a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

TIẾNG YÊU




DƯỜNG NHƯ....




Nước mắt có bao giờ chảy ngược?

image

Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả , thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt , mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh . Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp .
Ðã lâu lắm rồi nhỉ , từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học , hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được .
Nhưng khi ấy con còn nhỏ , trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm . Giáo dục học đường ở bên này , mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành .
Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa , con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con . Mà vì bận sinh kế suốt ngày , mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con , mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con . Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường , dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng . Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải .
Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được , bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con .
Buổi tối, con về , mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn .
Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi .
Thay vì cám ơn , con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng :

“mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con , bài vở của con mẹ để đâu hết rồi , mọi khi con vẫn để ở chân giường mà … Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả . Con tự lo lấy được mà .”

Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó .
Con ơi , con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không . Mẹ ân hận vì đã làm con không vui ! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ . Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình . Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng , người chồng nào chịu cho nổi … Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay .

Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ . Bây giờ con ra trường , có công ăn việc làm , con đi về thất thường , có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần . Mẹ cũng chẳng dám hỏi con .

Ðến một ngày , hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day , con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ . Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ . Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu . Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm . Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến . Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con .

image

Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món , con đã thản nhiên nói với mẹ rằng :

“ Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi , ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già , có người trông nom hằng ngày . Mẹ không phải lo gì cả .
Ðến bữa có người dọn cho ăn . Ðau ốm có y tá săn sóc . Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ , mẹ nhé .”

Bể hạnh phúc đã vỡ tan . Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm . Nó đã phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó .
Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ : “ Nước mắt chảy xuôi , con ạ. ” ..

Từ Uyên

 PHÚC ĐỨC TẠI MẪU



Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.
<!>


Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”. Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

NHỚ LỜI MẸ DẶN

Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.

Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ

Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ niệm.

Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ.

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI

Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.

Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.

Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG

Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”.

Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức....


Đinh Thủy




ĐƯỜNG THI - CHUYỆN BÊN LỀ

TIẾT PHỤ NGÂM
Chuyện chữ nho, nói ra không hết. Cũng không biết tại sao tôi lai đâm ra mê thơ Đường một cách điên cuồng. Nhớ lúc mới bắt đầu học ban Việt Hán ở ĐHSP tôi có một anh bạn thân cũng có chung một niềm say mê y như vậy. Nhà anh ở một ngõ hẽm đường Trần Hưng Đạo, gần Đại Thế Giới miệt Chợ Lớn, vô sâu chừng vài trăm mét. Vào một buổi trưa tôi đi kiếm nhà bạn để mượn bài vở. Lần lần kiếm từng số nhà. Quanh qua quẹo lại, đường xá ở đây như là một nùi chỉ rối. May quá, qua một khúc quanh tôi tìm ra dảy phố nhỏ nầy với số nhà chính xác. Nhìn kỹ thì thấy cái ổ khóa to chần dần trước cửa. Thấy mà tức ứa gan. Làm sao bây giờ, bạn không có nhà, mà cũng không biết phải làm sao. Tôi bèn lượm một cục gạch bể định ghi vài dòng nhắn tin lại. Đương loay hoay thì cạnh bên có một cô người Tàu xinh xinh, khá đẹp mở cửa nhà đi ra. Tôi dọ hỏi thì cô không biết tiếng Việt. Thôi đành. Cầm cục gạch, tôi viết lên cửa cái bốn chữ Hán : Hận Bất Tương Phùng. Cô Tàu nhìn sững tôi và vừa bỏ đi vừa ngoái nhìn lại. Tôi vẫn nhớ hoài ánh mắt ngạc nhiên đó, cho đến bây giờ.
Các bạn biết tại sao không? Vì đó là bốn chữ trích từ bài thơ Tiết Phụ Ngâm của thi sĩ Trương Tịch đời Đường. Nguyên câu là "Hận bất tương phùng vị giá thì". Có nghĩa là Giận là không gặp lúc em chưa có chồng. Viết như vậy tôi cho là đối với anh bạn chủ nhà thì là tiếc không được gặp, còn đối với cô Tàu hàng xóm xinh xinh nầy là phải chi tôi gặp cô ta sớm hơn lúc còn son... Cô nhìn tôi lom lom chắc là do ý nghĩa câu thơ Tiết Phụ nầy hay là cô hoài nghi trình độ chữ Hán chỉ mới học được vài tháng của tôi?.
Bài Thơ LÔ SƠN của Tô Thức
Cũng lại ba cái chuyện thơ Tàu. Các bạn đừng trách nhen. Hình như tôi bị ghiền nó như ghiền thuốc phiện vậy. Hồi nhỏ mê thơ Tàu, về già mê phim bộ, cũng là của Tàu. Sao mà kỳ cục quá, có gì hay đâu sao mà mê man, chết lên chết xuống, kỳ cục thiệt. Bạn bè nghe qua ai cũng tức cười.. Rồi học gì không học lại đi học ba cái chữ nho rắc rối, hèn chi cả đời rắc rối, cho tới già rồi vẫn còn bị tiếp tục rắc rối. Tính đổi sang sở thích khác chuyện Tây, chuyện Mỹ cho vui. Nào ngờ loanh quanh cũng lại chuyện Tàu. Y như phim bộ nhiều tập, phải nhịn cơm, nhịn nước mà coi. Rồi lại tại nhớ tới bài thơ mắc dịch nầy. Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nhận định, phân tách nghe đã thiệt là đã ! Các bạn muốn biết thì tìm vô Google kiếm bài Lô Sơn của Tô Thức (Tô Đông Pha) mà coi cho sướng cái bụng. Xin chép ra đây bài thơ:
-Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
-Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
-Đáo đắc hoàn lai vô biệt dị
-Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Thiền Sư Mật Thể đã dịch như thế nầy:
-Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
-Khi chưa đến đó hận muôn vàn
-Đến rồi về lại không gì lạ
-Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
Nếu bàn về những cái tuyệt diệu của bài thơ nầy thì phải cần bao nhiêu trang sách báo cho đủ. Nội hai đại danh Tô Đông Pha với Thiền Sư Mật Thể nghe qua là muốn té xỉu rồi. Thiệt tình là không dám... dù chỉ một lời. Với tài hèn sức mọn nầy, công lực bún thiu nầy, biết lấy gì mà thưa thốt. Tuy vậy cũng rón rén nói một ý, tuy không ăn nhập gì với bài thơ. Đi tới Lô Sơn rồi về vì không có gì lạ hết. Sắc tức là không, mà không tức là sắc. Có và không đối đãi nhau. Cái tâm khi động khi tĩnh nhưng thật ra chỉ có một, có khác chi đâu, ngó tới ngó lui. Lô Sơn cũng vẫn là Lô Sơn, coi chi cho mất công. Thiên hạ ca tụng tầm bậy tầm bạ không hà, đâu có chi lạ mà coi. Chán ơi là chán. Vậy thì tôi không thèm đi Lô Sơn ở Triết Giang, nằm nhà tán gẫu với bạn bè, thì hình như sướng hơn, có lợi hơn vì đỡ vất vả, trèo đèo lội suối, không phải tốn kém mà lại đỡ bực mình. Lý luận ngu ngu như vậy, các bạn thấy được không, xin thành tâm chỉ giáo. Còn bạn nào có hưỡn,muốn đi chơi Lô Sơn xem cảnh đẹp như lời đồn đãi, thì tôi không cản, cứ đi đi rồi về kể lại cho tôi nghe với. Nhớ chụp ảnh quay phim cho nhiều rồi sang cho một bản. Tại hạ muôn vàn cảm tạ!
CỐ HƯƠNG, TẠP THI của VƯƠNG DUY
Sáng nay thức sớm, đọc được nhiều thơ bạn bè đồng nghiệp, cùng học trò cũ quê nhà. Vui buồn lẫn lộn. Đâm nhớ bài thơ cổ của thi sĩ Vương Duy đời Đường:
-quân tự cố hương lai
-ưng tri cố hương sự
-lai nhật ỷ song tiền
-hàn mai chước hoa vị
Bài thơ rất đơn giản dễ hiểu, nghĩa là vầy:
-bạn từ quê hương đến
-ắt biêt rõ chuyện quê hương.
-hôm trước tựa cửa sổ,
-thấy hoa mai nở hay chưa ?
Tứ thơ của bài nầy là : thấy hoa mai nở hay chưa? Và nhãn tự của câu nầy là chữ Chước, cũng đọc là trước, có nghĩa là "nở". Thơ Đường nhiều bài đơn giản lắm, chữ dùng đơn giản, ý nghĩa đơn giản... y như anh em mình nói chuyện. Cứ đọc thơ Lý Bạch, Đổ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Vương Hàn, Mạnh Hạo Nhiên... thì thấy ngay. Không có khó khăn rắc rối như thơ bây giờ, chữ dùng nghe mà thấy sợ. Trở lại chuyện tại sao tôi nhắc đến bài thơ nầy. Bởi vì gần bốn mươi năm xa quê, tôi chưa một lần về. Phải chi không về mà không nhớ thì cũng đâu có sao. Cái nầy không về mà lại nhớ, nhớ quay nhớ quắc... Cái rắc rối là ở chỗ nầy. May nhờ có facebook gặp lại rất nhiều bạn đến từ cố hương, lòng tôi không còn gì sướng hơn nữa. Chuyện của bạn thì biết đã đành rồi nhưng đóa hoa cạnh nhà bạn.... mà có một thời tôi đi tới đi lui, đi qua đi lại để ngắm, không biết bây giờ đã nở hay chưa, còn trên cành hay đã rụng mất tiêu rồi.. Tôi hoàn toàn không biết gì hết trơn hết trọi. Chờ câu trả lời bạn thân, trái tim tôi đập trật nhịp, tuy là đã rất già, rất già. Có bạn trả lời tôi rất an tâm, có bạn nói, tôi đã khóc, khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ. Òu sont les neiges d'antan!.
ẨM TỬU KHÁN MẪU ĐƠN
Lại chuyện chữ nho. Do học văn thơ Trung Hoa nên tôi rất thích cây cỏ hoa lá xứ nầy (xin mời bạn đọc bài Thảo Mộc Trong Cổ Văn VN, bản có ảnh minh họa của art2all.net đã đăng) Cây Ngô Đồng và hoa Mẫu Đơn được giới văn nhân xứ nầy yêu thích nhất. Qua các thư tịch kim cổ, chúng ta đọc tới đọc lui nếu không bắt gặp cây nầy thì sẽ thấy được hoa kia. Hình như ở xứ Trung Hoa không có cây và hoa nào khác vậy.
Hồi nhỏ khi học thơ Lưu Vũ Tích, tôi thích bài Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn:
-Kim nhật hoa tiền ẩm
-cam tâm túy sổ bôi
-đản sàu hoa hữu ngữ
-bất vị lão nhân khai
Nguyễn Hoàng đã dịch như thế nầy:
-vài chén bên hoa nở
-cũng đành say bên hoa
-chạnh buồn e hoa nói
-đâu nở cho người già
Hồi đó tôi cho là tác giả dùng chữ đơn giản, câu thơ đơn giản, bất cứ ai đọc cũng có thể hiểu được dễ dàng. Nhưng thiệt ra có phải như tôi nghĩ đơn giản vậy không? Đến bây giờ tôi đã là một ông già, đọc lại tứ thơ...đâm lạnh toát mồ hôi:
-đản sầu hoa hữu ngữ
-bất vị lão nhân khai
(chạnh buồn hoa biết nói,
không nở vì ông già)
Đôi khi có dịp tôi cũng biết ngắm hoa. Hoa đẹp trong vườn và hoa đẹp nằm phơi nắng trong sân cỏ, balcon. Hình như ngàn năm trước thi sĩ Lưu Vũ Tích viết riêng bài nầy cho tôi. Câu thơ cứ lãng vãng trong đầu và khi thấy hoa đẹp tôi bèn quên mất, cứ mãi mê ngắm nhìn như lúc tuổi mười tám. Và khi nhớ lại thì đau thiệt là đau, hoa đẹp đâu nở vì ông già... Như tôi bây giờ!


VÕ KỲ ĐIỀN (Laval 2017 August)

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

VÀI NHẬN ĐỊNH CHUYỆN LÀM THƠ, VIẾT VĂN

(Bài phỏng vấn Võ Kỳ Điền do Hồ Đình Nghiêm và Phan Việt Thủy thực hiện)


1/ Trả lời Phỏng Vấn từ nhà văn Hồ đình Nghiêm
(tạp chí Nắng Mới - Montréal Canada - số 38 tháng 8 năm 1991)
Hồ Đình Nghiêm: - Trong những lúc cùng anh em văn nghệ sĩ mạn đàm chuyện thơ văn, anh thường hay cho rằng làm thơ khó hơn viết văn. Trong khi đó thì nhiều người cầm bút bây giờ thường nghĩ ngược lại. Và hiện nay ở hải ngoại nầy trên mặt báo nào cũng tràn ngập những thơ ca, anh nghĩ sao về hiện tượng nầy?
Võ Kỳ Điền: ...đối với những điều tôi đã học thì thơ lúc nào cũng khó hơn văn và trong các thứ nghệ thuật thì thi ca cao quí nhứt. Trong giới văn nhân người ta phân biệt hai loại cầm bút : văn nhân và ký giả. Ngòi bút ký giả chỉ chuyên viết những bài có tính cách thời sự đăng báo mỗi ngày, các tài liệu chi tiết phải chính xác, không được thêm bớt vẽ vời, vì vậy mất đi tính nghệ thuật. Trong giới văn nhân lại chia ra làm bốn cấp. Đứng đầu là thi sĩ (poète) rồi văn sĩ (écrivain) tiểu thuyết gia (romancier), kịch tác gia (dramaturge).
Tây phương đã quan niệm và sắp hạng như vậy đó. Còn Tàu thì khỏi nói, thơ là nhứt. Người đi học phải làm thơ từ khi còn nhỏ và cho tới già, tới chết cũng còn làm thơ. Văn của họ cũng viết theo thể tứ lục, biền ngẫu... cũng y như thơ. Còn loại văn giống như mình bây giờ thì bị coi là tiểu thuyết, dùng chữ ‘tiểu thuyết’ có nghĩa là những chuyện vụn vặt không đáng kể. Trong văn chương thi cử ngày xưa, kẻ sĩ phải học tứ thư, ngũ kinh, Bắc sử Trung Hoa và tập làm thơ phú, kinh sách. Tiểu thuyết không kể đến, nó là ngoại thư.
-Nguyên tắc căn bản khi làm văn học nghệ thuật là văn thì phải có ý, thơ thì phải có tứ. Vậy khi đọc một bài viết mình phải coi ý và tứ trong từng chữ, từng câu, coi nó nằm ở cái chỗ nào. Cái chữ làm bật lên ý hoặc tứ đó, Tàu gọi là “Nhãn Tự”. Nói là viết văn làm thơ mà tìm hoài không ra một ý, một tứ… thì còn gì để nói nữa!
Phải phân biệt rõ như vậy mới hiểu rõ được câu của Hồ Trường An trong một bài viết, đã nói -có những người được gọi là nhà văn mà suốt đời không viết nổi một câu văn.
Tại sao trong các thứ nghệ thuật, thi ca lại cao qúi nhứt ? Vì các đặc tính của nó.
Trước hết nó khó làm nhứt. Các bộ môn nghệ thuật khác đều phải nhờ tới dụng cụ để bổ túc cho các tài hoa của người nghệ sĩ. Người hoạ sĩ phải có cọ, màu. Người nhạc sĩ phải có đờn, trống. điêu khắc gia phải có đục, búa. Vũ công phải có áo quần, điện ảnh gia phải có máy móc...Nếu không có dụng cụ, người nghệ sĩ có khác chi người thường, đến như nhà văn phải có ít nhứt một cây viết và một xấp giấy. Duy chỉ có thi sĩ, bằng vào tài năng trời cho mà ngâm nga những bài thơ tuyệt vời, không lệ thuộc vào một dụng cụ nào hết. Nhờ đó mà thi ca xuất hiện rất sớm với loài người và sẽ còn tồn tại mãi mãi.
Nói tới nghệ thuật thì phải nói tới khả năng khêu gợi cảm xúc của người thưởng ngoạn. Bộ môn nghệ thuật nào cũng giống nhau ở mục đích tạo cho con người thấy cái hay, cái đẹp của cuộc sống. Thơ nó đã làm trọn vẹn hoặc hay hơn chức năng đó so với các nghệ thuật khác mà không nhờ vào dụng cụ nào hết. So với văn nó hơn một bậc vì nó sử dụng ngôn ngữ, âm thanh thật tối thiểu mà hiệu năng lại đạt được tối đa. Ngôn ngữ dùng trong thơ phải là thứ ngôn ngữ tinh vi, chọn lọc tạo được phản ứng cảm xúc dây chuyền như phản ứng nổ hạch tâm trong lò nguyên tử. Nhà văn muốn cho độc giả cười hoặc khóc phải viết một truyện ngắn hoặc dài cả chục trang. Người thi sĩ chỉ làm vài ba câu thơ mà cũng tạo được tác dụng y như vậy.
Hay hơn nữa, người ta đọc một tiểu thuyết xong nhớ ý mà quên lời, đọc một bài thơ hay thì thuộc lòng ngâm nga có khi suốt đời. Thơ ngắn nhứt của Trung Hoa, một bài có 20 chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt) đến như thơ Nhựt Bổn, loại hài cú chỉ còn có hai câu. Nghiêm thử nghĩ coi, làm 2 hay 4 câu thơ mà khiến người ta cảm xúc được, rung động được, thì dễ hay khó ? Nhà văn phải viết hàng chục, hàng trăm trang giấy dày đặc chữ mà cũng khó làm thổn thức được ai.
Vì những lẽ đó, tôi chỉ dám viết văn mà không dám làm thơ. Nói thêm một chút chỗ này, không phải chỉ có mình tôi không biết làm thơ đâu. Người không biết làm thơ, thiếu gì… Những bạn nào ai không biết làm thơ cũng đừng vội buồn nghen. Trong văn học Trung Hoa cũng có tới hai người không biết làm thơ lận. Đó là Tăng Cũng và Lỗ Tấn. Cổ nhân Trung Hoa thường nói : 'Có ba điều ân hận, một là hoa Hải đường không hương, hai là cá cháy nhiều xương, ba là Tăng Tử Cố không biết làm thơ’
Tử Cố là tên tự của Tăng Cũng đứng trong hàng bát đại gia của nhà Tống, đậu Tiến Sĩ, nổi danh văn chưong kỳ tài mà không biết làm thơ. Còn Lỗ Tấn là đại văn hào Trung Hoa thời Mạt Thanh. Văn của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, nổi danh khắp thế giới . Vậy mà ông thường hay than thở -thơ khó quá, tôi không biết làm.
Có lẽ tôi học cổ văn Trung Hoa nên bị ảnh hưởng tư tưởng của hai ông này chăng nên thấy thơ là sợ hãi. Không dám bàn !
Dĩ nhiên, tôi thật tình tôn trọng ý kiến của các bạn cho thơ dễ làm hơn văn. Tôi cũng cảm ơn ý kiến đó, nhờ nó mà tôi thấy tôi giỏi hơn... Nghiêm cũng hỏi về hiện tượng dạo này có nhiều người làm thơ. điều này có gì lạ đâu. ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu đậm, nhứt là Việt Nam mình lúc nào cũng có rất nhiều người làm thơ. Thơ đã vào tận xương tủy dân tộc. Gần vài triệu người sống cuộc đời xa xứ, lưu lạc tận góc biển chân trời, mỗi người là một trời tâm sự ngổn ngang, nói sao cho xiết. Không gởi gắm tâm sự vào thơ thì gởi vào đâu ? Tôi chắc chắn rằng trong số người làm thơ đông đảo đó thế nào cũng có được những thi sĩ tài hoa. Chúng ta chờ xem...
Hồ Đình Nghiêm: -Anh nghĩ sao thời gian gần đây trong dòng văn chương hải ngoại có lưu truyền một khuynh hướng được gọi là “Văn Phong Miền Nam hoặc Văn Chương Miệt Vườn” và nhà văn Võ Kỳ Điền được sắp xếp vào khuynh hướng nầy ?
Võ Kỳ Điền: -Từ mấy năm nay, tự nhiên lại có danh từ “Văn Phong Miền Nam" hoặc "Văn Chương Miệt Vườn” gì đó trong văn giới. Thiệt tình tôi không biết. Tôi bắt đầu viết từ năm 1980 cho đến nay, khi nào thấy cần thì viết, vậy thôi. Thiệt tình khi viết không bao giờ nghĩ tới tôi là nhà văn. Vì không nghĩ mình là nhà văn nên cũng không bao giờ để ý tới mấy chuyện bên lề đó. Ông Bình Nguyên Lộc, ông Sơn Nam, khi viết văn, tôi nghĩ các vị đó cũng đâu bao giờ nghĩ mình viết cho Rạch Giá, Cà Mau nào đó mà viết cho cả nước Việt Nam chớ... Còn nếu bàn về vấn đề văn phong miền Nam thì chắc phải có một bài khảo luận riêng kể từ đời Trịnh Nguyễn với văn học Nam Hà cho đến ngày nay với các đặc tánh của nó. Tôi thấy có nhiều người hiểu lầm văn phong với phong tục. Vì vậy họ thường viết về phong tục tập quán miền Nam.
Vậy ông Vũ Bằng viết cuốn ‘Món Lạ Miền Nam’ ông ấy đã viết theo văn phong nào, Vũ Bằng viết theo văn phong Miền Nam chăng? Tôi viết cuốn Pulau Bidong, Miền Đất Lạ, vậy là viết theo văn phong Mã Lai chắc ? Khi nào có dịp tôi sẽ trở lại đề tài này để xác định rõ -thế nào là văn phong miền Nam, tại sao trước 75 ở Sài gòn không có mấy chữ này, bây giờ lại có?
Còn danh từ Văn Chương Miệt Vườn tôi thật tình không hiểu rõ. Theo tôi, chữ ‘Miệt Vườn’ có ý nghĩa khinh khi. ‘Miệt Vườn’ đồng nghĩa với ‘Nhà Quê’. Có lẽ viết văn phải dùng chữ trau chuốt bóng bẩy, diễn tả những tình ý sâu xa, cao quí. Nhà văn nào viết đơn giản, gọn gàng, giản dị... thì bị gán cho Văn Chương Miệt Vườn. Bạn nghĩ coi, gọi vậy cũng còn khá. đáng lẽ nên gọi là Văn Chương Miệt Ruộng cho đáng đời.
Hiểu nghĩa một danh từ cần phải xác định vị trí của nó trong câu nói. Khi ông Sơn Nam viết cuốn ‘Văn Minh Miệt Vườn’ là ông đang đứng ở cương vị người học giả khảo cứu các đặc tính của miệt đồng bằng sông Cửu Long... Nhưng trong danh từ ‘Văn Chương Miệt Vườn’ không thể hiểu là văn chương ở vùng đồng bằng Cửu Long được, mà phải được hiểu là ‘ văn chương nhà quê’ để đối lại với ‘văn chương thành thị’
Nhưng thôi, chuyện đó là chuyện của các nhà văn với nhau. Tôi chưa dám lạm bàn, sợ bị trách cứ như một nhà văn đã viết: ‘Các ông nhà văn, các ông đồ nhiễu sự !’
2. Trả lời nhà thơ Phan Việt Thủy
(tạp chí Việt - Úc châu- số 5 đầu năm 2000)
…. Quan niệm thông thường cuả các nhà văn hiện đại, khi thích thì viết, văn chương cũng không nhứt thiết phục vụ cho ai hoặc vì một mục đích gì. Tôi không phản đối quan niệm nầy nhưng không thích như vậy. Văn chương phải phản ảnh trung thực cuộc sống và phải thăng hoa Con Người. Có lẽ bản chất tôi là thầy giáo ham thích truyền đạt cái hay, cái đẹp nên lúc nào cũng muốn phô bày những thực trạng của xã hội, nỗi đau khổ lẫn sung sướng của kiếp người, hầu mong được độc giả chia xẻ, cảm thông.
Cho nên đối với tôi, viết không quan trọng. Cái quan trọng là suy nghĩ, thai nghén, nung nấu, phải cần một thời gian lâu dài. Viết chỉ là giai đoạn nối tiếp sau cùng của một quá trình thao thức, suy tư... Tôi không hiểu được tại sao có nhiều người quan niệm văn thi sĩ phải ăn chơi, hút xách, rượu chè, trai gái, mới sáng tác được. Tinh thần mệt mỏi, thân thể suy nhược... thì làm sao mà viết nên tác phẩm! Ðó là vì họ lẫn lộn cách viết giữa nhà văn và nhà báo.
Tôi cho là trong văn chương, kỹ thuật không quan trọng bằng nghệ thuật. Khi viết xong bài, tôi tự chấm điểm bài mình theo thứ tự :
-Dở, Trung bình, Hay và Đã.
Tôi xin được giải nghiã một chút xíu cách đánh giá kỳ cục nầy. Có những bài tôi viết tình tiết hấp dẫn ly kỳ, kiến thức phong phú, nhận xét tinh tế, cách viết tân tiến, chữ dùng mới mẻ... vậy mà lúc đọc lại thì đầu óc trơ ra như đất, không vui, không buồn, nghiã là không một xúc động nào. Vậy thì bài văn nầy có thể 'hay' mà không 'đã ' cũng như một người đẹp ăn mặc rất sang trọng mà lại vô duyên. Nhưng có bài câu chuyện tầm thường, bố cục khá luộm thuộm, tình tiết cổ điển, chữ dùng quê mùa... vậy mà khi đọc đi đọc lại tâm trạng xao xuyến, bồi hồi, xúc động theo từng chữ, từng câu... Bài nào được như vậy tôi cho là 'đã '.
Ðối với tôi, văn chương phải tạo cảm xúc cho người đọc. Văn chương không nhứt thiết phải chuyên chở kiến thức, việc đó đã có các học giả hay nhà khảo cứu lo dùm rồi. Vì vậy từ nhỏ tới lớn tôi đọc văn chỉ tìm tác phẩm đọc cho 'đã ' thôi mà không tìm tác phẩm hay để học hỏi (đó là lý do tại sao tôi không khá được). 'Ðã ' là cái duyên trong văn chương, nó tạo được cảm xúc cao độ cho người đọc. Trong cách viết tôi không chú ý nhiều lắm tới nội dung câu chuyện mà để ý nhiều tới tình tiết của nó (vì câu chuyện nào cũng giống câu chuyện nào!) Tôi chú ý hết sức đến việc tạo cảm xúc bằng hình tượng, bằng ngôn ngữ, bằng đối thoại... Tôi thường coi trọng hình thức diễn đạt hơn là nội dung.
Tóm lại nếu phải chọn giữa người đẹp giỏi mà vô duyên và người dở mà có duyên, thì tôi không đắn đo gì hết, nhắm mắt nhắm mũi mà đưa hai tay ôm lấy người dở liền...
Thông thường vào ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chúa nhựt) khoảng 4, 5 giờ sáng khi giựt mình thức giấc, tôi nằm im trên giừờng, đầu óc lan man nghĩ ngợi chuyện dĩ vãng, chuyện tương lai... rồi bất chợt thấy hiện ra trong đầu một đề tài thú vị nào đó, có thể một truyện ngắn sẽ được thành hình. Ðề tài được chọn lựa phải là một thông điệp nhắn gởi với độc giả, như tình yêu, lòng nhân ái, sự bất công, nỗi khổ đau, cái chết....những đề tài muôn thuở của con người...
Khi muốn viết một bài, điều cần thiết nhứt cho tôi là sự yên tĩnh, phải tập trung tư tưởng thật mãnh liệt, nghĩ thật nhiều về đề tài sẽ viết -như thiền sư tham luận công án - cho đến bao giờ thông suốt lớp lang mới thôi. Rồi sau đó tôi mới tìm tòi nhân vật, tình tiết, hình ảnh, đối thoại, chữ dùng... không dư thừa mà cũng không được thiếu sót, bố cục phải chặt chẽ, nhập, thân, kết cân xứng ... y như những bài giảng ở lớp. Những kiến thức phổ thông học hỏi trong trường ốc hoặc thế giới xung quanh giúp tôi rất nhiều khi đá động tới những đề tài văn chương, vì sơ sót một chi tiết nhỏ hoặc có sai lầm, toàn bài văn sụp đổ...
Những năm trước tôi viết tay trên giấy, bôi bôi xoá xoá tùm lum, bản thảo mới ngó như đống giấy vụn, sửa tới sửa lui, cắt dán rất nhiều lần. Tôi viết chậm chạp và khó khăn nhứt là những tựa bài và câu kết luận. Câu kết của bài Ðá Hoa Cương (trong Kẻ Ðưa Ðường) tôi đã suy nghĩ gần trên một tuần mới có ý. Tôi thường viết ngay tại bàn ăn cơm, dao rọc giấy, kéo, băng keo, viết xanh viết đỏ để bừa bãi, nhiều khi vừa ăn vừa sửa bản thảo, từng chữ từng câu...
Có khi bài gởi đi rồi, phải điện thoại nhắn gởi nhà báo sửa dùm thêm nữa. Bây giờ tôi tập dùng computer khá quen, rất tiện, tha hồ thêm thắt vẽ vời. Bài viết rồi để đó vài ngày sau, đọc lại thấy khuyết điểm, bôi bỏ nữa tới khi nào vừa ý mới thôi. Dùng máy gởi bài đi nhanh chóng, không mất thì giờ chờ đợi mà cũng đỡ tốn tiền tem….


Võ Kỳ Điền

CON TÀU CUỘC ĐỜI

 

 
Giữa hai bờ sinh tử ta sinh ra trên đời. Đời ta bắt đầu khi Con Tàu cập bến, đón ta lên. Tinh thần ta cùng giá đỡ thân thể lúc vừa chào đời, nhẹ bước lên chuyến hành trình định mệnh. Đời ta kết thúc khi thân thể nhẹ bước đưa tinh thần ta rời con tàu như một tất yếu định sẵn, không đáng sợ hãi.
 
Mỗi người lên tàu ở những sân ga khác nhau của chuyến tàu chung đời người. Các bến tàu tiếp nối nhau, tàu chuyển bánh rồi dừng bánh chỉ là những chặng đường nhỏ cho các hành khách đổi toa nếu muốn, đánh giá, quan sát, mong ước chân trời mới phía trước. 
 
Trên chuyến tàu chung nói chung thì không ai đơn độc. Ở đó, trên mỗi toa tàu diễn ra rất nhiều cuộc gặp gỡ và chia ly - do thân thể hay tinh thần họ chỉ dẫn. Hành khách tự khẳng định mình, làm mình đẹp lên hay xấu đi trong mắt những người khác qua cách họ chia sẻ tình cảm, tình yêu, trí tuệ, văn hóa và tâm linh với nhau. Có thể họ đã gặp nhau, có thể họ đã xa nhau và từ đó nảy nở những nỗi niềm thương nhớ, hạnh phúc và khổ đau...
 
Có rất nhiều người được đồng hành cùng ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người bạn tốt và được thương yêu họ trong suốt hành trình. Có người có cơ hội, may mắn được gặp gỡ những tấm gương lớn, những hành khách nổi tiếng tuyệt vời, học hỏi và trao đổi các giá trị quý giá từ họ. Nhưng không ít người không may lên tàu và cô đơn, lạnh lẽo ngồi mãi ở một khoang trống vắng, thiếu vắng tình thân thương hay còn bị người khác hắt hủi, dối lừa, phụ bạc cho đến lúc xuống tàu. Có kẻ lao nhanh lên con tàu, vội vã gặp gỡ, vội vàng chia tay, cố hưởng thụ vật chất rồi nhanh chóng suy tính mưu sinh với những người sẽ gặp để rồi lay lắt, thê thảm và thân thể tê tái rời khỏi con tàu. Còn có những người bất hạnh hơn là vừa lên ga trước đã xuống ngay ga sau, chẳng kịp để ai nhận ra bóng dáng của họ. 
 
Chuyến hành trình của mỗi người mỗi cảnh. Hành trình của bạn có thể có biến cố, có thể có vui sướng và khổ đau, hân hoan và cả thất vọng, nhưng may mắn rủi ro sẽ chia đều cho chúng ta! Hạnh phúc thay cho những ai đã có ít nhất một bạn đồng hành khác sẵn lòng chia sẻ và ngồi bên trong suốt cuộc hành trình. Bạn hãy cùng nhau làm cho chuyến du hành có những cuộc gặp gỡ ý nghĩa, để cùng tận hưởng và kinh nghiệm những điều kỳ thú, những kỷ niệm sâu sắc, đẹp đẻ, giàu trí tuệ - nhân văn – lương thiện – phong phú của tình người. 
 
Bạn mong gì khi về chặng cuối của chuyến đi không?
 
Tôi mong sao khi về nơi ấy – sân ga cuối của mình, các bạn đã nắm được trong tay điều bạn từng mong ước cho đời mình. Và dẫu bạn đã bước xuống Ga cuối thì bóng bạn vẫn còn đó và người đời vẫn sẽ ngậm ngùi kỷ niệm, nhớ nhung bạn. Trong tiếng còi tàu, trong những suy tư, những khát vọng, những nỗi niềm của người ở lại, bạn vẫn còn đó, tinh thần bạn vẫn còn đó. Hành khách vẫn muốn tìm kiếm, nâng niu phần tinh thần, tình cảm và trí tuệ của bạn trong chuyến hành trình của họ. Trước khi rời tàu, bạn hãy để lại hơi ấm, điệu nhạc, tình thương, niềm tin, ý tưởng để qua đó họ vẫn nhớ bạn – một khách quý đã từng đi trên Con tàu vĩnh cửu ấy. 
 
Tôi biết, trong muôn vàn hành khách đã lên xuống con tàu từ xưa đến nay, đã có rất nhiều bóng hình, rất nhiều tinh thần của họ vẫn gắn bó sống động, trường tồn mãi mãi cùng chuyến hành trình chung. Và sẽ thật may mắn nếu như chúng ta bằng cách nào đó được gặp họ, gần gũi với họ dù chỉ là ở mức cuộc sống tinh thần, tâm linh cũng quý giá. 
 
“Đời người chỉ đi chuyến tàu cuộc sống ấy có một lần, phải "đi" ra sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã trên đó hoài phí, "đi" ra sao cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đốn hèn của mình”. Cách đúng đắn nhất là ta trau dồi chia sẻ giá trị tinh thần tình cảm của mình, giá trị văn hóa của cộng đồng ngày ngày trên hành trình. Chúng sẽ ở lại mãi mãi cùng đoàn tàu và những hành khách ở đó.

Đời Người, Đơn Giản Chỉ Là 10 Câu Nói

Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. (Ảnh: Kknews)

Đời người, vì có quan tâm, nên có thống khổ; có hoài nghi, nên mới tổn thương; có xem nhẹ, nên mới vui vẻ. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên…


1. Phúc họa
Tích đức, làm việc tốt mặc dù không ai thấy, nhưng trời biết đất biết. Con người làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; con người làm việc ác, họa dù chưa đến, phúc đã rời xa; người làm việc thiện, như cỏ mọc giữa vườn xuân, dù không ai trông thấy, vẫn ngày ngày tăng trưởng; người làm ác, như hòn đá mài dao, không thấy tổn hại gì, nhưng ngày qua ngày sẽ thấy chỗ hao mòn.

Là phúc hay họa đều tại tâm. Điều đáng sợ khi hành ác, không phải sợ người phát hiện, mà ở chỗ tự mình nhận biết; điều tốt đẹp khi hành thiện, không phải là ở chỗ người khác tán dương, mà là ở chỗ chính mình thanh thản.

2. Khoảng trống
Chừa cho mình một khoảng trống, thì tâm hồn mới có thể thoải mái linh hoạt; lúc quan lộ hanh thông, chừa một chỗ trống trong suy nghĩ, chớ để đắc ý làm mê mờ tư tưởng; lúc thống khổ, chừa một khoảng trống cho an ủi, chớ để khổ não bóp nghẹt tâm can; lúc phiền não, chừa một chỗ trống cho vui vẻ, phiền não sẽ tan thành mây khói; lúc cô độc, chừa một chỗ trống cho bạn bè thân hữu, họ chính là một phần trong cuộc sống của mình. Lưu lại một chỗ trống, đây là chân lý nhân sinh, cũng chính là trí tuệ của cuộc đời.

3. Cảm ơn
Cảm ơn người khác đã làm tổn thương bạn, vì họ đã tôi luyện cho bạn một ý chí vững vàng; cảm kích người đã lừa gạt bạn, vì họ giúp bạn tăng thêm nhiều kiến thức; cảm kích người đã đánh đập bạn, vì họ đã tiêu trừ giúp bạn rất nhiều nghiệp lực; cảm kích người đã ruồng bỏ bạn, bởi vì họ đã dạy cho bạn biết tự lập; cảm kích người đã làm bạn trượt ngã, bởi vì họ đã giúp bạn trở nên kiên cường hơn; cảm kích người trách cứ bản, vì họ đã giúp bạn biết im lặng. Cảm tạ tất cả những người đã giúp bạn kiên định, trong thế giới này, nếu ai cũng biết hàm ơn, cuộc sống mới có thể càng thêm đặc sắc.

4. Tùy duyên
Nhân sinh, bất quá chỉ giống như một ly trà, đầy cũng tốt, vơi cũng tốt, cần chi phải tranh giành? Đậm cũng tốt, nhạt cũng tốt, đều có hương vị riêng của nó; ấm áp cũng được, lạnh lẽo cũng chẳng sao, nhìn nhau cười cười.

Cuộc sống, bởi vì quan tâm, cho nên có thống khổ; bởi vì hoài nghi, cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ, cho nên vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên hạnh phúc. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên.

5. Độ lượng
Con người sống ấy, không cần mọi thứ đều phải minh bạch. Nước quá trong ắt không có cá, người quá thanh cao thì không mấy bạn bè. Cùng người nhà tranh giành, nếu thắng, thì tình thân rạn vỡ; cùng người yêu tranh giành, nếu thắng thì tình cảm nhạt phai; cùng bằng hữu tranh giành, nếu thắng, thì tình nghĩa chẳng còn. Tranh giành chính là lý, thua là tình, tổn thương lại chính là mình.

Đen là đen, trắng là trắng, mọi chuyện cứ để thời gian sẽ chứng minh. Buông cố chấp, làm người độ lượng, sẽ thắng cả cuộc đời; thêm một phần bình thản, thêm một chút ôn hòa, cuộc sống mới ấm áp ánh dương.

6. Giàu nghèo
Người thấy đủ, dù ngủ trên mặt đất cũng tựa như đang ở thiên đường; người không biết đủ, dù cho đang ở thiên đường, cũng giống như đang ở nơi địa ngục. Cuộc sống, tâm hồn ‘giàu có’ mới là trọng yếu nhất, bạc tiền vật chất, dù có nhiều hơn nữa cũng vẫn cảm thấy chưa đủ, thì đây mới là nghèo khó.
Trái lại, đời sống vật chất nghèo khó, nhưng tâm hồn lại khoáng đạt, thấy đủ thường vui, tự tại phó xuất, đây mới là giàu có chân chính.

7. So đo
Cho người thuận tiện, chính là lưu lại cho mình hậu phúc. Lòng người vốn tương thông với nhau, bạn nhường người khác một bước, người khác sẽ nhường bạn một đường.
Nhân tâm tựa như con đường, càng so đo, con đường càng hẹp; càng rộng mở, con đường càng thoáng đãng. Tha thứ, dường như là giúp cho người khác, nhưng kỳ thực là mở cho lòng mình một con đường.

8. Buông bỏ
Chuyện hôm nay ta xem là đại sự, ngày mai lại là chuyện nhỏ; năm nay là đại sự, nhưng đến năm sau lại chỉ là một câu chuyện; kiếp này là đại sự, nhưng đến kiếp sau lại là truyền thuyết, chúng ta bất quá cũng tựa như câu chuyện của đời người.
Trong cuộc sống hay công tác, khi gặp phải những sự tình không thuận lợi, hãy nói với tự mình một câu: “Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai sẽ tới, ngày mới sẽ lại bắt đầu”.

9. Đơn giản
Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. Lúc đắc ý cần xem nhẹ, lúc thất ý cần cởi mở.
Cuộc sống có rất nhiều thứ có thể buông bỏ, chỉ cần buông xuống được, thì sẽ lấy lại được. Khoan dung hơn, rộng lượng hơn, vẫy vẫy tay, cười một cái, hết thảy những chuyện không thoải mái đều trở thành quá khứ.

10. Nhân tâm
Đừng xem sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi đó chính là một loại độ lượng; đừng coi sự tha thứ của người khác là nhu nhược, bởi đó là một loại từ bi. Người tâm tính tốt không dễ nổi giận, nhưng không có nghĩa là sẽ không nổi giận; người xem nhẹ không có nghĩa là hồ đồ, mà là họ đã có cái nhìn thông thấu.

Tình cảm, không thể miễn cưỡng; nhân tâm, không thể đùa bỡn; duyên phận, không thể không coi trọng. Đem tình vun đắp tình, như thế mới thực sự có được tình, yêu thương bình đẳng, mới có được tình yêu chân chính.

Tuệ Tâm biên dịch