Zealand

Wanaka là thị trấn nằm trong vùng Otago thuộc đảo Nam (New Zealand), là cửa ngõ của Công viên quốc gia Mount Aspiring. Nơi đây được mệnh danh là điểm đến lý tưởng của các cặp tình nhân bởi vẻ lãng mạng, nên thơ và khung cảnh dẹp như tranh vẽ tự nhiên đầy ấn tượng.

Thị trấn vùng cao nguyên này là một trong những nơi có phong cảnh lãng mạn và ấn tượng nhất trên thế giới. Cảnh quan ngoạn mục của núi, sông, hồ và cao nguyên sẽ trở thành hậu cảnh tuyệt vời cho buổi hẹn hò.

4. Leavenworth, Washington

Leavenworth là một thị trấn nhỏ nằm nép mình trong dãy núi Cascade hùng vĩ. Lúc trước, người dân ở đây sống bằng nghề khai thác gỗ nhưng khi ngành công nghiệp này không phát triển nữa thì họ đã quyết định làm một cuộc đổi mới thị trấn.

Ngày nay, du khách sẽ thấy Leavenworth mang bầu không khí quyến rũ và tràn ngập cửa hàng theo phong cách Bavarian. Một số hoạt động ngoài trời như đi xe đạp leo núi, trượt tuyết hay đi bộ đường dài cũng thu hút khá nhiều khách du lịch tham gia.

5. Paraty, Brazil

Ẩn mình giữa rừng cây tuyệt đẹp, bao quanh bởi dãy núi xanh rì trải dài tận biển, Paraty hay Parati là một trong những thị trấn cảng được bảo tồn tốt nhất ở Brazil. Được thành lập vào năm 1531, phần lớn kiến trúc của thị trấn nhỏ Paraty đều mang đậm dấu ấn lịch sử thời thuộc địa.

Vùng đất thiên đường nổi tiếng với đỉnh núi nhấp nhô, vịnh cát nhỏ, cánh buồm lênh đênh ngoài khơi xa, hàng cây trải dài tít tắp và đặc biệt là những tòa nhà quét vôi trắng trang trí đầy màu bắt mắt nằm san sát nhau. Tất cả đã tạo nên bức tranh phong cảnh yên bình, làm xao xuyến biết bao trái tim đam mê khám phá, khiến Paraty trở thành một trong những viên ngọc sáng giá của Brazil.

6. Reine, Na Uy

Reine, một ngôi làng đánh cá nhỏ của Na Uy, nằm trên đảo Lofoten, sẽ là một điểm đến đặc biệt dành cho những ai đang mong muốn một chuyến đi tìm về nơi bình yên và lãng mạn. Chính vì thế, hàng năm Reine thu hút hàng ngàn du khách tham quan.

Làng Reine là trung tâm hành chính của Moskenes, nằm trên bờ biển phía bắc của Na Uy. Năm 2005, dân số của làng này là 342 người. Kể từ năm 1734, đây đã là một trung tâm thương mại sầm uất, nhưng hiện nay, ngành kinh tế chính của Reine là du lịch. Du khách đến đây sẽ bị thu hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên bình dị và trong lành thuần khiết đến vô cùng. Xung quanh thị trấn là những dãy núi cao, bao phủ giúp cảnh đã đẹp mà càng ngày đẹp hơn.

7. Furnas, The Azores

Thị trấn nhỏ Furnas ở phía đông đảo São Miguel sở hữu một vẻ đẹp hoang sơ như thời tiền sử với nhiều hồ và suối nước nóng bên cạnh những cánh đồng địa nhiệt đa sắc, những lạch nước trong vắt chảy êm đềm quanh những dãy núi cao bao phủ bởi một thảm thực vật xanh tốt. Ít nguyên thủy hơn là những ngôi nhà nằm rải rác trên những con đường lát đá. Thị trấn “suối nước nóng” ẩn hiện giữa làn sương mù địa nhiệt tạo nên một vẻ đẹp ảo diệu mê hoặc bất cứ ai đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này.

Theo Thu Hường/Petrolimes

Cây hoa anh đào 'nhỏ lệ' ở Nhật cuốn hút bởi sự thơ mộng như bước ra từ tranh vẽ.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ như tranh vẽ của cây hoa anh đào này khiến du khách không khỏi thốt lên trầm trồ.


Tại thành phố Uda tỉnh Nara, có một cây hoa anh đào cổ thụ loại cành rủ có tên "Taki-zakura" hay còn được gọi là "Matabei Sakura" rất nổi tiếng. Cây được trồng trong thời kỳ Sengoku và hiện nay đã chạm mốc 300 tuổi, có đường kính lên đến 3m và cao 13m.

(Ảnh: yuji_sakuramoto)

Hoa thường nở rộ vào tháng Tư, cánh màu hồng phai nổi bật trên màu xanh tươi mát của núi rừng và những cây anh đào khác có cánh màu hồng tươi, hoa mộc lan, hoa thủy tiên, hoa cải… nở rộ xung quanh.

Tên của cây anh đào Matabei bắt nguồn từ tên của vị chỉ huy samurai - Matabei Goto. Ông là một chiến binh dũng cảm và có kỹ năng dùng giáo tuyệt vời. Trong cuộc vây hãm tại thành Osaka của quân đội phía Đông, Matabei bị thương nặng. Một số ghi chép cho rằng ông đã tự sát theo tinh thần samurai.

Tuy nhiên, một truyền thuyết khác lại kể rằng ông vẫn còn sống và tìm đến thành phố Uda, trở thành một nhà sư. Cây anh đào tuyệt đẹp này do chính tay ông trồng.

(Ảnh: Koki Ueda)

(Ảnh: Koki Ueda)

Thân cây cứng cỏi nhưng dáng cành rủ xuống và nở đầy hoa, trông vừa hùng vĩ vừa dịu dàng. Đặc biệt, những nhánh đào Matabei được ví như đang nhỏ lệ hoặc mềm mại như thác nước Ishigaki. Những người ngắm hoa còn ví Matabei trông hệt như chấm pháo hoa khổng lồ tô điểm cho bầu trời đêm.

(Ảnh: dreamy.japan)

Matabei thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia đến công viên và ghi lại nhiều góc độ cũng như khoảnh khắc khác nhau của mình. Matabei vào mùa xuân là thời khắc hoa nở rực rỡ nhất với sắc hồng nhẹ nhàng, tạo nên một khung cảnh thơ mộng như cổ tích. Trải qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, Matabei vẫn đứng hiên ngang mà dịu dàng, ấm áp giữa đất trời bầu bạn cùng năm tháng.

(Ảnh: emirisa2007)

(Ảnh: yuji_sakuramoto)

(Ảnh: yuji_sakuramoto)

(Ảnh: yuji_sakuramoto)

Đặc biệt sau khi Matabei xuất hiện trong một bộ phim lịch sử của đài NHK, mỗi năm vào thời điểm tháng Tư có hơn 70.000 lượt du khách Nhật Bản ghé thăm công viên sở hữu cây hoa anh đào này.

(Ảnh: Koki Ueda)

Cersei(Tổng hợp)





































































Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

1/ “ Đồ bỏ đi cũng không bán" 2/ Chuyện Vợ tôi...

 

"Đồ cũ đâu phải là đồ bỏ"

"Đồ bỏ đi cũng không bán"

Trước khi nghỉ hưu, tôi cũng làm công việc gia vụ. Bà xã nhà tôi nghỉ hưu sớm hơn tôi đến hơn 20 năm. Bà ấy đã quen với việc gia vụ nhưng khi tôi về hưu thì đột nhiên tâm lý nhà tôi mất cân bằng, cả ngày ca cẩm tôi hết chuyện này đến chuyện nọ. Hằng ngày tôi chỉ có ba việc: Ăn cơm, xem tivi và ngủ, đây đúng là một sự lãng phí điển hình.

Tôi tự kiểm điểm mình và xác nhận không làm việc gì cả nên chỉ đành cam chịu sự bực tức mà không thể cãi lại được.

Sáng nay có một người phụ nữ nông thôn gần 50 tuổi đi chiếc xe máy chạy điện ba bánh đến mua đồ phế liệu. Đa số những người đàn ông đi mua phế liệu họ vừa đi vừa rao "Phế liệu đây!", thì mọi người biết là có người mua phế liệu đến và người mua thường nhìn hàng và trả giá. Nhưng với người phụ nữ đi xe ba bánh mua phế liệu này lại khác, cô dừng xe ở một chỗ rồi đi bộ đến từng nhà vỗ vỗ vào cánh cổng sắt và hỏi có bán phế liệu không?

Lúc này tôi đang nằm trên giường mơ màng thì bị đánh thức, tôi đi ra ngoài cổng nói với người phụ nữ:

"Cô đi mua phế liệu mà quấy nhiễu người ta quá, nhà tôi không có phế liệu gì cả chỉ có cái "đồ bỏ đi" này sợ cô không mua thôi”.

Người phụ nữ là người từng trải rất bình tĩnh nói:

"Phế liệu ở trong tay người khác thì không có giá trị nhưng vào tay tôi thì biến thành của quý, phế liệu nhà ông có đắt một chút tôi cũng sẽ mua, ông nói đi là cái gì?".

Tôi thản nhiên nói:

"Trong nhà tôi những thứ khác đều không phải là phế liệu, chỉ có tôi là "đồ bỏ đi" thôi, cô có mua không?" Người phụ nữ có lẽ chưa từng gặp phải chuyện như thế này, cô ta ngây người một lúc rồi nhìn kỹ tôi một lượt, sau đó nở nụ cười nói:

"Đại ca, anh đừng đùa nữa, nhà tôi mất nhiều năm rồi, trong nhà đang thiếu một người đàn ông, nếu thực sự anh muốn bán thì anh nói giá đi".

Tôi nói:

"Vợ tôi cứ nói tôi là đồ bỏ đi, cô chỉ cần cho bà ta một ít tiền là tôi đi theo cô ngay".

Người phụ nữ suy nghĩ một chút rồi nói:

"Gọi chị ra đây nói giá đi!"

Tôi nói vẻ dứt khoát:

"Việc của tôi, tôi tự quyết định, cô ra giá đi!"

Người phụ nữ có chút đắc ý nói:

"Anh thực sự muốn bán tôi sẽ trả 100 đô".

Không biết vợ tôi đi ra từ bao giờ, bỗng nhiên to tiếng nói với người phụ nữ:

"Cô bỏ ra 100 đô để mua một người đàn ông, vậy tôi không cần đàn ông à? Đừng nói 100 mà là một triệu tôi cũng không bán cho cô đâu, tôi còn trông cậy ông ấy để dạy dỗ thằng cháu đích tôn của tôi".

Người phụ nữ vẻ mặt không được vui nên làu bàu:

"Tôi có thể bỏ ra 100 đô mua được năm ông già ở quê mà còn trẻ hơn ông này. Nếu mua heo tôi có thể mua được mười con heo và sau một năm tôi sẽ kiếm được 100 đô, một ông già còn dùng được bao nhiêu nữa đâu, thôi chị giữ lại mà dùng!". Bà vợ tôi tức giận nói với tôi:

"Anh mà lại đánh giá mình rẻ rúng như vậy à? Anh bán mình chỉ với giá 100 đô, còn không mau vào nhà đi!".

Tôi nhìn theo bà vợ cười thầm, trong lòng nghĩ: Một con người là đồ bỏ đi bán 100 đô mà bà không bán, chẳng trách quảng cáo trên tivi thường nói là: "Đồ cũ đâu phải là đồ bỏ"

 

Chuyện Vợ tôi!

 

 

 

Vợ tôi! (Vui)

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Câu chuyện dài mà tôi muốn kể lể là chuyện tôi sợ vợ. Cho đến giờ phút nầy, tôi vẫn không hiểu, tại tôi nhu nhược (như lời mắng nhiếc của mấy thằng bạn), hay tại bản chất yêu chuộng hoà bình của tôi, lúc nào cũng muốn giữ cho cửa nhà êm ấm.

Năm nay tôi bốn mươi sáu tuổi, cầm tinh con heo. Vợ tôi bốn mươi ba, cầm tinh con cọp. Có lẽ, vì cái vía “ông ba mươi” của vợ tôi, nên tôi  phải sợ. Hơn nữa, tôi lại là người  luôn tin rằng, số trời đã định, nên tôi thường không dám kêu ca. Nhưng không dám kêu ca, không có nghĩa là vui lòng sống trong cái cảnh bị khủng bố gần như hàng ngày. Tôi vẫn thầm oán trách trời xanh mỗi khi chứng kiến vợ người ta ngọt ngào với chồng. Thấy mà phát ham, nghĩ lại thân phận mình sao hẩm hiu quá đỗi.

Thật ra, trước kia, tình cảnh đâu có tệ như vậy. Tôi nhớ, gia đình tôi đã có một thời rất hạnh phúc, rằng là phu xướng, phụ tuỳ. Nhưng, kể từ ngày thằng con lớn bắt đầu quậy ở cái tuổi “teenage”, chúng tôi hay cãi nhau, mà tính tôi hay nhịn, ít hờn giận. Thế là vợ tôi, được đằng chân, lại lân đằng đầu, lấn từng bước… từng bước thầm. Cho đến hôm nay thì tôi thua trắng tay!

Mỗi tuần, vợ bỏ vào ví tôi mười đồng. Cuối tuần còn nguyên, thì bà khen giỏi tằn tiện, nếu xài hết, bà không tiếc lời phê phán:

– Anh ăn cơm nhà phủ phê (ăn thì có no, chứ làm gì mà phủ phê), có bia, có nước ngọt ê hề trong tủ lạnh (mỗi tháng mua được có một thùng bia chứ mấy, mà cứ nói như là hàng đống bia chất trong nhà kho). Ði làm thì có cơm nhà đem theo, xăng thì trả bằng “credit card”, vậy thì làm gì mà hết tiền? Chị Linh, bạn tôi nói, anh Bốn – chồng của chị – một tuần xài không hết năm đồng bạc (Trời ơi! ngó xuống mà coi, ông Bốn phải gió nào đó hại người dưng mà).

Tôi cũng giữ một “credit card”. Dĩ nhiên, tôi được quyền xài, nhưng mà khi trả “bill”, thì bà kiểm tra thật kỹ từng mục và tôi có bổn phận phải trả lời, mua cái gì? để làm gì? Có lần, bà mua một món hàng ở đâu đó rồi quên, khi “bill” về, cứ tra khảo tôi mua cái gì? Tôi không mua thì làm sao biết. Thế là, tôi bị  mang “nỗi oan Thị Kính”. Mãi đến sau này, khi nhớ ra, bà cười cái khì là xong chuyện, chứ đâu thèm nhớ lúc đay nghiến, chì chiết tôi là kẻ tiêu hoang, xài phí. Từ đó, tôi quyết định chỉ dùng “credit card” đổ xăng, chứ không dùng để “cà” bất cứ món gì cho thêm chuyện.

Bà được cái nấu ăn dở không ai bằng. Nhưng liệu hồn, đừng có lẹ mồm,  lẹ miệng, khen bún riêu bà A đúng điệu, hay món tôm hấp tỏi bà B nhậu bắt lắm. Trước mặt bạn bè, nghe tôi khen, bà cũng khen theo để chứng tỏ mình là người tế nhị và lịch sự. Nhưng chờ khi có dịp, bà sẽ móc ngoéo “Bún riêu người ta nấu ngon thì xách gói qua bên đó ăn đi” (có ai cho ăn đâu mà nói nhảm). Vậy là cả tuần sau tôi chỉ được thưởng thức một món độc nhất vô nhị. Trưa – gà kho sả. Chiều – sả kho gà! Nếu mai đây có tiệc tùng ở nơi nào, mà bạn tình cờ thấy một người đàn ông với bộ râu mép cụp đuôi, ngồi làm thinh, rụt rè mỗi khi nhón đũa gắp thức ăn, là tôi đó. Bây giờ, khôn ngoan hơn, nên tôi không dại gì mà mở miệng, khen ai nấu ngon trước mặt bà lần nữa.

Vợ tôi lại thêm cái bệnh thích chưng diện nên, chịu khó đi “shopping” và mua sắm khá rộng tay. Ở Mỹ cũng đã hai mươi năm rồi chứ ít sao, vậy mà bà ăn mặc không giống ai. Thân hình thì chẳng còn thon thả gì, lại thêm thiếu bề cao, nhưng cứ thích khoác vào người những chiếc áo đầm phùng xòe với cái nơ tổ bố, khi thì nằm phía trước, khi thì ở phía sau thắt lưng, lúc lại ở ngang hông, đi qua đi lại, ngắm nghía trong gương, với ánh mắt mãn nguyện. Tuy vậy, vẫn chưa hoàn toàn tự tin, nên dịu dàng xin ý kiến của tôi.

– Anh thấy em mặc bộ nầy đẹp không?

Vốn là người thẳng thắn, thấy sao nói vậy, nên tôi nhận xét thật thà:

– Ðẹp, nhưng sao nhiều ren thế này, trông giống… con turkey!

Khó mà tưởng tượng câu phát biểu thiếu suy nghĩ của tôi (quên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói) đã biến đổi một khuôn mặt tươi tắn, hớn hở trước đó vài phút, thành một hình ảnh hãi hùng… Mặt bà đỏ bừng, mắt trợn ngược, hai hàm răng rít lại:

– Ừ! chỉ có con Thơ mặc đẹp, còn mụ nầy hả, già rồi, nên giống con turkey. Thứ đàn ông thay dạ, đổi lòng, đi kiếm con Thơ mà ngắm nó đi.

Bà cởi chiếc áo đầm xé làm hai (không hiểu sao đôi tay của bà, giờ phút đó lại trở nên dũng mãnh đến thế). Hỡi trời, chỉ có cái áo mà trí tưởng tượng bà phong phú như thế đó. Nghĩ lại, cũng là lỗi của tôi. Cách đây lâu lắm, tôi lỡ dại khen cô Thơ, bạn đồng nghiệp của bà, khi nhìn thấy cô ấy mặc chiếc áo gần giống như thế trong một bữa tiệc tất niên (vì  cô ta còn trẻ, dáng người dong dỏng cao, thích hợp với kiểu áo này). Không ngờ bà để bụng, chờ dịp khai hỏa. Ðúng là cái miệng ăn mắm, ăn muối, cứ lỡ lời cho mang hoạ!

Tôi lại có bệnh thích viết nhăng, viết cuội. Sang đây, mười mấy năm làm việc miệt mài, không có cơ hội đụng đến chữ nghĩa, năm vừa rồi, thằng bạn học ngày xưa, rủ rê tham gia sinh hoạt Hội cựu học sinh C.V.A, tôi mới đóng góp tài năng trong đặc san Xuân bằng một truyện ngắn. Tài viết văn của tôi được xếp vào loại có tầm cỡ (bạn bè nói thế), nên từ đó tôi nuôi mộng trở thành “nhà văn” lúc xế chiều. Tôi bắt đầu tập tễnh sáng tác, và một truyện ngắn  của tôi được chọn đăng trên tờ báo địa phương. Niềm hạnh phúc chưa kịp trọn vẹn thì một ngày thứ Bảy, vừa thức dậy, gặp ngay khuôn mặt đằng đằng sát khí với tờ báo trên tay. Giọng  bà chua như ly nước chanh quên bỏ đường:

– Ông hẹn với nó hồi nào, ở đâu? Ông cho nó bao nhiêu tiền? Ðồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi, vậy mà ông đem cho con bồ nhí của ông hả?….

Tôi há hốc miệng, chẳng biết bà nói gì. Ðến chừng hỏi ra mới biết, truyện ngắn của tôi đăng trên  báo với những tình tiết éo le, gay cấn mà tôi đã dùng trí tưởng tượng phong phú để dựng nên, tình cờ bà đọc được (Lạ nhỉ! có khi nào bà đọc báo đâu, hay do “con mẹ lẻo mép” nào đó đưa bà xem, kèm theo những lời lẽ xuyên tạc, rồi bà tưởng là chuyện thật của tôi). Vậy là từ đó, mỗi khi tôi vào máy “computer”, bà thường hay lui tới để tiện bề kiểm soát. Ðó là chưa kể, có khi mấy thằng bạn phải gió, chuyển đến email của tôi các quảng cáo địa điểm, danh lam thắng cảnh của các công ty du lịch,  thì lập tức tôi sẽ được đưa lên ghế điện để điều tra:

– Ông định đi du hí với con nào?.

Ới trời, chỉ một bà thôi cũng đủ tan nát cuộc đời, lòng dạ nào mà mơ đến ai nữa.

Cho đến khi viết những dòng nầy, tôi vẫn là nạn nhân của những cuộc “khủng bố” dai dẳng. Nhiều khi lại nghĩ, thà bất ngờ bị bỏ thây vì bom tự sát ở Giê-ru-sa-lem, còn hơn mỗi ngày, mỗi giờ phải “cố yêu người mà sống”.

Nhà báo ơi! tôi phải làm sao đây?

Bạn thân mến,

Nghe chuyện người mà ta cũng thấy xốn xang. Nếu ông bạn nầy là người thân của tôi thì khó thoát khỏi những câu sỉ vả thậm tệ “Sao anh nhu nhược quá vậy? Sao anh không cứng rắn hơn. Sao anh không ngồi xuống nói chuyện phải trái với vợ, để đem lại bầu không khí êm ấm cho con cái được nhờ…”.  Chắc rằng, ông đã nghe những câu khuyên giải như thế, từ những người thân của ông, khi họ biết chuyện. Nhưng ông đã thua trắng tay và tôi nghĩ rằng ông sẽ thua cho đến ngày có người vấn khăn tang khóc ông. Số kiếp thì thôi đành! Ông đã kết thúc câu chuyện bằng câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An “Hãy cố yêu người mà sống” thì tôi cũng xin được cất giọng an ủi ông “Lâu rồi đời mình cũng qua” .

Qua câu chuyện nầy, có lẽ bạn và tôi sẽ nhìn lại chính cuộc sống gia đình mình. Sự tương kính, tin tưởng lẫn nhau mới chính là chất keo, gắn bó tình yêu để xây dựng hạnh phúc. Chừng nào còn dùng đến sự kiểm soát, theo dõi như “công an đi bắt quân gian” thì cứ tin rằng, gia đình đang bên bờ vực thẳm. Cái lối đay nghiến, kềm kẹp, nghi ngờ của bà vợ có giữ được ông chồng không? Chắc chắn trăm ngàn lần không? May mà ông bạn trên đây cam lòng nghêu ngao cất tiếng hát “Hãy cố yêu người mà sống…” nên gia đình mới còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Khi nào người  đàn ông còn ôm trong lòng niềm ân hận vì đã trót làm chồng của người đàn bà như thế, thì chừng đó, niềm hạnh phúc của ông ta là nắm được một cơ hội để bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình

 

Bảo Huân





CHUYỆN TIẾU LÂM BÁC SĨ



1- XIN VỀ HƯU

Nhân dịp mới đi bệnh viện về, cơ thể của ông lão 70 tuổi mới tổ chức một cuộc họp mừng tai qua nạn khỏi.

Tổng giám đốc Não nói:

– Ai có ý kiến gì cứ nói.

Tim phát biểu: “Tôi làm việc liên tục 70 năm qua tôi xin về hưu”.

“Không được, tim mà về hưu thì là chết rồi”. Các bộ phận đồng loạt phản đối. Tim, gan, phèo, phổi tranh cãi mãi cuối cùng không bộ phận nào được về hưu cả.

Bỗng ở phía dưới có tiếng nói vọng lên:

“Tôi yếu quá rồi xin về hưu”. Mọi người ngó nghiêng mãi không biết ai nói.

Tổng giám đốc Não đập bàn quát:

– Ai vừa nói đứng lên xem nào.

Phía dưới có tiếng phều phào:

“Tôi mà đứng lên được thì đã không xin về hưu”.

(Không biết là bộ phận nào vậy nhỉ !!!)


2- GHEN NGAY CẢ KHI CHẾT

Sau khi khám bệnh cho người cha, bác sĩ bảo với cậu con trai:

– Bố cậu bị ung thư giai đoạn cuối rồi, có lẽ chỉ còn sống được khoảng 3 tháng nữa.

Trên đường về, người cha bảo con ghé vào quán rượu gần nhà để uống vài chén. Trong quán rượu, ông ta thông báo với tất cả mọi người rằng mình sắp chết vì bệnh AIDS.

Thấy vậy, người con thắc mắc:

– Bố bị ung thư cơ mà, tại sao lại nhận mình bị căn bệnh thế kỷ đó?

– Vì bố không muốn bất cứ kẻ nào léng phéng với mẹ con sau khi bố qua đời.

3- KHÔNG CÓ SỮA

Một phụ nữ bế đứa bé đi khám bệnh. Bác sĩ khám và phát hiện thằng bé bị suy dinh dưỡng.

Bác sĩ hỏi:

– Thưa bà, cháu đang bú sữa mẹ hay sữa bình ạ?

– Sữa mẹ!

– Vậy bà vui lòng cởi áo ra để tôi khám.

Một lúc sau, bác sĩ tuyên bố:

– Hèn chi thằng bé suy dinh dưỡng vì bà không có sữa. Chẳng có chút sữa nào cả.

Người phụ nữ bình thản trả lời:

– Tôi biết! Tôi là bà ngoại của nó mà!

4-  ĐAU ĐẦU VÌ VẦNG HÀO QUANG

Bệnh nhân phàn nàn với bác sĩ là ông ta thường xuyên bị đau đầu. Bác sĩ hỏi:

– Ông có uống rượu không?

– Thưa bác sĩ, chưa bao giờ tôi uống lấy một giọt!

– Ông hút thuốc lá chứ?

– Thưa ngài, tuyệt đối không.

– Còn chuyện phụ nữ?

– Ồ! Tôi không hề nghĩ tới chuyện đó.

– Thế thì ông đúng là Thánh rồi! Có thể vầng hào quang trên đầu ông hơi bị chặt.

5- GẤP LẮM RỒI

Trước cửa hiệu thuốc tây, người xếp hàng dài dằng dặc, nhẫn nại nhích lên từng bước một. Bỗng 1 người đàn ông xuất hiện, bộ dạng hớt hải, quần áo xộc xệch chen lên phía trước, miệng liên tục nói:

– Xin lỗi, cho tôi qua, gấp lắm rồi. Người nhà tôi đang nằm chờ…

Mọi người tỏ vẻ thông cảm và dạt ra để ông ta lên trước. Đến nơi, ông này hổn hển nói với cô bán thuốc:

– Chị làm ơn bán gấp cho tôi hai…bao cao su.

6- KHÁM BỆNH

Một cô gái trẻ cực kỳ xinh đẹp bước vào phòng khám với một bà lão 90 tuổi. Cô hỏi bác sĩ:

– Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể giúp tôi không ạ?

Bác sĩ nhìn cô gái một lúc rồi nói:

– Được thôi, cô vui lòng bước vào phòng đằng kia, đứng trước màn và cởi hết quần áo ra, sau đó đợi tôi vào.

– Ấy chết, người tôi nhờ bác sĩ khám không phải là tôi mà là bà ngoại tôi đây ạ!

– Thế thì tuyệt quá, xin bà há miệng ra cho tôi khám nào.

7- VỢ BỊ ĐIẾC

Một người đàn ông đi gặp bác sĩ để kể về người vợ của mình. “Tôi cho rằng vợ tôi bị điếc, cô ấy chả nghe thấy tôi nói gì mà toàn khiến tôi phải nhắc lại”.

Người bác sĩ trả lời: “Được rồi, bây giờ anh cứ về nhà. Tối nay đứng cách vợ 6m và nói một điều gì đó. Nếu bà nhà không trả lời, đứng lại gần 2m nữa và nhắc lại. Cứ tiếp tục như thế để xem mức độ nghễnh ngãng của bà ấy nặng đến mức nào”.

Người chồng trở về nhà và thực hiện đúng theo chỉ dẫn. Ông đứng cách vợ 6m khi bà đang thái thịt trong bếp và hỏi: “Cưng à, tối nay mình ăn gì vậy?”. Ông không nghe thấy câu trả lời. Ông đứng gần lại 2m nữa và hỏi lại. Vẫn không có câu trả lời. Ông đứng gần thêm 2m. Vẫn chẳng thấy gì. Cuối cùng, ông tiến sát lại sau vợ và hỏi: “Em yêu, tối nay mình ăn gì?”.

Cô vợ trả lời: “Đây là lần thứ 4 rồi nhá. Thịt bò hầm!”.