a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Truyện của 1 người có khả năng viết. Hay !

Một buổi sáng, người đàn bà chừng năm mươi tuổi bước vào sân nhà tôi, vẻ tự tin như đây là chốn quen. Gặp tôi ở sân, bà hỏi cháu có phải con ba Bình không. Tôi gật đầu dạ đúng. Bà nói “hèn chi giống đúc” rồi đi thẳng vào nhà, không chút khách sáo.

 Ông nội tôi đau ốm mấy năm nay đang nằm liệt trên giường, nghe có người vào liền ngoái đầu lên. Giọng ông tự dưng khỏe hẳn.

 - Có thằng Hòa về không con?

- Dạ ông. Nó mất rồi ông ạ.

 - Mất thì mày còn về đây làm chi.

 Nói rồi ông nằm xuống như không có chuyện gì xảy ra. Tôi không rõ người đàn bà này là ai, Hòa là ai. Và tại sao chỉ hai câu nói của ông nội lại có đến hai từ dành cho người đàn bà, đầu tiên ông xưng con, sau ông xưng mày.

 Tôi chạy ra đồng gọi ba mẹ về, nhà có khách. Nghe tôi kể ngắn gọn chuyện người đàn bà ở nhà, ba tôi luống cuống dộng cái cuốc bên vệ cỏ định chạy về ngay.

 Nhưng ông kịp liếc nhìn mẹ tôi, bà đang đứng chết lặng.

 Mẹ nói: “Anh về gặp chị ấy đi”. Ba cứ nấn ná: “Có về thì mẹ mày về luôn, mà thôi, vội chi”. Phải tới trưa, cả ba và mẹ tôi mới về tới, khi đó trong nhà đông đủ các cô các chú của tôi đã có mặt.

 Chú Ba bảo tôi phải gọi người đàn bà là dì Nga. Dì Nga là vợ đầu tiên của ba tôi. Trước bảy lăm, ba tôi làm trợ lý phiên dịch cho một nhóm lính Mỹ ở miền Nam. Dì Nga lúc ấy cũng làm lặt vặt trong sở Mỹ. Ba gặp dì Nga trong cái sở Mỹ đó.

 Sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm, ba tôi đưa dì Nga về quê, nơi ngôi làng miền Trung thuần nông này. Năm sau, dì Nga bồng đứa con trai là cu Hòa mới bảy tháng tuổi trốn đi. Từ đó nhà tôi không hề biết tin tức của dì.

 Ba mươi năm rồi, nay dì mới tìm về lại quê chồng.

 Các cô các chú xúm vào hỏi chuyện dì. Ba chục năm xa cách khi gặp lại hóa ra cũng chỉ mỗi chuyện nay dì sống ở đâu, làm nghề nghiệp chi. Thực tình tất cả các cô các chú rất muốn hỏi chuyện đứa cháu trai tên Hòa, nhưng ai cũng chỉ gợi chuyện bóng gió, không dám nói thẳng.

 Kể ra, người tên Hòa đó mới là sợi dây thân thích níu kéo, giằng giữ dì Nga với gia đình tôi. Nếu không thì dì cũng chỉ người dưng mà thôi. Vì ba tôi đã lấy mẹ tôi và có đến ba mặt con trai gái đủ cả.

 Mẹ tôi ngồi dưới bếp,

 

lặng lẽ như một thanh củi khô. Cứ như thể chính mẹ mới là người vừa trở về, ngại ngùng rụt rè lo lắng xa lạ. Các cô các chú, kể cả anh em tôi đều quấn lấy dì Nga bắt chuyện.

 Dì Nga bước xuống bếp gọi mẹ tôi:

 - Dì Bưởi lên đây đi. Sao dì tránh tôi? Hay dì khó chịu khi thấy tôi về? Nói cho dì hay, dì mới là người... cướp chồng tôi, nhé. Nên nếu tôi bình thường, thì ít ra dì cũng phải vui vẻ với tôi chứ.

 Tôi thương mẹ, nhưng tôi cũng giận mẹ. Đúng như dì Nga nói, lẽ ra mẹ cần phải niềm nở vui vẻ khi người vợ đầu của ba tôi vừa trở về sau ba mươi năm. Thái độ của mẹ cũng khiến cho ba tôi khó xử.

 Ba không dám tỏ vẻ mừng khi dì Nga trở về, sợ mẹ tôi buồn. Ba cứ ngồi ngoài hiên đốt thuốc lá hết điếu này sang điếu khác. Thỉnh thoảng dì Nga liếc mắt ra chỗ ba tôi ngồi, rồi mỉm cười bảo: “Có gì tâm tư lắm đâu mà đốt thuốc hoài vậy ông Bình. Vô nói chuyện chơi”.

 Dì Nga là người miền Nam đầu tiên tôi gặp, đúng như người ta hay bảo, dân trong đó sống vô tư thoải mái, ruột để ngoài da.

 Mọi người hỏi vòng vo đâu đâu nhưng dường như dì Nga đoán ra tất cả đều muốn nghe chuyện về thằng cu Hòa. Dì kể:

 - Khi tôi bồng cháu nó vào lại miền Nam, cũng kiếm được cái lán nhỏ để ở và nhận bán hàng đầu chợ. Lên bốn, một hôm nó chạy về sau nhà chơi thì rớt xuống hồ nước.

 Dì Nga chỉ kể chừng đó về đứa con trai tên Hòa. Chỉ mấy chữ thôi nhưng câu chuyện cách đây ba chục năm nhắc lại vẫn thấy rùng rợn. Chừng ấy thời gian, có lẽ đã đủ để nỗi đau trong lòng người mẹ lắng xuống.

 Phải vì thế nên dì kể rất bình tĩnh, không chút cảm xúc buồn bã. Dì không khóc ủy mị như khi người ta thuật lại một câu chuyện buồn có phần lỗi của mình trong đó.

 Nhưng chính cái sự bình bĩnh đó của dì khiến cả nhà tôi nghi nghi. Biết đâu dì đang bịa ra tình huống xui xẻo, chứ thực ra đứa bé tên Hòa vẫn đang sống và là một chàng trai ba chục tuổi đời. Vì một lý do nào đó, dì không muốn đưa anh Hòa về quê chẳng hạn.

 Sự nghi ngờ này cứ âm thầm, len lỏi, nhen nhúm dần lên. Các cô các chú cứ rục rịch rỉ tai nhau, bàn cách cố moi thêm thông tin về đứa cháu. Tôi cũng được giao trách nhiệm. Cô Năm bảo tôi: “Mày cố hỏi dì Nga về anh Hòa nhé, có khi anh mày còn sống đấy. Cô nghi lắm”.

 Mấy ngày dì Nga ở quê, tôi là người tiếp xúc với dì nhiều nhất. Có mấy chỗ thăm chơi, dì cũng bảo tôi lấy xe máy chở đi. Nhờ vậy tôi được nghe nhiều chuyện của dì hồi ở đây. Mà dì chỉ ở có một năm rưỡi, sau đó lại đi xa gần ba chục năm nên kỷ niệm cũng không còn nhớ nhiều.

 Dì kể lúc theo ba tôi về đây, cảnh làng xóm tiêu điều buồn tẻ. Lúc đó vẫn còn kiểu làm ăn tập thể, dì được xếp vào đội cấy gặt, đội cắt cỏ.

 Mới ngoài hai mươi tuổi, dì đẹp và thon thả, da dẻ trắng trẻo, ra đồng làm chả được bao nhiêu đã đuối sức. Nghĩ cảnh lao động chân tay này còn dài dài, dì lượng sức không chịu nổi cực nhọc, nên mới bồng cu Hòa bỏ đi.

 Mãi sáu năm sau ngày dì Nga đi khỏi làng, biết khó tìm được dì nên ba tôi cưới mẹ tôi, sinh ra ba anh em tôi. Chúng tôi lớn lên không hề nghe kể về dì Nga. Bà con thân thích cũng không ai nhắc lại chuyện về người đàn bà miền Nam từng về sống trong ngôi nhà này.

 Tôi vẫn nhớ nhiệm vụ các cô các chú giao phó, nhưng tôi không muốn hỏi thêm dì Nga về anh Hòa. Chuyện nếu kể được, người ta sẽ tự kể, không cần khơi gợi. Mà có khi dì kể hết rồi đấy. Chỉ vì gia đình tôi cần nghe một cái kết khác, lạc quan hơn.

 Tôi chở dì đi loanh quanh chơi. Dì bảo làng xã bữa nay khác quá, đẹp hơn trước nhiều, dì chẳng nhận ra chỗ nào cả. Tôi nói vui: “Hồi đó mà khang trang thế này chắc dì chẳng bỏ đi đâu nhỉ”. Dì cú vào đâu tôi: “Thế thì không có cháu đâu”.

 Những ngày ở quê chính dì Nga đi chợ, vào bếp chuẩn bị bữa ăn. Vừa làm dì vừa kể hồi trước về đây dì không rành chuyện nấu nướng, với lại bếp củi lửa rơm khói um lên, dì toàn bị chê nấu ăn dở ẹc.

 Bây giờ khác, thậm chí chúng tôi cảm giác dì Nga nấu ăn ngon hơn mẹ tôi. Mấy món ăn nấu theo kiểu miền Nam hơi ngọt, nhưng chúng tôi thích. Cả nhà ăn cơm dì nấu ai cũng khen. Có thể chỉ khen cho dì vui lòng. Mấy chục năm người dâu cả trở về, lại đa công đi chợ nấu nướng, không khen sao đành.

 Mẹ tôi vẫn không tự nhiên được, cứ cố tình tránh dì Nga. Ban ngày mẹ tôi ra đồng, tới bữa về ăn cơm. Buổi tối mẹ ngồi miết trong bếp nấu rau cám cho heo, rồi đổ gạo ra giần sàng hết mẹt này tới mẹt khác.

 Dì Nga lại bảo mẹ tôi: “Dì vui vẻ đi. Tôi chơi mấy bữa rồi vào lại chứ có ở đây đời kiếp đâu mà dì tỏ vẻ. Tôi mà thích ở đây thì hồi đó chẳng bỏ đi làm chi”.

 Ba tôi vẫn ngồi đốt thuốc mỗi đêm, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn liếc qua hai người đàn bà của đời mình. Một người vợ đầu tiên nay đã trở về, hoạt bát nhẹ nhàng như chỉ mới đi chơi loanh quanh đâu đó. Một người vợ sau hơn hai chục năm sống với nhau giờ bỗng lạnh lùng im lặng.

 Dì đi lại tự nhiên trong nhà, nói cười trò chuyện, dọn dẹp lặt vặt. Điều đó làm cho mọi người cảm thấy dì gần gũi, chân tình và cuộc sống gia đình không bị xáo trộn gì nhiều. Anh em chúng tôi cố gắng quấn lấy dì, không có chút cảm giác kiểu đó là “bà dì ghẻ”.

Đứa út còn rủ dì về đây sống luôn cho vui. Chắc vì nó thích kiểu nấu ăn vừa đậm đà vừa có bỏ đường ngọt của dì.

 Ông nội tôi đã yếu nhưng mắt vẫn nhìn thấy, tai vẫn nghe tinh tường, chỉ không đi lại được thôi. Thế nhưng mấy ngày dì về, và nhất là những khi dì ngồi bên giường quạt thì ông nhắm mắt như giả vờ... chết. Đó là kiểu biểu hiện ông đang giận.

 Lẽ ra cái hôm mới về, dì Nga đừng đáp lời ông vội vàng như thế, tránh cho ông biết chuyện cu Hòa, có khi ông không nằm yên như vậy.

 Ngày chia tay, dì Nga vẫn không khóc. Từ lúc về cho tới lúc đi là bốn ngày, tuyệt nhiên dì không chảy một giọt nước mắt. Dì đến chào ông: “Ông ơi ông tha tội cho con. Tại hồi đó cực khổ quá con làm nông không nổi nên mới phải bỏ đi”.

 Ông tôi vẫn nằm yên nhắm mắt như kiểu không nghe không biết không quan tâm. Rồi dì cũng chào các cô các chú của tôi với câu nói cầu xin tha thứ đó.

 Mọi người hỏi địa chỉ của dì Nga nhưng dì vòng vo lảng tránh. Chắc dì nghĩ rằng nếu có cuộc thăm chơi thì dì là người chủ động về, còn những người ở đây chẳng ai đi tìm thăm dì đâu.

 Giá như lúc chia tay dì tiết lộ thêm một chút thông tin về cu Hòa, hoặc nếu dì khóc chẳng hạn, chắc cả nhà tôi sẽ dễ chấp nhận chuyện đứa cháu đích tôn của ông nội đã rơi xuống hồ nước thật.

 Sau ngày dì Nga đi, cô Năm bảo: “Dứt khoát thằng Hòa còn sống. Chỉ tại chị Nga không thích cho nó về thôi. Hoặc chị về thăm dò coi nhà này bây giờ sống sao, rồi mới tính chuyện đưa nó về thăm ruột rà chuyến sau cũng nên”.

 Mấy lời của cô Năm cũng chỉ suy đoán, nhưng nó như tiếp thêm chút hi vọng cho cả nhà. Dì Nga cũng không cho ai biết địa chỉ nơi dì đang sống, nên chẳng ai biết đường đâu để lần mò tìm kiếm điều tra. Sau cùng các cô các chú bảo việc tìm kiếm đó giao cho tôi, vì tôi còn trẻ có thể đi nhiều được, và đằng nào “anh em nó cũng phải tìm nhau”.

 Ông nội tôi mất. Khi làm đám, cả nhà băn khoăn không biết có đưa tên anh Hòa vào danh sách ghi trong tờ văn sớ không. Nếu anh Hòa còn sống thì mới được đưa tên vào, và tất nhiên anh phải đứng đầu trong đám cháu, vì anh đích tôn.

 Hỏi ý ba tôi, ba chỉ im lặng suốt buổi chiều. Tất cả mọi người đều muốn đưa tên anh Hòa vào, như một cách tin rằng anh vẫn còn sống đâu đó. Đến tối, lúc vị thầy chủ sám đã đến, ba tôi mới bảo thôi, không cần đưa tên Hòa vào nữa.

 Không hẳn ông chịu chấp nhận đứa con đầu tiên đã mất, mà có lẽ ba muốn làm cho mẹ tôi đỡ buồn lòng thêm. Cả tên dì Nga cũng không có trong danh sách, dù dì vẫn còn sống.

 ***

Tôi là người duy nhất biết địa chỉ của dì Nga.

 Bữa về thăm quê dì đọc địa chỉ cho tôi ghi và không bảo giữ bí mật. Nhưng lúc chép xong dì bảo cất kỹ đi, tôi đoán như vậy tức là dì không muốn có thêm ai khác biết nơi dì đang sống.

 Tôi giữ bí mật cho riêng mình, dù có vài lần ba tôi, các cô các chú đều hỏi bóng gió xem dì Nga có tiết lộ chỗ ở không.

 Có địa chỉ của dì trong tay, nhưng mãi đến ba năm sau, khi công ty cử tôi vào miền Nam dự khóa tập huấn ngắn hạn, tôi mới tìm đến nhà dì Nga.

 Dì sống một mình, ở cái chỗ không quá đông đúc cũng không quá thưa thớt. Tôi xin phép dì được vào phòng thờ thắp hương. Tôi không có ý tò mò, đấy chỉ là lễ nghĩa được ông nội chỉ dạy. Dì đồng ý, còn khen tôi biết sống theo phong tục cổ truyền, đúng là cháu của ông nội.

 Bàn thờ sạch sẽ và thanh tịnh. Chỉ có hai bát nhang, kèm theo ảnh của hai ông bà mà tôi đoán là các cụ thân sinh dì. Tôi ngó quanh, không thấy còn bát nhang nào nữa.

 Nếu anh Hòa mất, thì phải có một bức ảnh hoặc chí ít là một cái bát nhang ở phòng thờ này chứ. Tôi có chút nghi ngờ, có lẽ như cô Năm từng nói là anh Hòa vẫn còn sống. Nghĩ vậy nhưng tôi không dám hỏi dì.

 - Con vào được đây thăm dì thật quý. Dì nghĩ con là một người đàn ông độ lượng, rồi đây đứa con gái nào lấy được chắc hạnh phúc lắm.

 - Dạ. Con đi công tác, tiện đường thăm dì luôn cho biết chỗ. Dì cũng như... mẹ của con thôi.

 - Làm kỹ sư mà ăn nói khéo thế. À. Mà kể ra giữa dì và con đâu có mối quan hệ thân thích ruột rà gì đâu, đúng không?

 Câu nói có vẻ hơi phũ phàng nhưng cả hai dì cháu bật cười vui vẻ. Dì lấy tập album ảnh, lật lật rồi rút một bức đưa tôi xem. Trong hình cặp vợ chồng và đứa con trai kháu khỉnh. Người chồng chừng ba chục tuổi.

 - Vợ chồng Hòa đó con. Chúng nó ở trên Sài Gòn làm ăn. Cuối tuần, hoặc muộn nhất là hai tuần về đây chơi với dì.

 Tôi lặng người đi, rồi gờn gợn nhớ lại hình ảnh từng tưởng tượng: một đứa bé vùng vẫy dưới nước. Chắc hẳn các cô các chú của tôi cũng từng tưởng tượng như vậy. Hóa ra chẳng có đứa trẻ nào đuối nước cả. Vậy là dì Nga đã nói dối cả gia đình tôi. Anh Hòa vẫn đang sống sờ sờ đây.

Tại sao dì lại đi nói dối chuyện tày trời như vậy được. Tôi mừng thầm, mình vẫn còn một người anh cùng cha. Và chắc cả nhà tôi ngoài quê sẽ vui lắm khi biết tin này. Tôi mân mê bức ảnh, săm soi khuôn mặt anh Hòa. Nhưng, tôi chả thấy giữa anh và tôi có nét nào giống nhau cả.

- Dì biết con độ lượng nên mới cho con biết tin này. Thứ lỗi cho dì trước đây phải nói dối. Nhưng dì có chuyện khó nói, nên chẳng đặng đừng mới phải bảo thằng Hòa nó mất rồi. Thực ra... Hòa không phải con của ba Bình.

 Tôi hơi choáng. Niềm vui biết tin anh Hòa còn sống đã bị dội một gáo nước lạnh.

 - Dì không cố ý lừa cả nhà đâu. Dì thương ba Bình của con thật lòng. Dì theo ba con về quê lúc đang mang thai và nghĩ là con của ba Bình thật.

 Chỉ đến khi cu Hòa hơn một tuổi, ngó cái nét mặt dì mới biết là con một người khác ở trong sở Mỹ. Dì thấy xấu hổ nên mới phải bỏ quê mà đi, chứ việc đồng áng làm ăn tập thể, dì tuy yếu ốm nhưng đâu có ngại.

 Đúng như dì nói lúc nãy, giữa tôi và dì Nga đâu có mối quan hệ thân thiết gì. Hóa ra lâu nay sợi dây mà cả gia đình tôi cố gắng nối với dì là một sợi dây bị đứt. Chỉ có dì thấy được chỗ đứt. Còn cả nhà tôi vẫn tưởng dây lành, và khi vớ được sợi dây, mọi người nghĩ lần theo đó sẽ hàn gắn lại được.

 Tôi không ở lại chơi thêm hai ba hôm để đợi anh Hòa về gặp nhau. Dì Nga cũng không níu giữ thêm nữa. Chắc dì cũng linh cảm cái sợi dây đứt đó, nó đã bị buông thật rồi. Tôi chỉ ăn với dì một bữa cơm trưa đạm bạc, để cả dì cả tôi đều cảm thấy dễ chịu hơn.

 Tôi cũng không có ý định, và chắc chắn không bao giờ tiết lộ chuyện này với gia đình mình. Cứ để ba tôi và các cô các chú đinh ninh anh Hòa còn sống, hoặc đinh ninh anh Hòa đã chết nhưng vẫn là máu mủ gia đình, như thế hay hơn.

 Chiến tranh đi qua đất nước này, dù đó là nơi bình lặng nhất, nơi không có bóng đạn bom, thì vẫn để lại những nỗi đau. Không nên biết nhiều, và không nhắc lại có khi hay hơn. Đúng như câu nói của dì Nga lúc tiễn tôi: “Có nhiều chuyện trong sở Mỹ con không biết đâu. Và cũng không nên biết làm gì”.


 HOÀNG CÔNG DANH


 BẠN CŨ

Nó học rất giỏi, là cây văn nghệ phong trào của khoa, được nhiều bạn bè thương mến, là crush của nhiều cô gái Đại học Kinh tế K35 năm đó.
Đang năm 3, cả lớp bất ngờ khi nó tự tổ chức 1 bữa tiệc ngọt để chia tay bạn bè về quê do gia đình không kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn.
...
10 năm sau
...
Vất vả cơm áo gạo tiền khiến nó già trước tuổi, gánh nặng gia đình làm cho thể xác nó càng thêm còm cõi, những vết chân chim hằn sau đuôi mắt làm cho ánh nhìn của nó lúc nào cũng đau đáu tâm tư.
Một số ae K35 Khoa Kinh doanh Quốc tế tìm hiểu được biết nó hiện nay đang chạy xe ôm, sống vất vả trong 1 phòng cho thuê miết tận Tân Kì-Tân Quý và quyết định dành cho nó 1 sự bất ngờ.
...
Chiều hôm đó, đang ngáp ngắn ngáp dài chờ khách ở Vòng xoay Hàng Xanh nó nhận được 1 cú điện thoại lạ, người khách yêu cầu mua cho họ 32 cái phong bì và ship đến phòng VIP 3 của 1 nhà hàng nổi tiếng Sài gòn trên Quận 1, phí ship là 150k, yêu cầu là trước khi vào phòng phải gọi điện thoại cho họ để xác nhận.
Mừng thầm vì bữa tối nay gia đình có được thêm món ăn ngon, nó xoay đầu xe 180 độ trực chỉ về khu trung tâm...
Choáng ngợp với khung cảnh sang trọng của nhà hàng, nó rụt rè nhờ nhân viên phục vụ dẫn đến phòng VIP mà người khách lạ đã dặn.
Sau cuộc điện thoại xác nhận, nó đẩy cửa bước vào...
Không tin vào mắt mình, đứng dọc lối vào sau cánh cửa là hai hàng những con người áo quần sang trọng đồng loạt gọi tên, vỗ tay, ôm hôn nó, tự nhủ chắc họ nhầm mình với ai đó, rồi nó càng ngạc nhiên hơn, họ gọi đúng tên mình mà...
Định thần sau vài giây, nó nhận ra đây là tập thể K35 Khoa Kinh doanh QT yêu thương thưở nào. Một số đi công tác xa thì không có mặt, cả nó nữa là 33 người.
Thằng Tường lớp trưởng sau khi nhận cái túi đựng phong bì rỗng bèn đưa nó vào 1 căn phòng rộng hơn, trong đó bàn tiệc đã sẵn sàng để chờ 1 mình nó.
Bạn bè gặp nhau mừng mừng tủi tủi cùng ôn lại chuyện cũ, ai cũng tránh không nhắc tới chuyện gia đình nó hiện thời.
Rồi cuộc vui tàn, bạn bè chia tay, Tường trước khi tiễn nó về cầm lại túi phong bì nhét vào trong áo khoác sờn vai của nó, kéo khoá cẩn thận và nói:
- Sợ mời mày không đến nên bọn tao phải dùng hạ sách này, mong mày thông cảm.
Đêm đó nó về tới nhà khoảng 9h, lòng vui vì gặp lại lứa bạn bè thành đạt, nhìn lại mình cũng thoáng buồn vì tết nhất đến nơi mà chưa sắm sửa được gì cho vợ và con.
Vợ nó đón ngay cổng, phụ đẩy chiếc xe cà tàng lên cái cầu cao dắt vô nhà, sẽ sàng cởi cái áo khoác của nó ra. Quái lạ, sao hôm nay cái áo nặng vậy, vợ nó hỏi:
- Anh bỏ cái gì trong này à?
Nó nói: mấy cái phong bì không thôi mà.
Tò mò, vợ nó mở ra xem. Ui chao, trong phong bì nào cũng cơ man tiền, tiền Việt có, đô Mỹ có, đô Úc có. Vợ nó vội lay hắn, lúc này đã thấm mệt:
- Anh, tiền đâu ra nhiều vậy, phong bì nào cũng tiền?
Nó vùng dậy, hết đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đọc được tờ giấy do Tường viết:
Đây là số tiền ae lớp tạm hỗ trợ cho mày và gia đình đón Xuân Kỷ Hợi, đừng suy nghĩ gì cả. Đó là tấm lòng của các bạn mình.
Mắt nó nhoà đi và lòng nó ấm lại như bếp lửa hồng của nồi bánh tét ai đó đang nấu bên hông khu trọ...
Chia sẻ từ fb Ngô Vũ Cát Tường
An Le Ảnh sưu tầm

Kỷ vật từ biệt.

Linn Anderson, hai mươi lăm tuổi, trông duyên dáng, hùng dũng, khỏe mạnh trong bộ quân phục quân đội Hoa Kỳ. Ngày 4 tháng 9 năm 1949, Linn ngồi một mình trong nhà hàng Hokkaido tại cảng biển San Francisco.

Ðó là việc đầu tiên Linn thực hiện khi đặt chân trở lại mẫu quốc Hoa Kỳ với lý do đơn giản là nàng nhớ nước Nhật, nơi nàng vừa từ biệt sau một năm rưỡi công tác tại đó.

Sau Thế chiến thứ hai, cũng như nhiều phụ nữ Mỹ khác, Linn tình nguyện  đi theo đoàn quân viễn chinh Hoa Kỳ đến Nhật, với chức danh nữ thư ký quân đội.

Thời gian phục vụ ở Nhật, Linn đã trải qua những ngày tuyệt vời hơn cả mong đợi với nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong đời. Nàng đã xem nhiều thứ, học hỏi vô số điều.Nhật Bản, so với Mỹ, là một đất nước rất xa về địa lý và rất khác biệt về văn hóa. Nàng muốn dùng bữa tại nhà hàng Nhật để ôn lại, đắm mình vào thế giới vừa tuột khỏi tầm tay: hương vị những món ăn, những buổi lễ hội ẩm thực, nghi thức dọn bàn ăn…

Chủ nhà hàng Hokkaido tiến đến bàn của Linn Anderson, nụ cười tươi trên môi. Hai bàn tay nắm lại, ông cúi người chào khách:

– Xin chào. Rất hân hạnh được đón tiếp quý khách tại nhà hàng chúng tôi.

Linn Anderson cười và gật đầu đáp lễ. Trước đây nàng hơi ái ngại trước kiểu cách chào hỏi “quá cầu kỳ” của người Nhật, nhưng giờ thì nàng đã quen rồi. Cuộc trò chuyện giữa hai người bắt đầu. Linn thuật lại cảm nhận của nàng về nước Nhật trong thời gian làm việc tại đó. Chủ nhà hàng giải thích nhà hàng vừa được khai trương gần đây nên khách đến chưa đông. Nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng qua thôi. Sau những câu xã giao, Linn lấy trong túi xách ra một tấm lụa với những dòng chữ màu đỏ. Từ khi nhận “kỷ vật” này, nàng rất nóng lòng muốn biết ý nghĩa của nó.

– Ông có thể dịch cho tôi nội dung những dòng chữ viết trên tấm lụa này không?

Ông chủ người Nhật lướt qua dòng chữ và hỏi:

– Linn Anderson là ai vậy?

– Là tôi!

– Tôi xin chúc mừng cô.

– Chúc mừng tôi, về việc gì?

– Thì về việc cô thành hôn chứ còn gì nữa.

– Ông nói gì tôi không hiểu?

Chủ nhà hàng Hokkaido rất ngạc nhiên.

– Cô đã kết hôn với Sato Ikeda vào ngày 02 tháng 08 năm 1949. Ðó là nội dung ghi rõ trong tấm lụa này.

Gương mặt của Linn Anderson bỗng tái mét.

– Anh ta dám làm chuyện đó ư ?

Ông chủ nhà hàng vẫn còn sững sờ trước sự việc tréo ngoe này. Linn ấp úng:

– Tôi là nạn nhân của một trò đùa cợt đáng xấu hổ.

Rồi nàng vội vàng đứng lên.

– Xin lỗi ông, tôi phải đi gặp luật sư của tôi ngay…

John Campbell, ba mươi tuổi, quen biết Linn Anderson lúc cả hai phục vụ trong quân đội.

Sau khi giải ngũ, anh về hành nghề luật sư tại San Francisco. Tuy trẻ tuổi nhưng anh đã thu hút lượng thân chủ khá đông. Cuộc viếng thăm có phần bất ngờ của nữ đồng đội khiến anh rất vui pha lẫn ngạc nhiên.

– Ồ Linn! Thật là dễ thương khi em không quên bạn cũ!

Nhưng nàng tỏ vẻ không vui trước sự niềm nở của John.

– Em đến gặp anh với tư cách là một luật sư, John…

Rồi nàng lấy tấm lụa ra cho John xem.

– Có một người đã chế giễu em, John. Anh ta cưới em mà em không hề hay biết. Anh có thể

cho em biết hậu quả của sự đùa cợt này nghiêm trọng đến mức nào?

John Campbell chỉ vào tấm lụa chi chít chữ Nhật hỏi:

– Em định nói tấm lụa này là giấy kết hôn với tên em trong đó?

– Ðúng vậy.

– Vậy thì anh rất tiếc, nhưng nó thật sự có hiệu lực. Từ khi chúng ta chiếm đóng nước Nhật,

hai bên đã ký hiệp định tương tác về các văn bản hành chánh.

– Ðiều đó có nghĩa là… em đã có chồng sao?

– Về mặt pháp lý thì hoàn toàn đúng.

– Nhưng không thể được, John! Người ta nói với em rằng buổi lễ hôm đó có ý nghĩa hoàn toàn khác với lễ thành hôn. Vậy là người ta đã lừa dối em. Một cuộc hôn nhân như thế không thể nào có hiệu lực!

– Em hoàn toàn có lý. Tuy nhiên trường hợp lừa dối, luật pháp sẽ hủy bỏ với điều kiện có bằng chứng cụ thể…

– Thật là tệ hại! Bây giờ thì em phải làm gì đây?

John Campbell đặt hai tay lên vai Linn Anderson, ấn nhẹ cho Linn ngồi xuống ghế và nói:

– Em đã làm đúng khi đến gặp anh bởi đó là nghề của anh mà… Nào, em hãy thuật lại sự việc từ đầu!

Linn lau nước mắt nói:

– Cám ơn anh đã chỉ dẫn.

Rồi Linn Anderson kể lại thời gian nàng công tác ở Nhật với cương vị là một thư ký cho một vị tướng Mỹ. Ðến Tokyo vào đầu tháng 01 năm 1948, nàng không thể nào quên ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước mặt trời mọc: tuyết rơi khắp nơi phủ trắng mặt đất, mái nhà; bầu trời trong veo… Ðó là hình ảnh tuyệt đẹp đầy ấn tượng …

Nơi làm việc của nàng là Nagoya nằm về phía Nam của Tokyo. Tại đây nàng quen biết Sato Ikeda. Như những người đứng đầu doanh nghiệp quan trọng khác lúc bấy giờ, SatoIkeda phải liên lạc với lực lượng chiếm đóng và Linn chính là người tiếp đón Sato Ikeda. Ðó là một chàng trai lớn hơn nàng 1-2 tuổi, nét mặt buồn buồn như đang suy tư điều gì đau khổ và bí mật. Ikeda tự giới thiệu tên mình sau khi nghiêng mình cúi chào rất lịch sự theo kiểu Nhật, một kiểu chào mới mẻ và lạ lẫm đối với nàng. Sau vài câu xã giao, nàng hỏi:

– Doanh nghiệp của ông hoạt động trong ngành nào?

– Nuôi ngọc trai, thưa cô.

Sự trầm trồ, quan tâm thể hiện rõ trên nét mặt của Linn.

– Cô có vui lòng đến thăm trang trại nuôi ngọc trai của tôi không?

– Rất hân hạnh được ông mời…

Vài ngày sau, Linn đến viếng trại nuôi ngọc trai. Nàng thật sự bị mê hoặc bởi thế giới ngọc trai do con người sáng tạo ra. Ikeda rất vui trước sự thán phục của Linn.

– Cô có muốn tôi làm hướng dẫn cho cô không?

– Ðể làm gì ?

– Ði thăm viếng khắp nước …Nhật!

Linn gật đầu đồng ý và Ikeda đã làm đúng lời hứa. Vào ngày cuối tuần, Ikeda đậu xe chờ Linn

trước cửa sở làm để đưa nàng đi thăm đất nước Nhật Bản. Nước Nhật cổ kính với đình, chùa, bảo tàng… và cả nước Nhật hiện đại với những dấu tích chiến tranh gần như khắp nơi: những chàng trai trẻ mù lòa, cụt tay, cụt chân, những phụ nữ góa chồng và những khu phố bị san phẳng. Giờ thì Linn đã hiểu vì sao nét buồn luôn phản phất trên gương mặt của Ikeda.

Nhưng lúc nào Ikeda cũng thể hiện là một người đồng hành thoải mái, hiểu biết rộng rãi về nền văn hóa Á Ðông bên cạnh người bạn gái đến từ nước Mỹ. Thỉnh thoảng đứng trước một cảnh đẹp tự nhiên, Ikeda ngâm vài câu thơ toát lên tâm tư tình cảm của dân tộc anh. Cùng với thời gian tình cảm giữa hai người trở nên sâu đậm hơn. Ðối với Linn đó là tình bạn, sự đồng cảm sâu sắc. Linn tin rằng tình cảm Sato Ikeda dành cho nàng cũng là tình bạn… cho đến một ngày Chủ Nhật  của tháng 7 năm 1949…

Linn vừa thông báo với Sato nàng quyết định quay về Mỹ. Ngay lúc đó Ikeda thố lộ tình yêu đối với Linn và xin cầu hôn nàng, điều mà nàng không hề chờ đợi. Linn không muốn làm khổ chàng trai Nhật và cũng không thể chấp nhận lời cầu hôn.

– Không thể được anh Ikeda ạ. Mỗi chúng ta thuộc về một đất nước quá cách biệt, xa xôi.

– Không đâu, Linn. Tình yêu của chúng ta là có thể!

– Nào anh Ikeda. Khi cầu hôn em, anh có nghĩ rằng anh sẽ đến sống với em ở nước Mỹ không.

– Tất nhiên là không… Anh không thể rời bỏ nước Nhật.

– Còn em thì cũng không thể sống suốt đời tại đây. Ikeda không đáp lời Linn. Chàng chỉ cúi đầu biểu hiện sự đồng tình…

Ba tuần sau, ngày 02 tháng 08 năm 1949, họ lại gặp nhau. Cả hai đều hiểu rằng đây là lần gặp nhau cuối cùng. Sato Ikeda trao cho Linn chiếc hộp nữ trang đựng một chuỗi hạt trai tuyệt đẹp. Rồi chàng nói với giọng hơi run:

– Em có muốn cùng anh đến ngôi đền Nagoya không? Ðó là một tập quán của người Nhật để nói lời từ biệt người thân.

Linn Anderson chấp nhận lời đề nghị của Ikeda. Nàng rất cảm động cùng Ikeda đến ngôi đền. Một vị hòa thượng đang chờ họ tại đó. Buổi lễ “từ biệt” được tổ chức trong tiếng kinh cầu của vị hòa thượng, khói nhang và mùi hương của vỏ cây đàn hương đang cháy trong lò. Theo hướng dẫn của Ikeda, thỉnh thoảng Linn nghiêng mình, cúi đầu, chắp tay xá… Buổi lễ “từ biệt” kết thúc không lâu sau đó. Vị hòa thượng đến trước mặt Linn, nắm hai tay vào nhau, cúi đầu 3 lần. Ngài lấy ra từ trong túi áo cà sa tờ lụa với mấy dòng chữ màu đỏ. Sato Ikeda nói với nàng:

– Em hãy cẩn trọng cất giữ bên mình tấm lụa này, xem nó như một kỷ vật quý báu…

Ðến đây, Linn chấm dứt câu chuyện kể. Luật sư John Campbell tỏ vẻ xúc động.

– Linn này. Có một điều làm anh khó hiểu. Việc lừa gạt này không phù hợp tí nào với tính  cách của nhân vật Sato Ikeda mà em mô tả trong câu chuyện. Mặt khác, mưu mô mà Ikeda hành xử sẽ không hy vọng mang lại cho anh ta bất kỳ lợi ích nào.

Linn ngồi tư lự.

– Em cũng nghĩ vậy, em không thể tin nổi. Theo anh thì Ikeda làm điều đó vì mục đích gì ?

– Anh không biết. Cách hành xử của Ikeda quả là khó hiểu. Chắc phải đợi thời gian trả lời thôi…

Ngay trong ngày hôm đó, John Campbell liên lạc với Nagoya và anh nhận được câu trả lời mà

anh mong đợi. Lập tức anh nhấc điện thoại lên thông báo kết quả cho nữ đồng đội xưa.

– Linn này! Anh biết tại sao Sato Ikeda đã cưới em… Thật không thể tưởng tượng! Anh

không mấy khó khăn để tìm ra câu trả lời. Hiện tại ở Nagoya, người ta đang bàn đến câu chuyện này, và nhà chức trách Hoa Kỳ đang tìm em để thông báo sự việc.

– Việc gì?

– Khi em biết được sự thật, em sẽ hiểu rõ vấn đề…

Rồi John im lặng.

– Anh John, em xin anh hãy kể cho em nghe đi. Tại sao anh lại do dự, im lặng?

– Anh lo sợ em sẽ bị cú sốc… Sato Ikeda đã chết!

– Chết rồi ư!

– Vâng, anh ta đã tự tử chết. Thật là khủng khiếp. Sato Ikeda đã tự tử theo kiểu Nhật:

hara-kiri, tức là mổ bụng tự sát…

Bên kia đầu dây, Linn  hét lên một tiếng. Nàng cố xua đuổi hình ảnh ghê rợn vừa xuất

hiện trong đầu: Sato cầm kiếm samurai tự rạch bụng. John nói tiếp:

– Anh hiểu rất khó khăn cho em vượt qua trạng thái bàng hoàng này. Nhưng hãy nghe

anh kể tiếp. Sato Ikeda đã để lại một bức thư giải thích hành động của anh ta. Em hoàn toàn đúng khi từ chối lời cầu hôn. Một cuộc hôn nhân như thế là không khả thi bởi hai người thuộc về hai xã hội hoàn toàn khác biệt. Anh ta cám ơn em đã dành cho anh ta những giây phút hạnh phúc.

Linn Anderson đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đến độ nàng không thốt lên được

lời nào. Luật sư lại tiếp:

– Trong bức thư từ biệt, Sato Ikeda giải thích rằng chết vì tình yêu là điều anh mong ước.

Một trong những người ông của Sato đã tự tử vì bố mẹ phản đối ông cưới người phụ nữ trẻ mà ông ta hết lòng yêu thương. Sato rất tôn sùng người ông này và anh ta rất hạnh phúc được hội ngộ ông nơi chín suối…

Ngưng giọng trong giây lát, luật sư John đi đến kết luận gây sốc nhất:

– Sato Ikeda không tự tử vì tuyệt vọng. Tất cả thành viên trong gia đình anh đã lìa đời

trong chiến tranh. Do đó người thừa kế khối tài sản của anh là người thân duy nhất hiện nay, đó chính là em, Linn Anderson!

– Là em?

– Ðúng vậy, vì em là người vợ hợp pháp của Sato. Hôn lễ và tấm lụa “kỷ vật từ biệt”, giấy

chứng nhận kết hôn hoàn toàn hợp pháp, được chính quyền Nhật công nhận. Toàn bộ tài sản của Sato Ikeda thuộc quyền sở hữu của em, giang sơn nuôi ngọc trai bây giờ là của em!

Linn Anderson như nghẹt thở trước những tin bất ngờ này vừa lọt vào tai nàng: người

đàn ông tự tử chết theo cách khủng khiếp nhất, hara-kiri, đã biến nàng trở thành nhà tỷ phú chỉ trong tích tắc…

– Anh John, thật tình em không muốn khối tài sản đó!

– Anh hiểu em. Nhưng tài sản đó không thể vô chủ.

– Em nghĩ  giải pháp tốt nhất là dùng nó để giúp những nạn nhân chiến tranh của

nước Nhật.

– Thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu sẽ phức tạp đấy…

– Vâng em biết. Anh giúp em thực hiện thủ tục nhé.

Bên kia đầu dây im lặng trong giây lát, rồi giọng nói cảm động của Linn nói tiếp:

 – Anh John! Sato đã không lừa dối em. Ðó chính là “Kỷ vật từ biệt”!./.

Đào Duy Hòa phỏng dịch

 (Phỏng dịch từ nguyên tác “Souvenir d’adieu”)

Kỷ vật từ biệt - TRE Magazine


RĂNG RỨA?

Buổi sáng hôm ấy lần đầu tiên em trốn học, trốn học không phải vì lười mà vì sợ, sợ với cái lì của anh cứ theo như cái đuôi từ trong thành Nội qua cầu Tràng Tiền, qua gần hết con đường phượng bay mà cũng không chịu buông tha cho người ta! Ốt dột lắm! Mấy đứa bạn em mà hắn thấy thì có nước em độn thổ! Răng anh lì rứa? 

Em làm sao biết được buổi sáng đó là buổi cuối cùng của anh ở Huế. Hai đứa chầm chậm bước bên nhau loanh quanh dọc bờ sông Hương dưới bóng mát êm đềm của hàng hoa sứ thơm ngời ngợi. Anh nhặt cánh hoa rơi khẻ cài lên tóc em mà bàn tay run rẩy, mùi hương của tóc em còn làm anh ngất ngây hơn cả hương hoa.

- Răng anh mặc áo màu vàng dị rứa? 

- Vì áo em màu tím.

- Răng rứa?

- Vì đóa hoa pensée anh trồng ở Dalat có 2 màu, màu tím bên ngoài và màu vàng bên trong. Anh muốn là màu vàng bên trong màu tím của em.

- Răng rứa? 

– Để khi mô anh về Dalat nhớ em anh sẽ bớt lạnh.

- Răng rứa? 

– Vì đã có màu tím của em bên ngoài che chở cho anh bên trong.

– Răng rứa? Răng anh hay nhớ Dalat rứa? 

Cứ như vậy hai đứa chúng mình một đứa áo vét vàng một đứa áo dài tím đã tung tăng khắp mọi nẻo đường của Huế mùa Hè. Bàn tay em đã ngoan ngoãn nằm trong tay anh lúc nào mà không còn “răng rứa”, không còn “ốt dột”.

Mình dạo vô Thành hướng về hồ Tịnh Tâm, em hái hai chiếc lá sen to đội lên đầu mỗi đứa một lá che nắng. 

– Ba mạ em mà thấy cái cảnh ni chắc em bị cạo đầu. 

– Cạo đầu thì vô chùa đi tu luôn.

– Chừ thì em không thích đi tu nữa!

- Răng rứa?

- Vì em không thích đi tu một mình.

- Răng rứa?

- Vì em sẽ nhớ anh.

– Rứa có chùa mô chịu cho hai đứa mình cùng tu không hè?

- Ừ, em cũng không biết nữa, để mai em lên chùa hỏi thầy rồi trả lời anh. 

Bây giờ nhớ lại mà anh vẫn còn nghe rõ tiếng em cười giòn

dã bên tai, bên bầu trời bỗng sáng rực lên, không hiểu vì “nắng thủy tinh” hay vì ánh mắt hạnh phúc của Hà Miên.

Hà Miên ơi Hà Miên! Tên em là một giòng sông ngủ hay là một giấc ngủ bên sông?

Hà Miên ơi! Hà Miên ơi! Giữa dòng đời phiêu bạt anh đã về đây dừng bước bên bức tường rêu phong tràn ngập kỷ niệm này mà vẫn cứ nhớ hoài hai tiếng… “răng rứa?”./.

Phan Dung Dalat

 

Không có nhận xét nào: