Giữa cuộc sống bộn bề, xoay quanh những chuyện gạo tiền cơm áo, con người cứ mãi chạy theo giấc mơ danh vọng mà vô tình quên đi rằng, tình người mới là thứ có giá trị trường tồn mãi mãi.
Mưa. Đã mấy hôm nay cứ mưa rồi mưa mãi. Chẳng ai ưa cái khí trời ẩm ướt, dai dẳng, thấm hơi lạnh và ám hơi nước này. Cả đất, cả trời bị màn mưa mỏng tanh như khói sương mù bó chặt lấy. U ám, tẻ nhạt và bạc phếch. Cái thời tiết ấy dễ làm con người ta quên đi nhiều thứ hoặc một vài thứ, hữu hình hoặc vô hình.
Chợ, đông người và tấp nập. Ồn ào, xô bồ, cạnh tranh và bon chen.
Góc chợ, một ông già mù ngồi bó gối. Đôi mắt đục hướng ra xa xăm vô định. Trước mặt ông là cái nón lá đã rách tả tơi, ẩm ướt nước mưa. Ông có lẽ đã ngồi đó lâu lắm. Khuôn mặt khắc khổ không che lấp đi vẻ nhân từ.
Những nếp nhăn của tuổi già xô đẩy nhau như cho người ta thấy ông đã từng qua đủ những sóng gió thời ông trai trẻ. Lớp áo mỏng phía ngoài thấm nước mưa phùn đã chuyển từ nâu bạc sang màu đậm.
Chợ đông người. Người ta vẫn lướt qua vội vã.
Có một cô gái trẻ vẻ sang trọng, thời trang, ngồi trên xe máy dừng ngay trước mặt ông cụ mua hàng ngay gần đó. Liếc ông một cái, lẩm bẩm: “Ngày nào đi chợ cũng thấy ngồi. Có tay có chân chứ có què quặt đâu mà phải sờ lần ăn xin như thế?”
Mua xong, cô lên xe rồ ga đi, vài vệt nước từ chiếc xe bắn ra đập vào nón của ông. Ông khẽ đưa đôi mắt đục mờ theo hướng xe cô gái, chỉ biết im lặng…
Chợ bắt đầu vãn người. Mấy người phụ nữ đi bán mớ rau, con cá hết hàng sớm ngang qua chỗ ông đều không ngại lấy trong túi ra dăm ba ngàn lẻ, bỏ vào chiếc nón ướt. Ông không quên gật đầu nói tiếng cám ơn khe khẽ cho những người tốt bụng. Người mù, họ có thính giác tuyệt vời như thế đấy!
Chợt, một cậu thanh niên ngang qua. Đã đi lướt qua rồi nhưng cậu lại quay trở lại, móc trong túi tờ hai ngàn lẻ đã cũ nhàu, vo viên ném bịch vào giữa nón. Ông cụ khẽ lắng tai nghe. Như mọi lần ông nói: “Cám ơn đã thương tình!”.
Có hai mẹ con đi chợ về ngang qua. Đứa bé đội cái mũ màu hồng nhỏ nhỏ, nắm tay mẹ bước từng bước chậm vì sợ đường trơn, trên tay nó giữ khư khư cái bánh mì được bọc trong mấy lần giấy bóng.
Dừng lại trước mặt ông già mù, đứa bé kéo tay mẹ nó nói khẽ gì đó. Mẹ nó cười, đưa cho nó tờ năm ngàn trong ví. Nó đi tới cái nón của ông, lấy hai tay đặt cẩn thận tờ tiền vào trong nón, không quên nhặt mấy đồng tiền lẻ người ta vất vô ý gần bay ra phía ngoài vào.
“Cháu gửi ông ạ!”
“Ông xin…”, ông khẽ nói run run, đôi bàn tay đưa ra chạm vào vành nón đã rách nát.
Đứa trẻ quay lại, đi ra chỗ mẹ nó đứng. Nhưng bất chợt nó quay lại chỗ ông già mù. Nó khẽ đặt cái bánh mì vào tay ông rồi cười hồn nhiên:
“Cháu nhường ông nhé. Ông ăn luôn đi không nguội mất!”
Ông già cầm cái bánh mì của đứa trẻ, đôi mắt đục chợt ngân ngấn nước. Mẹ đứa bé đứng ngoài mỉm cười, vẫy tay gọi nó, hai mẹ con chào ông rồi trở về nhà.
Mưa nặng hạt thêm, ông già cầm chiếc bánh mì nóng trên tay mặc cho những hạt nước rơi vào chiếc nón ngay phía trước…
Theo nghethuatsong
8 điều răn vô cùng hữu ích của người xưa để sống thanh thản
Trải qua hàng ngàn năm, người xưa đã đúc kết lại rất nhiều bài học quý giá lưu lại cho đời sau. Những bài học ấy tuy rất đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng hữu ích cho tâm tính và cuộc đời của chúng ta. Hãy cùng đọc 8 điều răn dưới đây và làm theo để đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc đời!
1. Vui không được vui quá
Con người mỗi khi gặp việc vui sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái, dễ chịu. Nhưng vui là không thể vui quá, bởi vì quá vui sẽ dẫn đến tâm bị thương. Người thường cũng có câu: “Vui quá hóa buồn”, là bởi vì một khi vui quá sẽ khiến con người bị mất kiểm soát, lời nói hay bị lỡ, xem nhẹ mọi tiêu chuẩn, điều gì cũng dễ dàng đồng ý hơn và có thể khiến hậu quả không hay xảy ra.
2. Ăn đừng quá no, quá ngon
Ăn chỉ nên ăn no đến 7 – 8 phần, đừng ăn quá no. Ăn quá no khiến thân thể không khỏe mạnh, thậm chí còn khiến sức khỏe suy yếu. Thường xuyên ăn quá ngon cũng là điều không cần thiết. Luôn muốn ăn quá ngon sẽ khiến điều đó trở thành thói quen, gặp khó gặp khổ sẽ khó có thể vượt qua.
3. Ở phòng không quá rộng
Phòng ở không cần quá rộng, chỉ cần yên tĩnh, sạch sẽ gọn gàng, không cần quá xa hoa, lộng lẫy. Bởi vì một khi đã quen sống xa hoa lộng lẫy sẽ dễ dàng khiến tâm trí của mình bị biến hóa thành không tốt.
4. Đi không quá nhanh
Người xưa cho rằng, một người luôn đi quá nhanh, quá vội vã là người có tướng khổ. Đi quá nhanh sẽ khiến con người dễ bị mất kiểm soát, không để ý mọi việc xung quanh và từ đó tạo thành thói quen xấu, luôn hấp tấp vội vã. Từ xưa đến nay, những bậc thánh hiền, hành động của họ luôn khoan thai, từ tốn.
5. Làm việc không quá mệt
Sức lao động của một người là có hạn, nếu làm một việc nào đó, chịu đựng một việc nào đó quá giới hạn sẽ khiến cơ thể và tinh thần bị thương tổn. Đời người, làm việc cần kết hợp với nghỉ ngơi thỏa đáng, đúng lúc, giúp bảo trì thân thể và tinh thần khỏe mạnh.
6. Quần áo đừng quá ấm, quá xa hoa
Mặc quần áo hay đội mũ không cần quá ấm áp hay quá mỏng! Nếu quần áo, khăn mũ quá ấm sẽ dễ dàng khiến người cảm, nếu quá mỏng sẽ dễ dàng bị nhiễm lạnh.
7. Danh không quá tìm cầu
Danh lợi đều là những thứ “khi sinh không đem đến, khi chết không mang theo”. Một người quá tìm cầu danh sẽ khiến con mắt bị che mờ và người ta dám làm nhiều điều trái quy phạm đạo đức để đạt được điều họ mong muốn. Cuối cùng người đó sẽ bị tổn đức, cái được không bù nổi cái mất!
8. Lợi đừng quá tham
Tham lam hưởng lợi, thứ của mình cũng muốn lấy, thứ của người khác cũng muốn lấy. Đây là người mà khiến người khác tránh xa, không muốn lại gần. Hơn nữa, người xưa cho rằng, những thứ của cải trên thế gian nếu trong mệnh vốn đã được định rằng có thì sẽ có, không có mà tranh đoạt của người khác thì rồi cũng sẽ mất đi, chi bằng hãy biết đủ, thỏa mãn với những gì đang có, thuận theo tự nhiên, sống khoan thai và tự tại!
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Mai Trà biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét