a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Miền Tây mùa vịt đồng

Khi mùa nước về, những cánh đồng lúa bạt ngàn ở miệt đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch lúa, cũng là lúc hàng trăm đàn vịt đồng của nông dân lội tràn xuống ruộng.


Là một trong những nghề đặc trưng của người dân miền Tây Nam bộ, đuổi vịt đồng mặc dù vất vả, cực nhọc khi liên tục phải di chuyển bất kể mưa dầm hay nắng cháy, qua những cánh đồng hoang hay các con sông mùa nước lũ nhưng lại đem đến nguồn thu nhập khá cao bởi chi phí ít do nguồn thức ăn tự nhiên của vịt rất dồi dào. Với nhiều người nông dân, nuôi vịt đồng như để lấp khoảng trống của thời gian giữa hai vụ lúa và thói quen mùa nước về.


Mùa vịt đồng ở miền Tây Nam bộ
Rong ruổi qua những đồng hoang

Tại cánh đồng lúa mới thu hoạch xong, còn trơ những gốc rạ và cả vài tàn khói bay lờ đờ sau lần đốt đồng chiều hôm trước sót lại ở xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), chúng tôi gặp anh Ba Nghĩa - một chủ vịt đang hì hụi quây chiếc giàn nứa đơn sơ để vịt trú đêm. Vừa nhìn ra cánh đồng mênh mông nước, anh Ba vừa bảo, đợt này nhà anh có cả thảy ngàn hai vịt. Theo đó, từ hồi đầu tháng, anh đã xuống lò ấp vịt ở dưới Cao Lãnh để lựa những chú vịt ưng ý nhất về nuôi. Mặc dù đồng đất ở đây rộng mênh mông, là thế giới không thể tốt hơn để vịt đồng phát triển mà không cần tốn quá nhiều thức ăn, nhưng nghề nuôi vịt đồng lại phải đối mặt với sự rủi ro rất lớn, đặc biệt là số vịt bị mất, bị thất lạc, bị chết… rất nhiều. Thường nếu ban đầu là ngàn hai thì khi xuất chuồng, vịt còn một ngàn cũng được coi là thành công. Theo kinh nghiệm của anh Ba Nghĩa, nuôi vịt đồng khó khăn nhất ở giai đoạn 20 ngày tuổi đầu tiên, bởi lúc đó chúng còn nhỏ, sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh hoặc chết. Thường thì những ngày này phải thường xuyên cho vịt ăn thức ăn có trộn thuốc kháng sinh để đề phòng các loại dịch bệnh lây lan.


Từ lâu, vịt đồng đã được coi là đặc sản miền Tây Nam bộ
Chia sẻ thêm về nghề đuổi vịt đồng, anh Ba cười nói: Mặc dù nhìn khá đơn giản nhưng nghề này lại cần ít nhất là 2 người, với những đàn chừng ngàn con. Nếu số lượng lớn hơn, có khi phải 3 hoặc 4 người mới có thể quản lý nổi bởi tập quán sinh hoạt của vịt không thường xuyên theo bầy đàn. Giữa những cánh đồng mênh mông, chúng thường đi tự do để bắt mồi, mò tìm thức ăn. Theo đó, thức ăn chính của vịt đồng là lúa, thóc sót trên ruộng, là tôm, cá tép hay các sinh vật phù du trong môi trường nước. Ngoài ra, trong những năm gần đây, mùa nước nổi miền Tây xuất hiện rất nhiều ốc bươu vàng và đây chính là nguồn thức ăn quý giá của vịt đồng. Ngoài ốc con, trứng ốc bươu vàng nằm trên những gốc rơm rạ cũng thường được vịt đồng tìm thấy. Nhiệm vụ của người chăn là phải quản lý cả khu vực rộng lớn đó để vịt đừng đi lạc, hoặc đừng lẫn vào với đàn vịt khác. Ngoài ra, nuôi vịt đồng là cách nuôi chủ yếu dùng thức ăn tự nhiên nên đàn vịt phải thường xuyên di chuyển, không ở cánh đồng nào cố định quá nửa tháng. Vì vậy, người nuôi vịt phải luôn sẵn sàng tư thế di chuyển từ nơi này qua nơi khác cùng đàn vịt. Như đàn vịt của anh Ba, bữa nay ở Tân Phước nhưng có thể mai mốt lại chạy qua bên Sa Rài, Bình Phú hoặc cuối tháng cả đàn có thể ngược lên Tân Hộ Cơ, Thông Bình hoặc vòng sang cả bên Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) nữa. Mùa này, khắp cả vùng mênh mông hàng trăm cây số này đều ngập nước, bỏ hoang nên đó được coi là thế giới bất tận của những người chăn vịt đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề chăn vịt đồng có từ rất lâu ở vùng miền Tây nơi đây bởi thói quen sinh hoạt mùa nước nổi của người dân. Nó bắt nguồn từ những cánh đồng hoang và nguồn thủy hải sản dồi dào có thể làm nguồn thức ăn cho vịt đồng. Tuy nhiên, hiện nay môi trường đang ngày càng ô nhiễm khiến vịt đồng có thể mắc nhiều thứ dịch bệnh mà chúng gặp phải trong quá trình chạy đồng. Chính vì vậy, so với khoảng chục năm trước, số người chăn vịt đồng đã ít hơn rất nhiều. Như anh Ba cho biết, trước kia mùa nước như hiện nay hầu như cánh đồng nào cũng ngập những đàn vịt, rộn ràng tiếng kêu của loài gia cầm khá thân thiện với con người này. Nhiều khi, người ta chăn vịt quá nhiều nên chúng bỏ đi không biết, lâu dần biến thành vịt trời sống hoang dã trên đồng đất cũng nên. Còn hiện giờ, những người đuổi vịt đồng như anh là rất ít.


Nguồn thức ăn chính của vịt trên các cánh đồng là lúa còn sót lại, ốc bươu vàng, trứng ốc...
Đặc sản miền sông nước

Theo bác Năm Vinh, một chủ chăn vịt đồng khác ở dưới Tràm Chim (Đồng Tháp) - người đã có nhiều năm chìm nổi với nghề đuổi vịt, thì hiện nay vịt chạy đồng khó cạnh tranh lại với vịt nuôi bằng thức ăn nhanh công nghiệp. Cụ thể, nếu như vịt nuôi theo cách công nghiệp, nhốt trong chuồng thì có thể chỉ khoảng 60 đến 80 ngày là xuất chuồng, trọng lượng cũng dễ dàng đạt tới 2,5 đến 3,5kg trong khi vịt đồng phải mất tới 120 ngày, thậm chí lâu hơn nữa mà trọng lượng cũng chỉ đạt từ 2 đến 2,5kg mà thôi. Vì vậy, cũng là nghề nuôi vịt nhưng ngày nay, nhiều người không còn đuổi đồng nữa mà chỉ nhốt ở trong chuồng và cho chúng ăn thức ăn công nghiệp. Có lẽ vì những nguyên nhân trên mà giờ đây vịt đồng từ chỗ rất nhiều giờ trở lên khá hiếm hoi ở ngay cả vùng sông nước nơi này. Hơn nữa, nếu chỉ nhìn bề ngoài ngay cả những người có kinh nghiệm nuôi vịt cũng khó lòng phân biệt được vịt chạy đồng và vịt nuôi công nghiệp. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ vịt đồng buộc phải giảm giá sản phẩm khi xuất vịt. Và từ một loài gia cầm phổ biến đặc trưng của người miền Tây sông nước đến nay, vịt đồng gần như là một thứ đặc sản khá hiếm bởi chỉ những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa mới có không gian để nuôi mà thôi.

Theo nhiều người nuôi vịt chạy đồng cho biết: Nghề nuôi vịt chạy đồng vất vả, người nuôi phải chịu cảnh ăn bờ, ngủ bụi, lăn lóc gió mưa sương nắng, thường chỉ có cái chòi tạm với vài tấm bạt vài trăm mét lưới là dựng chuồng. Có chuyến chạy đồng phải xa nhà vài tháng, thường người có sức khỏe lực lưỡng mới kham nổi nghề này... Nhưng bù lại, nếu người nuôi chăm sóc tốt, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, sau một vụ chạy đồng 3 – 4 tháng, lãi ròng từ 30 – 40 triệu đồng (đàn vịt trên 2 ngàn con), do đó nghề này có thu nhập khá cao (lãi ròng 50 – 60%), nhưng cũng có nhiều người điêu đứng vì nuôi vịt chạy đồng, mà ông bà ta thường bảo: "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”.

Thế nhưng, với những người đã nhiều năm gắn bó với vịt, coi đây là sinh kế như bác Năm thì mặc dù đồng đất ít đi, không thể rong ruổi cùng đàn vịt được nhưng bác vẫn phải nuôi. Theo đó, bác Năm gây một đàn ngàn rưỡi từ đầu tháng rồi làm một cái lán bằng tre lứa, sống cùng đàn vịt ở giữa cánh đồng. Ban ngày, bác đuổi vịt quanh một vài cánh đồng ở đây rồi tối lùa chúng về. Hơn nữa, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, ban đêm bác cũng phải bổ sung cho vịt thêm thóc gạo để chúng đủ chất dinh dưỡng. Bác bảo, nuôi vịt kiểu bán chạy đồng như vậy rất vất vả mà lời lãi chẳng bao nhiêu. Ngoài tiền vốn, tiền thuốc men lại còn phải bỏ tiền mua thức ăn cho vịt. Nếu chúng phát triển tốt thì không sao chứ chẳng may dịch bệnh, chết con nào là lỗ vốn con đó. Rồi lúc xuất chuồng còn bị tư thương ép giá vịt nữa. Sắp tới, bác định chọn ra khoảng 400 con vịt cái tốt làm giống, gây dựng một đàn vịt đẻ nuôi lấy trứng.

Những ngày này dọc theo những tuyến đường miền Tây, khi nước đã về ăm ắp các cánh đồng cũng là lúc những đàn vịt thấp thoáng đâu đó. Và lẫn trong hỗn độn những tiếng kêu quác quác của đàn vịt là thấp thoáng những bóng người nông dân lầm lũi đang cố gắng gắn bó với đàn vịt. Có thể là vì sinh kế, hoặc có thể cũng đơn giản hơn như bác Năm là do cơ duyên, bởi đời bác không nuôi vịt thì còn biết làm gì sau mùa đốt đồng.


ĐOÀN XÁ

Không có nhận xét nào: